T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tuyển Tập Nhạc – Nhạc Tiền Chiến – Bẽ Bàng – Lê Yên & Văn Chung

Bẽ Bàng – Nhạc và Lời: Lê Yên & Văn Chung

Ca sĩ trình bày: Thái Thanh

Đọc Thêm:

Lê Yên

(1917-1998)

Nhạc sĩ Lê Yên tên thật là Lê Đình Yên sinh ngày 30 tháng 7 năm 1917 tại Đông Yên, Quốc Oai, Sơn Tây nay thuộc Hà Nội. Ông tự học nhạc từ khi 14, 15 tuổi và biết kéo violon, violoncelle để tham gia vào các ban nhạc tài tử lúc đó, trình tấu nhạc cổ điển.

Lê Yên thuộc nhóm Tricéa cùng với Văn Chung và Doãn Mẫn. Họ cùng nhau chơi nhạc và bắt đầu sáng tác khi tân nhạc chưa chính thức hình thành. Lê Yên viết những ca khúc đầu tay Vườn xuân, Một ngày vui khi 18 tuổi, vào năm 1935.

Năm 1935 ông viết bản Bẽ bàng, năm 1937 viết Xuân nghệ sĩ hành khúc và 1945 bài Ngựa phi đường xa. Những nhạc phẩm này vẫn được các ca sĩ của Sài Gòn trước 1975 trình diễn. Ngựa phi đường xa là một trong những ca khúc ban Thăng Long trình bày được khán giả yêu thích nhất.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Yên có những ca khúc với nội dung mới mẻ Đoàn kỵ binh Việt Nam, Trận Đoan Hùng (1949), Bộ đội về làng (1950). Trong đó Bộ đội về làng được xem như một trong những sáng tác thành công của ông. Lê Yên còn phổ thơ cho nhiều bài như Nhớ thơ Thanh Hải, Kể vè tướng Mỹ thơ Tạ Hữu Yên, Ai về Hà Bắc quê ta thơ Phùng Quốc Thụy…

Ngoài lĩnh vực ca khúc, Lê Yên sáng tác nhạc cho sân khấu. Ông đã viết nhạc cho hàng chục vở tuồng, chèo, cải lương và đã bỏ nhiều công sức trong việc tìm tòi, nghiên cứu những sự thể hiện cũng như hình thành các mô hình âm nhạc cho sân khấu dân tộc. Một số vở được Lê Yên viết nhạc nổi tiếng như Cô gái Kinh Bắc đoạt huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật toàn quốc 1985, Âm vang trống đồng (1984). Ngoài ra ông còn viết nhạc cho một số bộ phim như Câu chuyện làng Vũ Đại, Bài ca trên vách đá

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Lê Yên có sang học âm nhạc tại Liên Xô. Ông cũng là một trong những giảng viên đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Hà Nội. Ngoài công việc sáng tác và giảng dạy, ông còn là một nhà nghiên cứu lý luận với nhiều tham luận về âm nhạc cho sân khấu truyền thống, viết các sách Kinh nghiệm phổ thơ, Đô rê mi tự học viết chung với La Thăng… góp phần phổ cập âm nhạc cho quần chúng và đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt.

Trong Khái quát về tân nhạc Việt Nam. Thời kỳ thành lập (1938-45). Phạm Duy đã viết về nhạc sĩ Lê Yên:

Nhạc tình của Lê Yên sẽ luôn luôn theo nhạc pháp tây phương, còn tứ nhạc thì cũng không ra ngoài chủ đề nhạc tình cảm. Nhưng nhạc Lê Yên không thể buồn sâu sắc được vì tính hiếu động của chàng thanh niên nghịch ngợm mang tên Lê Yên. Tôi không được quen biết Lê Yên nhiều, chỉ gặp ông vài lần để hiểu ông là con người rất nhanh nhẹn, rất thông minh, rất bén nhạy, và không phải là người soạn nhạc tình thâm trầm. Sở trường của Lê Yên là nhạc vui, chẳng hạn bài Nghệ Sĩ HànhKhúc soạn theo thể pasodoble và bài Ngựa Phi Ðường Xa mà ban Thăng Long đã coi như bản nhạc dễ khích động khán thính giả nhất, trong do Lê Yên cho ta thấy cái tài soạn Tân Nhạc có tiết điệu nhanh nhẹn, một nhạc tính mà ta ít thấy trong nhạc Việt Nam vào thời đó.

Ông qua đời ngày 15 tháng 11 năm 1998 tại Hà Nội. Thọ 81 tuổi.

(Trích: Lê Yên – Huỳnh Ái Tông)

(Nguồn: Huynhaitongblogspot.com)

Văn Chung – nhạc sĩ của tuổi thơ
VOV.VN – Nhạc sĩ Văn Chung là một trong số những tác giả có đóng góp nhiều nhất trong việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn tuổi thơ bằng âm nhạc.

Thời còn trẻ ở Nghệ An, chúng tôi hay biểu diễn và tập hát cho các em thiếu nhi mấy bài hát của nhạc sĩ Văn Chung như “Đếm Sao”, “Lỳ và sáo”… Khi ra Hà Nội, tôi (nhạc sĩ Dân Huyền – PV) thường đến nhà bác Mai Văn Khuyến cùng làm việc ở Nhà máy ô tô 1/5 (bác Khuyến là anh của bác Văn Chung) bấy giờ tôi mới có dịp gặp trực tiếp người nhạc sĩ đã quen tên mà chưa biết mặt.

Biết tôi từng ở Đoàn Văn công Liên khu 4, do nghệ sĩ Đào Mộng Long phụ trách, lại thích sáng tác, nên ông đã chỉ bảo cho tôi rất tận tình. Khi thì vài bí quyết sáng tác, lúc thì vài “nốt” để làm vốn. Sau này về công tác ở Đài TNVN, chúng tôi  gặp nhau thường xuyên hơn.

Nhạc sĩ Văn Chung

Năm 1977, nhạc sĩ Văn Chung phải vào bệnh viện Việt Xô, các nhạc sĩ Lê Lôi, Nguyễn An và tôi vào thăm. Hồi ấy ông còn tỉnh táo đưa chúng tôi ra dãy ghế ngoài hành lang để trò chuyện. Ông chẳng nói về bệnh tật mà nhắc đến những bạn bầu ở Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) đã đến thăm. Ông chẳng kể những ca khúc viết cho người lớn mà kể những ca khúc viết cho thiếu nhi được con em của các bác sĩ ở bệnh viện vừa tổ chức liên hoan hát múa.

Văn Chung là một trong số những tác giả có đóng góp nhiều nhất trong việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn tuổi thơ bằng âm nhạc. Từ “Trăng theo em rước đèn”, “Sân trường em”,“Lượn tròn lượn khéo”, “Dung dăng dung dẻ”… đến “Bông phượng đỏ”, “Chào cô ạ”, “Thơm bé đi nào”, “Học cho chăm”… Mỗi ca khúc có một chủ đề riêng, phù hợp với từng lứa tuổi.

Nhìn vào toàn bộ những bài hát của nhạc sĩ Văn Chung dành cho các em, chúng ta thấy ông sáng tác theo một quan điểm rất rõ rệt: dùng âm nhạc để giáo dục tuổi thơ. Ông đã đề cập đến tất cả các mặt sinh hoạt, học tập của các em và hướng đến những bài học cụ thể thiết thực, bổ ích. Nếu người giáo viên dạy các em các bài học ấy bằng những tiết học thì nhạc sĩ Văn Chung đã làm chức năng của nhà sư phạm bằng âm nhạc.

Ví dụ chùm bài hát viết cho tuổi mẫu giáo như “Vàng anh ơi” nhắc các em xếp hàng trật tự khi vào ra lớp; “Con chim ngoan” nhắc các em đến lớp đúng giờ, muốn ra ngoài phải xin phép; “Bé ngoan của trường” nhắc các em đi đứng nhẹ nhàng, nhường người già, người mang vác nặng…

Khi các em còn nhỏ, phương pháp giáo dục khoa học mang lại nhiều hiệu quả nhất là sự cảm hóa bằng tình yêu thương và lòng nhân ái cao cả. Nhạc sĩ Văn Chung luôn tâm đắc điều đó nên ông thường có lối nói ngộ nghĩnh, khiến các em thích thú và khơi gợi được tính hành động tích cực trong các em.

Bài “Đỗ con khát nước” tiêu biểu cho khuynh hướng này. Ông dùng lời cây đỗ đang bị nắng hạn làm khô héo, các em đến tưới mát rồi hứa hẹn lúc trổ hoa kết quả sẽ thành món chè ăn mát bổ cho các em. Tác giả khơi dậy trong các em tình yêu thương đối với cây đỗ và giúp các em nhận thức được giá trị của lao động. Từ đó giáo dục các em lòng yêu lao động.

Là một nhạc sĩ có phong cách sáng tác đậm đà màu sắc dân tộc, ở những bài hát thiếu nhi, nhạc sĩ Văn Chung càng phát huy thế mạnh ấy. Nhưng ông đã không chỉ hạn chế mình trong điệu thức năm cung đơn thuần mà có sự tìm tòi sáng tạo, làm cho giai điệu vẫn bảo đảm tính dân tộc mà lại mới mẻ. Nhạc sĩ Văn Chung cũng xử lý tiết tấu linh hoạt và đặc biệt chú ý đến yếu tố nhảy múa trong các bài hát dành cho thiếu nhi. Chất múa này rất phù hợp với tính hiếu động của các em nên nhiều bài hát của ông đã được các em sử dụng kết hợp với múa.

Phần lớn ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Văn Chung dễ nhớ, dễ thuộc. Đó là vì ông đã luôn duy trì những âm hình chủ đạo trong mỗi bài rồi phát triển những âm hình đó, cộng với việc tổ chức bài hát trong một kết cấu hoàn chỉnh, khúc thức gọn gàng, câu cú rành rọt. Cho đến nay giai điệu nhí nhảnh vui tươi “một ông sao sáng, hai ông sáng sao…” cứ rộn ràng trong tôi với hình ảnh các bạn nhỏ tuổi ngồi đếm sao nơi quê nhà thương nhớ…

Nhạc sĩ Văn Chung (1914 – 1984), quê ở xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Trước khi về hưu, ông là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Hợp xướng, Nhạc vũ kịch Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa đầu tiên (1957). Ngoài những ca khúc viết cho thiếu nhi, nhạc sĩ còn có nhiều ca khúc quen thuộc khác như: “Vào Đông Khê”, “Hò dân cày”, “Tính hẹn cùng tình”, “Quê tôi giải phóng”, “Pi noọng ơi”, “Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng”, “Từng bước đi vững chắc”… Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012./.

Bài Mới Nhất
Search