T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: BÙI GIÁNG – TRĂM NĂM TRONG CÕI SINH TỒN

Bùi Giáng – Tranh: PHAN TẤN HẢI (2016)

Trước sau, tôi vẫn cho rằng, Bùi Giáng là một tiên ông hay chữ bị mắc đọa. Ổng xuống cõi trần này, làm thơ, viết văn, dịch sách, với đầu óc thông tuệ bất phàm và chịu đựng những tháng ngày nửa điên nửa tỉnh. Trả nghiệp xong, ổng quay về, chờ, hoặc hoàn nguyên về cõi tiên, hoặc cũng có thể, cần phải xuống cõi tạm này thêm dăm, ba lần vay trả, trả vay nữa, thì ổng sẽ.

Mấy chuyện đó, may ra, chỉ có trời mới biết.

Bùi Giáng điên dễ thương. Điên dễ thương là điên mà không làm phương hại đến ai. Điên dễ thương, thế nên, đi đến đâu, người ta cũng lo cho ăn, lo cho uống, đối đãi như người thân ở xa mới về. Thậm chí, người ta vui vẻ mời mọc, bao đãi ông, đổi lợi, chỉ cần ông xé đâu đó tờ giấy to cỡ lòng bàn tay, ghi một mạch bốn câu thơ ông vừa mới nghĩ ra rồi tặng. Chủ nhân của những mảnh giấy cũ mèm, nát nhàu ấy, sẽ vô cùng vui sướng mà cất giữ, mà nâng niu như một kỷ niệm văn nghệ hiếm có, ít dịp trong đời.

Điên dễ thương còn là, những lúc tỉnh, ông cũng biết rõ mình đã từng điên!

**

Ông tự xưng ông là Trung Niên Thi Sĩ, nghĩa là, ông tự nhận mình luôn ở độ tuổi đẹp nhứt của cuộc đời khi làm thơ. Trung Niên nghĩa là đã vượt qua thời kỳ non nớt, bồng bột, dại khờ. Trung Niên còn có nghĩa là chưa già, chưa luống tuổi, chưa xế chiều.

Bùi Giáng làm thơ như nhân gian dùng lời để trò chuyện. Tự nhiên sinh ra đã thế, không cần phải đi học bất cứ trường dạy làm thơ nào.

Ông lập nên một đế chế thơ, có tên là thơ Bùi Giáng. Không bắt chước ai, không theo chân ai, thơ ông vô cùng biến hóa. Ông còn, thì thơ còn. Ông mất, các chiêu thức làm thơ ảo diệu khôn lường ấy cũng tuyệt tích võ lâm. 

Thơ Bùi Giáng điên mà tỉnh, khoảnh khắc mà thiên thu, cợt đùa mà rơi lệ, đầu đường xó chợ mà rất đỗi cốt cách thần tiên, bình dị mà ảo diệu mênh mang, chân quê mà muôn vàn triết thuyết.

******

1.
Bờ Trần Gian nằm trong tập thơ Mưa Nguồn xuất bản năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai:

BỜ TRẦN GIAN

Đường cong có cỏ mọc ven bờ

Cây đứng trong vườn lá chuối tơ

Chó sủa sớm chiều đi qua ngõ

Gà con mất mẹ chạy bâng quơ

Cá ở ngoài khe có ít nhiều

Cồn lau cỏ lách có hoang liêu

Em về có hỏi răng ri rứa

Nhắm mắt đưa chân có bận liều.

**

Thơ Bùi Giáng, đa số được viết theo thể lục bát, những bài thơ bảy chữ như thế này, lâu lâu mới gặp.

Người thì hay giỡn hay đùa vậy chớ, lúc làm thơ thì đâu ra đó à nghen. Từ cuối của các câu một, hai, bốn, luôn cùng vần và là vần bằng: bờ, tơ, quơ; nhiều, liêu, liều. Và từ cuối câu thứ ba luôn là vần trắc.

Ông đặt tựa đề cho bài thơ là Bờ Trần Gian. Đó giờ, vẫn thường nghe bờ đê, bờ cỏ, bờ ao, bờ rào, bờ tường, bờ ruộng. Đây là lần đầu tiên tôi nghe Bờ Trần Gian.

Bờ Trần Gian có hai khổ. Hãy thử xem cái phần nhô lên đó của cái cõi bụi đất, cõi đời, trong hai khổ này, ông tả gì.

Bờ Trần Gian trên là một đường cong và có cỏ mọc ven. Kế đó, có cây đứng trong vườn với lá chuối tơ. Bờ này, nháo nhào, hỗn loạn, vô trật tự, không quản được: chó sủa sớm chiều đi qua ngõ / gà con mất mẹ chạy bâng quơ.

Bờ Trần Gian dưới thì cỏ lau mọc rậm rạp vẻ như còn hoang sơ, chưa bước chân người qua lại. Bờ này khác bờ kia ở chỗ có lạch khe, có tiếng cá bơi lách chách. Và có cả tiếng em hỏi hốt hoảng với chất giọng miền Trung, không lẫn vào đâu được: sao thế, làm sao thế, đâu thế, đi đâu thế, ở đâu ra vậy, khi có kẻ, nhắm mắt đưa chân, liều lĩnh vượt bờ.

Thì ra vậy, ở trần gian này có đến hai cái bờ, như trời với đất, như âm với dương, như sáng với tối.

Gì thì gì, cũng phải có đôi, cân đối!

******

2.
Bờ Tồn Sinh (I) nằm trong tập thơ Lá Hoa Cồn xuất bản năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba:

BỜ TỒN SINH (I)

Trăm năm trong cõi sinh tồn

Cá bờ mương nhảy xô hồn xuống hang

Biết bao là gái lộn đàng

Nhớ nhung như nhớ lang thang mây chiều

Ôm đầu tức tưởi đổ xiêu

Cánh tồn hoa hoạt hiện nhiều lửng lơ

Một ngàn cỏ lá cồn trơ

Đẩy ngang ngửa nhịp nước cờ chiêm bao

Dấn thân thể dấn bước vào

Sịch mành sực tỉnh hàng rào chắn ngang.

**

Nguyễn Du viết “trăm năm trong cõi người ta” thì ông Giáng ổng cũng ngon lành “trăm năm trong cõi sinh tồn”.

Ổng nào có sợ chi ai, ngán chi ai, mà không chớ.

Và ổng viết đúng. Vì lẽ sống còn, không thể để bị diệt vong, cho nên con cá ở bờ mương, nó cũng phải nhảy vội nhảy vàng, xô nhau đến mất cả hồn vía để kịp xuống hang mà trốn. Không nhảy, để bọn người nó câu, nó quăng lưới, nó chích điện mang dzìa xơi hết thì còn đâu là giống nòi nhà cá chớ.

Đời nhiều cạm bẫy. Đến con cá mà vì lẽ sinh tồn còn phải ráng giữ thân, huống gì là con người, huống gì các em gái trẻ, còn nhỏ, dễ đi lộn đàng lắm.

Đàng, miền Nam, là đường đó, dễ đi lộn đường lắm.

Nên các em gái cẩn thận nha. Mấy thằng con trai ấy mà, nó suốt ngày nhớ nhung các em như mây chiều lang thang. Nhớ quá, tụi nó tức tưởi. Nhớ quá, tụi nó liêu xiêu. Trong đầu chúng nó, lộn xộn, xáo động những hình ảnh của nhiều cánh tồn lơ.

Nên các em gái cẩn thận nha. Trong đầu bọn con trai ấy mà, nó tơ tưởng lắm, nó mơ tưởng lắm: nó mơ trên những cái cồn cỏ lá nằm trơ ấy, chúng chơi cờ. Hết đi nước ngang rồi chúng sẽ đi nước ngửa, đẩy tới đẩy lui con cờ, đủ chiêu, đủ kiểu. Thậm chí, trong giấc chiêm bao, chúng mơ tưởng đến cả những khi, sẽ ngang nhiên dấn bước vào cổng nhà các em gái.

May mà đụng phải cái mành mành hàng rào chắn ngang, chúng mới sực tỉnh mộng!

******

3.
Lá Trút Hoa Cồn nằm trong tập thơ Lá Hoa Cồn xuất bản năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba:

LÁ TRÚT HOA CỒN

Cuối năm rào giậu khép hàng

Trên thân thể mọc Cô Nàng đi tu

Thiên thanh thái thậm tạc thù

Mắt xanh mày dựng thiên thu thái hằng

Tình vân nhứ mạo mô lăng

Lên từ cung bậc giá băng năm đầu

Một hàng chậm một hàng mau

Rừng ôi nhớ biển trước sau khôn hàn

Tấm thân vũ trụ điêu tàn

Hùm beo rống ngục doanh hoàn nở môi

Người về cõi đất xa xôi

Nhớ xuân địa ngục không lời gọi em

Hoa cồn kiều diễm gió lên

Lá cồn em mọi còn nên trao gì

Chiêm bao phấn diện biên thuỳ

Đêm sầu mộng dại truy tuỳ mê mông

Một vùng xuôi ngược biển đông

Tam thu chểnh mảng thần thông tựu trường

Trình tâu Hắc Đế U Vương

Già Lam Bản Xứ khuếch trương mối sầu

Mộng trường nhất niệm thiên thâu

Tam thu diệu hữu nguyên màu già mông

Một vùng xuôi ngược biển đông.

**

Dù với tôi, tập thơ đầu tiên Mưa Nguồn mới chính là tập thơ hay nhứt của Bùi Giáng, nhưng ngộ cái, phải đợi đến tập Lá Hoa Cồn ra đời, thì tên tuổi của Bùi Giáng mới bắt đầu vang dội trên thi đàn.

Thơ Bùi Giáng, có nhiều bài dễ đọc, dễ hiểu, nhưng cũng lại có nhiều bài thật khó để đoán ra, chứa trong những dòng chữ đó là suy nghĩ gì, là ý tứ gì của ổng.

Tuy vậy, khi đọc lên, kiểu gì kiểu, ta cũng nghe ra cái thi vị của tiếng Việt, cái vui vui khi phát hiện ra những con chữ, chúng đang thò cả ra, chúng đang ló hết ra, tánh cách nghịch ngợm mà rất hồn nhiên và trẻ thơ của ổng.

Ví dụ như câu này chẳng hạn, toàn bắt đầu bằng chữ “t”, thiên thanh thái thậm tạc thù.

Chỗ này cũng xin được nói thêm chút. Thơ Bùi Giáng, nhiều câu tôi không hiểu, nhưng tôi không quan trọng việc ấy, và dứt khoát không đoán mò. Điều đó, chẳng lợi ích gì cho thơ, càng không lợi ích gì cho tác giả lẫn người đọc. Tôi xem những câu tôi không hiểu ấy, là những phần réo rắt của dàn hòa ca, khi ca sĩ ngưng lời.

Đọc thơ Bùi Giáng riết, tôi cũng rành ổng sáu câu vọng cổ. Thường, vừa đọc thơ ổng, tôi vừa cười, cười nhoẻn, cười mỉm chi cũng có, mà haha cười, tôi cũng có luôn. Chớ không phải thế sao. Không tin tôi, thì các bạn thử đọc đi đọc lại những câu này xem: Hoa cồn kiều diễm gió lên / Lá cồn em mọi còn nên trao gì.

Ngay cả khi câu thơ, nghĩ hoài mà cũng không ra nghĩa, thì nó cũng rất ngộ. Các bạn sao, thời tôi không rõ, chớ làm thơ mà lanh như ổng, làm thơ mà ảo diệu, biến hóa khôn lường như ổng, thú thiệt, tôi thua.

Ví dụ như hai câu này chẳng hạn: Chiêm bao phấn diện biên thuỳ / Đêm sầu mộng dại truy tuỳ mê mông.

Và ví dụ như hai câu này nữa: Trình tâu Hắc Đế U Vương / Già Lam Bản Xứ khuếch trương mối sầu. U Vương có lẽ là Chu U Vương. Già Lam là đền thờ, tu viện. Chịu, không biết giữa chúng có liên quan gì với nhau mà bẩm thưa, mà kể lể, mà hài tội chúng, khuếch trương mối sầu.

4.
Không Nói Nữa nằm trong tập thơ Mưa Nguồn xuất bản năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai:

KHÔNG NÓI NỮA

Tôi gửi lại bây giờ xin vội vã

Xin vội vàng tôi gửi lại hai nơi

Về Lục Tỉnh một lần chưa chắc đã

Tiếng chào Thu Xuân Mỹ Thọ xa rồi

Không nói nữa Sài gòn hay Chợ Lớn

Tuần Sóc Trăng thổi rộng gió Biên Hoà

Không nói nữa hồn Cửu Long máu rớm

Nước một mùa là sóng đục phôi pha

Tôi bỏ cuộc khi nhìn em bỏ cuộc

Tôi lên đường từ bữa dọc xô ngang

Ôi ở lại miền Nam tìm nẻo thuộc

Tôi đi về sầu dựng Ải Vân San

Làm con gấu con beo con bò rừng con hổ

Làm con chồn lùi lũi chạy vào hang

Cũng không thể quên lời là thổ lộ

Màu hoa niên cổ độ xuống khôn hàn

Bờ nước thẳm em đứng lên đó chớ

Tay ôm đầu và tay nữa giơ ra

Vòng ma nghiệt mấy lần ta rất sợ

Giờ xin em đếm lại một hai và.

**

Người ta rải thóc cho gà ăn thế nào thì Bùi Giáng khi làm thơ cũng rải chữ lên trang giấy hệt thế. Tôi cũng nghĩ việc rải chữ này, đa phần hên xui, nhưng nói gì thì nói, Bùi Giáng thật sự tài tình. Chỉ tài tình thì mới vung vãi chữ như vậy mà vẫn ra tấm ra món. Bài nào, không nhiều thì ít, cũng nghe ra thú vị, cũng nghe ra nội dung, cũng nghe ra tối thiểu một vài điều hay ho, ngộ nghĩnh ở trỏng.

Thơ Bùi Giáng không phải lúc nào cũng cho tôi tiếng cười, thơ ông, đôi lúc lại làm tôi ngậm ngùi, buồn bã, ví dụ như câu này: Không nói nữa hồn Cửu Long máu rớm / Nước một mùa là sóng đục phôi pha. Hồn của dòng sông hay hồn người đầy toan tính. Con sóng đục hay tâm hồn người ta bị vẩn đục bụi rêu. Nước một mùa, nước bạc trắng phôi pha hay tình người, tình yêu, chỉ cần qua một mùa thôi là phai mòn hương sắc.

Dù làm thơ theo thể lục bát hay bảy chữ, tám chữ, thì khi nào Bùi Giáng cũng nghiêm chỉnh tuân thủ luật bằng trắc và phép đối: Tôi bỏ cuộc khi nhìn em bỏ cuộc / Tôi lên đường từ bữa dọc xô ngang / Ôi ở lại miền Nam tìm nẻo thuộc / Tôi đi về sầu dựng Ải Vân San.

Chẳng biết Bùi Giáng giận gì, hờn gì, mà Không Nói Nữa. Khi Không Nói Nữa, ông đòi: Làm con gấu con beo con bò rừng con hổ / Làm con chồn lùi lũi chạy vào hang / Cũng không thể quên lời là thổ lộ / Màu hoa niên cổ độ xuống khôn hàn.

Con hổ, thổ lộ; vào hang, khôn hàn; vần điệu như vậy nên thơ ông, khi đọc lên, rất thích. Nó không vấp, không sượng, à, nhưng coi chừng bị nhịu à nha, nhất là khi đọc nhanh, đọc vội: Làm con chồn lùi lũi chạy vào hang.

Không Nói Nữa, chứng tỏ, những gì cần nói với đời này, cần nói với thi ca, cần nói với cuộc tình, ông đã nói đủ. Không Nói Nữa vì đã ngộ ra rồi. Không Nói Nữa vì đã sang bờ bên rồi. Không Nói Nữa nghĩa là vô ngôn.

Trở lại từ đầu, ta sẽ trở lại từ đầu, và giờ đây, xin em đếm lại cùng ta một, hai, và.

******

Vui thôi mà, là ba từ chân thành, hồn nhiên và hết lòng nhứt của Bùi Giáng khi trả lời câu hỏi của cuộc đời này, khi trả lời câu hỏi của con người trong cõi trọ này, khi trả lời câu hỏi của văn chương và thi ca trong chốn hồng trần này.

Có nhiều người cáu kỉnh với ba từ “vui thôi mà” này của Bùi Giáng. Họ cho đó là câu trả lời tránh né và thiếu nghiêm túc.

Lạ hen.

Chắc phải trả lời đúng như họ mong muốn, thì đó mới là câu trả lời hay, câu trả lời không tránh né và nghiêm túc quá hà.

Tránh né là tránh né cái gì các bạn ơi. Đời ổng, còn đau khổ nào chưa trải qua nữa đâu mà tránh với né. Vợ con thì chết sớm. Nhà cửa, sản nghiệp, bản thảo thì cháy rụi, tiêu tan. Đến cái thân ổng còn giữ không được sự tỉnh táo nữa mà tránh cái gì, né cái gì.

Còn tính cà rỡn của ổng thì có chết ai đâu. Ổng cà rỡn cho cuộc đời ổng bớt thê thảm. Ai biểu bạn nghiêm trọng, nghiêm túc làm chi rồi bạn than phiền ổng thiếu nghiêm túc. Bạn không thích tánh cách ấy của ổng thì cứ đi chỗ khác chơi. Chớ còn yêu cầu người khác phải sống theo ý mình, coi bộ như dzậy là hổng đặng rồi đó đa.

**

Thơ Bùi Giáng là thơ của ta bà rong chơi, thơ của sự lãng mạn pha nét tinh nghịch, dí dỏm và uy-mua (từ của tiểu luận gia Đặng Tiến). Tưởng lẩn thẩn mà lại vô cùng thông minh, sáng suốt. Tưởng chuyện phù du, huyễn hoặc mà lại phồn thực, sinh sôi, nảy nở vô cùng

Cả bốn bài trên đều được viết bằng một giọng thơ như tôi vừa nói ở trên, và chúng có một điểm chung. Điểm chung này, chắc hẳn nãy giờ các bạn cũng đã phát hiện ra lúc đọc bài. Và chắc cũng đã nhiều bạn vừa đọc vừa mỉm cười. Nói cho cùng, thì.

Vui thôi mà, phải không các bạn!

Sài Gòn 16.03.2024
Phạm Hiền Mây

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search