T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Thị Ngọc Thư: BẢN LÀNG VÙNG CAO

Bản Cát Cát, Sa Pa – Ảnh: Thiên Nga

Xe của hãng du lịch luôn ì ạch leo đồi, chầm chậm vòng núi, rồi lại thận trọng đổ dốc đã hơn cả giờ qua. Chuyến xe mệt nhọc, lên lên, xuống xuống theo các chu trình chóng mặt như vậy nhiều lần trên tuyến đường gần 35 cây số từ nhà ga Lào Cai đến thị xã Sa Pa trong buổi sáng ngày thứ tư của đầu năm 2010. 

Nhiều đoạn đường đất lổn ngổn toàn đá vụn, rất gập ghềnh, xe bị dằn xóc mạnh và luôn bất ngờ phải rẽ ngang, bẻ trái để len lỏi tránh đá; rồi lại khật khừng chậm chạp bò từ từ về phía trước. Qua những đoạn này, xe thường thả lại các cuộn bụi tung bay mù mịt trời đất. Thỉnh thoảng xe cũng được chạy trên đoạn đường đã được dằm đá bằng phẳng, êm hơn, hành khách lại náo nức chuyện trò, cười nói. Tôi hơi nhức đầu, người ngất ngư nôn nao như bị say xe, nên chỉ im lặng nhìn bâng quơ qua cửa kính xem, ngắm quang cảnh hai bên đường. Đôi lần tôi đã nhắm mắt để kềm bớt sự hồi hộp khi cảm thấy chiếc xe quá mấp mé bờ vực. Từ đỉnh đèo cheo leo hiểm trở mà có thể nhìn khá rõ đôi ba người đàn bà váy áo nhiều sắc đỏ, tay cắp rổ hay vai mang gùi, có người địu con trên lưng, ẩn hiện thấp thoáng trên sân nhà họ ở vùng thung lũng sâu hút phía dưới.

Ở nhiều đoạn an toàn hơn, hai bên đường ngút ngàn các dẫy đồi cỏ xanh; Đồi cao, đồi thấp nối tiếp như gần xếp chồng lên nhau. Không gian mướt xanh thăm thẳm, sắc xanh huyền bí như được tinh tế pha trộn từ mầu của núi đá nhiều tuổi và ánh diệp lục muôn thuở của rừng sâu. Xanh mênh mang đến tận chân trời.  Đôi chỗ, ven đường còn lác đác các cây hoa đào dại, có cây mọc gần sát đường, mấy nhánh cao lòa xòa chạm bên ngoài kính xe hoặc vươn cao hơn cả nóc xe. Nhánh nào cũng chi chit trĩu nặng những nụ hoa mọng chín từ thân đến ngọn các cành. Nụ đỏ hồng lựu, nụ đỏ xác pháo, nụ hồng cánh sen, nụ hồng vân trắng; Tất cả đều đang chúm chím hé mầu như đã sẵn sàng cùng nhau bung rộ rực rỡ trên những cành khô khẳng khiu chưa kịp nhú lá. Nhìn đào, thoáng nhớ đã gần Tết, tôi bỗng cảm thấy con đường và cả vùng đồi sát đó như mềm mại đáng yêu hẳn lên. Thật êm đềm, quyến rũ làm sao khi hình dung vài cô gái người H’Mông, Dao, hay Thái đương thì, súng sính váy áo ngày hội, má thắm hàm tiếu, bước thơ thẩn dưới những cành đào mơn mởn sắc Xuân phố núi. Tôi chỉ mơ màng trong cảnh Tết êm ả nhẹ nhàng đó được vài phút thôi, vì xe lại vất vả bò dốc tiếp, lại dằn xóc làm ê đau khắp người. Có đoạn xe khệnh khạng như không thể chạy được nữa, chỉ nhích tới trước từng bước rất chậm, mỗi bước lại lộp cộp tiếng đá bị bánh xe chạm văng. Trong khi đó, chừng như cả bản làng dưới thung lũng vẫn còn điềm nhiên ngủ hay chỉ mới có vài phụ nữ dậy sớm chuẩn bị củi lửa nấu nướng buổi cơm đầu ngày. Lẫn trong màn sương mù lãng đãng, đã lơ lửng vài làn khói bếp, sẫm nâu hơn, đang từ từ bay lên từ các túp lều xiêu vẹo gần dưới chân núi

Xe chúng tôi đang bị khó khăn, hình như không thể vật lộn với số lượng đá quá nhiều trên đường, nên đã dừng lại ở đoạn sát vách núi nơi có nhiều dấu vạt xẻ rất mới. Mọi người hơi xôn xao. Tôi lơ đãng nhìn quanh. Đoạn đường đèo thật hoang vu. Núi non kỳ vỹ bao quanh. Địa hình hiểm trở heo hút làm dấy lên những giao động bất an. Tôi đang bâng khuâng lo lắng xe không tiếp tục chạy được nữa thì bất chợt lạ lẫm và vui mắt làm sao khi thoáng xa dưới thung lũng, giữa những mái nhà mầu tro xám buồn bã, có bóng con ngựa thồ đang lững thững bước, lưng lủng lẳng các túi vải dệt mầu sặc sỡ, túi nào cũng lỉnh kỉnh đồ hàng tạp hóa. Thì ra, con ngựa lung linh hàng họ xanh đỏ đang được người chủ chậm rãi dắt đi bán dạo các thứ lặt vặt mà ông ta đã buôn về từ phố thị hay khu chợ trời sát biên giới. Tôi đã được chú tài xế chỉ cho thấy ông nhà buôn này từ lúc nghỉ ở quán ăn gần ga Lào Cai nên rất thú vị khi nhận ra ông, vẫn chiếc mũ len tròn màu mơ chín ở chóp đỉnh có nhúm len đỏ, đang thong dong dẫn ngựa thồ hàng qua vùng đồi gần chân núi. Con ngựa hiền lành thả bước giữa bình minh đang lên. Nắng bắt đầu tràn qua màn mây mù, vàng ấm hơn, rồi lan xuống rải nhẹ trên những con dốc quanh co giữa các túp nhà lúp xúp. Không gian vô cùng yên bình. Cảnh quan đẹp hài hòa. Bản làng vẫn tĩnh lặng. Sương mù bay lãng đãng. Thời gian như đang trôi chậm hơn bình thường, hay cũng đang ngầy ngật ngủ cùng cảnh vật. Những khi vắng tiếng xe chạy, tiếng đá dội lăn ồn ào, nét trầm mặc hoang dã quen thuộc của núi đồi trở lại mênh mang khắp vùng.

Chúng tôi đều xuống xe, vài người đàn ông sôi nổi góp chuyện bàn tán với chú tài xế tìm cách giúp để xe có thể chạy tiếp. Mọi người xúm nhau nhặt các viên đá lớn đang cản giữ bánh xe và cố gom, đẩy những cục đá lởm chởm khắp đường vào sát mé núi. Một lúc sau, 4, 5 cậu thanh niên trẻ vui vẻ cười nói, xăn tay áo hợp sức đẩy xe giúp chú tài xế bắt trớn chạy qua khúc đường độ 30 mét bị vướng đầy đá. Hơn một giờ nữa trên chiếc xe lấm lem đầy bụi đó, đến lúc mặt trời đã hơi chếch bóng trên cao, xe chúng tôi đến Sa Pa. Ai cũng mệt mỏi vì cuộc hành trình thiếu ngủ suốt đêm trên xe lửa chạy từ Hà Nội lên và quá vất vả trên chuyến xe sáng nay nên mọi người chỉ còn sức kéo hành lý vào nhà trọ của hãng du lịch, ăn uống qua loa, rồi vào phòng nghỉ ngay.

Sau một đêm ngủ chưa bao giờ ngon như vậy, Nga, cô bạn từ thời còn học ở Gia Long, và tôi quyết định đi chơi riêng, không theo đoàn khách du lịch cả 3 ngày ở Sa Pa. Thật ra, đoàn này đến đây để nhập với một đoàn khách khác cùng leo núi, họ kỳ vọng chinh phục đỉnh núi Fansipan, thuộc dẫy Hoàng Liên Sơn. Chúng tôi không hợp với những chuyến đi quá đông với nhiều sắp đặt tính toán như vậy, cũng không thoải mái khi nghe nhóm khách mặc cả thuê người khiêng vác ba lô, xách ghế xếp, nước uống, thức ăn giúp họ trong hành trình leo núi. Thêm vào đó, Nga cần thời giờ quan sát để có khái niệm về địa hình và nề nếp sinh hoạt ở các bản làng, cần tư liệu bổ túc cho một dự án mở mang mà cô nàng đang làm. Chúng tôi đã nhờ một cô nhân viên khách sạn dàn xếp với ông chú bà con của cô, chú Tám, chuyên chạy xe ôm, để được chú chở đến hai bản làng Séo Mý Tỷ và Sín Chải, đều nằm trên núi. Chú Tám thường được thuê chở hàng từ Sa Pa về các bản làng lân cận nên khá thông thuộc đường lối đến các bản. Thêm vào đó, chú còn quen biết các cụ già làng và vài gia đình cư dân trong bản nên rất thích hợp với việc dẫn đường cho chúng tôi. Dự định của chúng tôi là mỗi ngày đi thăm một bản.

Ngay sáng hôm đó chúng tôi đi Séo Mý Tỷ cách thị xã Sa Pa khoảng hơn 15 cây số, theo con đường từ trung tâm Sa Pa chạy dọc thung lũng Mường Hoa. Ban đầu, cảnh hai bên đường rất đẹp, nhưng chỉ vài phút sau thì chúng tôi không ai còn tâm trí để ngắm nhìn gì nữa vì đường đi càng lúc như càng dốc hơn. Có đoạn lẫn lộn nhiều đá, hết sức nguy hiểm, Nga và tôi đã cùng xuống xe mấy lần để chú tài xế tự xoay sở đưa xe về phía trước. Dạo đó, chỉ xe gắn máy mới có thể lách lỏi được trên nhiều đoạn của con đường duy nhất chạy từ thị xã về bản làng này. Tôi nhớ có hai đoạn, cả ba chúng tôi phải cùng nhau đẩy chiếc xe qua các con suối cạn khá rộng, dưới đáy toàn đá to, đá tảng. Qua khỏi suối, đường vẫn khó đi, có nơi như lạc hẳn vào rừng. Vắng tanh, toàn cây rậm rạp và vô số dây leo nhằng nhịt, có thể nơi đó là một mảng rừng nguyên sinh chưa từng bị khai khẩn. Chỉ có ba chúng tôi và chiếc xe sang số già nua khục khặc cố băng ngang trên một lối mòn hun hút sâu. Xe đã chậm chạp chạy bừa lên các thảm cây dại cao ngang đầu gối, cố gắng dò dẫm theo vết các bánh xe cũ đã làm rạp nhiều cây cỏ. Lầm lũi gần 15-20 phút trong khu rừng thâm u, rậm đặc cây bao kín bốn bề, qua thêm vài đoạn đường đá dăm, đá cục, lên xuống đồi dốc, quanh co rồi chúng tôi cũng đến đầu bản Séo Mý Tỷ vào lúc đã gần trưa.

Đứng trên một mỏm đồi cao gần cái lán sơ sài ở đầu làng, nhìn quanh chỉ thấy trùng điệp núi đồi và thấp sâu bên dưới là bản làng nằm hoang dã giữa nhiều cây to, các khe suối, và vài thác nước. Lưa thưa rải rác quanh các triền đồi là những túp lều nhỏ lợp mái tôn cũ kỹ hoặc có mái rạ được chắp vá lộn xộn. Ngay gần trung tâm bản, sát bên một con suối [1] khá rộng, nước miên man chảy xiết, là một khoảng đất to phẳng như mới được đắp lên hay vừa được san, nén cho bằng phẳng. Trên đó la liệt rất nhiều xe ủi đất, xe câu, và vật dụng xây cất [2], có lẽ đã được tải đến qua ngã Lai Châu. Xa hơn nữa, chơi vơi giữa núi đồi xanh thẳm, là những thảm ruộng hình bậc thang trải dài trên các triền núi, nơi dân bản trồng ngô, lúa, mùa màng. Từ chỗ chúng tôi đứng, có thể nhìn thấy các bậc ruộng phân minh rõ ràng từng nấc; chỗ cong cong, nơi uốn lượn, nấc thấp, nấc cao, nối tiếp nhau thoai thoải, hẹp thuôn bớt lại, rồi cao dần lên … thảm ruộng vẫn giữ dáng núi hài hòa của thiên nhiên bao quanh. Nét đẹp của những bậc ruộng sinh động đến ngỡ ngàng. Đang mùa đông hoang vu, nên hầu hết các bậc đều xanh mầu cây lá bị úa lạnh hay mầu rơm rạ mục ướt sót lại sau vụ gặt muộn. Những bậc ruộng nhìn quá chỉn chu như chạm khắc này đã cho chúng tôi cảm tưởng như từng được hướng dẫn xây dựng theo một quy hoạch rõ ràng hay được nặn tạc bởi các điêu khắc gia nhà nghề. Nhìn từ xa, cả thửa ruộng hiển lộ ngoạn mục như là kết quả của một công trình kiến trúc mỹ thuật; Và có thể công dụng như một lầu vọng cảnh lơ lửng nhiều tầng giữa bao la đồi núi trùng điệp, nơi có thể quan sát mọi sinh hoạt đời thường của bản làng bên dưới hoặc thưởng ngoạn tiên cảnh lãng đãng phù vân trên cao. Nhưng đó chỉ là tư duy tưởng tượng vẽ vời của tôi thôi, vì các thửa ruộng đẹp hoang đường ấy đều đã được vun đắp xây dựng bằng sức lao động, nước mắt, xương máu của những người sinh ra ở đây hay đã chọn nơi đồi núi hiểm trở này để định cư từ lâu. Họ đã phải khắc phục thiên nhiên để có đất đai trồng trọt mà sinh tồn. Tôi cũng đọc được trong một tài liệu về Archaeology thì, đối với dân bản, những thửa ruộng đẹp như tranh vẽ này là công trình biểu tượng của ý chí quyết tâm khai phá của tổ tiên họ, là đất đai mà họ phải trân trọng và giữ gìn, là di sản tâm linh mà họ và con cháu được thừa hưởng. Vì ruộng đất ấy đã mặn mồ hôi, thấm nước mắt, đẫm khốn khó, trĩu ân tình của cha ông họ. Nhìn các thửa ruộng uốn lượn quanh co khắp nơi quanh vùng đồi núi trắc trở địa hình mà thán phục ý chí kiên cường khai thác thiên nhiên của bao thế hệ người đi trước, nhất là ở thời điểm sơ khai khi họ chỉ có kiến thức hiểu biết thô thiển, còn vô cùng thiếu thốn phương tiện, và phải vất vả mưu sinh trong rừng núi hoang dã dưới điều kiện thời tiết thiên nhiên khắc nghiệt.

Ngày hôm trước, lúc xe bị kẹt đá trên đỉnh đèo cao, chúng tôi đã được cơ hội nhìn ngắm khá tổng thể cả vùng. Từ vị trí đó, nhìn quanh, hướng nào cũng thấp thoáng ruộng bậc thang ẩn hiện trong không gian núi đồi mịt mờ sương. Tôi đã nghe du khách cùng xe trầm trồ thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền hoặc như không thật, không thuộc cảnh hạ giới này. Họ thán phục những thửa uốn vòng quanh các núi cao, nhiều vô số bậc, những bậc chót vót trên đỉnh như chạm cả vào mây. Những bậc phù vân dị ảo đó có còn thuộc thửa ruộng trần thế hay đã thành đường sương lối khói dẫn đến một cõi giới khác? Và trùng điệp bao thửa thoai thoải 5, 7 bậc trên các đồi thấp, nhìn như các kệ hàng cây cảnh được khéo léo trưng bầy nơi các công viên hay các vườn hoa, nhưng đẹp thiên nhiên hơn và có mức độ hoành tráng hơn; Và khắp vùng luôn se sắt âm gió rì rào huyền bí. Chúng tôi đã tìm hiểu qua loa trước khi đến đây và được biết phần lớn cả vùng địa hình đất dốc hiểm hóc này đều lẫn lộn đá, nghèo chất dinh dưỡng nên dân bản chỉ trồng được ngô, khoai, sắn, và hoa tam giác mạch [3]. Tuy thế, nhiều gia đình cũng cố gắng trồng thêm ít lúa nếp ở vài góc vườn tốt nhất; Cố gắng chăm bón, thu hoạch rồi để dành, chỉ để đồ xôi, làm bánh cúng kiến tổ tiên vào dịp Tết nhất hay các lễ hội quan trọng.

Chúng tôi đi theo các dốc đồi dẫn sâu dần vào bản, qua vài khe suối nước róc rách trong vắt, những đoạn rừng thơm hương gỗ lạ, và những túp nhà cũ kỹ rêu bám dầy trên các vách lá, nhiều cây leo bò phủ xanh kín các mái tôn được đắp thêm rạ bên trên để giữ nhiệt. Khắp nơi rậm rạp cây xanh. Không gian trong lành vô cùng. Bản làng thật đìu hiu vắng lặng trong buổi xế nhiều sương mù ẩm ướt. Ở vài nơi cao, thấp thoáng những túp nhà nhỏ đứng chơi vơi cô quạnh như chỉ tựa nhẹ vào các vách núi cheo leo. Nhà cửa nhiều nơi trong bản nằm rải rác hoang dại, nhếch nhác trên các triền đồi; phần lớn vật liệu làm nhà như chỉ được chắp vá qua loa tạm bợ. Nhìn tổng thể, xóm làng như tàn dư hoang phế còn lại của một nơi định cư thuộc một thời cổ đại đã xa.

Phần lớn cư dân Séo Mý Tỷ là người gốc dân tộc H’Mông. Chúng tôi được vào thăm nhà A Tấn, người quen của chú tài xế, gần ngay đầu lối vào bản. Năm đó, A Tấn, 27 tuổi, gia đình anh có hai sào đất của cha mẹ ở trên núi nên chỉ gieo cấy thóc ngô, trồng trọt thêm rau để sinh sống. Mây, 25 tuổi, là vợ A Tấn. Họ có bốn con nhỏ và đang sống chung với mẹ của A Tấn, bố A Tấn đã mất từ mấy năm trước.

Gia đình A Tấn còn giữ nhiều nề nếp sinh hoạt đặc thù của tổ tiên gốc H’Mông. Nhà họ không có cửa sổ, nhưng trên hai vách cao chạy dọc nhà, mỗi vách đều có hai lỗ hở hình tròn nằm gần sát nóc nhà. Một lỗ ở phần gian trước và lỗ còn lại nằm ở khu bếp phía sau, các lỗ này có công dụng như cửa sổ. Mỗi “cửa sổ” chỉ to bằng cái bánh tráng bán ở chợ vùng xuôi, và vì ở vị trí quá cao nên không đem được bao nhiêu ánh sáng vào bên trong nhà. Nhà chỉ gồm một gian duy nhất, hơi hẹp ngang, nhưng khá sâu. Phần nhà ngoài, rộng rãi hơn, để cái chõng tre xộc xệch và mấy ổ rơm. Khu bếp, nền hơi thấp xuống, nằm ở đằng sau. Trong bếp có hai cái nồi cũ, vài cái ghế con xếp quanh chiếc kiềng lò ba chân nằm cố định giữa mấy hòn đá đóng đặc bồ hóng đen. Lò nấu đang bập bùng cháy, khói cay từ mấy thanh củi còn sống bay mịt mù khắp nhà, mọi người ai cũng ràn rụa nước mắt, tay luôn xua bớt khói bay vào mặt.

Bên trong nhà, nổi bật nhất là những gióng tre dài mắc song song nhau như một cái giàn kín gần hết khoảng gần nóc của phần gian ngoài. Trên giàn treo san sát rất nhiều chùm ngô thật to, các bắp ngô trong chùm đều đã được tách lá, phơi lộ mầu hạt của mấy loại ngô khác nhau: vàng, trắng, tím, hay lẫn lộn hai, ba mầu. Tôi nhìn giàn ngô trĩu hạt mẩy căng, thoáng vui vì yên tâm khi tưởng tượng cả nhà A Tấn, nhất là bốn cháu nhỏ của họ, sẽ luôn no nê vì được ăn thật nhiều bữa mèn mén [4] dẻo thơm, những đôi má trẻ con phúng phính luôn đỏ hồng, cho dù mùa đông tàn khốc sẽ kéo dài, rải rắc toàn sương mù, gió lạnh trùm phủ hết núi đồi của bản trong nhiều tháng tới. Trên nóc bếp còn có hai gióng tre nhỏ treo một cái đùi trâu khô sẫm mầu và hai xâu cá muối được liên tục hun khói từ cái bếp củi được giữ luôn âm ỉ cháy trên nền nhà. Hai món đặc sản gác bếp này được chuẩn bị dành cho ngày Tết.

Ngay sau khu bếp, một góc nền nhà như được đào sâu xuống độ hơn một mét và rộng vừa đủ để làm chuồng cho 4 con heo đốm còn nhỏ, dưới đó đàn heo đang chạy lung tung như sục sạo tìm thức ăn. Qua khỏi chuồng heo là khoảng nền trống, có lẽ được dùng như sân nhà, sáng sủa và thoáng đãng hơn. Trên sân có vài cái lu chứa nước, nơi chứa củi được lót nền bằng hai phiến đá phẳng, chỗ rửa chén bát có cái thau nhựa đã mẻ rách, và sau cùng là tấm phên cửa được chống cao bằng một khúc cây xù xì nhiều khấc ngang.

Tiếng heo uểnh oảng liên tục đã làm át cả câu chuyện đang rôm rả nơi chiếu rượu ngô ở gian trên, nơi A Tấn, bà cụ mẹ của anh, và chú tài xế đang tụ họp vui vẻ. Bà cụ móm mém huyên thuyên cười nói, tay thoăn thoắt tách hạt từ các bắp ngô khô vào một cái bồ chứa đã gần đầy. Họ đang rộn ràng chén thù, chén tạc mời nhau nhấp rượu bằng tiếng H’Mông líu cha líu chíu, nghe rất vui tai.

Chúng tôi và Mây ở gian bếp. Mây đang vừa đồ mèn mén, vừa tất tả với các việc đầu ngày của cô. Dáng Mây khỏe mạnh, gọn gàng trong chiếc váy đen dài gần đến đầu gối, váy cô luôn ngộ nghĩnh xòe bồng duyên dáng khi di chuyển vì có nhiều hàng pli xếp được may tỉ mỉ khéo léo ở phần eo bụng. Áo trên của Mây là vải sọc, loại nhiều sắc đỏ đậm, nhạt xen kẽ nhau ở phần thân áo và rực rỡ các hoa văn lạ đẹp trên phần viền hai tay áo. Mầu sắc thêu trên áo nhìn năng động, tươi vui, như phản ảnh bộ điệu nhanh nhẹn, tháo vát của bà mẹ rất trẻ. Đầu Mây chít khăn sọc sặc sỡ che gần kín mái tóc búi gọn. Mây thân thiện chuyện trò bằng tiếng kinh, lối phát âm của cô hơi loãng ở những chữ có dấu hỏi, ngã và cũng bị ngắn hơi không được tròn vài chữ có âm dài, nên lúc đầu chúng tôi nghe chưa quen. Mây cho biết, hai cháu lớn đã đi học ở trường trong bản. Bố mẹ Mây đã chuyển lên Lai Châu theo gia đình người anh trai.

Mây vừa mau mắn tiếp chuyện chúng tôi, vừa thoăn thoắt đi lại trong bếp, nhanh nhẹn chu tất mọi công việc phải làm. Lưng cô địu cháu bé nhất chưa biết đi, hai tay cẩn thận bưng đổ thùng thức ăn tạp nhạp rau củ hổ lốn cho đàn heo đói, mắt vẫn luôn để ý trông chừng củi lửa cho nồi mèn mén. Phần váy sau của cô còn luôn bị một cháu bé lấm lem độ 3 tuổi túm nắm, quấn theo mẹ từng bước. Mây hoàn toàn không lộ vẻ vội vã hay căng thẳng khi luôn tất bật với công việc nội trợ. Phong thái cô hiển lộ sự điềm tĩnh nhẫn nhục chịu đựng rất an phận. Ở cô, có nết cần mẫn đảm đang thuần thục khuôn phép, và cô như còn có khả năng uyển chuyển điều hòa để mọi việc được tuần tự chu toàn như đã dự định. Có lẽ nhờ vậy mà nhìn cô rất an yên, vui vẻ như một người có cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc.

Dù chỉ vừa gặp nhau, vợ chồng A Tấn và chúng tôi đã thân mật chuyện trò suốt buổi; họ đã vồn vã cho đến lúc chúng tôi từ biệt để đi thăm loanh quanh trong bản. Thật ra, chúng tôi cũng chỉ có thể rời đi được sau khi cùng ăn bữa mèn mén thơm dẻo vị ngô với rau dại kho muối rắc vừng rang cùng cả gia đình họ. Sự chất phác, ân cần, và hiếu khách của họ làm chúng tôi vừa cảm động, vừa nặng lòng nghĩ ngợi vì tự nhận biết bản thân không thể dễ dàng gần gũi và quý mến người xa lạ hồn hậu được như họ. Nhà cửa xiêu vẹo giữa núi đồi hoang lạnh, thiếu thốn nhiều thứ mà họ đã rất hồn nhiên, vô tư giao tiếp với khách lạ. Lương thực dành dụm qua mùa đông khó khăn mà họ cũng niềm nở tha thiết mời chúng tôi cùng dùng bữa. Có lẽ, tâm tư chân chất, bản tính mộc mạc đã khiến họ nghĩ chúng tôi, cũng giản dị như họ, rất thích mèn mén ngào ngạt hương mùa được dùng nóng trong buổi ăn đầu ngày đông lạnh.

Suốt buổi, nét mặt bà cụ và vợ chồng A Tấn luôn thể hiện sự an vui, hiếu khách đặc biệt. Dáng điệu và cử chỉ của mọi người trong gia đình rất thoải mái hòa đồng, họ đã lộ vẻ ái ngại lo lắng khi biết chúng tôi gặp nhiều khó khăn trên đường tới đây. Có phải vì mùa đông, không bận rộn nương rẫy, họ có thì giờ quây quần nhiều, nên luôn chú ý quan tâm lẫn nhau và người khác nhiều hơn? Và vì có cơ hội chăm sóc nhau nhiều nên tình thân gia đình, bản làng càng thêm chặt chẽ gắn bó? Có vẻ như tình cảm trong lành đó còn giúp họ dễ nảy sinh lòng từ ái, tính thân thiện với cả người xa lạ? Hay vì địa hình khắc nghiệt, cuộc sống nhiều cam go đã khiến họ luôn có tâm thức che chở đùm bọc gia đình và chia sẻ với người chung quanh? Có lẽ đã từ lâu, người phố thị, nhất là kẻ xa xứ từ tuổi niên thiếu như Nga và tôi, không còn nhớ đến nếp sống luôn có điểm tựa căn bản là tình thân, tình người ấm áp này nữa.

Điều hơi lạ là tuy nhà của vợ chồng A Tấn chỉ là nền đất, vách tranh chắp vá lem nhem các mẩu gỗ bồi, và tấm phên sau nhà luôn được chống cao để gió lùa bớt khói bếp, mà tôi đã không cảm thấy bị lạnh khi ngồi chơi với họ suốt buổi. Thế mà, vừa từ giã bước ra ngoài, tôi đã rùng mình ngán ngẩm khi nhìn thấy màn sương mù đặc đầy ở hướng bến sông. Tôi không biết đã do dự trước khi bước đi vì hình dung phải lên xuống đường đồi khó khăn trong sương lạnh, hay vì đang quyến luyến cái ổ rơm ấm đã ngồi tâm tình với Mây cạnh bếp lửa, hay vì ý thức phải từ giã tình thân êm ái của gia đình họ nữa. Chỉ mơ hồ cảm nhận là chưa bước đi mà đã thấy nhớ nhớ giọng nói của Mây hơi nhòa nhạt ở các âm hỏi ngã, nghe đáng yêu như âm giọng ngô nghê của đứa bé nói chưa được sõi.

Đã quá trưa, vài em nhỏ đang trên đường về nhà sau giờ tan học, nhìn như vừa tung tăng bước ra từ màn sương phủ dầy ngoài bến sông. Chưa thấy bóng dáng các em nhưng đã nghe vang vang tiếng cười nói giòn giã từ lúc chúng tôi vừa rời nhà A Tấn. Trên lối đồi hẹp, dẫn đầu là hai bé gái có đôi má đỏ au, đang thi nhau hồn nhiên vừa chạy vừa nhảy dây bằng những sợi dây dại, có lẽ nhặt được đâu đó trong rừng. Tôi ngỡ ngàng, nửa thế kỷ trước khi bằng tuổi các em tôi cũng nhẩy dây suốt bao ngày thơ dại. Nhưng thuở ấy, tôi và các bạn đã có những sợi thừng hay sợi nylon được bện thắt, ép mịn, hai đầu dây có cán cầm bằng gỗ được bào chuốt láng mướt và nhỏ vừa tay để dễ cầm, dễ quay. Thế mà bây giờ, ở thời điểm tôi đang bước vào hoàng hôn của đời mình, có thể như hai em này chưa bao giờ nhìn thấy những sợi thừng, sợi dây được làm với mục đích để trẻ em nhảy dây vui đùa như vậy. Chua xót làm sao! Tôi bỗng nhớ lắm những vòng dây quay và bao bước nhảy êm ái ngày xưa, những bước bổng cao đã luôn đem lại cho tôi cảm giác vô cùng thích thú, thỏa mãn như được tung bay cùng các đam mê không bao giờ có điểm giới hạn của tuổi thơ. Biết đâu tâm trí hai em nhỏ này cũng đang ăm ắp tràn trề những khát vọng vô biên hạnh phúc như vậy? Tuy nghĩ thế, nhưng lòng tôi vẫn vẩn vơ thương xót khi nhìn lại khúc dây lòng thòng các nhánh con chỉa ngang vướng víu trong bàn tay nhỏ bé của các em. Có một cái gì đó đang nghèn nghẹn trong cổ tôi.

Để dịu bớt cảm xúc, tôi để ý quan sát các em, em nào cặp má cũng đỏ hây, đôi mắt to sáng, khuôn mặt ngời ngời sức sống. Đặc biệt đẹp nhất là những nụ cười quá đỗi hiền lành của các em, cười tròn môi căng má, cười khoe hàm răng xinh như những hạt ngô sữa, và tiếng cười trong vắt như mở hết tâm tư bé bỏng hòa đồng tương tác với người đối thoại. Những nụ cười ấy đã theo tôi nhiều năm, và lần nào hồi tưởng lại tôi cũng vừa vui vừa ưu tư ái ngại vì nhớ lại cả nét phong trần, cam chịu phảng phất trên gương mặt thơ dại của các em.

Chiều hôm ấy, em nào cũng ngây ngô cười nói, không ai có nét láu lỉnh của trẻ em thành phố, tuy hơi rụt rè trước người lạ nhưng nụ cười không lúc nào kém ngời tròn, trong sáng, Các em đã nhỏ nhẹ lễ phép trả lời như thưa gửi với cô giáo trong lớp học, phát âm rất rõ bằng tiếng kinh. Đôi mắt các em trong veo, phảng phất ánh xanh kiên trung của đá núi đang lai láng trôi thả như ngao du trong giấc mơ được bay cao, vút xa để khám phá những chân trời mới lạ bên ngoài bản làng nghèo khổ.

Trên đường về, khi gần đến khu rừng thâm u cây cối, chúng tôi nhìn thấy ba cô gái H’Mông trẻ, cô nào cũng oằn lưng gập người đeo một bó củi, vừa dài vừa rất to, đang đi ra từ bờ rừng, và bắt đầu men dần theo con dốc lên ngả đường về bản. Cô nào cũng đeo ngang hông một bao da mang rựa hay dao dùng đi rừng loại to. Họ bước chậm, thận trọng như để giữ thăng bằng cho từng bước đi. Dáng các cô mảnh khảnh, gương mặt sạm nắng, hằn sâu nét tần tảo, vất vả, chịu khó. Họ nhẹ nhàng cười chào chúng tôi rồi lại lầm lũi đi. Tôi tự hỏi không biết họ có phải trèo bờ đá rất dốc mà cả Nga và tôi đã phải bò mới qua được để đến đường đi tắt ra bến sông? Nghĩ bồn chồn xót xa quá. Cả Nga và tôi đều băn khoăn nghĩ ngợi tại sao các cô gái trẻ này phải tự đi kiếm củi mà không có thêm người thân nào, có sức lực mạnh mẽ hơn, đi cùng để giúp chặt cây hay bảo vệ các cô nếu gặp chuyện nguy hiểm trong rừng. Tuy thắc mắc nhưng chúng tôi cũng không thể dừng lại hỏi han họ vì đã quá muộn. Chúng tôi cần về Sa Pa trước khi mặt trời lặn, tránh tình cảnh xe phải dò dẫm trên các đoạn đường dốc nhiều đá vào lúc trời đã tối.

Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm bản Sín Chải, cách Sa Pa chỉ độ 5 cây số, đường dễ đi hơn nên chúng tôi đã chủ động khởi hành thật sớm để có thể lên thăm trường học của các em trong bản. Sín Chải có diện tích lớn nhất trong các bản làng ở Sa Pa và đa số dân ở đấy là người gốc dân tộc H’Mông. Năm chúng tôi đến, Sín Chải được xếp hạng là bản làng nghèo nhất ở Sa Pa.

Sáng sớm hôm đó, trời lạnh chỉ chừng 3 hay 4 độ C, chúng tôi đã tò mò theo các em nhỏ ở khu lưng chừng giữa bản đến trường. Trời chưa sáng hẳn, chúng tôi đi trên các đoạn đường đồi núi nhấp nhô và phải băng qua một con sông nhỏ trên chiếc cầu tre được cột, nối sơ sài bằng nhiều vòng dây mây. Dù rất dè dặt bước mà chiếc cầu luôn kẽo kẹt đu đưa, tôi đã rất bối rối bất an khi nhìn xuống thấy nước dưới sông chảy khá mạnh. Qua bên kia sông, hai bên con đường đất gập ghềnh còn phủ đầy sương muối, nhiều nơi còn lấm tấm các đốm tuyết; Không gian lãng đãng mây mù, gió núi khô buốt, vậy mà các em chỉ mang dép, chân trần không vớ. Những bàn chân nhỏ bé tím tái, gót chai sần, trong đôi dép mòn đế líu ríu bước như nhảy lướt trên những sườn đồi mà đất đã đông cứng. Quanh co hơn cả giờ, có lẽ đi cũng hơn 2 cây số chúng tôi mới tới được khu trường tiểu học của bản. Suốt dọc đường các em láu táu chuyện trò vui như đàn chim đi hội ngày mùa. Dù ăn mặc không được tươm tất, không có đồng phục như học trò thành phố, nhưng mắt em nào cũng long lanh, đôi má đỏ hồng, gương mặt hồn nhiên rạng rỡ. Nhìn vừa thương vừa rất đau lòng. 

Khi đến “trường học” của các em, chúng tôi đã rơi nước mắt. “Trường” chỉ là một cái mái che cao cao, nền đất, không cửa, không vách. Ba lớp học được ngăn bới tấm bạt màu xanh giăng lưng chừng từ mấy cái cột chống mái. Ngày hôm đó chỉ có một thầy giáo dạy cả 3 lớp: 1, 2, và 3. Thầy luôn tất tả vén bạt qua lại các lớp để giảng dậy hay phân xử giữ trật tự khi các em ồn ào. Ngoài sân trường có bốn phụ huynh, hai người trong bọn họ địu em bé trên lưng, tất cả vui vẻ chuyện trò trong lúc chờ đợi đến giờ tan học để dẫn con về. Gió se lạnh, nhìn quanh đâu đâu cũng chỉ núi đồi ngút ngàn.

Theo lời mấy bà mẹ ngồi đợi con bên ngoài lớp học thì vào mùa lạnh trường thường đông học trò hơn, các em ít vắng mặt vì gia đình không bận việc nương rẫy. Nhưng khi vào mùa trồng trọt hay mùa gặt, nhiều em phải ở nhà trông chừng các em nhỏ cho bố mẹ đi rẫy hay lên nương cả ngày. Đôi khi chính các em cũng phải lên nương phụ giúp gia đình để công việc đồng áng có thể toàn tất thuận lợi theo các chuyển biến của thời tiết. Cũng có em gia cảnh neo đơn, chỉ sống với ông hay bà rất già, nên phải cáng đáng việc nương rẫy như là người lao động chính của gia đình. Vì những khó khăn như vậy, nên có vài em đã học đi, học lại một lớp hai, ba năm, mà cũng chưa đủ kiến thức để được thầy giáo phê chuẩn cho lên lớp cao hơn.

Mấy ai, tình cờ đi qua bản, có thể thấu hiểu được những em nhỏ đáng thương ở đây đã phải kiên trì lắm mới đến được trường học, cố theo bạn ê a học vài con chữ, vài cái số, để mong có thể đọc, tự giải tỏa bao hiếu kỳ về những dòng chữ nhấp nháy hay các hình ảnh lung linh màu sắc trên mấy cái tablet computers “thần kỳ”, mà các em đã thỉnh thoảng nhìn thấy và rất chú ý, khi quan sát vài người trong các tổ chức thiện nguyện hay du khách chúng tôi sử dụng. Có thể, có em đã mơ hồ cảm nhận, phải đến trường để sau này không là người quờ quạng mù chữ khi lên thị xã, nơi có muôn vàn điều khác lạ; hoặc không bỡ ngỡ nếu có dịp đến được các phố thị dập dìu xe cộ mà các em đã nghe thầy giáo diễn tả là nơi mà cuộc sống trong nhà dễ dàng, tiện nghi hơn nhờ vào sự trợ giúp của các máy gia dụng nhỏ như tủ lạnh, máy giặt, bếp điện, bếp dầu, … Và vì thế, các em đã cố gắng trải qua nhiều buổi chịu đựng rét lạnh trong lớp học trống vách, không tường. Nhưng xót xa làm sao, khi chưa kịp thuộc bài vì luôn bị những cơn đói hành hạ do ăn uống thiếu thốn, do thường xuyên thiếu tập trung vì quá mệt mỏi, mất sức dầm dãi lội sông, leo núi; Và do lề thói gia đình đã ngầm ấn định ba ngày học, bốn ngày nghỉ … thì đã đến mùa gieo cấy, lại phải gói ghém chữ nghĩa cất lại ở lớp học để lên nương lo toan vất vả cuốc trồng, kiếm hạt ngô, hạt thóc nuôi gia đình. Đến khi hết mùa, trở lại trường, những con chữ, cái số lại nhập nhằng xa lạ như chưa từng được học qua; Thêm bao tủi buồn, tự ti khi phải một mình dò dẫm lại từng trang sách mà các bạn cùng lớp đã thông thuộc. Cứ thế, khó khăn triền miên đeo đuổi các em năm này qua năm kia.

Từ lâu, việc đi học của nhiều em vẫn như được lặng lẽ sắp xếp, một cách hoàn toàn thứ yếu phụ thuộc, quanh lịch trình của mùa màng như vậy. Lối sắp xếp này gần như đã thành thông lệ ở các bản làng heo hút, nơi mà nghèo đói thiếu thốn muôn thuở quẩn quanh. Và, người dân bản đã chấp nhận thông lệ này như một điều hiển nhiên, một điều bình thường như ý tưởng trong câu nói dân gian quen thuộc của họ “nước trôi xuống núi lại mưa về nguồn”, mà tôi đã nghe bà cụ mẹ A Tấn nói hôm trước. Nhận biết các em đến trường đã là một cố gắng phi thường, nên dù mấy năm học mãi một lớp, trường cũng không nỡ đuổi em nào cả. Nghe thật nặng lòng. Những đứa trẻ như không có tuổi thơ giữa núi rừng hùng vỹ, nơi thiên nhiên vô cùng hào phóng cảnh quan kỳ mỹ, nhưng lại nghiệt ngã cô lập các em trong cuộc sống cực kỳ khó khăn, thiếu thốn.

Từ trường học về, chúng tôi đã dừng bên bến sông một lúc. Lúc này đã gần 2 giờ chiều, nhiệt độ ấm hơn, hình như gần 15OC. Trên mấy tảng đá lớn nằm rải rác giữa sông, vài cô gái đang chăm chỉ giặt quần áo hay đang vội vàng tắm rửa cho con. Thời tiết khá lạnh mà hai em nhỏ độ 4, 5 tuổi đang đứng trần truồng trên một phiến đá phẳng sát nguồn nước trên cao chảy xuống. Hai bà mẹ, tay hối hả xối nước lên đầu con, miệng líu lo hát như để hướng dẫn sự tập trung của các em vào một câu chuyện ngộ nghĩnh nào đó trong bài hát. Mặt mũi tím lạnh nhưng không em nào khóc. Tôi quay đi chỗ khác, rùng mình, cảm nhận như có luồng nước lạnh buốt vừa chảy tê sống lưng. Nhưng chỉ dăm ba phút sau, cả hai em đều đã được mặc áo quần khô ấm và bắt đầu ríu rít như chim. Trên bờ bên kia sông, lác đác vài phụ nữ trung niên đang xách thùng theo nhau xuống lấy nước. Mọi người hình như ai cũng cố nói một câu gì đó để bắt chuyên với Nga và tôi. Tiếng hỏi han, chuyện trò làm ấm vang cả bờ sông cho đến lúc chúng tôi vẫy tay chào để rời đi. Có lẽ giống như những bến sông làng quen thuộc ở miền xuôi, bến sông ở đây cũng là nơi nhiều phụ nữ và trẻ em tới lui thường xuyên trong ngày để giặt dũ, tắm rửa, xách nước, và cũng là tụ điểm để họ cùng nhau vui cười họp chuyện, truyền tin tức để luôn được kết nối, gần gũi, và vun đắp tình thân của người cùng bản. 

Qua sông, theo dốc đường cheo leo để về chỗ để xe, chúng tôi tình cờ được đi vòng qua khu đầu bản trong buổi chiều mây trời xuống thấp, đang dật dờ trên các mái nhà xanh úa mầu lá. Tôi nghe như nhà nào cũng có tiếng trẻ em chuyện trò và có vòng khói loãng vơ vẩn bay lên đâu đó từ phía sau nhà. Cuộc sống của dân bản bình thản trôi. Không gian hiu hắt, hoang vu lạ thường.

Hơn mười năm đã qua. Chuyến đi Sa Pa năm đó để lại cho chúng tôi nhiều suy tư, nhiều trăn trở; nhưng day dứt, ám ảnh nhất là những ánh mắt trong veo đầy yên bình, không chối từ, không phản kháng trên các gương mặt non nớt trẻ thơ có vướng vất nét phong trần, dầy dạn của cuộc sống vô cùng khắc nghiệt ở vùng núi non hẻo lánh cô lập. Nhớ những mái đầu tí hon, nghiêng nghiêng tập viết, ê a đọc chữ quốc ngữ trong ngôi trường không cửa, không vách. Nhớ đứa bé lấm lem trong căn nhà thiếu ánh sáng, lê la chơi trên nền đất sát gần chuồng heo. Nhớ những đôi chân rất nhỏ, gót sần chai nứt nẻ, trong đôi dép vẹt đế thoăn thoắt lội sông, leo núi đi học trong sương mù, gió lạnh. Nhớ cái lưng gầy gò trong tấm áo sờn rách, gập người tải củi qua sông. Nhớ ánh mắt cực kỳ thèm thuồng khi chờ đến phiên được nhận vài gói bánh biscuits. Những đứa trẻ bất hạnh nơi vùng đất cao có địa hình quá trắc trở này đã bị bỏ quên rất lâu rồi. Các em rất cần sự quan tâm và chia sẻ để có thể vươn lên.

Vũ Thị Ngọc Thư

Chú Thích

[1] Suối Séo Trung Hồ chảy qua các xã Tả Van và Bản Hồ, thị xã Sa Pa tỉnh Lào Cai, Việt Nam.

[2] Xe, máy móc, và vật liệu dùng trong công trinh xây dựng đập thủy điện Séo Trung Hồ trên suối Séo Trung Hồ. Công trình được bắt đầu lại vào năm 2008. Chúng tôi đến SMT vào thời gian vùng hồ đang được chuẩn bị đào xới. Năm 2013, công trình hoàn tất và khu này trở thành hồ Séo Mý Tỷ. Hồ Séo Mý Tỷ ở độ cao hơn 1,600 m là hồ nước nhân tạo nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm mây phủ, hiện nay là hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam

 [3] Hoa tam giác mạch nhỏ, mầu trắng, nhìn như hoa dại. Mọc rất tốt ở vùng đồi núi cao. Người dân vùng cao giã hạt của hoa tam giác mạch hay xay, lược mịn, rồi dùng như bột để làm các loại bánh quê như bánh bò, bánh dầy. Bột tam giác mạch giàu protein và một số chất dinh dưỡng khác hơn bột gạo hay bột ngô.

[4] Mèn mén là món giống như cơm ở miền xuôi, nhưng được nấu từ hạt ngô khô đã được xay vụn hay giã nhỏ. Mèn mén thường được người miền núi hấp như đồ xôi; có nhà cũng nấu mèn mén giống như nấu cơm, nhưng thành phẩm bị nhão hơn. 

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search