T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Ước Mơ Của Người Phụ Nữ Hiếu Học (Phỏng Vấn)

Chị Phương Hoa ngày Tốt Nghiệp

Định cư  tại Mỹ năm 1994, Phương Hoa vừa đi làm vừa đi học. Năm 2012 chị tốt nghiệp cử nhân ngành Giáo Dục Nhi Đồng và trở thành cô giáo tại thành phố Marysville ở tuổi 62. Để đạt được thành quả cuối cùng, chị đã vượt qua rất nhiều gian nan.

Mời quý độc giả theo dõi “cuộc hành trình” biến ước mơ thành sự thật của người phụ nữ hiếu học qua cuộc trò chuyện cùng Ngân Bình.

Ngân Bình (NB): Những ngày bắt đầu hội nhập vào nước Mỹ của chị ra sao? Chị có gặp trở ngại nhiều trong công việc và ngôn ngữ không?

Phương Hoa (PH): Như những người mới định cư, bước đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng đến được bến bờ tự do thì sự vất vả ấy nhằm nhò gì (cười) so với những tháng ngày nơi vùng kinh tế mới. Công việc làm thì dễ dàng hơn. Vì tôi cũng từng là giảng viên trường dạy cắt may Âu Việt Phục Nam Nữ trước 1975, nên tôi có việc làm ngay tại một shop may đồ đầm. Vì người chủ quá khắc nghiệt, nên  tôi chuyển qua học làm móng tay.  Trở ngại ngôn ngữ đúng là điều vất vả hàng đầu, dù trước khi đi Mỹ, tôi đã “tụng” thuộc lòng sách “Streamline English” 1 và 2.  Nhưng khi học Nails, những từ ngữ chuyên môn, những cái tên lạ hoắc dài ngoằng đã làm khó dễ tôi không ít. May mắn, cái nghề “nghe không mấy hấp dẫn” này lại giúp gia đình tôi hòa nhập vào đời sống mới, và sau đó giúp tôi đạt được ước mơ làm cô giáo.

NBNguyên nhân nào đã đưa đến quyết định lò dò đến trường khi đã hơn 50 tuổi. Những trở ngại mà chị phải đối diện trong việc học hành muộn màng này ra sao?

PH: Từ nhỏ, tôi rất ham học. Nhưng ước mơ mà con bé 4, 5 tuổi thường nói với ba “Lớn lên con sẽ làm cô giáo dạy học như ba”, tuy nhiên ước mơ đó đã không thực hiện được vì chiến tranh khốc liệt làm trường cháy, nhà tan, phải theo gia đình chạy giặc khắp nơi. Cho nên khi con cái học hành xong, sự nghiệp ổn định thì tôi xin phép ông xã đến trường. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, nên vào đại học khá chật vật. Thi xếp lớp tôi chỉ đậu mỗi môn toán, đủ tiêu chuẩn học các lớp toán chính thức, còn môn viết (Writing) tàm tạm, nhưng các lớp đọc (Reading), nghe (Listening), và nói (Speaking), thì bị xếp vào những lớp học ở “level” rất thấp. Do vậy,  tôi luôn có máy ghi âm để thu bài giảng, tối về nhà nghe đi, nghe lại để làm bài. Mỗi lần được điểm A hay A+ tôi cảm thấy hạnh phúc vô song.

Một bài báo viết về Phương Hoa (Linda Nguyễn)

NB: Chị vừa đi làm toàn thời gian, vừa đi học toàn thời gian, làm sao chị chu toàn được công việc gia đình, con cái?

PH: Shop Nails của tôi mở 6 ngày/tuần, thứ Hai đóng cửa.  Mỗi học kỳ, tôi ghi danh 2 lớp trong ngày thứ Hai, 2 lớp cho các buổi tối là đủ 12 units toàn thời gian. Chiều làm ra là chạy đến trường, ban ngày khi vắng khách tôi học bài, nếu bận thì buổi tối sau khi ở trường về, ăn xong “gạo” bài tiếp. Một đêm chỉ ngủ mấy tiếng. Cuối tuần, tôi càng bận hơn,  tiệm đông khách, lại còn  nấu những món ăn mà mấy đứa con, dâu, và cháu nội khoái khẩu để “dụ” chúng tụ họp gia đình.  Có những buổi tối chạy qua đèo núi gặp sương mù dày đặc không thấy cả lằn đường lẫn bờ vực. Giờ nghĩ lại mới giật mình.

NB: Chị có thể vui lòng kể lại kỷ niệm những ngày đầu đến trường không, chắc không giống mẫu “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều…” đâu ha?

PH: (cười) Ngày đầu tiên vào trường Delta College, tôi cảm thấy hạnh phúc vô vàn, có lẽ tâm trạng của tôi không khác mấy cậu bé lần đầu đến trường của Thanh Tịnh như chị trích đâu. Tôi chọn đậu xe cạnh một cây anh đào dày đặc hoa, bên cạnh cây trụ trả tiền cho dễ nhớ. Tôi mang cặp  tung tăng cứ ngỡ mình là một nữ sinh viên 20 tuổi. Thi xong, ra đến chỗ đậu xe thì chiếc xe biến mất. Tôi hớt hải chạy kiếm khắp nơi, vấp té lăn quay, đồ văng tung tóe. Ðang mếu máo thì có một người cảnh sát dừng xe và giúp chở đi tìm. Chạy một hồi thì thấy xe của tôi đậu tại một chỗ giống y hệt chỗ tôi vừa ngồi khóc, nhưng phía bên kia trường! Thì ra các bãi đậu xe quanh trường được thiết kế y hệt nhau, còn tôi ra nhầm cửa. Mừng quýnh, tôi đập mạnh vào ghế phía sau  ông cảnh sát và la lên bằng…tiếng Việt “Xe tôi kìa!”. Ông ấy ngừng xe, lắc đầu, cười. Tôi về đến nhà, thì ông xã cũng vừa de xe ra, bà Mỹ trắng cạnh nhà nhìn qua, cười hụ hụ  “Look at him!”  Tôi cũng không thể nhịn cười. Chàng diện quần tây áo sơ mi trắng chỉnh tề nhưng một chân mang chiếc sandal, chân kia mang chiếc dép lông nhung !

Thì ra, con gái bà hàng xóm học cùng trường thấy tôi “bị cảnh sát bắt” và “áp tải” lên xe, méc lại. Khiến chàng lật đật ra đi với thời trang không giống ai!

NB: Có khi nào những mệt mỏi vì công việc, trách nhiệm gia đình khiến chị muốn bỏ cuộc không?

PH:  Tôi là người sống với tâm thiền, biết chấp nhận và trân quý những gì hiện có nên chưa bao giờ tôi có cảm giác chán nản hay nghĩ đến việc bỏ cuộc, cuộc sống đày đọa sau 75 tôi còn chịu được. Huống chi được sống ở một đất nước tự do, cơ hội dễ dàng nếu  cố gắng.

NB: Ngành học chị theo đuổi là ngành gì?

PH: Tôi tốt nghiệp Cử Nhân ngành Giáo Dục Nhi Ðồng (Early Childhood Education). Dạy trẻ em thôi, vì đã muộn để học cao hơn nữa. Nhưng tôi không hề hối tiếc vì hợp với bản tính của tôi, vốn rất yêu trẻ con, và cũng nhờ sống chung với lũ trẻ mà tôi đã viết được nhiều câu chuyện khiến độc giả thích thú.

Phương Hoa ngày tốt nghiệp

NB: “Quả thật chuyện chỉ xảy ra ở nước Mỹ” thỉnh thoảng xuất hiện trong những tự truyện của chị. Chị có thể kể một câu chuyện nhỏ không?

PH:  Mấy chục năm sống ở Hoa Kỳ, tôi đã gặp rất nhiều chuyện “Chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ”. Một câu chuyện thú vị mà tôi viết trong bài “Con Kiến Và Củ Khoai”, nhân một lần tôi đem xe đến dealer của một hãng xe hơi lớn kiểm tra bảo trì. Viên quản lý người Mỹ, thấy tôi tiếng Anh lắp bắp, bèn kiếm cớ chặt chém lung tung, sau khi lấy tiền họ lại cố ý làm hư chỗ khác rồi bill thêm. Tôi lên Google tìm kiếm thông tin, rồi viết đơn gửi tới 5 nơi có trách nhiệm tố giác dealer ấy.  Chỉ trong 2 đến 3 ngày, tất cả những nơi nhận đơn đều hồi đáp. Thống Ðốc Tiểu Bang California Jerry Brown sau khi góp ý còn giới thiệu luật sư miễn phí của tiểu bang, và Hiệp Hội Doanh Nghiệp Tiểu Bang (California State, Better Business Bureaus) gửi email và lập trang phân xử, đưa hai bên lên đối chất.  Kết quả là, “củ khoai” phải trả giá, hoàn lại cho tôi tất cả số tiền bị họ “chặt chém” và vụ kiện được lưu lại trên trang nhà của Hội Doanh Nghiệp như một lời cảnh cáo cho những ai làm ăn không chân thật.

NB: Chị khởi sự viết lách từ lúc nào và những thành quả nào chị đã đạt được trong sự nghiệp văn chương?

PH: Từ nhỏ tôi đã thích viết nhật ký, làm thơ. Bài thơ đầu tiên tôi viết năm lớp 3 sau khi ba mất, trong một đêm mưa gió nằm nghe mẹ khóc. Rồi khi lớn lên hẹn hò với “chàng người dưng khác họ” cũng thường xướng họa cùng nhau; và khi ra hải ngoại, thỉnh thoảng tôi có viết bài cho đặc san Xuân đồng hương. Nhưng mãi đến khi lên đại học và hoàn thành những chứng chỉ (Diploma) về sáng tác (Creative Writing), thì cách viết của tôi mới bắt đầu phát triển. Trong lần viết một truyện ngắn tiếng Anh tựa đề “Waiting” cho bài thi tốt nghiệp để hoàn thành chứng chỉ sáng tác, tôi được điểm tuyệt đối. Giáo sư, Dr. Homes, đã hẹn gặp riêng tôi tại văn phòng và khuyên nên mở rộng thêm câu chuyện để bà viết thành kịch bản phim truyền hình. Bà còn khuyến khích,“Cô viết khá lắm, trí tưởng tượng rất phong phú, cố lên, cô chắc chắn sẽ thành công!”  Ðáng tiếc sau đó vì bận rộn, với lại cũng có phần thiếu tự tin, nên tôi đã không thực hiện. Có thể nói Dr. Homes là động lực mạnh nhất giúp tôi sáng tác, và có thể gọi đó là thời điểm “bắt đầu sự nghiệp văn chương”, dù phần lớn tôi viết tiếng Việt. Và cũng nhờ áp dụng cách viết tiếng Anh vào văn Việt mà tôi đã đạt được nhiều kết quả cao:

– Năm 2013, “Thằng Nước Mắm” đoạt Giải Danh Dự trong cuộc thi Viết Về Nước Mỹ (VVNM) của Việt Báo, California.

– Năm 2014, “Bảo Tàng Của Người Lính Bị Bỏ Quên” đoạt Giải Nhất VVNM Việt Báo.

– Năm 2016, “Nợ Còn Vương” đoạt Giải Nhất Văn cuộc thi văn thơ của Thi Văn Ðàn Văn Thơ Lạc Việt.

– Năm 2018,  “Việt Ngữ Và Bà Ngoại Mỹ” đoạt giải Việt Bút Trùng Quang của VVNM Việt Báo, giải thưởng cao quý nhất về viết tiếng Việt, còn gọi đó là giải tự-thắng-chính-mình, nghĩa là thắng được Giải Nhất VVNM trước đó.  Tôi đã xuất bản 4 quyển sách văn thơ và sắp in 2 Tuyển Tập văn thơ tiếng Việt, 1 truyện dài tiếng Anh và một số sách đang viết dở dang.

Phương Hoa và nhà thơ Du Tử Lê

NB: Đến bây giờ, điều gì làm chị hài lòng nhất trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp?

PH: Tôi yêu thích và trân quý từng kết quả mình đạt được dù nhỏ dù lớn trong cuộc sống. Nhưng điều tôi hài lòng nhất là đã can đảm vào trường đại học ở tuổi bà Nội. Ði học giúp tôi đạt được giấc mộng làm cô giáo, và giúp việc sáng tác thành công. Nghề giáo “liên kết” với nhiều câu chuyện của tôi. Như khi dạy ở trường Mẫu Giáo, tôi đã giúp một bé tự kỷ trở lại bình thường, được Supervisor khen ngợi, và câu chuyện “Sự Tổn Thương Của Athan”  đã chinh phục cảm xúc của nhiều độc giả. Khi dạy thiện nguyện ở trường Việt Ngữ Oakland, tôi đã viết câu chuyện “Việt Ngữ Và Bà Ngoại Mỹ” về một đứa bé trầm cảm đến bị câm, sau khi tôi hát bài ru em tiếng Việt thì bé bật nói. Và khi dạy thể dục tại nhà dưỡng lão ở Bay Area, tôi viết câu chuyện “Nợ Còn Vương” về mối tình của một vị HO và người vợ chung thủy v.v.

NB: Với những kinh nghiệm đã trải qua, chị có thể gửi vài lời khuyên cho những người đến Mỹ ở độ tuổi không còn trẻ và vẫn mong muốn tiến thân qua con đường học vấn không?

PH: Lời khuyên thì không dám. Nhưng nếu nói chia sẻ kinh nghiệm thì tôi tin rằng, đất nước Hoa Kỳ là nơi cho nhiều cơ hội, và học vấn là con đường tốt nhất để đạt ước mơ; nếu ai có quyết tâm thì chắc chắn sẽ thành công, cho dù ở bất cứ độ tuổi nào.

NB: Cám ơn chị Phương Hoa đã dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu.

PH: Cám ơn chị Ngân Bình cho tôi cơ hội chia sẻ tâm tình. Kính chúc chị và quý độc giả luôn được an lạc.

Ngân Bình

(Thực hiện)

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search