T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: PHẠM DUY – THEO ĐÒ NGANG QUÁ GIANG THƯƠNG CHIỀU

Ảnh (http://tkxuyen.com/)

Hình ảnh dòng sông, buổi chiều, luôn là những hình ảnh để gợi niềm nhớ thương, không chỉ được ưa chuộng trong thơ ca và hội họa, mà ngay cả với âm nhạc, nó cũng luôn là một lựa chọn yêu thích của các nhạc sĩ.

Phạm Duy viết ca khúc Chiều Về Trên Sông vào năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu. Ông kể lại trong Hồi Ký: Tôi đã từng tìm mọi cách ra đi. Để rồi tôi lại có những buổi chiều ngồi bên dòng sông Cửu Long, dòng sông của chín con rồng, giống như thi sĩ Huy Cận, nhìn ra mình “củi một cành khô lạc mấy dòng” trôi trên sông “mênh mông không một chuyến đò ngang”. 

******

Huy Cận từng có bài Tràng Giang, nghĩa là sông dài, hay nức nở, đọc lên, nghe rất đỗi tâm trạng tha hương, xa xứ, lưu lạc, viết vào những năm bốn mươi của thế kỷ trước, được nhiều người yêu thích:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp / Con thuyền xuôi mái nước song song / Thuyền về nước lại sầu trăm ngả / Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu / Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều / Nắng xuống trời lên sâu chót vót / Sông dài trời rộng bến cô liêu.

Bèo giạt về đâu hàng nối hàng / Mênh mông không một chuyến đò ngang / Không cầu gợi chút niềm thân mật / Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc / Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa / Lòng quê dợn dợn vời con nước / Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

******

CHIỀU VỀ TRÊN SÔNG

1.
Chiều buông trên dòng sông Cửu Long

Như một cơn ước mong ơi chiều

Về đâu ơi hàng cây gỗ rong

Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều

Buồn tôi không vì sao bỗng dưng

Theo đò ngang quá giang thương chiều

**

Ray rứt, đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi điệu nhạc mới vừa cất lên. Chiều đang buông mình xuống, trên dòng Cửu Long, có nghe được không, một cơn ước mong, ơi chiều.

Tôi biết mình sẽ phải dừng lại hoài ở những chữ, mà Phạm Duy, ông quá giỏi khi sử dụng để viết nhạc. Ví dụ như từ “cơn” trong “cơn ước mong”. Đó là những cách kết hợp từ, mà gần như, trong văn bản thông thường, không ai dám dùng. Vậy mà vào nhạc của Phạm Duy, tất cả những vô lý ấy đều trở thành có lý, tất cả những ngược ngạo và không theo luật ngữ pháp ấy đều trở thành những câu hoàn chỉnh, dễ hiểu, duyên dáng và nên thơ.

Chiều trở thành người bạn của Phạm Duy khi ông nhân cách nó bằng cách gọi tên “ơi chiều”. Không chỉ là bạn, chiều còn là bạn rất thân với ông, tri âm tri kỷ, kiểu Bá Nha Tử Kỳ. Chiều, có hiểu được không, “cơn ước ao” của tôi?

Về đâu? Chiều đưa chúng về đâu vậy, những hàng cây gỗ rong ấy? Và cả những thân củi mục nữa, trên sông? Chúng trôi về đâu vậy? Hỏi mà không cần phải trả lời, trong văn chương, người ta gọi đó là biện pháp nghệ thuật, câu hỏi tu từ.

Hỏi, là hỏi cho chính mình, rồi sẽ về đâu? Nhưng ngay cả khi, bâng khuâng, mênh mang, không biết mình rồi sẽ về đâu, vậy mà lãng tử Phạm Duy, vẫn nhìn sóng, vẫn nhìn sông, bằng con mắt rất nâng niu, rất nhẹ nhàng, mềm mại và đầy tính nghệ sĩ: nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều.

Vì không biết, sẽ về đâu, nên “buồn tôi” mới bỗng dưng, theo đò ngang, quá giang dòng thương chiều. Câu “buồn tôi” này cũng thế. Đó là câu không đúng ngữ pháp trong tiếng Việt, nhưng khi đọc lên, hát lên, người ta vẫn tự động hiểu được, đây là đang nói đến “nỗi buồn của tôi”, nỗi buồn của tác giả viết bài.

Âm nhạc, thơ ca, luôn có những đặc quyền như vậy. Hay nói như tiểu luận gia Đặng Tiến – Thơ, là quyền uy tuyệt đối!

Và lâu lắm rồi, mới được nghe lại từ “quá giang”, nghĩa là, xin được đi nhờ. Ca sĩ luyến láy chỗ “quá giang” này, nghe mới não nùng làm sao, kiểu như biết thân biết phận, bèo bọt, chẳng nhà chẳng cửa, chẳng bến chẳng bờ, thì trông nhờ hết vào tình thương của chuyến đò, của dòng sông, của buổi chiều đang xuống.

Hai tiếng “thương chiều” như nỗi lòng của người viễn xứ, dạt trôi, bồng bềnh như con nước, như hàng củi, không biết nơi nao mới thật là bến đỗ của đời mình.

Bến đỗ của trăm năm.

****


2.
Bởi vì thương nhiều nên nhớ tình yêu

Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ

Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ

Có khi vui lửng lơ có khi tuôn sầu u

**

Buồn vì sao bỗng dưng?

Là bởi vì “thương nhiều”, chớ còn sao nữa. Thương ai mà nhiều đến vậy? Chữ “thương nhiều” cất lên, tưởng như, ruột đang bị xé thành nhiều mảnh, đành đoạn. Rồi từ “nhớ” nữa, nghe mới tha thiết làm sao, du dương làm sao, và, cũng não nùng, tuyệt vọng làm sao.

Dòng sông ấy mà, dù không ai định nghĩa, nhưng nó luôn có một quy ước ngầm, một biểu tượng ngầm của sự chia xa và ly biệt. Hội họa hay thi ca cũng thế, dòng sông càng nhiều nhánh thì tình càng nhiều lối rẽ và dòng sông nào thì cũng chỉ đưa tình về phía ấy, chân mây.

Buồn vì sao bỗng dưng ư?

Là vì đời này, nhiều khi, chỉ toàn là mơ, chẳng gì thật cả. Và vì, đời này, nhiều khi đều biến thành thơ, thơ bay lên trời, mất hút; thơ xuống đất sâu, cát bụi.

Đời này, vui thì lửng lơ chẳng rõ, mà sầu thì tuôn suối, tuôn mưa.

****

3.
Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông

Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán

Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn

Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo

**

Buồn vì sao bỗng dưng ư?

Là vì chiều đó. Chiều về đâu cho dòng sông thương nhớ. Người về đâu, cho tình mãi nuối thương.

Buồn vì sao bỗng dưng ư?

Là vì tình đời, nào chỉ thù với oán, mà nỡ chi đem ngăn chia vĩ tuyến sông buồn? Làm người với người, nam bắc mãi xa nhau?

Thôi thì lỡ buồn rồi, hãy cất lên đi, tiếng ca cho đời thêm buồn nữa. Hãy cất lên đi, tiếng ca, biết đâu, sau cơn buồn, lòng sẽ thôi, không còn khô héo.

Giọng ca sĩ, đến chỗ này, hát mà như khóc. Chiều sắp tận rồi. Như lời van xin cuối cùng, lần cuối cùng này thôi, hãy cất lên tiếng ca đi, trước khi chiều vào tối.

Trước khi chiều vào chết!

****

4.
Chiều buông trên dòng sông cuốn mau
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều
Về đây bọt bèo muôn khắp nơi

Vui buồn cho có đôi không nhiều
Ngày mai sông về quê mến yêu

Cho trùng dương cũng theo hương chiềuBể sầu không nhiều nhưng cũng đủ yêu.

**

Cuối cùng, thì dòng sông cũng đã cuốn chiều đi mất. Có đau lòng, có tuyệt vọng mấy, thì cũng vậy thôi. Thấy thương đời quá thể. Thấy thương mình quá thể. Thấy thương nhau, nhiều xiết bao.

Nghe nỗi cô đơn vây quanh hơn lúc nào hết. Thì về đây đi, ơi những bọt bèo nổi trôi sóng nước. Thì về đây đi, cho vui với vui có đôi, cho buồn với buồn có cặp. Đời ấy, có bao nhiêu đâu, mà chần chờ. Tình ấy, có bao nhiêu đâu, mà cứ hoài ngẩn ngơ, tiếc nuối.

Hãy tin, hãy gắng tin, rồi mai, sông sẽ đưa mình về quê hương mến yêu ngày cũ. Và trùng dương, sẽ trả lại cho chúng ta đầy đủ buổi chiều, mà hôm nay, chúng đã vội vã tan nhanh vào bóng tối.

Cả bể sầu nữa, dù chẳng nhiều thì cũng rất đủ cho đời yêu, cho người yêu.

Và, cho cả chúng mình yêu!

******

Dòng sông mênh mênh mang mang, trôi về nơi vô tận, hiện ra trong lời ca, làm người nghe xuyến xao rất đỗi. Tiếng hát vút lên rồi rải nhẹ chữ xuống mặt sông. Sông đưa chữ, vừa nhẹ sóng nâng niu vỗ về, dỗ dành, vừa tít tắp trôi về lối xa, mịt mùng khói sương hoàng hôn buông khắp, gây nên bao niềm luyến tiếc, nhớ nhung, thương mến.

Giai điệu nghe rất đỗi phương tây sang cả, nhưng cũng chừng như rất phương đông thân thuộc, vừa trang nghiêm lại vừa rất ngẫu hứng, phá cách, vừa kỳ vĩ lại vừa như rất uyển chuyển, dịu mềm. Đó chính là một trong những điều lạ lùng, đặc biệt, độc đáo, mà thiên tài Phạm Duy đã đem lại cho âm nhạc Việt Nam, cho người nghe luyến mộ.

******

Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy là khúc ca bổng trầm của một tâm hồn chơi vơi trong buổi chiều đơn côi, trĩu đầy những mối sầu cô quạnh.

Chiều Về Trên Sông là một ca khúc lãng mạn và buồn bã, nên thơ và cô đơn. Nghe Thái Thanh hát với giọng nữ cao, sang trọng, tôi liên tưởng đến những bản nhạc cổ điển của Ý, Come Back To Sorrento (Trở Về Mái Nhà Xưa), hay như bản Serenade (Dạ Khúc). Cả hai bài này, đều do Phạm Duy viết lời Việt.

Chiều Về Trên Sông cũng là một trong số những ca khúc ít ỏi của Phạm Duy, được cấp phép lưu hành trở lại. Dù thế, nhưng cho đến nay, cũng không nhiều các ca sĩ trong và ngoài nước, thử nghiệm.

Nghe một số giọng hát, cuối cùng, tôi chỉ thấy, có mỗi mình bà Thái Thanh, là hát rất ngọt, rất tới, rất đã, rất bá cháy bọ chét, ca khúc này – Chiều Về Trên Sông.

Trời đã sinh ra Phạm Duy, thiên tài âm nhạc, thì ắt phải sinh thêm bà Thái Thanh, giọng ca vượt thời gian thôi.

Mới tròn trịa, mới hoàn chỉnh, ấy là tôi nghĩ thế!

Sài Gòn 02.04.2024
Phạm Hiền Mây

Chiều Về Trên Sông – Phạm Duy – Thái Thanh

Bài Mới Nhất
Search