T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Phú Yên: ĐỌC “LÒNG ĐAU KHÔNG TIẾNG” – TÙY BÚT CỦA PHẠM THIÊN THƯ

Nhắc đến Phạm Thiên Thư, ta liên tưởng đến một nhà thơ tài hoa bao giờ cũng hốt nhiên giữa trăng sao thơ mộng, giữa cuộc miên du vào thiên nhiên diệu vợi với dáng vẻ của một đạo gia thanh thản thoát trần. Có thể nói trong cõi hồn phiêu linh của ông có thế giới của “động hoa vàng” thần tiên như một đam mê nguồn cội trong đời riêng, nhưng một phần đời thắm thiết của ông lại gắn liền với số phận nàng Kiều của Nguyễn Du. Như một định mệnh. Khởi đi từ “Đoạn Trường Vô Thanh” – một khúc trường thiên lục bát thâm trầm luôn bị ám ảnh bởi số phận một con người, tưởng chừng như nguồn cảm hứng bất tận của ông gắn liền với hình ảnh nàng kiều nữ với bao tâm trạng ngổn ngang suốt cuộc đời mình. Ông dõi theo từng bước chân trầm luân của nàng Kiều từ khi nàng vào tuổi thanh xuân cho đến lúc tàn hơi bạc mệnh. Hơi thở mong manh của nàng Kiều phả vào những vần thơ lục bát hồi ấy để rồi kéo dài tận bây giờ bằng một tập tùy bút văn xuôi mới nghe nhẹ như khói sương bay vào cảm hứng và day dứt mãi trong từng tiếng tơ lòng của nhà thơ.

Thật vậy, “Lòng Đau Không Tiếng” chỉ là những bức thư giãi bày tâm sự của nàng Kiều, tưởng chừng như lời tỉ tê tâm sự dạt dào bên tai của chính thi hào Nguyễn Du. Ở đó thế giới của thiên nhiên có lúc sáng tươi mà cũng có lúc ủ dột, cuộc đời thế nhân có khi hoan lạc mà cũng có khi thảm sầu. Tâm hồn ông cũng dập dềnh, nổi trôi theo số phận kiều nữ, có bài hoan ca nhưng cũng có khúc bi ca. Bông hoa Kiều, với ông, “xưa là giọt lệ, nay là hạt ngọc cho đời sau. Nàng như cánh thuyền trăng cao, bay lên bến khác mãi, để rồi đời nàng trở thành một dệt trường thiên tuyệt vời” không dứt.

27 bức thư viết về Kiều tưởng chừng như 27 bài thơ xuôi (poésie en prose) được viết từ trước 1975 để đến bây giờ mới xuất hiện, tiếp nối 2 tập tùy bút “Ngã pháp mây nổi” và “Hiện hóa pháp” viết từ năm 1969. Một quãng thời gian dài dằng dặc của sự trăn trở, trầm tư sâu lắng. Mỗi bức thư dài ngắn khác nhau nhưng mỗi trang đều chứa đựng sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương và cay đắng cho đời Kiều. Đôi khi có bức thư chan chứa tình ông viết gửi nàng Kiều, cũng nồng nàn như giọng tình nhân:

“Thúy Kiều ơi! Dù vẫn hương lửa một nhà – Phôi pha thì nhớ, đậm đà thì quên! Nàng như ngọn suối lạnh, chơi vơi qua triền núi cũ, như giọt lệ Kiều – như ngọn rêu khô… Nhớ tiếng đàn Thúy Kiều đêm lần gặp – dưới đáy lòng sầu! Thế mà, trách chi thời gian, con suối xưa mãi lại chịu nhạt mờ! Nàng lắng nghe như môi điểm nét sầu – Nhìn ra đôi cánh nhạn về đâu thăm thẳm núi. Mảnh rừng mùa thu chút vàng hiu hắt, vẳng đôi tiếng chim gù thiết tha dưới cỏ. Bên đầu sông kia, chút sóng dằng dặc xa vời – Khiến cánh đò ai nhẹ lướt bóng khói giăng mờ… Bên sông lạnh mùa thu, đâu như uốn lọn tơ vàng dưới nước. Đám bèo xanh biêng biếc, sóng vang nhè nhẹ dập dìu. Đâu mảnh chim di xa xa, nơi mảng cỏ xao xác chút thơm đường chiều. Dường đâu nắm hạt lác đác ít nhiều hạt sương…”. Đôi lúc nhà thơ viết văn mà như làm thơ: “Ôi thế thì ngại gì nữa, con người như đó như đây. Khác chi mùa xuân cây cỏ sum vầy trăm hoa. Ôi cuộc đời lênh đênh trong ngọn nước phù sa, vượt lên thể nhập đại hòa bể dâu… Đôi hạt tơ mùa thu cuộn thẫm một vòng vàng nhạt chiều tà dương xuống. Ôi! Nẻo về lối tím khe sương, hoa chân núi – lệ ven đường – cùng rơi. Ôi! Chỗ thì thào trên sông toàn khói sóng ùn hơi, mấy cánh nhạn sa xuống dấu cát và đám mây trời sắc chiều vàng non. Kiều về, đường dài sao thêm nỗi héo hon kia, và cội ngọc lan trên đỉnh biếc núi, dường như chút thơm còn vương theo!”…

Mỗi bức thư đều được nhà thơ cho một tiêu đề 4 chữ: “Xưa là giọt lệ, Ruổi rong nhật nguyệt, Bông chờ bên sông, Vương mấy tơ đồng, Năm cung trường lệ, Ngỡ ngàng bọt nước, Ai để hoa dung, Chải tóc thu phong, Bao năm tơ tưởng, Báo ngày xuân quang”…

Thường mỗi bài văn như thế còn được điểm tô hoa mỹ bằng những câu thơ lục bát như là tranh minh họa. Tập văn chỉ viết về đời Kiều với cái nhìn sâu sắc mô tả cái thế giới tâm linh thời xa xưa, sự phân tích tâm lý từng nhân vật, nhất là Kiều, tưởng chừng như nhà thơ len lỏi tận nơi sâu thẳm của con tim kiều nữ. Đọc thơ ông, ta liên tưởng đến nhà thơ Rabindranath Tagore luôn ngợi ca thiên nhiên và cuộc sống thắm tình là nguồn vui bất tận không mang yếu tố trần tục. Nếu chủ đề tình yêu bàng bạc trong thơ Tagore thì với Phạm Thiên Thư, ái tình trong thơ ông cũng chỉ là mộng mơ, là hoài vọng, là chia xa, nhung nhớ…, nghĩa là ái tình trong thơ ông cũng chỉ là ảo ảnh.

Năm 1973, “Đoạn Trường Vô Thanh” (1971) đoạt giải nhất văn chương của miền Nam nhưng ông từ chối nhận giải. Tên tuổi ông được biết nhiều hơn với những ca khúc phổ thơ ông của Phạm Duy. Tập văn xuôi tùy bút này tuy không dày dặn nhưng là một sự dâng hiến tâm tình của nhà thơ; tiếng lòng của ông ở tuổi xế chiều như trào lên ngọn bút. Xuất bản tập sách nhỏ nhắn và đẹp này chỉ như là sự chia sẻ của ông gửi cho những người yêu thơ, yêu truyện Kiều. Sách bán chỉ lấy ấn phí có 50 ngàn đồng, tưởng như ta mời ông một ly cà phê vào sáng sớm ở quán Hoa Vàng của nhà thơ vậy.

Nguyễn Phú Yên

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search