T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: LAM PHƯƠNG – LẠY TRỜI CON ĐƯỢC BÌNH YÊN


Quê Rạch Giá, Kiên Giang, Lam Phương lớn lên bên má và năm người em còn nhỏ xíu. Nhà nghèo lắm, còn ba, khi ấy, đã bỏ đi theo người khác.

Mười tuổi, má gởi Lam Phương lên Sài Gòn trọ học. Được học nhạc với nhạc sĩ tài danh Hoàng Lang và Lê Thương, cộng thêm sự sáng dạ, nên chỉ mới mười lăm tuổi, Lam Phương đã viết bản nhạc đầu tiên Chiều Thu Ấy. Không có tiền, Lam Phương vay mượn bạn bè để in nhạc bướm, phát hành.

Có được chút tiền còm, Lam Phương lại miệt mài sáng tác và hàng loạt ca khúc ra đời. Ba năm sau, khi vừa được mười tám tuổi, Lam Phương trở thành một hiện tượng trong làng âm nhạc khi ông cho ra đời nhạc bản Khúc Ca Ngày Mùa.

Miền Nam, miền đất của trù phú, tự do và no ấm. Sự phát triển của văn hóa, văn nghệ, vì thế, cũng hết sức rực rỡ và thăng hoa. Nhạc người lớn, nhạc thiếu nhi và nhạc dành cho thanh niên, hết sức phong phú. Khúc Ca Ngày Mùa rộn rã, reo vui, trở thành một bài hát cho điệu vũ của học sinh các trường trung học lúc bấy giờ thi thố tài năng trong các dịp biểu diễn văn nghệ.

Học sinh, sinh viên, có thể không biết Lam Phương là ai, nhưng không ai là không biết Khúc Ca Ngày Mùa cả.

**

Sinh năm một ngàn chín trăm ba mươi bảy, khi Lam Phương được mười tám tuổi, nghĩa là năm ấy vào khoảng những năm, năm mươi tư, năm mươi lăm, không chỉ thành công với Khúc Ca Ngày Mùa, ông còn thành công với nhiều ca khúc khác như Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vĩ Tuyến.

Chỉ với tình yêu đầu đời dành cho nàng ca sĩ có giọng ca thượng thặng Bạch Yến, ông cũng đã sáng tác hàng loạt các ca khúc, mà cho đến bây giờ, sáu mươi năm đã trôi qua, các ca khúc ấy, đối với các thế hệ của tôi trở về trước, vẫn chưa mất đi độ yêu thích: Chờ Người, Thu Sầu, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Tình Chết Theo Mùa Đông, Tình Bơ Vơ, Cho Em Quên Tuổi Ngọc.

**

Những sáng tác của Lam Phương, cứ thế, làm mưa làm gió. Chúng không chỉ đem lại cho ông tiếng tăm lừng lẫy, mà chúng còn đem lại cho ông cả những sung túc về tài chánh nữa.

Những người rành rẽ chuyện Sài Gòn xưa kể rằng, vào những năm bảy mươi, lương đại tá quân đội, kể cả phụ cấp, vào khoảng năm mươi ngàn đồng. Vậy mà, chỉ với bản Thành Phố Buồn thôi, ông đã bán được cho nhà xuất bản đến mười hai triệu đồng.

Là gấp bao nhiêu lần nhỉ. Để tôi thử tính nhẩm xem. Gấp mười là năm trăm ngàn. Gấp trăm là năm triệu. Gấp hai trăm là mười triệu. Vậy thì, mười hai triệu, nghĩa là bản nhạc Thành Phố Buồn của Lam Phương, có giá trị bằng hai trăm bốn mươi lần lương tháng của một đại tá quân đội đương thời.

Một tờ báo còn ngồi tính tỉ mỉ, hối suất mỹ kim năm bảy mươi 1USD = 275 Việt Nam Đồng. Mười hai triệu đồng Việt Nam, tương đương bốn trăm ba mươi hai ngàn đô la. Vàng khi ấy, khoảng ba mươi sáu ngàn một lượng.

Tòa soạn đưa ra so sánh, một chiếc xe hơi hiệu LaDalat của hãng Citroen có giá khoảng sáu trăm năm mươi ngàn đồng. Với số tiền bán ca khúc Thành Phố Buồn, Lam Phương có thể mua được mười tám chiếc xe hơi.

Mỗi ngày đi một chiếc. Xoay tua, mười tám ngày mới lập lại một vòng.

Đã thì thôi!

**

Mà nào chỉ có Thành Phố Buồn, Lam Phương còn nhiều lắm những ca khúc đình đám, đi đến đâu cũng nghe ca sĩ hát ra rả: Duyên Kiếp, Phút Cuối, Giọt Lệ Sầu, Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi.

Giàu có là như vậy. Thế mà đến ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm, ông lên tàu ra đi, tài sản không mang theo được gì, ngoài tấm thân và hai bàn tay trắng.

Mất sạch!

Của nả không gọi là phù vân, thì gọi bằng gì bây giờ cho đúng đây.

******

LẠY TRỜI CON ĐƯỢC BÌNH YÊN

Có thể nói như thế này về Lam Phương, mà không hề cảm thấy ngoa ngôn một chút nào, đó là, hơn hai trăm sáng tác của ông, sáng tác nào cũng hay, sáng tác nào cũng xuất sắc, sáng tác nào cũng có giá trị để đời.

Vì vậy, khi nhận định, tác phẩm này là tác phẩm hay nhứt, hoặc, ca khúc đó mới là ca khúc số một, thì e không dễ nghe lắm. Nó có thể số một với mình, nhưng với người khác thì chưa chắc.

Cho nên, tôi sẽ nói, ca khúc Lạy Trời Con Được Bình Yên, ca khúc mà hôm nay tôi viết về nó, là một ca khúc mà tôi rất yêu thích, vô cùng yêu thích, mỗi khi đề cập đến Lam Phương, chắc có lẽ sẽ dễ nghe hơn.

Lam Phương viết bài này vào năm một ngàn chín trăm bảy mươi tư.

****

1.
Lạy trời con được bình yên

Tình yêu đó giết con trong ưu phiền

Cho đến bây giờ
Cho đến bây giờ, sầu còn triền miên

Chấm dứt một chuyện tình khi lòng còn đang yêu, chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Sự khổ đau mang lại từ tình yêu dang dở ấy, nó gặm nhấm, nó bào mòn, khiến con người ta sống đó mà dường như đã chết.

Câu “tình yêu đó giết con trong ưu phiền” lên cao thiệt cao rồi xuống thấp, tưởng như người rơi vào vực sâu vậy, và mãi cho đến bây giờ, nỗi sầu vẫn còn triền miên, không dứt.

Cho con được bình yên. Xin trời hãy cho con được bình yên.

**

2.
Lạy trời con được bình yên

Ngày vui đó đã qua mất rồi

Ôi mấy đêm nay
Tôi cố quên người, lại càng yêu hơn

Những ngày vui không còn nữa. Khi vui không còn nữa là lúc sầu kéo đến. Đời vẫn luôn như vậy mà, chẳng phải thế sao.

Đã mấy đêm rồi, con càng cố quên người, thì lòng con càng quay quắt nhớ hơn, quay quắt yêu hơn.

Lòng con đang không bình yên. Con không bình yên.

**

3.
Vào một đêm không trăng không sao

Ta trao cho nhau một đêm tuyệt vời

Một đêm rã rời yêu ngập hồn tôi

Tình ngang trái nhớ nhau suốt đời

Sau niềm vui là nỗi buồn. Và cuộc tình càng éo le, ngang trái thì lại càng khó quên, càng không thể nào quên.

Nhất là, khi người ta đã có quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều những gần gũi, những gắn bó, những yêu thương, những ái ái ân ân tha thiết, những ngọt ngào, đắm đuối, nồng say.

**

4.
Mai anh đi về rồi

Đời buồn lắm em ơi

Sau cơn mơ thật dài

Là giờ phút đơn côi

Biệt ly là phút giây đau đớn nhứt của một cuộc tình. Không chỉ tình tan, mà trái tim của người trong cuộc chia lìa ấy, cũng chừng như đang vỡ vụn.

Yêu mà phải xa nhau, hỏi đời từ đây, còn gì buồn hơn thế. Tình yêu, mới hôm qua hãy còn, mà bây giờ đã trở thành giấc mộng. Giấc mộng dài, để khi thức dậy, mới thấy mình cô đơn làm sao, một mình làm sao.

**

5.
Buồn này biết tỏ cùng ai

Người đã đến trong cơn mê đầy

Thương nhớ khôn nguôi
Nửa bước không rời, giờ đành chia phôi

Anh biết nói cùng ai, anh biết sẻ cùng ai, cho vơi được buồn này bây giờ hả em. Em đến trong cơn mơ của đời anh, một cơn mơ ngập đầy hạnh phúc. Trong mơ, đôi ta, một phút không rời, nửa bước không xa.

Vậy mà giờ đây, mặc cho anh với biết bao là thương nhớ, cuộc đời vẫn giáng xuống anh hai chữ chia phôi. Anh bị buộc phải chia lìa em, người mà anh vô cùng yêu dấu.

Biết tỏ cùng ai. Anh biết tỏ cùng ai, mối sầu này!

**

6.
Tình này tôi đã mượn vay

Hạnh phúc đó, dung nhan của ngườiXin trả cho đời
Riêng khổ đau này, dành lại cho tôi.

Anh đã mượn vay của ai, mà giờ buộc anh trả lại, khuôn mặt em, dáng vóc em, mái tóc, nụ cười em, trái tim em.

Mà giờ đây, buộc anh phải trả lại?

Đời ư? Phải trả lại cho đời này ư? Cuộc đời này lại ác nghiệt với anh đến thế ư?

Em, anh phải trả cho đời. Nhưng còn khổ đau này, thì sao? Khổ đau này, dành lại cho riêng anh thôi, có phải?

Riêng khổ đau này, dành lại cho tôi!

******

KẾT

Hồi mới lớn, mỗi khi tụ tập bạn bè, tụi tôi chỉ toàn hát nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, đại loại vậy.

Gần như, tụi tôi không hát nhạc Lam Phương. Không nói ra, nhưng như một hiểu ngầm, Lam Phương nghiêng về dòng nhạc “cải lương”, “sến súa”.

Cũng xin nói thêm ở đây cho rõ, “cải lương” hay “sến súa”, trong suy nghĩ của chúng tôi lúc bấy giờ – không hàm ý chê. Chỉ là, nó thuộc về một giới khác, một sở thích khác, những người thích sự ủ ê, buồn rầu, thở than, thiểu não, bẽ bàng, khổ đau, sướt mướt.

Còn tuổi mười sáu, mười bảy của chúng tôi, đang độ hoa niên, thì đương nhiên rồi, chúng tôi chỉ thích những ca khúc tình yêu lãng mạn, nhẹ nhàng, bay bổng, mơ mộng xa xôi thôi.

Đi đâu ra đường, gặp các nhóm thanh niên, ngồi quanh bàn nhậu, cóc ổi chấm muối ớt, cầm đàn rải, bùm chát chát bùm, lấy đôi đũa gõ phụ họa vào cái ống bơ, rồi hát: đời là vạn ngày sầu, biết tìm vui chốn nào, ta quen nhau bao lâu, nhưng tình đã có gì đâu (Biết Đến Bao Giờ), là biết rồi đó nghe, tụi tôi khẽ lấy tay che miệng cười, với ý, gu này không phải gu của mình.

****

Ghét của nào trời trao của đó. Khi tuổi đã nhỉnh nhao hơn chút, tự nhiên cũng đôi lúc, tôi giật mình, khi khe khẽ buột miệng hát theo: buồn nào hơn đêm nay, buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời (Xin Thời Gian Qua Mau), hoặc: tiễn anh đi rồi, em về gác lạnh đìu hiu, ngoài trời trăng tỏ, mà sao ướt đôi tay mềm (Khóc Thầm).

Nghĩa là, sau này, tôi mới hiểu ra, không có nhạc “cải lương” hay nhạc “sến súa”. Chỉ là độ tuổi nào, tâm trạng nào, thì sẽ tương ứng với loại nhạc ấy. Khi gặp những cay đắng trong đời, những éo le, những tình cảnh trái ngang, những nỗi sầu khổ phải một mình chịu đựng, không biết chia sớt cùng ai, thì nhạc Lam Phương sẽ trở nên phù hợp.

****

Xưa nay, khi viết về âm nhạc, tác giả và ca khúc, tôi thường tránh lắm việc, khen ca sĩ này hát hay, chê ca sĩ kia hát không bằng, bởi, mỗi người có mỗi thẩm định, đánh giá khác nhau. Nhưng riêng với Lạy Trời Con Được Bình Yên của Lam Phương, tôi nghe qua hết tất cả các giọng hát như Thái Thanh, Khánh Hà, Ý Lan, Duy Quang, Thanh Thúy, Duy Khánh, thú thiệt, sao tôi thích quá trời quá đất giọng ông Chế Linh.

Mặc dù, đó giờ, tôi vốn không chuộng lắm giọng ông Lính Chê này. Vậy mà, đến bài Lạy Trời Con Được Bình Yên, tôi lại cảm ra, dường như, Lam Phương, ổng sáng tác theo kiểu “đo ni đóng giày” cho riêng ông Chế Linh vậy.

****

Ở đời, thường thế, không chỉ với Lam Phương, mà còn với rất nhiều những tài hoa khác, vẫn luôn là quy luật – được này, mất kia. Nghĩa là, ông trời ấy mà, ổng chẳng cho ai được tất cả: sự thông minh, đẹp đẽ, sức khỏe; tình cảm và tài chánh.

Nguyễn Du chẳng phải cũng đã than thở đó sao:

Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.

Sau hai mươi mốt năm cô đơn, một mình trong bệnh tật, Lam Phương đã qua đời vào năm hai ngàn không trăm hai mươi. Ông về miền mây trắng rồi, nhưng các ca khúc do ông sáng tác vẫn còn ở lại đây để chia sớt niềm vui nỗi buồn cùng nhân thế.

Những tài hoa của hai mươi năm miền Nam, thời kỳ giữa cuối thế kỷ hai mươi, rồi cứ lần lượt ra đi, khiến người mộ điệu, ngậm ngùi và tiếc nuối biết bao.

Vừa viết những dòng kết thúc này, tôi vừa khe khẽ hát: lạy trời con được bình yên!

Sài Gòn 26.03.2024
Phạm Hiền Mây

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search