T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tuyển tập “Những Tình Khúc Tiền Chiến Tiêu Biểu”- Tạ Từ (Tô Vũ)

TẠ TỪ

Ca sĩ trình bày: Tâm Vấn

Đọc Thêm:

“Tạ từ” của Tô Vũ là một cuộc chia ly lãng mạn cách mạng

Tác giả: Nhật Hoa Khanh

(Nguồn: Talawas)

GS nhạc sĩ Tô Vũ kể

Nhật Hoa Khanh ghi

Sáng thứ Tư, 11-11-2003, tại nhà riêng nhạc sĩ Tô Vũ (299 Bis, Nguyễn Văn Trỗi, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), tôi được ông tiếp chuyện lần thứ ba. Câu chuyện lần này xoay quanh việc sáng tác lời và nhạc “Tạ từ”.

“Thưa anh”, tôi nói, “‘Tạ từ’ đến với tôi lần đầu tiên qua giọng hát truyền cảm của nữ danh ca Minh Đỗ tại Nhà Hát Lớn Hà Nội cuối năm 1949. Tôi sinh năm 1937, lúc đó mới 15 tuổi. Mới 15, nhưng tôi đã bị cuốn hút vào từng lời ca, từng điệu nhạc, nhất là câu kết ‘Muôn kiếp cô liêu ngàn năm còn reo’. Minh Đỗ hát câu này với tất cả sự thiết tha, nồng cháy qua giọng ca trong trẻo và ngân vang của chị. Âm thanh của nhiều loại đàn đệm nổi lên đúng mức lúc ấy càng làm cho lời ca xoáy sâu vào trái tim tôi. Thưa anh”, tôi nói tiếp, “Tạ từ”, từ đó, cứ vang vọng trong tôi trên những bước đường đời.”

Nhạc sĩ Tô Vũ gật đầu mỉm cười. Ông bắt đầu kể:

“Tạ từ” nói về một cuộc chia ly, cuộc chia ly của một người bạn tôi, anh Nguyễn Văn Huấn.

Đầu năm 1947, thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp mới bùng nổ được ít lâu, tôi quen nhạc sĩ Lương Ngọc Châu. Lúc đó, anh Châu là nhóm trưởng nhóm nhạc sĩ tự do ngoài biên chế nhà nước chuyên phục vụ quân đội. Lương Ngọc Châu vốn là sinh viên kiến trúc Đại học Mỹ thuật Đông Dương nhưng đã bỏ khoa này, chuyển sang âm nhạc. Anh nhanh chóng trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng và là một trong những người kéo vi-ô-lông hay nhất Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám.

Tôi (tức Tô Vũ) sinh năm 1923. Châu sinh khoảng năm 1919, hơn tôi khoảng bốn tuổi. Vì đã học vi-ô-lông và đàn nguyệt từ nhỏ, cho nên tôi biết rõ danh tiếng Lương Ngọc Châu.

Nhóm nhạc tự do của Châu còn có hai nam thành viên nữa, đó là Ngọc Bích và Nguyễn Văn Huấn. Huấn cũng giỏi về vi-ô-lông. Anh buộc phải bỏ ngành y do phát xít Nhật giải thể một số khoa thuộc Đại học Đông Dương trong đó có Đại học Y khoa. Còn Ngọc Bích thì nổi tiếng về ghi-ta xuynh (guitare swing) từ trước Cách mạng tháng Tám.

Khoảng cuối năm 1947, tại một huyện thuộc tỉnh Thái Bình (lúc đó, tôi đang công tác ngắn ngày tại huyện này), Lương Ngọc Châu giới thiệu tôi làm quen với Nguyễn Văn Huấn.

Mấy hôm sau, Huấn đưa tôi đến một huyện khác cũng thuộc Thái Bình (hình như huyện Đông Quan thì phải) để thăm Ánh Hà, người bạn gái rất thân của Huấn.

Ánh Hà là con một ông công chức khá giả người Hà Nội. Cô và bố mẹ cùng các anh chị em trong gia đình tản cư về đây. Ánh Hà còn là một nữ sinh Hà Nội có sắc đẹp, tính tình hiền dịu, chơi đàn Hạ-uy-di (guitare hawaienne) rất giỏi, đồng thời đã từng sáng tác một vài bài hát.

Trong cuộc gặp gỡ thân mật này, người nữ sinh tài hoa ấy đánh Hạ-uy-di cho tôi và Huấn cùng nghe một nhạc phẩm khá hay do cô tự sáng tác cả nhạc lẫn lời. Bài ca nói về nỗi đau của một nữ sinh thủ đô khi phải xa hồ Hoàn Kiếm để tản cư về một miền quê hẻo lánh.

Phải nói rằng sắc đẹp của một nữ sinh tiểu tư sản Hà Nội và tâm hồn của cô trong lời và nhạc bài ca do cô vừa sáng tác vừa dạo đàn vừa hát đã lập tức gieo vào trái tim tôi một cảm xúc rộn ràng.

Xế chiều hôm ấy, Huấn và tôi chia tay Ánh Hà trong một nỗi nhớ nhung thầm lặng.

Hai chúng tôi cùng đứng im nhìn Ánh Hà quay gót trở lại mái tranh nơi cô và bố mẹ cô tạm tản cư về đó. Dáng mảnh mai, dòng tóc chảy dài xuống lưng và hai bờ vai thon thả, bước đi buồn bã của Ánh Hà, tất cả, tất cả khuất dần sau luỹ tre xanh trên đường làng, rồi nhanh chóng  khuất chìm…

Một tháng sau, Huấn bảo tôi (tức Tô Vũ): Ánh Hà đã theo bố mẹ trở về Hà Nội (lúc đó gọi là “dinh tê” hoặc “về thành”) do gia đình cô cạn kiệt về kinh tế. Ánh Hà rủ mình về cùng, nhưng mình không nhận lời. Lúc chia tay, Huấn kể tiếp, Ánh Hà hát tặng mình một bài, cũng do cô sáng tác. Lời và nhạc nhạc phẩm này nói về nỗi đau của Hà khi phải xa nơi tản cư và xa mình, người bạn trai thân nhất của Hà, để trở về Hà Nội.

Chần chừ một lát, Huấn tâm sự với tôi, đại ý: vì không có khả năng viết một nhạc phẩm đáp lại bài ca chia ly nói trên của Ánh Hà, cho nên anh nhờ tôi sáng tác một bài ca về cuộc chia ly ấy sao cho anh có thể kéo được vi-ô-lông.

Tôi nhận lời.

Ngay đêm đó, thức trắng trong gió đông ù ù thổi, dưới mái tranh cô quạnh giữa một làng quê tỉnh lúa Thái Bình, tôi viết xong “Tạ từ” cả lời lẫn nhạc.

“Tạ từ”, Tô Vũ nói tiếp, là lời chia tay giữa Huấn với Ánh Hà. Tâm trạng và hoàn cảnh của đôi bạn trong nhạc phẩm tiêu biểu cho tâm trạng và hoàn cảnh nhiều học sinh, sinh viên và thanh niên trí thức tiểu tư sản và tư sản đi kháng chiến chống Pháp hồi ấy.

Câu kết “Muôn kiếp cô liêu ngàn năm còn reo”, tôi chịu ảnh hưởng hai câu thơ của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ viết về cây thông:

            Kiếp sau xin chớ làm người

            Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Trong nhạc phẩm còn có câu “Khi về son thắm lồng người, thu cánh tạ mây trời” . Câu này có nghĩa là: việc Ánh Hà cùng bố mẹ trở về Hà Nội dưới ách thực dân Pháp khác nào việc chui vào “lồng người” , chui vào “lồng son cóng sứ” (tức lồng đẹp nhốt chim quý hoạ mi), mất hết tự do, chỉ còn biết nhìn ra mây trời để mà nhớ thương, để mà tạ từ mây trời, tạ từ người bạn trai thân thiết Nguyễn Văn Huấn còn ở lại với cuộc kháng chiến.

Vì vậy, hai chữ  “tạ từ” được tôi (tức Tô Vũ) dùng để dặt tên cho nhạc phẩm.

Nhiều ca sĩ không hiểu ý nghĩa hai chữ “lồng người” cho nên đã hát lầm thành “lòng người”.

Sáng hôm sau, tôi chuyển bản thảo cho Huấn. Huấn tập khoảng mấy tiếng, rồi kéo ngay vi-ô-lông cho tôi nghe với một kỹ thuật điêu luyện dạt dào cảm xúc. Khi kéo hết bài, mắt ngấn lệ, Huấn buông đàn, lặng im ôm chặt lấy tôi.”

Nhạc sĩ Tô Vũ nói tiếp:

“Rất đồng cảm với “Tạ từ” cả nhạc lẫn lời, Lương Ngọc Châu, Ngọc Bích và Nguyễn Văn Huấn lập tức đi biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh Thái Bình và mấy tỉnh xung quanh.

Người hát đầu tiên và cũng là người hát hay nhất bài này là Đoàn Minh. Đoàn Minh là nhạc sĩ kiêm ca sĩ nghiệp dư nổi tiếng khắp Hải Phòng với giọng hát cao sang ngay từ mấy năm trước Cách mạng tháng Tám.

Sau những buổi biểu diễn của Đoàn Minh, “Tạ từ” nhanh chóng được truyền bá rộng rãi trong vùng kháng chiến và cả trong vùng địch tạm chiếm”.

Uống một chén trà quý Đài Loan có tên Thiết Quan Âm, tác giả “Tạ từ” kể tiếp:

“Văn Cao và Hoàng Quý (anh ruột tôi) đều quen Đoàn Minh từ khoảng những năm 1941, 1942.

Tuy nhiên, Đoàn Tòng, anh ruột Đoàn Minh, hát còn hay hơn Đoàn Minh. Giọng Đoàn Tòng vừa trong suốt, vừa ngân vang, vừa lôi cuốn mãnh liệt người nghe. Nhưng Đoàn Tòng hát ít hơn Đoàn Minh. Em trai ruột Đoàn Minh là Đoàn Thêm hát cũng khá hay. Cả ba anh em đều biểu diễn “Tạ từ” mấy chục buổi suốt hai năm 1948, 1949.

Để đưa Tạ từ” vào đời sống âm nhạc hồi ấy, còn có công của Tử Phác và Tạ Phước.

Mùa thu 1948, tại Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình), hai nhạc sĩ tài năng đó đã chung sức tổ chức biểu diễn “Tạ từ”lần đầu tiên trong lễ ra mắt Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Liên khu 3 gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nội. Chi hội Văn nghệ Liên khu 3 gồm một số văn nghệ sĩ bốn ngành văn, hoạ, nhạc, kịch. Trong chi hội, Tạ Phước được bầu làm trưởng ngành nhạc Liên khu 3, Tử Phác được bầu làm một trong ba người lãnh đạo Việt Minh (tức là một trong ba thành viên chi bộ Đảng) của Chi hội Văn nghệ Liên khu 3.

Đối với tôi và nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ, Tử Phác là một tấm gương về lòng trung thành trong bất cứ hoàn cảnh nào đối với tổ quốc và cách mạng.

Bão táp tới tấp dội xuống cuộc đời anh suốt mấy chục mùa xuân. Mặc tất cả những khó khăn to lớn ấy, Tử Phác cứ lặng lẽ và bền bỉ đội bão táp mà tư duy, mà sáng tạo!”

Nói đến đây, tác giả “Tạ từ” chợt ngừng lời, rồi im lặng cúi đầu. Lát sau, ông ngẩng đầu lên.

Tôi nghe rõ giọng nhẹ nhàng và đầm ấm của Tô Vũ:

“Tử Phác, Tử Phác, Tử Phác, cám ơn anh, cám ơn vạn bội về những gì anh đã góp phần cùng Tạ Phước, Đoàn Minh, Lương Ngọc Châu, Ngọc Bích, Nguyễn Văn Huấn và các đồng nghiệp khác đưa lời và nhạc “Tạ từ” vào tâm hồn và trái tim biết bao học sinh, sinh viên, thanh niên trí thức tiểu tư sản và tư sản trong lửa đạn cuộc kháng chiến chống Pháp ngày ấy”.

Giọng nồng nàn và ấm áp, Tô Vũ khe khẽ hát: “Muôn kiếp cô liêu ngàn năm còn reo”.

Sau đó, nhìn vào không gian phía trước, vị giáo sư nhạc sĩ sinh năm 1923 nói trong nghẹn ngào và xúc động: “Xin ngàn lần cảm ơn Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Không có Người, tôi không thể viết nổi câu hát vừa rồi.”

Tác giả “Tạ từ” hát tiếp, vẫn với giọng ấm áp và nồng nàn: Khi về son thắm lồng người, thu cánh tạ mây trời…”

Hát xong, nhạc sĩ tiếp tục tâm sự:

“Tạ từ” chính là lời tạ từ của đông đảo học sinh, sinh viên, thanh niên trí thức tiểu tư sản và tư sản quyết tâm ở lại với kháng chiến trong giờ phút chia ly với một số ít bạn trẻ vì hoàn cảnh gia đình phải xa rời kháng chiến để trở về thành phố tạm sống dưới gót sắt thực dân Pháp.

Lặng im một lát, tác giả “Em đến thăm anh một chiều mưa” nói lời kết thúc cuộc trò chuyện:

“Diễn tả một chia ly, một cuộc chia ly như thế của một thế hệ thanh niên  như thế, “Tạ từ” là một nhạc phẩm lãng mạn cách mạng!

Hà Nội, 19-12-2008 

Bài Mới Nhất
Search