T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Vấn Lệ: TỪ KHI EM LÀ NGUYỆT (Tập Thơ)

XIN BẤM VÀO ĐÂY:

Trần Vấn Lệ: TỪ KHI EM LÀ NGUYỆT (Tập Thơ)

TỪ KHI EM LÀ NGUYỆT

Trần Vấn Lệ

Biên tập & đọc bản thảo: Nguyễn Thiên Nga

Bìa & dàn trang: Lê Nguyễn Minh Quân

Nhân Ảnh xuất bản năm 2023

Copyright © 2023 by Tran Van Le

TỰA

Nghìn Đóa Bình Minh Một Nhớ Thương!

Nguyễn Thiên Nga

Hơn một lần, tôi đối diện với Thi Sĩ Trần Vấn Lệ trong Vườn Thơ để lắng nghe ông kể, ông tỉ tê về mưa nắng, trăng sao và đặc biệt là về Đà Lạt, quê hương yêu dấu; hay nghe ông nhẹ nhàng kể về những nỗi buồn đau da diết cùng nỗi nhớ thật đầy, thật dài về một mái ấm gia đình thân yêu với dáng Mẹ, dáng Cha, dáng ngoại lom khom trong vườn cau Nam Phổ. Đặc biệt, ông chẳng bao giờ quên dáng người xưa với tà áo dài, áo bà ba, mái tóc thề bay bay trong gió…

Cũng nhiều lần, tôi bước vào Vườn Thơ của ông để thưởng thức hương thơm của nắng gió ân cần, cả mùi hương đặc biệt của nhựa thông, của lá non, của phấn vàng rắc đầy nỗi nhớ. Hồn bâng khuâng cùng những đóa hoa dại muôn màu và những thảm cỏ nằm ngoan dưới chân đồi cũng ngan ngát hương dịu dàng, tinh khiết…

Vườn Thơ của ông – thi sĩ Trần Vấn Lệ, vương vương mây bay. Tôi vô tư ngắm mây bay trong khoảng trời mộng ảo đang thả trên con đường Thơ những bóng nắng xoe tròn. Tôi ngắm mây bay qua thềm, thềm nhà có hoa, rưng rưng nhớ những chiều xưa xa… Rồi một chiều rưng rưng theo bao áng mây bay ngoài cửa lớp – tà áo nữ sinh trắng rợp sân trường và nhớ tới một bài thơ cũ:

Nhìn các em ngồi đó

Một góc sân trường xưa

Thương quá thời nắng gió

Nhớ quá chiều, sáng mưa…

Đà Lạt, các em ở.

Đà Lạt, Thầy bỏ đi.

Các em thì vẫn nhỏ

Như vầng trăng núi kia…

Đà Lạt các em ở

Xanh biếc nhé bầu trời

Ngước lên nhìn nỗi nhớ

Thầy là áng mây trôi…

(Nhớ Đà Lạt – Trần Vấn Lệ)

Vườn Thơ Trần Vấn Lệ còn có những Nụ Hôn thật ấm áp, thật tình.

Màu Mưa trong thơ ông cũng khác, trong veo mà lung linh.

Mái Tóc người con gái trong thơ ông đã chiếm vị trí “độc quyền”, tôi nghĩ vậy. Tóc – Mây quyện hòa, huyền hoặc dưới ánh trăng mơ màng. Ánh trăng ấy, màu trăng ấy, và cả người mang tên trăng ấy đã đẹp hơn rất nhiều, màu nhiệm hơn rất nhiều trong Vườn Thơ đầy hoài niệm này.

Tôi yêu ánh trăng trong Vườn Thơ Trần Vấn Lệ, từ vầng trăng hao khuyết đến trăng tròn vành vạnh hay thậm chí trăng mang hình trái tim; từ trăng non đến trăng già thấy rõ chú Cuội ngồi gốc cây đa mơ thấy nàng Hằng Nga; từ ánh trăng xanh hồn nhiên, ánh trăng vàng ấm áp đến bóng trăng lạnh tháng Mười Hai buốt giá …

Tuy nhiên, tôi thấy mình không đủ sức, không đủ vốn từ để diễn đạt được hết cảm xúc của mình về Trăng trong thơ của ông. Trăng khiêm nhường mà bàng bạc không gian. Trong cái bàng bạc, mênh mông ấy, tôi thấy mình quá nhỏ bé. Mà không nhỏ bé sao được, khi mỗi ngôn từ thi sĩ viết ra đã có âm thanh mê hoặc, vẻ đẹp rất riêng. Từng dòng thơ kết nối nhuần nhuyễn, mạch suy tưởng nhẹ nhàng.

Tôi sợ sự rườm rà khi đi phân tích ý nghĩa từng con chữ, lắng nghe âm thanh của từng chiếc vỏ ngôn ngữ. Tôi càng không dám so sánh Trăng trong thơ Trần Vấn Lệ với Trăng của những thi sĩ đi trước đã để lại quá nhiều ấn tượng. Ánh trăng đã là nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật và mỗi người đều có cách biểu đạt của riêng mình. Dĩ nhiên, tôi cũng sợ mình đi lạc trên Đường Trăng ấy.

Tôi đi làm công việc thường ngày của một người bạn nhỏ.

Vào Vườn Thơ riêng ông, cần mẫn và hết sức nhẹ nhàng, tôi gom từng ánh trăng đêm hay trăng buổi mai. Bâng khuâng, mơ màng và tôi tưởng như đang nghe thấy tiếng thở đều đều bình an của một người bạn lớn sống bằng Thơ, sống nhờ có Thơ đang ở bên kia đại dương.

Khi viết những dòng này, tôi đã có hẳn một “góc vườn” lấp lánh ánh trăng.

Đường Trăng mong không hiu quạnh.

Vườn Trăng mong luôn thơm ngát hương đêm.

Tháng 7/2023

Nguyễn Thiên Nga

Bài Mới Nhất
Search