T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Yên Hòa: Giữa Việt Dzũng và Vũ Ánh

(Nguồn: Banvannghe.com)

Việt Dzũng

Ngày…

Tôi đang lái xe thì nghe ở đài Radio Little Sài Gòn loan tin Việt Dzũng chết. Tin loan ra khiến tôi bàng hoàng thương cảm. Mới hôm qua đây, tôi cũng đang lái xe, cũng nghe radio lúc sau 9:00 AM,  đài Radio Bolsa, còn nghe giọng nói Việt Dzũng. Không biết Việt Dzũng có bệnh trầm kha nào? anh vẫn mạnh khoẻ, vẫn ăn nói lưu loát trên đài, mà sáng nay bỗng dưng lăn đùng ra chết. Sao không bàng hoàng cho được. Chắc nhiều người cũng như tôi, bàng hoàng chứ. Và thương cảm nữa. Thương anh tật nguyền từ nhỏ, nhìn bước đi của anh xiêu vẹo, khó khăn mà thương. Anh chống cái nạng để nhích người lên từng bước. Đó có thể là nổi bất hạnh nhất của một con người.

Việt Dzũng là một tên tuổi quen biết. Người ta nghe giọng anh trên radio, người ta nhìn anh trên DVD của Asia, giọng nói anh không lẫn với những giọng nói khác, nhanh, lưu loát, lôi cuốn, nên chắc có nhiều người ưa thích.

Điều người ta thường nói và nghĩ về Việt Dzũng là anh bị khuyết tật từ nhỏ, đi đứng khó khăn mà có chí khí đấu tranh. Anh bôn ba nơi này nơi kia trong những chương trình ca nhạc, anh hát nhạc đấu tranh, khơi gợi lòng căm thù CS của những người tị nạn.

Điều này đúng.

Nhưng xét cho cùng, đó là một cái job “trời cho” anh, là business của anh. Vì anh có “cái giọng” truyền cảm.

Ở trên đời này, trong cuộc sống, ai cũng cần có một công việc để làm, nếu hợp với sở thích của mình thì tốt nhất, hạnh phúc nhất. Việt Dzũng đã chọn một công việc làm hợp với năng khiếu của mình, là làm phát thanh viên trên các làn sóng phát thanh và MC trong những chương trình ca nhạc, và MC cho những đoàn thể khác nếu được nhờ giúp hay được thuê mướn.

Về phát thanh viên, thì đã hẳn, anh có giọng nói lưu loát trời cho, nên anh làm “nghề” này là đúng, cũng như nhiều người tuổi trẻ VN ở Mỹ, hằng ngày, hằng đêm, trên các giảng đường đại học, trong phòng thí nghiệm, miệt mài học tập để lấy được mảnh bằng bác sĩ, dược sĩ, luật sư, kỹ sư…để được đóng góp với đời công sức của mình, và tìm job cho mình. Ai có khả năng nào thì đóng góp khả năng đó, tất cả đều được quý trọng.

Còn về sáng tác nhạc của Việt Dzũng, như  các nhạc bản “Một chút quà cho quê hương, Tình ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn, Tình như cây cà-rem…” theo tôi, là những bản nhạc “trung bình”, nếu nhìn theo góc độ Văn Học Nghệ Thuật. Tuy nhiên những bản nhạc đó cũng được một số đông yêu thích, có thể nói lời nhạc đã “gãi đúng chỗ ngứa” của những người nghe, nhất là trong hoàn cảnh của người tị nạn, trong những năm đầu trên nước Mỹ.

Thực sự là, nhạc hùng ca, nhạc đấu tranh của Việt Dzũng không làm sao sánh bằng một “Bạch Đằng Giang, Hội Nghị Diên Hồng, Xuất Quân, Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, Hùng Lân, Nguyễn Đức Quang, kể cả, còn thua các bản chiến đấu ca của Cục Chính Huấn QLVNCH trước 1975, như các bản (tôi chỉ  còn nhớ câu đầu tiên) “Cờ Bay…, Giặc Miền Bắc Vô Đây…, Một Cánh Tay Đưa Lên…v.v…” chẳng hạn.

Có 2 nhạc sĩ cùng thời cũng được rất đông người mến mộ, đó là nhạc sĩ Nhật Ngân và Nguyễn Đức Quang.

Nhật Ngân đã từng ở trong quân đội VNCH, đã viết nhiều bản nhạc về lính, về chiến tranh, về quê hương như “Một mai giã từ vũ khí, Xuân này con không về…” rất xúc động. Qua Mỹ, Nhật Ngân cũng đã viết nhiều bản nhạc đấu tranh, trong đó có bài “Lửa Bolsa”, cũng được rất nhiều người yêu thích, nhưng khi ông chết đi, người ta rất thương tiếc ông, chứ không làm rùm beng như Việt Dũng.

Nguyễn Đức Quang cũng thế, ông là một nhạc sĩ du ca, là sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị/QLVNCH, đã  bị CS cầm tù nhiều năm. Khi chết đi, ông đã để lại đời nhiều bản nhạc rất giá trị, nhất là những bản du ca, thường được dùng hát trong những buổi sinh hoạt tập thể. Nổi tiếng nhất phải nói là bản “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”. Nhiều đoàn thể đấu tranh, sinh viên học sinh khi sinh hoạt, lấy bài này hát mở đầu. Đài phát thanh VNCR ở Nam Cali đã dùng bài này làm nhạc hiệu.

Thế mà khi ông chết, cũng bị đột quỵ bất ngờ…Người mến mộ, yêu thương ông rất nhiều, nhưng không ồn ào như Việt Dũng…

Cho nên nghĩ về Việt Dzũng, chúng ta cũng nên xét theo lẽ công bằng. Có thể nói, tất cả điều anh đã thực hiện, dĩ nhiên là như một cái job để sinh sống, kèm theo chút năng khiếu và tấm lòng. Còn những lời tuyên bố quá dao to búa lớn như là “Một Nhạc Sĩ Vĩ Đại, Một Tài Danh, Nhà Đấu Tranh Kiên Cường phải được phủ cờ vàng..…có lẽ hơi cường điệu và quá đáng chăng?.

(Theo tôi, đáng khâm phục nhất vẫn là những người trẻ tuổi ở VN, quyết một lòng đấu tranh, không sợ tù tội như Huỳnh Thục Vy, nhạc sĩ Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và nhiều nữa…chứ còn ở Mỹ “Trùm Mền, hô Xung Phong” thì …quá dễ.)

Suốt cuộc đời Việt Dũng cũng là một hạnh phúc lắm rồi, anh đã làm được những điều mình thích theo năng khiếu và tấm lòng của mình. Chúng ta không nên đi quá đà, quá xa, là ca tụng những điều không có của anh.

Trong Văn Học Nghệ Thuật, có thể nói, lãnh vực ca nhạc là dễ làm lòng người ta cảm động nhất. Âm nhạc là để  nghe. Nghe chuyển thẳng lên óc rồi qua tim. Nghe dễ cảm thụ hơn là đọc. Đọc phải có trình độ và sở thích. Ai cũng nghe được nhưng mà người đọc thì thì phải chọn lựa. Những người viết (làm thơ, viết văn, hay viết nghiên cứu, văn hoá, chính trị) thường chỉ có một số người đọc giới hạn.

Chứ nói về quá trình tranh đấu cho lý tưởng, cho quê hương đất nước, những người cầm bút với những bài viết của họ, những truyện, những thơ, những bài nghiên cứu…họ đã vận động tim óc mình để viết ra, chỉ mong sao đem đến cho xã hội những điều Nhân Bản, những Chân, Thiện, Mỹ…

Văn học VN cận đại, những nhà văn  chết trong tù ngục cộng sản, có thể kể như Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Phạm Văn Sơn…Và còn nhiều người khác nữa…

Những nhà văn, nhà báo, sau ngục tù được qua Mỹ, vẫn tiếp tục viết, vẫn chiến đấu âm thầm, với ngòi bút của mình… Trong số đó, tôi nghĩ có Vũ Ánh …

 

Vũ Ánh

 

vũ ánh

Ngày…

Cũng trong một buổi sáng, mở trang Người Việt online, tôi cũng thật sự bàng hoàng khi đọc tin nhà báo Vũ Ánh mất. Theo tin, buổi trưa ông bị đột quỵ tại nhà rồi chết luôn, đến 5 giờ PM, người vợ đi làm về phát hiện, thì ông đã chết.

Thế là ông thua Việt Dũng, Việt Dũng còn cố gắng điện thoại được cho 911, kêu chở vào nhà thương cấp cứu, còn Vũ Ánh thì không, ông bị đột quỵ và chết ngay, điều này cũng lả một điều rủi mà cũng là một điều may cho ông, là ông không bị vật vã, bán thân bất toại, hay sống đời sống thực vật, như nhiều người vẫn bị…Ông chết đi như vậy cũng buồn cho gia đình, vợ con, nhưng cũng đỡ cực cho người thân hơn.

Tôi bàng hoàng vì Vũ Ánh chết gấp quá, không ai lường trước. Và ông là một nhà báo mà tôi là người đọc, rất nễ phục và tâm đắc. Ông là một trong những nhà báo trí thức mà tôi yêu thích.

Có một chuyện đáng ghi nhớ là, có một thời gian tôi ở tù chung với Vũ Ánh ở trại Xuân Phước, khoảng những năm 1978-1981.

Xin nhắc lại một chút, là Noel 1978 ở trại tù Suối Máu, Biên Hòa, có cuộc nổi dậy rật đáng ghi nhớ của anh em tù. Vì Noel năm đó, lệnh của trại là cấm không cho anh em tổ chức lễ Giáng Sinh. Nhưng tối hôm đó, anh em công giáo vẫn tụ họp cầu kinh và làm thánh lễ, nên cán bộ quản giáo, vệ binh trại đã vào bắt 5 người tù mang đi. Ngay tức thì, dưới sự phát động của anh Trần Đình Ngọc, một đại uý Nhảy Dù, cùng một số anh em khác, phát loa kêu gọi các anh em tù toàn trại ra ngồi trước sân yêu sách thả 5 anh em vừa bị bắt. Anh em tù hưởng ứng rất đông, chỉ trong vòng khoảng 30 phút mà anh em các trại khác cũng cùng ra tranh đấu. Cuối cùng bên cán bộ trại phải nhượng bộ thả người.

Sau đó là những cuộc tranh đấu tiếp theo, anh em thành lập “Ban Hành Động”, tổ chức những đêm hát nhạc phá cùm, phá xiềng…Nhưng chỉ được một thời gian, sau đó cũng bị cán bộ trại lần lượt bắt một số anh em cầm đầu về Chí Hòa, và tiếp tục đưa những anh em khác đi các trại khét tiếng nhất miền Nam như là Gia Trung (Kontum) hay Xuân Phước (Tuy Hòa).

Mấy tháng sau, ở nhà 8, trại 1, Suối Máu, một buổi chiều, quản giáo và vệ binh ào vào trại, tập họp từng nhà và kêu danh sách, nhà 8 có 58 người, chỉ kêu mình tôi gọn gàng đồ đạc ra xe. Ai cũng nghĩ tôi được thả về, nhưng không, tôi được tống vào một xe molotova bít bùng chỡ ra Xuân Phước.

Trại Xuân Phước, (tức là Trại Kiên Giam mà Nguyễn Chí Thiệp đã viết). Khi xuống xe bước vào cổng, tôi mới biết đây là nhà tù xây kiên cố nhất, bên trong những khu nhà có cửa sổ bằng sắt, lố nhố bạn tù trong đó vẫy tay. Tôi đã nhận ra được nhiều bạn tù ở Suối Máu “cộm cán” cũng ra đây, như Trần Đình Ngọc, Phan Lạc Giang Đông, Lê Văn Sáu (tức sáu hồ hởi). Bạn cùng trường ĐH/CTCT/ĐL với tôi có NT1 Đỗ Văn Phúc, NT1 Trần Đức Long, NT2 Nguyễn Đại Loại, NT2 Huỳnh Ngọc Thành, NT2 Nguyễn Xuân Tùng, NT2 Phạm Tuế, NT3 Bằng, NT5 Bằng (cả 2 tôi đều không biết họ).

Ở đây tôi biết có những nhân vật lớn của chế độ VNCH như  ông Võ Văn Hải, bí thư cho TT Ngô Đình Diệm, ông Huỳnh Thành Vị, chủ tịch Tổng Công Đoàn VN, ông Khúc Thừa Văn, dân biểu quốc hội, ông Nguyễn Chí Thiệp, đốc sự hành chánh, phó tỉnh Quảng Nam, ông Trần Danh San, luật sư, ông Lê Sáng, võ sư, ông Minh, trong vụ nổi dậy nhà thờ Vinh Sơn. Những người khác thì bị ghép tội “phản các mạng”, bị kêu án từ 20, 25 năm như những anh em trong lực lượng  Phun Rô. Nghĩa là thành phần ở đây đều là những người tù “nặng ký”, nên chuyện ngày về thật xa tít mù khơi.

Tôi được “biên chế” vào đội thợ nề, do anh Nguyễn Thanh Phương làm đội trưởng. Nguyễn Thanh Phương nguyên là trung sĩ sư đoàn 18 BB. Sau 1975, anh tham gia trong lực lượng phục quốc, được làm tư lệnh binh đoàn Lê Văn Duyệt, với cấp bậc đại tá. Trong đội còn có anh Chẩm, cũng là người trong binh đoàn Lê Văn Duyệt, nguyên là lính SĐ 18 BB, cũng được phong trung tá. Còn có ông Tường, nguyên là trung sĩ cảnh sát quốc gia, cũng tham gia lực lượng phục quốc, được “tổ chức” phong cấp đại tá.

(Ôi! những “trung sĩ – đại tá” này cũng là một thảm họa cho bọn tù chúng tôi, họ vừa làm an-teng, vừa làm ông chủ cai trị chúng tôi đến ngạt thở.)

Đội cùng ở chung nhà với tôi là đội thợ mộc, đội trưởng là ông Huỳnh Cự, nguyên là thượng úy VC  hồi chánh, được tôn thêm lên là trung tá, làm ở bộ Dân Vận Chiêu Hổi. Có ông Bùi Như Sơn làm đội phó. Ông Bùi Như Sơn rất hăng say trong chức vụ của mình, luôn thúc hối anh em lao động phải cật lực. Hằng tuần lúc nào ông cũng là cá nhân xuất sắc, cá nhân tiên tiến.

Ở trại Xuân Phước có những vụ xãy ra đáng nhớ sau đây:

-Vụ vượt trại của 2 anh Ph ạm Văn Hải (Hải cà) và Nguyễn Văn Hạnh. Sau khi bị bắt lại, Hải, Hạnh bị 6 tháng biệt giam.

-Vụ 7 anh em tù cướp súng của vệ binh vượt trại nhưng thất bại. 6 bị bắn chết, 1 bị bắt đem về biệt giam.

-Vụ vẽ cờ VNCH trong cầu tiêu nhân ngày 19-6 (Ngày Quân Lực/VNCH). Một số anh em bị điều tra và bị biệt giam.

-Vụ quăng phân (cứt) lên trên mùng nằm của ông Huỳnh Cự, đội trưởng đội mộc. Vụ này cũng có nhiều bí ẩn, có nhiều người bị điều tra và biệt giam.

Có thể nói, trại Xuân Phước là một trại giam khét tiếng của VC dành cho những thành phần chống đối “nặng ký” và cũng là trại tù khắc nghiệt nhất.

*

Sau khi qua Mỹ, đọc báo, biết ông Vũ Ánh có ở Xuân Phước cùng thời gian đó. Ông có làm tờ báo chui Hợp Đoàn.

Như vậy là can đảm quá rổi.

Sau này đọc thêm tiểu sử của ông, tôi thấy ông ở tù những 13 năm, trong đó có 6 năm biệt giam, cũng là thêm một điều “dễ nễ” nữa. Những tướng lãnh của ta cũng ở tù chừng đó thời gian (hay hơn chút đỉnh) là cùng.

Qua đây, ông tiếp tục làm nghề báo, và với nghề này, ông đã trãi biết bao điều vinh nhục…

Tôi chỉ đọc ông thôi và thấy bài nào ông viết cũng công phu, văn phong trác tuyệt, hấp dẫn. Dĩ nhiên về quan điểm chính trị, mỗi người có một ý thức riêng. Chỉ một điều duy nhất chúng ta cần thấy, là Vũ Ánh đã từ một phóng viên chiến trường thời trước 1975, ông đã đi suốt trong những chặng đường của đất nước và chứng kiến tận mắt những chuyện vật đổi sao dời trong dinh Độc lập ngày 30-4-1975. Sau 1975, đã bị đi tù CS 13 năm, qua Mỹ theo diện HO, thì không có lý nào nói ông “thiên cộng” được.

Hãy đọc tâm tư của anh Phạm Đức Khôi, tốt nghiệp Khóa 1 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Đà Lạt, viết về Vũ Ánh như sau:

“Tranh thủ gặp anh, tôi có hỏi về câu chuyên ông thày bói và báo xuân Người Việt dạo nào, anh rầu rĩ tâm sự, quả là lỗi của anh. Là chủ bút tờ báo Xuân anh hoàn toàn chịu trách nhiệm. Lý do là, vì bận rộn quá anh ngủ thiếp đi không kìểm soát hết được bài vở lên khuôn, nên đã có kẻ lợi dụng. Anh rất ân hận về việc làm tắc trách đó và xin chịu trách nhiệm trước độc giả.” Vũ Ánh: Món Nợ Văn Hoá & Tình Chiến Hữu – NT1 Phạm Đức Khôi

Như thế là ta đã rõ, một lời xin lỗi chân thành.

Với một bề dày hoạt động của Vũ Ánh như vậy thì anh rất đáng được Vinh Danh lắm chứ?

*

Bài viết này tôi không có ý nâng ai hay hạ ai. Việt Dzũng hay Vũ Ánh tôi đều rất có cảm tình và thương mến. Tôi chỉ viết để nêu lên ý nghĩ của mình, chỉ mong mọi người nên đánh giá công bằng cho cả hai.

Cầu nguyện hai anh sớm về an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.

Trần Yên Hòa

Vũ Ánh: Món Nợ Văn Hoá & Tình Chiến Hữu

Phạm Đức Khôi 

Sáng nay dậy sớm check mail, tôi thấy bàng hoàng về cái tin “Thương tiếc chiến hữuVũ Ánh” của anh Võ văn Sáu (Góp Gió), người bạn cùng trại tù A20 Xuân Phước với anh. Tôi không mấy tin vào sự thực của tin tức trên mạng. Nhưng khi đọc bài chia xẻ tâm tình của anh, thấy nhắc tin anh Tống Phước Hiến “ chia buồn” tôi mới lặng đi và tin đó là sự thực…

Đúng ra tôi với anh Vũ Ánh không quen biết nhau nhiều. Anh chỉ là người bạn của chú em tôi Phạm đức Nhì, bạn tù với anh ở Trại Trừng giới Xuân Phước mà chú tôn là bậc đàn anh rất thân thiết và tôn qúy. Từ đó qua giao tiếp của em tôi, tôi có dịp gặp gỡ đôi lần.

Trước đây khi còn trong quân ngũ ở bên nhà, tôi biết rất ít về anh vì mỗi người phục vụ ở mỗi môi trường riêng. Tôi thực sự biết đến tên anh qua bài phóng sự về một đơn vị Nghĩa quân thuộc Vùng Bốn Chiến Thuật. Chuyện kể về anh trung đội trưởng nghĩa quân ở vùng quê “xôi đậu”. Gia đình có hai anh em đã trưởng thành, vẫn sống chung với mẹ. Anh là lớn rất cương nghị có lập trường quốc gia sắt thép, đã đối xử với người em theo CS một cách rộng lượng nhưng cũng rất cương quyết, khiến bà mẹ vì thương con phải cưu mang, vô cùng khó xử. Đã lâu lắm rồi không còn nhớ hết tình tiết câu chuyện, nhưng qủa thực bài viết của anh đã tạo ấn tượng sâu sắc trong tôi về những giằn vặt và ngang trái của những đứa con khác chính kiến cùng một mẹ, và những đớn đau thổn thức của bà mẹ Việt Nam.

Sau này tôi có biết tên và vai trò chứng nhân của anh những giây phút cuối cùng của Miền Nam Việt Nam, qua việc thu băng lệnh đầu hàng của TT Dương văn Minh tại Đài phát thanh quân đội như anh Võ văn Sáu đã kể, nhưng tôi vẫn chưa từng biết mặt.

Trong những năm sau này, chú em tôi có gởi cho tôi những bài viết về những hoạt động báo chí văn nghệ phản kháng trong trại A20 với những bài thơ nhạc nức lòng tranh đấu của những người trẻ dù bị ngược đãi  tận cùng nhưng vẫn hiên ngang không biết sống chết là gì.  Trong những tác phẩm đấu tranh viết bằng máu và nước mắt đó có những bài Thơ Chống Cộng hừng hực chí căm hờn và bài viết của chú: “ Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20.” Qua đó tôi biết được vai trò của anh Vũ Ánh, một người gương mẫu gan dạ, được sự tín cẩn, khâm phục, nể vì của các anh em trong vai trò lãnh đạo văn nghệ và báo chí đấu tranh. Tất nhiên trong hoạt động phản kháng anh em đã phải chiụ đựng sự đàn áp khát máu của cai tù, nhưng theo chú, mỗi khi gặp tai ương anh đều nhận hết trách nhiệm thay cho các anh em khác. Đây là một điểm son mà anh em ghi nhận và khâm phục ở phong cách, lý tưởng và bản lãnh nơi anh.

Rồi một lần, cách nay có đến trên mười năm, chú em tôi Phạm đức Nhì từ Taxas qua chơi, chú có mời anh chị Vũ Ánh đến nhà. Lúc ấy anh Vũ Ánh có lẽ khoảng sáu mươi, tóc còn đen và trông rất chững chạc.

Đây là lần đầu tiên tôi được hân hạnh biết anh chị Vũ Ánh. Lúc ấy gia đình chúng tôi qua Mỹ cũng chưa lâu, chị Yến Tuyết đã làm ở cơ quan an sinh xã hội nên rất sốt sắng trao đổi với chúng tôi những thông tin hữu ích mà chị biết. Riêng anh, dù chỉ mới sơ giao nhưng qua câu chuyện trao đổi, tôi nhận thấy ở anh một mẫu người điềm đạm, hiểu biết và chân tình. Điều làm tôi cảm động và lúng túng, đã giữ mãi ấn tượng đến nay là ở chỗ cá tính khiêm cung, trung thực trong cách xưng hô mà tôi gọi là “món nợ văn hoá.” Tôi mong ước được thanh thoả khi có dịp gần gũi hơn, nhưng chuyện đã không bao giờ có thể…

Số là, vốn biết tôi vai anh của chú Nhì nên khi gặp mặt, anh rất vui vẻ tự nhiên. Anh “xưng em” với chúng tôi một cách thoải mái, chân tình mặc dù tuổi tác lúc ấy tôi được Nhì cho biết, trên tôi vài tuổi.

Tất nhiên tôi rất e ngại và cảm thấy lúng túng ngại ngùng. Tôi thành thực xin anh coi như bè bạn, vì anh cũng là một chiến hữu, còn chú Nhì là trong thân tộc họ hàng. Anh chậm rãi trả lời, vì anh chơi với chú em tôi như anh em trong gia đình nên cũng coi tôi như anh.

Câu trả lời và cách cư xử của anh rõ ra là một người đôn hậu và thấm nhuần văn hoá dân tộc. Mặc dù tôi rất ngại ngùng, không thuyết phục được anh thay đổi cách xưng hô, nhưng tôi phải nhìn nhận tính khiêm cung nhân hậu của anh là một ưu điểm hiếm thấy nơi những thế hệ sống tại hải ngoại “qúa dồi dào lòng tự hào” như chúng ta. Tôi trộm nghĩ, nếu như mọi người đều trong lòng thành thực cư xử tử tế vơi nhau như anh, chắc hẳn cộng đồng chúng ta phải khác nhiều như chúng ta hằng mong ước.

Lần thứ nhì cách nay không xa, anh đến tôi để đón chú em đi dự buổi hội ngộ các bạn tù A20 tổ chức tại Cali. Lần này tóc anh đã bạc nhiều. Trông anh khá bận rộn nhưng vẫn còn khoẻ mạnh. Tranh thủ gặp anh, tôi có hỏi về câu chuyên ông thày bói và báo xuân Người Việt dạo nào, anh rầu rĩ tâm sự, qủa là lỗi của anh. Là chủ bút tờ báo xuân anh chiụ hoàn toàn chịu tràch nhiệm. Lý do là, bận rôn quá anh ngủ thiếp đi không kìểm soát hết được bài vở lên khuôn, nên đã có kẻ lợi dụng. Anh rất ân hận về việc làm tắc trách đó và xin chịu trách nhiêm trước độc gỉa.

Hôm nay anh đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi bảy ba. Với anh, tôi nghĩ lương tâm không có gì phải ân hận dù anh trong khi làm việc có phạm một vài sai sót ngoài ý muốn. Tôi thành tâm nghĩ rằng một người có tấm lòng nhân hậu với bạn bè và tha thiết với quê hương như anh, phải được đối xử công bằng; đừng để những ngộ nhận làm nản lòng và che phủ những tầm lòng cao đẹp đã có một thời cùng chung chí hướng hiến dâng cho quê hương đất nước khổ đau. Xin hãy trả lại cho gia đình anh niềm hạnh phúc và tự hào đã cùng anh chia xẻ.

Vĩnh biệt anhVũ Ánh! Món nợ văn hoá tôi không bao giờ được trả, nhưng những tình cảm qúi mến trong tôi vẫn mãi hướng về anh.

Xin nguyện cầu ơn trên ban hồng phước cho anh được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng,

Xin chân thành chia xẻ sự mất mát to lớn của chị Yến Tuyết và các cháu.

Một chiến hữu qúi mến và thương tiếc anh,

Phạm Đức Khôi

Bài Mới Nhất
Search