T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: BÙI GIÁNG – CHẾT TỪ SƠ NGỘ MÀU HOA TRÊN NGÀN

Ảnh: Nhacxua.VN

Tác phẩm Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng của thầy Tuệ Sỹ là một tác phẩm lớn, lớn không chỉ về mặt tư tưởng, về thái độ sống với cuộc đời, mà nó còn lớn, còn đồ sộ về khối lượng thi phẩm được đưa vào trong sách.

Nhiều nhất là thơ của Tô Đông Pha, tất nhiên rồi, vì đây là cuốn sách viết về cuộc đời và thơ của Đông Pha mà, sau đó là thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ. Còn thơ Việt, ngoài thơ của thầy Tuệ Sỹ, còn hiện diện thêm hai thi sĩ nữa, người thứ nhứt là Hoài Khanh và người kia là Bùi Giáng.

Thơ Bùi Giáng, thầy Tuệ Sỹ sử dụng ba bài: Cảm Đề La Porte Étroite – Gide Tặng Sophocle, Màu Hoa Trên Ngàn, và Người Đi Đâu.

******

CẢM ĐỀ LA PORTE ÉTROITE – GIDE TẶNG SOPHOCLE

Bài thơ này là một trong bốn bài, được in ở phần phụ lục của truyện dài Khung Cửa Hẹp (La Porte Étroite, tác giả André Gide), do Bùi Giáng dịch.

Ta về giũ áo đười ươi

Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau

Em về thảng hoặc mai sau

Diệu Hoa lầu các đêm nào hoá sinh

Còn nghe cơn cớ bất bình

Đầu xuân rất mực biên đình ra hoa

Em về giũ áo mù sa

Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay.

**

Tám câu này, thầy Tuệ Sỹ chỉ lấy có hai câu cuối cùng: Em về giũ áo mù sa / Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay, sử dụng cho đoạn kể về Tô Đông Pha lúc bị đày.

Đi cùng Đông Pha là Triêu Vân, vợ của ông ấy. Bữa nọ, Triêu Vân mới lấy bài Từ có tên là Tình Xuân của Đông Pha ra, rồi hát theo điệu điệp luyến hoa. Hát xong, nàng sụt sùi khóc.

Đông Pha thấy Triêu Vân khóc thì hỏi, nghe Triêu Vân trả lời xong thì ông cả cười, mà rằng: ta viết về cái tình xuân mà nàng hơi đâu đi khóc cho người thu ở trỏng. Cười thế thôi nhưng lòng Đông Pha thì xiết bao cảm động. Thầy Tuệ Sỹ mới bình rằng, tình của họ đạm bạc mà nồng nàn, tình như sợi tơ thôi mà triền miên, mà thắm thiết.

Rồi thầy Tuệ Sỹ kết luận một câu như thế này, hay lắm luôn: Mới thấy, cái đa tình thường bị cái vô tình làm ray rứt.

Bình xong, thầy Tuệ Sỹ dẫn hai câu thơ:

Em về giũ áo mù sa

Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay.

**

Thơ của Bùi Giáng vốn mang tính ước lệ và cách điệu nên giũ áo và trút quần ở đây, nói về sự cởi mở, mở tấm lòng ra, mở trái tim ra, để con người và đất trời hòa thành một.

Hãy giũ xuống hết những vướng víu, bận bịu, nhọc lòng, nhiều như những hạt sương đang bám đầy trên vải vóc; hãy trút xuống hết những muộn phiền như những cơn mộng, để trở về, cùng tà huy, ánh mặt trời đương ngả về tây, mà kịp lúc hóa thân, mà tan biến, để bóng đêm tràn xuống cho âm dương hòa quyện; để tao ngộ hôm nào được tan rã, được chấm dứt, được biến mất, được quay theo guồng luân hồi sinh diệt đang rất đỗi vô cùng trong từng mỗi sát-na.

Tôi lại nhớ tới phần mở đầu trong cuốn Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng, ở đó thầy Tuệ Sỹ có nhắc đến Kinh Thi và Kinh Dịch. Dịch chính là cái lẽ biến đổi, thay đổi vô cùng của trời đất, với trùng trùng duyên khởi, mà chúng ta là khách, khách trong cuộc lữ hành, trở đi trở lại, không biết bao nhiêu là ngàn năm cho xuể.

**

Ta về giũ áo đười ươi

Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau
Em về thảng hoặc mai sau

Diệu Hoa lầu các đêm nào hoá sinh

Bùi Giáng thường tự nhận mình là Đười Ươi – Đười Ươi thi sĩ. Áo Đười Ươi chính là buổi nguyên sơ của loài người, là thân phận của con người. Đười Ươi nên hồn nhiên. Đười Ươi nên ngây thơ. Đười Ươi nên lãng đãng. Tờ phong nhã cũng chỉ là tấm thân giả tạm. Và những thứ đấy, giờ cũng xin bỏ lại, như bỏ lại những lần con người phụ nhau, đối xử tệ với nhau trong đời, để hoàn thành vòng diệt sinh, sinh diệt bất tận.

Diệu Hoa này, có phải chăng là kinh Pháp Hoa? Nào biết đâu. Nào ai biết đâu. Có thể này hoặc có thể kia. Nhưng thơ Bùi Giáng, ngay lúc này thì nghiêm trang lắm, tôn kính lắm. Và nếu đó chính là kinh Pháp Hoa thì lẽ hóa sinh mà Bùi Giáng nhắc tới, mới được diễn ra trong huyền diệu và nhiệm mầu như đã.

******

Câu thơ “chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn” mà thầy Tuệ Sỹ trích dẫn trong Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng, xuất hiện trong khá nhiều bài thơ khác nhau của Bùi Giáng.

Tôi thấy câu này, trước hết có trong bài Phù Du Diệp Độn Ngữ. Bài có năm mươi bốn câu cả thảy và câu “chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn” nằm ở câu thứ hai mươi tám:

Vội đi trong phút dùng dằng

Cổng xô còn giữ cây hằng trổ hoa

Chim bay kín cổng giang hà

Rừng thay đổi lá sơn trà đổi hương

Trận nhìn tận diệt triêu dương

Rung rinh trái đỏ chín hường hoa tai

Mộng trường rớt hột như lai

Dâng mùa lạc diệp hoa tai dịu dàng

Xuân xanh lễ hội khói vàng

Vua điêu tàn dựng tượng hoàng hậu xinh

Tam xuân chín chục đăng trình

Thượng thừa ân lộc u tình Thệ Đa

Mây về thang gió nhìn qua

Gọi sương ở lại rằng ta yêu mình

Vội đi trong phút rập rình

Cổng xô còn giữ cây Bình Minh Hoa

Bốn mùa nức nở sương pha

Màu đi giỗ gió than ma không chồng

Trận nhìn chằm chặp đâm hông

Ôi mùa tích lục tham hồng phi kiên

Tôi về nghe vọng sơn xuyên

Cô Em Mọi Nhỏ tự tiền kiếp qua

Đêm thần máu động cuồng ca

Mù Sương Bé Chị em xa châu thành

Dịu dàng khu vực còn xanh

Hồn phi thang hỏa thập thành khai hoa

Ta về ngóng lại mưa sa

Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Trên Ngàn

Thần đi cuối Ngọn Điêu Tàn

Tinh vân nhứ mạo mơ màng Man Nương

Đi về mạc ngoại Miêu Cương

Trùng du cựu địa thanh sương lục hà

Sơ khai nhị nguyệt chan hòa

Tam thu đậu khấu kết tòa oan khiên

Thù đồ nhứt nhựt như nhiên

Mù sa vi tiếu diện tiền niêm hoa

Nội thành bạch hạc nam kha

Bình minh bắc húc sầu ca sưu tầm

Chẳng nên vô lự vô tâm

Hồn vô niệm với vô ngần biển dâu

Xin về với gió phù du

Mở trang trí huệ cho mù sa bay

Chiêm bao hội thoại ngân dài

Ý trong tờ mộng nhớ ngày Miêu Cương

Thượng thừa chín chục thiều quang

Vành Môi Bé Chị thu ban bao giờ

Nhiên ôi gỗ bó từ từ

O bồng sương đục mây lừ đừ cong

Mộng truồng vơi xuống ruộng đồng

Sầu vun xới trẫm muộn trồng quả nhân

Chở che dâu cỏ Yên Tần

Suối Em Khe Chị chớm gần đã xa

Đạp Thanh Hội Cũ hào hoa

Giấc vàng buổi Tảo Mộ là giấc chung.


**

Sau nữa, tôi lại tìm thấy nó trong bài Ngõ Ban Sơ. Bài này có bốn câu, và câu thơ được trích là câu cuối cùng:

Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.

“Lỡ” trong câu thứ ba mang ý, đó là những việc sơ xuất, đáng tiếc, ngoài ý muốn. Lỡ bước ra đời rồi, lỡ bước vào cõi người rồi, thì phải sống thôi, đâu thay đổi, đâu làm gì khác được.

******

MÀU HOA TRÊN NGÀN

Lớp phiêu bồng mọc trăng ngàn

Thành xưa phố cũ muôn vàn phía sau

Đạp thanh vẽ bóng lộn màu

Góp dâng cữ gió nghiêng đầu sương mây

Ngõ ban sơ hạnh ngân đài

Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua

Xin chào giữa bước chân ra

Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn

Màu Hoa Trên Ngàn có cả thảy tám câu nhưng thầy Tuệ Sỹ chỉ dẫn có duy nhứt một câu: Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Trên Ngàn, cho cuốn sách của mình.

Trong số cả ngàn bài thơ Bùi Giáng viết, sẽ có những bài hay nhứt. Và trong số những bài thơ hay nhứt ấy, lại có những câu thơ đặc biệt, được xem là tinh thần của toàn bài, tứ thơ của bài, và nó trở thành những câu thơ hay nhứt, những câu thơ khiến người ta nhớ lâu nhứt, nhắc nhở nhiều nhứt, ví dụ như câu: Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Trên Ngàn.

Nghĩa của câu này, có phải chăng là, cả lúc chết đi lẫn lúc ban đầu, sinh ra, cái thuở ban sơ ấy mà, đều có chung, đều cùng chung một cõi, có tên là Màu Hoa Trên Ngàn.

Khởi đi từ Màu Hoa Trên Ngàn, và trở về lại, cũng tại nơi Màu Hoa Trên Ngàn – một hồi quy vĩnh cửu.

******

Khi viết về cuốn Thi Ca Và Tư Tưởng (Đi Vào Cõi Thơ II) của Bùi Giáng, thầy Tuệ Sỹ ghi ra hai câu sau đây:

Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay
(Người Đi Đâu – Bùi Giáng)

Rồi thầy nói, bây giờ, thầy sẽ bỏ câu trên của Bùi Giáng ra, và thay vào đó, câu thơ của thầy:

Mòn con mắt sầu đưa từ cổ độ (TS)
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay (BG)

Thầy giảng, khi thay vào như vậy, câu thơ đã thành một hội thoại khác. Thời đại chúng ta đang khao khát một cuộc hội thoại như thế, trước những thảm họa lịch sử đang dày xéo khôn cùng ở đây. Nhưng cõi Tư Tưởng đã bị khống chế bởi những trí thức cuồng dại, thảm họa đen tối của nó không còn là một viễn tượng xa xôi, mà đã trở thành những hiện tượng, những quái tượng. Trong khi đó, Thi Ca cũng đang bị dồn vào những cuộc đầu cơ lịch sử. Cảnh tượng như thế, chúng ta chịu khó mở mắt mà nhìn là thấy. Cho nên, thay vì nói đủ thứ chuyện, ở đây chúng ta có thể mượn một kết luận như thế này (M. Heidegger, Wozu Dichter): “Trong thời đại của đêm tối cõi đời, cái vực sâu không đáy kia của cõi đời phải được thể nghiệm và được kiệt tận miên bạc bình sinh. Mà muốn vậy, thì điều cần thiết là phải có vài kẻ đạt tới cái chỗ cùng tận của cái đáy vực sâu không đáy.”

******

Một trong “vài kẻ đạt tới cái chỗ cùng tận của cái đáy vực sâu không đáy” mà thầy Tuệ Sỹ đề cập đó, chính là Bùi Giáng.

Trước tới nay, người viết về Bùi Giáng thì rất nhiều, toàn những tên tuổi trong giới văn chương, ngay cả giới phê bình văn học, cũng gần như hầu hết, đều có bài viết về ông. Nhưng khi đọc thầy Tuệ Sỹ viết về Bùi Giáng, nhắc về Bùi Giáng, tôi mới cảm ra, dường, chỉ thầy Tuệ Sỹ mới hiểu được Bùi Giáng một cách chân tơ kẽ tóc, hiểu ấy, đã sớm có từ cuộc sơ ngộ giữa hai người tại Màu Hoa Trên Ngàn.

Bùi Giáng thiên tài. Bùi Giáng khí chất. Bùi Giáng trong trẻo. Bùi Giáng lung linh.

Bùi Giáng có hàng trăm câu thơ siêu phàm, mà khi đọc lên, cứ phải khiến người ta xuýt xoa hoài, như những câu mà thầy Tuệ Sỹ vừa trích dẫn:

Em về giũ áo mù sa

Trút quần phong nhuỵ cho tà huy bay.

Và:

Xin chào giữa bước chân ra

Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn.

**

Nhiều lắm, nhiều lắm những cực phẩm như thế, thoạt nghe, thì tưởng chừng đơn giản, nhưng thực ra, nó là một trời mênh mông, huyền ảo. Ngôn ngữ của nó được sắp xếp theo kiểu bài binh bố trận, không chỉ là thơ, nó còn là những tư tưởng triết học:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
(Chào Nguyên Xuân)

Thơ Bùi Giáng là thơ mở, thơ đối thoại. Nó khác lắm với dòng thơ độc thoại, tự sự, một mình. Biển xanh dâu, mộng ban đầu, một hai ba, đều được dùng để chỉ ra buổi ban sơ, buổi nguyên sơ. Đó chính là tính ước lệ, tượng trưng, cách điệu mà kỳ tài Bùi Giáng thường sử dụng trong thơ:

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.
(Tặng Mã Giám Sinh – Chớp Biển)

Mới đọc lên thì buồn cười, kiểu như, vậy mà của nhà thơ nổi tiếng ư? Sau đó, đọc lại vài lần, mới cảm ra cái hay. Hay nằm ở chỗ, để diễn tả được những vấn đề mang tính khái quát, người khác, có khi phải làm một trường thi, chớ còn viết về những điều lớn lao ấy mà chỉ bằng một câu thơ, chắc không nhiều đâu, và Bùi Giáng là một trong những ít ỏi ấy, diễn tả cõi mênh mông một cách thần sầu, mà vẫn rất thơ:

Xuân về xuân lại xuân đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về.

Chỉ những ai có cách nghĩ – làm thơ nghĩa là dìu ba đào về chân trời khác – thì may ra, mới có thể làm chấn động trăm năm như Bùi Giáng đã từng.

Nay thì, cả Bùi Giáng, cả thầy Tuệ Sỹ, họ đã – Chết Từ Sơ Ngộ Màu Hoa Trên Ngàn!

Sài Gòn 01.03.2024
Phạm Hiền Mây

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search