T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tiểu Lục Thần Phong: A SÌN

Một xe mì trên phố Chợ Lớn – Tranh: Họa Sĩ Phạm Công Tâm

(Nguồn: báo TUỔI TRẺ – VN)

Trời nắng chang chang, thỉnh thoảng từng cơn gió bụi bốc lên bay rát cả mặt, dòng xe máy xình xịch chạy như mắc cửi trên đường. Hai bên lề đường có cả mấy mươi tiệm vịt quay, heo quay, những con vịt quay vàng ươm, có con thì da sậm màu hơi ngả nâu tất cả đều béo nhẫy mỡ, treo tòng teng  trong tủ kiếng trông rất bắt mắt. Những con heo sữa quay vàng ruộm hoặc ngã màu cánh kiến, chủ tiệm còn gắn vào miệng nó một cái bông đỏ thắm. Khách qua lại đều ngoái nhìn, dù chưa ăn nhưng cũng đủ cảm nhận rất ngon. Những ổ bánh mì dài cả thước, quệt bơ vàng nhạt, mùi thơm khiến ai cũng phải hít hà.

A Sìn mình trần trùng trục, bụng phệ như ông địa, cái quần xà lỏn dài tới gối màu cháo lòng, chiếc khăn xỉn màu đen loang lổ giắt ở cạp quần. Tay A Sìn thoăn thoắt chặt heo quay bôm bốp trên cái thớt gỗ me, thỉnh thoảng lại liếc con dao to đùng lên cây mài bằng thép sáng loáng vì nó đã được cọ sát quanh năm và cộng với dầu mỡ. A Sìn vừa làm vừa lầu bầu phân trần với khách:

– Giá vịt hơi lên giá quá trời, vật giá thứ gì cũng tăng, vậy mà ngộ bán vịt quay đâu có lấy giá lên.

Người khách đứng bên nhìn A Sìn cười:

– Nị bán giá này cũng đã lời lắm rồi còn đòi lên giá gì nữa!

– Hây da, đừng có nói vậy chớ! Ngộ lấy công làm lời thôi mà.

A Sìn chặt xong con vịt rồi bỏ vào bọc nylon cho người khách, người khách trả tiền rồi vội vàng rồ máy  chạy đi. A Sìn ngồi phịch xuống cái ghế tựa bằng nhựa cũng cũ kỹ dơ dáy rồi rút cái khăn lau mồ hôi trên mặt, A Sìn còn giơ tay lên lau cả nách. Đoạn A Sìn cầm cái ca nhựa đựng trà đá quất một hơi cạn quá nửa, vẻ mặt tỏ vẻ khoan khoái thấy rõ. A Sìn nói thật đấy, y lấy công làm lời, mọi việc từ mua vịt, làm lông rồi quay và đứng bán… đều người trong nhà làm chứ chẳng mướn người ngoài. A Sìn làm quần quật cả ngày, quanh năm suốt tháng, hễ ngồi không hay rảnh rỗi thì A Sìn không chịu nổi. Những khi đắt khách thì A Sìn mới kêu A Luối đến phụ một thời gian bận rộn thế thôi.

Tiệm vịt quay Hưng Ký của A Sìn nổi tiếng từ lâu lắm rồi. Nhà dì Tư là khách ruột của tiệm, mỗi tháng hai lần cúng cô hồn các bác vào ngày mùng hai và ngày mười sáu âm lịch. Dì Tư mua vịt quay, heo quay và để cúng. Cả nhà dì Tư đều khoái và cho là vịt quay A Sìn ngon nhất. Riêng Thiện thì chẳng tài nào phân biệt được vịt quay của tiệm A Sìn hay vịt quay A Chảy, A Thòn. Ăn món nào cũng thấy ngon như nhau, duy cái khác là ở nước chấm, nước chấm của tiệm Hưng Ký ngon quá trời ngon, cái màu đen đen như xì dầu pha vừa ăn có vị ngọt và mùi thuốc bắc. Ăn vịt quay phải chấm nước chấm đó mới ngon, nếu thiếu món nước chấm ấy thì vịt quay cũng mất ngon. A Sìn dấu nghề kỹ lắm, không mướn người ngoài cũng là vậy, giữ kín bí mật quay sao cho vịt chín da giòn, heo quay cũng thế và nước chấm thì ai ăn cũng vừa miệng.

Có lần dì Tư sai Thiện ra tiệm Hưng Ký của A Sìn mua con vịt quay. Thiện ghẹo A Sìn:

– A Sìn, chỉ tui cách làm nước chấm đi, tui hứa tui hổng có mở tiệm cạnh tranh đâu!

A Sìn thật thà, giọng tiếng Việt lơ lớ:

– Hây da, hổng được đâu, cái này là bí quyết gia truyền. Ngộ chỉ cho nị thì tổ giận hổng làm ăn gì được. Ngộ hổng tin là nị có thể mở tiệm vịt quay, muốn mở tiệm phải biết nghề, phải có bí quyết mới làm được.

Thiện vẫn cà khịa:

– Mai mốt thân nhân bảo lãnh A Sìn đi Mỹ, chừng ấy chỉ tui được hông?

– Hây da, đừng làm khó ngộ chứ, ngộ nói dồi, bí quyết gia truyền hổng có chỉ cho nị được đâu.

– Vậy thì tui cưới con gái của A Sìn, nó cũng chỉ bí quyết cho tui.

– Con gái ngộ là người Tiều, hổng lấy nị được đâu. Nó lấy nị thì ngộ sẽ bị Nhị Phủ đuổi ra khỏi bang, vịt quay của nị nè, đem về đi, nị đi lâu quá bà Tư la chết!

Thiện thấy ghẹo A Sìn cũng đã nhiều rồi, nhìn cái mặt thật thà đến ngờ nghệch của A Sìn mà phì cười nói vớt thêm câu nữa:

– A Sìn giữ cô Muối cho kỹ nha, nếu không tui tán đổ cổ à nha.

A Sìn phẩy tay:

– Nị dìa đi, bà Tư la bi giờ.

Nhà Dì Tư lọt giữa lòng khu phố Tàu, có lẽ là nhà Việt duy nhất. Thiện lên Sài Gòn ở nhờ nhà dì Tư để đi học. Chiều chiều ra hè chơi rồi quen với A Sìn, A Chảy, A Luối…Nhà dì Tư sát vách với nhà A Chảy cách tiệm vịt quay A Sìn một con hẻm nhỏ. Bọn A Sìn, A Luối, A Chảy, cô Muội… đều nói tiếng Tiều với nhau, chỉ khi nào tiếp xúc với Thiện hay nhà dì Tư thì bọn họ mới nói tiếng Việt.

A Sìn kể nhà của y ở đây đã nhiều đời rồi, sau năm bảy lăm thì họ hàng vượt biên gần hết, hiện tại em gái A Sìn là cô Muối đang làm hồ sơ bảo lãnh cả nhà A Sìn. A Sìn không muốn đi Mỹ nhưng vì tương lai con cái nên A Sìn mới chịu đi. A Sìn nói qua Mỹ buồn lắm, mấy năm trước A Sìn đã đi du lịch rồi, visa cho đi sáu tháng nhưng mới ba tháng A Sìn bỏ về chứ chịu hổng nổi. A Sìn nói về với quầy vịt quay ở khu đan giỏ cần xế này mới là cuộc sống của mình.

Con gái A Sìn trắng da dài tóc, khác hẳn với tướng tá cục mịch của y, có lẽ A Lìn giống mẹ. Trời Sài Gòn nóng bức mà nhà A Sìn còn nóng hơn, bởi vì lò quay trong nhà lúc nào cũng đỏ lửa. Có lẽ vì nóng mà mặt của A Lìn lúc nào cũng ửng đỏ. Thiện thích nhìn A Lìn, mà liên tưởng đến gái má đào. Thiện có biết hoa đào là gì đâu, chẳng qua đọc sách nên biết vậy thôi. Con gái Tiều đẹp thật, nào chỉ A Lìn, cô Phón, cô Mị… cùng dãy nhà ai cũng đẹp, cái đẹp khác với con gái Việt. Thiện thấy rất khác nhưng biểu nói cái sự khác ấy như thế nào thì chịu, hổng làm sao nói được. Cứ mỗi khi thấy A Lìn ra ngồi ở ngoài hành lang thì Thiện cũng cà rà theo, những chiều đi học về Thiện thường ra ngồi dưới gốc trâm ăn bò bía, xương xáo với A Lìn. Thiện ghẹo:

– A Lìn có bồ chưa? yêu ai cũng vậy, yêu tui đi.

Bàn tay với những ngón thon đẹp cầm cuốn bò bía cắn ngập giữa hai hàm răng trắng đều tăm tắp. A Lìn nuốt xong cười lỏn lẻn:

– Thiện đi học ở trường thì thiếu gì con gái Ziệt, sao hổng yêu mà đòi yêu A Lìn?

– Con gái Tiều đẹp, A Lìn đẹp hơn.

– Xạo, con gái Ziệt đẹp hơn.

– Thiệt mà, Thiện thấy A Lìn đẹp lắm, má đỏ như cánh hoa sen. A Sìn biết trước nên mới đặt tên A Lìn.

– Hây da, Thiện học cao nên nói giỏi quá hén. A Lìn hổng có học sao yêu được?

– Học hành đâu có là gì, A Lìn yêu tui mai mốt tui dìa phụ A Sìn bán dịt quay.

A Lìn cười khanh khách như kim khánh, tiếng cười giòn tan như con trẻ ngây thơ làm cho Thiện thích quá đi thôi.

Dì Tư thấy Thiện cứ theo ghẹo A Lìn cứ tưởng Thiện xiêu lòng và tán thật tình nên nhắc nhở:

– Người Tiều ở đây đoàn kết lắm, họ hổng có lấy vợ hay gả con cho người Việt mình đâu!

Thiện cười nói với dì Tư:

– Con ghẹo cho vui thôi dì ơi! Lấy A Lìn về rồi mỗi khi vợ chồng xích mích cổ xổ toàn tiếngTiều thì có mà điếc luôn.

Ngày mùng hai âm lịch, nhà dì Tư lại cúng cô hồn và cúng tạ công việc sản xuất làm ăn tiến triển thuận buồm xuôi gió, lần này dì Tư đổi món không mua vịt quay của A Sìn mà mua hai con gà về nấu cháo xé phay. Sau khi cúng, mâm cỗ hạ xuống, cả nhà quây quần ăn uống, thấy ai cũng dùng đũa gắp miếng thịt gà trật vuột sanh ngứa mắt, dì Tư sẵn hai tay xé phay còn đầy mỡ bèn quẹt cả bàn tay lên dĩa thịt luôn, thế là cả nhà bỏ đũa để dùng tay cắn gặm thịt một cách ngon lành. Dì Tư xé thịt không nhìn Thiện, miệng cười tủm tỉm:

– Thịt gà thiếu nước chấm của A Sìn mất ngon, hay là thằng Thiện qua bển xin một chén?

Cả nhà cười nắc nẻ trong lúc miệng người nào cũng bóng nhẫy mỡ và nhồm nhoàm ngấu nghiến thịt gà. Thằng Tú con dì Tư tức em họ của Thiện xít vào:

– A Sìn hổng cho chứ A Lìn cho liền, nếu anh Thiện qua xin.

Nhân lúc vui vẻ, dì Tư kể chuyện cũ: Hồi nẳm thời ông Thiệu, dì lên Sài Gòn học ở trường Khai Nguyên, rồi gặp dượng Tư, hai người yêu nhau và sau khi ra trường thì lấy nhau, vài năm sau bảy lăm thì cha chồng mua cho căn nhà này, lúc ấy rẻ lắm vì chủ đã bỏ đi vượt biên rồi. Cả khu này lúc ấy nhà chỉ có vài cây vàng, những nhà trong hẻm thì còn rẻ hơn nữa. Khi dì về đây thì có lẽ nhà dì là gia đình Việt duy nhất, thế rồi dòng người phe chiến thắng từ ngoài kia tràn vô, họ được cấp cho những căn nhà mà chủ đã đi vượt biên hoặc những căn nhà bị tịch thu vì đánh tư sản… Dí Tư cũng như A Sìn, A Luối, A Chảy… đều sợ lắm, lòng thấp thỏm bất an không biết ngày mai sẽ ra sao, không biết khi nào sẽ đến lượt nhà mình bị tịch thu. Cứ mỗi tuần đều phải đi họp tổ dân phố ở phường để nghe tay bí thư trọ trẹ lên lớp toàn những điều trời ơi đất hỡi hiểu được chết liền! Dì Tư kể, những lúc như thế A Sìn thì thầm với dì: “ngộ với nị là bạn láng giềng tốt, có gì giúp nhau nha, ngộ sợ quá”. Dì Tư cũng gật đầu cho qua chứ thâm tâm dì Tư cũng sợ sốt vó, bản thân mình còn hổng  biết sống chết ra sao thì làm sao giúp được ai, thân phận con dân lúc này như con sâu cái kiến. A Sìn là người Tiều thì còn thê thảm hơn, bị phân biệt đối xử, bị đe dọa trục xuất… Thời gian nặng nề trôi qua, mấy năm sau này thì có dễ thở hơn, bây giờ kinh tế coi mòi phục hồi nên đời sống cũng đầy đủ hơn. Nhà A Sìn giờ đang chờ ngày đi Mỹ. A Sìn không muốn đi nhưng phải đi để con cái sau này không phải khổ.

Dượng Tư vỗ vai A Sìn:

– Nị đi Mỹ coi như thoát rồi hén, hổng còn họp tổ dân phố nữa hén! Qua Mỹ sống với xã hội văn minh chứ không lẽ ỡ đây quay vịt cả đời sao?

A Chảy, quả thật tên sao người vậy, cái mặt chảy dài, bọng mỡ dưới mí đùn lên trông rất nặng nề. Y nối lời dượng Tư:

– Hây da, anh Dậu (chồng dì Tư tên Việt là Hữu nhưng A Chảy gọi theo kiểu Tiều là Dậu) nói đúng đó! A Sìn qua bển sống với văn minh đi, quay vịt hoài hổng ngóc đầu dậy được đâu! Qua bển để A Lìn còn cơ hội đổi đời nữa chứ!

Một buổi chiều tháng chín, Thiện vừa đi học về thì thấy A Sìn sang nhà dì Tư:
– Ngộ phỏng vấn đậu rồi, lẽ ra đi liền sau bữa tiệc chia tay nhưng ngộ dời ngày lại đến tháng chạp mới đi. Ngộ đi rồi nị ở lại mạnh giỏi hén.

Dì Tư hỏi:

– A Sìn đi còn nhà cửa thì sao?

– Ngộ kêu bán ba trăm lượng, nị là hàng xóm quen biết lâu nay, nếu có mua thì ngộ bớt cho chút đỉnh

– Tui cũng muốn mua để cho thằng con lớn, ngặt vì đang dồn vốn đầu tư vào hãng túi nylon nên không đủ tiền, nị đi Mỹ thì cũng đâu có chịu trả góp phải không?

– Nị nói đúng dồi, ngộ đi Mỹ nên bán đứt luôn chứ trả góp sao được?

Dì Tư quay qua Thiện:

– Con nhắn tin ba má con liệu mua nổi không? nếu mua nổi thì mai mốt ra trường ở lại Sài Gòn lập nghiệp luôn!

Thiện cười:

– Trời, ba trăm cây chứ đâu phải ba mươi cây dì! ba má con làm gì mua nổi.

Tháng chạp năm ấy cả nhà A Sìn lên máy bay đi Mỹ bỏ lại tiệm vịt quay Hưng Ký, bỏ cả xóm giềng bao nhiêu năm ăn vịt quay mòn răng vẫn còn thèm. A Sìn đi mà tiếc nuối không kịp ăn cái tết lần cuối ở Việt Nam. Không biết A Sìn qua Mỹ có còn tiếp tục nghề quay vịt nữa không? Hổng biết qua bển A Sìn có chịu chỉ cho ai cái bí quyết gia truyền quay vịt làm nước tương ấy? A Lìn đi Mỹ rồi vỉa hè trước nhà tự nhiên thấy trống vắng dễ sợ, dưới gốc trâm vẫn còn gánh bò bía, xe xương sáo nhưng sao tự nhiên thiếu thiếu gì đâu. Mỗi chiều Thiện đều ra vỉa hè ăn bò bía thấy nhớ A Lìn cười lỏn lẻn: “con gái Diệt đẹp mà sao nị hổng yêu?”

Tháng bảy năm sau, thằng Tưởng con dì Tư tốt nghiệp đại học, nó học giỏi, đậu thủ khoa, ra trường lập tức được một công ty Hàn Quốc nhận làm ngay. Ngặt nỗi trước đó vài hôm phường tống cho cái giấy gọi khám nghĩa vụ quân sự. Dì Tư càm ràm:

– Thời bình sao còn bắt con người ta đi lính? Chiến tranh đã hết mấy chục năm rồi còn gì! Dượng Tư nói:

– Thời buổi này là vậy đó, phải chi thôi, chịu chi thì mọi việc suôn sẻ, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Bộ bà hổng nghe người ta nói hả? “cái gì hổng mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”.

Dượng Tư vốn dân làm ăn, giao thiệp rộng rãi, quen biết nhiều. Có người bạn cũng có con bị gọi đi nghĩa vụ quân sự, người ấy chi tiền để có cái giấy bệnh nên miễn suốt đời. Một hôm trong tiệc rượu, người ấy giới thiệu dượng Tư với tay quận đội trưởng, hắn tên Tín Kiệt, vì mới quen sơ nên hắn ta giữ kẽ chẳng nói gì đến chuyện miễn hay hoãn nghĩa vụ quân sự. Hắn chỉ ba hoa khoác lác chuyện trời đất, chuyện ăn chơi gái gú… đến khi rượu đã thấm, người đã sần sần, hắn ta tuôn hết:

– Những năm trước làm cái giấy miễn nghĩa vụ quân sự rất dễ, giờ thì khó lắm, cấp trên đã để ý rồi.  Tại vì phường không giao đủ quân số, toàn con nhà nghèo đi nghĩa vụ quân sự chứ hổng thấy con nhà giàu. Có người đã đặt câu hỏi rồi.

Dượng Tư vẫn chịu nhục hạ mình năn nỉ y, tất nhiên là hứa hậu tạ khi xong việc, trước mắt thì dúi vào túi quần y mấy chục triệu. Sau bữa tiệc rượu, dượng Tư kể lại cho dì Tư nghe. Dì Tư hạ quyết tâm cứ như nữ tướng ra lệnh:

– Cỡ nào cũng phải lo cho được cái giấy hoãn hay miễn nghĩa vụ quân sự cho thằng Tưởng, tốn bao nhiêu công sức của cải nuôi con ăn học, giờ ra trường bị đi lính thì uổng quá, bao nhiêu công của đổ sông đổ biển hết, tương lai coi như chấm hết, tuổi trẻ chỉ có một thời không thể phí hoài cho việc nghĩa vụ tào lao.

Dượng Tư nói với dì Tư:

– Thằng chả nói cũng có lý, con nhà giàu ai cũng chạy giấy miễn nghĩa vụ quân sự nên phường thiếu quân, một mặt hắn ta làm khó để vòi vĩnh nhiều tiền hơn.

Bạn dượng Tư trực tiếp điều đình với hắn ta sau bữa nhậu ấy nhắn tin: “giấy hoãn nghĩa vụ quân sự một năm giá mười lít, hoãn trong vòng năm năm giá năm chục lít, giấy miễn suốt đời một trăm củ, anh chọn loại nào thì bỏ tiền vào bao thư đem đến nhà y, anh cứ để ngay bàn làm việc của y, thế là xong việc. Tui với mấy người bạn khác cũng đều làm như vậy, mình và hắn ta đều ngầm hiểu và cùng có lợi”.

Tháng sau thì dì Tư nhận được cái giấy hoãn nghĩa vụ quân sự năm năm. Dì cầm cái giấy hoãn đưa cho thằng Tưởng và nói:

– Đây là cái bùa hộ mạng, nhờ nó con không phải đi lính, của đi thay người.

Thiện cũng cầm cái giấy ấy được lướt qua thấy cũng đơn giản mấy hàng chữ, đại khái giấy ấy nói thằng Tưởng sức khỏe yếu không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ nên hoãn trong vòng năm năm. Dì Tư thấy Thiện đọc cái giấy ấy nên nói:

– Năm sau con ra trường, thế nào cũng phải chạy cái giấy này, hộ khẩu con ở dưới tỉnh chắc cái giá bằng nửa hay một phần của Sài Gòn.

Thiện khờ khờ hỏi ngu:

– Hổng có cách nào khác sao gì? Ai cũng phải đi nghĩa vụ quân sự à?

– Ở xứ này thì ai cũng phải vậy thôi, mình ở trong vòng thì phải chịu, may mà mình còn khá giả có tiền chi để có cái giấy miễn hay hoãn đi lính. Mình còn may mắn hơn những nhà nghèo, con cái học có giỏi cỡ nào đi nữa mà không có tiền chi thì đành chịu đi lính. Nhà A Sìn vậy mà sướng, thoát rồi!

Tiểu Lục Thần Phong

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search