T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

NHỮNG TÌNH KHÚC MÙA THU – ĐOÀN CHUẨN & TỪ LINH – Lá Thư

Tuyển tập “Những Tình Khúc Mùa Thu” – LÁ THƯ –
Đoàn Chuẩn & Từ Linh
Ca sĩ trình bày: LỆ THU

ĐỌC THÊM:

Tình khúc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh ( Huỳnh Huệ )

Không đợi đến mùa Thu, mỗi khi nghe những giai điệu tha thiết  và mênh mang, réo rắt mà nhẹ nhàng như hơi Thu man mác của Đoàn Chuẩn- Từ Linh  lòng ta không khỏi xao xuyến và hoài cảm. Bạn đều biết đến người nhạc sĩ tài hoa sáng tác trong một khoảng thời gian ngắn với không nhiều ca khúc nhưng là những ca khúc để đời và được biết bao thế hệ yêu mến.

Đoàn Chuẩn (15-6-1924 – 15-11-2001) là một nghệ sĩ biểu diễn lục huyền cầm Hạ Uy Di và là một nhạc sĩ nổi tiếng. Sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hải Phòng, chủ hãng nước mắm Vạn Vân lừng danh, đã đi vào tục ngữ:
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.

Ông lớn lên ở Hà Nội, học Tây ban cầm với Nguyễn Thiện Tơ, rồi Hạ uy cầm với William Chấn. Kháng chiến bùng nổ, gia đình dời về Thanh Hoá, Đoàn Chuẩn gặp Tô Vũ, Tạ Phước, cùng đi hát với Ngọc và sáng tác bài Tình Nghệ Sĩ (1948), Sông Chu (chưa phổ biến). Sau đó, ông theo một đoàn cứu thương, lên Việt Bắc, làm bài Đường về Việt Bắc.

Người ta biết đến sáng tác năm 1948 ca khúc Tình nghệ sĩ của ông. Sau đó tiếp nối một loạt các bài với giai điệu đơn giản, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Nhưng thực ra ông đã viết “Ánh trăng mùa thu” từ năm 1947, tại làng Đống Năm, Đông Hưng, Thái Bình. Ca khúc này gắn với một kỷ niệm về làng Khuốc (đất Chèo). Ông sáng tác cả thảy 18 ca khúc nhưng có 8 bài không phổ biến lắm, còn 10 bài kia đều rất nổi tiếng.

Tất cả ca khúc của ông đều được ghi tên tác giả là “Đoàn Chuẩn-Từ Linh”. Thực ra Từ Linh (? – 1992 không trực tiếp tham gia sáng tác, nhưng Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người để tôn vinh người bạn tri âm của mình, tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật. Từ Linh tên thật là Tạ Đình Thâu – một nhiếp ảnh gia. Cái tên chung mà người nhạc sĩ này đã chọn để sử dụng vẫn là một ẩn số đối với công chúng.

Đầu năm 2000, ông bị tai biến mạch máu não và hôn mê. Sau đó, ông tỉnh lại nhưng mất tiếng nói, chỉ có thể bút đàm cho đến lúc qua đời lúc 22 giờ, ngày 15 tháng 11 năm 2001.

 Giai thoại và cuộc đời

Đoàn Chuẩn, theo lời kể của con trai là Đoàn Đính, nổi tiếng về tính cách phong lưu và hào hoa có thể so sánh như công tử Bạc Liêu ở miền Bắc thời bấy giờ. Tuổi trẻ hào hoa, chỉ thích… xe hơi ! Ông có 6 “ô-tô”, trong đó có chiếc Ford Frégatte sang hơn Thủ Hiến

Ông đã từng thuê rất nhiều ô để che nắng cho một trong hai chiếc Cadillac ở Việt Nam thời đó khi đi tắm biển ở Hải Phòng, diện tích ô che phủ bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu. Cách ăn mặc của Đoàn Chuẩn cũng rất cầu kỳ: một ngày ông có thể thay vài bộ quần áo và hàng chục đôi giày; chỉ ăn tôm mới bắt 15′ trước và đã được bóc nõn quấn mỡ kho.

Đoàn Chuẩn rất đa tình. Ông đã sáng tác tặng một người đẹp của miền Bắclúc đó 6 bài hát trong khi với vợ mình, ông chỉ viết tặng bà vỏn vẹn hai bài. Thời trẻ, ông đã từng dành ba năm thuê người mỗi ngày mang một bông hồng đến tặng người con gái mà ông yêu.

Về sau, gia cảnh của nhà Đoàn Chuẩn có phần giảm sút nhưng ông vẫn sống rất vui vẻ và hạnh phúc bên vợ mình.

Tác phẩm của ông đượm nét nhạc léo lắt, réo rắt của tiếng suối, tiếng gió nhẹ nhàng mà xa xa. Nhạc của ông nói nhiều về mùa thu. Ông tự nhận mình là “tay mơ” trong sáng tác nhạc và cả trong tình yêu . Hát nhạc Đoàn Chuẩn đầu tiên có  Ngọc Bảo, Anh Ngọc, Ngọc Long, Mộc Lan, Thái Thanh, Lệ Thanh, Minh Hiếu, Lệ Thu, Khánh Ly, Mai Hương,  và .. vài chục năm sau, ca sĩ  Ánh Tuyết đã làm sống lại những ca khúc bất hủ này trong một tâm trạng mới, một luồng cảm xúc mới và một hơi thở mới…

Ca từ trong nhạc của Đoàn Chuẩn như lời thơ, với giá trị thẩm mỹ riêng như Đặng Tiến nhận xét:

Tung phấn hương yêu qua bao lời hát
Bay tới bên em, tới em thầm nhắc
Đây ý tơ xưa đâu duyên tình cũ
Bóng anh phai dần ái ân tàn theo
Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ
Chóng tàn vì vương vấn muôn ý thơ…

Ý này còn rõ hơn nữa trong bài Chuyển Bến:
Thuyền cắm tay sào từ cuối thu
Ngoài kia sông nước như đón chờ
Còn đêm nay nữa, ta ngồi với nhau
Ngày mai anh đã xa rồi…

Hình ảnh chìa khóa trong ca khúc Đoàn Chuẩn không phải là những “Lá Thư”, “Tà Áo Xanh”, “Lá Đổ Muôn Chiều” như người ta thường nói, mà là con thuyền: Thuyền rời xa bến vắng người ơi. Con thuyền muôn đời, của ca dao, của Đường Thi, từ bến Tần Hoài của Đỗ Mục, đến bến Phong Kiều của Trương Kế – hay gần hơn – trong Xuân Diệu: Tình du khách thuyền qua không buộc chặt…

Ca khúc Đoàn Chuẩn là thế giới quy ước. Người phụ nữ tô quầng mắt, ngập ngừng trong chiếc áo nhung…, đôi mắt như hồ thu…, bên cầu ngồi xõa tóc thề… là người đẹp trong tranh Tố Nữ, tranh lụa, hay sơn dầu của Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị.
Trong thế giới quy ước và hư ảo đó, Đoàn Chuẩn đã vẽ vời nên vẻ đẹp của Trần Gian qua những mùa Thu Quyến Rũ:
Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp xinh
Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Vài cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi…

Cái sắc mạnh huy hoàng của Đoàn Chuẩn là ở chỗ đó. Ông đã đưa Thiên Thai về đây với thu trần gian, trong khi Văn Cao phải lên tận cõi Đào Nguyên. Trong tình khúc Đoàn Chuẩn, Hoa xuân (đã) gặp bướm trần gian, ánh trăng xanh (đã) tan thành suối trần gian…
Mùa thu ở nông thôn Việt Nam từ ngàn năm nay vẫn vậy, nhưng phải đợi đến Nguyễn Khuyến chúng ta mới có những bức tranh thu tuyệt sắc. Và phải đợi đến Đoàn Chuẩn chúng ta mới được chơi vơi cùng từng mây lơ lửng trời xanh ngắt, trên âm giai dìu dặt của tân nhạc. Rồi thương cho những:

Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa
(Gửi Gió cho Mây Ngày Bay)

Tổng hợp từ Internet ( Wikipedia và các tư liệu khác)

Mời các bạn và các em thưởng thức những tình khúc Việt của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua những giọng ca được cho là hát nhạc Đoàn Chuẩn hay nhất đã được nhắc đến ở trên  và của những ca sĩ đã ra đi như nghệ sĩ Lê Dung.

Thân ái chúc các bạn và các em những giây phút ru lòng mình và thư giãn  trong tiếng nhạc.

.

Huỳnh Huệ

(Nguồn: banmaihong.wordpress.com)

Bài Mới Nhất
Search