T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Hiền Mây: SA GIANG TRẦN TUẤN KIỆT – TRĂM NĂM LÀ MẤY TRỜI GIÔNG BÃO

(Nguồn tranh: http://haibogiay.net/)


Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt (1939-2019) quê ở Sa Đéc. Thơ ông xuất hiện cùng thời với Nguyên Sa, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Hoài Khanh, Thanh Tâm Tuyền.

Chánh gốc người miền Nam, nên Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, tánh tình rộng rãi, xởi lởi, cư xử hết lòng và chí tình với bạn bè, thậm chí, xem bạn bè còn hơn cả gia đình. Với bạn bè, cũ mới gì, ông cũng xả láng, nhà có gì, ông cũng đem hết ra mà thết đãi bạn bè, không ngần ngừ, không so đo, thiệt hơn, tính toán.

Nhận xét về Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, trong Bằng Hữu Cuối Trời, nhà thơ, nhà văn Viên Linh viết: Nếu có ai hỏi tôi, hãy chọn một thi sĩ miền Nam đáng trọng, đáng quý nhất, và thi sĩ nhất, tôi chọn Sa Giang Trần Tuấn Kiệt.

Nhà báo Phạm Chu Sa cũng kể lại, vào khoảng năm một ngàn chín trăm bảy mươi, khi có độc giả gọi Viên Linh là thi sĩ, Viên Linh đã viết trả lời trên tuần báo Khởi Hành, mà khi ấy, ông là Tổng Thơ Ký: Ở Việt Nam, chỉ có năm nhà thơ xứng đáng gọi là thi sĩ, đó là Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Đức Sơn và Trần Tuấn Kiệt.

Đưa nhận xét của nhà thơ Viên Linh vào đây, cốt để thấy được vị trí của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt. Ông vốn là một tên tuổi trong giới văn nghệ xưa. Sau năm bảy mươi lăm, vì những lẽ này nọ, dù không nói ra nhưng ai cũng biết, các tên tuổi ấy cứ mai một dần.

Mười bảy tuổi, Trần Tuấn Kiệt đã có thơ đăng trên tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh. Ông từng đoạt giải nhứt về thơ trong Giải Văn Chương Toàn Quốc (1961) với tập thơ Lời Gởi Cây Bông Vải. Ông cũng từng cộng tác với nhiều tờ báo và tạp chí tên tuổi, đồng thời là người thành lập nhà xuất bản Hồng Lĩnh. Trong bảy năm (1963-1970), ông cho ra đời mười tập thơ và viết các sách dạy võ thuật, truyện thần thoại, với nhiều bút danh khác nhau.

Đặc biệt nhứt, phải kể đến tập biên khảo Thi Ca Việt Nam Hiện Đại 1880-1965 (Khai Trí xuất bản năm 1965) được Trần Tuấn Kiệt chấp bút, lúc ông chỉ mới vừa hai mươi sáu tuổi.

**

Ông viết thơ rất nhanh, theo lời các bạn văn thân thiết của ông kể lại, ông cũng thuộc hàng cao thủ như Bùi Giáng vậy. Thơ ông viết lên bất kỳ mảnh giấy nào có trong tay. Viết xong, ông quăng vào cái giỏ tre treo trên vách. Khi có người của tòa soạn đến lấy bài, ông thò tay vô cái giỏ tre, lấy ra một vốc giấy, đưa cho lựa.

Lại có một câu chuyện kể thế này, có hai người bạn của ông ở xa về thành phố chơi, muốn cùng nhau ra quán cóc ngồi nhâm nhi, nhưng không ai đủ tiền. Suy nghĩ một hồi, ông bèn nói hai bạn đợi ông một chút. Rồi ông băng qua bên kia đường, nơi đó là tòa soạn tạp chí Phổ Thông của Nguyễn Vỹ. Vào đó, ông lấy giấy bút ra, hí hoáy, nhoáng cái xong bài thơ, ông giao cho tòa soạn và xin ứng trước nhuận bút, thế là đủ cho ba người kéo nhau ra quán nhậu.

Thơ ông viết theo thể lục bát cũng rất ngọt. Ví dụ như bài Đừng Quên dưới đây:

Em đừng quên những cánh đồng

Đừng quên gốc rạ chiều đông sương mù

Đừng quên vai áo mùa thu

Còng lưng gánh lúa phiêu du tháng ngày
.
Đừng quên mưa gió buổi mai

Con thuyền sóng vỗ bên trời tăm tăm

Đừng quên nước chảy có nguồn

Con sông có khúc nỗi buồn có duyên
.

Em đừng quên nụ cười hiền

Trăm năm là mấy ưu phiền lửa binh?

Đừng quên trời rộng phiêu linh

Chút hồn thơ đã quen mình nhỏ nhoi
.
Em đừng quên nhé em ơi

Tấu lên khúc hát bên đồi véo von

Giấc mơ đôi mắt hoe tròn

Nụ hôn đầu nhớ hoàng hôn lửa tàn
.

Em đừng quên nhé – Việt Nam

Lời ta đã nhắn qua ngàn bến xanh.

******

TA LÊN MIỀN BIÊN GIỚI HẠ LÀO

Bài thơ Ta Lên Miền Biên Giới Hạ Lào này được viết bằng một giọng thơ rất đặc trưng của miền Nam trong hai mươi năm phát triển chói lọi, rực rỡ và cuối cùng, bi đát như số phận của con người thời ấy.

Bài thơ trích trong tập thơ Rừng Tùng này đã từng được đăng trên nguyệt san Trình Diện Tuổi Đất (tiền thân của tạp chí Khai Phá) vào mùa xuân năm 1967. Bài thơ do đích thân Trần Tuấn Kiệt trao tận tay nhà văn Ngô Nguyên Nghiễm.

Bài thuộc thể ca, thể hành, như bài thơ này, thường có màu sắc, phong vị cổ. Tuy được viết theo lối tự do, phóng túng, không bị gò ép số câu, số chữ, nhưng vẫn tạo được nhạc điệu theo kiểu thơ có vần.

****

1.
Cửa non sâu thẳm

Người về quên dặm chông chênh

Mù sương đá dựng

Vòi või mối sầu biên cương

Ở bốn câu đầu này, tác giả giới thiệu nơi đóng quân của mình, nơi đã gợi lên niềm tâm tư sầu rất, để tác giả viết thành bài thơ.

Đó là nơi núi đồi hiểm hóc. Nơi mà núi thì vút cao và vực thì thẳm sâu. Quanh năm, nơi những tảng đá khổng lồ, chông chênh, cheo leo ấy, chỉ toàn là sương mù bao phủ.

Nơi mà người từng ở đây, khi trở về, chỉ muốn được quên đi và người đến, như tác giả, chỉ duy nhứt, vòi või, một mối sầu quan tái, biên cương.

Trong các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, ca khúc mà tôi thích nhứt, đó là bài Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời. Thích, không chỉ vì đó là một nhạc phẩm quá hay, rất, rất hay, mà còn vì, trong bài có câu “nếu một mai, không còn ai, đứng bên kia đời, trông vòi vói”.

Vòi vói.

Chỉ cần như vậy thôi, là đủ làm chết lịm hồn tôi rồi.

Chỉ cần như vậy thôi, là đủ để tôi ngưỡng mộ vô cùng tài soạn nhạc và viết lời của nhạc sĩ Phạm Duy.

Với khổ thơ này, Trần Tuấn Kiệt, trong mắt tôi, là một tài thơ, khi ông đã sử dụng được, rất đúng lúc, rất đúng chỗ, từ “vòi või”.

Tìm chữ cho thơ, chỉ khó một. Đặt chữ sao cho đúng chỗ, đúng vị trí, và tạo được cảm xúc cho người đọc, khó gấp hai, gấp ba lần hơn thế.

Chữ, mà đặt sai chỗ, không chỉ vụng, mà còn gieo một cảm giác khó chịu cho người đọc thơ, như khi ta ăn cơm mà nhai phải một hạt sạn vậy.

Vòi vói, hay hơn từ thông dụng, vòi vọi. Nếu vòi vọi là quá cao, quá xa, không thể với tới, không thể tới được, thì vòi vói, lại dường như càng tăng thêm sự tuyệt vọng, đứt hơi, không thể, không thể nào!

Còn vòi või của Trần Tuấn Kiệt, thì cái không thể ấy lại quặn thắt hơn – vòi või mối sầu biên cương!

****

2.
Ta ngồi bên người Thượng

Nhìn đàn bò nhơi cỏ non

Nhìn bên kia biên giới

Núi chạy mù trời lam
Những người xa ải loạn

Chiều bên phố nhớ thương

Nơi đây chòi nắng vây chân núi

Rừng phủ mờ đường về
Mưa bụi buồn lê thê
Chiều chống gậy trúc

Nhớ kinh thành xiết bao

Hoa rụng rừng sâu
Không cầu thương tiếc

Dốc nắng gập ghềnh thôi hết đã từ lâu

Bên này là núi. Bên kia cũng là núi. Núi chồng lên núi. Núi chạy mù trời lam.

Tôi thiệt là thích cái cách ông Trần Tuấn Kiệt, ổng gán cho núi tánh cách, hành vi, hoạt động như người. Núi, chúng cũng biết chạy, biết rượt, biết đuổi nhau. Chúng chạy trong mù trời. Chúng làm cát bụi dậy lên, mù trời lam.

Núi nơi đây thì vậy, còn người nơi đây thì sao? Người nơi đây thì sống trong loạn lạc. Tác giả cũng thế, xa nhà đến đây, và chịu cùng cơn loạn lạc.

Buổi chiều, ngồi bên đồng bào Thượng, nhìn đàn bò nhơi cỏ non, nhìn những mái nhà lúp xúp, rách nát, tả tơi như những mái chòi vây quanh chân núi, tác giả bỗng nhớ quá chừng nhớ, nhớ phố chiều đông người qua lại, nhớ kinh thành ánh sáng phù hoa.

Từ rừng nhìn ra lối mòn, mưa bụi lê thê đang phủ mờ. Chống cây gậy trúc đi rừng đứng lên, ngó về nơi ấy, hoa rụng đầy đất kia, hoa nào cần ai tiếc thương đâu. Hoàng hôn buông sâu, trên đường dốc gập ghềnh, nắng tắt đã từ lâu.

****


3.
Ta buồn hát nghêu ngao
Chợt đàn chim bay đến
Chim di tự phương nào

Cớ sao buông lời lưu luyến

Nhớ thương người nội trợ

Nhớ thương bầy trẻ thơ

Nghêu ngao trong cơn buồn, ta hát. Chợt, đàn chim đâu bay đến, vì nỗi niềm gì mà cất tiếng họa theo? Ta nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, đã đành. Còn chim, cớ sao lại réo rắt giùm câu lưu luyến của ai xa?

****

4.
Ta đứng lên

Chen lẫn cùng lau lách

Ngỡ bạc đầu ông lão chiến trường xưa

Khinh bỉ bé con
Mơ chuyện công hầu

Khinh lũ múa rìu búa cờ mao

Hùng hổ đeo bùa danh tướng

Rừng lau phủ kín đầu, ta bật cười trong ý nghĩ tóc ta nay đã màu sương khói, ta bật cười với câu chuyện Lưu Nguyễn thời xưa. Nhưng ông lão ta không lạc đường tiên cõi, mà trắng đầu vì chinh chiến triền miên.

Ta cười ta mơ chuyện công hầu. Và ta cũng khinh cả bọn người đang múa may quay cuồng, đang hùng hùng hổ hổ, xem danh tướng là tấm bùa hộ mệnh.

Bỗng dưng tôi lại nhớ đến ca khúc Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Xem ra, hai tác giả cũng cùng một tâm trạng, khi hiểu rõ rằng: lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều, anh ơi!

****

5.
Ta lên rừng xanh
Đốt lá đỏ

Hơ nóng ân tình vạn thuở

Sớm sương mù chim hót nhành cao

Cưỡi ngựa thồ
Đi dép cỏ

Người đời nay buồn chưa

Trăm năm là mấy trời giông bão

Nằm khểnh nghe suối luồn trong rừng sâu

Chữ thơ Trần Tuấn Kiệt thiệt đẹp. Cả nỗi buồn đến muốn chết đi được, cũng được ổng tả thiệt là đẹp. Thảo nào, ông Viên Linh, tổng thơ ký, tổng biên tập của rất nhiều tạp chí văn chương lừng danh, ổng khen là phải rồi. Ổng nói, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, xứng đáng với hai từ “thi sĩ” là quá đúng rồi.

Trần Tuấn Kiệt cho rằng, việc lên rừng là nhiệm vụ của ông, nhiệm vụ đáp đền món nợ ân tình vạn thuở, nối từ cha ông ngàn xưa đến hôm nay và mãi mãi muôn sau, nhiệm vụ: bảo vệ biên cương, bờ cõi, lãnh thổ quốc gia.

Là nhiệm vụ nhưng rất lãng mạn, đó là những buổi sớm tràn sương mù, khi lũ chim ríu rít hót trên nhành cao, thì ông cưỡi ngựa thồ, đi dép cỏ, tuần tra biên giới.

Nhiệm vụ, lãng mạn, và, cả buồn nữa. Mới thấy, thi sĩ thời này, họ tự do trong tư tưởng, tự do trong suy nghĩ. Vui thì nói vui, buồn thì nói buồn, đó chính là những tình cảm thực. Thi sĩ, không có tình cảm thực, không viết bằng tình cảm thực, thơ làm sao hay được?

Buồn, nên tự hỏi mình lên tiếp:

Người đời nay buồn chưa

Trăm năm là mấy trời giông bão

Nằm khểnh nghe cuối luồng trong rừng sâu

Ba câu thơ tuyệt hay và tuyệt đẹp. Người đời nay buồn chưa? Trăm năm là mấy trời giông bão?

Không trả lời được thì ta nằm khểnh ra mà nghe cuối luồng gió, cuối luồng mây, cuối luồng khói, cuối luồng bão, cuối luồng giông, đang lồng lộng thổi suốt rừng sâu.

****

6.
Ta vỗ đầu gậy trúc

Chầm chậm qua đường truông

Ngủ nhà bát quái

Mơ vũ y nghê thường

Ta sẽ nằm khểnh. Ta sẽ ung dung. Ta vỗ đầu gậy trúc.

Cái chữ “vỗ” đầu gậy trúc này, cũng thiệt là hay. Từ “vỗ” khiến người đọc hình dung ra một hình ảnh sống động, vui vui, têu tếu, dí dỏm.

“Vỗ”, là vỗ về, là dỗ dành, an ủi. Gậy trúc, bắt nó đi riết, nó cũng mỏi lắm chớ sao. Vỗ đầu nó, là xem nó như người bạn nhỏ đang đồng hành cùng với mình. Hai người bạn, nương vào nhau, dựa vào nhau, dìu nhau, chầm chậm qua truông, qua vùng đất hoang vu. Khi nào mệt, hai ta sẽ dừng lại, ngủ nơi nhà bát quái.

Nhà bát quái là cái nhà có tám mặt, thì người ta hay nói bốn phương, tám hướng mà, không phải sao. Ngủ giữa rừng, không phải là ngủ giữa bốn phương, tám hướng, hay sao.

Ngủ giữa vũ trụ này, chúng ta sẽ được nằm mơ, mơ Nghê Thường Vũ Y Khúc, một sáng tác của Đường Minh Hoàng, sau một lần lên thăm cung Quảng của Hằng Nga.

****

7.
Ai trách ta hề

Ai khinh ta hề

Trời đất biết

Ta thương đời gió bụi hề
Ai có hay

Ta lên miền biên giới chiều nay

Thân cỏ rơm bầu bạn

Viết lịch sử hề – cỏ cây!
Ta mặc tình hề

Bom đạn

Đồn lũy giặc chạy dài lô nhô

Súng gươm hề xao xác
Đời loạn chết chóc hề

Có gì đâu?

Vỗ đầu gậy trúc hề

Đi vào trong sương

Ai trách ta ư? Hề gì. Ai khinh ta ư? Hề chi. Có trời biết, có đất biết là đủ rồi.

Ta thương thân ta, đời gió bụi, nào ai người hay? Ta lên miền biên giới chiều nay, nào ai người biết? Ta thân bé mọn, bầu bạn với cỏ rơm, nào ai người tỏ?

Ta, người viết lịch sử, dẫu chỉ cỏ cây hay biết. Bom đạn ngáng đường, ta mặc kệ. Đồn lũy lô nhô, ta băng qua. Súng gươm xao xác, ta đối đầu. Đời loạn chết chóc, có gì đâu?

Có gì đâu?

Vỗ đầu người bạn nhỏ, ta cùng gậy trúc, lên đường, vào trong sương!

****

8
Ai tìm ta hề

Vào ngõ rừng tùng.

Ai tìm ta, thì vào rừng tùng mà gọi!

******

KẾT

Sẽ rồi mai một, không nhiều thì ít, nhưng cũng phải đành chịu vậy, các nhà thơ, nhà văn của hai mươi năm bể dâu miền Nam, từ một ngàn chín trăm năm mươi tư đến một ngàn chín trăm bảy mươi lăm.

Người cũng còn chẳng mãi được là, huống hồ chi văn chương, huống hồ chi những thăng trầm của đời làm văn chương, chữ nghĩa.

Đôi khi nghĩ cũng thiệt buồn, cuộc đời này. Chữ và nghĩa, cùng bao kỳ công khác, xây lên, đắp lên, bồi lên, rồi cơn gió qua, xóa sạch, thảo nào mà ông Trịnh Công Sơn, ổng viết:

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi
Để gió cuốn đi.

Tấm lòng này, chẳng chỉ là lòng tốt, lòng nhân, hay lòng thiện, mà tấm lòng này còn bao hàm cả ý nghĩa, đó là những cố gắng của ta, những dốc lòng, dốc sức, hết lòng, hết sức của ta, với con người, với cuộc đời.

Sống trong đời sống cần hết sức, hết lòng.
Để làm gì, có biết không?
Để gió cuốn đi.
Để gió cuốn đi.

**

Tôi lấy câu “trăm năm là mấy trời giông bão” để làm tựa đề cho bài viết hôm nay, vì nó là một câu thơ hay.

Hay, không chỉ vì tác giả đã sử dụng cùng lúc câu hỏi tu từ và câu cảm thán cho nó, mà hay còn vì đó là một câu thơ tạo được hình ảnh, tạo được nhạc điệu.

Hay, còn là vì, không ai có thể trả lời câu hỏi này một cách cụ thể. Trăm năm là mấy trời giông bão ư? Chịu.

Chỉ biết, kiếp người bé mọn, thấy giông bão tới thì lo mà chống đỡ.

Chỉ biết, kiếp người hữu hạn, giông bão kiểu nào thì cũng chỉ đến thế – trăm năm!

Sài Gòn 23.03.2024
Phạm Hiền Mây

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search