T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vương Trùng Dương: Trần Yên Hòa, Quê Hương & Tháng Năm Nghiệt Ngã

(Nguồn ảnh: Người Việt Online)

Từ truyện ngắn đầu tay lúc còn học sinh ở trường Trung Học Trần Cao Vân, Quảng Tín đăng trên tờ Hoa Đàm khoảng năm 1964 đến nay đã sáu thập niên. Với bút hiệu Hoài Phương Linh, và sau đó đăng thơ ở Tiểu Thuyết Thứ Năm, tuần san Thứ Tư, có thêm bút hiệu Trần Hoài Huyền.

Hai năm dạy tại trường Trung Học Mộ Đức, Quảng Ngãi và tại trường Lý Tín, Quảng Tín (1966-1968). Cuối năm 1968 bước vào ngưỡng cửa Quân Đội, cũng là thời điểm lấy tên Trần Yên Hòa, đăng thơ trên tờ Tuổi Ngọc, Khởi Hành, truyện ngắn đăng trên nhật báo Tiền Tuyến và các đặc san Quân Đội. Thành viên của Hội Văn Nghệ Sỹ Quân Đội.

Sau thời gian lao tù, tháng 3/1995 định cư ở Mỹ theo diện HO. Trong gần ba thập niên qua, Trần Yên Hòa sáng tác thơ, văn rất đều đặn… đã ấn hành nhiều thi phẩm, tập truyện, truyện dài. Ngoài ra, Trần Yên Hòa đã thực hiện website Bạn Văn Nghệ, phổ biến và lưu trữ nhiều bài viết nhưng đến năm 2018 không còn nện tự mày mò thực hiện thovantranyenhoa.blogspot.com tiếp tục cho đến nay.

Với mối thân tình trong giới văn nghệ, hầu hết tác phẩm của nhà thơ, nhà văn Trần Yên Hòa đã được bạn văn đề cập, giới thiệu.

Riêng tờ nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa từ năm 2008 cho đến nay, tôi đã đăng thơ, truyện ngắn của Trần Yên Hòa. Và, những bài viết của tôi được Trần Yên Hòa phổ biến trên website và blogspost… Nhưng tôi chưa viết bài nào về nhà thơ, nhà văn nầy vì tôi và Trần Yên Hòa cùng là môn sinh trên ngọn đồi 4848 (Tôi Khóa Nguyễn Trãi I, Trần Yên Hòa Khóa Nguyễn Trãi II), nên ngại rằng “áo thụng vái nhau”, hơn nữa những bài viết về tác phẩm của Trần Yên Hòa của các bạn văn, khi đọc cảm thấy quá đủ, khó tìm đề tài nào tránh sự trùng hợp.

Trần Yên Hòa vừa email cho tôi, báo tin sắp thực hiện tuyển tập Bạn Văn Với Trần Yên Hòa, kỷ niệm sáu thập niên cầm bút, nay góp mặt trong tuyển tập nầy để “đáp lễ niên đệ” với tuổi già như lá rụng không biết lúc nào.

Năm 2008, khoảng thời gian hai năm, tôi và Trần Yên Hòa cùng ngồi chung với nhau trong căn phòng của tòa soạn, tôi phụ trách nhật báo, Hòa phụ trách ở tuần báo nên có nhiều dịp trò chuyện với nhau, cả chuyện riêng tư về tình cảm. Sau nầy khi đọc các bài viết của các nhà văn Phạm Phú Minh – Nói Chuyện Với Trần Yên Hòa, Nguyễn Mạnh Trinh – Nói Chuyện Với TYH, Lương Thư Trung – Trao Đổi Ngắn Với TYH… Tôi thích hai chữ “nói chuyện” có vẻ thân tình hơn là “phỏng vấn”. Qua đó, Trần Yên Hòa không khoác lác, huênh hoang với cái tôi mà chân tình, khiêm nhượng, dễ cảm mến.

*

Cố hương của Trần Yên Hòa ở xã Kỳ Mỹ, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín (trước năm 1956 và sau năm 1975 là Quảng Nam), nơi chốn đó với tuổi thơ được đề cập trong tác phẩm Rớt Xuống Tuổi Thơ, Tôi. Qua thơ, văn với nhiều về kỷ niệm thời thơ ấu, từ cái thuở để chổm chạy rong chơi, chăn bò trong đó có vui, có buồn… những khốn khó trong chiến tranh phải cam chịu trong cuộc sống. Trước năm 1954, nơi đó thuộc Liên Khu 5 của Việt Minh, sau hiệp định Genève phân chia đất nước, thuộc chính quyền Quốc Gia vì vậy gắn liền với những thăng trầm qua biến cố lịch sử của đất nước trong buổi giao thời giữa bên nầy, bên kia và người dân quê phải cam chịu “một cổ hai tròng” trong thân phận của đất nước nhược tiểu!

Trần Yên Hòa và người anh ruột, nhà văn Trần Thế Phong đã đem nơi chôn nhau cắt rốn vào văn chương từ thuở đầu đời đến giai đoạn sau năm 1975 gợi lại bao hình ảnh trong “bức tranh vân cẩu” bởi thời thế.

Nơi cố hương đó, Trần Yên Hòa viết: “Quê tôi… Những đêm trăng sáng đầy trời, ánh trăng vằng vặc soi rọi cả một khoảng không gian, như rải tơ vàng xuống khắp thôn làng. Qua lũy tre, qua các khu vườn đầy cây trái, tiếng hát của thanh niên thiếu nữ vang lên trong đêm sáng trăng nghe rõ mòn một. Các anh đầu chải láng bóng, đạp xe đạp bóp chuông leng keng, lượn qua lượn lại chung quanh các nàng thiếu nữ. Tôi nhìn các anh thích thú vô cùng…

Quê tôi là một vùng quê nghèo, nhà tôi cha mẹ làm nông nên suốt ngày, ngoài giờ đi học, tôi quần quật với công việc đồng áng. Quê tên là An Mỹ nên tôi nhiều lúc tôi thấy mình như là cậu bé học trò trong truyện Quê Mẹ của Thanh Tịnh. Tôi ở đây suốt thời thơ ấu, không đi đâu xa ngoài cái làng nhỏ bé, ngôi trường tiểu học, khu gò Chùa, gò ông Ðốc, cầu Lở, đập Lạnh, đập Trà Thai. Tôi chưa có ý thức gì về quê hương, chỉ biết mình sinh ra ở đâu thì ở đó.

Nhưng sao lạ quá, những người sinh ở quê tôi khi lớn lên lại lục tục bỏ quê mà đi…

Thế là hết. Những người sinh ra và lớn lên ở quê tôi tương đối khá khá một chút đã bỏ làng đi hết. Chỉ còn lại những người dân quê chất phác, như chú tư Mai, chú ba Tình, chú Tư Nhỏ. Suốt đời các chú làm bạn với cầy cuốc, làm bạn với đàn bò, mảnh vườn, thửa ruộng. Hầu như suốt đời các chú chưa đặt chân đến Ðà Nẵng, Hội An lần nào. Và quê tôi cũng chỉ còn lại ông Ðàn, ông Bán, thím Yên, thím Trà, ông hai Cận, bà Ngộ… những người lúc nào cũng bận những bộ áo quần vá chùm, vá đụp với một đàn con leo nheo lóc nhóc.

Ðến ngày tôi thi đậu đệ thất, bước chân vô trung học mới thấy bầu trời trước mặt của mình cao rộng quá. Như thị xã Tam Kỳ cũng còn quá xa lạ đối với tôi. Nó xa lạ, to lớn và nhiều hấp dẫn. Tôi đi học ngày hai buổi, ở trọ lại nhà bà Nhi ăn cơm tháng. Bà Nhi nấu cơm tháng cho những đứa học trò ở các xã xa về trọ học. Ngày đầu xa nhà, tôi nhớ “nhà tôi” quá, dù nhà tôi chỉ cách thị xã Tam Kỳ chừng tám cây số, mà tôi thấy như đã xa vạn dặm. Buổi chiều đi học về nhìn đàn sáo rừng từ đâu bay đậu đầy trên cây đa trong sân trường Trần Cao Vân, tôi khóc rấm rức. Anh Giảng tôi phải dỗ nhiều lần tôi mới nín. Ðến ngày hôm sau khi tan học xong là tôi đạp xe về nhà ngay, tôi đạp xe suốt 8 cây số mà không biết mệt. Về nhìn cánh cổng nhà là tôi thấy vui, nhìn cha tôi đang đọc sách, mẹ tôi nấu cơm trong bếp là tôi thấy vui. Tôi nghĩ là chắc tôi không rứt ra được, khỏi mảnh đất đó, khu vườn đó, cái nhà đó, suốt đời…”

Nhà thơ Luân Hoán cho rằng, xứ Quảng đất cày lên sỏi đá được tô điểm với thi ca. Mà, thật vậy, nó như những cơn mưa làm đất đai khô cằn được hồi sinh.

“Năm mười hai tuổi, tôi bắt đầu tập tễnh làm thơ. Những tập vở mẹ tôi mua cho đi học lớp đệ thất ở trường trung học, tôi dở những trang vở sau cùng ra làm nháp những bài thơ. Suốt cả một niên khóa vậy, tôi làm cũng được mấy chục bài, tôi chép tay lại trên giấy pelure, và đóng thành tập.

Tập thơ đầu tiên này có tên là Lạnh Ngập Bờ Vai. Đúng là, nhớ lại, theo trí nhớ thôi chứ tôi không còn nhớ bài nào, vì sau đó, chiến tranh tấp đến, xô đẩy tôi bỏ xứ mà đi, nên mất hết, đâu còn giữ được gì…”

Nơi chốn đó, khi Rớt Xuống Tuổi Thơ, Trần Yên Hòa ghi lại những mẩu chuyện tình của bản thân, bạn bè cùng lứa tuổi với vui buồn lẫn lộn. Trong đó, cô gái quê được gả chồng khi mới 16 tuổi thì chàng tập kết ra Bắc. Rồi chính sách cài người biến cô gái vọng phu trở thành giao liên, hoạt động nằm vùng. Vào thời điểm đó, ở Liên Khu 5, Việt Minh chủ trương “dựng vợ gả chồng” nhan nhản ở các vùng quê để cài người người vợ cô đơn ở lại khi chồng vượt Trường Sơn ra Bắc, hầu hết phải nằm vùng hoạt động là chuyện có thật, qua ngòi bút của Trần Yên Hòa thật sinh động.

Với ngàn trang qua thơ, văn đã in thành sách được bạn văn giới thiệu như Đỗ Xuân Tê Đọc “Sấp Ngửa” của Trần Yên Hòa, Nguyễn Lương Vỵ – Đọc Lại Mẫu Hệ, Phan Ni Tấn – Những Người Nữ Trong Thơ TYH, Phan Tấn Hải – Đọc 55 thơ TYH, Du Tử Lê – Nhật Ký Đời Sống Trong Thơ, Văn TYH…, Cung Tích Biền – Cái Nhìn Nhàn Nhã Về Thơ, Văn TYH, Tiếng Thơ Gọi Tình Của TYH, Trần Doãn Nho – “Nghiệp” Thơ TYH, Luân Hoán – Tâm Chân Dung TYH, Lê Hải – Điểm Sách Của TYH… Đó chỉ là một phần trong toàn bộ tác phẩm của Trần Yên Hòa, đa diện và phong phú, nhiều khía cạnh trong cuộc sống nhưng nói lên chân dung Trần Yên Hòa qua các tác phẩm.

Giữa thực và hư, khi trò chuyện với Lương Thư Trung, Trần Yên Hòa chia sẻ: “Trong những truyện của tôi (truyện dài và cả truyện ngắn) tôi đều lấy những gì tôi đã trải, hoặc nhiều hoặc ít, rồi tôi hư cấu thêm”. Dựa vào bối cảnh xảy ra, với nhân vật hư cấu dẫn dắt câu chuyện được sinh động hơn và tránh sự ngộ nhận. Trần Yên Hòa có lúc đem “sex” vào mẩu chuyện cho bớt khô khan, hấp dẫn một chút… không có gì kịch cỡm, lố bịch – với tôi – cũng là lẽ thường tình như các nhà văn Tây phương ở thế kỷ XX đã ảnh hưởng với chủ nghĩa hiện sinh trong văn học qua nhiều tác phẩm được dịch và phổ biến ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Cùng hoàn cảnh với nhau, khi đọc Khâu Vàng Của Mẹ Tôi của Trần Yên Hòa, rất xúc động. Tặng chị hai và anh tư:

“… Tôi chỉ xin kể về Mẹ, ngày tôi từ trại tập trung cải tạo trở về.

Ra trại, tôi về Sài Gòn, nhưng trong cái Giấy Ra Trại ghi là, nơi đăng ký thường trú, làng An Mỹ, xã Tam An, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tôi là sĩ quan chế độ cũ, nên về quê, tôi sợ. Sợ bị trả thù, sợ bị cho đi học tập lần thứ hai, sợ đủ mọi thứ. Sợ cán bộ xã, ấp, sẽ “đì”, ngóc đấu không lên nổi. Thế là tôi bèn về ở Sài Gòn để lánh. “Lánh” nghĩa là sống chui, sống nhũi, sống không hộ khẩu, không tạm trú, không… không gì cả, chỉ biết hàng tháng “chi” tiền cho công an khu vực, để được sống yên mà thôi.

Tôi đã bỏ Mẹ tôi ngoài quê. Mẹ sống một mình, làm lụng một mình, ăn, ngủ một mình… suốt bao năm. Điều mơ ước nhỏ nhoi của tôi, ở trong trại cải tạo, là ngày về được sống cùng Mẹ, làm việc cùng Mẹ, để có chút đỉnh tiền, nuôi thân mình, cùng nuôi Mẹ. Ước mơ nhỏ bé đó cũng vuột khỏi tầm tay, khi tôi sống ở nơi xa mẹ, gần 900 cây số đường bộ. Sài Gòn – Quán Rường, Tam Kỳ.

Thân phận của một người tù cải tạo trở về thì ai cũng biết. Thật là bi thảm. Tôi hứng chịu, phải sống chui rúc, sống không hộ khẩu, đeo theo gia đình nheo nhóc, để cố gắng, làm ăn, nuôi con. Tôi làm đủ mọi nghề, từ đi bửa củi thuê cho các sạp củi, dọc lề đường, đến vá xe đạp lề đường, bán bánh bò bánh tiêu, đạp xích lô…

Đi bán bánh tiêu, bánh bò trên khắp ngã đường, từ ngã ba ông Tạ, lên đến khu Chợ Lớn, khu cư xá Lữ Gia. Tôi theo chân một người bạn, nguyên là đại úy cùng đơn vị cũ, đó là anh Nguyễn Xuân Thao, người Đà Nẵng.

Một hôm tôi ở nhà, vô công rỗi nghề. Nhà tôi thuê lúc ấy ở khu Nam Hòa, Phường 6, Tân Bình. Tôi nghe tiếng rao, bánh bò, bánh tiêu đây. Tôi nhìn ra thấy một người đàn ông gầy gò, đội chiếc nón phớt, đi trên một chiếc xe đạp, đang rao bán bánh bò, bánh tiêu.

Nhìn kỹ, thì ra đó là anh Thao, bạn cùng chung đơn vị với tôi. Tôi mừng rỡ ra chận xe anh lại và hỏi thăm. Thao cũng mừng khi gặp lại tôi. Nghĩa là qua những câu xã giao, là chuyện công việc, đến cuối cùng thì tôi nhờ anh giúp tôi, chỉ tôi cách bán bánh bò bánh tiêu, cũng như cách lấy hàng.

Tôi theo nghề anh, nhưng đã thất bại… Tôi đã đi qua khắp các ngã đường Sài Gòn – Chợ Lớn, từ khu cư xá Bắc Hải đến khu Chợ Lớn, đường Lý Thường Kiệt… Tôi đã đạp xe vào những con hẻm nhỏ nhất. Người dân ở đây phần nhiều là người Tàu… Tôi rao tiếng không to vì giọng tôi chỉ đến chừng đó. Sau khoảng hai tuần, thấy không có kết quả, số bánh tồn lại không bán được, quá nhiều… Đem về cho con ăn thì được, nhưng số vốn ít ỏi tôi có, càng ngày càng thu hẹp, nên tôi đành phải bỏ nghề.

Tôi đi tìm nghề khác, những nghề không vốn thì tốt hơn.

Cũng là một duyên may, tôi gặp Tự, một người bạn cùng khóa sĩ quan. Chàng ta đang làm công việc đạp xe xích lô. Nghề này là nghề không vốn, chỉ đem bán sức lao động của mình thôi, nên tôi nhờ Tự chỉ giúp tôi vào nghề. Hiện tại thì Tự đang thuê chung xe với một người bạn nữa cũng là dân cải tạo về. Tự giới thiệu giúp tôi với người chủ xe, và được người chủ chấp nhận. Tôi nhận ca sáng, tức là từ 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Ca này rất căng vì nắng Sài Gòn như đổ lửa, nên đạp xe rất mệt… nhưng được cái là khách hàng khá hơn vì ban ngày ban mặt, nhiều sinh hoạt mua bán, cần vận chuyển… nên bỏ sức ra đạp xe cũng có được đồng ra đồng vào…

Tôi loay hoay, một chỉ rưỡi thì không có rồi, đã gần 3 năm chạy xích lô, tiền thu vào ngày nào cũng “phủi lủm” ngày đó, nên đâu có tiền dư… Tôi nhìn những người thân chung quanh mình, ai cũng chạy ăn từng ngày, cũng đầu tắt mặt tối… thì biết nhờ ai đây. May sao đó là vào dịp cuối năm, tôi xin nghỉ trước một tuần để về quê thăm mẹ.

Một năm, dù đầu tắt mặt tối ở Sài Gòn, tôi không giờ nào, ngày nào tôi không nhớ về mẹ tôi. Mẹ tôi lúc ấy đã già, đã gần bảy mươi, một mình sống vò võ ở quê. Nghề nghiệp của mẹ là bán thuốc rê ngoài chợ…

Trong chuyến về thăm mẹ năm đó, tôi cố gắng dành dụm ít tiền để mua vé xe đò, chút ít quà cho mẹ, gởi thêm tiền ăn cho mẹ, làm mâm cơm cúng cha… Chỉ thế thôi…

Buổi sáng hôm sau, hai mẹ con cũng ngồi trên chiếc chõng tre ở phòng ngoài, nói chuyện với nhau. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện mồ mả ông bà tổ tiên, chuyện đám giỗ… hàng năm, những điều mà dù kham khổ đến mấy, mẹ tôi vẫn làm, chỉ một mâm cơm nhỏ, quả trứng, đĩa cá, đĩa thịt, mẹ không bỏ sót một đám giỗ nào, từ ông cố trở xuống.

Hôm đó, tự nhiên mẹ lấy từ túi áo ra một cái bị vải nhỏ, được thắt nút  kỹ càng.

Mẹ nói: – Con, thật ra mẹ bây giờ không còn gì nữa để cho con, chiến tranh loạn lạc đã tiêu tán hết. Gần đây, dì T con, còn được chỉ vàng, dì sợ mất nên nhờ mẹ cất giữ dùm. Bây giờ thấy con cần quá để mua chiếc xe làm ăn, thì mẹ giao chỉ vàng cho con, coi như mẹ cho hai anh em con làm vốn. Còn về phần dì, thì mẹ sẽ nói với dì sau.

Mẹ tôi tay run run, mở cái bị vải nâu nhỏ, kéo dây rút, lôi trong đó một khoen vàng độ một chỉ, màu vàng nhạt, tôi nhìn thấy không phải màu vàng au, có lẽ khâu vàng này hơi thiếu tuổi, đưa cho tôi. Tôi cảm động quá mà rơi nước mắt. Thật ra, suốt đời, đến thời điểm đó, tôi chưa cầm trong tay một chỉ vàng nào. Ngày đi lính, có lương, nhưng tôi không sắm vàng, chỉ hàng tháng đưa tiền cho vợ, để  lo cho gia đình, con cái, mà thôi…

Khoảng hai, ba tháng sau, tôi mới mua được chiếc xích lô… Gia đình tôi thuê một căn phòng của một gia đình người bắc di cư ở khu Nghĩa Hòa, Phường 6, Tân Bình. Chỉ là căn phòng trống trơn, gia đình tôi để một chiếc giường rộng, đủ chứa 5 người, hai vợ chồng và ba đứa con, nên rất chật… Mỗi khi tôi đạp xích lô về, tôi phải dắt xe theo đường luồng, để xe vào sát phòng tôi…

Không ngờ, chung quanh tôi toàn là cạm bẫy, hầm hố, bom mìn… Nói nghĩa bóng thế thôi, chứ vợ chồng người chủ nhà cũng tương đối hiền lành… Nhưng thật ra tôi không tìm hiểu, vì tìm hiểu làm gì khi suốt ngày tôi gò lưng đạp xe, mài mòn đít trên yên xe… thì trong lúc đó, có một âm mưu lấy cắp chiếc xích lô của tôi mà tôi không hay.

Anh Thuận có 3 người em trai, tuổi từ hai mươi đến ba mươi, vô công rỗi nghề… có tiền án tiền sự. Trước đây, đã từng ăn cắp, ăn trộm và hút chích…

Một buổi sáng như mọi ngày… Tôi thức dậy và bận áo quần đi chạy xe, mở cửa bước ra ngoài, thì hỡi ơi, không thấy chiếc xe đâu cả…

Mãi sau này, cũng bốn, năm năm sau, nhân dịp về quê, tôi mới kể chuyện này cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi không nói gì nhưng chắc mẹ tôi buồn lắm…

Điều mà tôi nghĩ hoài về chỉ vàng mà mẹ tôi nói là của dì T gởi, mẹ rứt ruột cho tôi và anh tôi trong lúc ngặt nghèo… mới thấy được tình mẹ to lớn bao la bao nhiêu. Có thể là mẹ tôi sẽ tần tảo từng đồng để dành tiền mua khâu vàng khác, trả lại cho dì, còn nếu không, thì tìm cách nói quanh, nói quất, để dì không đòi… Dù gì đi nữa, tất cả mẹ cũng vì con, nhường miếng cơm, manh áo cho con…”.

Năm 1987, lần đầu tiên tôi ở Đà Lạt về Sài Gòn và cũng lần đầu tình cờ gặp Trần Yên Hòa. Thấm thoát đã 36 năm rồi, hai anh em chúng tôi đã trải qua giai đoạn đau thương của lịch sử dân tộc với bao biến thiên của cuộc đời trong tháng ngày nghiệt ngã, bi thương, uất hận như dòng thơ của Vũ Hoàng Chương “Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa. Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”. Nay ở cõi văn chương nơi xứ người, còn nhau có nhau và viết cho nhau.

Trần Yên Hòa đã nhiều lần gợi ý cho tôi “Niên trưởng viết rất nhiều, chuyên về layout, sao không in sách” và cả Trương Vấn (Khóa Nguyễn Trãi III, trang chủ T.Vấn & Bạn Hữu cũng vậy). Thật tình, tôi đã layout dang dở hai quyển sách nhưng bỏ ngang! Trao phần đất nầy cho hai niên đệ.

Little Saigon, July 18, 2023

Vương Trùng Dương

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search