T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: HOÀNG THI THƠ – MÀ HÌNH BÓNG CŨ THIẾU TRONG TÔI MỖI KHI NGHE CHIỀU RƠI.



Hoàng Thi Thơ sinh năm một ngàn chín trăm hai mươi tám tại Quảng Trị. Không chỉ là một nhạc sĩ tài năng, ông đồng thời còn là ông bầu, nhà tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn và đưa các đoàn ca vũ nhạc kịch do mình thành lập như đoàn Văn Nghệ Việt Nam, đoàn Văn Nghệ Maxim’s đi rất nhiều nơi trên thế giới biểu diễn. Năm hai ngàn không trăm lẻ một, ông qua đời tại California, Hoa Kỳ, thọ bảy mươi ba tuổi.

******

Với hơn năm trăm ca khúc, thì số lượng sáng tác này của ông, thú thực, cũng xếp vào hàng đáng nể, nhiều, mà bài nào cũng hay. Nhưng, để làm thành thương hiệu cho ông, thì không ca khúc nào xứng đáng bằng Đường Xưa Lối Cũ.

Một khán giả ở Pháp, đã viết cho Hoàng Thi Thơ, trong đó có một câu, mà tôi cho rằng, ngay cả các nhà văn siêu tài, thì cũng khó mà nghĩ ra được một câu hay đến vậy. Câu ấy như sau: Chỉ cần một bài Đường Xưa Lối Cũ, tên tuổi của nhạc sĩ đã thành vĩnh viễn rồi.

Quá hay!

Ca khúc Đường Xưa Lối Cũ được Hoàng Thi Thơ sáng tác vào năm một ngàn chín trăm năm mươi tám trong lần trở về thăm quê ở Bích Khê, Quảng Trị sau nhiều năm loạn lạc, chia cắt vì chiến tranh. Trên tựa đề bài hát khi xuất bản, có ghi “Viết kính dâng mẹ và tặng em”. Em đây là em gái ruột của ông.

Không chỉ là mẹ, là em gái, trong một cuốn sách dạy nhạc, ông cũng trân trọng ghi lời đề tặng “Gọi là một nén tâm hương, kính dâng hương hồn Phụ-Mẫu và Anh”. Xuống hàng, ông ghi tiếp “Thân yêu gửi Tân-Nhân. Mùa đau thương 1955. HTT”.

Đây là lối ăn ở có trước có sau, có tình có nghĩa, một trong những tánh cách rất tốt đẹp, rất đáng được kính trọng và ngợi ca, của con người trong cuộc sống.

******

ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ

1.
Đường xưa lối cũ có bóng tre bóng tre che thôn nghèo
Đường xưa lối cũ có ánh trăng ánh trăng soi đường đi

Đường xưa lối cũ có tiếng ca tiếng ca trên sông dài
Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu tiếng tiêu ru hồn ai

**

Cả bốn câu trong khổ thứ nhứt này, ông đều cho lặp đi lặp lại cụm từ “đường xưa lối cũ”. Đường thì xưa rất là xưa mà lối thì cũng cũ rất là cũ. Xưa cũ tới mức, có nhắm mắt lại, người cũng có thể lần ra, cũng có thể tìm ra đến nơi, cũng có thể lần về đến chốn.

Đường xưa lối cũ, nên thân thiết, nên quen thuộc, nên gắn bó, nên thương yêu, nên nó là máu thịt.

Đường xưa lối cũ, là một cách nói khác đi, chỉ về quê hương, xứ sở, bản quán, nơi chôn nhau cắt rún, nơi mà dòng tộc, bà con, muôn đời muôn thuở, kể từ ngày ông tổ, ông sơ, chọn nơi này để ở lại, để lập làng lập xóm, lập họ mạc, anh em.

Đường xưa lối cũ là nơi có nhiều kỷ niệm.

Là nơi có hàng tre để che bóng mát cho thôn nghèo, để mỗi chiều gió lên, nghe xào xạc, lá cọ vào nhau.

Là nơi có ánh trăng soi sáng con đê đầu làng, cho trẻ thơ đùa vui, chạy nhảy; soi sáng con đường nhỏ dẫn về nhà, mẹ đương kẽo cà kẽo kịt, gánh mớ thóc chín mới vừa phơi; soi sáng cho tiếng anh đọc bài; cho bên cạnh nhà, nàng vừa đan áo, vừa mơ mộng một ngày mai.


Là nơi có tiếng ca trên sông dài, của thuyền ghe qua lại, của bến đợi sông chờ.

Là nơi có tiếng tiêu ru hồn, đưa người vào êm đềm cùng với biết bao niềm nhớ nhung và mong ước.

****

2.
Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng
Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng
Đường xưa lối cũ có mẹ tôi rưng rưng trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ nhớ đến tôi lom khom đi tìm con

**

Đường xưa lối cũ, lại tiếp tục được Hoàng Thi Thơ diễn giải với những hình ảnh vừa đẹp, vừa nên thơ và vừa rất xúc động.

Là nơi có em tôi tóc xanh bay mơ màng, nghĩ về tương lai với những niềm tin tràn đầy hy vọng.

Là đường chiều dịu nắng, và bóng em đi, chiếc áo nâu lấp lóa in màu trăng ngà ngọc.

Là nơi có mẹ tôi rưng rưng trong hôn hoàng, đếm ngày, đếm tháng chờ cha.

Là nơi có lòng già, thương nhớ đến tôi, lom khom lần ra bậu cửa ngóng trông, lom khom lần ra đầu ngõ, tìm con.

****

3.
Khi tôi về bồi hồi trong nắng
Tưởng rằng người em hân hoan đứng đón anh về
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng

**

Và rồi cũng đến một ngày, tôi trở về. Đứng trước cổng nhà, khi ánh nắng chiều gần tắt, tôi bồi hồi tưởng tượng.

Tưởng rằng người em gái thân thương của tôi sẽ hân hoan, chạy ùa từ trong ra, ôm chầm lấy tôi, mừng đón anh về.

Mà nào có ngờ đâu, em của tôi, đã sang ngang khi mà tuổi xuân vẫn còn đương trào dâng phơi phới.

Tôi nghe lòng mình thật buồn, rồi trách, con đò nào, con đò nào đã đưa em tôi đi lấy chồng, để bây giờ, căn nhà của mẹ cha vốn vắng vẻ, nay lại càng vắng vẻ hơn, vốn cô đơn, nay lại càng cô đơn rất mực.

****

4.
Khi tôi về nghẹn ngào trong nắng
Tưởng rằng mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
Không lời từ ly cuối cùng trước khi phân kỳ

**

Em gái đi lấy chồng, về không gặp, đã khiến lòng tôi buồn lắm rồi. Thế mà đau khổ hơn thế, sầu não hơn thế, khiến tôi nghẹn ngào không thể nói được câu, chính là lúc tôi nhận hung tin, mẹ tôi đã ra đi về phía bên kia của cuộc đời.

Cứ ngỡ mẹ sẽ rưng rưng chờ tôi, nắm tay tôi, ôm đầu tôi vào lòng mà mừng tôi hôm nay, nguyên vẹn trở về. Nào ngờ, nào có ai ngờ, nào có ai ngờ được.

Mẹ đi mà không cho tôi gặp lần cuối, không có lời từ ly cuối cùng, trước khi phân kỳ, âm dương cách biệt.

****

5.
Chạnh lòng thương nhớ nhớ phút xưa phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó nắng vẫn lên vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi.

**

Những ngày xưa, những ngày của lúc còn thơ, những ngày vô cùng êm đẹp và như mộng ấy, nay còn đâu nữa, chúng đã qua mất rồi.

Để cho tôi, mỗi lần nhớ đến là mỗi lần lại chạnh lòng, xúc động, thương quá, người xưa, chuyện xưa, đã in đậm dấu trong tâm hồn tôi.

Để cho tôi, cứ chạnh lòng nhớ hoài đến bóng dáng mẹ cha khuất núi, đến anh chị em, giờ đây, mỗi người mỗi ngả, mỗi người mỗi phương trời, cách xa diệu vợi.

Đường xưa thì vẫn còn đây, nắng vẫn lên vàng bên hàng giậu biếc, và trăng, trăng vẫn treo lửng lơ ven đồi non cỏ.

Nhưng, những hình bóng cũ, giờ đây không còn nữa, chúng thiếu vắng trong tôi, làm tôi buồn khôn xiết.

Mỗi khi nghe chiều rơi!

******

KẾT

Trời phú cho Hoàng Thi Thơ, không chỉ thông minh, không chỉ sự mẫn cảm và một tâm hồn nghệ sĩ khoáng đạt, bay bổng, tự do, mà ngay cả đến giọng nói của ông, trời cũng tặng cho ông một chất giọng rất hồn hậu, nồng nàn và tha thiết.

Tổng thể ấy, hồn vía ấy đã in dấu vào các tình ca của Hoàng Thi Thơ, dẫu là tình yêu quê hương hay tình yêu nam nữ, chúng cũng đều rất chân thành, một mực tôn thờ, vẹn nguyên, không suy suyễn, không đổi thay.

Rất nhiều các sáng tác của ông được xem là bất hủ. Và thật khó lòng để ghi ra hết những tác phẩm ấy ở đây: Ai Nhớ Chăng Ai, Tà Áo Cưới, Xe Hoa Một Chiếc, Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng, Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta, Cô Lái Đò Bến Hạ, Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi, Duyên Quê, Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu, Rước Tình Về Với Quê Hương, Đưa Em Qua Cánh Đồng Vàng, Túp Lều Lý Tưởng, Cái Trâm Em Cài.

Ông là một nhạc sĩ tài hoa đúng nghĩa. Ông xuất sắc trên nhiều lãnh vực như: nghiên cứu và sáng tác các điệu múa; sáng tác và làm đạo diễn các nhạc kịch; đạo diễn điện ảnh; đào tạo ca sĩ; tổ chức và chỉ huy các chương trình biểu diễn tổng hợp ca múa nhạc kịch với dàn diễn viên tham gia lên đến hàng trăm người.

**

Ông từng tâm sự về ca khúc Đường Xưa Lối Cũ như sau: Tôi được sinh trưởng trong một ngôi
làng nhỏ bé, nhưng lại rất thơ mộng, đó là làng Bích Khê. Nơi đây đã khắc vào lòng tôi, khắc vào tâm khảm tôi, và trong cả cuộc đời tôi nữa, những hình ảnh không bao giờ xóa nhòa.

Đó là những hình ảnh về hàng tre xanh ngát, về con sông Thạch Hãn rất thơ mộng. Trong làng, có một cánh rừng, và có những buổi trăng lên, treo trên đồi rất đẹp. Đặc biệt là ở đó còn có mẹ và em gái của tôi.

Thế nhưng trong cuộc đời, đôi lúc không thể bám chặt lấy làng quê, nhất là vào thời cuộc lúc đó, cho dù nó có thơ mộng biết bao nhiêu. Tôi bỏ nhà đi kháng ᴄhιến mười năm. Ra đi, tôi ôm theo hình ảnh đó trên suốt những nẻo đường xa.

Một lần, khi có cơ hội được trở về, trong lòng tôi cứ tưởng là, hàng tre chờ mình sẽ vẫn xanh, con sông Thạch Hãn vẫn đẹp, ngọn đồi vẫn nên thơ, và nhất là mẹ tôi vẫn còn đó đón tôi, em tôi đợi tôi về rồi mới sang ngang.

Nhưng, hôm ấy, tôi mới hay, mẹ tôi không còn nữa, bà đã qua bên kia thế giới xa xôi, còn em tôi thì đã theo chồng. Những giọt nước mắt không chỉ chảy dài lúc đó, mà chúng còn chảy hoài, chảy mãi trong suốt cuộc đời còn lại của tôi.

**

Phạm Duy, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Hoàng Trọng, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Đình Toàn, Trịnh Công Sơn, Lam Phương và rồi, cả Hoàng Thi Thơ, một thế hệ tài hoa âm nhạc, lần lượt trước sau, đã về miền xa tít tắp.

Chợt thấy những câu trong ca khúc Những Ngày Thơ Mộng của Hoàng Thi Thơ, sao mà hệt lời tiên tri.

Lời tiên tri cho một trăm năm rất hữu hạn, kiếp người:

Tìm đâu những ngày thơ ấu qua
Tìm đâu những ngày xinh như mộng
Tìm đâu những ngày thơ
Tìm đâu những chiều mơ
Tìm đâu biết tìm đâu đâu giờ.
(Những Ngày Thơ Mộng)

Sài Gòn 27.03.2024
Phạm Hiền Mây

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search