T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: TUYỂN TẬP NHẠC PHẨM – TUỔI THƠ – THIẾU SINH QUÂN

Phạm Duy: TUYỂN TẬP NHẠC PHẨM – TUỔI THƠ –Thiếu Sinh Quân

Trình bày: Duy Quang và Tốp Ca

ĐỌC THÊM:

Người Đi Cùng Mệnh Nước Ngược Xuôi – Phạm Duy lên đường

Cung Tích Biền

………………..

(Trích Đoạn)

Nguồn: VIỆT BÁO

Phạm Duy từng là một anh bộ đội. Phạm Duy từng là một văn nghệ sĩ, một cán bộ văn hóa, phục vụ khắp các chiến trường những năm đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp, từ 1945 đến 1951.

Chỉ sau hai năm đầu toàn dân cùng một lòng chung nhau chống Pháp đã bắt đầu có sự phân rã, vì lý do ý thức hệ tư tưởng chính trị. Những thành phần Quốc gia hiểu ra họ cần một môi trường chống Pháp không cùng hàng ngũ với Mặt trận Việt Minh. Từ 1947, đã có phong trào dinh tê [rentrer, trở về]. Người Quốc gia cùng nhau rời bỏ hàng ngũ kháng chiến để trở về thành phố, những vùng có quân Pháp chiếm đóng. Năm 1948 đã hình thành Lực lượng Quốc gia Việt Nam, có chính phủ và quân đội riêng, nằm trong khối Liên Hiệp Pháp. Vua Bảo Đại đứng đầu.

Điều đặc biệt Phạm Duy vẫn phục vụ trong hàng ngũ kháng chiến đến năm 1951 mới thực sự rời bỏ. Bước chân Phạm Duy từng ở Mặt trận Miền Nam, vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, ra tới miền Trung du Bắc bộ, tận núi rừng Việt Bắc.

*

Vì sao Phạm Duy đi kháng chiến? Vì bấy giờ toàn bộ dân chúng một lòng đứng lên, một lòng hoan hỉ, Phạm Duy đi theo Tiếng Gọi chung từ lòng dân yêu nước. Năm 1946, Thực dân Pháp quay trở lại, kháng chiến bùng nổ, điều của lương tâm sai bảo, là “Cùng nhau chống Pháp”. Phạm Duy đã có mặt.

Thời khởi chiến, cùng là hoàn cảnh như Phạm Duy, những người là tướng tá, nhân vật cao cấp trong guồng máy Quốc gia sau này, thời Bảo Đại [1948-1955], và Đệ nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm [1955-1963], trước kia đều là những người đã từng theo Mặt trận Việt Minh.

*

Tham khảo tiểu sử Phạm Duy, chúng ta biết: Năm 1945, sau khi từ giã gánh hát Đức Huy, Phạm Duy gia nhập Thanh niên Tiền phong, làm công tác văn nghệ rồi vào đội Võ trang Tuyên truyền.Cuối năm này, ông về Hà Nội. Đầu năm 1946 Phạm Duy tham gia một lớp huấn luyện quân sự cấp tốc rồi được đưa vào miền Nam tham gia kháng chiến. Tại chiến khu Bà Rịa-Vũng Tàu làm công tác thông tin, liên lạc và tiếp vận. Đầu mùa Thu năm 1946 ông bị thương ở cánh tay và được phép về Bắc. Phạm Duy ở Huế một thời gian rồi về Hà Nội khoảng cuối tháng 10/1946. Thời gian này, bài Về Miền Trung ra đời.

Ngày 20 tháng 12 ông ra Hà Đông, làm việc tại Đài Phát thanh bí mật; sau đó tham gia Đoàn Văn nghệ Giải phóng tại Sơn Tây rồi đi phục vụ văn nghệ qua Phúc Yên, Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Ở Lào Cai, cùng với Văn Cao, Ngọc Bích, làm việc tại phòng trà Quán Biên Thùy [một cơ sở tình báo]. Sau đó ông cùng Ngọc Bích đến Bắc Cạn [qua Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên] khoảng tháng 10/1947. Ông làm việc cho Cục Chính trị, là cán bộ văn nghệ với cấp bậc đại úy. Cuối 1947 Phạm Duy từ Thái Nguyên qua Bắc Giang, tham gia đoàn văn nghệ do Hoàng Cầm thành lập, lưu diễn tại Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Năm 1948, không còn là văn nghệ sĩ của Cục Chính trị, ông đi phục vụ văn nghệ tại nhiều nơi, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Sơn Tây, Hà Đông. Phạm Duy vào Thanh Hóa, tham gia Đoàn Văn nghệ Quân đội Liên khu IV, trực thuộc Trung đoàn 304. Tại Thanh Hóa năm 1949, Phạm Duy cưới Thái Hằng, người chủ trì hôn lễ là tướng Nguyễn Sơn. Phạm Duy lại ra Việt Bắc. Năm 1950, tham dự Đại hội Văn hóa Toàn quốc. 1951 ông từ bỏ kháng chiến, vào sống hẳn tại Sàigòn. Đánh dấu bước ngoặt này, là bài “Bên cầu Biên giới” một bài ca nổi tiếng.

Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ

Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu

Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời

Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa

Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ

Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa

Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa

Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ

“Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi

 Nắng (ư) ngừng bên chiếc cầu biên giới

Xa xa thoáng đàn trầm vô tư

Đâu đây dáng huyền đêm duyên mơ

Bên cầu biên giới

Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi

Sông nước xa xôi

Mây núi khắp nơi

Không tỏ một đôi lời…

Ôi giấc mơ qua

Mộng đời phiêu lãng giang hồ

Sống trong lòng người đẹp Tô Châu

Hay là chết bên dòng sông Danube

Những đêm sáng sao

Nhưng đường quá xa vời

Hương trời vẫn mê mài

Lòng tôi sao vẫn còn biên giới!

Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây

Ôi dòng tóc êm đềm!

Ôi bể mắt đắm chìm!

Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ

Mộng bền năm xưa

Chỉ là mơ qua!!!

Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung, Thái Hằng, Mai Hương, Thái Thanh [từ trái qua].

*

Từ 1945  đến 1951, Phạm Duy đã có một lượng tác phẩm đồ sộ. Cuộc Kháng chiến lửa nguồn, là tràng giang trôi chảy cảm hứng sáng tác nơi ông.

Không chỉ số lượng, Phạm Duy đã chinh phục lòng người qua dòng nhạc êm ả, giàu tâm sự, giàu hình ảnh sống thực, và trên hết là tình yêu quê hương, tình đồng bào. Ông mang lại sự bình thản, niềm vui sống ngay dưới ánh trời lửa đạn, từng ngày là chết chóc, đau thương, ngậm ngùi.

Thể tài đơn giản, bình thường trong những điều gần gũi. Những lối ngõ thường hằng, vụn nhỏ nhất trong sinh hoạt đời chung. Dưới ánh đèn dầu, mẹ ngồi khâu áo, cha đọc báo, phơi lúa dưới nắng vàng, người nông phu gánh lúa, mối tình nghèo, anh thương binh, bà mẹ chiến sĩ, cảnh chiều quê, anh lính tải thương, em bé chăn trâu, con đê, cánh diều…

Không có mặt những từ ngữ “bề thế, thời thượng”, những hữu thể, hư vô, hố thẳm, tha nhân, buồn nôn phi lý, những nan vấn triết học. Nhưng lời ca rất hàn lâm, gọn, đẹp. Ý tình tha thiết, êm đềm, trải rộng tình nhân gian. Đó là Phạm Duy.

Liệt kê một phần những sáng tác của Phạm Duy những năm đầu khánh chiến.

Nhớ người thương binh, Dặn dò, Nương chiều, Ru con, Mùa đông chiến sĩ, Người lính bên tê, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh, Nợ xương máu, Bà mẹ Gio Linh, Nhớ người thương binh, Đường ra biên ải, Đoàn quân văn hóa, Nhớ người ra đi, Lập Chiến công, Rèn cán chỉnh quân, Thanh niên quyết tiến, Bông Lau rừng xanh pha máu, Người lính bên tê, Thiếu sinh quân, Quân y ca, Xuất quân, Dân quân du kích, Thu chiến trường, Ngày trở về, Tiếng hát sông Lô, Việt Bắc, Nhạc tuổi xanh, Đường Lạng Sơn, Đường chiều, Cây đàn bỏ quên, Khối tình Trương Chi, Tình kỹ nữ, Tiếng bước trên đường khuya, Gánh lúa, Quê nghèo, Tình nghèo, Về miền Trung, Bên cầu Biên giới….

Dưới đây là một trong vô số bài của Phạm Duy được hát nhiều nhất trong vùng Kháng chiến. Có thể nó nói được nhiều tâm trạng của người dân một thời lửa đạn. Lời bài ca chính là một bài thơ.

Quê nghèo

[Bao giờ anh lấy được đồn tây]

1

Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre còm tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy

Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
Thấp thoáng bóng người bên ngòi
Tát nước với giọt mồ hôi
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy…

Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Để cho cô con gái không buồn vì gió Đông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em
Để cho anh trai tráng được gần người gái quê.

2

Làng tôi luôn luôn vươn vài đám khói
Những mái tranh buồn nhớ người
Xơ xác điêu tàn vì ai
Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi

Từ khi đau thương lan tràn sông núi
Quê cũ đã nghèo lắm rồi
Thêm đói thêm sầu mà thôi
Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi
Mơ thấy bên lề cuộc đời
Áo dài đùa trong nắng cười…

Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em
Để cho anh bắc gỗ, xây nhịp cầu (anh) bước sang
Bao giờ cho nối lại tình thương, hỡi ai
Để em ra bến vắng, đón người người chiến binh.

*

Trần Văn Khê, một tài năng âm nhạc, chỗ thân thích với Phạm Duy, ông viết:

“Trong hầu hết những bài hát của Phạm Duy, lời và nhạc chẳng những hay, mà lại có tánh cách giản dị, mộc mạc và nên thơ của những bài ca dao, những câu lục bát biến thể, hay những câu lục bát có thêm tiếng đệm được phổ nhạc một cách tài tình.”

Đối với tôi, Phạm Duy là một người nhạc sĩ toàn diện về mọi mặt (toàn diện theo nghĩa đầy đủ nhất của hai từ ” nhạc sĩ”). Duy có những khả năng rất đặc biệt trong âm nhạc mà không phải bất kỳ người nhạc sĩ nào cũng có thể hội tụ đầy đủ, và sự cảm thụ âm nhạc nghệ thuật của Duy cũng mang tánh cách rất riêng, rất “Phạm Duy”, nhưng cái riêng đó không hề lạc ra khỏi cái gốc rễ tình cảm chung của người Việt Nam.

Duy đã làm những cuộc phiêu lưu “chiêu hồn nhạc” hết sức đậm đà, huyền diệu, đầy thơ mộng mà cũng đa dạng và phong phú vô cùng! Duy “chiêu” được “hồn” ông thần Nhạc và thành công trong nhiều thể loại, có lẽ bản thân ông thần Âm nhạc cũng “mê” lối “chiêu hồn” của Duy rồi chăng? Thành công – đối với Duy mà nói – không phải chỉ sớm nở tối tàn, mà phải nói rằng những nhạc phẩm đó đã và vẫn mang nhiều giá trị về ngôn ngữ âm nhạc lẫn ca từ, không lẫn với bất cứ ai, đặc biệt là những nhạc phẩm ấy sống mãi trong lòng người Việt say mê âm nhạc, nghệ thuật.

Có những thể loại nhạc đối với người nhạc sĩ này là sở trường, nhưng với người khác nó lại không phải là thế mạnh. Còn Duy có thể làm cho những thể loại âm nhạc khác nhau “chịu” đi theo mình, nghe lời mình uốn nắn và đưa vào tâm hồn tình cảm của Duy. Duy viết tình ca đi vào lòng người bao thế hệ, viết hành khúc sôi nổi một thời cũng làm cho thính giả khó quên, hay viết trường ca, tổ khúc… cũng làm lay động con tim âm nhạc của bao người. Những thể loại Duy làm ra đều được sự tán thưởng của giới mộ điệu âm nhạc, lấy được nhiều tình cảm từ công chúng. Điều đó không hề dễ có đối với một tác giả. Nó tồn tại cho tới bây giờ cũng đủ để thấy giá trị âm nhạc Phạm Duy mang một dấu ấn khó phai trong dòng chảy âm nhạc Việt, và hạnh phúc hiếm có nhất: vẫn vững chãi trước ba đào thời gian”. [Hết trích].

*

Có một điều đăc biệt, một thời cả trong vùng Việt Minh và vùng Pháp chiếm đều hát nhạc của Phạm Duy. Năm 1951 là chấm dứt thời Lãng mạn Kháng chiến, thời tương đối còn chút tự do trong việc sáng tác và truyền bá tác phẩm văn chương nghệ thuật. Đây cũng là lúc Nhạc Phạm Duy bị cấm phổ biến, vì ông cùng gia đình rời hàng ngũ kháng chiến để Về thành.

Trong bài viết về Nhà thơ Hữu Loan tôi có một đoạn viết về thời đầu chống Pháp mà tôi gọi là thời Lãng mạn kháng chiến:

“ Thời ấy, những năm đầu khởi chiến chống Pháp, [1946-1949] mọi thứ còn hoang mộng. Cả thảy một tình yêu nước nồng nàn, toàn dân một tình cảm ngây thơ trước những mưu đồ chính trị. Sinh hoạt xã hội, ý thức hệ đối kháng, chưa từng cay nghiệt như những tháng ngày nội chiến về sau. Thuở ấy, ảnh hưởng một nền văn hóa cũ hãy còn. Văn thơ, là Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo của Tự Lực văn đoàn, là Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… âm nhạc với Thiên Thai, Suối mơ, Giọt mưa thu, Trăng mờ bên suối, Trương Chi…

Cách sống văn hoa lãng mạn của một lối sống trí thức tiểu tư sản hãy còn in đậm. Những cụm từ ngày nay đã trở nên sáo mòn cũ rích, nhưng buổi ấy là những “thanh âm” gợi cảm, gây mê cho bao thanh niên nam nữ trên đường trường chinh, những “Chiều biên khu, trấn thủ lưu đồn, sương biên thùy, chinh phu, chiến bào, sơn khê…”

Thấp thoáng dưới ánh trăng thôn dã là những bản nhạc chép tay chuyền cho nhau, những Dư âm, Nụ cười sơn cước. Tiếng hát Sông Lô. Cung đàn xưa, Làng tôi… Những thơ, Tây tiến, Đôi bờ…

Những lời thơ tiếng hát “lãng mạn” đã sáng tác tác trong thời gian này, và được phổ biến rộng rãi. Là, Màu tím hoa sim [Hữu Loan], Dư âm [Nguyễn văn Tý], Nụ cười sơn cước [Tô Hải] Nắng chiều [Lê Trọng Nguyễn]…

1952 Phạm Duy rời hàng ngũ, nhạc ông bị cấm, nhân thân bị kết tội phản quốc.

Nhân gian lâu dài về sau, hãy còn một Phạm Duy khác. Một Phạm Duy được Tự do và Hạnh phúc trùng tu.

Bài Mới Nhất
Search