T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Thuyết Âm Mưu: Mèo Nào Cắn Mỉu Nào

clip_image002

Thành ngữ ta có câu “Mèo nào cắn mỉu nào”. Mỉu là biến thể ngữ âm của miu hoặc miêu. Thành ngữ nầy được hiểu nôm na chưa biết ai dập phang dộng thụi khệnh ai. Đầu năm con chuột lại xảy ra nạn dịch quái ác từ Trung Cộng nơi lũ mèo đàng chó điếm nầy gieo rắc tai họa cho nhân loại!

Trước đây với thuyết âm mưu, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Không cần biết mèo trắng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt”. Với “thuyết con mèo” của Đặng Tiểu Bình trong phiên họp của đại hội Đảng CSTQ lần thứ 11 năm 1985, trong hoàn cảnh đương thời, khi nền kinh tế Trung Quốc đang lâm vào kinh tế lụn bại, khó khăn, khủng hoảng trầm trọng. Muốn xoay xở, thoát khỏi vũng lầy chỉ còn cách “cải tổ kinh tế” rập khuôn như tư bản mà ông tổ của họ Karl Marx (1818–1883) và Friedrich Engels (1820–1895) trong cuốn Tư Bản Luận cho rằng tư bản sẽ giãy chết “Chủ nghĩa tư bản trong cơn giãy chết sẽ tự đào mồ chôn chính nó”.

Trong thuyết âm mưu của Tập Cận Bình muốn thống trị thế giới nên vạch ra chủ trương “Một vành đai, một con đường” vào năm 2013. Mục đích của nó là biến khu vực Á-Âu thành khu vực kinh tế nhắm đối đầu với khu vực xuyên Đại Tây Dương dưới ảnh hưởng của Mỹ. Thực chất đó là “Một con đường, một cái bẫy”, những thành phố, bến cảng trên con đường đó trong quỷ đạo “con đường tơ lụa” do Trung Cộng bày ra cho vay, tài trợ… mua chuộc, hối lộ cho giới chức từ trung ương đến địa phương để ký kết. Tuy không biến thành đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Bắc Vân Phong & Phú Quốc như ở Việt Nam nhưng ở các lãnh địa đó bị cái bẫy nợ nần của Trung Cộng khó thoát ra được, trở thành hiểm họa!

Ở Biển Đông, Trung Cộng tác oai tác quái lập ra đường lưỡi bò chiếm diện tích khoảng 3 triệu km2 trong tổng số diện tích Biển Đông hơn 3,5 triệu km2, xâm chiếm lãnh hải quốc tế và bao gồm lãnh hải Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Campuchia, Bruney, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan… Tham vọng của Trung Cộng với túi tham không đáy từ không phận đến hải phận, bất chấp luật lệ, bất chấp vai trò của Liên Hiệp Quốc cho ý đồ đen tối thâm độc.

Nhìn vào bản đồ Con Đường Tơ Lụa (The Silk Road) cả đường bộ và đường thủy thấy rõ tham vọng bá quyền của Trung Cộng muốn ngự trị khắp nơi trên hành tinh.

Tiếng Hoa “Yi Dai Yi Lu” (Nhất Đới Nhất Lộ) Một Vành Đai, Một Con Đường, One Belt one Road của Trung Cộng trích dẫn qua bài viết của Hàn Diệu My vào tháng 6/2019:

“BRF (Belt and Road Forum) viết tắt của “Diễn Đàn Vành Đai & Con Đường” diễn ra từ 26-27/4 ở Bắc Kinh, do đích thân Tập Cận Bình phát động từ năm 2013). Tuy nhiên, “tên khai sinh” của BRI lại là OBOR (One Belt One Road), hay còn có danh xưng khác, “Con Đường Tơ Lụa Mới Trên Đất Liền” (NSR), là đại chiến lược kinh tế – chính trị gồm hai phần: Một Vành Đai (One Belt) và Một Con Đường (One Road).

Một vành đai đó là “Vành đai tơ lụa kinh tế”, tức Con đường tơ lụa mới trên đất liền (NSR) bắt nguồn từ Tây An (Xi’an) băng qua các thành phố lớn gồm Almaty, Bishkek, Samarkand, Tehran, Istanbul, Moscow và Rotterdam trước khi kết thúc ở Venice (Ghi chú thêm: Venice trong ngôn ngữ Ý gọi là Venezia, thành phố thơ mộng nằm về phía Đông Bắc nước Ý, một phần nằm bên trong đất liền, phần khác bao gồm nhiều đảo nằm san sát nhau trên một hồ nước mặn Veneta rộng lớn gần 600 cây số vuông và hồ này tuôn chảy vào biển Adriatic). Kế hoạch là xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống ống dẫn dầu khí đốt xuyên Trung Á đến Châu Âu.

Một con đường chỉ “Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21” (MSR), bắt nguồn từ Phúc Châu (Fuzhou), kết nối các thành phố ven biển bao gồm Hà Nội, Jakarta, Kuala Lumpur, Kolkata, Nairobi, trước khi kết nối với “Vành đai tơ lụa kinh tế” ở Venice. Để chuẩn bị cho việc hình thành “Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21” (MSR), kế hoạch là xây dựng các hải cảng và cơ sở hậu cần đường thủy từ Thái Bình Dương sang biển Baltic.

Ở Việt Nam, đó sẽ là việc xây dựng hệ thống đường cao tốc nối các tỉnh phía Nam của Trung Quốc với Hà Nội và các hải cảng phía Bắc, đồng thời nâng cấp hoặc xây mới các hải cảng ở vùng này. Quy mô của BRI được dự đoán liên quan trực tiếp đến 65 nước và 4,4 tỷ người, nối kết một khu vực địa lý tạo ra 55% tổng sản lượng toàn thế giới, đại diện cho 70% dân số toàn cầu và chiếm xấp xỉ 75% tổng lượng năng lượng dự trữ đã biết. Dự án dự tính cần khoảng 30 đến 35 năm để hoàn thành.

Tổng hợp từ nhiều nguồn, OBOR có 6 mục tiêu chính. Trước hết, đây là một chiến lược nhằm đối phó với các nỗ lực của Hoa Kỳ, EU và các đối tác trong việc hình thành nên các hiệp định thương mại nhằm gạt Trung Quốc ra khỏi các mạng lưới liên kết đối tác.

Cả hai hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định Thương Mại Tự Do Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nếu được thông qua thì hàng hóa có giá trị thấp của các nước Châu Á sẽ thay thế hàng Trung Quốc, trong khi hàng hóa công nghệ cao của Nhật và các nước Châu Âu sẽ cạnh tranh hơn hẳn hàng hóa chất lượng cao của Trung Quốc. Trung Quốc do đó sẽ bị cô lập về kinh tế. Chiến lược OBOR, bằng cách thắt chặt nền kinh tế Trung Quốc với nền kinh tế các quốc gia trong mạng lưới OBOR, sẽ khiến các quốc gia khác cùng chia sẻ một vận mệnh kinh tế với mình.

Thứ hai, BRI hay OBOR của Trung Quốc là một cố gắng nhằm kéo các nước Châu Á tích hợp và phụ thuộc vào Trung Quốc, nhằm tạo ra một hệ thống quyền lực mới ở Châu Á đặt trọng tâm tại Bắc Kinh như là một cách để đối đầu với “Chiến lược xoay trục” về Châu Á của Hoa Kỳ. Hiển nhiên, đây là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm gửi ra một thông điệp rằng Châu Á là của mình.

clip_image004

Mục tiêu thứ ba của BRI là dùng các tiếp cận kinh tế từ hỗ trợ, đầu tư trực tiếp, cho đến xuất khẩu các chính sách phát triển quốc gia đến các nước Châu Á trong khu vực như là một phương thức nhằm giải tỏa các tranh chấp biên giới và hàng hải. Bằng cách đưa “củ cà rốt” về lợi ích kinh tế tới các đối tác tranh chấp, Trung Quốc muốn các nước liên quan “thần phục” các yêu sách về chủ quyền của mình.

Mục tiêu thứ tư của BRI là bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng, tận dụng các hiệp định sẵn có và gỡ bỏ các rào cản thuế quan, cho phép nền kinh tế Trung Quốc tích hợp sâu hơn vào các nền kinh tế năng động khác. Nhờ đó giúp cho nền kinh tế Trung Quốc tăng xuất khẩu, giải quyết được khả năng sản xuất vốn đã bị dư thừa.

Ở mục tiêu thứ năm, “đại chiến lược” là một phương thức nhằm cải thiện hố ngăn cách về xã hội và kinh tế giữa các tỉnh duyên hải với các tỉnh nội địa của Trung Quốc. Các kết nối hạ tầng của chiến lược giúp kết nối các tỉnh nội địa trung tâm và phía Tây, nơi vốn có mức lương thấp. Bên cạnh đó, theo mô hình “đàn sếu bay” có thể thúc đẩy các kết nối kinh tế mạnh mẽ hơn giữa duyên hải với nội địa, tạo đà cho các sự phát triển các sản phẩm có giá trị cao hơn ở các tỉnh duyên hải.

Với mục tiêu thứ sáu, BRI đóng vai trò như một cách để giải quyết các thách thức về an ninh ở biên giới phía Tây và các vấn đề về an ninh năng lượng. Việc tích hợp về kinh tế của các tỉnh phía Tây Trung Quốc với hệ thống các chuỗi giá trị của thế giới thông qua các liên kết thương mại với các đối tác láng giềng giúp tăng cường khả năng chống khủng bố, ly khai và cực đoan tôn giáo trong khu vực.

Để đạt được ba mục tiêu trên, “đại chiến lược” OBOR dựa trên ba trụ cột chính. Trước tiên, OBOR thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các kênh giao dịch thương mại mới.

Thứ hai, chiến lược nhằm tạo ra một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc, các quốc gia và vùng miền khác thông qua các mạng lưới đối tác toàn cầu, mà một trong các phương thức đó là thúc đẩy nhiều hơn các thanh toán trực tiếp bằng đồng Nhân dân tệ, tạo ra các liên kết hợp tác thông qua các tổ chức đa phương mà Trung Quốc nắm quyền chi phối như Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank – AIIB), Ngân Hàng Đầu Tư Mới (New Development Bank), Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation), và ASEAN+1.

Và thứ ba, chiến lược tập trung vào Châu Á như một phần của chính sách ngoại giao láng giềng mới. Bằng cách xây dựng lại mối quan hệ chặt chẽ hơn về kinh tế với các vùng miền dọc theo Con Đường Tơ Lụa Mới, Bắc Kinh đang cố gắng thắt chặt sự thịnh vượng của khu vực vào mối quan hệ với Trung Quốc nhằm giúp hình thành nên một đế chế kinh tế có trung tâm đặt tại Trung Quốc.

Để thực hiện các dự án này, Trung Quốc dựa phần lớn vào vai trò của các tập đoàn nhà nước (quốc doanh). Các dự án có sự hỗ trợ nguồn lực tài chính thông qua ba tổ chức chính là quỹ Silk Road Fund với 40 tỷ USD, Ngân hàng AIIB với 100 tỷ USD và New Development Bank với 50 tỷ USD…

Tại cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai về “Một Vành Đai, Một Con Đường” (OBOR) nói trên có ít nhất 37 nguyên thủ nhà nước và lãnh đạo chính phủ tham dự… Trong khi đó, không có đại diện cấp cao nào của Hoa Kỳ, quốc gia chỉ trích ngày càng mạnh mẽ dự án của Bắc Kinh, tham dự hội nghị…

Diễn đàn lần thứ hai này kéo dài ba ngày, đã kết thúc hôm 27/4/2019 bằng buổi họp báo của đích thân Chủ Tịch Tập Cận Bình. Theo công bố từ Trung Quốc, tổng cộng 57 tỷ Euro hợp đồng được ký kết giữa nước chủ nhà với các quốc gia tham dự BRF…

Các nước cáo buộc chiến lược này là “bẫy nợ” và là “công cụ địa – chính trị” cho tham vọng siêu cường toàn cầu của Bắc Kinh. Trung Quốc công bố kể từ năm 2013 đã đầu tư 90 tỷ USD vào các dự án. Các ngân hàng của nước này cũng đã cung cấp các khoản vay lên tới 300 tỷ USD phục vụ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở các nước tham gia BRI”.

(Hàn Diệu My)

Trước khi tham dự hội nghị, Thủ Tướng Ý Giuseppe Conte tuyên bố, “Ý tham gia vào Con Đường Tơ Lụa Mới là một cơ hội, là một lựa chọn chiến lược đối với đất nước”. Sau đó, Ý trở thành nước thứ 68 tham gia sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường”, là quốc gia đầu tiên thuộc khối G7 tham gia dự án của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sự thống nhất của Liên Hiệp Châu Âu trước những tham vọng của Bắc Kinh. Hiện nay BRI bao trùm hơn 70 quốc gia khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Đại Dương.

Khi Bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ trích BRI là cái bẫy và kêu gọi các quốc gia thận trọng với sáng kiến “Vành Đai, Con Đường” của Bắc Kinh. Đồng thời tuyên bố rằng Washington cung cấp một lựa chọn tốt hơn thông qua những thỏa thuận thương mại “minh bạch, tự do và công bằng” thì Bắc Kinh nuôi mối hận.

Khi mèo nhị thể đỏ vàng gieo thóc lúa nằm chờ lũ chuột bu vào cái bẫy thì mèo tam tam thể xanh trắng đỏ lại kêu báo động, không tức lồng lộng sao được. Giới hữu trách Trung Cộng la toáng lên thuyết âm mưu (đề cập phần sau) của Mỹ dựng lên để phá bỉnh, chia rẻ các nước, gây tổn hại cho Bắc Kinh.

Trong bài “Chết Dưới Tay Trung Quốc, quá khứ & hiện tại” vừa qua của tôi có đoạn “Phải chăng Trung Quốc chơi trò cấy “sinh tử phù” vũ khí sinh học coronavirus ra khắp nơi cho thế giới lâm vào cảnh đảo điên, khốn cùng? Trò cấy “sinh tử phù” nầy qua các tác phẩm của Kim Dung cho thấy rất gian ác, khi đầu độc đã có sẵn thuốc giải nên nạn nhân phải quy hàng cầu cứu”.

Giới trẻ có vẻ xa lạ với chữ “sinh tử phù” mà trước đây có nhiều bài viết đã đề cập nên nhân đây nhắc lại gốc gác của nó. Trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam, hầu hết đấng mày râu khoái tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung qua trang báo, sách và nghe kể, nghệ thuật hư cấu, ẩn dụ tài tình rất hấp dẫn làm say mê nên bối cảnh, nhân vật và đòn trả đũa như gậy ông đập lưng ông của Cô Tô Mộ Dung trở thành quen thuộc. Và, thủ đoạn đầu độc như cấy sinh tử phù vào nhân vật võ lâm là cái bẫy để trở thành thuộc hạ, công cụ nhằm điểu khiển, chấp hành mệnh lệnh giao phó.

Trong bộ truyện Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung đề cập đến môn phái quái dị ác độc của phái Tiêu Dao, tên nghe thì thoát tục nhưng bá đạo.

Môn phái Tiêu Dao có ba đệ tử là Thiên Sơn Đồng Lão (sư tỷ), Vô Nhai Tử (sư đệ) và Lý Thu Thủy (sư muội). Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy võ công lẫy lừng, nhan sắc tuyệt vời, cả hai cùng yêu Vô Nhai Tử nhưng Lý Thu Thủy phổng tay trên, nổi cơn ghen, hiềm khích nhau.

Thiên Sơn Đồng Lão được sư phụ truyền cho Bát Hoang Lục Hợp Duy Ngã Độc Tôn công lúc 6 tuổi. Năm 26 tuổi bà luyện môn võ công quái dị nầy, vừa cải lão hoàn đồng, làm cho cơ thể trẻ lại vừa tăng cường nội công, 30 năm phải tiến hành cải lão một lần, mỗi lần lại mất thêm 30 ngày. Trong thời gian đó cơ thể sẽ tạm thời mất hết võ công, mỗi ngày đều phải uống máu tươi để điều hòa kinh mạch. Khi bà đang tu luyện bị Lý Thu Thủy phá ngang, khiến tẩu hỏa nhập ma, cơ thể không phát triển được nữa, suốt đời trông như đứa trẻ nên gọi là Đồng Lão. Thiên Sơn Đồng Lão nổi giận, dùng dao rạch vào mặt Lý Thu Thủy nhiều nhát, mang nhiều vết sẹo, tỷ muội đồng môn trở thành thù hận thâm sâu.

Thiên Sơn Đồng Lão đến Phiêu Miễu phong thuộc núi Thiên Sơn và lập ra Linh Thứu cung, gồm toàn nữ nhân. Thiên Sơn Đồng Lão luyện môn võ công vô cùng hiểm ác là Sinh Tử Phù. Loại võ công tà độc không dùng độc dược mà với ám khí, dùng nội lực hóa thủy thành băng rồi phong ấn vào cơ thể đối thủ, xâm phập các huyệt đạo. Khi bị trúng sinh tử phù cơ thể đau đớn vô cùng, ngứa ngáy đến không thể chịu nổi, lăn lộn quay cuồng. Nếu không dùng thuốc giải đặc chế của Linh Thứu cung thì sẽ vật vã khổ sở, muốn sống không được, chết cũng không xong. Tuy nhiên thuốc giải cũng chỉ là tạm thời. Để hóa giải sinh tử phù phải cầu cứu Thiên Sơn Đồng Lão dùng nội lực của Thiên Sơn Lục Dương chưởng hóa giải.

Thiên Sơn Đồng Lão khi cấy sinh tử phù này đã chi phối 36 động, 72 đảo với hàng chục ngàn người. Mỗi năm người của cung Linh Thứu sẽ đi phát thuốc giải một lần, nạn nhân phải thi hành mệnh lệnh. Ngày 3 tháng 3, nạn nhân bị cấy sinh tử phải đến Linh Thứu cung để nộp cống và nhận lệnh, tất cả phải bịt mặt nên không biết dung nhan Thiên Sơn Đồng Lão. Bọn người của 36 động, 72 đảo tuy căm phẫn vì bị ức hiếp nhưng vẫn không dám phản kháng vì như thế vẫn tốt hơn là bị sinh tử phù hành hạ.

Khi tiểu tăng Hư Trúc gặp cô bé đang lâm nạn được Hư Trúc cứu giúp, lúc đó Thiên Sơn Đồng Lão đã 96 tuổi… Để trả ơn, bà truyền các môn võ công cho Hư Trúc. Trận chiến cuối cùng của Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy cùng chết bên nhau. Hư Trúc nhận lời thề làm chưởng môn phái Tiêu Dao, cứu chữa nạn nhân thoát khỏi sinh tử phù.

Trước đây GS Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990), luận án tiến sĩ ở đại học Paris về tư tưởng chính trị cổ đại Trung Hoa, giảng dạy các môn Luật Hiến Pháp, Học Thuyết Chính Trị, Bang Giao Quốc Tế tại các trường đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ trong khoảng thời gian 1964-1975. (Khóa chúng tôi được thụ giáo 2 năm 1967, 1968 môn Chính Trị Học của giáo sư thời Sinh Viên Sĩ Quan ở quân trường Đà Lạt).

Tác phẩm Các Ẩn Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung của giáo sư giữa thập niên 80 ở hải ngoại được nghiên cứu công phu, độc đáo. Nội phần Mục Lục đã ghi đầy đủ chi tiết từ trang 287 đến trang 298. Điều thú vị nhất là giáo sư dẫn chứng sự tôn sùng cá nhân giáo chủ tà giáo đi đâu cũng tiền hô hậu ủng ví von với nhân vật lãnh đạo Trung Cộng, trở thành trò hề. Một số nhân vật, môn phái hư cấu huyễn hoặc của Kim Dung dẫn chứng tượng trung đối chiếu nhân vật, phe nhóm trong sự tranh đoạt bá quyền ở Trung Cộng cũng đầy bá đạo như Kim Dung mô tả.

Trong thế giới võ lâm huyễn hoặc với chính giáo và tà giáo, xảy ra nhan nhản tranh quyền đoạt lợi, ngôi vị độc tôn võ lâm nên ám toán, tàn sát lẫn nhau. Để chiếm hữu bí kíp võ công, kiếm báu, các môn phái, cao thủ bất chấp thủ đoạn săn lùng tận gốc. Dùng “thuyết âm mưu” phao tin để sát hại lẫn nhau. Có khi nắm trong tay bí kíp như Nhạc Bất Quần lại phao tin cho đệ tử Lệnh Hồ Xung. Người đẹp sắc nước hương trời trong phái Nga My như Chu Chỉ Nhược đã lập mưu chiếm được Đồ Long đao cùng Ỷ Thiên kiếm, ra tay hạ sát Ân Ly, bỏ trôi và đổ tội cho Triệu Mẫn…Với kiến tức uyên bác, GS Nguyễn Ngọc Huy dựa vào cái hư đó để nói về thuyết âm mưu hiện hữu, nhất là dưới chế độ Cộng Sản. (Xin dừng ở đây vì ngại lan man nhiều sẽ lạc vào mê hồn chưởng).

Trong thời gian qua trên chính trường quốc tế lại tranh cãi lời qua tiếng lại với Thuyết Âm Mưu (Conspiracy Theory). Đó là thuyết ngờ vực nêu ra âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Nêu ra giả thuyết âm mưu để cáo buộc tội cá nhân, tổ chức, chính quyền… có dụng ý gây tổn thương ẩn chứa nội dung đứng đằng sau sự kiện, hiện tượng xảy ra trên các lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội.

Thuyết âm mưu thoạt nghe rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo, bàn hươu tán vượn, suy diễn nhiều mặt, thực hư khó biết. Dụng ý của thuyết nầy cũng na ná như báo lá cải. Hơn một trăm năm qua tờ báo Le Canard Enchaîné (Con Vịt Bị Trói) của Michel Gaillard ở Pháp ra đời năm 1915 vẫn còn lưu hành đến nay với nửa riệu ấn bản. Trước đây báo lá cải, tiếng Pháp gọi feuille de chou, tiếng Anh là tabloid journalism, chỉ loại báo rẻ tiền, tung tin đồn nhảm, tin vịt gây thị hiếu tò mò của độc giả. Những tờ báo lá cải đạt số phát hành lớn, nổi tiếng thế giới là: Daily Star, Daily Mirror, The Sun của Anh; Bild của Đức; Star, Sun, The Globe của Mỹ’. Tập đoàn báo chí American Media với các tờ báo lá cải như National Enquirer, Star, Globe… hằng năm chi hơn 30 triệu USD để nuôi đội ngũ luật sư của họ và trả tiền bồi thường… Trước đây báo lá cải xử dụng những tay săn ảnh paparazzi để tạo scandal trong giới điện ảnh, ca nhạc, chính khách gây cơn bão cho nạn nhân; nay thì chuyển sang lãnh vực chính trị. Theo Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT), tin đồn và tin vịt trên mạng Twitter đi nhanh hơn tin thật, người dùng đăng tải lại (re-tweet) nhiều hơn, lôi cuốn hơn.

Trước năm 1975 ở Sài Gòn, mục “Ao Thả Vịt” của Kha Trấn Ác (Chu Tử) rất ăn khách. Tin vịt, tin giả, tin xe cán chó… thực hư thế nào không biết nhưng cũng mớm “không có khói sao có lửa” để loan tải trước công luận.

Hiện nay, nhiều cơ quan truyền thông chơi trò giống như Fake News, như báo lá cải. Đáp ứng nhu cầu tò mò, hiếu kỳ, dựa vào các trang mạng xã hội, phổ thông nhất điển hình như dùng Twitter để tweet, dựa vào đó phân tích qua thuyết âm mưu… Vấn đề kiểm chứng. giải thích thực hư sẽ hạ hồi phân giải.

Trở lại thuyết âm mưu mới nhất của Trung Cộng khi xảy ra nạn dịch cronavirus tại Vũ Hán. Bắc Kinh và Washington lao vào cuộc chiến thông tin về nguồn gốc của dịch bệnh nguy hiểm lây lan khắp thế giới.

Trung tuần tháng 11/2019 virus corona xuất hiện ở Vũ Hán nhưng mãi đến ngày 23/1/2020, chính quyền thành phố mới ban hành lệnh phong tỏa.

Ngày 11/2, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization – WHO) đặt tên Covid-19, trước nguy cơ dịch bệnh gây tác hại trầm trọng đến mạng sống con người, Trung Cộng sợ lãnh đòn nên bày ra thuyết âm mưu nhẳm đổ lỗi do Mỹ.

Ngày 12/3, Triệu Lập Kiên (Zhao Li Jian), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tweet trên Twitter, ngầm ám chỉ quân đội Mỹ đã đưa con virus vào Vũ Hán, nơi xuất phát dịch bệnh nhân cuộc Đại Hội Thể Thao Quân Đội Thế Giới vào tháng 10 năm 2019.

Ngày 17/3, Tổng Thống Trump dùng thuật ngữ Chinese Virus khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh tức tối. Trung Cộng liền trả đũa. Ngày 23/3, loạt tin nhắn trên Twitter, Đai Sứ Quán Trung Quốc tại Pháp đã công khai gợi ý là con virus corona đang tàn phá thế giới thực ra đã xuất xứ Hoa Kỳ, chứ không phải là từ Vũ Hán (Trung Quốc) như mọi người lầm tưởng.

Trong thời gian qua nhiều nguồn tin phổ biến nguồn gốc phát tán đại dịch gây nguy hiểm trên khắp lục địa gây kinh hoàng chết chóc, hổn loạn cho đời sống… Với thuyết âm mưu nêu ra đang còn tìm hiểu, điều tra của các cơ quan tình báo quốc tế và giới hữu trách…

clip_image006

Nhiều nước trên thế giới đều thiết lập cơ sở thí nghiệm vi trùng sinh học để cứu người vì trong quá khứ đã xảy ra nhiều đại dịch. Thế nhưng, Trung Cộng lại tương kế tựu kế thay vì cứu người lại dụng ý dã tâm như vũ khí sinh học giết người!

Phòng Thí nghiệm vi trùng học Vũ Hán được thành lập từ năm 1956, năm 1978 trở thành Viện Virus Học Vũ Hán (WIV – Wuhan Institute of Virology) cách trung tâm thành phố khoảng 30km. Năm 2003, triển khai Phòng Thí Nghiệm với chi phí 44 triệu USD. Mỹ hỗ trợ 4.5 triệu USD. Năm 2015, phòng thí nghiệm này chính thức đi vào hoạt động, an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4 Biosafety Level 4) nơi lưu giữ hơn 1.500 chủng virus nguy hại sinh bệnh tật quy mô nhất ở Trung Quốc.

Liên quan đến thuyết âm mưu của Trung Cộng với Mỹ, tài liệu được công bố trên tạp chí “Các vấn đề chiến lược”, Ấn Độ, 15/4/2009 đăng tải bài phát biểu của Tướng Trì Hạo Điền, nguyên Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng TC tại Hội Nghị Các Tướng Lĩnh bàn về chiến lược chiến tranh tương lai tổ chức năm 2005.

“Chỉ có thể sử dụng loại vũ khí không huỷ diệt, nhưng có khả năng giết nhiều người chúng ta mới có thể giành lấy nước Mỹ cho chúng ta. Công nghệ sinh học hiện đại đang phát triển nhanh chóng, và các loại vũ khí sinh học mới được phát minh nối tiếp nhau. Tất nhiên là chúng ta không để lãng phí thời gian; trong những năm qua chúng ta đã nắm được khả năng trở thành chủ nhân của các loại vũ khí này. Chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu “quét sạch nước Mỹ” một cách hoàn toàn bất ngờ. Khi đồng chí Đặng Tiểu Bình còn sống, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng đã sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn là không phát triển các nhóm tàu sân bay và thay vào đó, tập trung phát triển các loại vũ khí có thể thủ tiêu hàng loạt dân chúng của nước thù địch.

Xét về mặt nhân đạo, chúng ta cần phải cảnh báo cho dân chúng Mỹ và thuyết phục họ rời khỏi nước Mỹ và để lại vùng đất họ từng sinh sống trên đó cho người Trung Quốc. Hoặc là ít nhất họ phải rời khỏi một nửa nước Mỹ để nhường phần đất đó cho người Trung Quốc, bởi phát hiện ra nước Mỹ lần đầu tiên chính là người Trung Quốc…”.

Nếu xảy ra chiến tranh giữa Trung Cộng và Mỹ, vũ khí TC không được tối tân Mỹ, khi đối đầu Mỹ sẽ làm chủ trên không và đại dương. Quân lính TC không có kinh nghiệm trên chiến trường như Mỹ… Với những yếu tố đó, TC sẽ nhận lấy thảm họa khó lường.

Về nội tình, muốn trấn áp thế lực đối kháng nổi dậy trong nước, TC không dám tái diễn dùng vũ lực xe tăng đàn áp dã man như ở Thiên An Môn vào tháng 6/1989, sát hại hàng nghìn người. Cuộc biểu tình Hoa Dù nổi dậy ở Hồng Kông với hàng trăm nghìn người tham dự, TC không dám mang xe tăng sang, dùng vũ lực tàn sát. Và cả người Duy Ngô Nghĩ đang bị giam trong các trại tù, không thể giết hàng loạt… chỉ có cách dùng vũ khí sinh học mới ám hại một cách tinh vi vì đó là thành phần chống đảng cầm quyền thống trị! Ngay cả Đài Loan cũng vậy, xảy ra cuộc chiến dùng vũ lực chưa biết mèo nào cắn mỉu nào? Cho điệp viên xâm nhập gây tai họa với vũ khí sinh học dễ dàng hơn vì đất hẹp người đông. Bắc Hàn đã dụng ý manh tâm vũ khí sinh học với Nam Hàn.

Trong hai năm qua, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã gây thiệt hại kinh tế cả đôi bên nhưng Trung Cộng gánh chịu nhiều thiệt hại hơn. Lúc đánh lúc đàm nhưng bản chất gian manh, hiếu thắng của Tập Cận Bình không thể chấp nhận ở thế hạ phong. Với thuyết âm mưu, phải làm cho Mỹ điêu đứng, nội tình xáo trộn, Mỹ suy yếu thì đồng minh của Mỹ với theo quỹ đạo trong Con Đường Tơ Lụa của TC.

Theo con số thống kê đại dịch Covid-19 (17/4/2020), ước tính các nước trên thế giới có khoảng 2,250.000 người bị nhiễm bệnh, được phục hồi khoảng 570,800 người, con số tử vong khoảng 154,2500. Riêng nước Mỹ, xét nghiệm 3,500,000 người có khoảng 710,000 người bị nhiễm, phục hồi hơn 60,000 người và tử vong khoảng 37,200 người. Mỹ đã trang bị cho các bệnh viện nhiều thiết bị y tế; ngoài ra vật dụng bảo hộ y tế không còn thiếu hụt nên hy vọng ngăn chận được sự lây lan. Tuy con số nhiễm bệnh và tử vong tăng nhưng không nguy cơ như thượng tuần tháng Tư, các nhà khoa học và y học sớm tìm ra vaccine để chữa trị.

Theo nguồn tin loan tải, Ngoại Trưởng Mike Pompeo vừa cho biết chính phủ Mỹ đang điều tra về nguồn gốc của vi khuẩn Vũ Hán, đặc biệt về tin có thể vi khuẩn đã ‘thoát ra’ từ trung tâm nghiên cứu vi khuẩn của Trung Cộng tại Vũ Hán.

Ông cho biết các chuyên gia về quân sự, y khoa và tình báo đang lo chuyện này, và kết quả sẽ được công bố. Ông cũng cho biết ông đang làm việc với ngoại trưởng của vài quốc gia khác để trao đổi và phối hợp tin tức.

Một ngày nào đó, mọi người năm châu thoát khỏi đại dịch Covid-19, không còn bị cấm cố và tháo face mask để sống không khí trong lành. Với thuyết âm mưu của Đảng CS Trung Cộng, của Tập Cận Bình che mặt dấu tên gây tai họa, đến lúc lột mặt nạ cho nhân loại thở phào nhẹ nhõm.

Bài đồng dao thuở nhỏ còn đi học:

“Con mèo mà trèo cây cau,

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.

Chú chuột đi chợ đường xa.

Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”.

Mèo có thương gì chuột đâu mà trèo lên cây cau để hỏi thăm, dụng ý thâm hiểu nhưng bày trò giả dối, giả nhân giả nghĩa. Chuột cũng láu lĩnh trả đũa, có thương hại gì mà mua mắm muối để giỗ, có chết mới cúng.

Con mèo Tập Cân Bình có yêu thương gì đàn chuột với con đường tơ lụa, khi chân tướng lộ diện, móng vuốt rả ra cũng là thời điểm đàn chuột quay lại tấn công cho chết, phanh thây tế sống. Ác lai ác báo.

Little Saigon April 17/2020

Vương Trùng Dương

Bài Mới Nhất
Search