T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: CAO HÀNH KIỆN VÀ TUYẾT THÁNG TÁM

Nhà văn CAO HÀNH KIỆN – Ảnh: https://tuoitre.vn/

******

TÁC GIẢ

Cao Hành Kiện, sinh năm một ngàn chín trăm bốn mươi, là nhà văn, nhà biên kịch, nhà phê bình, nhà nghiên cứu nghệ thuật, dịch giả, đạo diễn sân khấu, nhà làm phim và là họa sĩ, người Pháp gốc Hoa. Ông là người Trung Quốc đầu tiên, người thứ tư của châu Á, và là công dân Pháp thứ mười ba, được trao giải Nobel văn học vào năm cuối cùng của thế kỷ XX, khép lại một trăm năm đầu tiên của giải thưởng danh giá nhứt hành tinh này.

Vào thời kỳ cách mạng văn hóa (1966-1976), ông từng bị đưa vào trại học tập cải tạo bảy năm. Chính phủ Trung Quốc từng coi ông là một thành phần chống đối và cấm lưu hành các tác phẩm của ông kể từ năm một ngàn chín trăm tám mươi sáu. Ông bỏ sang Pháp sinh sống và nhập quốc tịch Pháp năm một ngàn chín trăm chín mươi tám. Ông đoạt giải Nobel năm hai ngàn với tiểu thuyết Linh Sơn.

Không chỉ Linh Sơn mới làm nên tên tuổi Cao Hành Kiện. Nhiều tác phẩm khác của ông cũng được khắp nơi tìm đọc bởi không chỉ tác phẩm hay xuất sắc mà còn là giá trị tinh thần, giá trị tư tưởng mà nó mang lại, Tuyết Tháng Tám là một tác phẩm trong số mà tôi vừa nói đến.

****

Tuyết Tháng Tám là một vở kịch opera có quy mô lớn nhứt từ trước tới nay. Vở kịch do ông đích thân làm đạo diễn cho nhà hát quốc gia Đài Bắc và nhà hát Opera Marseille, phối hợp biểu diễn tại Marseille. Vở diễn có tới gần hai trăm người tham gia, hát cả bằng hai thứ tiếng Trung và Pháp.

Vở kịch chủ yếu xoay quanh nhân vật Huệ Năng, nhân vật Vô Tận Tàng và kỹ nữ. Huệ Năng chính là tổ của thiền tông và là một nhà tư tưởng của văn hóa Trung Quốc. Tư tưởng của ông vô cùng hiện đại.

Ngài mất vào tháng tám. Khi ấy, trên núi, tuyết rơi!

Thời gian trôi qua, tư tưởng của Tổ Huệ Năng bị hiểu sai đi, nhà chùa trở nên một thứ thế giới hỗn loạn và cuối cùng bị thiêu cháy.

******

LƯỢC KỊCH TUYẾT THÁNG TÁM

Vở kịch dài gần ba tiếng. Phần dưới đây do chính tôi lược lại. Tôi đã cố cắt nhiều chỗ không quan trọng để bạn đọc không thấy ngán. Nhưng có nhiều chỗ thoại của Tổ Huệ Năng với chúng tăng  hay quá, bỏ đi thì thiệt tiếc, nên tôi giữ lại. Rất mong bạn đọc cũng tìm thấy sự thú vị và những giá trị văn chương, giá trị tinh thần khi đọc tác phẩm.

Tất cả các nhân vật Vô Tận Tàng, Hoằng Nhẫn, Thần Tú, Ấn Tông, Thần Hội, Pháp Hải, Huệ Minh đều là nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc.

Và Lời Bàn ở mỗi đoạn, là cảm xúc, là nhận định  của riêng tôi.

MÀN I – CẢNH I – NGHE KINH ĐÊM MƯA

Huệ Năng theo song thân, lưu lạc đến Lĩnh Nam. Cha ông mất. Mẹ già cùng ông dời đến Hải Nam, đốn củi mưu sinh. Hàng ngày, Huệ Năng vào rừng nhặt củi xong, mang về bán cho chòm xóm. Riêng am của ni cô Vô Tận Tàng, ông thường tự động xếp củi vào phía sau am. Xếp xong, Huệ Năng đứng lại phía sau cánh cửa nghe kinh.

Vì am vắng vẻ, nên ni cô Vô Tận Tàng thường lấy lý do phép tắc, giới luật mà đuổi Huệ Năng đi. Bà khuyên, nếu muốn, thì nên đến vào buổi sáng sớm mà nghe kinh. Nhưng Huệ Năng thưa, giờ ấy, còn đi kiếm củi, chỉ rảnh khi chiều xuống, xong việc.

Ni cô bèn đưa cuốn kinh cho Huệ Năng, nói mang về mà đọc. Huệ Năng thưa, ông không biết chữ. Ni cô nói, chữ không biết, nghe kinh sao hiểu? Huệ Năng lễ độ, kinh Phật vi diệu, không cần giải thích, xin ni cô cứ đọc, Huệ Năng xin nghe.

Trong những ngày Huệ Năng nghe ni cô đọc kinh, ông thường đối đáp qua lại với ni cô về những vô tận phiền não của con người và cách đoạn trừ nó.

Một buổi nọ, Huệ Năng ra chợ bán củi, thấy có người đọc kinh Kim Cương, Huệ Năng hỏi, thì được biết, họ biết bộ kinh này là từ Hòa Thượng Hoằng Nhẫn.

Lời Bàn: Ni cô Vô Tận Tàng cứ ngỡ Huệ Năng phải lòng mình, chớ người ấy ngu dốt, nửa chữ cũng không biết thì hiểu gì về kinh Phật mà xớ rớ ở lại, nếu không phải kẻ tà tâm? Thế mới biết, đánh giá một con người, chớ nhìn vẻ bề ngoài mà vội vàng xét đoán. Ni cô nào biết đâu, chính nhờ trí Huệ Năng rỗng, tâm Huệ Năng không chứa gì, không chấp trước, chỉ đơn giản vì thích kinh Phật mà nghe, nên Huệ Năng mới lãnh hội được kinh Phật trọn vẹn.

****

CẢNH II – PHÁP TRUYỀN Ở NÚI ĐÔNG

Mở đầu cảnh hai là cuộc trò chuyện của Hòa Thượng Hoằng Nhẫn và trưởng thụ giới Thần Tứ về Huệ Năng. Huệ Năng lúc ấy đã tìm đến chùa của thầy Hoằng Nhẫn và ông đang giã gạo sau chùa.

Thần Tứ cho biết, Huệ Năng đến chùa đã tám tháng mà vẫn chưa thụ giới, lại là người không biết chữ, ăn nói bỗ bã. Hoằng Nhẫn cả cười, và luôn miệng nói, không sao, không sao.

Hoằng Nhẫn giao cho Thần Tứ, ngày mai, mời tất cả các tăng nhân lẫn hành giả trong chùa đến nghe thầy giảng.

Mọi người đến đủ, Hoằng Nhẫn thông báo, mỗi người hãy về viết một bài kệ, mang đến cho ông xem, rồi ông sẽ đem chiếc cà sa mà ông đang mặc, cùng đại pháp, truyền thụ cho người lãnh hội được đại ý của Phật Pháp. Người ấy sẽ nhận y bát từ Tổ Sư Đạt Ma truyền qua năm đời, thành truyền nhân đời thứ sáu.

Đại chúng nghe xong lời của cao tăng Hoằng Nhẫn thì xôn xao. Ai nấy bèn lui về để viết bài kệ, và họ cũng không quên đồn đoán, y bát này, không truyền cho Thần Tứ, thì truyền cho ai bây giờ. Ông ấy là trưởng thụ giáo, trên cả ngàn tăng đang tu tập nơi đây, chỉ dưới một ngài Hoằng Nhẫn.

Thần Tứ thì lo lắng, suy tư. Nếu viết kệ, thì hóa ra, mình là kẻ mưu cầu địa vị Tông Sư. Nhưng nếu không trình kệ, thì làm sao Tông Sư biết được những kiến giải trong lòng mình nông sâu thế nào mà chân truyền chánh pháp? Phân vân tới lui, nửa đêm, Thần Tứ đốt đèn, vào giữa điện thờ, phóng bút viết bài kệ lên vách điện trống.

Sáng hôm sau, mọi người đều thất kinh khi nhìn thấy bốn câu thơ được đề trên vách, nét chữ như rồng bay phượng múa. Sư phụ Hoằng Nhẫn cũng ghé vào nhìn, ngài trầm ngâm giây lát rồi lẩm bẩm, phàm hình tướng, thảy đều là hư vọng. Rồi ngài nói lớn: Mọi người hãy theo bài kệ này mà tụng đọc, tu hành, tất không sa ngã. Lành thay. Lành thay.

Thần Tứ bước vào, cung kính đảnh lễ sư ông. Hoằng Nhẫn hỏi, bài kệ này có phải người viết? Thần Tứ thưa, đệ tử không cầu Tổ vị, viết kệ, cốt để sư ông xem, đệ tử đã nhận thức được ý Phật Pháp hay chưa?

Hoằng Nhẫn từ tốn: Ngươi chưa bước được vào trong, chỉ mới dừng ở ngưỡng cửa. Muốn giác ngộ, phải bình thân. Hãy để tâm tĩnh lặng, viết lại bài kệ khác, rồi ta sẽ xem xét việc truyền y bát.

Lời Bàn: Thần Tứ là trưởng thụ giáo, thông minh, học một biết mười. Nhưng để đạt đến vô thượng bồ đề giác ngộ, nào chỉ cần học vấn, kiến thức. Quan trọng nhứt của kẻ tu hành, là phải thấy được chính mình. Chưa kể, trong quá trình theo thầy tu tập, Thần Tứ sớm bộc lộ tư chất thông minh, nên luôn được chúng tăng cỗ vũ, khen ngợi, và đồn đoán, ông sẽ chính là người được kế vị, được Ngũ Tổ truyền y bát. Kiêu căng, tự phụ, vì vậy, đã sớm nảy sinh trong lòng Thần Tứ, nên mới đương đêm, phóng bút viết bài kệ lên bức tường để trống trong chánh điện, là nơi mà sư ông Hoằng Nhẫn dự định mời họa sư đến vẽ hình Đức Phật trên đó. Về phía Hòa Thượng Hoằng Nhẫn, dù biết Thần Tứ chưa đạt đến bậc chân tu, nhưng ngài vẫn ngợi khen bài kệ, vì cho đến lúc ấy, vẫn chưa ai qua được Thần Tứ.

**

Lại nói đến Huệ Năng, vẫn ngày ngày cắm cúi giã gạo. Sau khi Thần Tứ viết bài kệ lên tường nơi chánh điện, thì mọi người ra vô chùa, đều ghé lại chiêm ngưỡng. Có một chú sa di kia, vào bếp, đọc miết bài kệ, Huệ Năng bèn hỏi, ngươi hát gì thế, sa di kể rõ nguồn cơn. 

Huệ Năng bước vào chánh điện. Không biết chữ, ông bèn hỏi vị họa sư, vốn được sư ông mời vào chùa vẽ chân dung Đức Phật, giờ bức tường đã có bài kệ, nên họa sư đang thu dọn dụng cụ để quay về: trên bức tường ghi gì vậy?

Lư Trần họa sư bực bõ trả lời, chao ôi, chúng đen thui, lại loằng ngoằng như giun, chẳng biết chữ gì. Huệ Năng bèn ngần ngừ: tiên sinh có thể thay kẻ thô thiển này viết lên vài câu chăng? Lư Trần vui vẻ, ngươi muốn loại chữ gì, dùng màu gì, ta cũng đều giúp.

Bốn câu kệ của Thần Tứ trước đó là:

thân là bồ đề ấy
lòng như gương sáng này
giữ cho luôn tỏ rạng
chớ để bụi bám dây.

Và bốn câu dưới đây là Huệ Năng đọc cho Lư Trần họa sư viết giùm:

bồ đề không cây ấy
gương sáng cũng không đầy
tính Phật luôn thanh tĩnh
đâu chỗ để bụi dây?

Viết xong, Lư Trần tấm tắc khen tuyệt, tuyệt rồi ra về. Huệ Năng ra sau chùa giã gạo tiếp. Nửa đêm, sư ông Hoằng Nhẫn cầm đèn bước ra chánh điện rọi xem. Xem xong, ngài bước ra phía sau, nơi Huệ Năng vẫn còn đang giã gạo, gọi Huệ Năng vào phòng mình.

Trước cửa phòng Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, luôn có cái trống công phu và thầy Huệ Minh, là người được phân công ngồi điểm canh. Huệ Minh cũng là một vị tăng sáng láng, hết lòng tu tập như trưởng thụ giáo Thần Tứ. Đêm ấy, Huệ Minh ngồi mà ngủ gục lên ngủ gục xuống, ông buồn bã tự trách mình, khổ tu đã bao năm, mà chẳng học được yếu lĩnh nơi sư thầy. Nói xong ông bước đi.

Quay trở lại Huệ Năng, nghe Ngũ Tổ kêu, ông bèn đến phòng sư thầy.

Đây là đoạn đối đáp giữa Huệ Năng và thầy Ngũ Tổ:

– Ngươi thấy gì ngoài kia?

– Thế giới đại thiên, trời trăng sông núi, nước trôi mây nổi, gió gió mưa mưa. Chó, ngựa, xe, kiệu thế gian, quan sang, lính hèn, kẻ đến cứ đến, người đi cứ đi. Lại có thương nhân tranh mua tranh bán, cao giọng rao mong bán được hàng. Lại có trai ngây, gái oán, người người ba bảy đảo điên. Đến phút này, đêm sâu, người lặng, chỉ còn nghe tiếng khóc trẻ vừa sinh.

– Bên trong cửa có gì?

– Hòa thượng và tôi.

– (Cười) Ta là gì?

– Một niệm trong tâm.

– Chỗ nào?

– Niệm niệm chẳng dứt. Không đâu chẳng có.

– (Hét lớn) Không nơi thường tại, lại còn niệm điều chi?

– (Cúi đầu suy nghĩ) Không có gì cả.

– Thế sao vừa bảo là có?

– Vì hòa thượng vừa mới hỏi.

– Không gì là vừa mới.

Thầy Tổ lấy gậy trúc đầu giường, vẽ một vòng tròn trên mặt đất. Huệ Năng trả lời: trống không. Thầy Tổ giơ gậy vẽ thêm một vòng tròn. Huệ Năng mỉm cười.

Thầy Tổ cười theo, nói: Ngươi tự biết bổn tánh, tức là trượng phu, tức là thiền nhân sư, là Phật. Đấy là đại trí tuệ đưa sang bờ bên kia vậy. Đây là pháp y truyền thụ từ Tổ Sư Đạt Ma đông độ, truyền qua Nhị Tổ Huệ Khả, Tam Tổ Tăng Sán, Tứ Tổ Đạo Tín, rồi đến ta, Hoằng Nhẫn. Nay trao cho ngươi, truyền nhân đời thứ sáu. Đây là tăng bát, hãy nhận lấy. Hộ niệm bản thân cho tốt lành, quảng độ chúng nhân còn mê muội.

– Pháp tức tâm truyền tâm, tấm cà sa này ích gì?

– Áo là pháp tín. Pháp là y tông. Đời đời nối truyền.

– Thâm tạ ân điển của tông sư

– Từ xưa truyền Pháp, sinh mệnh tựa tơ treo. Nếu lưu trú lại, ắt có kẻ hại. Mau đi.

– Đi đâu?

– Suối Pháp đã tận ở đất này. Chớ trông vào tự miếu này đường bệ, hương hỏa đỉnh thịnh nghi ngút. Tuy ai nấy nói, đến để cầu Phật, nhưng lòng người nào người nấy, thảy nặng công danh, vội vàng nôn nóng, chẳng rõ điều chúng thực cầu là chi. Trung Nguyên là đất thị phi, từ nay về sau, Phật Pháp khó thịnh. Tà pháp tranh hơn, vin quyền cậy thế, nhũng lạm, dựa dẫm triều đình. Ngươi vốn tự Lĩnh Nam, nên về lại phương Nam ẩn trốn, sau này hành hóa mê nhân, phổ độ chúng sinh.

– Còn ân sư?

– Nhân duyên đã hết, ngươi đi, ta cũng từ biệt thế gian

Mở cổng cho Lục Tổ rồi, Ngũ Tổ quay vào, Huệ Minh chất vấn: thầy mở cổng cho ai? Hoằng Nhẫn trả lời: một vị hành giả Tân Châu. Huệ Minh tức giận: đại pháp bị trộm rồi, thầy còn khuyên tôi tu hành mà chi nữa? Hoằng Nhẫn bình thản: thế thì các ngươi đi đi. Huệ Minh chẳng nói chẳng rằng, kêu người rượt theo Huệ Năng. Hoằng Nhẫn thở dài: nghiệp chướng, chấp mê chẳng ngộ.

Thần Tứ buồn bã vào chào thầy. Hoằng Nhẫn hỏi: người đi đâu. Thần Tứ đáp: tôi sẽ du hành Trung Nguyên, mong kiến thức tăng tiến, xin bái biệt thầy. Hoằng Nhẫn bước ra nhìn trời: ta cũng nên từ biệt nhân thế rồi.

Lời Bàn: Thầy Tổ hỏi, Huệ Năng trả lời, không diễn dịch, không thăm dò, không đoán ý trước sau, mặc cho Thầy Tổ cười hay Thầy Tổ hét, tâm Huệ Năng cũng không rúng động. Thấy tâm hồn Huệ Năng tinh khôi, không vẩn đục, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn bèn trao y bát cho Huệ Năng, kế thừa đời thứ sáu. Huệ Năng vào chùa, vốn không cầu thành Tổ, nhưng cuối cùng thì Huệ Năng lại được chọn, dẫu ngài vốn là kẻ thích tự do, ung dung, thư thái, không thích sự ràng buộc và trách nhiệm này kia. Còn Thần Tứ, Huệ Minh, vào chùa tu với mong ước được tiếp truyền y bát, không như ý, họ quảy gánh ra đi, chẳng chút gì luyến tiếc.

******

CẢNH III – ĐẠI PHÁP LÁNH NẠN

Đây là cảnh Huệ Minh huy động chúng tăng rượt theo Huệ Năng, quyết đòi lại y bát.

Huệ Năng lên thuyền, đến bờ, Huệ Năng cởi giày, nhảy khỏi thuyền, chạy. Đến suối, Huệ Năng lấy tăng bát ra, múc nước uống, thì Huệ Minh cũng vừa đuổi tới.

Huệ Minh giơ gậy đánh Huệ Năng, Huệ Năng tránh được, đưa tăng bát ra, nói: này, cầm lấy.

Huệ Minh sấn tới, vừa định đánh Huệ Năng, vừa dùng tay giằng tăng bát. Huệ Năng buông tay, tăng bát vỡ tan tành. Huệ Minh nổi giận, lại giơ gậy đánh Huệ Năng, miệng hét lên: mau trả cho ta Tổ Sư Pháp Y.

Huệ Năng ngồi xuống mở túi, lấy ra một tấm cà sa, đưa cho Huệ Minh: Thượng Tọa Huệ Minh, Phật Pháp khá là vô tướng.

Trong phút chốc, Huệ Minh ngộ ra. Ông ân hận, quỳ sụp xuống, xin Huệ Năng tha tội: Điều tôi cầu là Phật Pháp, chớ không phải y áo, mong ngài khai thị cho tôi. 

Huệ Năng từ tốn: Không nghĩ thiện, chẳng tưởng ác, thì sao mới là bản lai chân diện mục của thượng tọa Huệ Minh? Xin ngài quay về phương Bắc giáo hóa chúng nhân.

Nói rồi, Huệ Năng quảy nải ra đi. Huệ Minh đứng nhìn theo. Các tăng phía sau đuổi tới hỏi Huệ Minh, tên giữ y bát ấy đâu rồi. Huệ Minh lắc đầu, trên đỉnh núi này không có ai, có lẽ y ta đã rơi xuống vực. Thôi giải tán, về đi, về đi. Mỗi người, tự mà lo lấy thân mình.

Lời Bàn: Giác ngộ, đúng giờ sẽ tự đến, không cần phải trông chờ, như Huệ Minh vậy. Y bát đã được Ngũ Tổ truyền thừa cho Huệ Năng, thì dầu có muốn chiếm đoạt cỡ nào, cũng không thể. Còn chúng tăng, Huệ Minh xua về, và nói, Huệ Năng đã sa xuống vực mà chết rồi, vì Huệ Minh biết, lòng tham ác của chúng tăng chưa giải được, ngài buộc phải nói dối như thế, thì may ra tăng y của Tổ và Phật Pháp mới còn có thể được bảo tồn.

******

MÀN II – CẢNH I – TRANH LUẬN VỀ GIÓ VÀ PHƯỚN

Trước cửa Pháp Tính Tự, Huệ Năng đang dừng chân nghỉ. Lát sau, trong chùa có hai vị sư ra treo phướn. Trên phướn có ghi vô sinh vô diệt. Treo xong, hai vị tăng tranh cãi với nhau về ý nghĩa của câu ghi trên phướn.

Gió ở đâu, quá chừng lớn, kéo tới. Từ câu vô sinh vô diệt, hai ông tranh cãi sang vô tình hữu tình, sang cả thuyết nhân duyên tương hợp. Từ ban đầu là hai vị sư, giờ thêm bốn nữa là sáu người, càng cãi càng hăng. Đang cãi thì pháp sư Ấn Tông vào nghe. Lúc ấy, đang đến đoạn, gió và phướn đều là thứ vô tình, sao sinh được duyên, làm cho phướn động?

Cãi nhau không dứt thì bỗng có tiếng Huệ Năng: Gió và phướn đều là vô tình, sao lại nói được, động hay không động? Đã không phải là phướn động, lại cũng không phải là gió động, vật mà ta thấy động, chẳng qua là vọng tưởng mà tâm động. Pháp vốn không động, cũng không bất động. Đấy chính là vô sinh vô diệt.

Pháp sư Ấn Tông nghe xong thì thất kinh, bèn lại gần Huệ Năng hỏi đầu đuôi. Khi biết Huệ Năng chính là Lục Tổ, ông bèn hành lễ, cho biết, ông cũng từng là môn hạ của Hoằng Nhẫn, và cung kính mời Huệ Năng đăng đường, nhập thất.

Lời Bàn: Lại nhớ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn từng dặn Huệ Năng, sau khi rời khỏi chùa, nhớ phải tiềm hành một thời gian, ẩn nhẫn trong núi. Mới được ba năm, Huệ Năng đã hạ san, không biết lành hay dữ đang chờ nữa.

******

CẢNH II – THỤ GIỚI

Pháp sư Ấn Tông mời rất đông các sư tăng ở quanh vùng đến nghe Huệ Năng giảng, trong đó, có cả tì khâu ni khổ hạnh Vô Tận Tàng, người đã từng chấp nhận cho Huệ Năng đứng ngoài cổng am, nghe kinh mỗi ngày. Lúc này, bà ăn mặc rách rưới, hôi hám nên bị mọi người cho là điên.

Mọi người đi quanh Huệ Năng và ngắm nghía tăng y, miệng trầm trồ không dứt. Ấn Tông thông báo, giới đàn này do Tam Tạng Cầu Na Bạt Ma đời Tống thiết trí, dặn đời sau sẽ có một vị La Hán lên đàn, thụ giới Bồ Tát. Nay Ấn Tông tôi là trụ trì chùa Pháp Tính, xin được xuống tóc cho đại sư Huệ Năng.

Lời Bàn: Ngay cả các tăng là giới tu hành, mà nghe có tăng y bảo bối, ở xa mấy, cũng lục tà lục tục kéo đến. Thấy ni cô tu hạnh đầu đà thì lại ghẻ lạnh, đuổi xua, khinh rẻ. Thế mới biết, chốn tăng ni, khác gì đâu người ngoài kia, sang thời kính, hèn thời khinh.

******

CẢNH III – KHAI ĐÀN

Ấn Tông mời Huệ Năng, sau khi nghỉ ngơi, ra giảng pháp. Huệ Năng lắc đầu: Những điều giảng ra được đều không phải là pháp. Ấn Tông lại nài nỉ Huệ Năng mặc bộ cà sa pháp truyền. Huệ Năng bèn hỏi: giữa Huệ Năng mặc pháp y và Huệ Năng không mặc pháp y, có gì khác biệt? Ấn Tông trả lời: chưa mặc pháp y là hành giả, mặc rồi thì mọi người mới hay, ngài là Lục Tổ.

Huệ Năng cười nhẹ: Năng này cũng chỉ cố cho tròn việc vốn dĩ không thể đảm đương. Thôi thì đành vậy.

Ra trước đàn, Ấn Tông giới thiệu Huệ Năng. Huệ Năng chậm rãi: Huệ Năng tôi chẳng biết chữ nghĩa, chẳng dám dối lừa chư vị. Nếu cần giải kinh, giảng điển, xin quý vị tự xem. Thế nhưng, tôi có được một pháp, không tên, không chữ, không mắt, không tai, không thân, không ý, không lời, không tỏ, không đầu, không đuôi, không trong, không ngoài, không có trung gian, không đi, không đến, chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, chẳng có, cũng chẳng không, chẳng nhân, cũng chẳng quả. Xin hỏi, đây là pháp gì?

Đây chính là nội dung, làm sao để thoát khổ mà Huệ Năng và ni cô Vô Tận Tàng đã từng đàm đạo khi xưa.

Nghe Huệ Năng đố, ai nấy đều bối rối, làm thinh.

Bỗng sa di Thần Hội đứng dậy. Mọi người xôn xao hỏi, Thần Hội trả lời: ngồi lâu, tê cẳng thì đứng dậy. Mọi người đòi trừng phạt thói hỗn hào của Thần Hội nhưng Huệ Năng can ngăn: người trẻ ngồi lâu không được thì cho đứng dậy, xin các ngài cứ tập trung vào câu hỏi.

Thần Hội lại la lớn: tôi muốn tiểu tiện. Mọi người trừng mắt nhìn sa di. Có người còn đòi lôi cổ sa di ra ngoài đập cho một trận. Huệ Năng lại can ngăn. Đang huyên náo, thì sứ giả truyền lệnh quan hấp tấp ngoài cổng bước vào, cho biết: Thứ Sử cũng biết nơi đây có Lục Tổ Huệ Năng, muốn mời ngài đến phủ để tổ chức thuyết giảng, phổ độ chúng sinh. Huệ Năng miễn cưỡng gật đầu.

Quay trở lại câu hỏi của Huệ Năng, sa di Thần Hội đáp: Pháp ngài nói chính là kinh Phật. Huệ Năng hét to: Pháp không tên, không chữ, sao ngươi lại đặt danh tự? Thần Hội trả lời: Vì ông hỏi, nên tôi mới đặt tên, ông không hỏi, thì tôi đặt làm chi.

Huệ Năng bèn cầm gậy quất sa di một roi, hỏi đau không. Thần Hội trả lời: đít đau, còn roi không đau. Mọi người, ai nấy đều muốn đuổi Thần Hội ra khỏi chùa. Huệ Năng nói, xin cứ giữ lại người này, để phụ đỡ cho tôi những lúc chân đau.

Trong số những người phía dưới đến nghe Huệ Năng giảng, có một nhà văn và một ca kỹ. Nghe câu đố, cô ca kỹ này bèn nói: Đây là câu đố của ni cô, cũng là câu đố của người phụ nữ, chỉ giải được khi thân là nữ. Thân con gái còn giải không ra, thế thì hòa thượng giải sao cho thấu được.

Huệ Năng lại nói tiếp: Pháp môn của ta lấy vô niệm làm tông, lấy vô tướng làm thể, lấy vô trụ làm bản. Vô tướng là không chấp hình tướng. Vô niệm là không để niệm tưởng buộc ràng. Vô trụ là bản tính con người. Khi các niệm tưởng không trụ, các niệm nối nhau không dứt, thì pháp thân sẽ lìa sắc thân. Do đó, niệm tưởng không nên chấp trụ. Khi chấp trụ một niệm, thì sẽ chấp trụ ở tất cả các niệm. Và nếu không chấp trụ, thì sẽ không bị buộc ràng.

Huệ Năng giảng tiếp: “Ma ha” là to lớn, tâm lượng quảng đại, tựa hư không, bao hàm nhật nguyệt, núi sông, người thiện kẻ ác, thiên đàng địa ngục, tất thảy đều trong hư không. Tính không của người đời cũng là như thế. Kẻ mê, miệng thường tụng niệm. Người trí tâm, dốc tu hành. Giảng xong, ngài thụ giới cho mọi người.

Mọi người nghe xong, vỗ tay hoan hô, nói theo: Đại trí tuệ, sang bờ kia. Tứ đại đều không, đều thuộc hư không.

Riêng nàng ca kỹ thì lại nói: Quả là hư không! Một người con gái thì sang bờ bên kia làm gì?

Đàn giải tán. Chỉ còn có nhà văn và nàng ca kỹ. Nhà văn đề nghị nàng ca kỹ hát ca khúc Tuyết Tháng Tám. Nàng ca kỹ hỏi lại một cách ngạc nhiên: Tuyết Tháng Tám ư?

Lời Bàn: Những vi diệu thâm u, những biến huyễn vô cùng của kinh Phật, cũng không giải ra được nỗi niềm của người nữ, như nàng ca kỹ ở trên vừa buột miệng hỏi: Một người con gái thì sang bờ bên kia để làm gì? Ông Huệ Năng ơi, ông suốt một đời chiêm nghiệm, để tới đâu và để được gì? Đi đâu mà tìm?

Thú vị nhứt ở kịch, theo tôi, chính là ở chỗ này. Nàng ca kỹ, khi nghe kinh Phật, đã không chấp trước. Nàng đã hỏi lại: một người con gái thì sang bờ bên kia làm gì? Cái nàng cần, là ngay tại đây, kiếp này, một cuộc sống hạnh phúc. Thoát khổ là thoát ngay tại kiếp này đây. Cớ sao lại cứ trông ngóng vào việc đến bờ bên kia?

******

CẢNH IV – VIÊN TỊCH

Triều đình cử Trung Sứ Tiết Giản mang sắc thư của Thái Hậu Tắc Thiên và Hoàng Đế Trung Tông đến, mời Huệ Năng lập tức vào cung, lập đạo tràng cung dưỡng.

Huệ Năng từ chối vì sức khỏe kém, chân đau, lưng cũng đau. Trung Sứ nghe vậy thì thưa: Ngài không nhận lời, con không biết phải bẩm báo thế nào khi về triều. Huệ Năng cởi áo cà sa, đưa cho Trung Sứ mà rằng: Xin tướng quân mang về hiến trình Thái Hậu và Hoàng Thượng, xem như tôi không phụ ơn. Trung Sứ tỏ vẻ không bằng lòng.

Huệ Năng bèn chìa cổ ra: Vậy thì chỉ còn nước lấy đầu tôi mà dâng. Trung Sứ tức giận: Huệ Năng chớ hồ đồ, công đức Hoàng Thượng bao trùm thiên hạ. Huệ Năng đáp: Xây chùa, bố thí, cung dưỡng là tu phúc. Công đức vốn ở pháp thân chớ không phải phúc điền. Nhận chân chính là công. Trực tâm chính là đức.

Trung Sứ đáp: không hiểu. Huệ Năng ôn tồn: Xin ngài về bẩm báo, Huệ Năng không có pháp ngôn nào để thuyết giảng cho Hoàng Thượng. Khi thân mê, chúng sinh là Bồ Tát. Khi thân giác ngộ, Bồ Tát là chúng sinh. Từ bi là Quan Âm. Bình đẳng là Di Lặc. Thiện ác đều không nhập vào tâm thể nếu thường tĩnh. Xin ngài trình với Thái Hậu và Hoàng Đế, Huệ Năng tôi xin được vào núi thẳm dưỡng bệnh và tu trì đạo nghiệp. Xin dâng lời cảm tạ hoàng ân.

Lời Bàn: Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã từng tiên đoán, truyền Pháp cho Lục Tổ, sinh mệnh Huệ Năng sẽ tựa tơ treo. Phật Pháp khó mà thịnh khi tà pháp tranh hơn, vin quyền cậy thế, nhũng lạm, dựa dẫm triều đình. Quả không sai chạy vào đâu.

**

Sức khỏe ngài Huệ Năng xuống nhanh. Ngài ho ngày mỗi nhiều hơn. Một đêm, bên giường thiền là bồn than sưởi ấm, ngài cầm cà sa ném vào lửa. Ngọn lửa bùng lên, vừa lúc ấy Thần Hội, sa di giờ đây đã trưởng thành, bước vào.

Huệ Năng hỏi: Thần Hội đã về rồi ư. Sa di đáp: Dạ, bạch thầy, con vừa ở chỗ thầy Thần Tú về. Huệ Năng lại hỏi: Con về làm gì. Thần Hội thưa: Thầy Thần Tú đã vâng chiếu chỉ lên kinh, bây giờ đã là pháp chủ hai kinh thành, là môn sư của Thánh Thượng. Nay, con quay về phụng dưỡng tôn sư.

Huệ Năng hỏi: Ra ngoài thấy gì? Thần Tú vòng tay: Người trong này thấy gì ạ? Huệ Năng cầm gậy đánh Thần Hội ba gậy: Nói nhảm. Đau hay không đau. Thần Hội cười khúc khích: Đau là Thần Hội. Không đau là Phật tính. Huệ Năng rầy: Ngươi đừng tỏ ra thông minh với ta. Thần Tú cúi đầu: Con đã biết lỗi.

Huệ Năng, giờ mới trả lời: Lão tăng thấy mà cũng không thấy. Nhìn về trước, thấy tự tính hư không, tĩnh lặng, chẳng thấy gì khác hai bên, trong ngoài không mê lầm. Nói xong, thầy bảo Thần Tú ra ngoài gọi hết thảy môn nhân vào.

Khi mọi người vào đủ, dứt cơn ho, Huệ Năng chậm rãi: Tháng Tám này, ta sẽ từ biệt nhân thế. Huệ Năng ta trần trụi đến giữa đời, trải đã hết lượt, ra đi cũng sẽ tay không, chẳng mang theo gì cả. Giải trừ được mê hoặc cho các người, khiến các người an lạc là tốt rồi. các người còn gì nghi nan, hãy cứ hỏi.

Mọi người buồn rầu, khóc lóc sụt sùi, vái lạy, chỉ mỗi Thần Hội đứng ngây. Huệ Năng chỉ vào Thần Hội mà rằng: Thần Hội còn trẻ mà lòng đã tịnh. Các ngươi tu tập thiền môn nào vậy? Các ngươi thương xót cho ai? Lo cho ta ư? Không biết ta đi về đâu ư? Nếu lão tăng mà không biết đi về đâu, thì lão tăng cũng sẽ không cáo biệt các người làm gì. Chính do không biết nơi lão tăng đi – về, nên các ngươi mới khóc lóc. Các ngươi nhìn thấy sinh tử chốn này mà lại không thấy bất sinh bất tử chốn kia.

Sư Pháp Hải ngập ngừng: Thưa, thầy đi rồi, y bát định truyền phó cho ai?

Huệ Năng lắc đầu: Giữ áo mà không hiểu Pháp thì có ích gì. Bản lai hết thảy đều không. Cà sa này cũng chỉ là một vật ngoài thân. Sau khi ta mất đi, tà pháp sẽ nhiễu nhương, tông môn rồi sẽ đứt đoạn. Chỉ những ai không tiếc sinh mệnh thì mới quang đại được Phật Pháp của chúng ta.

Pháp Hải thưa: Nay đại sư còn, Phật Pháp còn. Đại sư mất rồi, người đời sau làm thế nào để lại thấy được Phật?

Sau rất lâu im lặng, Lục Tổ Huệ Năng trả lời: Người đời sau sẽ lo chuyện đời sau. Còn các người hãy trông chừng bản thân mà đảm đương cho tốt phận mình. Ta dặn các ngươi điều sau chót này. Chớ tìm Phật ngoài chân tính, ai truy cầu theo lối ấy đều là cuồng si quá đỗi. Mỗi người hãy trân trọng lấy chính mình.

Rồi ngài nhắm mắt lặng thinh. Các đệ tử đều cúi đầu lui ra. Cây gậy bên giường thiền rớt xuống. Huệ Năng an nhiên mà hóa.

Sư Pháp Hải nhè nhẹ đi vào, lẩm bẩm nói một mình: Thật kỳ quái. Ngày nóng bức mà sao núi rừng, cây cỏ đều hóa trắng? Chẳng phải là TUYẾT THÁNG TÁM đó sao?

Lời Bàn: Huệ Năng vốn từ nhỏ không biết chữ, lớn lên thành kẻ đốn củi trong rừng. Ông sống nửa đời trong tự do, tự tại, an nhiên. Mong ước của ông là tu Phật để được hóa thành Phật. Vào chùa, ông bình tâm giã gạo, bình tâm nghe kinh. Thế rồi, Ngũ Tổ chọn ông để truyền thừa y bát. Từ một người vô tư, vô lo, ông phải gánh trên người trách nhiệm lớn, gìn giữ y bát, truyền đạo cho chúng tăng, chịu đựng bao lần bị kẻ tham bức hại, tánh mạng bị hiểm nguy, chịu đựng bao lần bị cường quyền uy dẫn dụ, tánh mạng bị uy hiếp. Phật sự tròn, ông mới rời bỏ thế gian.

Thấy được gì ư? Thấy được, kiểu gì thì kiểu, từ người có chữ đến người không biết chữ, tu hành hay không tu hành, đều bị cuộc đời này chi phối. Trước khi về đến bờ kia, thì ai cũng phải đối diện, ai cũng phải sống cùng với cuộc đời thực này, không thoát được.

******

MÀN BA – ĐẠI NÁO TỰ ĐƯỜNG

Ở màn này, có gần một trăm nhân vật, với đủ vai, từ người xuất gia đến chúng sanh. Họ hát, họ múa, họ tranh nhau khóc, họ giành nhau cười, họ thi nhau nói những lời cuồng điên, họ nhốn nháo, họ náo loạn chốn tu hành. Tự đường hóa thành hý viện.

Hai người tỉnh trong số đó là ca kỹ và nhà văn. Nhưng rồi họ cũng lọt thỏm giữa một biển điên khùng (hay giả dạng điên khùng, cũng khó mà đoán biết).

******

LỤC TỔ HUỆ NĂNG

Khi được hỏi, vì sao lại chọn tích Lục Tổ Huệ Năng để viết Tuyết Tháng Tám, Cao Hành Kiện cho biết: Lục Tổ Huệ Năng (638-713) là một thiền sư có vai trò quan trọng đối với lịch sử thiền tông cũng như lịch sử Trung Quốc. Ông được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trao y bát nhưng lại là người sống ngoài mọi cương tỏa tôn giáo. Ông dạy mọi người rằng, ai cũng có thể được giác ngộ nếu biết vứt bỏ mọi chấp nê và gắn mình với thế giới đang sống.

Huệ Năng không gán cho mình một sứ mệnh, một nhiệm vụ to tát nào. Ông sống như mọi người bình thường. Lớn lao của ông là ở đấy. Và tôi coi trọng tư tưởng ấy của Lục Tổ Huệ Năng.

******

Ý NGHĨA CỦA TUYẾT THÁNG TÁM

Tuyết Tháng Tám đã thể hiện quan điểm triết học vô thường của thiền tông.

Trong những màn cuối cùng, Cao Hành Kiện đã lấy việc viên tịch của Huệ Năng chuyển vào thế giới hiện thực. Các ca nữ hát từ trên sân khấu xuống chỗ khán giả. Ni cô Vô Tận Tàng trở thành người con gái điên, mặc áo quần lam lũ. Kết thúc vở kịch là tiếng mèo kêu ở Phật đường, lửa cháy ở phía sau điện, rừng núi biến thành màu trắng, đại thiền sư đạo phá Thiền Cơ la lớn: Tản đi, tản đi, các ngươi tự đi tìm đường sinh sống, chỗ này không chứa các ngươi nữa, chỗ này sẽ hóa không.

Sự độc đáo của Huệ Năng nằm ở chỗ, đây là một người mang chủ nghĩa hư vô. Huệ Năng đã theo quy ước mà thụ nhận tăng bát và pháp y, nhưng lại không hề luyến chấp hai tín vật này. Theo mạch kịch, có thể nói Huệ Năng đã buông xả y bát từ ngay khi thụ nhận. Ngài cũng đã thảnh thơi buông tay cho tăng bát vỡ tan để khai ngộ cho Huệ Minh.

******

KẾT

Tôi biết đến tác phẩm Tuyết Tháng Tám của Cao Hành Kiện này là nhờ KTS. Võ Thành Lân, ảnh nói tôi “đọc đi”, với lời giới thiệu bỏ lửng của ảnh – Một người con gái thì sang bờ bên kia để làm gì?

Ảnh kích thích trí tò mò của tôi: tuyết là khái niệm về không gian, về sự vô biên; tháng tám là khái niệm về thời gian, về sự hiện hữu. Giao thoa giữa sự vô biên và hiện hữu ấy chính là vĩnh hằng. Tuyết Tháng Tám là vĩnh hằng.

Ngay lập tức, tôi tìm đọc. Không chỉ một lần, mà đến nay, tôi đã đọc, ba, bốn lần có. Lần nào cũng thấy hay, lần nào cũng thấy mới rợi, lần nào cũng thấy thiệt là hữu ích cho mình.

Đọc truyện rồi, tôi mới thấm thía lời anh từng giải thích: ni cô Vô Tận Tàng ở đầu vở kịch là nhân vật đại diện cho người nương nhờ vào cửa Phật với hy vọng được giải thoát khỏi sự khổ đau. Cánh cửa mà suốt đời Huệ Năng cố gắng tìm cách mở ra. Để rồi sau cùng, chính ngài chớ không ai khác, cảm ý: sống là một nghệ thuật đối diện với cuộc đời.

Huệ Năng viên tịch vào ngày ba tháng tám. Đó vẫn là tiết cuối hè, đầu thu của miền Nam Trung Quốc.

Tháng tám mà có tuyết ư?

Sài Gòn 28.03.2024
Phạm Hiền Mây

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search