T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Thị Ngọc Thư: MÙA BÔNG GÒN

Hoa Bông Gòn – Ảnh: https://tapchicaycanh.com/

Đang giữa mùa hạ, nhưng thời tiết luôn se lạnh như vừa chớm thu suốt mấy hôm tôi lang thang ở thành phố này. Nơi nào quanh mấy dốc đường quen cũng lãng đãng bay những đốm bông mong manh, bàng bạc như cả vùng đồi đang lúc tan sương. Muôn ngàn sợi tơ mầu tro bạc huyền hoặc, to nhỏ đủ hình dạng, lơ lửng chao bay miên man, vương vất suốt đoạn đường dẫn đến cổng nghĩa trang. Có lẽ đã hơn hai năm rồi, cội gòn duy nhất còn sót lại ở dốc rừng ven đường, mới lại miệt mài thả bông nhiều như thế. Trong nghĩa trang, tơ bông bay như những cánh hoa mây khói được liên tục rải rơi suốt quãng hành hương qua các ngã phù vân.

Tưởng cũng ra đi giữa mùa hạ, năm ấy mùa đến muộn nên lúc xe đưa Tưởng qua đoạn đường đồi đó, cây gòn cũng đang thả bông. Vài tuần sau, mùa hạ như đột ngột dứt, mưa dầm, phố ẩm ướt, hàng maple sau nhà xanh xao vàng vọt, lá rơi rụng khắp vườn. Cây cối quanh phố càng lúc càng xơ xác, tàn tạ hơn. Đâu đâu cũng áo não ảm đạm, không gian luôn mờ trong màn mưa đục. Thời gian thừa thãi vô tận trong căn nhà rỗng không, u uất. Tôi héo hắt cằn cỗi theo từng ngày dài khô lạnh, lẻ loi. Bàn ghế trong nhà lúc nào cũng mơ hồ nhập nhòa các bóng hình quen nhưng không còn âm thanh rộn rã của những ngày quây quần hạnh phúc cũ. Tất cả đã vời vợi xa xăm. Cái lạnh xa người bây giờ tôi mới biết [1]. Đâu đó ngoài thềm như luôn có tơ bông vẩn vơ bay, la đà, lơ lửng; vẫn cùng tôi bềnh bồng hiện hữu, chưa bị cuốn hẳn vào vũng cô đơn thẳm sâu của mảng đời đen bạc. Ở một khoảnh khắc nào đó, tôi từng nhận thức cuộc sống và cái chết cũng mông lung như nhau, đã có lúc thấm thía khi suy diễn ý nghĩa thâm sâu của câu viết đã được lập lại hai lần trong tác phẩm văn chương Le Boujoum “(L’homme) en tant que fragile objet, retenu au-dessus d’une gouffre, par les fils abstraits de l’espérance” [2]. Phải chăng những sợi tơ trừu tượng tiềm ẩn hy vọng, luôn huyền bí cứu vớt các trầm luân của con người trong kiếp nhân sinh bẩy nổi ba chìm? Gió vẫn reo vô thường trên những vòm cây maple đã long lanh sắc vàng thu.

Thời gian đầu, tôi rất sợ ở nhà một mình. Dường như trong nhà thỉnh thoảng vẫn còn tiếng lao xao của nhóm y tá, tạp vụ tới lui nhiều lần trong ngày. Âm thanh hỗn độn đó đôi khi còn vang rõ hơn vào đêm khuya khi tôi chập chờn ngủ. Tiếng nói chuyện, tiếng khua động lách cách của những lọ thuốc, ống chích chạm vào nhau. Các câu hỏi đều đều phải lập đi lập lại vì người bệnh quá mệt mỏi, không tha thiết trả lời hay đã quá mụ mị không còn tinh tường để đàm thoại. Những lúc ấy, tâm trí tôi lại mồn một hình ảnh Tưởng ngồi giữa mọi người nhưng luôn ủ rũ cúi mặt hay chỉ lặng lẽ nhìn vô hồn vào một khoảng không nào đó, không để ý đến ai. Đã bao lần tôi kiên nhẫn, nhẹ nhàng nắm tay chàng, từ từ nhắc lại những câu hỏi của họ bằng tiếng Việt. Chỉ lúc đó, đôi mắt ngơ ngác lạc trôi của Tưởng mới chậm rãi quay nhìn tôi rất lâu, như để định thần, trước khi từ từ yếu ớt trả lời ngắn gọn, vừa đầy đủ ý nghĩa, vài câu hỏi giản dị.     

Đoạn đời khốn khổ, đau buồn mấy năm vừa qua, bỗng chốc lại quay nhanh qua ký ức tôi.

Bệnh hoạn như định mệnh cay nghiệt, vừa bất ngờ được phát hiện đã dứt khoát khẳng định tình trạng vô phương cứu chữa. Vài năm trước, Tưởng tình cờ biết bị ung thư tuyến tụy, giai đoạn cuối, sau khi trải qua cuộc giải phẫu tương đối khá phổ biến ở người cao tuổi để đặt ureteral stents [3]. Chao đảo trong tột cùng lo sợ nên ngay sau khi rời văn phòng bác sĩ, tôi đã lên mạng tìm thông tin về bệnh của Tưởng và đọc khá nhiều tài liệu; nhưng chỉ còn nhớ đại khái các điểm quan trọng như: ung thư tuyến tụy di căn nhanh khi bệnh được phát hiện, thường vào lúc tình trạng đã đến giai đoạn cuối; Và cũng luôn gây nhiều đau đớn hơn các loại ung thư khác khi bệnh nặng, đã di căn ra các mô hay bộ phận lân cận.

Từ đó, cuộc sống của chúng tôi đã tràn như cơn lũ, lúc nào cũng dồn dập các biến động căng thẳng, nên tâm trí chúng tôi luôn trong tình trạng hốt hoảng, sợ hãi, bất an. Bác sĩ chăm sóc sức khỏe của Tưởng lúc bấy giờ là một người gốc Việt, bác sĩ Trình, từng là sinh viên y khoa ở quê nhà trước khi đến Mỹ khoảng đầu năm 1980. Ông ta được giới thiệu, qua người thân của Tưởng, là một người chu đáo, sẵn sàng thỏa mãn các yêu cầu của bệnh nhân khi kê toa thuốc và luôn sốt sắng viết giấy giới thiệu đi khám bác sĩ chuyên khoa hay chụp hình quang tuyến ở những nơi ông ta quen biết. Bác sĩ Trình cũng là vị bác sĩ đồng hương duy nhất của Tưởng từ khi chúng tôi nhập cư vào đất nước này hơn 20 năm trước. Tưởng thường kể, sau mỗi lần khám bệnh bác sĩ Trình có thói quen hoặc chỉ giải thích qua loa vài chỉ số tiêu biểu trong bảng kết quả thử máu, hoặc tóm tắt tình trạng sức khỏe tổng quát của Tưởng bằng vài ba chữ ngắn gọn; nhưng luôn cà kê tỉ mỉ hỏi thăm về cuộc sống, gia đình, hay các mối quan hệ xã hội riêng tư của bệnh nhân.

Khi biết Tưởng bị ung thư, bác sĩ Trình với vai trò là người điều phối trị liệu, đã lập một nhóm bác sĩ thuộc các chuyên khoa hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, và điều hòa dinh dưỡng. Phần lớn các bác sĩ này đều là người di dân đến Mỹ từ vài nước Á châu hay vùng Địa Trung hải, và từng là bạn học khi còn là sinh viên y khoa nhiều năm trước đây. Họ bàn luận, tự động sắp xếp các cuộc hẹn để Tưởng phải đến gặp từng người trong nhóm. Chúng tôi sấp ngửa chạy đua với thời gian hạn hẹp để hoàn tất chương trình gặp bác sĩ, thử máu, chụp quang tuyến, đến nhà thương để bác sĩ đặt port-a-cath (gọi giản dị là port) trên ngực của Tưởng; Thiết bị này được gắn vào một ống thông rất nhỏ luồn qua một tĩnh mạch lớn ở phía trên bên phải của tim. Theo họ hoạch định, port sẽ được dùng để truyền hóa chất vào cơ thể Tưởng ở giai đoạn hóa trị.

Thêm vào đó, chúng tôi phải giải đáp thắc mắc cũng như xác nhận các trị liệu khi hãng bảo hiểm sức khỏe gọi để kiểm định trước khi họ đồng ý thông qua một số toa thuốc của các bác sĩ trong nhóm. Chúng tôi luôn được chỉ định, nhắc nhở là Tưởng chỉ được chụp PET/CT Scan [4] tại chi nhánh bảo trợ bởi hệ thống bảo hiểm cách xa nhà gần 70 dặm dù bệnh viện lớn gần nhà có khoa chụp quang tuyến và cắt lớp hiện đại nhất county. Bận rộn, buồn bã, và quá lo sợ làm chúng tôi không còn tỉnh trí để suy nghĩ thấu đáo và có thời gian tìm hiểu cặn kẽ thêm về bệnh trạng của Tưởng. Chúng tôi đã trải qua những ngày tột cùng căng thẳng, tâm can bấn loạn, và tinh thần vô cùng khủng hoảng khi được cho biết cuộc sống của Tưởng chỉ còn được năm, sáu tháng nếu không lập tức loại bỏ khối u. Và đã nghe lời họ, vội vã thu xếp chuẩn bị để Tưởng được giải phẫu ngay. Những ngày đó, Tưởng ủ rũ tàn tạ, tâm trí luôn ngập chìm trong trạng thái chán chường, lo nghĩ. Nỗi buồn xâu xé đã bào mòn Tưởng, tinh thần chàng bị suy sụp nặng, và thân thể dần héo rộc đi từng ngày, nhìn vô cùng xót xa.

Tôi vẫn không quên được cảm giác hoang mang, bỡ ngỡ khi được hỏi về tín ngưỡng gia đình lúc đưa Tưởng nhập viện để giải phẫu. Và rồi đau đớn nhận biết chỉ ở những bệnh viện chuyên khoa này mới có nhiều am thiền nhỏ luôn lung linh ánh nến và ngày đêm thanh thoảng hương hoa nguyện dâng. Khi chiều buông phủ, âm vang thánh ca từ chapel nhỏ trong nhà thương đều đặn vọng sâu suốt không gian trầm mặc, u hoài cả hành lang khu bệnh nhân nằm điều trị. Và tôi cũng đã thấm thía nỗi ngậm ngùi, sợ hãi khi tình cờ thấy bóng tu sĩ vội vã, nhập nhoà theo ánh nến đâu đó trên hành lang ngoài giờ thăm nguyện thường lệ.   

Cuộc giải phẫu với mục đích cắt bỏ khối u đã hiển lộ trên các phim ảnh từ PET/CT Scan, cũng là trị liệu đầu tiên, diễn ra 8 ngày sau khi có kết quả biopsy của các mẫu được xét nghiệm. Nhưng chua xót thất vọng làm sao vì ngay sau khi mở vết cắt hình cán dù cong dài hơn 23 centimeters từ ngực xuống quá rốn Tưởng, đội ngũ bác sĩ giải phẫu không dám chạm vào khối u tàn độc nằm ngặt nghèo chèn giữa dạ dầy và tuyến tụy, nên đã quyết định may ngay vết cắt lại.

Sau này, khi bình tâm suy ngẫm, chúng tôi không thể loại trừ ý nghĩ cuộc giải phẫu vô bổ có thể đã được sắp đặt, tính toán để nhóm bác sĩ cùng cộng hưởng lợi ích kinh tế. Hoặc nếu không hoàn toàn như vậy, thì cuộc giải phẫu vô lý đó là kết quả của các quyết đoán bừa bãi, vô lương tâm của vài người yếu kém khả năng chuyên môn và quá thiếu sót kinh nghiệm. Họ rao giảng cách khống chế bệnh hiệu quả nhất là ngay lập tức cắt bỏ khối u rồi làm hóa trị để diệt mọi lây lan. Họ quyết định tiến hành giải phẫu, mổ xẻ bừa bãi, vô ý thức, rồi ráp ngay vết cắt lại sau khi nhìn thấy vị trí của mầm bệnh; mặc dù đã từng cùng nhau xem xét các phim ảnh chụp rất chi tiết về khối u và tất cả vùng mô lân cận. Họ hành xử như cơ thể Tưởng là một xác ướp của phòng thí nghiệm y khoa để họ thực tập một cách máy móc. Sau cuộc mổ, họ bình thản cùng nhau “make the rounds” [5] suốt mấy ngày Tưởng ở nhà thương, ghé vào hỏi qua loa một hai câu xã giao nhạt nhẽo, và ký đơn làm thủ tục báo cáo công việc thăm viếng với hãng bảo hiểm.

Thất vọng và mất tin tưởng khi nghe họ trao đổi hời hợt, vô trách nhiệm; và cũng quá lo sợ về thái độ thiếu quan tâm đến tình trạng bi đát, tuyệt vọng của Tưởng đã khiến chúng tôi suy nghĩ, cân nhắc việc thay đổi bác sĩ. Khi được phép xuất viện, chúng tôi đã đem các phim chụp đến một bác sĩ chuyên khoa khác, hoàn toàn không biết về tiền sử trị liệu của Tưởng, và đã được cho biết ngay tức khắc là tình trạng hoàn toàn không thể giải phẫu khi vị trí của khối u vừa khuất hiểm vừa chèn lên một động mạch chính, như đã hiển hiện rất rõ trong các phim chụp từ 27 góc cạnh khác nhau. Thật là một lầm lỗi thảm hại khi đã tin tưởng vào các rao giảng hợp xướng cùng âm giọng của nhóm bác sĩ điều động bởi bác sĩ Trình. Nhân gian khổ ải nổi trôi vì cuộc sống còn lẫn lộn sự hiện hữu của những người vô tâm, dựa dẫm tình thế để mưu đồ tư lợi vị kỷ. Họ có thể tận dụng các kẽ hở, mà họ nhận biết qua kiến thức nghề nghiệp, để thực hiện ý đồ không quang chính, không quan tâm đến tình cảnh thảm thương, cùng đường của đồng loại.

Tưởng đã quả kém may mắn khi gặp phải bác sĩ Trình ở khúc quanh hệ trọng của cuộc đời. Sau nhiều thủ tục giấy tờ vất vả và vài cuộc tranh luận với một số nhân viên hành chánh của hãng bảo hiểm, cuối cùng Tưởng cũng thoát khỏi sự kềm chế, điều khiển của bác sĩ Trình và các cộng sự viên của ông ta. Chúng tôi cay đắng quyết định rời xa luôn thành phố ấm áp ấy để về lại vùng Đông Bắc Mỹ, nơi chúng tôi đã định cư bình yên nhiều năm, dù trước đây Tưởng đã đôi lần tỏ ý ngán ngẩm khí hậu giá lạnh của những mùa đông dài mà chúng tôi đã từng phải chịu đựng. Nếu ở lại, chúng tôi sẽ luôn bất an vì phải tiếp tục sống trong địa bàn làm việc và dưới tầm tai mắt dọ xét của nhóm bác sĩ Trình. Mối lo ngại này và tình trạng sức khỏe của Tưởng đã thôi thúc chúng tôi gấp rút thu xếp đi để tránh mọi bất trắc có thể gây thêm khó khăn cho việc chữa bệnh của Tưởng. Về lại Đông Bắc Mỹ, chúng tôi hy vọng tìm được các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và đáng tin cậy hơn trong việc trị liệu cho Tưởng.

***

Hai oncologists (bác sĩ chuyên trị ung thư) mới quyết định Tưởng phải làm hóa trị để ngăn chận sự lây lan và cũng để hủy hoại dần các tế bào của khối u trước khi có thể làm xạ trị hay giải phẫu cắt bỏ hẳn. Hai loại hóa chất chính được dùng là Irinotecan và Fluorouracil (5-FU). Các thuốc này được truyền mỗi hai tuần, và truyền liên tục 12 lần trong khoảng thời gian gần sáu tháng. Trước mỗi lần truyền thuốc, Tưởng phải thử máu và chỉ sau khi các chỉ số quan trọng như lượng bạch huyết cầu, các số đo biểu hiệu tình trạng hoạt động của gan, thận đều trong biên độ định sẵn của bác sĩ thì hai loại hóa chất trên mới được pha chế, rồi truyền ngay. Tưởng luôn bắt đầu ca hóa trị bằng một liều thuốc viên Atropine để giúp kềm hãm bớt các phản ứng phụ của hóa chất. Tiếp đó, Irinotecan ở trạng thái lỏng như dung dịch nước biển được truyền từ từ trong khoảng hơn 2 giở ở nhà thương. Sau cùng, thuốc Fluorouracil ở dạng sệt đặc, được truyền thật chậm qua một máy bơm tự động (automatic portable pump) nối qua port-a-cath trên ngực Tưởng. Máy bơm liên tục truyền từng lượng rất nhỏ Fluorouracil vào cơ thể Tưởng trong vòng 30 giờ tại nhà. Tiến trình dự định là sau 12 lần truyền hai loại thuốc, Tưởng sẽ chụp PET/CT để kiểm điểm tình trạng bệnh và tác dụng của hóa chất.

Mọi xếp đặt nghe mạch lạc chặt chẽ như lời giải của một bài toán. Những con số về liều lượng hóa chất chính xác đến hàng đơn vị thể tích rất nhỏ; Chỉ số của các thành phần hóa học chọn lọc của máu được trình bầy chi li, rõ ràng như các bảng thống kê với đầy đủ ngày tháng lấy mẫu; Hàng trăm phim ảnh về vị trí, hình dạng, và kích thước của khối u đã được chụp. Nhìn tổng thể, bệnh trạng như dần được khống chế theo các diễn tiến dự tính của chương trình hóa trị. Kế hoạch phòng thủ, ngăn chận mầm mống di căn được dự đoán có xác suất thành công khả quan.

Trong thời gian ấy, Tưởng buồn bã thu mình trong nỗi cô đơn của bệnh hoạn, tâm trạng ủ ê chán nản khi người thân đến thăm, thái độ dè dặt ngần ngại khi phải đàm thoại với bác sĩ; Và thường xuyên ngập chìm trong những khoảng lặng mệt mỏi, trầm cảm, và buông xuôi. Thỉnh thoảng, Tưởng còn thờ thẫn tiếc nuối khi nhớ đến những việc đã dự định làm khi về hưu hẳn vào đầu năm sau. Tôi bận rộn với các đơn từ phải khai, những cuộc điện thoại, ngày hẹn chở Tưởng đến nhà thương, việc chăm chút Tưởng, các chì chiết từ gia đình người bà con có mối thâm giao ở những canh bạc cuối tuần với bác sĩ Trình; Và luôn phải gượng gạo tươi tỉnh trò chuyện vui vẻ bình thường để Tưởng bớt lo sợ, đỡ bị dằn vặt với ý nghĩ đã làm tôi quá bận rộn. Tất bật, nhưng lúc nào tôi cũng mơ hồ lo sợ vì linh cảm ngày tháng của chúng tôi đang trôi bất trắc như một cỗ máy cũ, gần hỏng, mà vẫn phải khó nhọc cố gắng vận hành.

Nhiều hôm trong khoảng thời gian năm, sáu giờ chờ Tưởng làm hóa trị ở Department of Medical Oncology, tôi đã đến thăm khu trẻ trị bệnh trong nhà thương. Các em nhỏ gầy gò, yếu đuối vẫn láu táu chuyện trò, ôm giữ đồ chơi, tay cầm bút tô xanh vẽ đỏ rất phong phú các thiên thần nhân ái, vẫn say mê hóng chuyện lúc có khách vào thăm. Khi không bị quàng quấn bởi những ống dây nhằng nhện, nặng mùi tử khí quanh giường, có em dù héo hắt tiều tụy trong chiếc áo bệnh nhân nhầu úa vẫn nô đùa rất thơ dại. Những hạt nước mắt tận cùng đau khổ của người mẹ, người cha đã thấm đẫm tâm hồn tôi bao ngày sau đó.

Tưởng trải qua chín lần truyền thuốc, và chỉ duy nhất lần thứ nhì đã được thực hiện đúng theo lịch trình của bác sĩ ấn định là ngày thứ 14 sau lần truyền thuốc đầu. Từ lần thứ ba, thời gian cách quãng đã dần lên đến 21, 28, rồi 35 ngày mới lại được truyền tiếp vì mức độ của các thành phần hóa học quan trọng trong máu Tưởng không đạt biên độ tối thiểu để bảo đảm cơ thể có thể nhận thêm thuốc mà không bị nguy hại nghiêm trọng. Truyền được ba lần, Tưởng mất sức nhiều, không ăn uống được, không chịu nổi sự hoành hành dữ dội của các phản ứng phụ; Có lần đã gần như bị sốc thuốc, hơi mê man một lúc, nên bác sĩ quyết định thay cả hai loại hóa chất bằng các thuốc Gemzar và Abraxane. Tuy có phần dễ chịu hơn Irinotecan và Fluorouracil, nhưng liều lượng thuốc Gemzar và Abraxane cũng đã phải giảm bớt và tốc độ truyền cũng chậm hơn trong năm lần truyền thuốc cuối cùng của Tưởng.

Trong thời gian truyền hóa chất, các bác sĩ phối hợp với khoa Palliative Care (Chăm Sóc Đặc Biệt) để Tưởng được theo dõi, trị liệu thêm bởi bác sĩ chuyên về các loại thuốc giảm đau, và được phép dùng những loại thuốc giảm đau loại mạnh, bán với số lượng hạn chế chỉ đủ dùng từng tuần theo luật phân phối nghiêm ngặt; Mỗi lần mua thuốc, ngoài toa bác sĩ, tôi phải trình cả bằng lái xe [6] và giấy chứng nhận là người chăm sóc hợp pháp của Tưởng. Từ đó, hai cô nurse practitioners, dưới sự điều hành và hướng dẫn của một bác sĩ chuyên môn, đã thay phiên đến thăm Tưởng hàng tuần. Họ theo dõi tình trạng sức khỏe của Tưởng, kê toa, và hoạch định cách phối hợp các loại thuốc uống để giúp Tưởng được thoải mái, đỡ phải chịu đựng nhiều đau đớn do sự tàn hoại của căn bệnh đã dần trở nặng; Và kềm chế bớt các phản ứng phụ phức tạp của thuốc chemo, các loại thuốc viên dùng hàng ngày. Chỉ riêng thuốc giảm đau, Tưởng phải dùng ba loại khác nhau: thuốc giúp bớt đau ở các mô thịt, dải cơ (tissues) vùng bụng nơi bị khối u hoành hành, thuốc giảm sự nặng nề tê cứng ở chân do một số dây thần kinh không còn chức năng hoạt động bình thường, và thuốc giúp xương các vùng lân cận khối u đỡ nhức đau, nhói buốt. Thêm vào đó, Tưởng còn dùng thuốc tránh nôn mửa, ngừa chóng mặt, điều hòa tiêu hóa, giúp dễ ngủ, chống tình trạng cơ thể quá hiếu động, và cả steroids để đưa tâm trí vào trạng thái hoang tưởng ngộ nhận như đang được khỏe hơn, có sức hơn, tránh bớt các suy nghĩ tiêu cực hay các ám ảnh tâm lý chán chường.

Vất vả khó nhọc theo đủ các trị liệu của bác sĩ, nhưng thể trạng Tưởng càng ngày càng tiêu điều xơ xác hơn, mặt hóp sâu, tóc rụng từng mảng, người gầy rạc, mắt nhập nhòa như bị phủ sương, chân bước liêu xiêu không vững, đôi khi tâm trí còn lẫn lộn như bị mờ ảo cả nhận thức. Ngậm ngùi làm sao khi hồi tưởng lại hình ảnh Tưởng năng động, cường tráng, tràn trề sức lực ở suốt thời trai trẻ và nhiều năm khi đã vào tuổi trung niên. Tưởng đã luôn rất nhanh nhẹn, tinh anh khi ở vị trí thủ môn phải giải quyết các tình thế khó khăn trong bao cuộc chơi bóng hào hứng trên khuôn viên đại học ngày nào; Và đã vô số lần tạo lợi thế cho đội nhà bằng các thao tác giữ bóng ngoạn mục, những đường chuyền tinh xảo làm đồng đội lẫn khán giả vô cùng thích thú, mến mộ. Thế mà chỉ mấy tháng ngắn ngủi, bệnh hoạn và thuốc men đã tàn phá, hủy hoại Tưởng quá nghiệt ngã; không còn chút dấu vết của bộ điệu tự tin, thể hình chắc khỏe, tinh thần lạc quan của cầu thủ Tưởng rạng rỡ ngày nào nữa. Đã có lần tôi thầm lặng cầu xin bác sĩ không viết thêm toa thuốc nào cho Tưởng nữa. Có thể đến một lúc nào đó tác dụng tổng hợp từ hóa chất trị bệnh và các loại thuốc phụ kèm còn đáng sợ hơn là để cơ thể Tưởng tự nhiên kháng cự, chống chọi với các biến chứng của bệnh tật. Thật đau xót khi bất chợt bắt gặp ý nghĩ tiêu cực này lẩn quẩn trong tâm trí.

Những khi không phải đương đầu với các cơn đau, tôi nhận thấy Tưởng cũng có lúc bình tĩnh để ý đến cuộc sống của người thân quanh mình, thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm tin tức bạn bè hay những người hàng xóm. Nhưng đôi khi qua ánh mắt Tưởng, tôi bất chợt thấy vẻ xót xa, nét tư lự, nỗi hoang mang, niềm tiếc nuối, và cả sự ái ngại khi câu chuyện vô tình dẫn đến những gì có thể sẽ đến với Tưởng, với gia đình chúng tôi. Có lúc tôi đã rùng mình sợ hãi vì nhìn Tưởng khác lạ hẳn, khuôn mặt có nét oán hờn sự khe khắt của định mệnh, có nỗi khổ đau của sự thua cuộc, có sự cô đơn của tuyệt vọng, và phảng phất cả nét thuần phục chấp nhận số phận như một tình huống hiển nhiên trong các thay đổi, thăng trầm của kiếp nhân sinh. Những ánh mắt lênh đênh rã rời, ngập tràn đau xót, vô bờ ám ảnh đó vẫn mơ hồ đeo đẳng tôi mấy năm vừa qua.

Kết quả PET/CT Scan sau lần truyền thuốc thứ chín cho thấy kích thước khối u không suy suyển đáng kể, nhưng điều bất hạnh thê thảm hơn là bệnh đã di căn, đã lác đác có đốm bệnh trên gan, dạ dầy, màng bụng, và vùng quanh khớp xương chậu của Tưởng. Hôm đó, sau khi cùng xem các phim ảnh, hai vị bác sĩ và chúng tôi đều yên lặng khá lâu, không gian nặng nề phủ trùm khắp văn phòng của họ. Chiều chập choạng rơi bên ngoài khung cửa sổ, hình như có chiếc lá hờ hững bay. Mắt Tưởng thờ thẫn, khuôn mặt đầy bóng tối nhọc nhằn có tiềm ẩn vẻ rệu rã, tàn phai. Tôi nghe như ghềnh thác đổ giữa ngày lũ dữ, nước tràn vỡ long sông lở bờ, và tiếng mưa quay cuồng đảo lộn đất trời.

Từ đó, Tưởng không còn hứng thú quan tâm đến bất cứ việc gì nữa, kể cả các phương cách cầm giữ bớt sự thao túng của ác bệnh. Từng ngày, Tưởng hoạt động ít dần đi, chậm hẳn lại, và dường như cũng lơ là dần các nhận định, quan tâm về sinh hoạt của cuộc sống chung quanh. Có lẽ tư duy cũng đang bị dừng lại hay có thể Tưởng tự khước từ mọi suy nghĩ, dự định, toan tính vì tinh thần luôn bị áp đảo bởi những cơn đau tàn độc, không thể tập trung suy nghĩ được nữa.

Hóa trị phải ngưng vì liều lượng thuốc mà cơ thể Tưởng chịu đựng được không đủ hiệu lực để kềm chế bệnh, Tưởng cũng không còn sức lực nữa nên chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài chương trình chăm sóc người bệnh rất nặng ở giai đoạn cuối đời (hospice care). Nhân viên hospice care đến nhà thăm Tưởng thường xuyên. Họ tăng thuốc giảm đau cho Tưởng gần như hàng tuần, và chỉ trong 6 tuần liều lượng đã gần gấp đôi phần Tưởng vẫn dùng khi còn truyền hóa chất.

Thời gian này, ban ngày Tưởng ngủ nhiều và nếu có thức cũng luôn ngầy ngật say thuốc, không hoàn toàn tỉnh. Ban đêm, Tưởng rất ít khi nằm yên được hai, ba giờ. Những lúc thao thức, Tưởng đi lại quanh nhà và nói huyên thuyên. Điều rất buồn là phần lớn những câu chuyện Tưởng kể lể chỉ bao gồm các suy nghĩ trong vô thức hay các hồi tưởng về cuộc sống xã hội của Tưởng nhiều năm tháng trước khi lâm bệnh. Tưởng cũng chẳng bao giờ nhớ đã nói những chuyện gì nếu ngày hôm sau tôi tình cờ nhắc lại các diễn biến đêm trước đó. Những khi ở trạng thái vô thức như vậy, dáng vẻ Tưởng lại khá bình thường, nhanh nhẹn, và hồn nhiên. Dường như khi ấy bệnh tật không còn làm Tưởng khổ sở hay đau đớn nữa. Dường như khi ấy Tưởng đã trút được gánh đời trĩu nặng, chẳng còn quan tâm đến những khát vọng, sở thích hay các bực bội, bất mãn vẫn luôn ám ảnh khi còn vất vả bươn chải với cuộc sống. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua những đêm dài miên man, nhưng tư duy ở khác chiều, nên không gian chung cũng toàn mê mị, mập mờ hư ảo.

Đến tuần lễ thứ bẩy sau ngày ngưng hóa trị, Tưởng bị những cơn đau thắt quặn kéo dài liên tiếp mấy ngày. Đau đến nỗi đã có đôi lần chân tay Tưởng run rẩy không kềm chế được, mặt tái xanh, trán lấm tấm rịn mồ hôi, nhưng tay chân cứng và lạnh buốt như đá. Liên tiếp gần ba hôm, cơn đau hoành hành cuồng loạn làm Tưởng không còn điềm tĩnh, giữ được tự chủ để kềm chế các phản ứng nông nổi của bản thân. Ngay cả khi vừa uống một liều thuốc giảm đau, Tưởng cũng chỉ hơi thiếp đi được độ 15 phút, rồi lại rên siết trong đau đớn hay oán thoán kêu than đòi thuốc. Thân thể Tưởng phờ phạc, ánh mắt dại đi, đôi khi còn hoảng loạn quăng ném bất cứ vật gì nhặt được ở gần tầm tay. Khi bình tĩnh lại, Tưởng kể cơn đau hành hạ xối xả như nhiều nơi khắp vùng bụng bên trong bị đâm ngang, khoét dọc bằng vật nhọn, theo cường độ dữ dằn, điên loạn, và dồn dập liên tục, chưa bao giờ từng bị trước đó. Giọng kể của Tưởng lạc dần trong nỗi kích động như tinh thần vẫn còn bị bấn loạn bởi các ám ảnh kinh hoàng.

Thật ra, không những liều lượng thuốc giảm đau đã được gia tăng mau chóng mà các thứ thuốc này còn được dùng cùng các loại thuốc hổ trợ giúp cho dễ hiệu quả; Các phối hợp chặt chẽ như vậy vẫn không giúp Tưởng thoải mái hay dễ chịu hơn. Tôi đã gọi Emergency line của Hospice Care nhiều lần những hôm ấy để xin ý kiến phải làm gì ngay thời điểm đảo điên đó để giúp Tưởng dịu bớt cơn đau và luôn van nài họ đến nhà giúp Tưởng. Sau 3, 4 lần thay đổi liều lượng và tăng thuốc Oxycodone (thuốc giảm đau tổng thể, biến chế từ nguyên liệu chính là opium) dùng xen kẽ cùng Gabapentin (thuốc làm những dây thần kinh liên hệ bớt bị nhức buốt) Tưởng vẫn quằn quại kêu la, có vẻ như hoàn toàn không cảm thấy dễ chịu hơn nên một bác sĩ đã đến nhà thăm Tưởng. Sau đó, họ quyết định không cho Tưởng dán Fentanyl patch [7] nữa, nhưng phải uống thêm thuốc giảm đau Methadone [8] xen lẫn cùng các thuốc Oxycodone và Gabapentin vẫn dùng từ khi bắt đầu trị liệu.

Tưởng ngủ nhiều hơn và đỡ rên la được vài ngày, đến đêm thứ năm Tưởng lại bị cơn đau đầy đọa đến co giật gần ngất xỉu. Gần 2 giờ đêm một bà y tá đến khám bệnh lúc Tưởng gần như mất cả nhận thức. Cuối cùng, bà quyết định mắc máy truyền Dilaudid [9] tự động từng quãng ba giờ liên tục vào cơ thể Tưởng. Hai đêm liên tiếp sau đó, tôi đều hốt hoảng gọi cấp cứu khi mơ màng giật mình nghe tiếng Tưởng ồn ào, rất to. Không hiểu bằng cách nào mà ống dây plastic rất dai chắc dùng truyền Dilaudid qua một cái kim to ghim xuyên vào bắp tay và được cố định bằng mấy vòng băng quanh cánh tay Tưởng, đã bị giật tung. Máy điều chỉnh thuốc truyền tự động nằm lăn lóc trên sàn nhà. Tưởng đi lại trong phòng, thao thao giõng dạc như đang giảng bài hay trình bầy seminar, bằng tiếng Anh, rất rõ ràng mạch lạc. Dáng điệu bình thường, giọng nói chắc khỏe như khi chưa từng bệnh hoạn. Tuy hơi nhếch nhác trong bộ quần áo ngủ nhàu nhĩ, nhưng phong thái Tưởng điềm đạm, nghiêm chỉnh, tao nhã như những lần lên giảng đường thời còn làm việc ở trường đại học. Nhưng chỉ được độ hơn 10 phút thì Tưởng ngã vật ra, đôi môi rung giật, nằm sóng soài, lịm thiếp trên sàn nhà. Thân thể Tưởng đơ cứng khác thường. Bằng hết sức lực tôi cũng không thể nào vực được Tưởng dậy. Tôi lay, gọi trong vô vọng. Thảng thốt, kinh hoàng, mất tự chủ, tôi khóc vì sợ Tưởng không thể tỉnh lại. Hơn ba giờ sáng cô y tá đến, loay hoay vất vả một lúc rồi chúng tôi cũng đưa được Tưởng về giường, nối lại máy bơm tiếp tục truyền Dilaudid vào cơ thể chàng. Đêm dầy đặc nhọc nhằn, nước mắt trong mầu vàng bệnh hoạn loang lổ của ánh đèn đường đang khựng yên trên khung cửa kính. Gió thốc mạnh trong làn chớp đêm khi tôi đưa cô y tá ra cửa.

Những khi tỉnh táo hiếm hoi, có lúc Tưởng cũng ý thức tình trạng mất sức đáng lo sợ sau các cơn đau khốn khổ lúc mê loạn vô thức. Những ngày thê thảm ấy, buổi tối trước khi ngủ, Tưởng vẫn thích được xoa bóp bằng dầu thảo dược [10] và nghe tôi rủ rỉ kể lại vài câu chuyện thời chúng tôi quen rồi yêu nhau khi còn là sinh viên cùng trường. Có lẽ chuyện tình êm ái thơ mộng đã làm trổi dậy bao giai điệu nồng thắm yêu thương, vang lại những nốt nhạc thánh thót từ lâu lắng đọng trong ngăn ký ức đẹp nhất của cuộc đời, đã giúp tinh thần Tưởng được nhẹ nhàng, an nhiên hơn. Thêm hơi dầu nóng thấm vào da thịt, Tưởng như được dịu bớt phần nào những đau đớn, khổ sở của thể xác; Và hương thảo mộc miên man lan tỏa trong không gian phòng đã giúp Tưởng thoải mái dễ chìm vào giấc ngủ một cách bình yên hơn. Tôi cũng cảm nhận Tưởng cần sự tương tác âu yếm của hai bàn tay tôi trên da thịt đang rã rời chịu đựng nhiều hủy hoại tàn phá, cần nghe tiếng tôi nhỏ to quen thuộc bên tai, để yên tâm tôi vẫn luôn bên cạnh trước khi bất chợt chìm vào giấc ngủ vô định ghê rợn đã âm ỉ ám ảnh Tưởng mấy tháng gần đây.

Vào một đêm mưa cuối tháng Bẩy, tôi bắt đầu kể lại những kỷ niệm rất đẹp ở khuôn viên đại học năm xưa, thời chúng tôi bắt đầu yêu nhau tha thiết. Mối tình như những vần thơ bay bổng, tuổi hai mươi tròn đẹp như mơ, có giọt sương đọng mãi bờ vai đêm nhận nụ hôn đầu trên ngõ hoa sứ trong sân trường. Có buổi chiều vui đùa đặt tên cho từng cây hoa sứ làm chim chóc sao nhãng lạc đường bay. Tôi kể để vỗ về tinh thần Tưởng, giúp Tưởng quên những đau đớn của ác bệnh; những nhọc nhằn chịu đựng bao thủ tục hành chính rườm rà, độc đoán của hãng bảo hiểm sức khỏe; và sự khô khan cứng nhắc đo đếm, soi chụp, các thử nghiệm của chương trình trị liệu. Và kể cũng để chúng tôi cùng bồi hồi nhớ lại thuở khung trời hạnh phúc lấp lánh dải tơ hồng luôn êm ái chờ đợi để se kết chúng tôi.

Kể đi, kể lại mấy lần, tôi nhận ra Tưởng thích nghe chuyện đi xem dải ngân hà và chuyện vũng trăng mê hoặc trong đêm nhạc ở khuôn viên trường đại học của chúng tôi ngày xưa.  Mỗi khi tôi kể lại hai câu chuyện này, nét mặt Tưởng luôn rất thư thái, tay chân bớt hẳn hiếu động, và chàng như quên cả rên rỉ than van; Tưởng nằm yên được lâu hơn, có vẻ luôn chăm chú nghe, thỉnh thoảng đôi môi nứt khô héo hắt còn như hơi nhếch lên, thoáng nét cười trẻ thơ hồn nhiên.

Chuyện Dải Ngân Hà

Ngày xưa, đã nhiều lần tôi mơ về dải ngân hà. Trong mênh mang vô tận của vũ trụ, dải ngân hà muôn đời lấp lánh những vì sao hiện hữu bình yên mà tinh cầu loài người có thể chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn nhưng muôn trùng mông lung xa vợi, ở ngoài tất cả kiểm soát và khái niệm thời gian của cuộc sống nhân gian. Tôi mơ những hạt sao lung linh ở đó đã thầm thì với tôi tình yêu thật sẽ vĩnh cửu, trái tim yêu không ngừng lấp lánh, luôn dặt dìu giai điệu, và nồng nàn hương hoa.

Hồn nhiên như đứa bé nghe chuyện thần tiên, rồi bị mê mị bởi những ao ước không hiện thực, tôi đã rủ Tưởng đi xem dải ngân hà, cùng đếm sao trời để nguyện xin sự trường tận vĩnh cửu cho tình chúng tôi. Khi yêu nhau, mọi thứ sao đều rất thực, đều khả thi; đến cả mây và gió cũng như ngay tầm tay với, chẳng điều gì mang ý nghĩa hoang đường hay là thành phẩm của tưởng tượng. Ngày ấy, không hiểu sao Tưởng rất chiều chuộng tôi, luôn ậm ừ đồng ý với mọi ước muốn nông nỗi trẻ con, đôi khi hơi khác thường, của tôi. Và có lần chúng tôi đã lần mò vòng vèo theo đường xe chạy lên College of Forestry trong campus tìm địa điểm, trên lối mòn nhấp nhô lên rặng Mt. Makiling [11] thần bí, để tìm nơi chiêm ngưỡng dải ngân hà.

Hôm ấy, Tưởng khệ nệ mang bộ kính thiên văn mượn của gia đình giáo sư hướng dẫn, tôi tham lam quấn hai ống nhòm quanh cổ. Trời tối, đường không bóng người, thi thoảng mới có ánh đèn một chiếc xe jeepney [12] chậm chạp lên dốc hay thận trọng đổ xuống, từ từ vượt qua chúng tôi, vu vơ thả rơi lại vài giai điệu nhạc thanh bình, an lạc của mùa lễ. Âm ba tha thiết, êm ả của những bài hát Giáng Sinh làm tôi chạnh lòng nhớ những đêm bất an, sợ hãi từng trải qua ở Sài Gòn; tiếng đạn pháo kích phá hoại và những trái sáng lóe rực một góc trời như luôn hiện diện đâu đó trên bầu trời khu phố vào ban đêm mỗi khi nhìn từ cửa sổ bàn học của tôi. Bao giờ những lúc chìm trong tâm trạng hoài nhớ về Sài Gòn, về quê nhà đã lìa xa, cũng làm sinh viên xa xứ như chúng tôi cảm thấy sự cần thiết phải có nhau để kể lể tâm tình, nhắc nhở, hoài niệm chuyện ngày tháng cũ; và những khoảnh khắc đồng cảm ấy càng làm mối tuơng quan của chúng tôi gần gũi, thắm thiết, và ấm áp hơn.

Chúng tôi đi bên nhau, rủ rỉ nói chuyện, thỉnh thoảng ở những đoạn đường ngắn không bị khuất bóng cây, loáng thoáng ánh trăng rải rơi trên mặt đường heo hút màu tro khói. Không gian bàng bạc, thâm u. Trên bầu trời cao, phiến trăng lưỡi liềm nhẹ nhàng đong đưa một mình. Chúng tôi đang chênh vênh gần giữa triền dốc vắng, Tưởng loay hoay điều chỉnh kính thiên văn đặt giữa một mỏm đất phẳng, thưa cây cối, gần lối vào suối nước nóng. Thoáng một lúc, Tưởng mừng rỡ gần như nhảy lên, reo rất to “trời ơi, đẹp quá”. Tôi háo hức, vội vàng đẩy Tưởng để len vào nhin ống kính nhưng Tưởng đã giữ chặt tay tôi không cho chạm vào bất cứ chỗ nào trên kính vì sợ mọi thứ trong tầm nhìn sẽ biến mất.

Như một kỳ quan ở chốn hư tưởng, tôi nhìn thấy phiến trăng sáng lòa rực rỡ trong không gian bốn, năm chiều; hàng lớp đồi núi lô nhô lên xuống ở đó có mầu xám nâu, nhìn như các núi đá hoang sơ từ thời cổ đại hay các núi lửa đang trong giai đoạn thầm lặng say ngủ giữa bầu trăng ấm áp. Ở giây phút ấy, tôi bỗng cảm nhận sự nhỏ bé mong manh vô cùng của thế giới loài người trong bao la kỳ vĩ của vũ trụ, và ý thức sự cần thiết của các tương quan hòa đồng, liên kết với nhau để vững mạnh tồn tại. Trăng lồng lộng sáng nên Tưởng xoay kính, điều chỉnh thế nào cũng chỉ thấy được thêm vài vì sao lờ mờ quanh đó. Một lúc lâu sau, khi xoay kính chệch xa biển sáng mênh mang, tôi nhận ra chùm sao Bắc Đẩu, lấp lánh biếc xanh, nối nhau như hình một cái gáo có cán giữa bầu trời đen thẳm.

Trong tâm trạng lâng lâng lạ kỳ khó tả, như có sự thôi thúc mơ hồ, tôi bật thì thầm những điều ước đã nghĩ đến và cầu xin từ lâu, nhưng nhất định không chia sẻ khi Tưởng tò mò dò hỏi. Trăng và núi như đang trong khúc giao hưởng huyền hoặc giữa tịch mịch của đêm cuối năm lặng gió, ít sao, nhưng khôn xiết nhịp giao cảm diệu kỳ. Trầm mặc và thần bí vô cùng. Hương đêm, tinh cất từ hoa rừng và hơi suối nóng, ngây ngất huyền diệu tràn xuống từ các vách núi. Như bị mê mị, tôi ngần ngại sợ lời cầu xin chưa đủ chân thành, nên không dám kể với Tưởng vì ý thức chúng tôi đang ở trong khu đất núi Makiling linh thiêng.

Tối hôm đó chúng tôi không tìm được dải ngân hà như đã mong ước. Tưởng nài nỉ rủ chờ thêm, dỗ dành đợi khuya hẳn, trời tối đặc hơn, có thể cả dải ngân hà sẽ giăng sao vằng vặc ngang trời, rồi tha hồ xem. Nhưng tôi đòi về vì đã gần đến giờ giới nghiêm của cư xá, đúng ra thì tôi cũng đang trẻ con dỗi hờn thất vọng vì không được thấy dải sao lấp lánh mầu sắc như đã tưởng tượng và chờ mãi mà hạt sao băng may mắn vẫn ngần ngừ chưa rơi, chưa chứng nhận ước xin được yêu chiều mãi của tôi. Chúng tôi xuống dốc, vừa đi vừa đếm những chấm sao tìm được trên lối về cư xá, thỉnh thoảng có mấy đốm đom đóm lập lòe xôn xao bay theo như cùng trẩy hội tình đếm sao với chúng tôi. Đến gần dốc đồi lên cư xá nữ, Tưởng khăng khăng đã đếm được hơn tôi hai vì sao, dù chúng tôi cùng đếm với nhau suốt đoạn đường. Chỉ còn độ hơn một phút nữa là đúng giờ cư xá khóa cửa, đã bắt đầu có tiếng intercom vọng ra gọi tên từng người chưa signed-in [13]. Không còn thì giờ đễ tranh cãi về số sao đếm được với Tưởng, tôi ấm ức bỏ chạy về main entrance của cư xá. Nhưng cũng vừa kịp nghe tiếng cười ròn rã đầy thích thú của Tưởng lẫn trong câu nói với theo: đêm nay hai đốm sao sáng nhất là đôi mắt của người đòi đi xem dải ngân hà. Ánh trăng sóng sánh cả dốc đồi. Câu nói ấm tiếng cười đã cùng gió miên man reo mãi bao ngày thanh xuân trong veo của tôi.

***

Lúc Tưởng thiếp vào giấc ngủ, tôi cũng từ từ dừng kể lể, lòng se lại, chua xót cảm nhận sự vô vị của cuộc độc thoại và nỗi hẫng tiếc câu chuyện bị dang dở.

Tưởng yếu đi từng ngày, có lẽ từng giờ thì đúng hơn. Lượng Dilaudid vẫn được từ từ tăng dần, những khi Tưởng vật vã đau đớn quá, tôi đã phải bấm nút cho một liều thuốc truyền xuống ngay, không thể chờ đến lúc máy tự động bơm cách quãng 3 giờ nữa. Ban ngày, Tưởng nằm nhiều, mắt luôn nhắm, hơi thở lên xuống yếu ớt, gương mặt hơi giãn vẻ đau đớn, thỉnh thoảng lại rên rỉ dù tâm thức luôn trong tình trạng ngật ngừ say thuốc. Đến bữa ăn, Tưởng chỉ trệu trạo ăn cơm hơi nhão hay cháo yến mạch với cá hoặc gà hấp với thật nhiều gừng, và luôn phải có canh hơi dịu chua hay canh rau thập cẩm cắt thật nhỏ, nấu nhừ. Mấy món ăn tẻ nhạt này, Tưởng thường bảo tôi nấu sau khi uống xong liều thuốc đầu tiên mỗi ngày. Thời gian của chúng tôi như chùng lại ở những bữa ăn uể oải chậm chạp, cơm cũng thường bị bỏ mứa; đôi khi Tưởng chỉ nếm qua một chút canh rồi không ăn thêm gì nữa. Không gian trong nhà nặng mùi thuốc, mùi bệnh, mùi máu, mùi alcohol; hòa quyện cùng tiếng rên tức tửi đau đớn triền miên cả ngày. Khi đêm xuống, tiếng kêu than đau lòng này cũng luôn mơ hồ yếu ớt lan vọng dù Tưởng nằm rất yên, tư thế như đang ngủ. Ngoài ra còn có cả tiếng rù rù đồng điệu vô cảm triền miên của máy truyền oxygen.  

Bốn hôm trước ngày đi, bỗng nhiên sáng hôm ấy Tưởng rất tỉnh táo, tinh tường. Đêm trước dó, Tưởng ngủ khá yên giấc, không thức dậy đòi thuốc hay rên rỉ vì đau đớn, khó chịu. Khi thức giấc, Tưởng không rung chuông gọi tôi như mọi ngày mà tự xuống giường, rồi lững thững bước đi, tay phải tự đẩy trục treo máy bơm thuốc Dilaudid, tay trái túm giữ các dây nối gọn ghẽ, Tưởng lần ra phòng ăn một mình, kéo ghế ngồi nói chuyện, xử sự như lúc khỏe mạnh bình thường, chừng như không nhớ gì cả về bệnh tật. Trong bộ điệu vô cùng hồn nhiên thích thú, Tưởng hóm hỉnh phê bình vóc người hơi bệ vệ và dáng điệu tất tả vội vàng của hai cô y tá thay phiên đến nhà thăm nom hàng ngày. Hết chuyện hài hước về hai cô y tá, Tưởng nhắc tôi lấy hẹn đem xe đi thay dầu máy, rồi hỏi về tiến triển của vài việc liên quan đến nhà băng và giấy tờ nhà thương. Khi trò chuyện, nét mặt Tưởng tinh anh, tư duy minh mẫn, và giọng nói cũng rõ ràng, mạnh mẽ hơn nhiều ngày vừa qua. Có lúc còn bắt tôi kiểm điểm, ghi chép số viên thuốc còn lại của những loại mà Tưởng ranh mãnh diễn tả là “thần dược cứu rỗi đời anh” như Xanax (thuốc an thần), Ambien (thuốc ngủ), và Oxycodone; rồi lẩm nhẩm tính toán minh bạch số thuốc còn đủ dùng được bao nhiêu ngày nữa.

Vui chuyện được một lúc, Tưởng háo hức đề nghị chúng tôi ăn bánh xèo trưa hôm đó. Món bánh làm với nhân kiểu Nha Trang gồm tôm, mực, sò điệp, giá đỗ, hành phi và nấm hương mà Tưởng rất yêu thích. Bánh xèo còn gợi lại bao ký ức tuổi thơ êm ả của Tưởng những năm trung học phải ở trọ xa nhà. Tưởng bồi hồi kể những ngày cuối tuần đạp xe chở cậu em gần 10 cây số từ thành (Nha Trang) về làng Phú Ân Bắc để được chị Năm ân cần đổ bánh xèo, bánh căn cho ăn. Bao buổi trưa nắng vàng bừng loang chái bếp sau vườn, gió lao xao, chị em xúm xít chờ bánh chin. Tưởng vừa trả lời những câu hỏi thân tình của chị Năm dọ dẫm tình trạng sinh hoạt của ba cậu em ở nhà trọ, vừa nghịch mớ tép nhảy lách tách và những con mực mình đầy đốm nháy lấp lánh, râu còn ngọ ngoạy. Bánh chín thơm lựng cả khu vườn nhiều gốc mía tím, có ba cây mít tố nữ trồng gần đìa cá ở góc vườn sau nhà. Câu chuyện này Tưởng đã kể nhiều lần nhưng tôi nghe chẳng bao giờ chán. Tiếng mấy chị em Tưởng nói, cười sao nghe như vừa vụn vỡ đâu đây.

Hôm đó, tôi cố gắng tráng từng chiếc bánh cẩn thận để đạt được độ vàng ruộm của sắc nghệ chín; bánh mỏng vừa đủ để khi gấp lại vẫn ẩn hiện mấy con tôm cong tròn đỏ au đã được dần mềm, vài sợi mực hồng tím, lấm tấm những vụn hành lá xanh và có độ giòn thơm mà Tưởng ưng ý. Tưởng đã tẩn mẩn nhẩn nha xắn từng miếng bánh, cuốn rau, cắn thêm miếng ớt ngâm chua, chấm chấm, hít hà ăn uống rất ngon miệng. Có lẽ đó là bữa ăn mà Tưởng thưởng thức trọn vẹn nhất từ khi phải truyền hóa chất để trị bệnh. Vốn cảnh giả kén ăn mà Tưởng rất dễ chịu, không phàn nàn bất cứ thứ gì dọn lên bàn. Nhìn Tưởng vui vẻ ăn uống, tôi hơi lặng đi khi nhận ra nhiều nếp nhăn hẳn sâu trên trán, cặp mắt trũng tối trên gương mặt nhợt nhạt mệt mỏi của chàng, tóc lưa thưa bạc trắng. Vẻ hốc hác tiều tụy lộ rất rõ dù Tưởng luôn huyên thuyên nói cười; Có thể Tưởng nhìn xuống sắc tàn tạ nhiều hơn vì cũng lâu lắm rồi tôi mới được bình tâm quan sát Tưởng kỹ như thế. Hơn ba tiếng đồng hồ ngồi nói chuyện rất bình thường, nhắc nhở dặn dò nhiều thứ mà Tưởng hoàn toàn không lộ vẻ đau đớn, khó chịu, hay mất tập trung; và vì thế những suy nghĩ, nhận định của tôi cũng không bị nhập nhằng đứt quãng. Tôi bất chợt có những lo lắng vu vơ, lòng bồn chồn bất an rất lạ, nhưng vẫn cố gượng nén để chuyện trò, chăm chút bánh, rau cho Tưởng. Sau khi ăn, Tưởng từ từ nhấm nháp chén trà gừng hòa chút mật ong và tiếp tục vui chuyện được một lúc trước khi về phòng nghỉ ngơi.

Sau giấc ngủ trưa ngắn, Tưởng rung chuông gọi tôi than van bị đau nhiều. Chỉ một thoáng sau liều thuốc giữa buổi, Tưởng lại nói lảm nhảm, vứt đồ đạc lung tung xuống sàn nhà. Lờ đờ, mất kiểm soát, không còn tự chủ, tóc tai rũ rượi, Tưởng bắt đầu như bị kích động, dằng co giật kéo dây truyền thuốc khỏi cơ thể. Tôi rơi nước mắt, Tưởng đã trở lại là Tưởng trong nhiều ngày qua, cáu kỉnh bực dọc, bộ điệu khó khăn, dễ mất bình tĩnh; Tôi phải bấm nút truyền ngay một liều Dilaudid cho chàng. Gần chập tối, cô y tá đến, cố gắng hỏi Tưởng về mức độ đau mà chàng đang phải chịu đựng, nhưng Tưởng như đã hoảng loạn mất ý thức, chỉ rên la thảm thiết, nước mắt ràn rụa. Những giọt nước mắt bất lực của Tưởng hiển lộ bao nhọc nhằn, nghiệt ngã, khổ nạn của kiếp đời, và đã cứa lên tâm hồn tôi các vết hằn cay đắng mà cho đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn se sắt nhói đau.

Cuối cùng, họ lại tăng thêm lượng Dilaudid truyền định kỳ cho chàng. Đêm đó, Tưởng ngủ say được gần sáu tiếng đồng hồ. Tôi luôn chập chờn mê tưởng như có tiếng rên hay tiếng chuông leng keng của Tưởng gọi; nhưng mấy lần tỉnh dậy cũng chỉ thấy Tưởng ngủ rất yên, hơi thở đều, thân hình vẫn nguyên ở thế nằm từ lúc đầu hôm, cũng không xoay trở chân tay thường xuyên như bao đêm trước. Trong phòng chỉ có tiếng kêu đều đều tẻ nhạt của máy truyền oxygen. Không gian tĩnh lặng không bình thường. Tôi linh cảm như gần đến giai đoạn từng được cho biết riêng khi Tưởng quyết định ngưng hóa trị. Bác sĩ điều trị các trạng thái đau của bệnh ở giai đoạn cuối đã cảnh báo, dần dà Tưởng có thể bị những cơn đau đến ngoài sức chịu đựng, và khi đó, các loại thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc ngủ sẽ được phối hợp theo liều lượng chẩn định, và được truyền, tiêm liên tục vào máu để đưa Tưởng vào tình trạng luôn mê ngủ hay giữ tâm trí Tưởng mù mờ cô đặc trong ảo giác, giúp Tưởng không còn nhận thức được những đau đớn, khó chịu khổ sở nữa; Và Tưởng sẽ cũng dần quên dự phần vào các sinh hoạt của đời sống quanh mình; Có thể còn quên không nhận ra cả những người thân, bạn bè đã từng quen biết hay gắn bó sâu đậm. Dù hiểu bệnh càng ngày càng nặng, Tưởng càng yếu, càng bị đau thê thảm, càng lệ thuộc vào thuốc hơn; Nhưng tôi cảm nhận chưa sẵn sàng để nhìn thấy Tưởng trong tình trạng thương tâm vật vờ mê tỉnh, không còn ý thức, không nhận ra tôi nữa; đau đớn phũ phàng ngoài khả năng chịu đựng. Trên giường, Tưởng vẫn mơ màng trong cuộc du hành vô thức. Đêm sệt quánh những bồn chồn, lo âu. Thời gian trôi rất chậm. Không gian tĩnh lặng vô cùng. Bóng tối ẩn chứa nhiều hãi hùng, bất an.

Sáng hôm sau, khi thức giấc Tưởng lờ đờ hẳn đi, chỉ nằm yên nhìn đăm đăm lên trần nhà một lúc khá lâu trước khi mệt nhọc cố gượng để tôi đỡ ngồi dậy, nhưng phải tựa ngay vào mấy cái gối chèn cao dưới lưng. Thỉnh thoảng Tưởng thẫn thờ ậm ừ một hai tiếng, cố gẳng biểu hiệu vẫn nghe tôi hỏi han chuyện trò, vẫn biết tôi đang chăm chút lau mặt, chải chuốt, thay quấn áo cho Tưởng. Sau đó, không chịu ăn sáng, Tưởng nằm lại xuống giường, thiếp lả đi như bị say thuốc nặng. Tôi nhớ lại dáng vẻ tỉnh táo, nét mặt lúc ranh mãnh trêu đùa, và bộ điệu bình thường của Tưởng trong mấy giờ đồng hồ ngày hôm trước và bỗng vô cùng hoảng hốt lo sợ, lòng dạ như lửa đốt, nước mắt trào rơi lã chã. Tôi linh cảm điều gì đó rất kinh khủng sắp xảy ra. Đã hai lần kề cận chứng kiến những ngày cuối đời của người thân, đã trải qua những khoảnh khắc hết sức bất ngờ khó hiểu khi người bệnh đang ốm yếu đau đớn trong tận cùng tuyệt vọng, bỗng bí ẩn như có phép mầu, bừng bừng ngời tràn sinh lực, vượt qua tất cả mọi oan khiên, khổ ải của bệnh tật, mạnh khỏe như vừa hồi phục, thoát hẳn ngưỡng cửa tử sinh. Vào những phút giây đột biến linh diệu ngắn ngủi đó, có lần tôi đã nghe người bệnh thân tình nhắn nhủ, gửi gấm lời trối niệm hay chia sẻ vài tâm nguyện quan trọng; Lần khác người bệnh chỉ hồn nhiên trìu mến hòa đồng sinh hoạt rất bình thường, vui vẻ chuyện trò lần cuối với người thân, người bạn tri kỷ đã cùng rong ruổi qua nhiều mạch đời dâu bể.

Tâm trí tôi vẫn còn hoang mang về những chuyện khó hiểu ngày hôm trước, vẫn bâng khuâng giao động về cách xử sự tinh thông, cử chỉ ấm áp hồn hậu của Tưởng, và tiếng cười đùa quá đỗi thân quen mà lâu lắm mới được nghe lại. Hình ảnh Tưởng vui vẻ nói cười khi ngồi ăn uống vẫn nhẹ nhàng quanh quẩn đâu đây, vẫn những dịu ngọt chia sẻ, những dí dỏm thân quen, những nồng nàn hạnh phúc của thuở chúng tôi vừa bắt đầu ríu rít xây tổ. Phải chăng tất cả là điềm báo Tưởng đang dần chạm đến cửa Không của sự hiện hữu? Ý nghĩ thoáng qua làm tôi choáng ngợp, nghẹn thở trong cảm giác bị hẫng rơi xuống vực sâu, nơi lồng lộng gió chướng và như không còn ánh sáng.

Cả ngày hôm đó, mặc cho tôi nài nỉ nhiều lần, Tưởng chỉ thỉnh thoảng chịu nhấp một ít Osmolite [14], và luôn nằm yên trên giường. Im lìm, tĩnh lặng, không còn cả tiếng rên rỉ xót xa quen thuộc nữa. Không gian u ám, não nề hơn. Có lẽ liều lượng Dilaudid mới thay đổi và những mũi thuốc an thần, thuốc ngủ đã đưa Tưởng vào trạng thái không thể tỉnh hơn được nữa. Khi đêm xuống, không còn nhân viên Hospice Care thăm viếng, nhà vắng lặng, nỗi cô quạnh trào dâng, lênh loang buồn bã. Tôi lại trăn trở trong nuối tiếc những ký ức mà Tưởng vừa gợi lại, đang ngậm ngùi nhớ lại bao ngày xưa êm đẹp, bỗng tôi khựng lại, kinh hoàng nhói lòng tự hỏi, Tưởng đã khổ sở vượt qua những khó khăn gì và phải tổn thất bao nhiêu phần sinh lực đã gần cạn kiệt để có sức trở lại sinh hoạt như ở cuộc sống bình thường cả buổi ngày hôm trước? Có phải Tưởng đã cố gắng để cùng tôi trải nghiệm một lần nữa không khí sinh hoạt êm ả hạnh phúc ở quãng đời chan hòa bình yên đã qua của chúng tôi? Xót xa làm sao, khi nhận thức được cường độ ấm áp dịu ngọt của những ngày tươi đẹp đã mất thì lại càng trực cảm rõ rệt hơn độ thê thảm, cay đắng và mức bế tắc tuyệt vọng của tình cảnh khổ đau, bi đát hiện tại. Sự xung đột trong tâm thức quá mạnh bạo, phũ phàng; Và hình như ở một khoảnh khắc nào đó, tôi như đã bị hất rơi vào thinh không vô định, bị một lực cuốn tàn nhẫn xiết lôi mạnh, phải buông tay, không gồng gượng nổi nữa.

Ở thời khắc mong manh không tưởng nhất, tâm trí mù sương, thân xác rệu rã: Có phải chăng Tưởng đã thu hết tinh lực còn lại, cố tác động để giúp tôi nhìn thấy bóng mình vẫn lãng đãng trong tâm thức tỉnh tỉnh, mê mê của chàng? Có phải nếu sẽ đi xa, tâm hồn của Tưởng sẽ vẫn quanh quẩn đồng hành bên cạnh, không để tôi quờ quạng lẻ loi một bóng trên quãng nhân gian buồn tẻ cũng đang bị phủ gần đặc sương này? Vì, qua bao thăng trầm biến động, chúng tôi vẫn luôn có sự ràng buộc không rời, lúc mặn nồng hạnh phúc, khi ngỡ ngàng hụt hẫng, ngay cả những lần sóng gió nông nổi giận hờn. Hồi tưởng lại, ở khúc đoạn khó khăn nào tôi cũng vẫn cảm nhận có âm ỉ hơi ấm dịu dàng vỗ về từ tàn lửa ân tình luôn kiên nhẫn chờ được hà hơi thổi nhẹ, là bùng đỏ, làm tan biến mọi uẩn lặng tăm tối phức tạp của cuộc sống. Có phải chăng, hôm qua, một lần nữa Tưởng lại khêu tàn tro cũ để tia lửa nghĩa tình bật reo tí tách, bùng lên, hủy tan mọi hoang mang muộn phiền, những chao đảo đau đớn đang tàn độc chiếm ngự, bóp nghẹn tinh thần tôi? Và dường như, ngay khi tâm trạng bi giao động gần như hoảng loạn sáng nay, tôi đã mơ hồ cảm nhận đốm lửa thương yêu đó đã chờn vờn nhẹ nhàng giữ tôi tỉnh thức; Đôi lúc còn lóe sáng để hường dẫn sự tập trung quán chiếu, và như đã âm thầm kiên trì tác động giúp chuyển hóa mọi âu lo, khổ đau thành năng lượng lành mạnh, giúp tôi được an lạc, sáng suốt hơn.

Nhớ lại nỗi hân hoan, vui mừng khi chúng tôi nhận biết những suy nghĩ tiêu cực và tri giác sai lầm đã đôi ba lần khuấy động thân tâm, và từng có lúc đẩy đưa cuộc sống gia đình vào những vòng xoáy bất an, mệt mỏi. Cuộc sống đã dễ dàng và hạnh phúc hơn rất nhiều khi, ý thức được và từ bỏ, các đắm chìm trong thói tật lầm lạc ích kỷ làm nảy sinh tư duy bất thường, dẫn dắt đến các hành xử vụng về, gây tổn thương cho bạn đồng hành, và dày vò tinh thần của chính bản thân. Chỉ tiếc là chân lý giản dị đó đã đến quá muộn, gần cuối cuộc hành trình.

Nỗi bất hạnh về bệnh trạng của Tưởng đã khiến chúng tôi ngậm ngùi nhận ra, ở cõi đời quạnh hiu này chúng tôi chỉ còn nhau và cuộc hành trình khó khăn trong những ngày tháng khắc nghiệt còn lại. Và đã hết mực trân quý nâng niu, chăm sóc nhau để nuôi dưỡng ước vọng luôn có người cùng sải bước. Chúng tôi đã để tâm lắng nghe mọi nỗi khổ, ẩn ức của nhau; đã khoan dung chấp nhận, xóa gỡ mâu thuẫn, lãng quên mọi lầm lỗi; và đã biết hòa điệu trong tin tưởng an lạc. Khi khơi được dòng từ ái, thương yêu đã miên man tuôn chảy, trái tim đã rực hồng lại sức mãnh liệt của tình yêu tinh khiết, đam mê thuở đầu. Nhưng tình yêu trong đam mê đã thăng hoa, ngọt chín thắm thiết, và nồng ấm nghĩa phu thê. Những khi Tưởng không bị thuốc làm mụ mị thê thảm, chúng tôi đã có nhiều giây phút khắng khít bên nhau, đã thân thương nhắc kể kỷ niệm êm đẹp của ngày tháng đã qua, đã ngây ngất vui cười khi hồi tưởng những buổi hẹn hò ở ngõ hoa sứ trong sân trường, đã dạt dào hạnh phúc trong tình yêu đắm say thời tuổi trẻ khi mê mải lạc trong ký ức những ánh sao vằng vặc sắc mầu trên sườn núi Makiling ngày nào.  

Tưởng cầm cự với căn bệnh được gần mười tám giờ nữa. Tổng cộng thời gian chịu đựng oan khiên, nghiệp vạ của Tưởng là 32 tháng kể từ lúc nhóm bác sĩ Trình phỏng đoán chàng chỉ còn độ 5 hay 6 tháng. Mười tám giờ cuối cùng của Tưởng vô cùng tĩnh lặng. Nét mặt chàng luôn bình yên thư thái, tâm thức chìm sâu trong giấc ngủ mê say, và thần thái rạng rỡ, an lạc như đã đến bờ vị lai, chốn không còn muộn phiền, đau khổ. Có đôi lần, không kềm chế được, tôi cố lay gọi Tưởng nhè nhẹ rồi thầm thì lời cầu nguyện bên tai Tưởng, nhưng chàng chỉ nằm yên, không động đậy, thể dáng rất nghiêm, nhịp thở mong manh nhưng điều hòa, không chút nặng nhọc khó khăn. Thời gian chậm dần, như đang sắp sửa dừng luôn lại. Tưởng vẫn lặng lẽ tịnh yên. Rất lâu. Trong nhà hoàn toàn không có tiếng nói hay bất cứ tiếng động nào. Chỉ lặng im. Vô biên lặng im. Hơi thở Tưởng càng lúc càng nhẹ, càng loãng, loãng bâng; Rời rạc, chậm dần… trước khi thoát nhẹ vào hư vô, đưa Tưởng hóa thân lên hạc thong dong phiêu bồng về nơi có dải ngân hà.

Tôi ở lại nổi trôi trong đám bọt bèo chưa tan của cơn lũ đời mình, nhiều lúc chơi vơi trong không gian khói sương buồn bã và những nốt nhạc vô bờ cô đơn [15]:

Ôi cái lạnh đêm hè, cái lạnh xa người
bây giờ tôi mới biết.
Có nhiều khi, một người đi
mà như mất thiên đường.

(Em Còn Yêu Anh – Nguyễn Đình Toàn)

Vũ Thị Ngọc Thư

Chú Thích

[1] Lời trong bài thơ “Em Còn Yêu Anh” của Nguyễn Đình Toàn. 

[2] Trích từ tiểu thuyết Le Boujoum được viết bằng tiếng Pháp của Cung Giũ Nguyên. Bản thảo hoàn tất năm 1980, nhưng đến năm 2002 mới được chính thức xuất bản tại Texas-Hoa Kỳ, do Cunggiunguyen Center ấn hành. Nguyên văn câu tiếng Pháp được tác nhả chuyển ngữ trong bản dịch “Thái Huyền” là “…một vật lơ lửng trên vực thẳm, được những sợi tơ mành của hy vọng giữ lại.”.

[3] Ureteral stents là những ống nhỏ được đặt vào niệu quản để điều trị hoặc ngăn chặn sự tắc nghẽn đã ngăn cản dòng chảy của nước tiểu từ thận đến bàng quang.

[4] PET/CT scan (Positron Emission Tomography – Computed Tomography Scan) là phương pháp rọi hình cắt lớp qua phát xạ positron, hay giản dị là chụp hình các tế bào đang hoạt động trong cơ thể của bệnh nhân để ghi lại các chi tiết về tình trạng bệnh. Phương pháp ghi hình tổng hợp này giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn.

[5] “Make the rounds” là môt thành ngữ tiếng Anh. Khi dùng trong phạm vi chăm sóc y tế có nghĩa là bác sĩ, y tá đi vòng hàng ngày để thăm các bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện dưới sự chăm sóc của họ.

[6] Bằng lái xe thường được dùng như một dạng căn cước ở Mỹ.

[7] Fentanyl patch là một loại băng dán tẩm thuốc Fentanyl giúp giảm đau khá hiệu quả; Thuốc này thuộc nhóm opioids (morphine và các loại thuốc liên quan trị đau nhức) có tác dụng rất mạnh nên được kiểm soát chặt chẽ.

[8] Methadone: thuốc được dùng để điều trị tình trạng đau dữ dội và liên tuc. Methadone thuộc nhóm thuốc giảm đau gây nghiện, hoạt động trong não bộ của bệnh nhân làm thay đổi cách cơ thể cảm nhận và phản ứng với cơn đau.

[9] Dilaudid là một loại thuốc trong nhóm opioids. Thuốc làm tâm trí bệnh nhân thay đổi cách suy nghĩ và chống chọi với sự đau đớn của cơ thể. Thuốc này có tác dụng mạnh hơn Oxycodone và có thể gây mê làm tê liệt các dây thần kinh truyền tín hiệu đau đớn.

[10] Dầu thảo dược được pha chế từ mấy loại dầu thuốc dân gian theo các tỉ lệ nhất định từ công thức riêng của anh VHT, người bạn đồng môn thân thiết của Tưởng. Anh VHT đã điều chế dầu và thường xuyên gửi tặng trong thời gian Tưởng chữa bệnh.

[11] Mt. Makiling là một rặng núi lửa không còn hoạt động, nằm trải dài qua các tỉnh Laguna và Batangas ở Philippines. Một phần của núi này chạy qua khuôn viên trường University of the Philippines at Los Baños (tỉnh Laguna). Theo truyền thuyết, một nàng tiên bí ẩn rất nhân hậu tên là "Maria Makiling" đã luôn âm thầm bảo vệ rặng núi và giám sát các khu rừng và tài nguyên quanh núi. Rặng núi hiện hữu tổng thể như một phụ nữ, xõa tóc, đang nằm nghỉ rất yên bình.

[12] Jeepney là một loại xe Jeep đã được sửa đổi: Băng trước chỉ có chỗ ngồi cho tài xế và một hành khách; Phần sau xe có 2 hàng băng dài, đối diện nhau dành cho hành khách. Hình dạng xe từa tựa như xe lam ở Sài Gòn ngày xưa, nhưng jeepney là xe bốn bánh và dài, rông hơn xe lam.

[13] Signed-in: Ghi tên đã trở lại cư xá. Luật cư xá nữ: sinh viên nội trú đi ra ngoài sau 5:00 giờ chiều phải ghi mục đích và giờ rời cư xá trong sổ ở phòng giám thị; Khi về, phải điền giờ vào lại và ký tên. Cư xá khóa cửa đúng 10:30 tối.

[14] Osmolite: một loại sữa giàu chất dinh dưỡng, dùng để tẩm bổ thêm cho người bị bệnh nặng hay đã quá yếu và bị nhiều khó khăn khi ăn uống.

[15] Dựa theo câu thơ của Trần Dạ Từ, nguyên văn: “và nốt nhạc cô đơn” trong bài thơ “Nhã Ca”.

Bài Mới Nhất
Search