T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Một lá thư

Nguyễn Đức Thành

Dưới đây là bức thư tôi gửi một người trí thức trẻ tuổi, tôi mới gặp một lần hơn hai năm trước, nhưng cuộc trao đổi ngẫu nhiên lúc ấy khá dài và nhiều cảm hứng. Bạn ấy đang học sau đại học trong nước, thích triết học và khoa học xã hội, đặc biệt say mê chủ nghĩa Marx.

Tôi mới gửi mail đi, với tấm chân tình của một người đi trước. Thấy có thể là hữu ích nên chia sẻ ra đây. Biết đâu có người thấy mình trong đó.

Nội dung là nguyên văn bức thư. Nhưng tên nhân vật đã được thay đổi.

***

Chào Tuấn Hùng,

Anh Nguyễn Đức Thành đây. Anh hiện đang ở Mỹ, anh đã thôi việc ở ĐHQG được gần tròn hai năm rồi (từ đầu năm 2020). Đêm hôm qua (ở Mỹ) anh vô tình đọc được blog của em. Anh thấy em vẫn chăm chỉ đọc và viết như vậy. Anh thấy khâm phục em. Nhất là về việc ghi chép và viết ra một cách đều đặn.

Điều này cũng làm anh nhớ lại anh hơn 20 năm trước. Em sinh năm bao nhiêu? 1996 à? Kém anh khoảng 20 tuổi. Nên có lẽ hồi bằng tuổi em anh cũng đang trong giai đoạn đọc nhiều suy tư nhiều. Hồi đó anh cũng hay đi. Đi trong nước thôi. Tới những nơi thắng cảnh hay có lịch sử. Để sống cùng non sông đất nước.

Trong blog em có ghi lại kỷ niệm gặp anh. Làm anh nhớ lại hôm ấy. Chứ không thì mọi thứ đã trôi qua và anh không bao giờ nhớ những sự kiện như vậy, đã đến, đã trôi đi. Vào trong vùng ký ức sâu thẳm.

Anh thấy em vẫn đọc nhiều như vậy. Những người như em không có nhiều, nhưng anh biết không phải là hiếm. Năng lực đọc rất tốt. Rất yêu tri thức. Rất khao khát học hỏi. Suy tư rất nhiều. Lập luận rất nhiều. Viết ra rất nhiều.

Nhưng anh buồn và tiếc vì các em là những phạm nhân trong ngục. Ngục thất của tiếng Việt. Nhưng ngục thất ấy còn khá rộng. Nhà lao hẹp hơn giam hãm em là sách của người Việt mình hiện nay. Bị kìm kẹp. Méo mó. Thiếu thốn. Không đầy đủ. Dịch sai. Chẳng phải chỉ vì trình độ dịch, mà vì bản chất việc dịch là như thế.

Các em vùng vẫy trong ngục. Nhưng có thể các em không biết là đang trong ngục. Vì đó là thế giới của các em. Trọn vẹn và đầy đủ. Có đủ mọi thứ đã được kiến tạo.

Những người có nhiều năng lực về đọc – viết – nghĩ như thế, ở thế hệ em, và cả thế hệ trước, tìm thấy ở Marx những văn bản đa dạng và phong phú để các em được ăn, được tiêu hoá, vì các em không thể không ăn một cái gì đó. Vì các em đói. Nên các em ăn ngấu nghiến. Tiêu hoá với tất cả acid của tuổi trẻ. Và các em lớn lên với những thức ăn ấy.

Các em cũng đọc mọi thứ khác, tương tự như thế. Tất cả những gì có xung quanh em. Với một năng lượng lớn lao của tuổi trẻ, khao khát hiểu biết và thứ acid tiết ra từ não bộ có thể ăn mòn bất cứ kim loại nào.

Và các em lớn lên với những gì em đã ăn. Các em là những gì em đã ăn.

Nhưng Tuấn Hùng ơi, thế giới ngoài ngục thất hay trại giam của các em mênh mông lắm. Hoa cỏ rất thơm và sặc sỡ, trời cao lồng lộng, nhiều loại thức ăn khác nhau rất bổ dưỡng và phong phú, hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Nhân loại đã tiến lên rất xa trong 20 năm qua, 50 năm qua, 100 năm qua, 120 năm qua… với bao nhiêu trí tuệ và bao nhiêu sự kiện lịch sử cùng hàng trăm triệu con người đã trải qua, đã sống, đã suy tư, đã chết, đã viết, đã tiêu hoá, đã trồng cây… cho nên, một ông Marx đói khổ và thù hận, mặc cảm và giận dữ, không bao giờ thoát khỏi cái bóng của Hegel, chưa bao giờ hiểu rõ kinh tế học cổ điển Anh, và không làm sao chia sẻ được tâm hồn nhân hậu và cao nhã của các nhà không tưởng Pháp, cùng bao nhiêu triết gia và những vị anh hùng đương thời, mà ông ấy đã miệt thị một cách hẹp hòi và vô lối, sẽ không bao giờ là đủ cho một cá nhân, đừng nói gì đến một gia đình hay một dân tộc.

Anh sẽ không tranh luận với em về Marx, về vị trí của ông ấy, về đúng hay sai. Cái đó em phải tự trải nghiệm, tự đi, tự đến. Anh cũng đã từng như em, trong trạng thái của em. Nên anh chỉ chia sẻ với em thôi, chứ anh không tranh luận, không chứng minh, không thuyết phục. Mục đích anh viết những dòng này, chỉ là vì nếu anh không viết ra, cho em, thì anh thấy không cầm lòng. Thế thôi. Vì em không phải người duy nhất anh đã gặp, ở trong tình cảnh hiện nay.

Anh hiểu xiềng xích giam giữ em trong ngục thất chính là ngôn ngữ. Có thể em không đồng ý với anh rằng em đang bị xiềng. Nhưng nếu em có đủ ngôn ngữ, tạm thời chỉ là tiếng Anh thôi, chưa nói tới các ngôn ngữ của những nền văn hoá lớn khác, thì em sẽ tự thấy em có thể bay bổng lên như thế nào. Và thế giới bao la với những thảm cỏ mênh mông và bầu trời ngát xanh lồng lộng, sẽ mở ra trước em. Như ngục thất mở toang ra trước em, dù trước đó em từ chối tồn tại cánh cửa ấy.

Đức Phật nói rằng cản trở lớn nhất để được giải thoát, giải thoát tức là nhận ra chân lý – tức là đạt tới tự do – như trong bất cứ truyền thống triết học nào về tự do – chính là tri thức. Tri thức sai lầm, định kiến, hẹp hòi, u mê, ngạo mạn. Cái đó gọi là Sở Tri Chướng. Một chướng ngại rất lớn. Và phúc thay những người không có tri thức. Để đầu óc sạch sẽ tinh khôi mà nhận ra chân lý.

Lời khuyên của anh cho em, nếu có, lúc này. Một là em tập trung học thêm tiếng Anh. Cho thật giỏi và nhuần nhuyễn. Để đọc sách tiếng Anh như tiếng Việt vậy, và nếu cần thì thay thế luôn tiếng Việt. Thế giới tri thức được tàng chứa trong tiếng Anh hiện nay rất lớn, đủ để em khám phá cả cuộc đời mà không lãng phí. Thứ hai, nếu em chưa làm được điều đó, thì hãy ngừng đọc, ngừng viết. Hãy đi. Đi ra bên ngoài. Gặp những người không có tri thức hay chính xác hơn là không bị tri thức ám ảnh. Đi tới những vùng xa xôi của đất nước. Một mình. Ngắm mặt trời buông trên những rặng núi hay là chơi với những đứa trẻ thuyền chài trong mùi của biển. Hít thở không khí vào trong ngực. Đừng nói gì cả. Đừng tự giải thích hay cố giải thích gì cả. Dù cho chính em hay cho người khác. Hãy ở một mình. Nếu không thì cùng với những người bạn thủa thiếu thời, nói về những thứ hàng ngày mà em cho là vô nghĩa. Em sẽ thấy tác dụng của những thứ đó. Nó có tác dụng tẩy độc hữu hiệu cho những gì em đã ăn vào. Những gì nhà ngục này đã luyện em trở thành.

Nếu em có duyên với Phật Pháp, bắt đầu nghiên cứu Phật pháp. Từ từ thôi. Với thái độ nhẹ nhàng mềm mại khiêm nhường. Đừng phán xét với thái độ nông cạn hời hợt thô thiển của lối tư duy phương Tây. Bây giờ em chưa thấy cần Phật pháp, nhưng nó sẽ là hành trang khi em đã lớn tuổi hơn. Khi em đã tuyệt vọng trong việc truy cầu chân lý, đã kiệt sức khi tuổi trẻ đã rời đi, một chút hiểu biết về Phật pháp sẽ mở lối cho em. Tất nhiên, phúc lớn thay cho những ai hiểu biết Phật pháp từ khi cơ thể còn sung mãn và trí tuệ còn dũng mãnh. Nhưng thôi, việc đó không dễ có trong cái tù ngục ngày hôm nay của đa số người Việt. Nhưng chỉ cần chân thành và cầu thị, sẽ không bao giờ là muộn.

Thư viết đã dài. Anh dừng ở đây. Anh không mong em hồi đáp. Chỉ mong từ nay em có nhiều thời gian quan sát thêm, về em, về đất nước, về thế giới, và không cố lập luận hay giải thích.

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search