T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Hữu Thời: LÊ MAI LĨNH, Người Cầm Bút  CHỊU CHƠI

Cô Gái Đến Trong Mơ- Tranh: THANH CHÂU

Là hậu sinh, tôi không biết Sương Biên Thùy là ai. Trước năm 1975, tôi cũng chưa từng đọc thơ ông, dù cái tên thì rất quen thuộc. 

Mấy năm gần đây, nhờ Facebook, thì tôi biết Lê Mai Lĩnh là một thi sĩ chịu chơi. Tôi còn biết thêm là Sương Biên Thùy cũng chịu chơi như Lê Mai Lĩnh. Hai người là một. Nhất thể. Trước cũng như sau.

Gọi ông là con người chịu chơi như Alexis Zorba cũng được; nhưng ông còn “ngon” hơn thế: Ông là thi sĩ chịu chơi. Cái vụ thi sĩ này thì ông thành công. Thơ ông được nhiều người đọc và ưa thích. Nhưng…chưa hết; ông còn “ngon lành” hơn thế: Ông còn muốn làm chính trị nữa!  Cái vụ chịu chơi này thì ông…thất bại!

Nên ông tự nhận mình là “thi sĩ khùng”! (?)

Lê Mai Lĩnh chịu chơi cỡ nào?

Xin thưa: cỡ “mút mùa Lệ Thủy”, “sát háng Mỹ Châu” như cách anh em lính tráng Việt Nam Cộng Hòa hồi xưa vẫn nói. Hồi xưa đó, Lê Mai Lĩnh cũng là lính, lính chịu chơi. Sĩ quan QLVNCH, xuất thân lò Thủ Đức, khóa 1/68, trung úy CTCT chớ đâu phải dở. Ông là siêu huynh trưởng của tôi, một đàn em xa lắc ở phía sau.

Bây giờ, Lê Mai Lĩnh vẫn còn chơi. Vẫn chịu chơi. “Chịu chơi, chơi tới cùng, giăng mùng ngủ tới sáng”. Chơi thế mới đã.

Nhưng…từ tập thơ đầu tay in năm 1963 có tựa Nỗi Buồn Nhược Tiểu, ký tên Sương Biên Thùy, cho đến tập thơ gần đây nhất là Chân Dung Người Lính Thi Sĩ Miền Nam dưới tên Lê Mai Lĩnh (NXB Nhân Ảnh, 2023), số sách đã xuất bản của ông đã lên đến 20 cuốn bao gồm thơ, văn, tiểu luận…nhưng Lê Mai Lĩnh vẫn chưa thấy đã. Ông còn đang chơi tiếp. Sẽ là một tác phẩm “có một không hai” có tựa là Một Ngàn Trang Sách, Một Trăm Nhà Văn Nhà Thơ! 

Đọc thơ Lê Mai Lĩnh thì không biết bao giờ mới hết. Tôi lại không có trong tay cuốn nào. Thôi thì hãy nói chút ít về cái sự chịu chơi của Lê Mai Lĩnh.

Ra trường Thủ Đức chưa bao lâu, năm 1969, chuẩn úy Lê Văn Chính (tức Sương Biên Thùy) đã có cuộc bút chiến trên báo Khởi Hành, với nhà văn Mặc Đỗ về “mặc cảm Kaki”. Rồi, ông lại “gây sự” cả với nhà văn, nhà báo gạo cội Uyên Thao của báo Sóng Thần. 

Theo tôi biết, ngoại trừ một ít nhà văn nhà thơ “phản chiến” có thể có hay không cái gọi là “mặc cảm Kaki” như Mặc Đỗ đã nêu, riêng Sương Biên Thùy thì không. Ông sống thẳng thắn, trung thực, luôn nói lên điều mình muốn, mình nghĩ. Nói thật, không giả dối. Còn chuyện Kaki, không những không mặc cảm mà ông còn tự hào về bộ quân phục đó nữa.

Đất nước qua phân, gia đình ông chia rẽ: cha ông “thoát ly” theo Cộng Sản, còn anh em ông là những lính chiến hào hùng của Việt Nam Cộng Hòa, như ông không ngần ngại công khai:

“…Mẹ tôi

tần tảo một mình nuôi 4 người con từ ngày chồng tham gia kháng chiến

Nhờ thế chúng tôi lớn khôn

Ba người anh của tôi

Một người đi lính Biệt Động Quân

Một người đi Thủy Quân Lục Chiến

Một người đi Biệt Kích Dù

Còn tôi, ngành Chiến Tranh Chính Trị

……………………………………………….

(Bản cáo trạng hay thư gửi tên tù nhân của lịch sử)

Trong lúc chiến tranh đang ác liệt với những tang thương, đổ vỡ diễn ra hàng ngày, ông thấy làm lính là chưa đủ. Ông muốn làm chuyện lớn hơn: làm chính trị. Năm 1971, thiếu úy Lê Văn Chính tự ứng cử (đơn danh) vào Hạ Nghị Viện (gọi là dân biểu) ở đơn vị Bình Thuận là nơi ông phục vụ. Ông thất cử, dù theo dư luận lúc đó thì bài nói chuyện vận động tranh cử của ông, được phát trực tiếp trên đài truyền hình Saigon, là bài nói chuyện hay nhất. Biết làm sao đây? Chính trị thì lắt léo và thủ đoạn, những cái mà ứng cử viên quân nhân Lê Văn Chính không có. Dù sao, đây là một việc làm rất chịu chơi. 

Ông trở về làm lính và làm thơ, như ông đã làm từ năm 15 tuổi.

Thơ Lê Mai Lĩnh bao trùm mọi chủ đề, thể loại. Có vẻ ông thích thơ tự do, tự do như mọi thứ tự do trên đời này. 

Thơ ông là con người ông: phóng túng, ngang tàng, quyết liệt một cách hồn nhiên.

Dù là thơ tình, thơ lính, thơ tù, thơ tranh đấu…Bài thơ nào của ông cũng tuôn trào như những dòng nước đổ xuống từ một ngọn thác. Bài thơ nào cũng rất dài. Với giọng điệu trực ngôn, ông luôn nêu bật ý thơ và dường như với ông điều đó mới quan trọng. Điều muốn nói chứ không phải cách nói. Ông không quan tâm đến kỹthuật, gieo vần. Chuyện nhỏ!

Mỗi bài thơ của Lê Mai Lĩnh là một dòng chảy cảm xúc, hòa chung với nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh, cắc cớ…mà không thiếu thi vị. Hãy đọc đoạn này:

‘…Cảm ơn em, 

Người đàn bà ngủ muộn

Nhờ em, anh chẳng còn muốn gõ mõ, tụng kinh

Gõ mõ thì mỏi tay

Tụng kinh thì mỏi miệng

Anh sẽ vì em

Miệng tay dùng vào việc khác.

Cảm ơn em,

Người đàn bà ngủ muộn

Nhờ em, anh đứng, quỳ, nằm, bò đúng đội hình hành quân

Như thời tân binh

Trong quân trường Thủ Đức

Cũng tại em, do em và bởi vì em

Anh hít đất không thua gì thời bị huynh trưởng phạt

Khi ra nhà thăm nuôi mà không đi những bước khoan thai…

(Người đàn bà ngủ muộn)

Thân thể anh, nếu không đem ra để bò lết trên bãi chiến thuật hay bãi chiến trường, đôi bàn tay anh, nếu không phải ôm cây súng, cái miệng anh, nếu không dùng để hò hét xung phong…mà để dành cho em, với em…thì tuyệt làm sao! Lính nào mà không thích như vậy.

Trước hình ảnh gợi cảm của người đàn bà ngủ muộn:

“…Chẳng dấu gì em, này là bình minh thứ ba

Anh lặng thầm ngồi nhìn em ngủ nướng

Dẫu khói thuốc vàng tay, anh đốt hoài không dứt

Hẳn nhiên không thiếu ly cà phê em thường pha cho anh

Trong lặng thầm, khói thuốc, cà phê

Anh dán mắt vào em, từ mười ngón chân lên đến từng sợi tóc

Anh nhìn hai trái ngực em nhịp nhàng cùng hơi thở vào, ra

Anh nhìn đôi chân em, trái phải, đôi lúc đổi thế nằm như một hững hờ, biếng nhác

Anh nhìn và tưởng tượng

thảo nguyên em xanh màu lá non

Anh nhìn và tưởng tượng

mép, bờ con suối em long lánh những giọt phù sa…”

Lê Mai Lĩnh mô tả sự rạo rực của mình:

“…Em, người đàn bà ngủ muộn, vô tâm, thánh thiện

Anh, gã đàn ông người tình ngồi nhìn với những âm mưu đen

Em, người đàn bà ngủ muộn với cõi lòng hồn nhiên trong trắng

Anh, gã đàn ông người tình ngồi nhìn với những ý nghĩ rối bời, mờ đục

Em, người đàn bà ngủ muộn, thản nhiên không ngụy trang, dấu che

Anh, gã đàn ông người tình ngồi nhìn, nặng chịch đôi tay…”

…………………………………………………………………….

Rồi, Lê Mai Lĩnh, nhờ lòng can đảm, đã “tự thắng”, để mà:

“…Hãy cứ ngủ muộn như thế, nghe em

Anh, gã đàn ông người tình ngồi nhìn em ngủ

Hãy cứ ngồi nhìn như thế, nghe ta

Hai chúng ta là hai đứa thực thà, lương thiện, chút chút cù lần

Nên lệnh Hưu Chiến luôn được tuân thủ

………………………………………………

Muôn năm em

Vạn tuế anh.

Amen.”

Bài thơ Người Đàn Bà Ngủ Muộn kết thúc bằng 2 tiếng Amen gọn ơ. 

Thật chân thật và thú vi!

Tàn cuộc, Lê Mai Lĩnh, như mọi sĩ quan khác, phải vào trại tập trung. Hơn 8 năm dằng dặc trải qua nhiều nhà tù từ Nam ra Bắc, Lê Mai Lĩnh đã viết nhiều bài thơ nảy lửa:

“…Ta tù nhân hề, khi nước nhà thống nhất

Khi độc lập hề, dân đói quanh năm

Ôi đảng quang vinh hề, chỉ hay mồm mép

Mấy mươi năm hề, nước chỗ yên nằm

……………………………………………

“Khi lớn lên nhận tay đời khẩu súng

Để sửa sai người an hem khoác áo chiêu bài

Nào độc lập, tự do, hạnh phúc

Ôi những trò bịp bợm, quái thai

.

Nào ngờ đâu trong cơn mặc cả

Của lũ người mua bán chiến tranh

Chúng trao ta vào tay đối nghịch

Ôm hận tù đày, tội phạm chiến tranh

.

Ta được người mệnh danh giải phóng

Đưa xuống tàu từ giã miền Nam

Ra tới đây núi rừng Việt Bắc

Tù khổ sai, không được than van…”

(Giao Thừa Năm 37 tuổi- bài thơ này đã được tôi dịch sang tiếng Anh, in trong tập Thơ Những Người Thua Cuộc-Poems of The Losers, NXB Sống, Cali, 2019)

Trong tù, ngoài một số rất ít, rất ít…làm antenna cho CS, đa số anh em đều nín nhịn cho qua; nhưng vẫn có vài người cất lên tiếng nói, trong đó có Lê Mai Lĩnh. Tiếng nói ấy thể hiện trong những vần thơ bất khuất:

“…Thân ta chúng nhốt trong lồng sắt

Ta thả hồn bay khắp bốn phương

Chân dẫu trong cùm gông đau thắt

Tìm tự do ta khắp nẻo đường…”

 (Vỗ về giấc ngủ)

Lê Mai Lĩnh lợi dụng chút tự do mà ông tìm được, để…sờ râu chơi:

“…Trong tù, sờ râu là một cái thú

Như thú nhận thư nhà, thú xem ảnh vợ con

…………………………………………………

Trong tù, sờ râu và anh thấy hết

Thấy nước tang thương, thấy nhà tan tác

Thấy khổ ải, oan khiên, thấy trùng trùng uất hận

Và thấy mình bất lực, gậm nhấm nỗi buồn, đau man mác

.

Trong tù, sờ râu và anh nghe biết

Nghe nỗi oán than của trăm họ, tiếng rên xiết của muôn dân

Và nghe thấy mình buốt nhói, đòi đoạn từng hồi

.

Trong tù, sờ râu là một cái thú

Cảm ơn râu, cảm ơn râu, cảm ơn râu

Râu đã giúp ta qua cơn thống khổ

Cảm ơn râu, cảm ơn râu, cảm ơn râu

Cảm ơn

Râu”

(Trong Tù- Bài thơ này cũng đã được tôi dịch sang tiếng Anh, trong tập Thơ Những Người Thua Cuộc-Poems of The Losers, NXB Sống, Cali, 2019)

Và nhớ đến đàn con, với lời nhắn gửi đầy yêu thương, cùng lúc thể hiện một ý chí sắt đá:

“…Hãy cho ngoan, dù ăn sắn, ăn khoai

Dù ăn rau, ăn cỏ, cũng nên nhìn thẳng

Dẫu quanh năm không có miếng thịt nào

Cũng phải cố giữ gìn cho thẳng…”

 (Lời bày tỏ cùng các con)

Đối với các em nhỏ miền Bắc trạc tuổi con ông mà ông gặp trên đường tù di chuyển, ông cũng có những lần “nói chuyện”, thế này:

“…Này em nhỏ cầm đá ném vào đầu ta

Trên đoạn đường gần ga Hà Nội

Nếu không nhanh tay ta đã u đầu

Chắc em buồn lòng không thơ thới

……………………………………….

“…Này em bé chu miệng cười, chửi ra mẹ cha ta

Trên đoạn đường gần ga Yên Bái

Chắc cô vui vì ta đã nghe

Chắc cô buồn vì ta đã cười…”

 (Giao Thừa Năm 37 Tuổi)

Đi đến một trại tù mới thì vẫn là tiếp tục những cảnh cũ, mà khắc nghiệt hơn:

“…Lưng hai chén sắn, phần một bữa

Nước muối thôi, liệu đủ cầm hơi

Thêm gió chướng mưa rừng dồn dập

Thêm hăm he đấm đá đủ lời…”

Trong lúc đó, ở bên ngoài, nhà tù lớn, dân chúng cũng đã ăn độn 100% để chia sẻ nỗi cơ cực cùng các ông lính “thua trận”.

Bên trong những nhà tù nhỏ, đã có những người lính hiên ngang, trước cái chết vẫn ngẩng cao đầu. Lê Mai Lĩnh đã chứng tỏ ông có sự can đảm đó, qua một việc làm rất rất ly kỳ, rất chịu chơi: Ông viết thư gửi Lê Duẫn, Tổng Bí Thư CSVN, yêu cầu thay đổi chính sách đối với hàng binh VNCH; ông còn viết một thư khác gửi Ban Quản Giáo, đề nghị cải thiện chế độ ăn uống cho anh em. 

Hai lá thư có đến tay người nhận hay không thì không rõ; có điều không có gì thay đổi. Ông và đồng đội tiếp tục ở tù, có thể là đến…”mút mùa Lệ Thủy”!

Lê Mai Lĩnh đã dùng khí phách của mình để nói thay cho những đồng đội của ông, trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Cùng lúc, ông vẫn giữ một tinh thần lạc quan, một niềm tin, để vượt qua nghịch cảnh, và nuôi hy vọng:

“…Chúng không giết được ta sau ngày 30 tháng 4

Chúng không giết được ta trong bóng tối, đói rét và sự lãng quên

Nơi núi rừng âm u Việt Bắc

Ta đã ra ánh sáng ta đã về đất sống

Nhất định chúng ta phải thắng

Nhất định chúng ta phải thắng…’

 (Chuyến tàu cuối năm)

Được phóng thích sau hơn 8 năm tù đày, ông cùng gia đình rời bỏ quê hương, lên đường đi tỵ nạn. Phải ra đi, ông cảm thấy như mình có lỗi:

“…Dẫu thế nào tôi cũng phải đi

Đành đoạn ra đi

Thà chọn cho mình một kiếp lưu đày

Hơn bị lưu đày trên chính quê hương

Hãy thông cảm và tha thứ cho tôi

Nguyễn Hoàng ơi, Việt Nam ơi, Việt Nam ơi! …”

 (Tạ Lỗi Với Quê Hương)

Đó là tiếng kêu thảm thiết của một con chim lạc bầy, một đứa con phải rời bỏ cha mẹ để đi xa!

Để tự an ủi mình, Lê Mai Lĩnh khẳng định:

“…Xin đừng gọi tôi là tên đào ngũ

Dù ở nơi nào trên mặt đất này

Tôi không quên, tôi, một NHÀ THƠ CHIẾN SĨ

Mãi mãi chiến đấu cho QUÊ HƯƠNG và TỰ DO….”

 (Tạ Lỗi Với Quê Hương)

Quê hương đó của ông, mà ông phải đứt ruột bỏ lại, là Việt Nam, là  Quảng Trị, “đứa em út xa xôi” ở tận địa đầu đất nước, vùng đất khổ của chiến tranh Việt Nam.

Hãy nghe ông mô tả thành phố tội nghiệp đó:

“…Thành phố nhỏ như một bàn tay

Mà năm ngón là những đại lộ

Và phố xá, đường làng, ngõ quê, xóm vắng

Là những đường chỉ tay đan kết vào nhau

Nhớ như in từng địa chỉ ngôi nhà

Từng khung cửa sổ, ngọn đèn học thi

Nhớ từng khuôn mặt, từng dáng đi

Từng mái tóc vờn bay trong gió

Từng tà áo thướt tha đầu ngõ

Vành nón lá nghiêng nghiêng…”

 (Tạ lỗi với quê hương)

Như thế đó. Nếu là cảm xúc đối với quê hương, gia đình…giọng thơ của ông mềm mại hẳn. Nếu là tình yêu dành cho người vợ tào khang, giọng thơ ông còn…tình cảm hơn nữa. Rất đỗi dịu dàng:

“Anh không thể không nói lời cảm ơn em

Vì anh luôn nhớ kẻ trồng cây ăn trái

Anh không thể không nói lời cảm ơn em

Vì chính em đã giúp anh hiểu thế nào là sự sống

.

Em đến thăm anh một chiều mưa

Không quên hôn xuống nỗi cô đơn một thời lận đận

Nếu còn nước mắt chắc anh đã khóc

Nhưng than ôi! Nước mắt đã không còn

.

Khi em về trời vẫn còn mưa

Hay trời khóc dùm anh, cảm ơn em, nụ hôn dịu ngọt

Nụ hôn em hay lượng trời ban xuống

Mà trong anh cuộc phục sinh rất đỗi ngoan cường

.

Em đi rồi, anh ngồi lại một mình

Ngồi lại. Một mình, anh thấy đời lạ hoắc

Em đi rồi, anh ngồi lại một mình

Ngồi lại. Một mình, anh thấy đời đổi khác

.

Anh không thể không nói lời cảm ơn em

Người tình muộn cuối đời anh phải sống

Anh phải nói lời cảm ơn em

Người tình dấu yêu cuối đời, anh phải chết”.

 (Một chiều mưa)

Đó! Lê Mai Lĩnh đâu có…”khùng khùng”, “tưng tửng”. Trái tim ấy phải đầy ắp yêu thương gia đình, vợ con, bạn bè, làng xóm, quê hương, đất nước… thì mới có những bài thơ tha thiết như vậy. 

Lê Mai Lĩnh thích bông đùa. Ông là con người chịu chơi, sống, yêu và chơi…văn nghệ hết mình, luôn luôn với một tinh thần lạc quan và óc khôi hài sẵn có đã giúp ông vượt qua khổ nạn. Ông là vậy mà! Còn nói về tài năng thì đã hẳn.

Ông còn khẳng khái: “Con người có thể thua cuộc ở một giai đoạn nào đó vì những dối trá, bạo tàn, nhưng cuối cùng, con người luôn luôn là kẻ chiến thắng”.

Trước tôi, đã có năm ba chục người: nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, độc giả…viết về thơ văn và con người Lê Mai Lĩnh. Tôi là người viết về ông muộn nhất; nhưng tôi tin mình không phải là người cuối cùng. Chắc chắn, hãy còn rất nhiều chuyện đáng nói, đáng chia sẻ thêm về tác phẩm và tác giả rất đặc biệt này.

Nguyễn Hữu Thời

16/6/2023

Bài Mới Nhất
Search