T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trịnh Y Thư: CHỈ LÀ ĐỒ CHƠI (Tạp Bút)

Chỉ là đồ chơi

Tạp bút Trịnh Y Thư

Tạp chí HỢP LƯU xuất bản, 2012 VĂN HỌC PRESS tái bản, 2019

Định dạng eBook, VĂN HỌC Press, 2023

Copyright @ 2012, 2019, 2023 by Trịnh Y Thư & Văn Học Press All rights reserved, which includes the right

to reproduce this book or portion thereof in any form whatsoever as provided by the U.S. Copyright Law.

Thiết kế sách:

TRỊNH Y THƯ

Thiết kế bìa:

ĐINH TRƯỜNG CHINH

Tranh bìa:

Hoa cắm trên đầu @ Đinh Trường Chinh 24” x 30”, sơn dầu trên bố, 2017

Chân dung tác giả: Trịnh Y Thư (Selfie, 2019)

Rosicrucian Egyptian Museum San José, California

ISBN: 978-1-07-871030-5

Thay lời tựa

Những bài viết trong tập sách nhỏ quý độc giả đang cầm trên tay đây – ít có bài nào dài quá bốn, năm trang giấy – không thể gọi là tiểu luận. Thông thường, tiểu luận văn học yêu cầu người viết phải dựa vào một cơ sở lý luận phê bình nào đó (Cấu trúc luận, Nữ quyền luận, chẳng hạn). Nếu không thì chí ít nội dung của bài phải là chuyên sâu, phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo đi vào tận cốt lõi của vấn đề được nêu ra. Tôi không phải người viết tiểu luận bởi tôi dị ứng với các lý thuyết văn học và chủ yếu tôi là người sáng tác. Những bài viết trong cuốn sách này chỉ là những suy nghĩ rời rạc, lúc băn khoăn nghi vấn, lúc sôi nổi xác định, về văn chương nghệ thuật, về những điều tôi hằng trân quý trong cuộc sống bình nhật. Bởi thế tôi gọi chúng là tạp bút, một cụm từ chung chung, hiểu thế nào cũng được, lan man đi từ đề tài này sang đề tài khác, không có chủ hướng, mục đích nào nhất định. Gọi là tản mạn, phiếm luận cũng không sai trật bao nhiêu.

Tuy thế, dù không nhận mình là kẻ viết phê bình, những bài viết này phần nào phản ánh quan điểm của tôi về nghệ thuật, một quan điểm rất chủ quan và đôi khi cực đoan.

Chủ quan là đương nhiên bởi đây là quan điểm của một cá nhân đơn lẻ, nhưng tại sao lại cực đoan và nên hiểu cực đoan theo ý nghĩa nào?

Theo tôi, người nghệ sĩ sáng tác – khác với chính trị gia vốn khéo léo luồn lách, lúc ngả bên này lúc nghiêng bên kia, lấy sự hư ngụy làm sự thật – phải là kẻ có quan điểm nhất quán, chặt chẽ và xác tín về nghệ thuật của hắn. Hắn chỉ biết lắng nghe tiếng nói tâm hồn mình chứ không tiếng nói nào khác. Đi chệch ra khỏi đường lối này, kẻ sáng tạo chỉ có thể sản xuất ra những tác phẩm khó coi, một thứ đồ dùng cho các yêu cầu phi văn nghệ. Sự thất bại thê thảm của nền văn nghệ chỉ đạo bởi cái-gọi-là Hiện thực Xã hội chủ nghĩa ở các quốc gia cộng sản thế kỷ vừa qua là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy nếu xóa bỏ đi cái phần tâm hồn của tác giả ra khỏi tác phẩm và thay vào bằng chỉ thị, yêu cầu, đường lối, chính sách của nhà nước thì tác phẩm trở nên xơ cứng, nhạt nhẽo, thậm chí lố bịch, khôi hài. Tác phẩm nghệ thuật, nằm bên dưới cái vỏ hình thức biểu đạt, bên dưới cái phong cách nghệ thuật độc đáo do tài năng thiên bẩm cộng với công lao khó nhọc tìm tòi học hỏi suốt đời, phải chăng chẳng qua chỉ là những ảnh tượng linh động được biểu hiện, bay bổng và phô diễn phần nào tâm hồn kẻ sáng tạo ra nó.

Có thể chia thế giới văn nghệ ngày nay thành ba vùng: vùng cách tân, vùng truyền thống và vùng đại chúng, trong đó vùng đại chúng chiếm tuyệt đại đa số. Sự phân chia như vậy có thể bị xem là khiên cưỡng và không chuẩn xác chút nào bởi luôn luôn có sự giao thoa đan xen giữa vùng nọ với vùng kia. Lại càng sai nếu chúng ta áp đặt nấc thang giá trị lên chúng. Chẳng thể nào bảo nghệ thuật hễ cứ cách tân là hay, có giá trị cao, còn bám giữ truyền thống cũ kỹ, là dở. Tuy vậy không ai chối cãi được các trào lưu văn nghệ cách tân từ cuối thế kỷ XIX đến nay đã đem lại cho nhân loại cái nhìn thật mới mẻ về nghệ thuật. Nó khai mở những chiều kích khác về sự vật và con người mà trước đó không mấy ai nhìn thấy. Nó đem lại thật nhiều thành tựu tốt đẹp về cả mặt tư tưởng lẫn nhân sinh. Diện mạo thế giới ngày nay sẽ khác xa cái đang hiện là nếu không có những tâm hồn nổi loạn luôn luôn muốn đập phá cái cũ kỹ để sáng tạo cái gì mới hơn.

Nhưng kẻ sáng tạo cũng biết rõ một điều khác nữa. Đó là, cái hắn sáng tạo chẳng phải là chân lý, nó “chỉ là đồ chơi,” và bởi thế hắn không hề muốn áp đặt điều hắn tin tưởng lên bất cứ ai khác. Văn chương nghệ thuật chẳng qua chỉ là “đồ chơi,” kỳ thực đấy là quan điểm của nhà văn Võ Phiến. Nhưng nếu hiểu nó chỉ là đồ chơi tầm thường như trăm nghìn thứ đồ chơi khác trong cuộc sống thì có lẽ chúng ta hiểu sai ông nhà văn. Một mặt chúng ta chẳng thể nào xem nó như món đồ chúng ta rị mọ đẽo gọt mài giũa để chơi đùa thỏa thích dăm ba bữa rồi bỏ xó, bởi văn học nghệ thuật là chỉ dấu của tri thức con người, là biểu hiệu của thời đại chúng ta sống. Nhưng mặt khác nếu o ép nó phải “phát ngôn ý thức của nhân dân” hoặc “diễn đạt nhu cầu phát triển con người và xã hội cao nhất của thời đại và dân tộc” như các quan chức văn hóa nhà nước hay phát biểu mỗi khi đăng đàn diễn thuyết, thì ngay lập tức nó bị trút lên vai gánh nặng như quả núi và nó chết bẹp dưới trọng lực khôn kham của sứ mệnh. Ở các quốc gia khác tôi không rõ nhưng ở Việt Nam văn nghệ gồng gánh sứ mệnh lịch sử chưa đủ, nó còn phải ưỡn cái ngực lép ra hứng chịu không biết bao nhiêu vấn đề mỗi ngày mỗi chồng chất cao hơn của xã hội.

Sở dĩ có tình trạng này là vì truyền thống “văn dĩ tải đạo” – mà nguyên do chính là ý thức hệ Khổng-Mạnh, hoặc đúng hơn, cái bề trái phù phiếm của lý học Tống-Nho vốn thiên về sự cùng lý thành ra câu chấp, bó buộc, ảnh hưởng không tốt đến sự tiến hóa – vẫn bám chặt lương tri người cầm bút Việt Nam và thời đại của tôi chứng kiến đoạn kết một giai đoạn lịch sử khốc liệt hơn trăm năm từ ngoại xâm đến nội chiến. Bởi thế văn nghệ sĩ, hơn ai hết, phải là kẻ đau nỗi đau chung của dân tộc. Thật ra đã có không ít những tác phẩm tầm cỡ như con phượng hoàng bay lên từ cõi hoang tàn đổ nát ấy. Cũng không thiếu những nhà văn, nhà thơ dấn thân, nhập cuộc. Họ là kẻ sĩ thời đại, là kỹ sư tâm hồn. Họ là những người đáng cho chúng ta khâm phục và kính trọng. Thế nhưng, văn nghệ bám sát vào hiện thực xã hội, tả chân hoặc phê phán, rất dễ có nguy cơ biến thành phóng sự, và quan trọng hơn, nó thiếu sót phần tưởng tượng mà tưởng tượng mới chính là dòng máu nuôi dưỡng một tác phẩm nghệ thuật. Nó là cảm xúc chủ quan của kẻ sáng tạo.

Xin đừng hiểu đây là xung đột tất yếu giữa hai quan điểm về nghệ thuật. Cuộc luận chiến “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” đã xảy ra từ những năm 20 của thế kỷ XX trên đất Nga (ở Việt Nam vào những năm 30) giữa những nhân vật của nhóm Kiến trúc chủ nghĩa sau Cách mạng Tháng Mười. Đấy là cuộc luận chiến vô bổ, không kẻ thắng người bại và thật ấu trĩ nếu ngày nay có người đem đề tài này ra bàn cãi lại. Ở thời đại của chúng ta, tác phẩm nghệ thuật thường không thể tách rời ra khỏi các yếu tố nhân sinh. Ngược lại một tác phẩm muốn phơi trần vấn nạn nhân sinh mà thiếu tính nghệ thuật thì rất dễ rơi vào tình trạng một văn bản tuyên truyền. Cuốn tiểu thuyết Một ngày trong đời Ivan Denisovich của nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn, bên cạnh sự kiện hiển nhiên là bản cáo trạng về tội ác của chế độ độc tài toàn trị Stalin như nhiều người nhận định, còn là một kiệt tác văn học. Chính nhờ tính nghệ thuật của tác phẩm, cuốn tiểu thuyết có tính thuyết phục hơn các văn bản lên án tội ác chủ nghĩa Stalin ra đời trước đó. Không những thế nó còn ở lại với chúng ta trong thời gian thật lâu dài, nếu không muốn nói là mãi mãi, như một chứng nhân lịch sử.

Sự thật là ngày nay văn nghệ lâm vào ngõ cụt. Văn nghệ sĩ “nhập cuộc” ai nấy hăm hở ở thuở ban đầu tưởng có thể đem tài năng mình ra làm đẹp xã hội, giúp ích nhân quần, nhưng họ thường mau chóng thất chí trước bạo lực chính trị cực quyền, trước quy luật kinh tế và thậm chí trước quán tính xã hội. Ngòi bút nhà văn đôi lúc trông giống như mũi thương của Don Quixote xung kích vào cái cối xay gió! Ở cầu vực bên kia tình trạng cũng không mấy khá hơn. Thế kỷ XX người ta chứng kiến không biết bao nhiêu đổi mới trong quan điểm và kỹ thuật sáng tác, nhưng ngay từ thập kỷ 60, người ta đã bắt đầu băn khoăn sau Hiện đại sẽ là cái gì. Chủ nghĩa Hậu Hiện đại ra đời vào thập kỷ 70 như một cố gắng quay về cái truyền thống để tìm sự dung hòa sau khi điên đầu với hàng chục cái “phi” – kịch “phi” lý, nhạc “phi” chủ âm, tiểu thuyết “phi” tiểu thuyết, hội họa “phi” biểu hình, v.v… – của chủ nghĩa Hiện đại. Thế nhưng không ai quay lại với truyền thống tuyệt đối cả, người ta vẫn ra công gắng sức tìm tòi, đào xới những miền đất lạ. Biết là hoài công nhưng họ không bao giờ bỏ cuộc. Như con dã tràng xe cát. Như Hoàng Cầm suốt đời đi tìm lá diêu bông. Để làm gì, cho ai, thì ngay chính họ cũng không ai biết rõ.

Văn nghệ là một cuộc hành trình xuyên vũ trụ, không bao giờ đến đích. Nó không cần đặt ra mục đích của nó là gì. Nó không đi tìm cái hoàn mỹ bởi làm gì có cái hoàn mỹ tuyệt đối trên đời. Nó không luận đến thành công hay thất bại. Nó nhận thức rất rõ một điều là nếu nó có đưa ra một luận thuyết, một tư tưởng nào thì sớm muộn luận thuyết, tư tưởng đó cũng sẽ chìm vào quên lãng. Và, theo tôi, đấy chính là bản chất muôn đời của văn nghệ.

Đôi điều về các ấn bản 2019, 2023

Cuốn sách, sau khi ra mắt bạn đọc năm 2012, đã nhận được khá nhiều phản hồi tốt đẹp, chẳng những từ nhiều bạn văn của tác giả mà cả người đọc nói chung. Đấy là khích lệ lớn cho một người cầm bút, và nhờ thế tôi đã mạnh dạn tái bản cuốn sách, với nhiều sửa chữa. Trong lần tái bản này, ở nhiều bài viết, tôi khai triển thêm ý, viết thêm lời. Bên cạnh đó, tôi cũng tăng bổ vào sách những bài viết trong thời gian mấy năm qua, và lấy ra một số bài mà tôi cho là không hợp thời gian tính hoặc không đạt tiêu chuẩn nghệ thuật như ước muốn.

Và sau cùng, trong thời đại Internet, sách giấy càng ngày càng thưa thớt, ít người tìm đọc, nên tôi quyết định thực hiện thêm ấn bản định dạng eBook vào năm 2023. Chỉ có một vài thay đổi không đáng kể trong ấn bản này, phần nhiều là hình thức. Với eBook, tôi có thể gửi sách cho độc giả ở khắp nơi trên thế giới. Nhờ đó, biết đâu nó sẽ có thêm một đời sống nữa. Mong lắm thay.

– Trịnh Y Thư

2012 – Hiệu đính 2019, 2023.

Bài Mới Nhất
Search