T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: THƯƠNG CA CHIẾN TRƯỜNG – Nhìn Mặt

Phạm Duy: THƯƠNG CA CHIẾN TRƯỜNG

Nhìn Mặt

Ca Sĩ trình bày: Julie Quang

ĐỌC THÊM:

Môi Son Julie (Tự Truyện Julie Quang) 

Nguồn: Gio-O.com

Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình không là mình

Ngày mai đi nhận xác anh

Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ

Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ

Như môi góa phụ nhạt mờ vết son

Tình ta không thể vuông tròn

Say đi mà tưởng như còn người yêu

(thơ Lê Thị Ý, Phạm Duy phổ nhạc)



1. “Tưởng Như Còn Người Yêu”

Ngày đó Julie Quang đã khóc thay cho thân phận những chinh phụ trong thời chiến qua ca khúc Tưởng Như Còn Người Yêu. Bài hát làm chùn chân chiến sĩ, chấn thương sọ não vợ con lính. Ngọc Chánh lỗ vốn vì bài hát bị cấm phổ biến lý do nhạc phản chiến . Tuy vậy ca khúc và tiếng hát lồng lộng trong gió, còn mang theo mùi Tử khí bay xa.

Ngày nay Nàng khóc khổ với cung bậc nào đây cho số phận Chàng khi Bóng chiều đã tắt nắng. Không kịp hoàng hôn, sao đã vội ?

Ngày mai là ngày 27 tháng 12 năm 2012.

Ngày mai đây xác thân Chàng sẽ hỏa thiêu, sẽ tan vào hư không cát bụi. Ngày mai đây Chàng sẽ được phụng thờ như châu báu trong tim “Những Mỹ Nhân thương tiếc Chàng” (1) … Cát bụi rồi. Chàng sẽ thật sự lên ngôi Thần tượng trong lòng người mộ điệu.

Nàng chia sẻ những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời Chàng vỏn vẹn 44 ngày.

Câu chuyện bắt đầu từ đây. Bằng chiếc mốc thời gian của Một ngày trước khi Chàng đi vào coma.

Từ đó chuyện sẽ ngược dòng thời gian, rồi vòng qua vòng lại, back and forth …

Tất cả Người và Việc đều có thật.

Không hư cấu.

Nhân vật: 3 người.

Bệnh nhân: Duy Quang

Người nuôi bệnh: Julie.

Y tá: cô H. người y tá trong phòng ICU bệnh viện Fountain Valley Quận Cam.

Ánh đèn trắng bệch, đêm cũng như ngày hắt lên thứ ánh sáng nhợt nhạt trên bệnh nhân. Thời gian ngưng đọng. Dòng chảy cuồn cuộn của đời sống đã chẳng còn nghĩa lý gì ở nơi này.

Người nuôi bệnh xanh dờn sau nhiều đêm ngủ ngồi nép mình vào giường bệnh. Bàn tay Chàng nằm im trong hai tay ấp ủ của Nàng đang chuyền hơi ấm … Chỉ còn nhịp đập yếu ớt nơi đầu những ngón tay. Nàng lần dò tìm mạch nào để khơi lại nguồn yêu thương đã có từ trước, từ bao giờ ? Và như chưa hề mất bao giờ … Nàng thiếp đi với tư thế tay trong tay cùng Chàng vào giấc mơ. Bên cạnh đứa con gái ngủ ngồi trên ghế. Trong giấc mơ của con chắc con nhìn thấy được hình ảnh mà con mong đợi từ lâu …

Bố mẹ xin lỗi đã ích kỷ nông nổi và không làm tròn bổn phận làm Cha Mẹ với các con.

Đó là điều mà tôi nhận biết sâu sắc, khi bắt gặp ánh mắt Chàng dõi theo sau lưng đứa con gái của chúng tôi. Ánh mắt đó nói lên biết bao thương tâm vừa mãn nguyện … Đồng thời tôi cũng nhận được ánh mắt biết ơn của anh cho tôi, mặc dù tôi chẳng xứng đáng với vai trò làm Mẹ, chẳng công lao to tát nhưng con gái của chúng tôi đã lớn lên xinh đẹp từ thể chất đến tâm hồn. Là món quà từ Trời cho hai chúng tôi. Là kết tinh mối tình đẹp lỗng lẫy của chúng ta đó phải không anh?

Buổi sáng Cô ý tá bước vào kéo tấm màn che. Đọc những biểu đồ trên máy đo nhịp tim.

– Cô cất cao giọng hơn thường ngày: Anh Quang đêm qua ngủ có ngon không ?

– Chàng gật đầu và có ý lắng nghe xem ý tá nói thêm gì không.

Cô y tá như rất quen với những cảnh tượng lúc này. Cô vào đề một cách rất dễ dàng.

– Cô y tá: nghe nói anh có nhiều vợ.

– Duy Quang giơ cao 2 ngón tay, là có 2 Vợ.

Lúc này anh đã không còn hơi để trả lời các câu hỏi.

Kể từ lúc đó anh đã không còn nói được. Chúng tôi trao đổi qua giấy viết. Tôi viết xuống giấy. Anh trao đổi bằng cái gật đầu hay lắc đầu.

– Cô y tá nói: Từ nãy giờ có ý làm cho anh vui nhưng sao không thấy anh cười ?

– Chàng cố nở nụ cười và đôi mắt ngời lên ánh thiên thu.

Diễn tả thế nào đây nhỉ. Chàng cười sáng lòa đôi mắt, thấy gần hết răng. Chàng cười Đẹp như để lại cuộc đời lời Tạ ơn. Cám ơn cô H y tá đã chăm sóc anh như cám ơn cuộc đời đã chấp cánh cho tiếng hát anh bay xa và ở lại với chúng ta với nụ cười và ánh mắt đó …

Hình như chúng tôi giống nhau – ghét chia tay – nên câu tạm biệt goodbye cũng không muốn nhắc đến. Vì Nàng chưa say goodbye và Chàng chưa say goodbye với Nàng nên câu truyện tình còn được nhắc đến trên trang Gió O này.

Đọc và tự do suy luận, bạn thân mến, nhưng xin một điều: Đừng xúc phạm vong linh người quá cố. Kính trọng lương tâm của người lương thiện cho dù ghét hận kẻ thù, nhưng khi kẻ ấy nằm xuống không cho được lời cầu kinh hay một đóa hoa thì những lời lẽ khinh nhờn hay có ý chà đạp. Xin miễn đi.

Đến đây thì tôi chợt nhớ lại lời Bố Phạm Duy nói lúc trước. Là lần đầu tiên tên tôi xuất hiện trong một vụ xì căng đan trên mặt báo, tôi khóc hu hu hu khi thấy mình bị vu khống. Bố bảo tôi: “Khi mà chúng ta là người của công chúng được sự yêu mến của muôn người thì chúng ta cũng phải chấp nhận búa rìu của dư luận như một luật bù trừ” (2)

(1) Trong hợp khúc Bích Khê

(2) Xin hiểu nghĩa vào những năm trước 1975 ở Miền Nam

 2. Thần chết và Mộng tưởng

120 tiếng đồng hồ còn lại của một Thần tượng.

5 ngày trước lúc vị Sao rơi.

Ngồi bên Thần Chết vuốt ve bàn tay anh … phiêu diêu mộng tưởng đến… ngày tình đầu lên ngôi …

Thời gian Bốn mươi Bốn năm trước.

Không gian: biển Cap Saint-Jacques – Vũng Tàu.

Ngày đó có anh cùng dạo chơi trên Biển Vắng một mùa hè nhiệt đới nóng như thiêu … Trời Đất hiu hiu. Đôi uyên ương cuống cuồng yêu.

Em đeo sát anh. Anh bơi xa tít bờ bến… xong … anh giả vờ đánh rơi em giữa Bể để anh bồng anh bế. Anh làm Dũng sĩ cứu giai nhân.

Trò chơi này Anh tự chế để cua Đào – Cá nào chẳng mắc câu.

Biển trùng rùng sóng làm chứng cho đôi tình nhân. Tuổi trẻ say đắm nồng nàn, em gửi em vào bản tình ca …

The shadow of your smile when you are gone

Will color all my dreams and light the dawn

Look into my eyes, my love, and see

All the lovely things you are to me

Our wistful little star was far too high

A teardrop kissed your lips and so did I

Now when I remember spring

All the joy that love can bring

I will be remembering

The Shadow of your smile…

Thời gian khởi đầu ca hát, những năm cuối thập niên 1969, tôi tuổi teen như con thiêu thân, tự mình chắp đôi cánh nhung thiên thần “lao vào lửa”. Tự mình lao vào hát nhạc Pháp nhạc Anh cho các căn cứ quân đội Hoa Kỳ ở Long Bình, Biên Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Tân Sơn Nhất … Lúc đó tôi nào biết Duy Quang là con trai nhạc sĩ Phạm Duy.

Câu hát đầu tiên trên môi anh ngọt: “Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Lòng anh mở với quạt này. Trăm con chim mộng về bay đầu giường …” (thơ Huy Cận). Làm sao em quên được nỗi hạnh phúc run rẩy khi hai đứa lần đầu tiên cắn vào trái cấm.

Đây là thời kỳ trăng của hai chúng mình. Em nhớ không sai. Hai chúng ta ra Nha Trang để được Tự Do yêu mà không bị giám sát bởi gia đình …

Hai trẻ chắt chiu dành dụm được một số tiền để mua lại một số dụng cụ âm thanh, đàn trống, do những ban nhạc Mỹ khi về nước họ để lại.

Và chúng tôi đã thành lập ban nhạc gia đình: “The Dreammers”. Nhờ Chàng, tôi bắt đầu tập ca nhạc Việt. Không bao lâu sau, tôi được khán thính giả Việt biết đến với bài Mùa Thu Chết, nhạc Phạm Duy phổ thơ Apollinaire. Rồi tôi bắt đầu nổi danh với một lọat tình ca thời chinh chiến. Danh vọng đến với chúng tôi cũng là lúc “Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao … cùng thở dài như nhau” .Sau 1975 em Paris còn anh Sàigòn. Chúng ta tái hồi sau 5 năm cách biệt.

Và rồi Tình cũng đã tan mau theo bọt nước …

Trên dòng đời xuôi ngược sau này, đôi khi lỡ chạm mắt nhau – Anh làm khách lạ – Em ngại ngùng … đau …

Bao giờ anh cũng hài hước một cách tự nhiên. Điều anh đã không bao giờ biểu lộ trên sân khấu. Người ta biết Duy Quang với “Đưa em về dưới mưa. Nói năng chi cũng thừa. Đưa em về dưới mưa. Áo em bùn lưa thưa.” Hay “Tôi xin người cứ gian dối. Nhưng xin người đừng lìa xa tôi”. Khán giả đã nào biết đến một Duy Quang có máu hài một cách điềm nhiên. Không nhăn nhở. Không tay chân múa may để hỗ trợ cho câu chuyện, không cười trước và sau khán giả. Khán giả đây là bạn bè thân hữu rất khoái nghe anh tấu hài như mê nghe anh hát vậy.

Trong gia đình họ Phạm, nhiều lần tôi nghe kể về Ông Phạm Duy Tốn, Ông Nội của anh, là người có duyên hài. Gin hài trong anh là do di truyền dòng họ Phạm, đến đời anh cũng đã 3 đời… 3 thế hệ ….

Khi khôi hài tiếu lâm châm biếm anh rất giống bố Phạm Duy. Kể cả tấm lòng yêu quý âm nhạc, muốn cống hiến cho cuộc đời đến lúc cuối cùng, anh đều giống Bố.

Còn lúc khác anh giống y Mẹ Thái khi ôn tồn nhỏ nhẻ mà “con ong vò vẽ cung phải im re” để lắng nghe anh nói.

Cái Duyên dáng và sức thu hút nơi anh không chỉ riêng Nữ giới mà Nam giới cũng khóai mê anh. Với bạn bè anh thích cụng ly và vô tư tấu hài . ID và chữ ký Duy Quang không nhái được, không sao nhái được .Cái Duyên của anh đã để lại trong lòng mọi người một Duy Quang độc đáo. Khiến mọi người phải nhớ một Duy Quang – the One and the Only …

Câu chuyện Tếu sau đây nói lên tính khôi hài của anh. Ngay cả lúc tình hình xấu nhất, Duy Quang cũng tỏ ra thản nhiên để trấn an mọi người.

Cô y tá bước vào phòng bệnh nhân thay thuốc và chào mọi người buổi sáng .

Trong phòng người thăm hầu hết là thân nhân.

– Đau quá. Duy Quang nói.

– Anh lập lại: “Ôi đau quá”.

Mọi người hoảng hốt không biết anh đau ở mô ?

– Anh đau đâu ? Cô y tá hỏi.

– Anh để tay lên ngực: “ Đau lòng”. Anh nói.

Anh vẫn thích đùa đến giờ phút cuối. hẳn nhiên là anh không chọn nhìn thấy chúng ta phân ưu bịn rịn thế này.

Lúc này vẫn chưa phải là vĩnh viễn không còn nhìn thấy nhau để nói câu giã từ vĩnh biệt … Vì em tin rằng không giã từ có nghĩa là một ngày nào đó chúng ta lại gặp nhau trên một con đừờng khác có âm nhạc cho 2 ta cùng song ca như thuở trước. Có các em đàn trống theo sau. Có Thái Hiền chờ anh tập hát …

Anh còn là thần tượng của Bố đấy, anh biết không. Bố xây Tượng đài cho anh từ lâu, có lẽ từ bài hát đầu tiên “Thà Như Giọt Mưa”, thơ Nguyễn Tất Nhiên. Bố tôn giọng hát của anh thành thần tượng trong lòng âm nhạc của Bố. Trong suốt chặng đường dài cống hiến cho cuộc đời, từng bài hát Bố sáng tác cho riêng anh hát là từng khối Đá vàng nạm kim cương, làm bục bệ, để con trai Bố trở thành ngôi sao lấp lánh trong lòng người hâm mộ …

Và sắp tới đây người ta sẽ được nghe anh hát những bài hát cuối đời. Trong loạt bài hát phổ thơ Bích Khê này, Chàng hát thật đắm say, thật lạ, thật hay, như kể chuyện cho chỉ một người nghe … một Chuyện dài…

Những ân tình giữ lại và mang theo.

Bó Hoa Lòng này em thay anh gửi đến thính giả muôn phương đã yêu thương mến mộ Tài hoa Duy Quang. Xin Tạ ơn Đời.

Bông Hoa cho tình Bằng hữu. Trong các cuộc vui, bạn hãy nhớ đến Duy Quang. Tiếng cười rộn rã là thiệp mời “Ai kêu tôi đó ?”. Xin cám ơn Bạn.

Cùng Các Em thương yêu hãy nhớ đến anh mỗi lúc chơi nhạc, lúc hát. Tuy không cầm được đàn chơi chung hát chung với Các Em nữa nhưng anh sẽ mang theo anh hình ảnh Các Em lúc trình diễn, lúc tập dợt, để còn được chơi nhạc chứ.

Cùng em Đạt anh không quên. Định mạng thần kỳ đã sắp xếp để em là cái chân đưa đón anh đi các nơi anh cần đến . Lúc anh trở thành phế nhân em đã như thiên thần giúp đỡ anh. Cám ơn em.

Thưa Bố,

Bố kỳ vọng nơi con rất nhiều nhưng con làm được chẳng bao nhiêu.

Con xin lỗi.

Xin Bố tha thứ con bất hiếu.

Ghi chú: Trong những ngày cuối đời, Duy Quang đã chuyển tải ý anh và tôi ghi lại. Kể lại chuyện tình ngắn ngủi trong căn phòng thăm nuôi bệnh nhân với Duy Quang, cảm giác như hai chúng tôi viết chung Bản tình ca muôn thuở.

Hồn phiêu diêu … tiếng kinh theo gió.

Em vào mộng … đợi anh về.

Trong giấc chiêm bao …Chia sẻ cùng bạn đọc thân mến vài kỷ niệm về “Những ngày xưa yếu dấu với Duy Quang”.

Nói lên sự ngưỡng mộ một Tài hoa. Và hãnh diện mang tên anh: Julie Quang

3. Tín hiệu Chàng

Không gian vẫn quyện mùi hương cũ.

thời gian còn đượm một màu tang …Mời bạn ngồi xuống … ta nói tiếp chuyện dở dang.

Thời gian cách nay trên dưới 10 năm.

Trong một lần sinh nhật anh, tôi đi với Nguyệt Mi bạn gái anh đến một nhà hàng do chủ nhân thết đãi tiệc sinh nhật anh, trong bàn có chị Hòa là người có phòng trà văn nghệ . Những ca sĩ đi về Việt Nam hát hầu hết đều trình diễn nơi tụ điểm của chị và chị là phu nhân anh Vũ Xuân Hùng. Tôi sẽ nhắc đến một lần khác cái duyên văn nghệ của tôi và nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.

– Duy Quang nhờ chị giúp Julie lấy giấy phép để hát ở Việt Nam.

Chị Hòa đến bên tôi.

– Julie chuẩn bị cho mình cái photocopy passport và visa.

Tôi ngạc nhiên vì bỗng nhiên bị hỏi giấy.

Đến lượt chị Hòa kinh ngạc.

– Duy Quang nhờ chị giúp Julie lấy giấy phép để hát ở Việt Nam.

Thì ra chàng mong tôi hát chung. Tôi nghĩ đơn giản là vậy. Không xa xôi mơ mộng chi hết …

Con chim quên hót lâu ngày những tưởng mình chưa biết hót bao giờ. .. Như tôi không còn hát được nữa … Anh muốn hát chung với tôi. Chuyện không thành là do Tôi. Tôi tự bao giờ nhỉ … đã không còn tiếng hót líu lo thiết tha với cuộc đời. Tiếp tục ca hát cho Đời chỉ là sự miễn cưỡng, gắng ép…

Tôi cho rằng cái Nghiệp ắt có trong nghề. Nhưng tôi đã xem cái Nghiệp rất nhẹ ngay từ lúc khởi đầu . Đến lúc cái điều đã xem nhẹ từ trước bỗng trở nên nặng nề, thì tôi buông bỏ ra … cũng nhẹ nhàng thôi. Sự nổi tiếng và cái hào quang đeo bám lâu ngày không bị ám ảnh không tơ tưởng mới là lạ .. Ám ảnh dĩ nhiên là có. Vì có bị ám ảnh mới thể hiện được phong ách riêng trong bài nhạc, trong bài thơ, trong tác phẩm vv… Còn tơ tưởng đến thì Tôi hoàn toàn không. Bạn có thể cho tôi là người bạc tình vô nghĩa với Fans, hay cho tôi là người hành tinh, nếu bạn muốn. Nhưng dứt khoát tôi sẽ không trở lại ca hát nếu tôi cảm thấy điều tôi cống hiến không còn trọn vẹn nữa.

Tôi đóng lại sự nghiệp ca hát đời mình trong râm ran bất mãn …

– Sao anh đợi chi đến lúc em thấm mệt nghỉ ngang cuộc chơi … đuối sức rồi lam sao có thể hát chung với anh được nữa … anh yêu

Một dấu chỉ khác.

Có vài chục năm mình đã không bàn chuyện gia đình với nhau ? Bao nhiêu lâu rồi anh nhỉ ?

Bỗng ngày nọ anh muốn đứng ra tổ chức đám cưới cho Con Gái LyLan.

Là một người Cha như bao người Cha khác trên đời, anh mong được làm nghĩa vụ của người Cha với đứa con gái rượu của mình. Anh gọi điện thoại cho tôi để bày tỏ ý muốn đó.

Và tôi thật là ngu si lạnh lùng cắt đi cái mong muốn chân thành đó nơi anh.

Thật đáng tiếc cho tôi đã không nhìn thấy được tấm lòng của anh sớm hơn, sorry anh yêu

Tôi không tìm biện minh cho những sai lầm mà tôi đã làm trong vô tình hay cố ý.

Tôi chỉ muốn tỏ rõ cùng anh. Tôi biết tôi mắc nhiều sai phạm trong đời, trong cuộc tình tôi là người không biết xây đắp mà chỉ hủy diệt.

Tôi không tìm biện minh cho những sai lầm mà tôi đã làm trong vô tình hay cố ý

Tôi luôn chứng tỏ với anh rằng tôi không cần anh trong bất cứ việc gì << Nhưng anh yêu hỡi điều anh cần biết là Mẹ con em cần có anh trong đời>>

Cả hai chúng ta đều “đầu đá”, nên đã lạc mất nhau một lúc. Nhưng may mắn thay vào phút cuối đời chúng ta đã tháo gỡ được những gút mắc, đã chan hòa được cho nhau những hụt hẫng trong đời.

Người Đời cần có những cái hài hước để giải tỏa những bức xúc phiền muộn cho con người. Trong xã hội vấn nạn của con người thì mênh mông …

Là hài kịch, cái hài phải nói lên được điều gì phản ảnh trong xã hội, thì cái hài đó mới có ý nghĩa

Những nghệ sẽ đích thực phải biết mỉm cười trước những chua chát mỉa mai của cuộc đời, để biến nó thành nghệ thuật Tấu hài. Tuyệt

Tang lễ anh mà tôi ví von như một show diễn là ăn nói lung tung … Xin lỗi … tôi đã không có ý gì khác ngoài sự Tôn Kính.

Con gái Lylan và tôi không có mặt trong đám tang anh. Với bạn bè là một điều khó hiểu. Tôi khó lòng giải thích điều này trong lúc này. Mong có dịp thuận tiện để giải bày.

Riêng với các khán thính giả và bạn đọc, xin tạ lỗi …

Bởi trong đời có những nỗi rất riêng, không thể chia sẻ cùng ai. Tôi xin giữ lại cho riêng mình.

Tôi xem tang lễ qua TV.

Tang lễ anh và cũng là show diễn cuối cùng

Có khán giả có đại gia đình, có mc có ca sĩ, có báo chí bạn bè thân hữu … rộn lên cả phố Bolsa.

Nhưng trong show diễn cuối cùng, anh không diễn. Anh làm khán giả. Một Duy Quang khán giả nằm yên đó ngắm nhìn.

Chợt nhớ một buổi chiều sau khi anh đã nằm trong lòng đất, tôi đi thăm nghĩa trang. Sau đó tôi viếng mộ mẹ Thái và mộ bác Mai Thảo. Trên mộ bác Mai Thảo người ta khắc lại bốn câu thơ của ông.

Tôi thấy bốn câu thơ cũng đã đúng cho anh vào những phút giây nào đó …

Thế giới có triệu điều không hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao khi đã nằm trong đất

Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

Gia Quyến và những người đến dự Tang Lễ là diễn viên … và họ diễn xuất cho anh thưởng lãm … Vở Bi Hài Kịch

Bi Hài vì có nước mắt tiễn đưa và không thiếu nụ cười tếu của người nghệ sĩ biến đau lòng thành màu sắc và nỗi khao khát là ánh sáng trong bức họa đời Chàng

4. “Mùa Thu Chết”

“Hương Thời Gian, mùi thạch thảo, em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em”

Guillaume Apolinaire 

Bài hát như ám vận vào đời Nàng.

Bài hát có định mệnh nào trong cuộc đời Nàng mà những tảng màu ảm đạm của một Mùa Thu bên trời Âu đã bao phủ. Mặt đất buồn rầu chuẩn bị cho một mùa Tang phải đến khi Đông sang.

Không gian xao xác lá vàng rơi khắp lối … rung cả trên lối đi … làm đôi khi vang lên tiếng oán than ròn rã của lá vàng rơi trên đường bị dẫm nát dưới chân người qua lại.

Lá vàng rơi… vàng rơi … vàng rơi… vàng rơi … vàng rơi …

Thi Nhân khóc tiếng Bi Ai

Cho vàng thu vương dấu lệ

Mùa Thu Chết phải chăng nói đến sự vĩnh viễn xa lìa nhau ?

Hoa Thạch Thảo, một loài hoa mọc trên đá, khốn khó thế mà cũng cho hoa có hương thơm –Hương Thời Gian – nỗi nhớ… người ta muốn ám chỉ điều gì?

Hỏi thêm ý nghĩa đó với người nhiều chữ nghĩa hơn thì được biết nó gần như điều mình cảm nhận về một Mùa Thu.

Mùa Thu là mùa đơm hao kết trái của Thi Ca … Thiên nhiên trở mình. Đất Trời giao hoan làm cho vạn vật linh động hơn, tươi hơn đẹp hơn và tình hơn.

Là quà tặng của thiên nhiên mà những tầng sóng ngân vang trong không gian. Chỉ biết rung động trước cái đẹp của vạn vật của người là Thi Nhân dệt Mộng cho Đời.

Lúc đó nàng chưa biết thưởng thức Thơ làm sao biết gì về những tâm hồn Thi Nhân.

Khi đọc bài viết của nhà văn Duyên Anh có những câu như: “Julie qua bài hát Mùa Thu Chết đã là “thành đồng chắn nẻo xuân sang”! Nghe phiêu diêu quá ! Nhưng tôi chẳng hiểu nhiều ý tứ trong đó. Biết đại khái là một lời khen tặng làm bừng bừng đôi má thế thôi. Tiếc quá, tôi đã đánh mất bài viết này. Hy vọng bạn đọc Chương Còm Duyên Anh hay khán thính giả của tôi còn lưu trữ xin cho tôi bản copy thì quý lắm thay.

Anh Duy Trác, một Cây Đại Thụ trong làng ca hát mà mọi người đều quý mến đã ưu ái dành cho tôi một chương trình nhạc trên đài phát thanh Houston với – Julie và Mùa Thu Chết – . Anh có những nhận định rất sắc bén về hiện tượng này. Anh cho đó là một hiện tượng và anh chặc lưỡi đáng tiếc bởi vô hình chung bài hát Mùa Thu Chết đã đóng khung tiếng hát tôi. Cuộc ghi âm lần đó tôi cất giữ nhưng nay lạc đâu trong trí nhớ. Tìm ra được sẽ mời bạn đọc nghe giọng trầm ấm của anh Duy Trác dẫn chương trình nghe mới hay.

Thi sĩ Bùi Giáng.Tôi không biết Ông Bùi Giáng là Thi sĩ lẫy lừng tên tuổi. Một Thiên Tài trong Thi Văn nước Việt.

Người không thuộc Thơ làm sao biết Ông Thi Sĩ Ngoại Quốc Guillaume Apolinaire.

Tôi không biết nhiều về Ông Thi Sĩ tài hoa kia nhưng qua bài thơ L’ autaumne est morte Ông đã vượt không gian và thời gian … du hồn qua Bùi Giáng — Thi Sĩ Tây gặp gỡ Thi Sĩ Ta — đã để lại cho chúng ta những ý tứ mỹ miều lãg mạn của trời thơ Tây Phương qua lời thơ Việt của Bùi Giáng …

Cái không biết của tôi nhiều lắm mênh mang lắm

Cái ngu si thì vô số kể, đếm không xuể

Cái may rủi trên đường đời thì cũng có như mọi người. Nhưng phải thành thực mà nói Cái May nó cồm cộm lên như một con dấu nổi trên từ chứng minh thư nên tôi còn ngồi đây kể chuyện mình cho bạn nghe

Nhưng có Cái Duyên thì lại là chuyện khác.

Để có chuyện dài kể bạn nghe về cái duyên văn nghệ của mình với những người trong giới Chú Bác Cô Cậu hay đàn anh đàn chị nổi tiếng chẳng khác nào tự tô vẽ chuyện để tô điểm cho mình đẹp hơn, một cách đánh bóng mình chẳng hạn.

Nếu còn là người của sân khấu chắc tôi nắm bắt cơ hội này không buông …

… Để thoát vòng hệ lụy là người của sân khấu. Tôi mất hơn 10 ăm im lặng để lắng nghe mình (đôi khi ngờ nghệch ra ngòai vùng im lặng lạc ngay miền Thị Phi thêm nản long, và tôi nghe ra trong tôi thổn thức … Tiếng thở dài

Tôi đã đóng lại sự nghiệp ca hát của đời mình không một lời chia tay cùng khán thính giả hâm mộ

Tôi Nợ cuộc đời món nợ Ân Tình nên tôi còn thổn thức bấy lâu … Nay tôi mở một cánh cửa khác để trở lại hạnh ngộ cùng giới văn nghệ muôn phương …

Vẫn mong được sự đón nhận và nghe câu Welcome back, JQ.

Thuở đầu đời mới làm quen với nhạc Việt và khán thính giả Việt qua nhạc ngoại quốc lời Phạm Duy, tôi chỉ được biết đến qua cái tên rất ngắn gọn, Julie.

Đến khi thu thanh bài Mùa Thu Chết tự nhiên thấy đĩa nhạc có thêm tên Quang bên cạnh – Julie Quang –

Lần đầu tiên thu thanh trên đĩa nhựa tôi lung túng khi Cô Sáu là chủ hãng dĩa Việt Nam yêu cầu tôi phải có cái tên Việt mà người Việt tận nông thôn vùng xa cũng đọc được, kêu tên được.

Ghép tên 2 chúng tôi lại, vừa rõ là ai, không lỡ nhầm với một người khác có ý như chúc phúc cho 2 trẻ. Đó là ý của Bố Phạm Duy

Một hôm thi sĩ Bùi Giáng đến nhà thăm Bố Phạm Duy. Bố hay khoe con

– Để Moi bảo bọn nhỏ đàn hát Toi nghe

– Julie con hát “Vòng Tay Nữ Sinh” và “Hai Khía Cạnh Cuộc Đời”

Bố làm lời Việt cho bài “To Sir With Love” và “Both Sides Now”

Trên tay cầm tờ giấy và cây bút chì trong khi thưởng thức chúng tôi hát, Ông Bùi Giáng nguệc ngoạc như đang vẽ gì đó …

Ông khen tôi hát hay và nói Ông và Bố sẽ có bài hát mới dính liền với tên tôi.

… Mà dính thật !

Ông viết lời Việt cho bài Mùa Thu Chết ngay hôm đó.

Mùa Thu Chết và Julie Quang khai sinh cùng lúc, cùng thời điểm đó, năm 1970 phong trào nhạc trẻ Việt Nam rộ lên trăm hoa đua nở

Người sành điệu và giới thưởng ngoạn phần lớn tập trung tại thành phố Sài Gòn nơi du nhập và tiếp thu những luồng văn hóa khác nhau và cũng là nơi xuất xứ của những gì mới mẻ, lạ lẫm. Trong âm nhạc luồng gió nhạc trẻ đã thổi tan không khí u ám của chiến tranh. Nhac trẻ nghiễm nhiên đã có chỗ đứng vững vàng trong nền âm nhạc Việt. Nơi tỉnh thành Nha Trang Đà Lạt Vũng Tàu cũng có những ban nhạc trẻ những tài năng trẻ xuất xứ từ địa phương

Không riêng thành phố Sài Gòn nơi nào có nhiều Trường Trung Học, Đại Học nổi tiếng ắt sinh viên học sinh nơi đó quy tụ những tài năng trẻ trong bất cứ mọi lãnh vực.

Riêng với phong trào nhạc trẻ Việt Nam theo xu hướng quốc tế ( không riêng ở VN, khắp nơi trên toàn địa cầu này đều theo trào lưu đó).

Âm nhạc trỗi mình. Người Trẻ Việt vượt ranh bức rào để bước ra ngoài những quy luật sáo mò của một nền âm nhạc chính thống. Đây không phải là một sự chối bỏ mà khẳng định được rằng “Âm nhac không biên giới”. Nhạc trẻ Việt đã chứng mình được điều này

Bằng cách này hay cách khác chúng tôi đều thể hiện theo đúng cách Western như trào lưu. Nhạc dịch, chơi nhái, hát nhái vv … miễn sao cho đúng y chang thì mới ăn tiền. Chúng tôi thi đua nhau “nhái” mà không hề mảy may nghĩ đến mình đang vay mượn của người khác

May thay tuổi trẻ chúng tôi còn có Phượng Hoàng cất cao cánh trên vòm trời nhạc Trẻ Việt.

Có Nguyễn Trung Cang nhức nhối than phận người kêu than … “Bước tình hồng”, “Còn yêu em mãi” Có Lê Hựu Hà tha thiết ôm hôn ghì xiết cuộc đời … “Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời , “Yêu Đời Yêu Người ” …

Chúng tôi còn có một Bố Già Phạm Duy lắng nghe được hơi thở của thời đại, biết được trăn trở thao thứccủa người Trẻ đã hao mòn nhiều vì chiến tranh mất mát … Và họ, người trẻ họ cần gì ?

Người nghệ sĩ đích thực phải nhận ra điều cần thiết phải thay đổi trong món ăn tinh thần mà mình sẽ phải cung ứng hay còn gọi là cống hiến cho đời sống .

Trực diện mãi với sự tàn phá của chiến tranh người ta quên dần với sự ù lỳ . Nhàm chán với nhạc phản chiến hoặc nhạc chiến đấu .. Người ta cần những thứ trừu tượng mông lung. Không hiểu hết cũng chẳng ngại miễn sao Tim, Óc họ chạm đến những mỹ từ những ý tưởng cao xa sẽ giúp họ bay bỗng sẽ no nê trong khoái lạc .. đê mê

Mùa Thu Chết là một kết hợp của Thi Ca – East meets West – thai nghén và sinh ra bởi những Cổ Thụ như Apolinaire Bùi Giáng và Phạm Duy thì làm sao không đáp ứng được nhu cầu Thời Thế. Duyên may cho tôi kết tụ tại đấy …

Là người chuyên chở bài hát chẳng đánh Bắc dẹp Nam hay cậy mình tài giỏi

Tôi tin rằng đã có người hát hay hơn mình, và sẽ có người thể hiện bài Mùa Thu Chết “tới” hơn Julie Quang.

5. Khách Tri âm … (Thư Tín)

6. Độc Thoại Với Bố

Ngồi hàng giờ trước hình Bố. Ngắm nhìn Bố thật kỹ, thật lâu để nhốt tất cả hình ảnh trước mặt vào trong tâm trí. Chưa bao giờ con nhìn Bố thật lâu thật kỹ như lúc này.

Bức hình ai đó chụp lúc Bố còn khỏe. Gương mặt ghi đậm dấu vết thời gian Bố già nua. Nỗi ưu tư khắc khoải lãng đãng trong ánh mắt. Niềm quyến luyến với cuộc đời. Những nỗi niềm ấy dường như đọng lại nguyên một khối tình để lại cho nhân gian.

Bố trầm tư trước màn hình, bàn tay hờ hững đặt trên chuột như ghi lại điều gì mà ống kính trong tíc tắc đã kịp nháy lên ghi lại khoảnh khắc ấy, tâm tư ấy. Bố đẹp như diễn viên Omar Sharif trong phim Doctor Zhivago, người trở về tìm nàng Lara trong mịt mùng tuyết trắng trời Đông Âu. Hình ảnh sừng sững, lừng lững, vượt trên cái Chết thách đố với hiểm nguy thiên nhiên ác nghiệt để mong tìm đến với người Tình Chung. Cái đẹp thương khó trong tình trường não nùng đến chạnh lòng người.

Bố yêu nhân vật này lắm. Nói thế là con khen Bố đẹp như tài tử cinema. Phải nói là đẹp Trai mới đúng, chưa chắc, người ta sẽ bắt bẻ rằng 93 tuổi phải gọi là đẹp Lão nhưng con muốn nói Bố đẹp Trai vậy.

Người nghệ sĩ không có tuổi vì họ song hành với thời gian trong tác phẩm.

Thời gian thật là mông lung trừu tượng trong từ ngữ. Khoa học thực nghiệm bó tay không sao chứng minh được vì phải trải qua cái Chết con người ta mới chiêm nghiệm và làm Chủ được Thời gian. . .

Người ra đi vào cõi Chết không mang theo gì, kể cả những thắc mắc về Thời gian và nếu có đi chăng nữa cái thắc mắc sẽ là nơi họ sẽ phải đến. . . một Không gian khác. Một Cõi khác, nơi nào đó tốt đẹp hơn để gọi là Thiên đường. . . . Ai cũng cầu mong cho mình được phút cuối an lành vậy.

Đời người thật quá ngắn cho một Tài Hoa trong cõi trăm năm người ta.

Đo đếm một kiếp người có ngần ấy thôi. Một kiếp người của Bố gần chạm đến đỉnh điểm con số trăm năm, coi như là tròn trịa hả Bố.

Cái Duyên cha con ta gặp nhau trên cõi tạm này ngẫm nghĩ lại con thật là đắc ý cho sự kỳ ngộ hiếm có cho một đời người.

Con no nê với ý nghĩ mình thật Diễm Phúc đã có một người Bố như Bố.

Một người ham hiểu biết và luôn tìm tòi như Bố chắc hẵn lúc này ở một cõi nào đó Bố và anh Quang con đã dắt tay nhau du hành trong vũ trụ tìm đến cõi thần tiên nơi hẹn cùng Bích Khê thi sĩ như trong loạt ca khúc mà Bố đã chuẩn bị hành trang cho hai cha con trong hành trình lần này. Bố đã sắp đặt thật kỹ từ nhiều năm trước. Có lẽ từ lúc Bố trải qua cuộc giải phẫu tim lần thứ nhất.

. . . Từ hôn mê đến hồi tỉnh Bố đã du hành ở cõi trên ít nhiều lần ắt thành thục đường đi lối về,. . . biết lúc nào phải đi thì đi. . . cho kịp.

. . . biết cõi Thần Tiên có tất cả nhưng thiếu Âm nhạc Phạm Duy. . . .

. . . biết phải trở lại vì chưa xong việc trần gian . . .

Phải trở lại để hoàn tất một loạt Dị khúc mà Bố chọn để mang theo về cõi Chết. . . .

Bố đã sống trọn vẹn cống hiến không lãng phí phút giây nào. Với ông làm việc không ngơi trong sáng tác điều đó cần thiết như người ta cần không khí để hít thở.

– Như thế nào để nhận biết cái Đúng Sai mà sống cho tử tế với cuộc đời? Có lần con ngây ngô hỏi thế;

Bố dạy nè:

– Sinh ra làm người có Khôn, có dại – Cái Khôn là đầu óc biết tính toán – cái Dại là trái tim luôn thiệt thòi. Cả hai Khôn và Dại đều chứa trong cái túi Hiểu Biết.

– Tuổi ấu thơ đến trưởng thành ta lượm lặt tất cả khôn dại trên đường đi như những viên sỏi trên đường, có viên sỏi đẹp đẽ có hòn đá sứt mẻ.

– Cứ nhặt đi nhặt cho đầy túi trong Vô thức để rồi trong cuộc sống trên con đường ta đi tới, nơi phải Trở Về. . . những Khôn hay Dại, Đúng hay Sai, tất cả đều vô nghĩa khi ta Trở Về.

Sống trăm tuổi người chưa chắc biết được Đúng và Sai, (rắc rối).

Nghe trái tim. Lấy Tấm lòng mà trang trải với đời cùng khiêu vũ trên hai từ ngữ Đúng và Sai để tìm sự thăng bằng cho chính mình. Ngắn gọn và dễ hiểu. . . nhưng Bố ạ, cho đến giờ phút này con vẫn chưa thông suốt được điều Bố dạy.

Là Thân Vỏ Ốc mượn Hồn chỉ nghe tiếng ù ù lao xao làm sao hiểu được lời thì thầm của Biển?

Bố ạ, trong lòng con Bố đã là ngàn khơi Biển lớn.

Tâm hồn Ông trần truồng trước mắt người đời như con trẻ. Ông chân thật bày tỏ con người mình với cuộc đời như thế, trong suốt như thế, một tâm hồn trẻ thơ cùng Hỉ Nộ Ái Ố với đời một phen. Là cách thể hiện của Bố nó như thế.

Có lẽ do Bố quá đơn sơ bình dị như nhà Nông nên cái Ăn không cầu kỳ mà cái Mặc còn đơn giản hơn, độc nhất bộ bà ba muôn thuở không đổi, ngay cả khi đóng bộ complet cà vạt, bên trong lớp áo nỉ dày vẫn là bộ bà ba dính da.

Dù nơi phương trời nào hay bất cứ trong thời tiết nào Bố vẫn thủy chung với cách ăn mặc của mình.

Bộ quần áo dân dã của người miệt vườn, nông thôn là cái mode không thay đổi của Ông, thường là màu đen nhưng để gọi là thay đổi Ông thay màu, màu nâu, hay màu lam tối sậm đó thôi. Đừng hòng sắm cho Ông bộ cánh đắt tiền mà Ông mặc.

Ông bình dị đơn giản như người nông dân chỉ khác tay chân không lấm bùn, không có mồ hôi nhễ nhại và hơi thở gấp rút của người quần quật ra sức lao động chân tay.

Ông mang thân Lãng tử du ngoạn ba miền từ Bắc chí Nam xuyên suốt như thế hai chuyến. Lần đầu để ghi lại Trường Ca Con Đường Cái Quan và lần hai Ông nghe ra và ghi lại tiếng vang vọng Hồn Mẹ Việt Nam .

Được hai trường ca đã là một nỗ lực lớn nhưng với Ông vẫn chưa gọi là đủ. Ông miệt mài trong sáng tác và Ông làm việc như một cái kiến bền bỉ với công việc cho đến khi tắt tịt mới chịu yên.

Những lúc Ông chịu yên không kéo dài được lâu. Tuy vậy, bao lâu đó là bấy lâu gia đình vui vẻ tiếng cười. Cả nhà hạnh phúc vì Bố có thì giờ cho mỗi đứa con.

Bố mẹ có tám người con, gái trai đầy đủ, lo cái ăn cái mặc cho bầy con cũng đủ oằn thân Mẹ.

Bố miệt mài trong lao động tim óc để có cái nuôi vợ con, kể ra đâu sướng gì;

Bố Mẹ thật sự sung sướng khi nhìn thấy các con đi theo con đường âm nhạc thơ mộng mà Bố Mẹ đã đi qua, đã vạch sẵn cho các con. Mẹ mừng vui trong nước mắt và Bố thì khỏi nói, sướng lắm, đến nỗi không tham dự buổi ra mắt đầu tiên của ban nhạc Gia Đình Phạm Duy – The Dreamers với giới trẻ tại Sài Gòn. Sự kiện này quan trọng và lớn lắm đối với Ông. Ông không đến tham dự dù là khán giả chỉ vì Ông không chịu nổi sự đối mặt với cái hạnh phúc lớn đó. Bố trốn.

Một lần khác em Hạnh ngã nặng, thân người giật bắn lên từng cơn, cả nhà lo quýnh quáng. . . Nào xe cứu thương, xe cảnh sát rồi cấp cứu tại chỗ. Em an toàn, tai qua nạn khỏi.

Đến lúc cần chữ ký của người chủ hộ ký tên vào tờ biên bản cứu thương mọi người mới nhớ đến Bố. . . . Bố trong phòng ngủ khóa cửa cẩn thận và im thin thít. Ông không chịu nổi cảnh tượng đứa con gái út đang gần kề với cái chết. Bố trốn.

Và lần này Bố không chịu nổi cái đau mất con. Bố nhanh chân tháo chạy theo con Cả mà quên những đứa còn lại, bỏ lại tất cả. Bố đi và không muốn Tái Sanh. Nghe mà đau thắt tim. Một người đến với cuộc đời bằng cả tấm lòng như Bố, cống hiến đồ sộ như Bố mà thốt lên câu nói ngán ngẩm đời đến thế là cùng. . . nhưng con tin rằng Bố vẫn yêu cuộc đời này lắm. Bởi yêu cuộc đời này nên có câu “một ngày cho người Thương, một ngày cho người Ghét” đồng điệu đến thế, cả với người Ghét mà vẫn Công bằng – Đối Nhân Xử Thế. Là Bố kính yêu.

Bố. Một Thiên tài Âm nhạc vậy mà mức độ mỏng dòn còn dễ vỡ hơn người bình thường.

Trong một chương trình Phạm Duy 65 năm Âm nhạc tại Paris lần đó Bố vừa qua cuộc giải phẫu tim, đi đứng còn mất thăng bằng, ai cũng lo cho Bố phải gồng gánh một chương trình. . . . sức khỏe Ông biết có kham nổi không?

Đêm diễn đó đã không còn chỗ ngồi. Trong hàng ghế đầu có Giáo sư nhạc dân tộc Cổ truyền, Bác Trần văn Khê, là bạn chí thân của Bố.

Bố làm MC dẫn chương trình khi giới thiệu Thái Hiền – Thái Thảo Ông đã giới thiệu Thái Thanh – Thái Hằng. Cho rằng Bố nói sai sẽ chữa lại. .. Nhưng không.

Đến phần trình diễn của Julie Bố giới thiệu Julie Quang nghe mà bất bình vì mấy chục năm qua cái tên đã cắt đôi, đã tách rời, mà nay Bố lại ghép hai cái tên lại như nguyên thủy.

Bố ạ, con làm thế để không vướng mắc cho ai, để cho cả hai đừng nặng lòng khi cất bước ra đi. Hai con đã không còn đi chung trên con đường đời, giữ lại cái tên có nghĩa gì nữa, có khi lại làm phiền nhau chỉ vì cái tên. . . Con suy nghĩ như thế.

Sau buổi diễn Bác Khê nói:

“Phạm Duy còn minh mẫn sáng suốt lắm. Ông giới thiệu Thái Thanh Thái Hằng như năm sáu chục năm về trước và ngày nay là Thái Hiền, Thái Thảo. Ngày trước hay ngày nay đều là những hình ảnh yêu quí mà trong lòng Ông vẫn ôm ấp tưởng nhớ đến.

Với Julie Quang cũng vậy, ba bốn chục năm trước Phạm Duy đặt tên cho và bây giờ trong lòng Ông con vẫn là đứa con dâu của Ông, không thay đổi, phải hiểu như vậy.”

Một lần khác khi anh Duy Quang có ý định bước thêm bước nữa với (Yến Xuân).

Bố hỏi:

– Con đi với Bố hỏi vợ cho thằng Quang nhé.

– Bố đùa hả. Tôi nói.

– Con làm được điều này thì con mới vượt xa người ta.

Câu hỏi và sự mời mọc đi hỏi vợ cho chồng cũ nghe thật tức cười. Bố vui thật, nghĩ ra chuyện để các con có một trận cười. . . vui mà. Con quên bẵng đi câu chuyện mà con cho là Bố đùa vui chọc ghẹo. Giờ đây nhớ Bố, ngẫm nghĩ lại mới nhận ra ý nghĩa trong câu chuyện Đi Hỏi Vợ.

Bố ơi, con dại không hiểu được lòng Bố, bỏ quên cái tên Bố thương yêu đặt cho, quên luôn cả cái ơn Bố mang tiếng hát con đến với cuộc đời. Bằng cử chỉ nhỏ nhen, đầu hàng số phận, con mong xóa đi phần đời mình con muốn quên.

Con đã được dạy bảo cẩn thận để loại trừ những thứ làm bận rộn đầu óc không cần thiết phải lưu giữ trong tim. . . .

Bố ạ, những điều Bố dạy con khắc nhớ, nhưng có tuân thủ hay không lại là chuyện khác tùy thuộc vào hỉ nộ ái ố của bản thân với cuộc đời. Bố đừng giận, đừng la rầy vì con muốn sống thật, sống y như Bố vậy.

Trò chuyện với Bố những tưởng về người Bố Tôn Kính lòng mênh mang bềnh bồng miền ký ức quên cả thực tại Bố đã ra đi, mà nào Bố đã ra đi. . . . Bố ơi Bố không muốn Tái sanh. Bố ạ Bố không cần Tái sanh vì Bố đã ở lại trong tim các con, trong lòng người Thương, kể cả người Ghét trên môi tất cả những người hát nhạc Phạm Duy, Người Nghệ Sĩ tự nhận mình là Kẻ Hát Rong.

Ghi chú: Một vài nét phác họa về một người Cha trong đời thường. Mong được đóng góp chút ít trong cái nhìn tổng thể Bức Tranh đời Phạm Duy Người Cha yêu quí của tôi.

7. Trở Về Chốn Cũ

Ghi lại những cảm nghĩ của một chuyến đi xa là một việc làm nho nhỏ không đáng kể. Những tiêu cực tích cực trong xã hội hay trong đời sống cá nhân mỗi người đầy dẫy ra đó, nói hoài nói mãi không hết chuyện người ta. . . Như tôi trong đám người ta không khác, tôi có những chuyện rối rắm không nói ra, có những gút mắc muốn tháo gỡ, và chỉ có tôi tự chữa thương cho mình. Bằng cách nào tôi chưa biết, nhưng khi viết ra những cảm nghĩ của mình và được đón nhận chân thành nơi bạn đọc. Tôi biết sâu sắc trong tôi cần có người nghe. Tôi hát, cần có người nghe và ngày nay tôi giải bày cũng có người nghe. Tôi hát, hay tôi viết đều có người thưởng thức. Tôi thật hạnh phúc khi có người lắng nghe mình.

Kể bạn đọc nghe nhé một vài chuyện xảy ra bên đời hiu quạnh đôi lúc khiến ta mỉm một nụ cười sung sướng.

Chuyện gần đây tôi nghe từ anh Hùng USA Travel Agency nồng nhiệt khen những bài viết của tôi trên Gió O. Anh nói ra được điều anh thích, anh sướng. Tôi vui.

Tôi cám ơn anh bằng câu chuyện cười đầu năm, cười là vui rồi. (Câu chuyện đi tìm cái răng).

Lần khác trong một shopping lúc đang chọn lựa quần áo. Tôi bị một chị nhận diện ra. Chị rất vui mừng bày tỏ rằng chị đã đọc qua loạt bài viết của tôi rằng tôi tình quá nên đọc tôi chị cũng thấy dạt dào theo. Lời tỏ bày thật dễ thương. Còn có nhiều dễ thương nữa như Trúc Mai, Hải Hà, ôi thôi nhiều lắm. Bấy nhiêu cái nhiều góp lại là mật ngọt là hương hoa làm thăng hoa đời sống. Tôi thấy tôi giàu sụ và tôi là người may mắn.

Nỗi niềm vui sướng khi trao đổi trực tiếp với Độc Giả khiến tôi có cảm giác lạ. Cái cảm giác chìm trong hạnh phúc đi kèm với cái thoạt gần chợt xa những hệ lụy chập chùng… “Trong Hạnh Phúc đã có mầm Bất Hạnh” là thế thật ư?

Mặc kệ. Tôi cứ hưởng hạnh phúc của ngày hôm nay đi đã, ngày mai rồi sẽ tới… Qu’est sera sera.

Sau hai Tang một hồi để thấy mình chìm sâu nơi đáy trầm cảm. Tôi vực dậy như người bệnh mới được phục hồi. Một cụm hoa thạch thảo đang cố vươn lên trên vách núi… sự sống vẫn tồn tại. Đời sống không dừng lại mà đi tới.

Kể ra những chuyện nhỏ chuyện lớn tiêu cực hay tích cực đi chăng nữa chẳng qua mong muốn bạn đọc lướt mạng có phút giây thư giản mà nếu không được như mình mong muốn thì cũng mong cống hiến được độc giả một món ăn khác trong cái hổ lốn của tình hình thế giới hâm hấp hiện nay.

Tôi dốt nát chuyện chính trị nên không dám lạm bàn và lại cái bản chất nguyên sơ của người nghệ sĩ trong tôi là không ưa chuyện “chính chị” chính em.

Tôi học đòi bắt chước nhà văn Văn Quang người đàn anh quý mến viết “Lẩm Cẩm Thiên Hạ Sự” anh viết chuyện thiên hạ. Tôi tập viết chuyện của mình. Thật đúng với câu “ăn cơm nhà vác ngà voi.”

Tôi vượt nghìn dặm trở về chốn cũ chuyến đi xa lần này có phần vất vả vì tuổi tác càng ngày càng chồng chất lên mà sức khỏe thì lại giảm dần theo năm tháng. Tôi rũ người trên máy bay và đến nơi thì nằm liệt mất ba ngày.

Tôi trở dậy khi Con Vui (1) đến thăm và hẹn với nó đi hát Karaoke vào buổi trưa. Việc đầu tiên buổi sáng tôi cần làm ngay là đến thăm anh bạn vong niên. Người bạn chơi với tôi từ tấm bé, người bạn già của tôi, chẳng ra sao cả, do một sự hiểu lầm mà tôi giận bạn ta từ hai năm qua.

Nhà bạn cửa đóng then cài, thêm cái cửa sắt bên ngoài, (hầu như nhà nhà trong thành phố đều như thế, y như là nhà nào cũng có vàng thoi vàng nén dấu cất trong đó).

Bạn ra mở cửa, cười mỉm khi nhận ra tôi.

– Tôi đến đây để xin lỗi ông.

– Lỗi gì? Bạn nói.

– Tôi giận ông một cách vô lý, là tôi sai.

Bấy nhiêu câu trao đổi bao nhiêu giận hờn đã tiêu tan. Chúng tôi trút cho nhau nghe bầu tâm sự của hai năm gián đoạn tình bạn.

Bạn mời tôi đi nghe nhạc vào buổi tối. Tôi nhận lời ngay không do dự và như vậy tôi đã hẹn với hai người trong một ngày. Tôi khá lạc quan khi nghĩ rằng mình có thể đi chơi suốt cả ngày không nghỉ ngơi, không biết mệt, như tôi của 10 – 20 năm về trước.

Hát Karaoke là điều tối kỵ với ca sĩ, hát theo cái máy cho dù cố gắng như thế nào đi chăng nữa thì giọng hát đó cũng trở thành cái máy biết hát mà thôi.

Nghĩ như thế nên đôi lúc trong giao tế hay đàn đúm với bạn bè tôi hát Karaoke là để có dịp thù tạc… và lần này tôi thật sự muốn hát Karaoke bởi nhiều lẽ.

– Tôi muốn có thời gian với Con Vui cùng nhóm bạn của nó để nhớ về những ngày cũ với bạn bè đồng nghiệp, những lần văn nghệ thật sự là những lần gặp gỡ bất chợt ngẫu hứng trở thành những lần văn nghệ (bỏ túi) không sao quên được.

– Hát Karaoke lần này để xem xét lại giọng hát của mình . . .

Khi nhận ra mình không còn nguyên chất giọng để xướng lên những notes cao, tôi buồn lắm. Buồn vì cảm giác đánh mất cái quý giá Trời ban, buồn thêm cái nỗi nhớ khán giả và biết rõ ràng từ nay mình sẽ không bước lên sân khấu nữa. Từ buồn đến chán nản tôi không thấy hào hứng với cái trò văn nghệ máy karaoke. Không biết Vui có nhìn ra nỗi buồn đó trong tôi hay không mà nó lôi tôi đi từ nơi này đến nơi khác cho rũ hết cái buồn. Là nó muốn cho tôi vui như cái tên cúng cơm của nó đó.

Chia tay với Con Vui là lúc tôi đã thấm mệt nhưng còn cái hẹn đi nghe nhạc với anh bạn già. Tôi không thể lỗi hẹn với anh được, mới vừa làm hòa với nhau mà . . .

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến anh bạn khác, người bạn đồng môn phái, người có thể gọi là tri âm tri kỷ với tôi trong âm nhạc, anh Nguyễn Ánh 9 vì có chút lấn cấn sao đó (không do cả hai) nên tôi đã biệt tăm với anh. Tôi mong lần sau có dịp trở về nẻo xưa tôi sẽ tìm đến anh để nói lời tạ lỗi lần sau. Lần sau nhé, tôi mong đến ngày đó.

Cưỡi xe máy. . . Ngày trước chưa phải đội nón bảo hiểm, thôi thì tóc cứ tự do mà thổi tung lên theo gió. Bây giờ đội nón, đeo khẩu trang, người trùm kín như người phương Đông giữa cái nắng thiêu của miền nhiệt đới. Chị em phụ nữ giữ sắc đẹp bằng cách tắm hơi mỗi ngày? Đến da khô kinh niên như tôi mà không cần dùng đến lotion kem dưỡng da.

Phụ nữ Việt có làn da mịn chắc nhờ thế.

Buổi tối

Đến điểm hẹn đã thấy anh bạn già ăn vận chỉnh tề ngồi đợi tôi trước sân. Không kịp về nhà thay đổi xiêm y cho đúng cách ăn diện đi night club, không trang điểm, vẫn lè phè chắc không ai nhận diện ra mình, nghĩ thế tôi yên tâm bước lên các bậc thềm dẫn đến cổng Night Club Bar.

Cái Bar này thu hút khách nước ngoài đến uống rượu nghe nhạc, cái phong cách riêng từ khung cảnh trang trí đến phần ban nhạc và ca sĩ đều rất riêng.

Nó gợi cho tôi hình ảnh của một Huyền Thoại Trên Vùng Biển bài hát năm xưa tôi đã hát … còn thiếu hình ảnh của một người vũ nữ và Cành Thập Tự Đen – cái chết và người Thủy Thủ buồn đứng nhìn nước biếc là có thể làm xong một phần đoạn video clip.

Bài hát Huyền Thoại Trên Vùng Biển này, trước 75 tôi không chọn để hát trên sân khấu. Bài hát buồn quá, buồn như muốn khóc. Một cảnh tượng buồn như đám tang kéo lê thê hết cả đời của người vũ nữ trong hầm rượu tối. Trên khuy kèn đồng của nhạc sĩ Cao Phi Long và ban nhạc Ngọc Chánh The Shotguns. Ca sĩ là tôi nhảy múa với notes nhạc. Hát lồng lộng trong phòng thu thanh với cái tưởng tượng một không gian Biển và Những Huyền Thoại.

Những nhân vật và những cảnh tượng khác nhau nhiều lắm, nhiều quá để chuyên chở trong một bài hát. Làm sao nhập tâm cho hết những nhân vật, những tâm trạng buồn đều như nhau. Bài Huyền Thoại Trên Vùng Biển khó hát, tạm được trong phòng thu âm, nhưng tôi không tài nào dựng lên hình ảnh đó trong khung cảnh của một phòng trà ca nhạc hay night club bar. Đó là lý do tôi không chọn Huyền Thoại Trên Vùng Biển để hát trên sân khấu.

Trở lại câu chuyện Trở Về Chốn Cũ của tôi lần này, phải có lời khen đến vị chủ nhân đã khéo làm nên một mỹ quan về đêm như thế nơi thành phố.

Ban nhạc và ca sĩ tạo nên sự sinh động cho toàn cảnh.

Ngay bài đầu tiên tôi đã thấy các em chơi nhạc với tinh thần đồng đội (team work). Các em chơi rất ăn ý, đồng điệu, nhuần nhuyễn. Nói theo cách của Michael Jackson khi tập dượt với ban nhạc của anh (đêm nhạc như lửa riu riu).

Điều này khó tìm thấy nơi các ban nhạc khác. Chơi đều, chơi sạch, hay.

Cô Ca Sĩ Sông Đá (2), tạm gọi em như thế. Cô em ca sĩ cho tôi nhiều ấn tượng đẹp của một thời đã qua, một thời tuổi trẻ . . .

Ngày đó có tôi sớm líu lo ca hát.

Ngày xưa với nguyên vẹn nỗi đam mê . . .

Qua Sông Đá tôi nhìn thấy tuổi trẻ tôi ngày trước.

Cám ơn em đã cho tôi những khoảnh khắc vui tràn về trong ký ức.

Đêm hôm đó nghe Sông Đá hát bốn bài liên tục, em hát nhạc ngoại lời ngoại. Mỗi bài em hát là mỗi lần tôi lạc vào vùng thời gian của quá khứ. Tôi đi từ Long Bình đến Nha Trang vùng Ban Mê Thuột những nơi mà tôi đã từng đi trình diễn trong các căn cứ Quân sự Hoa Kỳ. Thời gian đó tôi vô tư nhìn đời với đôi mắt trong vắt. Sông Đá vóc dáng sáng sân khấu, cái đẹp hoang như cô gái Gitane không thiếu nét khắc khổ tự nhiên của người xứ Quảng và cái e ấp của cô gái Việt.

Do có quen biết trước với anh bạn già nên Cô đến bàn chào tôi. Biết thêm về Sông Đá đã đi hát 22 năm. Cái vững vàng của người không ít kinh nghiệm trên sân khấu như Cô từ phong cách trình diễn đến giọng hát Cô đều thể hiện một cách điệu nghệ. Có điều tôi ngạc nhiên với một tài năng như thế vậy mà Cô chưa là một diva thì có hơi lạ … có lẽ do cá tính của Cô phần nào chăng?

Tôi mong cô em Sông Đá sẽ tạo dựng được tên tuổi, định rõ vị trí chỗ đứng của mình trong làng âm nhạc Việt một ngày gần vì Cô em xứng với thành tựu đó.

(còn tiếp)

(1) (2) nhân vật Con Vui và ca sĩ Sông Đá sẽ lần lượt trình làng trên Gió O. Mời bạn đọc đón xem.

Trả lời bạn đọc: Để trả lời cho một số nguồn dư luận đang cố tình bóp méo sự việc liên quan trực tiếp đến Tôi .

– Con Gái tôi là một trong ba người thừa kế trong Di Chúc của người Quá Cố.

– Tôi là người viết trực tiếp chịu trách nhiệm về những gì mình viết trên Gió O, gio-o.com. Tôi không thuê mướn ai để làm việc này.

8. Về Một Đôi Song Ca

Khi Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông

Cả hai là một đôi trên sân khấu của các Câu Lạc Bộ Mỹ và những phòng trà hộp đêm tại Sài Thành lúc bấy giờ, lúc Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Cùng thời với họ còn có những cặp duet ca nhạc sĩ Lê Uyên & Phương, Từ Công Phụng & Từ Dung, Thanh Lan & Nhật Trường (đôi song ca này đặc biệt chỉ xuất hiện trên màn ảnh nhỏ tivi, thường diễn xuất những bài nhạc mang kịch tính nói lên những cuộc tình mất mát và những tai ương trong chiến tranh), là những cặp hát đôi lý tưởng của các sân khấu nhỏ và phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn. Đến các sân khấu lớn Đại Nhạc Hội thì các đôi cặp lớn nhỏ gì cũng bị chìm xuồng trước cặp sóng thần Mai Lệ Huyền & Hùng Cường.

Những cặp duel (chiến đấu tay đôi) Lê Uyên & Phương, Từ Công Phụng & Từ Dung hay Julie & Duy Quang trên sân khấu Miền Nam Việt Nam Cọng Hoà là hình ảnh của những cặp tình nhân trẻ tạo nên cái không khí của tình yêu lãng mạn. Ba đôi song ca trên là biểu tượng hơi thở của thời đại, là cái nét biểu tượng rất thành phố, thời bấy giờ.

Còn cặp đôi sóng thần Mai Lệ Huyền & Hùng Cường lại là một hiện tượng khác. Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát nhạc kích động lời lẽ đơn giản như những lời tán gái của con trai ngoài ngõ. Tâm tình đơn sơ của những người lính trẻ đong đầy những ước mơ và cái ngây thơ e ấp của người yêu bé nhỏ nơi hậu phương. Những bài hát mộc mạc vô thưởng vô phạt trong thời chinh chiến ấy vậy mà đi vào lòng người. Từ trong các trại lính đến những đồn vắng ngoài biên ải trải dài với đồng lúa ruộng nương Việt Nam, cặp sóng thần Hùng Cường Mai Lệ Huyền đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ các lãnh thổ đó.

Ngày nay người yêu nhạc Việt còn tìm thấy những hình ảnh xưa của thần tượng trên Youtube. Vào thời đại tin học muốn tìm kiếm hình ảnh thông tin gì mà không có.

Thế nhưng người ta đã không tìm được một bài hát Việt nào trong thế giới âm thanh và truyền hình internet ghi lại cặp đôi Julie & Duy Quang hát chung với nhau.

Ca nhạc Sài Gòn ngày ấy đặt cho họ một tên gọi: Duy Quang ca sĩ thần tượng, Julie Quang ca sĩ huyền thoại. Hãy tạm gọi là Chàng và Nàng để cùng đi vào thế giới bí ẩn của họ. Thế giới của ngày trước và ngày nay. Còn bức rèm che giữa bên này và bên kia của đời sống hãy thử vén lên xem. . .

Nàng, người đàn bà trẻ thơ đã đến trong cuộc đởi Chàng lúc tuổi đời còn bỡ ngỡ nghe thân xác rạo rực đòi hỏi chuyện yêu đương, háo hức được gặp nhau để xoắn xuýt như đôi lứa, cả hai đều thật sự chưa biết tình yêu là gì ngoài cái hừng hực nung nấu trong lòng người trẻ tuổi, sức lớn mau sự trổi dậy như quy luật tạo vật những đòi hỏi vật vã của thể xác. Chẳng những cho rằng tình yêu là một sự chiếm hữu, phải làm chủ tình hình phải đánh Nam dẹp Bắc không cho bất kỳ đối thủ nào có cơ hội toan tính chuyện tranh dành, phải mau mắn đánh dấu lãnh thổ của mình. Đơn giản khi yêu thích vật gì thì ta muốn chiếm hữu trở thành sở hữu chủ của vật đó. Trong tình yêu rồi đi đến hôn nhân là như thế nơi những cặp tình nhân từ thời học sinh “em tan trường về” (1) đi bao xa với nhau, bao lâu cuộc tình kéo dài đen’ kết thúc tốt đẹp có đoạn kết tốt hay dang dở nửa chừng đều tùy thuộc vào cả hai bên. Hai người nhìn cuộc đời hai phía với những góc cạnh khác nhau như “hai khía cạnh cuộc đời” (2). Hai khía cạnh luôn song song đó có chở được đoàn tàu đông đúc đi qua không lại là một chuyện khác. Về phía xa tắp cuối chân trời nơi giới hạn của tầm nhìn hai khía cạnh khác nhau đó có kết nối lại được thành một không?

Một buổi sáng sớm mùa đông tại thị trấn giữa đàng nơi nhà bố Chàng, Nàng đang quét dọn phòng, Chàng buông thõng một câu chẳng đâu vào đâu.

– Già quá!

Nàng:

– Ừ, thì mình già rồi phải chấp nhận điều ấy.

Chàng nói tiếp:

– Cái mền mới mua, màu của người già. Không nói em. Anh với em cùng tuổi, hai đứa mình đều mang mạng Mộc. Anh là cây chết đứng giữa trời còn em già nua như cổ thụ.

Câu nói làm điếng lòng người, mà kinh quá khiến người nghe chết sững, lạc dòng thời gian…

Trở về Chàng và Nàng đều không có cái hậu vận tốt theo kiểu cách classic-classy đó mà cũng không thể gọi là dở dang. Cái lưng chừng không có tên.

Những ý niệm về cuộc đời hình ảnh buồn bã của một đám tang trước mắt và hạnh phúc muộn không hẹn mà đến cùng lúc vào cuối đời. Chàng mơ thấy xác thân chảy vữa ra thành tơ vàng và hào quang của sự Chết là lửa thiêng nung cháy ánh tơ vàng thành trang sức trên người Nàng. Chàng được treo trên vùng ngực để ngửi hương thơm ngày cũ. Chàng đeo bám bên hoa tai cùng kết bạn với làn tóc rũ vờn trên đôi má và thì thầm bên tai những lời âu yếm, vừa đủ cho một mình Nàng nghe. Vào lúc chập chờn giữa cái sống và cái Chết, giữa cõi mơ thực hư ảo, như một cuốn phim quay thật chậm, chậm như nhịp đập của trái tim bằng hơi thở hắt hiu Chàng bắt gặp Nàng lung linh từ tiền kiếp bỗng chói lòa, người tình của kiếp trước đã trở lại cùng Chàng bằng xương bằng thịt bằng trái tim son, màu tươi thắm của máu đỏ.

Nàng, người tình muôn thuở trong thi ca “Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng (3). Suốt một đời Chàng dũng sĩ cưỡi con ngựa vàng rong ruổi chiến trường, vượt nghìn trùng sông núi những bến bờ để đi tìm người yêu trong mộng tưởng. Đi khắp nơi tìm khắp chốn người tình cứ biền biệt, đến một ngày ngựa đã mỏi vó chồn chân, lông đã thay sắc và Chàng dũng sĩ áo chinh nhân đã bạc màu sờn vai. Rũ bụi đời bên bờ sông vắng. Soi bóng hình lung linh dưới nước ẩn hiện một giai nhân, người tình trong mộng tưởng là hóa thân của con ngựa vàng đã cùng Chàng như hình với bóng trong từng dậm dài hành trình của một đời người. Nàng đã âm thầm đi bên lề cuộc đời Chàng như một cái bóng, chiếc bóng câm lặng, cái bóng vô tri vô giác là con ngựa vàng. . . Trong cái vỡ òa giữa sự sống và cái chết Nàng đã trở về như một huyền thoại.

Nàng, huyền thoại một ca sĩ có thực mà những cái người ta biết và không biết, chi chít như những dọc ngang trong bức họa đồ của một đời người. Nàng có đời sống phóng túng, một tâm hồn già nua một trái tim non trẻ. Trẻ con rất ngây thơ khi tô vẽ những bức họa đầu đời bằng cách vẽ những cảm nhận lên trên bức họa, trong cái thế giới quan của con trẻ là thiên thần nên tất cả đều tốt đều đẹp. Không tồn tại bất kỳ một điều xấu mà cho dù có xấu đi chăng nữa cái đơn giản ngược ngạo trong hình thể lắm lúc đã trở thành cái đẹp rất duyên dáng trong cái xấu. Cái xấu và sự kỳ dị ngược đời lồng trong màu sắc sặc sỡ đậm nét của trẻ con là tổng hợp chính làm thành những tác phẩm giá trị hằng triệu đô la của Picasso. Nàng mang trái tim của một con trẻ ham chơi mà vẽ lên cuộc đời Nàng những nét chấm phá loang lở, ở đó có ánh sáng và bóng tối.

Nàng Eva yếu đuối trong cám dỗ và là nguồn gốc của tội lỗi như trong thánh kinh dẫn. Nàng là thiên thần bảo hộ hay quỷ ám toàn đời.

Chàng trong ngục tù bao la của đời sống vợ chồng. Nàng không muốn làm người vợ. Nàng quá lãng mạn để đóng vai vợ hiền. Nàng chọn làm người tình. Người tình có thể là người tình của nhiều người trong số đó có Chàng phải luôn luôn cất dấu Nàng trong tim. Trong ái tình Nàng là kẻ tham lam mà không toan tính chuyện đời đời, được thua.

Chàng cố gắng vất vả để biến Nàng thành một bà Thánh Sống như mẹ Chàng, một mẩu người Vợ, người Mẹ lý tưởng điển hình trong đời sống.

Nhưng đó không là ước muốn của Nàng. Từ trong tiềm thức Nàng chọn sắm vai người tình và chỉ là người tình mà thôi.

(Em hãy là thuyền tình dật dờ trôi để anh là bến mộng mãi đợi chờ). Eva bản chất là hoa, cá tính là bướm là người nghệ sĩ. Chàng nhận biết điểm này bởi Chàng cũng là bướm biết thế nào là mật ngọt hương hoa. Như một chuyện tình buồn đẫm lệ Chàng hôn mê trong ký ức giật lùi, thời gian của buổi ban đầu rồi chập chờn qua cơn mộng mị. Nàng có đó ngay trước mắt biết đớn đau nhỏ lệ từng giọt rồi tung`giot nặng nề rơi trên đôi vai gầy giơ xương của Chàng. Ôi, ơn đời quá đỗi, ơn em nặng quá thể tuôn trào từ hốc mắt những giọt nước đẫm tình làm chìm đắm cái ngạo nghễ trong bất kỳ gã đàn ông nào như chàng.

(còn tiếp)

(1) Ngày Xưa Hoàng Thị, thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy.

(2) Hai khía cạnh cuộc đời. Both sides now của ca nhạc sĩ Joni Mitchell, lời Việt Phạm Duy

(3) Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng, Đạo ca, Thơ Phạm Thiên Thư nhạc Phạm Duy.

9. Mái Tóc Chị Hoài dâng hương hồn Má

Má tôi tên Hoài. Nguyễn Thị Hoài. Chị Hoài.

Người đã gây nguồn cảm hứng cho Bố Phạm Duy viết nên bản nhạc Mái Tóc Chị Hoài để tôi hát.

Ngày đó nghe Má kể. Chị Hoài dắt díu ba đứa con về tá túc với cha mẹ ruột sau khi chồng chị, ông A. phải dời nhiệm sở. Ông thuyên chuyển đến Lào – Viên Chăn chỉ cách hơn một giờ bay của phi cơ. Tuy không xa gì mấy nhưng chị Hoài nhất định không theo chồng cũng bởi có lần chị đã nghe theo lời người đàn ông chị gọi là chồng để dấn thân vào chốn viễn xứ.

Lấy chồng nước ngoài thì phải chịu cái cảnh xa cha mẹ, anh chị em, xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn. Chị Hoài trên tay bế đứa con gái mười một tháng tuổi lên chiếc tàu chiến của quân đội Pháp để đến – Pondichery – Inde – Chồng chị trong quân đội viễn chinh Pháp nên những phương tiện đi lại của các gia đình lính tráng đều được quân đội Pháp đài thọ. Quê chồng cách xa quê chị mênh mông mấy đại dương. . . Ngày ngày vời trông cố hương nơi chốn mịt mùng, chị thầm nhủ mình sẽ chẳng bao giờ rời xa quê hương, lìa xa cha mẹ anh chị em một lần nữa, sẽ không bao giờ chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Mà nào có phải do cha mẹ định đoạt gả bán mà là do chính chị Hoài đã chọn con đường làm thử thách để thoát cái thòng lọng ngày càng xiết chặc hơn trên cổ cái gia đình nghèo mà đông con, nhiều miệng ăn quanh năm suốt tháng quẩn quanh với túng thiếu. Cái cảnh nghèo khó như dính vào da từ đời này đến đời nọ. Phải thay đổi cái định mệnh khắc nghiệt đó, định mệnh khác nếu có đau thương hay lắm thiệt thòi mà do chính mình tự quyết vẫn cam chịu hơn là bằng lòng với số phận đặt để. Chị Hoài chọn lấy chồng xa, chị than “thân như cá thoi thóp trên bờ” khi gửi thư về thăm cha mẹ nơi cố hương.

Chị buộc phải rời xa quê hương xứ sở đến một nơi xa lạ để biết phong tục tập quán và ngôn ngữ của bên chồng, chị phải tập làm quen với những người lạ không cùng màu da tiếng nói và nhận họ là người thân bởi họ là thân nhân của chồng. Sau năm năm đau đáu nơi xứ người chị Hoài trở về quê hương mình, tay dắt tay bồng hai đứa con gái hoàn toàn không biết tiếng mẹ đẻ.

Ghi lại câu chuyện đã nghe đi nghe lại nhiều lần do con bắt Má kể như nghe chuyện đời xưa của con trẻ trước giờ đi ngủ, trong trí óc non nớt con ghi nhận chuyện Ba và Má kết hôn rồi sanh ra con còn hay hơn chuyện cổ tích thần thoại. Chuyện má kể từ hồi con còn thơ đến giờ chắc có nhiều chi tiết nhòa trong trí nhớ, còn những chuyện mắt thấy tai nghe từ bé cho đến nay có mấy chục năm thì dường như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.

Hôm qua Má dắt con và bồng bế hai em (lúc đó có thêm thằng cu Bi) về nương tựa bên ngoại thay vì theo chồng qua Lào. Nhà ông bà ngoại ở Cần Thơ. Quê của ông bà nằm giữa Long Xuyên và Cần Thơ là Thốt Nốt, cái nôi của Hòa Hảo. Bên Nội Ngoại bà con của Má đều theo đạo Ông Bà hay đạo Hòa Hảo. Trước khi Má ra đời, ông bà ngoại đã chịu phép rửa tội để theo đạo Ki Tô giáo. Nhà ông bà trong một xóm đạo khuất sau cái lầu chuông của nhà thờ. Hầu hết người trong xóm là người Công giáo. Má sinh ra và lớn lên chốn này tất cả đều quen thuộc đều nền nếp với Má từ con người đến cảnh vật thật gần gũi rất thâm tình “như cá lội trong ao nhà.” Duy có điều làm Má bức xúc và khó nghĩ mỗi khi con nhớ Ba và nằng nặc đòi theo Ba, con hạnh họe Má đủ điều, làm khó Má đủ cách… Nhưng khi thấy mắt Má đỏ hoe, nước mắt chỉ chực trào ra con tắt đài hết líu lo những câu hỏi mắc nghẹn vì những thắc mắc còn vướng víu trong lòng. Con tắt tịt rồi chóng quên.

Ba về thăm vợ được hai lần thì Má lòi ra thêm thằng cu Ben. Không bao lâu sau Má nhận được tin sét đánh – Ba ngoại tình và có một đứa con trai – Buổi chiều hôm đó sau khi cơm nước và dọn dẹp đâu đó xong xuôi, Má dắt tay con; hai mẹ con đi tản bộ. Má cho biết tin tức của Ba một cách tóm tắt rồi vội vàng đi thật nhanh để dấu hai hàng nước mắt.

Kể từ lúc đó Má mạnh dạn và xông xáo hơn, tự lực cánh sinh không nhờ vã vào người chồng bội bạc. Buổi sáng Má dậy thật sớm lo giặt giũ áo quần cho cả nhà gồm ba người lớn và bảy trẻ em (bốn chị em tôi và ba con gái của cậu Năm) sáng nào cũng đầy ắp một thau giặt.

Giặt giũ xong bắt nồi cơm lên để đỡ việc cơm nước cho Ngoại, Má phóng ngay ra chợ để bán hàng nơi cửa hàng bán mùng. Buổi chiều tàn Má lao vào lớp học may miễn phí ban đêm do nhà thờ tài trợ, tối về các con đã ngủ khò đôi khi chập chờn thức giấc qua ánh đèn dầu leo lét hắt lên vách bóng của Má thật to, cánh tay thật dài đủ để ôm tất cả các con vào lòng.

Thân thể Má gầy mòn vì nặng gánh, lo toan mọi điều cho mọi người. Má đẹp từ trong ra ngoài từ thể chất đến tâm hồn. con biết Má đẹp với nước da trắng mịn và cái búi tó đen nhánh trên đầu toát lên cái đẹp sang cả của người phụ nữ phương Bắc. Má người miền Nam vùng sông nước lớn lên ở tỉnh thành nhưng dáng vẽ đài các như các cô chiêu nơi thành phố chẳng thế mà Bố của thằng An bạn học là một ông nha sĩ khám răng ngoài câu hỏi đau cái răng nào, còn lại toàn bộ câu chuyện ông hỏi thăm về má. Như Má bao nhiêu tuổi. Ba đang ở đâu? Ơ cái ông này sao lại hỏi đến Ba? Ông ta có ý định gì với má? Bây nhiêu câu hỏi dồn dập làm cho cái đầu óc non nớt phải lo đề phòng bảo vệ Má cho Ba.

Bao nhiêu tình yêu với Ba con dồn hết lại để thương yêu và xoa dịu nỗi đau của Má. Con tập làm quen với ý nghĩ con không có cha để quên Ba nhưng khi có người nào ngắm nghé Má thì con sẽ đứng lên vì Ba để làm kỳ đà cản mũi và con đã không trở lại với ông nha sĩ đó.

Ba không còn hiện diện trong mỗi câu chuyện. Mọi người đều tránh nhắc nhở đến. Đồng thời con tập múa tập hát để mua vui cho Má. Có lẽ từ đó Má đã nhìn ra đứa con gái lớn có năng khiếu biễu diễn và nghệ thuật hớp hồn người ta. Mỗi khi có khách viếng thăm Má hãnh diện đem con ra khoe những bài hát những điệu múa con ra sức biễu diễn để chinh phục mọi người. Năm lên mười con đã biết đổi lời nhạc đệm những lời thương yêu mà con muốn nói với Má vào trong bài hát và hát lên cho má nghe.

Tuy thiếu thốn đủ thứ từ cái ăn đến cái mặc nhưng những bài nhạc hay tuyển tập thuộc dạng xa xỉ con không thiếu một bài nào. Má sẽ nhịn ăn sáng để nuôi dưỡng âm nhạc trong con. Má ăn trưa, ăn tối với cá kho quẹt mỗi ngày để con cái Má học trường Tây với các con của những ông lớn hay đại gia giàu có. Nào phải đâu Má bon chen với người mà vì các con Má là con lai nên Má có những đòi hỏi cho các con vượt ra ngoài cái sức của Má.

Má bước thêm bước nữa các con có thêm hai đứa em.

Cuộc đời vốn lắm oan trái cho Má, gỡ được đàng này lại rối đàng khác, thêm gút mắc… Mãi đến khi con xông vào đời một cách sốc nổi những mong gánh nặng đỡ oằn vài Má nhưng than ôi con dại gây thêm lắm đoạn trường. Má ơi con má hư rồi, còn đâu má gả má đòi bạc muôn. Con xin lỗi Má những sai trái và những lầm lỡ trong đời . Con hư là tại con hư, không phải lỗi của Má. Cám ơn Má, người Mẹ bao dung và là người bạn thân đã luôn sát cánh bên con trên đường đời cho dù con là đứa con hỏng bét.

Nhớ Má, cái hình ảnh ghi đậm trong trí là lúc Má chải tóc khi tháo cái búi tó tóc xòa dài chấm chân. Mái tóc đó như nhung êm đã ấp ủ chị em con suốt quảng đời thơ ấu. Con nhớ mãi mỗi lần Má đi chợ về thấy có bồ kết là biết Má sẽ gội đầu lúc chị em con ngủ trưa. Con nài nỉ để không phải ngủ và để được xối tung gáo nước cho Má gội đầu. Bây giờ và mãi mãi con không quên cái hình ảnh những buổi trưa hè oi ả từng gáo nước mát lạnh và mái tóc dài ủ ê của Má. Rất tiếc cho các em còn quá bé để ghi nhận hình ảnh thơ mộng đẹp như trong thi ca của một mái tóc. Mái Tóc Chị Hoài đi vào lòng những ai chỉ một lần nhìn thấy là mãi mãi không quên. Con có cái may mắn nhiều lần thưởng ngoạn cái đẹp, cái hương vị ngọt ngào đó như thế nào phải kể lại cho các em nghe. Mong rằng qua bài viết này con có thể cắm sâu hình ảnh về một mái tóc ngày xưa của Má trong lòng các em. Những đứa con của Má, của Chị Hoài về một mái tóc, Mái Tóc Chị Hoài.

10. Nàng

Cái chữ (Nàng) tôi biết đến khi đọc lén bức thư Chàng gửi về nhà thăm bố mẹ. Trong đó tôi được giới thiệu là Nàng. Cái từ ngữ để gọi người phụ nữ, lần đầu tiên có người gọi tôi như thế (tôi quen nghe người ta gọi nhân vật thứ ba là nó hay thằng hoặc con). Tôi thầm nghe điều gì rất âu yếm và trân quý trong cái từ ngữ lạ hoắc kia. Tôi được vuốt ve mơn trớn bởi cái âm thanh cảm thụ được ngôn ngữ của ái tình sắc màu của tình yêu chỉ vỏn vẹn gói trọn trong một chữ Nàng cái từ nàng rất xa lạ từ trước bỗng dưng nhảy tót vào lòng và ở lại luôn trong đó chẳng chịu đi. Tôi yêu thích chữ Nàng kể từ đó.

Cái chữ Chàng cũng từ đó mà ra. Tôi phải đáp lại cái văn vẻ chàng thêu dệt trên tôi bằng cách nhai lại: Chàng ơi chê thiếp làm chi. Thiếp là cơm nguội phòng khi đói lòng. Hay là Chàng ơi, đi đâu cho thiếp theo cùng. Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam. . . kéo dài giọng ngâm nga cho thật mùi để đón trận cười sảng khoái của Chàng là những trò chơi đối đáp mà chúng tôi bày ra chỉ cốt để cười cho qua chuyện mỗi lúc hờn anh giận em mà chuyện này với chúng tôi xảy ra hà rầm như cơm bữa.

Một chút hương trầm thoảng theo gió đưa dĩ vãng xích lại gần trôi miên man trong ký ức dật lùi những ý nghĩ cũng chập chờn theo gió bay đến bạn đọc. (Tôi ngồi gõ bài mà vui vui với ý nghĩ bay bay đó) mặc dù niềm vui ít ỏi lắm lúc hiếm hoi thể hiện qua các bài hát mà tôi đã hát toàn những âu sầu và uất ức để đôi khi ngẫm nghĩ có lẽ do tôi chuyên hát nhạc buồn, quen kể lể, cứ luôn than ngắn thở dài lắm lúc chen vào nước mắt ly tan quá sầu não để cái khó đó vận vào người? Vậy mà người ta đã vỗ tay tán thưởng khi giọng ca tiếng hát chạm nỗi đau âm thanh nhạt nhòa ướt sũng bằng trái tim rướm máu tôi chinh phục người nghe với nhức nhối của chính mình. Sao khán thính giả của tôi lại yêu thích tôi qua cái hình ảnh ác ôn đó, họ đóng khung tôi trong đau thương nghiệt ngã và họ nói yêu tôi? Đã có lúc tôi giận cả thế giới này.

Đến quá khứ gần hình ảnh võ vàng tiều tụy của anh khi gặp lại trên xứ Mỹ khiến ai nhìn thấy cũng phải ái ngại cúi đầu hay đau lòng xót xa cho một đời người nhưng anh vẫn cố gắng để níu lấy cái sức sống đã tàn tạ nơi anh. Trên giường bệnh anh thoáng nét vui qua ánh mắt với nụ cười anh nhỏm dậy để đón tôi không bằng một lời thăm hỏi cố nhân hay xã giao thường thức. Anh nói ngay với tôi rằng – anh chưa sẵn sàng – một câu nói đầy quyến luyến mà anh nói thật nhanh cho hết câu như anh chờ đợi gặp tôi chỉ để thốt lên chừng đó.

Tôi ngạc nhiên vì câu nói sảng của anh trong bệnh viện chắc bị tiêm thuốc giảm đau liều lượng cao.

– Anh hãy nằm xuống nghỉ ngơi, tôi nói.

– Anh không mệt không đau. Anh nói.

– Thế anh có “phê” không? Tôi hỏi.

Anh nhìn tôi chăm chăm như muốn nói đã biết tỏng tôi định nói gì. Tôi im mồm không nên chọc giận người bệnh vì với anh “phê” hay get high là criminal; Tôi ấm ức gác qua một bên mặc dù rất tò mò muốn biết cảm giác đi mây về gió có đưa chàng về vùng ký ức xa xăm nơi tôi đã nhiều lần tìm về để chỉ thấy cái tiêu điều hoang phế của một thời hoàng kim nào xa xôi lắm.

Những tưởng anh phê thuốc quá nên nói sảng nhưng không, anh hoàn toàn tỉnh táo có đôi khi phải lắc lư cái đầu cho lời nói được tề chỉnh hơn. Anh đã mất hẳn thần sắc rồi nên không muốn mất luôn cả sự sáng suốt. Tuy cho qua nhưng câu nói quyến luyến cuộc đời đã ám ảnh toàn bộ não của tôi.

Mỗi buổi sáng nắm lấy tay anh tôi xiết chặt và bảo anh hãy làm y như tôi trong cái xiết tay tôi sẽ đoán biết được tình trạng sức khỏe của anh trồi sụt thế nào. Bàn tay anh lạnh toát khô nhám nắm lấy tay tôi tìm chút hơi ấm. . . trong cái xiết tay chúng tôi thầm lặng san sẻ cho nhau chút hương nồng còn sót lại hay sẽ khơi dậy đống tà tro tưởng chừng như đã tắt ngấm từ lâu.

Những ngày đầu trở về từ bệnh viện ngoài những lúc tấp nập bạn bè thăm viếng có lúc chúng tôi một mình với nhau trong căn phòng ngủ dựng từ cái garage nhà Bố làm thành phòng ngủ. Nơi đây đã từng che mưa mát nắng cho cái gia đình nho nhỏ của chúng tôi một thời gian, ngắn thôi, tuy không lâu nhưng chúng tôi có đủ ngọt bùi chua cay đắng chát, nghĩa là đầy đủ hương vị của cuộc đời đủ là ấn tượng để đánh dấu ngoặc mỗi khi nghĩ đến mà tôi có làm dấu ngoặc như thế đấy có phức tạp không?

Trở lại đây sau mấy chục năm chia tay, bây giờ chung chạ với nhau trong một phòng tôi không sao tránh khỏi luống cuống tay chân vụng về, tôi lí nhí:

– Chúng ta hãy tập làm quen với nhau trở lại, chắc sẽ không thoải mái lúc đầu nhưng phải thế vì em sẽ thường xuyên có mặt để chăm sóc anh, anh có ok không?

– Anh thẫn thờ, ddwwwocj chứ.

Em Hiền lo cho anh cơm nước, em Đạt đưa đón anh đi bác sĩ nhà thương, tôi chỉ việc phụ trách làm bầu bạn với anh. Tôi thích làm khi nhận công việc nhẹ nhàng này tôi sẽ có dịp đọc qua tâm tư anh những khoảng trống hay từng chặng đường có ánh sáng và bóng tối mà tôi chỉ muốn soi rọi vào cái khoảng bóng tối đó trong anh. Có lúc nói khoảnh đời anh không có tôi tồn tại, nhưng tôi có tất cả sự kiên nhẫn để nghe chuyện về anh, chuyện hay hoặc dở tính sau nghe về anh là được rồi.

– Sao em không hát nữa, anh hỏi.

– Hết đam mê mất luôn cả sự tha thiết với âm nhạc, thế thì hát làm gì?

Một sự im lặng bao trùm cả hai, lúc lâu anh tiếp

– Vì sao hết đam mê và hết tha thiết? Mà có mất hết đi chăng nữa, cứ hát sợ gì.

Tôi không sợ cũng không ngán con ma nào chỉ biết rằng mình đã đánh mất sự tự tin và điều này kéo thêm cái mất luôn niềm đam mê với âm nhạc. Cố gắng thêm còn được vì cái mất đam mê bù đắp cho thêm sự tha thiết với những gì còn lại, có lúc tôi hát hay hơn có hồn hơn nhưng khi má tôi qua đời sự tha thiết trong tôi cũng đi theo Má. Mà mình mất tự tin từ lúc nào nhỏ? Tôi chắc anh sẽ không vui khi biết vì sao và từ lúc nào niềm tin đã vỡ.

Anh lắc đầu ái ngại khi biết tôi không dám lái xe. Anh nhìn xuống mặt đất mỗi khi có điều chi suy nghĩ lung lắm, anh thường thế, chỉ nhìn vào mắt người ta khi tinh nghịc chuyện gì đẻ tìm tòi trong ánh mắt đối phương cái ngỡ ngàng khi vỡ lẽ ra điều anh muốn nói và tôi đã xa lắm rồi cía nhìn lém lĩnh đó nơi anh, cái nhìn thẳng xoáy vào mắt đối phương đã từ lâu tôi không tìm thấy nữa. Giờ đây anh nhìn tôi thật lùn thật bé như thấp lè tè dưới đất mỗi khi tôi lỡ chạm vòa một để tài khó nhai. Tôi mớm:

– Em đi với anh trở về Sài gòn, đợi anh khỏe lại rồi chúng ta đi, có được không?

Im lặng một lúc lâu, anh nhát gừng.

-Theo anh làm gì?

– Để chăm sóc anh.

– Bên đó có khối người lo.

Vẫn biết thế nhưng lòng tôi cứ muốn theo để chăm sóc anh. Rốt cuộc chúng tôi ngã giá với nhau là nhà ai nấy ở. Cả hai hài lòng đi tới một gặp gỡ. Hai hướng song song đã nối kết được với nhau, ở cuối chân trời nơi tận cùng của tầm nhìn mút mắt, nơi “thiên cổ gặp ngàn thu,” đôi tâm hồn được thật sự nghỉ ngơi (1).

(1) Tìm Nhau nhạc Phạm Duy

11. Vũ Trường Tango Đèn Mầu

Trở lại với Sàigòn trong ký ức, từ phòng trà này đến vũ trường nọ, hằng đêm dưới ánh đèn spotlight trên sân khấu làm rực rở người ca sĩ, nhưng không soi rọi được những mảng bóng tối, khuất sau vòm ánh sáng là những đốm lân tinh lung linh từ những đôi mắt hực ánh cuồng si mê dại hay cơn ngái ngủ mệt mỏi chán chường đều trở thành những bóng ma trơi chập chờn trong màn đêm. Blacklight đã làm thay đổi màu sắc, tất cả màu trắng biến thành thứ ánh sáng của mặt trăng lúc chói lọi nhất, làm cho đêm u huyền lộng lẫy trong ánh mắt giai nhân có thêm thứ ma lực, black magic làm huyển hoặc chao đảo những trái tim đa tình yếu bóng vía.

Phòng trà ca nhạc khác với vũ trường hộp đêm nhiều lắm, khác từ khách tìm vui thưởng ngoạn hay túy lúy trong gái đẹp rượu nồng. Họ những vị khán giả khác nhau đó, đã là một phần trong đời sống về đêm của các ca nhạc sĩ trong giới trình diễn và quan trọng hơn hết họ là động cơ thúc đẩy cho cả một guồng máy hoạt động. Đời sống ban đêm có ồn ào náo nhiệt hay vắng tanh như chùa bà Đanh là nhờ cả vào các vị khách quý ấy.

Đến đây phải nhắc lại một sự kiện bi thảm không thiếu tính cách rùng rợn của phim trường Hollywood, nhưng có trong đời thật của một người vũ nữ tên là Cẩm Nhung, một nhan sắc bị đọa đầy! Cô đã từng là nữ hoàng của vũ trường được ăn trên ngồi trước, kẻ đưa người rước cung phụng đủ điều, đến một đêm bất trắc định mệnh thay đổi ngôi -lon át xít- không ngờ từ một nhan sắc mê hồn đến bộ mặt dị dạng làm trẻ con khóc thét! Cô sống lây lất tấm thân tàn bằng sự bố thí của thiên hạ, hầu hết những người lân la chốn vũ trường đều biết đến câu chuyện thê thảm này, riêng tôi ngày đó có gặp Cô vài lần quanh khu thương xá Tam Đa, về sau nghe nói Cô đi khất thực phương xa, nhưng dù Cô có đi đến phương trời nào hình bóng thanh xuân yêu kiều của Cô đã ở lại với Kim Sơn, Arc-en-ciel vũ trường, nơi chốn có lẽ đã thay tên đổi chủ nhưng Cẩm Nhung và câu chuyện thương tâm của Cô sẽ mãi mãi được chuyền miệng với nỗi xót xa đời…Đã có không ít Văn nhân Thi sĩ nhỏ lệ trong hồn trên những giòng văn thơ khi nhắc đến Cô.

Cuộc sống ban ngày chổi dậy từ lúc mặt trời mọc, trẻ con đến trường, cha mẹ ra khỏi nhà lao vào công việc hằng ngày, trong guồng máy khổng lồ xoay một chìều cố định theo hướng kim đồng hồ tictac tictac… Nhịp đều của tiếng thời gian và như thế đến khi ngày hết nắng tắt là đời sống của muôn loài trước thiên nhiên như mỗi ngày của một con ong hay một cái kiến, con người ta lao ra khỏi nhà để hòa vào nhịp sinh động của đời sống. Muôn loài phải sống với một định luật không dời đổi – ngày kiếm ăn đêm ngủ nghĩ ngơi – duy có con người đam mê lạc thú, khoái hưởng thụ nên sinh ra nhiều sáng kiến để thõa mản những nhu cầu bức rứt không bao giờ ngừng ở nơi con người …Hay không là một định luật bất biến được thay đổi bởi con người luôn phải đi “tới” về phía trước, với mục đích phục vụ cho những thích nghi của con người?

Sáng kiến có thêm đời sống về đêm từ các ông Vua bà Hoàng, tự Cổ chí Kim chưa thấy một tấm gương sáng nào phản chiếu được từ vùng bóng tối đó, nên cuộc đời này lãnh đạm thờ ơ không muốn nhắc nhớ đến, thậm chí với các bậc phụ huynh còn phải lo bảo vệ con em mình, tránh xa chốn đầy cám dổ lắm tội tình.

Và tôi sống khá lâu trong cái thế giới đèn màu quyến rũ đầy ma lực lôi cuốn (1) ấy đủ để có cái nhìn của một ngưòi trong cuộc, phần nào thôi.

Về sau khi sang Hoa Kỳ, có lúc sống ở hảỉ đảo Hạ Uy Di hai năm liền tôi hát trong một club bar có gái tứ xứ chuốc rượu hầu khách, nên cái nhãn quan về đêm có phần mở rộng hơn.

Sàigòn Chợ lớn không bao xa, ngay tại trung tâm cùng một con đuờng có đến 4-5 hộp đêm, vũ trường mọc lên như nấm rải khắp Hòn Ngoc Viễn Đông, từng thế hệ đã qua và tiếp nối cho dù muốn nói ngưọc xuôi thế nào nhưng phải nhìn nhận miền Nam Việt Nam sống trong trù phú và hưởng thụ suốt cho đến một hồi… Gọi là giải phóng.

Hát nơi phòng trà ca nhạc có đối tượng lắng nghe và dõi theo từng cử động của người ca sĩ, nên luôn phải tập trung từ giọng hát đến phong cách trình diễn, nhưng hát nơi vũ trường lại hoàn toàn khác, vai trò người ca sĩ trên sân khấu mờ nhạt, nhạc công thu mình trong bóng tối ôm cây đàn tấu khúc nhạc lòng, giọng ca vàng ròng trau chuốt hay tiếng hát vút trên ngàn cũng trở thành âm thanh lạc lõng của một loại nhạc cụ không hơn không kém. Các ca nhạc sĩ không có sân khấu đề trình diễn nơi vũ trường, sân khấu là sàn nhẩy cho các Nàng ” vũ nữ thân gầy ” lả lướt biểu diễn trong vòng tay ôm của khách tình say. Sàn nhẩy là sân chơi của họ, của khách tình say và vũ nữ thân gầy.

Người ta nói phải có hai người mới nhẩy được điệu Tango, nghĩa là cả hai phải có sự đồng tình đồng thuận trong từng nhịp điệu, từng cái đẩy đưa của chàng cho bước chân nàng vững vàng hơn, để rồi bất chợt chàng gập người tay ôm sát vòng eo nàng như định cưỡng ép, nhưng không cần phải thế vì nàng đã uốn cong người với nét mặt đầy khiêu khích, Bingo.

Tango, điệu nhạc này không cần đến ca sĩ xướng lên, chất giọng nào cũng trở nên dư thừa với nhạc

Tango, người viết nhạc và lời cho các ca khúc kể luôn ca sĩ trình bày, kể cả người ưa thích tango đều thấy rõ điểm này, nhưng nhạc sĩ vẫn sáng tác và ca sĩ cứ hát và tôi cũng hát. Tất cả đều có chung một sở thích Tango…

Đến một lúc nào đó chán làm sự dư thừa, tôi tìm cách để hát điệu nhạc mà mình thích được hoàn chỉnh hơn, tôi chú ý đến những màn biểu diễn tango của những vũ sư nhà nghề Thùy Trang, Thùy Vân và trên truyền hình với những tay dansers Pro. Người ta còn nhìn thấy rõ nét diễn trên gương mặt xuất thần của họ. Điểm nhấn của tango là nhịp điệu, cho sở thích riêng tôi khám phá ra điều chế phục để hát tango không bị đơn lẻ, và nếu luyện tập kỷ không chỉ nơi vũ trường mà người bình thường không có chất giọng cũng có khả năng chinh phục trên bất kỳ sân khấu lớn nhỏ nào.

Vũ trường Palace kín đáo nằm trên thượng từng của tòa nhà cao ốc trên đại lộ Nguyễn Huệ, tọa lạc ngất ngưởng giữa lòng thành phố Sàigòn như treo lơ lửng trên không, tự nó có một vẻ “kín cổng cao tường” mọc lên trên tầng cao chót của một hộp đêm. Thật là nơi chốn lý tưởng cho những câu truyện tình thâm cung bí sử.

Nơi cổng ra vào, đón tiếp khách dưới chân là tấm thảm Ba Tư đắt tiền, cái đệm hoa lún sâu dưới những gót hài giai nhân và những đôi giầy Tây bóng lộn đặt chân lên, nó tạo cho khách đến cái cảm giác sắp tham dự một cuộc phiêu lưu thần thoại hay khách ra về với chút say sưa lưu luyến …Ngậm ngùi.

Bước vào bên trong không gian tối hù hù kế sát bên mới nhận diện nhau, chung quanh đen kín phủ lên trên tường những bức màn nhung màu đỏ thật dầy cách ly với âm thanh ánh sáng bên ngoài, bên trong đủ nghĩa tối bưng của Hộp đêm.

Ngày khai trương của vũ trường cũng là ngày đầu tiên tôi nhận việc hát thường trực tại đấy, lúc họp mặt tổng dợt, tôi được biết tất cả những nhân vật sẽ cùng làm việc với nhau mỗi đêm trên sân khấu, từ anh nhạc trưởng Hồ Xuân Mai đến các nhạc công ôm đàn gỏ trống, trong bóng tối ngỡ họ vô danh mà toàn là những cổ thụ lão làng trong âm nhạc như: Xuân Lôi, Xuân Tiên, Lê văn Hạnh và còn ai nữa mà tôi không nhớ hết…Họ là những người làm việc trên sân khấu, bên dưới sàn nhẩy còn có Ông Thinh quản lý ăn mặc tuxedo theo kiểu tiếp viên nhà hàng năm sao tiếp khách, và Cô Annie tài pán lo cai quản phân phối các em vũ nữ vào vị trí cho khách mua giờ. Vũ nữ là một cái nghề. Có chút nghệ thuật nhảy đẹp thêm vóc dáng mỹ lệ em là Gà Tơ (3)được khách bao(mua) giờ là cái chắc, các em yểu điệu mỗi người một vẽ mười phân vẹn mười đẹp như Tiên, các Nàng được tuyển chọn vào hàng top của Sài thành nên thu hút đông khách tìm du hí.

Thật đáng tiếc, ngày nay không sao tìm lại được hương xưa ngày cũ trên xứ người, cho dù có tìm về chốn cũ thì bộ môn giải trí về đêm đã mất hẳn bóng dáng thanh lịch thay vào đấy là ngành kỷ nghệ buôn bán đổi chác , thật đáng rầu…

Khách của Palace khác với Maxim’s hay Tự Do vũ trường, tuy cùng một tuyến đường giữa lòng Sàigòn mà mỗi nơi có sắc thái riêng không đụng khách, không đụng hàng. Riêng Palace nấp trên cao, nơi có vẻ bí mật đối với những mụ vợ đa nghi, và các quan lớn quan bé đều cho là như thế, nên lắm lúc tai nạn xảy ra những trận đòn ghen chí tử, từ sàn nhẩy đến thang máy ra tới ngoài đường cửa vũ trường, có lần tôi chứng kiến một em vũ nữ bị đánh máu me đầy mặt, áo quần te tua và mái tóc bị xén lởm chởm.

Thời buổi chiến tranh làm gì không có mặt Tử thần đến viếng vũ trường? Lưỡi hái của thần chết lợi hại hơn mìn định hướng! Một lúc vớt đi bao sinh mạng ở Mỹ Phụng, Tự Do và đã có bao nhiêu bóng ma ở lại với vũ trường?

Hát vũ trường tuy không được khán giả quan tâm chú ý, nhưng trong cái thờ ơ của khách quý tôi cảm giác thoải mái hơn khi đứng ngồi trong bóng tối. Một đêm chán đứng một mình tẻ ngắt dưới ánh tù mù, tôi ngồi hát thu mình co ro trong bóng tối và nghe một niềm khoái cảm dâng trào, tôi đã hiểu được vì sao các vị tiền bối lão làng trong âm nhạc lại thu người trong bóng tối ôm cây đàn tấu khúc nhạc lòng.

Bây giờ ngẫm nghĩ lại, có lẽ từ lúc đó dưới ánh đèn màu trong bóng tối ban đêm, chúng tôi đã là những bóng ma nơi vũ trường.

Ghi chú:

(1) Saigon những năm trước 1975

(2) Vũ nữ thân gầy: Nhạc ngoại quốc lời việt Phạm Duy

(3) Gà: Từ tiếng lóng thường dùng nơi vũ trường để ám chỉ người vũ nữ

12. Khách Mời Vang Bóng: 1. Ca Sĩ Trúc Mai

Mời bạn đọc theo dõi lời kể của nữ ca sĩ Trúc Mai, trước 1975 nổi tiếng với những ca khúc như “Hàn Mặc Tử”, “Nhà Anh Nhà Em”. Chúng ta cùng tìm về đường xưa lối cũ cùng lắng đọng tâm tư để nghe thấy những bể dâu cuộc đời những đổi dời thế sự kể chuyện đời bạn nghe.

“Sàigòn của một thời phồn thịnh ,trong trí nhớ tôi miền nam Việt Nam có một lúc yên bình , lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng không túng thiếu, nhà tôi ở trong một xóm đạo , năm 12 tuổi sớm gia nhập ca đoàn nhà thờ nên biết mình có khả năng ca hát . Cái duyên với âm nhạc đến thật tình cờ như một định mệnh được đặt để tôi cứ thế mà đi.”


“Những năm cuối thập niên 50 miền nam Việt Nam ngoài cái trường Quốc Gia âm nhạc không có trường lớp tư nào đào tạo ca nhạc sĩ mãi đến những năm sau mới xuất hiện những lò đào tạo của tuổi xanh Kiều Hạnh , Nguyễn Đức , Trịnh Toàn (ca múa )trong lĩnh vực này ông đào tạo vũ đoàn liên minh phượng gồm 5cô đẹp tuyệt trần với khả năng ca múa …thế hệ này phần đông do có năng khiếu và tự luyện . với ca sĩ những người không biết đàn cần sự tập luyện cho quen với âm thanh của tiếng đàn dưới sự hướng dẩn của một ngưòi Thầy ,hay được sự dìu dắt bởi người đàn anh đàn chị văn nghệ . Họ , các ca sĩ thời đó đều xuất thân từ những ban văn nghệ Tâm lý chiến như Kim Vui , Minh Tuyết ( chị của 2 con mèo Uyên Ly &Kim Anh ) trong ban Công Binh Lệ Thu, Tuyết Hương ban Quân cụ , Thanh Thúy , Bích Chiêu ban Thiết Giáp”

“Mỗi ca sĩ phải hợp tác với ít nhất là hai ban mới kiếm đưọc 4000 đồng ( tiền Việt thời đệ nhất Cộng hòa ) lương đủ sống dư dật nơi thành phố Sài gòn” . Trong sinh hoạt của mỗi ban ngành thường ngày ngoài chuyện tập dượt và nghe người trưởng ban vạch ra tiết mục cho chương trình sắp tới các ca nhạc sĩ không bị nhồi nhét những thứ chính trị khô khan vào đầu nên văn nghệ miền nam có nhiều chất tươi cần thiết cho một bối cảnh chiến tranh chết chóc, vào thời điểm đó nhạc phản chiến còn chưa định vị trên hành tinh này nên chưa du nhập tới Việt Nam.

“Quân khu Thủ đô về sau gọi là Biệt khu Thủ đô năm 1958 Quân khu đóng tại trại Lê văn Duyệt nằm trên con đường cùng tên ,nơi đây trưởng phòng 5 là phu quân của ca sĩ Mộc Lan, Trung tá Lê Minh Đẩu, tập hợp nhiều khuôn mặt văn nghệ thật đông vui , nam có Khả Năng , Phi Thoàn , Châu Kỳ … nữ có Trúc Mai , Lệ Hoa(?) Tuyết Hương, Tuý Hồng”

“Mối tình của cặp uyên ương Lam Phương & Túy Hồng chớm nở khi Lam Phương đang thi hành quân dịch về lâu dài mối tình này đánh dấu một thời của họ trong các ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa lổi lạc mà lắm lận đận trong ái tình”

“Tháng 6 năm 59 từ giã sân chơi ở các ban ngành trong quân đội tôi gia nhập hàng ngủ những đồng nghiệp đi trước bước vào thế giới ánh đèn màu của vũ trường phòng trà ca nhạc . Tôi muốn được công nhận là một ca sĩ chuyên nghiệp”

“Phòng trà Văn Cảnh hay Vũ trường cũng đúng , là nơi khởi đầu đánh dấu cho sự nghiệp ca hát của người ca sĩ Trúc Mai tôi , mỗi đêm từ 6 đến 9 giờ là giờ của phòng trà do nhạc trưởng Hiền Lương phụ trách , từ 9 giờ đến 2 giờ sáng là không gian của vũ trường do nhạc trưởng Charlot Mỹ dàn ca sĩ gồm Bạch Yến ,Thu Hương , Thùy Hương ,Kim Chi , Tuyết Mai (vợ Duy Khánh). Nam ngoài Ngọc Minh còn có Hùng Cường ( lúc đó anh chưa qua cải lương về sau ông bầu Long của gánh hát Kim Chung mua đứt với giá cao ngất ngưởng thời đó ,từ đó anh nghiêng hẳn qua bộ môn cải lương ) Đức Phú , Kong thong (ngưòi Lào) Việt Ấn nam danh ca hát Hận Đồ Bàn tuyệt chiêu nhất con người và bài hát đã gắn liền nhau để trở nên bất hủ và còn có ca sĩ kiêm tài tử Tô Huyền Vân (trong phim Lưu Bình & Dương Lễ).”

“Đêm đầu , lần đầu cái gì bắt đầu cũng làm vụng về , cái sự lính quýnh và bở ngỡ không sao tránh khỏi của một người quen hát trước đám đông là lính mà nay nhìn thấy tên của mình sừng sững trên quảng cáo tôi nghe một niềm vui len lén vừa hồi hộp không biết khán giả sẽ đón nhận mình như thế nào thật là một cảm giác khó tả vì nó lẫn lộn len lỏi trong từng kẻ tóc .Trước cửa phòng trà dựng đứng một tấm biển quảng cáo tên các ca sĩ có mặt thường trực ngoài tên ca sĩ Thanh Thúy đã trụ tại đấy (như một cái đinh của phòng trà) đặc biệt hai chữ này thật to – Thanh Thúy gặp gỡ hai ca sĩ đang lên Trúc Mai và Ngọc Minh (tên của Jo Marcel trước đây) . Phải nói thêm về địa điểm của Văn Cảnh năm 1959 ngụ kế bên rạp chiếu bóng Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo còn có một Văn Cảnh khác gọi là Tabarin là nơi ca sĩ Khánh Ngọc trụ hát mỗi đêm

“Ngay tại bùng binh chợ Bến thành trên đường Phạm Ngũ Lảo trước đấy nơi này là trạm xe lửa sau đổi thành phòng trà Hòa Bình”

Nhạc trưởng có Ngọc Bích và Lê Đô . Ca sĩ là một dàn hùng hậu không kém Bạch Yến , Bích Chiêu, Thùy Nhiên , Ngân Hà, Bạch Quyên , Băng Tâm , Trúc Mai và Nhật Thiên Lan. Nam có Janot và Châu Nhi (con trai tài tử Đoàn Châu Mậu ). Phòng trà Hoà Bình nằm ngay giữa như cái rốn của Sàigòn là nơi xôn xao xuốt ngày xe cộ qua lại người người hối hả trong mọi lúc ngoại trừ khi thành phố thật ngủ yên sau 2 giờ sáng thành phố được nghỉ ngơi trong vài giờ … địa điểm của Hòa Bình thật lý tưởng , nằm ngay mũi tàu chỉa mũi vào bùng binh chợ Bến thành . Trên lầu là phòng trà ca nhạc Hòa Bình ,tầng trệt là nơi gửi giử xe hai bánh . Nơi này ngày nay đã xóa sạch không còn mọi dẩu tích.

13. Mai Thảo

Những tia nắng ban mai rực rỡ báo hiệu một ngày hè nóng bức, lũ chim sau vườn nhà ríu rít đón chào một ngày mới, điện thoại reo thật sớm 9:00AM Huệ Nương chủ bút thật đúng giờ. Gác điện thoại, bằng tất cả sự nhanh nhẹn hiếm thấy tôi lao vào toilet. Mười lăm phút sau từ cửa sổ phòng khách đã thấp thoáng màu hồng cánh sen áo Huệ, vàng anh của Khuyên, và loanh quanh một chàng trai trẻ đang chụp hình bên ngoài.

“Khách đến, có khách quý đến”, lòng tôi reo vui như chim sáo…

Đã lâu lắm rồi nhà không tiếp đón khách.

Khách từ miền Bắc Cali xuống Nam Cali. Chúng tôi đã hẹn hò nhau ngày này đi viếng mộ Mai Thảo. Lần này đên thăm ông có Lê Thị Huệ, NAT, và Nguyễn Vũ Khuyên. Những thế hệ sau yêu văn chương, tư tưởng, và con người Mai Thảo. Chúng tôi nao nao cùng đi thăm ông.

Trên đường đến nghĩa trang thì Huệ nhắc: “Ghé liquor mua chai rượu”. Chỉ có tri kỷ mới hiểu nhau và nhớ từng sở thích của nhau như vậy.

Miên man nhớ Mai Thảo. Kỷ niệm hiện về như từng đoạn phim được ráp nối …

Tiếng chuông điện thoại reo sáng sớm hôm nay, và đường dây điện thoại Cali-Paris 15 năm trước nối liền với nhau trong một câu chuyện Ông Thần Mai Thảo.

Paris luôn là đề tài hấp dẩn để chúng tôi kể cho nhau nghe, những quán xá trên dốc Montmartre ngồi nhấm nháp tách café đậm đặc và nhìn ngắm các nghệ sĩ vẽ tranh, dù trời đông giá rét hay mùa hè ấm áp ít hay nhiều cũng có người đặt giá vẽ ra đường. Người thưởng ngoạn khung cảnh ấy, chỉ một lần nhìn thấy sẽ không bao giờ quên cái vẽ đẹp của Montmartre một góc Paris trên dốc cao.

Quartier Latin ngày tấp nập đêm nhộn nhịp, nhưng sau 2 giờ sáng các cửa hàng quán đóng cửa đường phố vắng tênh.

Bước ra khỏi quán bar hay boite de nuit là chân đi xiu vẹo ngả nghiêng, đôi giầy cao gót nện lóc cóc trên những phiến đá xanh, khua lên tiếng vang đơn độc trong đêm vắng, cái bóng vội vã đi trước bóng đổ dài trên mặt đường, như người cận vệ đi trước dọn đường cho Kiều Nữ đi qua. Trong cái tịch mịch tĩnh lặng của đêm vắng, cái đơn chiếc của bóng và người, tiếng khua của đế giầy tất cả như được ôm trọn vào lòng đêm trong vòng tay một Paris âu yếm.

Nghe xong đoạn tả Paris về đêm. Đang ngất ngây với men rượu Mai Thảo kéo tôi lại thật gần và đặt lên trán tôi chiếc hôn đánh chụt. Mai Thảo yêu Paris như người tình. Nên những ai yêu giống ông đều có thể gọi là tương đắc để hàn huyên thâu đêm suốt sáng với chỉ một đề tài.

Một ngày tháng giêng năm 1998. Mọi năm vào tháng này bầu trời Paris ảm đạm còn lạnh thấu xương, nhưng ngày 10 tháng giêng năm ấy Paris đẹp lạ lùng, phải nói là đẹp như trong một giấc mơ thần tiên. Ngày đó trời se se lạnh không gian như có luồng thanh khí vây bọc. Những tia nắng quý hiếm phủ lên thành phố, làm cho người dân Parisien luôn thèm nắng muốn túa ra đường. Tôi bước ra balcon ngắm nhìn cảnh quan từ trên cao nhìn xuống mọi người qua lại tấp nập bình thường, chung quanh các tòa cao ốc những mái đầu nhô ra từ các cửa sổ để xem điều chi đang xảy ra bên ngoài. Họ giống như tôi cảm giác được sự khác lạ không bình thường của trời, mây, nắng, gió.

Ngước mắt lên bầu trời một màu xanh biêng biếc có cảm tưởng trời cao hơn mọi ngày, từng cụm mây bềnh bồng, nhưng lạ kìa sao mây lại màu hồng như ai đó tinh nghịch tô màu hồng cho mây. Nhưng không phải thế là những tia nắng quái biến hóa những cảnh tượng… Đang ngây ngất trước cái đẹp của tạo vật thì chuông điện thoại reo. Từ Cali nhỏ Tâm báo tin Mai Thảo đã ra đi.

Đang ngơ ngẩn lạc hồn phách trước cái đẹp của Paris và đang nhớ đến ông da diết… Tôi thầm nghĩ: “Giá có ông bên cạnh cùng ngắm nhìn Paris mạ vàng trong nắng và mây hồng trên nền trời xanh”. Tôi bàng hoàng trước ý nghĩ ông cưỡi gió thổi mây, pha mầu cho nắng làm cho Paris đẹp như cách nhìn của ông nơi bên kia thế giới. Với tôi ông đang đến Paris trong phút chốc ấy để giã từ. Sao không thể ? Khi sinh thời ông từng bảo “chế lấy mây và gây lấy nắng…” Với những câu nói ông để lại người ta đủ thấy cái khí phách của ông lúc sinh thời và cái thần của ông khi khuất núi.

Cái duyên của tôi và Mai Thảo kể ra thật lòng vòng. Không giống như những bạn bè văn chương trong giới của ông ghi lại. Tôi lớn gan táo tợn để viết về Mai Thảo một bậc trưởng thượng lão làng, cây đại thụ của nền văn học Việt.

Tôi quen biết Mai Thảo từ khi hát ở Đêm Màu Hồng, mỗi đêm ông thường ngồi nơi quày bar trên tay ly rượu hay điếu thuốc lá. Bên cạnh luôn là người bạn cố hữu nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương hoặc đôi khi là ca sĩ Thái Thanh. Ông ngồi trầm tư im lặng, đấy là cái dáng vẻ của ông người ta luôn nhìn thấy. Nghệ sĩ Đinh Cường đã xuất sắc đem ra chân dung quen thuộc ấy nơi ông trong một bức minh họa. Bravo!

Tuy gặp nhau mỗi đêm chúng tôi chỉ gật đầu chào hay cười mỉm với nhau, không một lời trao đổi hỏi han. Đôi khi cậu Chương (tôi gọi Phạm Đình Chương bằng cậu và Mai Thảo bằng chú) ngoắc tôi đến quày bar để nhấp tí rượu. Tôi không biết uống nhưng vẫn cụng ly với hai ông lí nhí vài câu thăm hỏi. Tôi phải chạy ngay để kịp hát nơi khác. Một tối nọ tại Queen Bee trưóc giờ trình diễn cô ca sĩ mới, gà của Ngọc Chánh rỉ tai tôi: “Đêm qua tớ hưởng một đêm ngà ngọc với tác giả của Mười Đêm Ngà Ngọc” … Cần biết lúc đó tôi còn ngu ngơ lắm tiếng Việt đi đoong! Tiểu thuyết tôi ưa xem là Quỳnh Dao và các thể loại phóng tác của Hoàng Hải Thủy. Ngoài ra còn có Bình Nguyên Lộc, Hồ Biểu Chánh, văn Miền Nam tôi thấy gần gũi với tôi hơn. Tôi nào biết văn chương miền Bắc, làm sao biết đến một Cổ Thụ như Mai Thảo nói chi đến tác phẩm văn chương của ông.

Tác giả là ai? Sao lại kể chuyện phòng the cho tôi nghe làm gì? Tôi cáu kỉnh nói: “là Mai Thảo?” Sao bà quê mùa vậy? Cô ta đáp.

Tôi cho là cô ta phịa để có câu chuyện với tôi nên lảng qua chuyện khác. Nhưng từ đó tôi mất cảm tình với cô ca sĩ kia. Tuy vậy những lời nói của cô ta cũng khích động tánh tò mò của tôi. Ngày hôm sau tôi đã có Mười Đêm Ngà Ngọc của Mai Thảo trên tay. Đọc vài chương đã thấy buồn ngủ không lôi cuốn vào chuyện. Tôi bỏ ngang nữa chừng khi chưa đọc được một đêm ngà ngọc như thế nào…

Sau này gặp lại nhau trên xứ người, cái tình lơ là lơ lửng ngày trước đáp cánh nhẹ nhàng êm ái. Bởi cùng tâm trạng ly hương càng thân với nhau hơn khi cả hai chúng tôi có chung một người tình là Paris. Mối tình nghệ sĩ càng về sau càng hay, quan hệ của chúng tôi mỗi lúc một tốt hơn. Không thông qua bằng cửa ngõ văn chương mà qua tâm hồn của những người nghệ sĩ giang hồ lãng tử.

15.07.2013

15. Gió O

Gió từ miền Đông, cơn gió lạnh; gió từ miền Tây, lớp gió khô khốc; gió phương Nam quỷ thần, cơn gió chướng …chào mừng Bắc phong mười lăm năm Dó Oi!

Gió phương Bắc mà là Dó Oi mới lạ !

Tờ chương trình ghi ngày Dó Oi ngày 9.10.2016 tại Lạc Cầm . Thoạt tiên, tôi thấy lạ với cách chơi chữ kiểu này nhưng khi Nường Huệ giới thiệu vài lời, cám ơn các vị tiền bối, quý thân hữu, anh chị em từ phương xa rủ nhau kéo đến cùng thổi 15 ngọn nến cho Gió-O và qua đấy mới biết Vành Khuyên là tác giả soạn thảo cho đêm sinh nhật Dó Oi. Tờ chương trình do Nường Khuyên và NAT thiết kế không khác chi cho một buổi dạ tiệc của khách sạn 5 sao; Sang trọng từ nền giấy đến kiểu chữ, cấu trúc thật hài hòa đẹp mắt khiến tôi tin chắc một điều: chữ “Dó Oi” do Vành Khuyên sáng tác.  Vì đó là người ưa sáng tạo chữ nghĩa đúng như tinh thần Mai Thảo: “Chế lấy mây gây lấy nắng, đừng vay mượn đất trời”!

Chừng đó thì chữ “Dó Oi” không còn lạ lẫm nữa; dường như đã gom hết ý của gió nơi mỗi miền chữ nghĩa .

Dó “phồn thức” lồng trong Oi “trí huệ” của các Nường được ấp ủ rồi triển nở trong 15 năm qua thì điều đó chưa ai có thể chối bỏ hay quên lãng được tốc độ thăng hoa của “dân kẹp tóc” ở xứ Người; nơi mà Nữ Quyền chung tay góp sức thổi vào Văn Chương Nghệ Thuật Hải Ngoại của con Lạc cháu Hồng một luồng gió mới On Line ví như tâm sự giải bày của một cây viết tài năng trẻ Glassey Trang Đài! Qua bài thuyết trình thật xuất sắc của Cô Bé (đã 3 con với một chồng Anglo-saxon), Dó-Oi hay Gió-O đã không những đang tạo một luồng gió mới tắm mắt cho những đọc giả “phải lòng” Gió mà còn trân trọng mang mọi cây viết lên một Đài Trang Glassey TrầnNguyễn để kêu mây, gọi gió khiến cho mọi thân hữu cùng đọc giả sẽ lên cơn sốt “phải Gió” khi tìm về trang nhà Dó Oi!

Nguyễn Thị Hải Hà 5 Năm Thổi Cùng Gió-O. Lúc bước lên micro. Cô mở đầu: “trên đường đi lên sân khấu thì “sợ té” khi viết bài lại “sợ chê” bởi chữ nghĩa mỗi miền mỗi khác.

Xin tỏ bày, Cô là người chỉnh sửa lỗi chính tả cho tôi lúc mới bắt đầu tập tễnh viết lăng nhăng nhưng không dùng tới cú pháp để chỉnh sửa câu văn cho gãy gọn. Cô hoàn toàn tôn trọng cách viết “bừa” như văn “nói” của tôi. Tôi vụng về khi giải thích.  Xin kể thêm câu chuyện bên lề để dẫn chứng điều tôi muốn nói :

– Trong lần đầu tiếp xúc với GS Trần Văn Khê, Nhạc Phụ tôi, Phạm Duy giới thiệu như thế này:

– Đây là con dâu của tôi, tuy bên ngoài giống “đầm”, chữ Việt không thông thạo cho lắm nhưng lại mang tâm hồn một cô gái Việt của cả 3 miền.

Tôi nhớ mãi câu nói ấy của Bố!

Qua chuyện ngoài luồng này, mong Cô Hải Hà cởi bỏ cái “ngần ngại” với Văn Chương chữ nghĩa. Dễ dàng tạo sự gần gũi giữa người viết và bạn đọc mà Cô vốn đã định hình trong các bài viết ký tên Nguyễn Thị Hải Hà. Kẻ học trò này rất thưởng thức bài viết của Cô đấy!

Đến lượt tôi cũng “sợ té” vì đôi giày cao gót lâu nay không mang. Bước lên bục diễn thì “nhát sân khấu” lại bị vướng trong đầu bài thuyết trình về Nữ Quyền của Glassey Trang Đài nên ra lệnh cho MC NguYên đứng yên đấy cho đỡ sợ (một mình).

Phần giới thiệu người đệm đàn guitar là Nguyễn Đình Thư. Tưởng đâu thiếu sót nên NguYên nhắc tôi giới thiệu tên Ông Bố của Nguyễn Đình Thư là nhà văn Nguyễn Đình Toàn cây Cổ Thụ trong làng Văn Nghệ Hải Ngoại. Tôi không quên điều đó nhưng vì hiểu rõ con cháu của những người nổi danh nổi tiếng thường không muốn ” nấp bóng” Cha Ông mình.

–  Ngày tôi mới quen với Duy Quang, anh dấu biệt cái bóng to đùng của Phạm Duy, vài tháng sau khi cặp kè với anh rồi có người nói cho tôi biết trong ban nhạc tôi đang hợp tác có người con trai cả của Phạm Duy. Trong ban nhạc có 5-6 người không biết là ai; tôi hỏi anh và anh chỉ tay vào một người khác, sau khi rõ chuyện tôi “nghỉ chơi” với Duy Quang mất mấy tháng. Có thế, mới biết con cái của những người nổi danh không muốn “dựa hơi” vào sự nổi tiếng của Cha Mẹ.

Đêm Dó Oi tôi hát hai bài – Nửa Hồn Thương Đau (Phạm Đình Chương) và Nỗi Lòng (Nguyễn Văn Khánh) như lần đầu mới lên sân khấu hát !

Đến Quỳnh Hương xướng thơ Người Đàn Bà Viết Ngoài Quê Hương của Lê thị Huệ …

Gặp lại Quỳnh Hương sau mươi năm, tôi vẫn nhớ ngày đó về Houston gặp Lê Thị Huệ và Quỳnh Hương ở nhà Ngu Yên và Ngọc Phụng, trong lúc hai Nường trang điểm trước gương, tôi vừa gò lưng ủi áo vừa hâm nóng giọng bằng bài hát “Cry me a River” bỗng dưng Nường Huệ nói nhỏ với tôi – Bà đừng hát nữa, Quỳnh Hương khóc chảy hết make up rồi.

Tôi dừng ngay lời ca vì Huệ và Tôi phải lo dỗ cô “mít ướt” một lúc, rồi xúm xít giúp em trang điểm lại để cùng lên sân khấu “ngạo nghễ với nhân gian một nụ cười”.

Người hát nhạc Ngu Yên

Dù mấy ngày qua lăn xả vào cuộc vui mạn đàm với các bạn học Đà Lạt trước đây đến “rũ” cả người, “tắt” cả tiếng nhưng Ngọc Phụng vẫn có mặt đóng góp trong đêm Dó Oi với giọng khàn đặc, hát bài “Hà nội Thơm Héo Hoa Người tuy nghe không rõ lời nhưng đã có đấng phu quân với giọng xướng thơ hào sảng, “Hà Nội nhìn từ trên xuống dưới” lúc trầm lúc bổng như tiếng kèn thúc quân ngoài chiến trận, “Hà Nội nhìn từ dưới lên trên” khi thở dài trách móc trước nhiều mất mát, “Hà Nội của 36 phố phường trước thời tiền chiến” lúc nỉ non như lời thầm thì với người chung chăn gối…Giờ thì tôi tin lời thị Huệ -tui chưa thấy ai mê chồng như Ngọc Phụng …giờ tôi mới biết ngoài tài làm thơ “u ám” viết nhạc “kệ đời”, Ngu Yên còn có nhiều tài khác: ngâm thơ, không theo cách tao đàn “cổ điển” mà là “xướng thơ” hay có thể gọi là “kể thơ” vậy ! Tôi may mắn được vài lần nghe Ông Mai Thảo “xướng thơ” Vũ Hoàng Chương và trong cơn say tuý luý dường như Thơ Vũ Hoàng Chương đánh đồng với Mai Thảo xướng thơ đã trở thành số một “Độc nhất vô nhị” trong làng Thơ Ngâm!

Nhạc, với tiếng hát Nguyên Thảo…

– Les Feuilles mortes và Fly me to the moon- với lời Việt của Nguyên Thảo và Lê Vũ làm gian phòng lắng đọng trong không gian New Orleans cùng cái “phê” thoải mái với nhạc Jazz.

Hai bài kể trên nguyên thuỷ là dòng nhạc Pop vào hơn nửa Thế kỷ trước. Nguyên Thảo chọn những bài hát thuộc hàng bất tử trên Thế giới và chuyễn thể điệu qua nhạc Jazz, từ bài bản đến chất giọng đều hòa quyện như loại rượu ngon cần người biết thưởng thức mà dòng nhạc Jazz thật kén người nghe. Điều này chứng tỏ người hát phải có niềm đam mê rất lớn với âm nhạc Jazz và từ đấy có thể khẳng định giọng hát Nguyên Thảo không là tiếng ca thời thượng mà là một loại rượu quý được cất giữ lâu năm trong hầm rượu, khiến người thưởng thức ngọt từng ngụm, say lúc nào không hay!..

Đến màn surprise bonus “độc tấu” Tây Ban Cầm của nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt thì hội trường đã bị giao động và cuốn hút trong nhịp đàn.  Lúc thì thánh thót từng nốt từng gamme, lúc thì hòa quyện quấn quýt nhau theo thể điệu Flamenco. Lúc thì khởi sắc khởi thanh, bập bùng tiếng gỏ từ mười ngón tay mong manh thần kỳ thon gọn bền bỉ dạo trên phím đàn trong bài Mây Vô Xứ phổ thơ Đào Trung Đạo,  như một điệp khúc mang ta trở về với cuộc đời của một cậu bé mồ côi 5 tuổi ngày nào trên quê hương đã kiên trì dẫn dắt cô em gái 3 tuổi lang thang kiếm sống và dành tiền mua được cây đàn Yêu Ma Thần Sầu này!

Rồi từ đó “Âm nhạc đã là giấy thông hành” của Đức Đạt như bài viết của Anita Bartholomew trong tạp chí Reader Digest. Và quả vậy, giấy thông hành này đã dập dìu theo “Đoàn Người Lữ Thứ” của Lam Phương đưa người nhạc sĩ tài hoa vào huyền thoại như Stevie Wonder made in Vietnam.

Chưa hết bonus này đã có một bonus khác mà Đức Đạt tận tình trao tặng cho thân hữu cùng đọc giả của buổi hội ngộ Do Oi tròn15 tuổi : “Gã Điên trên đồi Hoang”.Bằng một giọng hát hùng hồn rả riết khi thì than vản tình đời lúc thì thách đố ngạo mạn những kẻ nhìn lầm cuộc chơi của đời người, “triết lý u ám và bộc bạch” đầy thách thức của “Gã Điên” làm tôi liên tưởng đến một tương quan song hành với cái ngả nghiêng say sưa của những cây bút “trên đồi Dó Oi”!

16.Thanh Lan Và Sân Khấu

Ánh đèn sân khấu chợt bừng sáng. Tiếng nhạc dập dìu lả lướt mời gọi cả khán phòng nhập cuộc vào đêm ca nhạc Thanh Lan. 

Nàng bước ra, điệu đà trong chiếc đầm dài óng ánh bó sát người như khoe một thể lực sung mãn của một nhân vật trẻ còn căng đầy nhựa sống … 

Dường như thanh xuân dừng chân tạm trú ở nơi nàng khá lâu… như một thoả hiệp của thời gian và định luật để kéo dài cuộc chơi cùng người phụ nữ mang tên Phạm Thái Thanh Lan. 

Người đàn bà lừng lững này là ai ? 

– Là con gái của Mẹ Thái Chi Lan, là kho tàng của gia đình, dòng họ … 

– Là trân châu của thân hữu bạn bè … và hơn hết là ngọc ngà châu báu của nền Tân nhạc Việt, Điện ảnh Việt v.v… với sơ sơ chừng vài chục năm, tròm trèm nửa thế kỷ, gần hết một đời người cống hiến trên nhiều lãnh vực nghệ thuật và trình diễn… 

Trên vòm trời Văn, Thơ, Nhạc, Kịch, Điện ảnh v.v…trong làng văn nghệ giải trí ở nước nhà và ở hải ngoại Nàng đã chứng tỏ bản lĩnh và cái năng khiếu trời cho trong nhiều lảnh vực … Nàng dệt những thảm hoa trên con đường tiến bước của mình, tự tin, tự chủ, đầy sáng tạo trong phong cách trình diễn như luôn làm mới mình khi tự giới thiệu với khi tự giới thiệu với khán thính giả. 

Sở hữu một ngoại hình xinh xắn, một gương mặt thanh tú và tiếng hát muôn thuở học trò, Nàng đã từng và đã luôn là ước mơ của bao thiếu nữ cùng thời … Rồi từ đó nàng chinh phục nhiều thế hệ thanh niên, thiếu nữ … cho đến nay, những hấp lực ấy vẫn còn được nhìn thấy nơi buổi diễn của Thanh Lan, nơi hợp quần giữa người của sân khấu và đám đông khán giả. 

Nhân dáng uyển chuyển và tiếng hát vững vàng của nàng đã từng là biểu tượng của tuổi trẻ miền Nam Việt Nam và có lẽ của cả miền Bắc Việt cũng “len lén” âm thầm ngưỡng mộ giai nhân!?… Và với Nàng, tôi chắc là phải thế!!! 

Cuộc đời và sự nghiệp Nàng không biết đã bị “mổ xẻ” bao nhiêu lần nên người viết không muốn nói đến những điều “hư thật – thật hư” của giới trình diễn!? 

Bài viết chỉ muốn ghi lại một vài sự kiện được nghe, thấy và cảm nhận về một buổi trình diễn, ra mắt album ca nhạc Yêu Tinh Tình Nữ của Thanh Lan tối Thứ Bảy, 28 Tháng Mười, 2017, tại Hội Quán Lạc Cầm. 

Các giọng hát trẻ lảnh lót như tiếng oanh ca là giọng của Nam Trân và trầm hùng như Đỗ Quang Minh đầy chất sáng tạo của ngày nay mang đến những hứa hẹn cho nền tân nhạc Việt ở ngày mai … Hiền Thê của Đạo diễn Võ Doãn Châu góp vui với ca khúc Suối tóc, Vũ Tuấn Đức và Ngô Tín cùng tiếng ca của Ái Phương là những khách mời đặc biệt của đêm Thanh Lan. Dàn nhạc, điều khiển bởi nhạc sĩ tài hoa Sĩ Dự đã là một bảo đảm không thể thiếu cho chương trình . 

Tiết mục xảy ra bất ngờ trên sân khấu là màn rải hoa cho Thanh Lan . 

Ca sĩ Julie Quang bước ra từ hàng ghế ngồi khán giả, trên tay nâng hai cái nón úp ngược đựng đầy cánh hoa (petals) … Cô cựu ca sĩ rắc hoa tươi chung quanh nơi Thanh Lan đứng hát, tiếc rằng sân khấu Lạc Cầm hơi nhỏ nên không vẽ được hình dáng của trái tim để Thanh Lan đứng yên trong trong lòng tim hoa, màu của sắt son như trong lòng khán thính giả thương mến . 

Có câu ví von nghe không được tử tế cho lắm như “hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ !?” vừa chua chua… chát chát… như vô cảm hay như người không có tình cảm; cái từ này, cái ý nọ đã bị xoá sạch, tại đây, nơi sân khấu Lạc Cầm đêm nay! Nếu câu nói trên là một lời nguyền thì qua cử chỉ “rải hoa” và cái ôm hôn thắm thiết của hai cô ca sĩ, đã phủ nhận, tháo gỡ, chuyển đổi được lời nguyền độc hại từ bao lâu nay… !!!??? 

Sau cuộc vui, lòng nghe luống những ngậm ngùi khi ánh đèn sân khấu vụt tắt cùng những đài hoa vương vãi trên sàn gỗ… những lời nói đứt quãng nghẹn buồng tim của người ca sĩ vẫn còn vương vấn, vấn vương đâu đó… trong trí nhớ của người mộ điệu !…

Julie Quang
Nguồn :  http://www.gio-o.com/Chung/JulieSonMoi15

(Trích lại từ: cdnhacviet.blogspot.com)

Bài Mới Nhất
Search