T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Vấn Lệ & Hoàng Hưng: Vĩnh Biệt Đặng Tiến Paris

Vĩnh Biệt Đặng Tiến Paris

Hôm qua,

Tôi không làm gì cả / chỉ đi lang thang chơi…

Nắng rực rỡ trên đồi, mùa hoa vàng đã tới!

Tôi không chuyện để nói / với bất cứ người nào.  Tôi chỉ Vĩnh-Biệt-Chào nhà Phê Bình Đặng Tiến.

Anh mới rất lưu luyến / với Quê Hương , anh về.  Anh qua Pháp từ khuya / cuộc thanh bình chưa thức!

Anh xa quê đi học / bằng học bổng quốc gia…Hồi. đó anh đi xa / không thấy gì xa lạ.

Khi anh biết xứ lạ, anh muốn về, phải về…Dĩ nhiên anh bị chê…bởi anh lòng rất cũ!

Rồi anh lại xa xứ, sống, bình văn hiền hòa.  Anh mong thời gian nhòa / những vết thù quá khứ.

Nước ta không Lịch Sử!  Dân ta loài bơ vơ…Anh vùi đầu vào Thơ / mơ màng thời Cách Mạng!

Rồi tim anh trúng đạn dù không có dấu ghim.  Anh nhắm mắt nằm im.  BBC loan báo…

*

Thú thật tôi lảo đảo / đường đi chơi hôm qua.  Sinh nhật anh xuýt xoa / viết lời mừng chưa nguội…

Phải chi anh kịp nói / câu tiếng Pháp Bonjour!  Tôi nâng một cành hoa, nói nhỏ lời Vĩnh Biệt!

Anh Đặng Tiến đi thiệt ngày-của-tôi-hôm-qua!

Trần Vấn Lệ

HOÀNG HƯNG: VĨNH BIỆT NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC ĐẶNG TIẾN (PHÁP)

Ông ra đi lúc 8 giờ sáng nay (giờ Paris) tại Orleans!

Xin chân thành chia buồn với chị và gia quyến. Xin thắp một nén tâm hương cầu nguyện cho hương linh ông siêu thăng!

Không quên những ngày đầu gặp anh ở Paris trong chuyến sang Pháp lần đầu năm 2000.

Anh đến thăm mình ở chỗ trọ để đưa đi chơi, vội quá, đỗ xe sai chỗ, bị phạt!

Anh tổ chức cho mình nói chuyện về dịch thơ Apollinaire ở lớp Việt Nam học Đại học Paris 7.

Đặng Tiến sinh năm 1940 tại Quảng Nam, tốt nghiệp ĐH Văn khoa Sài Gòn năm 1963. Bắt đầu viết điểm sách, phê bình từ 1960, cho các báo Tin sách, Mai, Bách khoa… và nhiều nhất là cho tạp chí Văn. Ra nước ngoài từ năm 1966, lập nghiệp tại Pháp, dạy văn chương Việt Nam trong ban Việt học, ĐH Paris 7, từ ngày thành lập (1969) đến ngày nghỉ hưu (2005). Học thêm về lý luận văn học với Julia Kristeva và dân tộc học với Levi Strauss. Sau 1975, viết cho nhiều tạp chí ở trong nước. Tác phẩm chính: Vũ trụ thơ, NXB Giao điểm, 1972; tái bản năm 2008, kèm theo Vũ trụ thơ 2 tại Hoa Kỳ. Hiện nghỉ hưu tại Orleans, Pháp.

Đặng Tiến là một trong số không nhiều nhà nghiên cứu văn học chuyên sâu về Thơ Việt Nam, và thấu cảm Thơ như một Nhà Thơ!

TUỔI TRẺ (VN): Nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời ở Pháp

Nhà phê bình Đặng Tiến – tác giả của tập phê bình nổi tiếng “Vũ trụ thơ” – vừa qua đời tại Pháp hôm nay 17-4, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhà phê bình Đặng Tiến trong ngôi nhà đầy tranh của mình tại Pháp – Ảnh: Facebook Đặng Tiến

Nhà văn Vũ Hồi Nguyên từ Paris chia sẻ với Tuổi Trẻ Online cho biết ông và bạn bè được vợ của nhà phê bình Đặng Tiến thông báo tin buồn vài giờ trước. 

Đây là tin đột ngột với người thân, bạn bè, bởi mới chục ngày trước, mọi người còn được thấy ông đăng bài trên trang Facebook cá nhân, giao lưu bạn bè.

Nhà văn Vũ Hồi Nguyên cho biết Đặng Tiến là nhà phê bình thơ đương thời mà ông yêu thích nhất. Cuốn Vũ trụ thơ là một trong những cuốn sách quan trọng đối với ông.

Theo Vũ Hồi Nguyên, viết phê bình thơ rất khó nhưng Đặng Tiến có nhiều thành tựu, không chỉ vì một tình yêu đặc biệt với thơ, mà còn bởi lối làm việc khoa học, dấn thân. Ông đi nhiều, chuẩn bị tư liệu phong phú cho mỗi bài viết.

Ngoài văn chương ông còn viết cả phê bình mỹ thuật. Thú vui, niềm đam mê của ông sau thơ và phê bình chính là chơi tranh.

Từng đến thăm nhà của Đặng Tiến, ông Vũ Hồi Nguyên kinh ngạc trước bộ sưu tập tranh rất quý và đồ sộ như một bảo tàng của chủ nhà.

Yêu văn chương, hội họa, tài hoa mà lại rất “lành”, nên Đặng Tiến có được mối thân tình sâu rộng với cả giới văn nghệ sĩ Việt ở hải ngoại lẫn trong nước.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn đánh giá Đặng Tiến là nhà phê bình thơ tài hoa, có phong cách và có thành tựu.

“Công trình Vũ trụ thơ (1972) của ông, theo tôi, cho thấy sự kết hợp khá nhuần nhuyễn một số tri thức phê bình hiện đại với khả năng phát hiện, nhận định, diễn giải mang tính cá nhân rất riêng.

Những bài viết của ông về Nguyễn Du, Bùi Giáng, Cao Tần, Đinh Hùng, Bà huyện Thanh Quan, Tản Đà, Văn Cao… đều có những phát hiện thú vị, đáng tham khảo.

Ông gây ấn tượng với lối viết trò chuyện, dẫn dắt, tâm tình, tự do liên tưởng. Ông tự nhận ‘coi như vì tham chữ mà rách chuyện’ nên hay thả lỏng ý nghĩ của mình, không hẳn hướng về đối tượng nghiên cứu, mà đôi khi còn để rẽ ngang bộc bạch một cách nghĩ về cuộc đời, thế sự”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông còn đánh giá cao Đặng Tiến ở khía cạnh là nhà phê bình sớm kết nối, kết giao với nhiều bạn văn, thi sĩ trong Nam ngoài Bắc, trong nước và ngoài nước, dù họ sống, sáng tạo ở những bối cảnh văn hóa – xã hội có nhiều điểm khác biệt.

“Nhìn ở điểm này, tôi nghĩ, ông thật đáng quý vì lòng liên tài và sự trân trọng văn chương, thơ ca tiếng Việt”, ông Tuấn nói.

Đặng Tiến sinh ngày 30-3-1940 tại làng An Trạch, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc TP Đà Nẵng). Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963, ông bắt đầu viết phê bình văn học từ năm 1960.

Ông ra nước ngoài từ năm 1966, lập nghiệp tại Pháp từ năm 1968, dạy Pháp văn cho một trường trung học Pháp. Làm giảng viên văn học Việt Nam trong ban Việt học, Đại học Paris VII từ ngày thành lập năm 1969 đến khi nghỉ hưu năm 2005, sống cùng gia đình tại Orleans, Pháp.

Ông có bút hiệu Nam Chi.

Bài Mới Nhất
Search