T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: PHIM MUÔN VỊ NHÂN GIAN…

Đạo diễn Trần Anh Hùng cùng người bạn đời Trần Nữ Yên Khê tại lễ ra mắt phim tại Sài Gòn

HẠNH PHÚC LÀ ĐƯỢC TIẾP TỤC ƯỚC AO CÁI MÌNH ĐANG CÓ


1.
Nhắc tới đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng thì có lẽ, những người thích xem phim sẽ nhớ tới ngay Mùi Đu Đủ Xanh, bộ phim đầu tay của ông, được trao giải Máy Quay Vàng tại liên hoan phim Cannes.

Sau Mùi Đu Đủ Xanh, ông làm tới phim Xích Lô, có diễn viên thượng thặng Hong Kong Lương Triều Vỹ tham gia, được trao giải Sư Tử Vàng cho giải phim hay nhứt tại liên hoan phim Cannes lần đó.

Năm ngoái, hai ngàn không trăm hai mươi ba, tại liên hoan phim Cannes, ông được trao giải đạo diễn xuất sắc nhứt với phim Muôn Vị Nhân Gian, tên tiếng Anh là The Taste Of Things. Phim có sự tham gia của hai diễn viên Pháp nổi tiếng, Juliette Binoche và Benoite Magimel.

******

2.
Kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết La vie et la Passion de Dodin-Bouffant, Gourmet (1924) của nhà văn Marcel Rouff.

Muôn Vị Nhân Gian là một phim nghệ thuật (art-house) nên kén người xem. Chuyện phim đơn giản, nhẹ nhàng, nhịp phim chậm, không nhiều nút thắt, mở, nhưng vẫn có những tình tiết éo le, ngang trái, mất mát, theo kiểu “vô thường” mà nhà Phật hay nói đến, nên cũng khiến người xem mủi lòng, xúc động.

Câu chuyện diễn ra ở nước Pháp cuối thế kỷ XIX, tại lâu đài của Dodin, do Benoite Magimel thủ vai. Ông thuộc tầng lớp quý tộc, giàu có nhưng lại không ăn chơi, hưởng thụ như thường thấy ở giới thượng lưu. Ông là một người sành ăn, sành uống, nói đúng hơn, ông là một chuyên gia trong lãnh vực ẩm thực. Ông không chỉ sành điệu trong thưởng thức mà ông còn là người có thể vào bếp, đích thân chế biến cũng như thể nghiệm các ý tưởng liên tục đổi mới của mình về món ăn, đồng thời nghiên cứu các loại rượu vang cho phù hợp với từng loại thức ăn.

Dodin giỏi và nổi tiếng đến mức, giới thượng lưu quanh vùng gọi ông là Napoleon, với ý, số một, đứng đầu, không ai qua được, là hoàng đế, là người chinh phục, không chỉ trong lãnh vực chế biến mà còn cả trong lãnh vực đánh giá và thẩm định.

Nữ chánh của phim thuộc về Juliette Binoche trong vai Eugenie. Bà đẹp dịu dàng và quý phái, đúng kiểu đào Pháp. Ngoài đời, nữ chánh hơn nam chánh mười tuổi. Ba mươi năm trước, họ từng đóng chung một bộ phim, rồi yêu nhau, rồi lấy nhau, rồi có một con gái chung, rồi chia tay nhau. Bây giờ thì cả hai đã có gia đình mới.

Nhưng khi Trần Anh Hùng mời họ đóng vai chánh cho phim, ngay lập tức, họ nhận lời, và bộ phim ngọt ngào này, một nửa của sự thành công, theo tôi, là do diễn xuất của nam và nữ chánh, quá tuyệt.

******

3.
Phim không có nhạc nền. Xem phim, chỉ nghe tiếng dao thớt, muỗng nĩa, tiếng người nói chuyện, mèo kêu, chó sủa, bò rống, ngay cả hơi thở người, cũng rất rõ.

Cảnh quay chính là gian bếp, phòng khách, phòng ngủ, ngoài sân vườn của tòa lâu đài, chỉ có thế thôi, không lớn lao, kỳ vĩ gì, và chỉ quay trong vòng hai mươi lăm ngày, vì kinh phí hạn hẹp, thế mà, phim nhận không biết bao nhiêu là lời ngợi khen của giới chuyên môn và người xem phim.

Phim không làm công việc giới thiệu với người xem ngay từ đầu các vai diễn như ta thường thấy ở các phim khác. Cách giới thiệu mối quan hệ, vai trò của từng nhân vật, cũng như cách khen hay chê, thích hay không thích, vân vân và mây mây, thể hiện chủ yếu qua ánh mắt, qua nụ cười, qua cử chỉ, qua hành động. Thoại trong phim không nhiều nhưng tinh tế và sâu sắc.

Dodin thông minh, đương nhiên, và bà Eugenie cũng thế, bà thông minh theo cách của mình, nghĩa là hiểu vai nam chánh đến chân tơ kẽ tóc.

Dodin là chủ tòa lâu đài, một ông chủ giàu có và quyền lực. Eugenie làm việc cho Dodin. Nói cho đúng hơn, Eugenie vừa là đầu bếp chánh trong lâu đài, vừa là người tình của Dodin, đã hai mươi năm nay.

Người tình, là bởi vì bà không muốn lấy ông Dodin, dù ông yêu bà thiết tha và rất, rất nhiều lần cầu hôn bà. Bà chỉ muốn được tự do làm một người nấu bếp, một công việc mà bà vô cùng yêu thích, được tự do trong việc quản lý và chăm sóc mảnh vườn, được tự do trong việc mỗi đêm, hoặc không khóa cửa phòng để ông Dodin có thể vào, hoặc khóa trái cửa phòng khi bà không muốn, không thích ngủ cùng ông đêm hôm ấy. Bà nói với ông: em thấy chúng mình gần nhau còn nhiều hơn các cặp vợ chồng khác, chúng mình có khi nào rời nhau đâu.

Quả là như vậy. Eugenie mang tiếng là đầu bếp, nhưng đứng nấu chánh, vẫn là Dodin. Không chỉ thế, người đưa ra các ý tưởng sáng tạo trong chế biến, độc đáo và táo bạo, cũng là ông. Và khi ấy, Eugenie trở thành bếp phó đắc lực, hữu hiệu, giỏi giang, một người phụ bếp chưa nói đã hiểu, và rất nhẹ nhàng khi góp ý cùng ông, rất tế nhị khi đưa ra những nhận xét, đánh giá, không chê vào đâu được, khi ông yêu cầu.

Họ là một cặp bài trùng, ăn ý.

Trời sinh họ ra, là để một đôi.

Ngày nào họ cũng vào bếp và thực hiện nhiều món công phu và mới lạ luôn luôn. Đọc đến đây, các bạn, chắc sẽ thắc mắc, họ nấu mỗi ngày như thế cho ai ăn? Con cái thì không có, chỉ họ và hai cô phụ việc. Vậy thì ai sẽ là người thưởng thức những món ngon vật lạ đó.

Đó là bốn ông bạn thâm giao của Dodin. Nói là bạn cũng được, mà nói cho đúng hơn, thì các bác sĩ, luật sư, chuyên gia thị trường bất động sản ấy, họ đều là thuộc cấp của Dodin, họ đều làm việc dưới trướng của Dodin. Và họ thường xuyên được Dodin mời đến nhà để ăn các món mà ông và Eugenie sáng tác, thử nghiệm.

Đương nhiên, khi nào các món ấy cũng hơn cả ngon, các món mà Dodin và Eugenie nấu, chúng xuất sắc.

******

4.
Cuộc sống của Dodin và Eugenie trong tòa lâu đài, cùng hai cô gái giúp việc và các bạn bè thân thiết của họ, vô cùng bình yên.

Sinh động, nhiều sắc màu, vui vẻ, và, bình yên, suốt hai mươi năm, nếu như, không có một ngày.

Không có một ngày, Eugenie bị xây xẩm mặt mày. Bà đang nấu ăn, thì bị choáng. Bà gục xuống, mất mấy phút.

Những cơn choáng, xuất hiện ngày mỗi dày hơn, thường là những lúc không có Dodin bên cạnh, nên ông không biết. Bữa đó, không thấy Eugenie đâu, Dodin đi tìm thì thấy Eugenie xỉu ngoài vườn. Ông dìu bà vào và gọi hai người bạn là bác sĩ đến. Cuối thế kỷ mười chín, y học chưa nhiều tiến bộ, những chẩn đoán của bác sĩ vì thế cũng khá chung chung, không rõ ràng, họ chỉ khuyên bà là cần nằm nghỉ.

Dodin rất lo lắng. Ông buộc bà Eugenie lên giường nằm và đích thân xuống bếp, nấu cho bà những thức ăn ngon miệng và bổ dưỡng. Ông yêu cầu bà phải ngồi vào bàn ăn ở trên lầu, như một thượng khách, ông nấu từng món xong, thì cho cô giúp việc bưng lên, rồi ông cởi tạp-dề ra, mặc áo vest vào, lên lầu, rót vang cho bà, hỏi bà ăn vừa miệng không, rồi xin phép bà ngồi cạnh bên, để được nhìn bà ăn.

Ngồi một lát, ông lại xuống bếp nấu cho bà món kế tiếp. Cứ thế cho đến món cuối cùng.

Món cuối cùng là bánh ngọt, ông tạo hình miếng bánh mỏng, tựa như đóa hoa nở bung cánh, dưới cánh hoa, ông đặt vào. Rồi ông dặn cô người làm, hãy để dĩa bánh như thế này, như thế này.

Cô người làm mang lên. Eugenie rất ngạc nhiên khi nhìn món mới, món mà bà chưa từng làm bao giờ. Bà loay hoay nghiêng cánh hoa, và, bà ngỡ ngàng nhìn thấy.

Bà nhìn thấy một chiếc nhẫn cưới ở dưới bông hoa. Chiếc nhẫn hồng đính đá trắng, đẹp một cách sang trọng, duyên dáng và tinh tế. Bà xúc động. Bà mỉm cười. Rồi bà lại xúc động.

Dodin lên, ông nắm tay bà, âu yếm. Cả hai không nói với nhau một lời nào, nhưng Dodin biết là Eugenie đã chấp thuận lời cầu hôn của ông.

Trước khi Eugenie ngã bệnh, Dodin và Eugenie có một cuộc trò chuyện ngoài vườn rất hay. Eugenie đi trước, Dodin đi phía sau, ông nói: trời đã vào thu, và không bao lâu nữa, sẽ là những ngày đông lạnh lùng.

Cũng có thể là Dodin nói về thời tiết, nhưng cũng có thể, Dodin đang nói về chính họ. Tuổi họ đã vào thu. Và ông, hơn bao giờ hết, cần bà, cần những ủ ấm, từ nhau.

Eugenie thì thơ mộng hơn. Bà luôn thế, thơ mộng, nhẹ nhàng, đơn giản, siêng năng, ân cần, không đòi hỏi, nghe nhiều hơn nói, và lúc nào, miệng cũng nhoẻn một nụ cười sẻ chia, thấu hiểu. Bà hỏi ông: anh thích mùa nào trong năm? Dodin trả lời: mùa nào anh cũng thích. Bà cười: em thì thích mùa hè, em luôn thích mùa hè, em luôn có cảm giác em đang giữa mùa hè, hay là tại vì, em ở trong bếp suốt nên em cảm ra như thế. Và bà quay lại nhìn ông cười, nụ cười của bình yên. Dodin cũng nhẹ cười, cười theo bà, một nụ cười của bằng an.

Họ tổ chức một buổi tiệc trong phạm vi ấm cúng vài mươi người, để tuyên bố, họ chính thức lấy nhau.

Không lâu sau, vào một buổi sớm tinh mơ, mặt người chưa tỏ, Dodin đi những bước rất nặng nề từ phòng mình sang phòng cô giúp việc, ông gõ cửa, nói không nên lời: đi sang phòng ta, Eugenie, Eugenie. Rồi ông gục xuống.

Cô giúp việc hối hả chạy sang, Eugenie nằm yên trên giường như đang ngủ. Cô giúp việc khóc òa lên.

******

5.
Nếu hỏi tôi thích những gì ở bộ phim này, tôi sẽ nói, thích nhứt là hai vai chánh, thích tiếp nữa, là các góc quay quá đẹp. Hình ảnh đẹp đến mức tuyệt đối, dù, vẻ như, bộ phim rất thiếu ánh sáng, vì phần lớn, phim được quay trong tòa lâu đài.

Thích cuối cùng là thích nội dung phim. Chỉ vậy thôi, không cần gay cấn, không cần những bất ngờ hay những tình tiết lạ lùng, hy hữu, không thể nghĩ ra, hay những pha hành động táo bạo, dữ dội, hay những cảnh giường chiếu sếch siếc hở chăm phần chăm, mười tám cộng, hai mươi cộng.

Hơn hai mươi năm, Eugenie sống cùng Dodin trong tòa lâu đài của ông. Bà yêu ông tha thiết, như ông cũng yêu bà như thế, nhưng bà luôn cự tuyệt lời cầu hôn, vì bà là một người phụ nữ thích độc lập.

Thế kỷ mười chín là một thế kỷ còn phân biệt giai cấp. Eugenie không cùng giai cấp với Dodin. Bà rất sợ bị mất đi những tự do, những độc lập trong đời sống mà bà đang có, khi trở thành vợ của Dodin, trở thành cái bóng của ông.

Bà cảm thấy hạnh phúc trong vai trò là một cộng sự của ông. Bà cảm thấy hạnh phúc khi Dodin mời bạn bè, mời cả Hoàng Tử đến nhà dùng bữa, mà bà là đầu bếp chánh cho bữa tiệc. Và sau bữa tiệc, tất cả các quý ông đều xin phép vào bếp để được ôm hôn bà, để nói những lời cảm ơn cùng những lời ngợi khen chân thành từ đáy lòng họ về bữa ăn ngon miệng mà họ vừa được thưởng thức.

Eugenie cảm thấy hạnh phúc và cả tự tin nữa, khi biết mình là người mà Dodin luôn cảm thấy hài lòng mỗi khi ông đưa ra ý tưởng mới và bà là người thực hiện ý tưởng ấy một cách chuẩn xác và chu đáo nhứt.

Vậy, có cần không, một danh chính ngôn thuận, một tên gọi – phu nhân Dodin, khi mà cuộc sống hiện tại, đối với bà, đang diễn ra rất tốt?

Đám tang của Eugenie diễn ra trong hết sức buồn bã của Dodin và các bạn thân cùng người quen biết. Nhiều ngày sau đó, Dodin chẳng ăn gì, ông chỉ uống rượu, và khi các bạn ông đến thăm, ông cũng chẳng nói gì. Ông chỉ ngồi ở một góc bàn nơi cửa sổ, chỗ ánh nắng chiều vàng vọt hắt qua, im lặng, nhìn ra ngoài, cùng ly rượu. Nếu có nói, ông chỉ vỏn vẹn: tôi nhớ Eugenie quá.

Các bạn Dodin lo lắng. Họ bàn nhau rồi đi đến quyết định, viết ra giấy danh sách các nữ đầu bếp giỏi có tiếng để Dodin lựa chọn. Họ đùn đẩy nhau việc đưa tờ giấy ấy cho Dodin. Họ sợ Dodin không vui. Mà quả như thế thật. Dodin vừa liếc qua, ông tức giận, vo viên và quăng tờ giấy ra xa.

Một ngày nọ, họ liều mạng, đưa đại một cô đầu bếp đến. Dodin thức dậy xuống nhà, nhìn thấy cô đầu bếp mới là ông hiểu, ông tỏ vẻ chán chường, chẳng thiết tha gì. Nhưng chợt ông quay lại, ông nhìn sững sờ vào cô nấu bếp mới rồi ông lắp bắp hỏi cô giúp việc, như thế này nghĩa là sao? Cô giúp việc sợ hãi trả lời: dạ, đây là người nấu bếp mới. Dodin gầm lên, tôi không nói điều đó, nhưng ai cho phép cô ta mặc cái tạp dề ấy.

Người ông run bần bật, ông lao tới, từ bên này bếp, ông nhoài tay giựt cái tạp dề mà cô nấu ăn mới đang quàng quanh bụng. Giựt được xong, ông đẩy một cách bạo lực cô nấu bếp ra khỏi cửa. Ông đóng sầm cửa lại, ôm cái tạp dề vào ngực, nước mắt ông chảy ra, cứ thế, ông bước lên lầu.

Cái tạp dề của Eugenie!

******

Cảnh trong phim MUÔN VỊ NHÂN GIAN


6.
Trong tứ khoái, người ta xếp ăn ở vị trí thứ nhứt. Ăn uống, tùy hoàn cảnh, có khi là chuyện không quan trọng, nhưng có khi, nó chính là đầu mối để nhiều vấn đề quan trọng nảy sinh.

Nấu ăn là một nghệ thuật. Thưởng thức món ăn, thức uống, cũng cần có nghệ thuật. Dodin và Eugenie là những người nấu bếp trứ danh. Hơn cả nấu ăn ngon, họ còn là những nhà sáng tạo. Có nhà sáng tạo nào mà lại không chăm chút tác phẩm, không chỉ nội dung mà lại còn cả hình thức của nó.

Không chỉ âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, mới có chất thơ, mà bất cứ sáng tạo nào, cũng đều có chất thơ. Khi Dodin vào bếp, ông như nghe được cả tiếng nói của thực phẩm. Mỗi lần sáng tạo món mới, ông nói với Eugenie về trình tự thực hiện bằng một giọng điệu rất thơ, rất say sưa và gởi vào đó bằng hết thảy tâm trí mình.

Eugenie, ngược lại, bà lắng nghe ông nói bằng tất cả lòng kính trọng dành cho một thiên tài trong ngành ẩm thực. Không chỉ kính trọng, bà còn là một học trò sáng dạ, thông minh, tinh tế khi thực hiện các món ăn mà người thầy giáo Dodin truyền thụ.

Có phải chăng, Dodin yêu Eugenie tha thiết, vì điều này? Vì không chỉ Eugenie tôn trọng Dodin mà Eugenie còn là người đủ hiểu biết để đánh giá công bằng các sáng tạo của Dodin, đủ trình độ để thẩm định một cách khách quan khả năng siêu tuyệt, không có đối thủ của Dodin khi nấu ăn lẫn khi thưởng thức?

Trong một lần, bốn người bạn của Dodin xuống bếp ôm hôn và nói lời cảm ơn về bữa ăn ngon mà Eugenie đã dày công nấu nướng, họ tỏ ra áy náy khi chưa lần nào Eugenie ngồi ăn cùng họ, bà đã trả lời nhẹ nhàng, không hề khách sáo, rất chân thành, rất tế nhị: Làm sao tôi có thể cùng ăn được. Việc đó là không thể. Nhưng xin các ngài đừng ngại, tôi vẫn ở bên cạnh các ngài luôn, khi thưởng thức. Tôi luôn ở bên các ngài, vì từ sáng sớm, chính tôi là người mua thực phẩm về, tôi ve vuốt từng con cá, cọng rau. Tôi nhìn ngắm và nâng niu chúng rất lâu. Khi nấu ăn, tôi đã tưởng tượng ra được, các ngài sẽ thưởng thức chúng, ngon miệng đến thế nào.

Hay hơn cả hay. Quý phái hơn cả quý phái. Lễ độ mà vẫn giữ được lòng tự trọng. Khiêm tốn mà lại rất nữ chủ nhân. Đó chính là Eugenie.

******

7.
Dodin, rất lâu sau đó, cũng đã lấy được cân bằng, khi lại vào bếp, với một truyền nhân mới, mà lúc còn sống, Eugenie rất yêu thương và hết lòng dạy dỗ, đó là bé Pauline, mười hai tuổi, một trong hai người giúp việc của nhà Dodin.

Cuối phim, máy quay lia chậm qua một vòng gian bếp, chỗ tối chỗ sáng, quen thuộc không chỉ với người xem trong hai giờ đồng hồ, mà đó còn là không gian quen thuộc của Dodin và Eugenie trong suốt hai mươi năm qua. Rồi câu nói kết của Eugenie trong một lần trò chuyện: Em có thể hỏi ông một câu không? Em là đầu bếp của ông hay là vợ của ông?

Suy nghĩ rất lâu, nhìn vào Eugenie rất sâu, Dodin trả lời: Em là đầu bếp của anh. Và ông sung sướng khi nhìn được vẻ cảm động và hài lòng hiện ra trong mỉm cười nhẹ nhàng mà hết sức thư thái của Eugenie.

Ông vui khi tôn trọng mọi quyết định của Eugenie, người phụ nữ mà ông yêu quý vô cùng.

******

8.
Riêng tôi, tôi lại thích câu nói của Dodin, nói đúng hơn, đó là câu của Thánh Augustinô mà tôi lấy làm tựa bài viết hôm nay – hạnh phúc là được tiếp tục ước ao cái mình đang có!

Sài Gòn 01.04.2024
Phạm Hiền Mây

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search