T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê :Tháng Ba tìm về tử lộ

clip_image002

Tháng Ba lại về tôi bỗng nhớ Bài thơ tháng Ba của trung úy Nguyễn Văn Kỳ Sơn, một sĩ quan CTCT đóng tại thượng nguồn sông Đăkpla, Kontum. Anh là nhân chứng cuối cùng và là người lính đồng hành với cái gọi là ‘Tây nguyên tháo chạy’, khởi đi từ lúc bỏ ngỏ Kontum, dồn về Pleiku rồi theo đoàn người vừa lính vừa dân (dân ít lính nhiều) dồn cục trên một con đường độc đạo để tìm về sinh lộ. Lòng dạ của họ ra sao, hãy nghe tâm tình của những người lính trẻ,

Lệnh bỏ quân đoàn thật nhẫn tâm

Quân dân ứa lệ máu tuôn dầm

Cùng nhau nương bước tìm sinh lộ

Đường trơn đẫm máu hướng về Nam…

Sinh lộ được các nhà quân sự Vùng 2 trong cơn hoảng loạn dựa theo bản đồ đã chọn con đường liên tỉnh mang số 7B băng qua rừng già nối liền cao nguyên với dẻo đất Sông Cầu vốn là anh em với đường 9 nam Lào từng bị lãng quên trong thời chiến bỗng trở thành tử lộ và là mồ chôn của bao oan hồn sau ngày 13 tháng 3. Cứ như nhà thơ ghi lại,

Tháng Ba…Dân lính thây như rạ

Con lộ 7B oán thấu trời

mười đi, hai tới, ba èo uột

Vua nỡ bỏ quân…khóc hay cười!!

Vua nỡ bỏ quân, khóc hay cười? Chuyện khóc hay cười khởi đi từ một cú điện thoại của ‘Vua’ tức Tư lệnh tối cao Nguyễn Văn Thiệu từ Nha Trang gọi cho Thiếu tuớng Nguyễn Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2 trước đó ít ngày. Sau khi mất Ban mê thuột, đã có lời đồn thổi người ta sẽ bỏ Pleiku-Kontum như một phương án ‘di tản chiến thuật’, cho nên khi đã quyết định TT Thiệu cùng đại tướng Cao Văn Viên và bộ tham mưu cấp cao ra Nha Trang xem xét tình hình và ra lệnh trực tiếp. Có điều lạ là không có tướng Phú tham gia, dù là địa bàn bỏ ngỏ sẽ là vùng đất của ông. Chuyện này để các nhà viết sử tìm hiểu.

Theo một nhân chứng gần gũi với Bộ tư lệnh quân đoàn thì có nhân vật lúc đó đang ở văn phòng Tướng Phú khi ông này nhận điện thoại, sau này tiết lộ với đàn em thân cận khi qua Mỹ mà chẳng cần úp mở là vị tướng tư lệnh sư đoàn 6 không quân (bản doanh đóng tại Pleiku).

Ông cho biết là không hiểu qua đường dây Tông Tông nói gì, nhưng về phần tướng Phú thì chỉ thấy, “dạ, dạ, dạ…” tuyệt nhiên không có ý kiến hoặc ngôn từ hồi đáp. Cuộc điện đàm ngắn gọn, ngay sau đó bằng một động thái không được bình tĩnh ông cho họp các tư lệnh và chỉ huy cốt cán thông báo lệnh của Tổng thống là ‘di tản ngay và bỏ ngỏ vùng 2’.

Cũng cần nói tướng Phú vốn có tiền sử là một người trung thực, ít nói, từng chiến đấu trong một đơn vị Dù của Pháp, tuyệt đối trung thành theo lệnh thượng cấp, nhưng cá nhân thì không sợ chết và chẳng bao giờ biết chữ đầu hàng. Cũng từ đàn em của ông, cũng là người bạn của tôi đã kể một giai thoại khi ông mới về nhậm chức Tư lệnh vùng 2, như thấy trọng trách mình quá nặng, ông đã thân tình cởi mở với thuộc cấp, đa phần là sĩ quan trẻ (cấp tá) trong bộ tham mưu của ông, ‘anh ít được học hành nhiều/các em được đào tạo cao hơn anh/cố giúp anh hoàn thành nhiệm vụ tổng thống giao cho anh’. Nghe xong tôi ngưỡng mộ ông từ ngày ấy và thầm nghĩ ông được cất nhắc và tiến nhanh trong binh nghiệp chính vì các tố chất này.

Cho nên những người hiểu ông cũng chẳng cần thắc mắc tại sao chỉ có những tiếng ‘dạ’ ngắn gọn mà lẽ ra là tư lệnh ông hiểu phải có thời gian chuẩn bị, không thể một sớm một chiều đưa cả một đại đơn vị cả chục ngàn quân chưa kể dân tình nhớ Tết Mậu Thân cũng sẽ ăn theo trong cuộc di tản. Chính vì sự chấp hành một chiều theo lối quân giai đã đưa ông vào những sai lầm chiến thuật khi vội vàng chọn con lộ 7 để rút quân.

Văn Tiến Dũng cũng ngỡ ngàng vì không ngờ tướng Phú rút nhanh và càng khó hiểu sao người đối địch lại chọn con số 7B vùng tử địa chưa được khai thông thay vì con số 9, quốc lộ huyết mạch nối liền cao nguyên với biển? Có giả thuyết đi qua đường 9, sẽ là đi vào cửa tử vì lực lượng của Cộng sản đang đón ta ở đây, nên giải pháp băng rừng tạo yếu tố bất ngờ vẫn là phương án ít đổ máu.

Chuyện không bàn ở đây, chỉ biết kết quả bi thảm do bế tắc về tiếp vận, xăng nhớt, nước uống, cầu gẫy, đường xấu, xe cơ giới, vận tải ách tắc, cũng lại bất ngờ là quân cộng sản pháo kích như mưa, quân dân tản lạc mạnh ai nấy chạy, cho nên ai có xe Honda và đủ nuớc thì lại an toàn đến được đất hồi sinh. Chuyện kể có một anh lính BĐQ ỷ mình có thể tìm được nguồn nước trên đường đi đã bán bi-đông nước để lấy một cây vàng cho một thương gia khi ông này năn nỉ. Anh đã chết khát trước khi đoàn người về được Tuy hòa.

Nay thì mọi sự đã thuộc về lịch sử, nhưng nỗi ray rứt của người sĩ quan trẻ vẫn còn vẳng vọng đâu đây,

Ngày 13 tháng 3 ta không quên

Máu xương của lính biết ai đền

Hoang mồ rải rác trên cùng khắp

Tử sĩ hồn oan không tuổi tên…

(*) Cũng cần nói thêm, Tướng Nguyễn Văn Phú đã ở lại Sài-gòn. Sáng 30-4 trước giờ Dương Văn Minh đầu hàng, ông đã tự vẫn bằng thuốc độc theo gương cụ Phan Thanh Giản.

Đỗ Xuân Tê

 

 Phụ Lục :

THƠ  VIẾT  TRONG  THÁNG  BA

Đôi mắt Kontum hôm từ giã
Thật buồn ẩn dấu nét biệt ly
Rừng vẫn xanh màu xanh của lá
Sông Đakpla lở lững tiễn người đi…

Ngày 13 tháng 3 ta không quên
Máu xương của lính biết ai đền
Hoang mồ rải rác trên cùng khắp
Tử sĩ hồn oan không tuổi tên…

Lệnh từ đâu? Rút về quân đoàn
Cọp núi đi rồi trại trống trơn
Ta cũng lên xe cùng đệ tử
Giã biệt Kontum buồn nào hơn…

Núi che trước mặt, núi bên hông
Uốn lượn đường vòng rất khó trông
Nếu giặc chịu nằm chờ đâu đó
Súng dẫu cầm tay cũng như không …

Chư Pao sừng sửng cua quanh gắt
Lưỡi hái tử thần treo lửng lơ
Thảy hai chiếc dép xin xâm thử
Trình diện vùng 5, cửa đang chờ …

Đường dốc cao hướng thành Pleime
Đạn pháo Cù Hanh giặc rót về
Lửa khói mịt trời xe cứ chạy
Sá gì nạn khổ, cảnh trần mê !

Lệnh bỏ quân đoàn thật nhẫn tâm
Quân dân lệ ứa máu tuôn dầm
Cùng nhau nương bước tìm sinh lộ
Đường trơn đẫm máu hướng về Nam…

Tháng 3 …Dân lính thây như rạ
Con lộ 7B oán thấu trời
Mười đi, hai tới, ba èo uột
Vua nỡ bỏ quân…Khóc hay cười !!

Tháng ba ta nhớ lòng ray rứt
Đạn của giặc thù như trấu bay
Vậy mà ta vẫn còn nguyên mạng
Giặc bắt xiềng chân chịu nhục đày …

Những người chiến sĩ từng anh dũng
Đã chết không mồ, chẳng khăn tang
Cỏ cây trên khoảng đường di tản
Đã cùng đá núi khóc thở than

Oan hồn tử sĩ trên đường 7
Biết đến bao giờ mới giải oan
Nồi da xáo thịt bao điều trái
Trận chiến hình như vẫn chưa tàn

Ta viết bài thơ nhớ tháng ba
Một thời chinh chiến cảnh không nhoà
Bạn ta, ai chết ai tù tội
Nhớ nước ai người mãi thiết tha…

            thylanthảo
(Nguyễn Văn Kỳ Sơn)

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search