T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê – Nhân Đinh Cường nhớ bạn, người viết Diễm xưa

clip_image001
Đinh Cường qua nét vẽ Trịnh Công Sơn

(Nguồn : Sangtao.org)

Năm nay Ngày cá tháng tư lại về, điểm báo không thấy có chuyện bịa nào lạ. Trùng hợp người nhạc sĩ tác giả Diễm Xưa ra đi đúng ngày này, mà cách đây 13 năm khi truyền đi tin buồn trao đổi cho nhau chẳng mấy ai tin. Chọn ngày xa trần gian phải nói TCS khá hóm hỉnh khi để bạn bè thân hữu người hâm mộ anh đoán già đóan non biết đâu ‘anh đi rồi anh lại về’ .

Auras-tu jamais le temps de revenir? Sau 13 năm vẫn có người hỏi trong ngày giỗ Sơn, Và có khi nào Sơn trở lại? Gần gũi với Sơn như Đinh Cường lại là người làm bài thơ này gợi hứng từ một lời nhạc Pháp, với bối cảnh, nhân vật, không gian và thời gian gợi lại vùng đất cao nguyên (Dran) và người tình (Dao Ánh), một Diễm xưa bằng xương bằng thịt đã từng đi qua đời Sơn cách đây 50 năm.
Đinh Cường trong giới văn nghệ và cả ngoài đời, anh được kể là người có duyên với bạn bè, các bút ký bằng thơ, các ký họa bằng tranh, các hình ảnh thân tình độc đáo trong phút giao lưu hằng nửa thế kỷ sau anh vẫn lưu giữ, bảo quản và dùng làm minh họa sinh động cho những tác phẩm lớn nhỏ của anh. Cái độc đáo là anh trân trọng tình bạn bằng chính những ký ức không thể nào quên, từ người tình của bạn, người thân, niềm vui, nỗi đau, sở thích, nơi chốn, thời điểm, hoàn cảnh vừa được bạn tin yêu chia sẻ, vừa chính anh thủy chung gìn giữ chẳng hề tùy tiện thố lộ cùng ai.

Chính vậy mà cho đến giờ này, trong lãnh vực hội họa, ngoài nhạc và thơ, bộ ba Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung có nhiều gắn bó trong quan hệ bạn bè từ ngày ở Huế, nhưng đố ai cậy miệng Đinh Cường để hỏi được quan điểm chính trị của TCS ‘thuộc phe bên này hoặc phía bên kia?’

Nhớ lại một lần triển lãm cách đây 36 năm (1988) tại TP/HCM, tôi có dịp được vào xem tranh của bộ ba này. Hai ông họa sĩ thật thì tôi đã ái mộ từ trước 75, tới thăm lần này chủ yếu vì tò mò muốn xem họ Trịnh viết nhạc cầm cọ ra sao. Trùng hợp thời xã hội mở cửa, ba ông nghệ sĩ không-cộng-sản đã triển lãm chung một phòng tranh mà chỉ thấy ở trước 75 tại Hội Việt Mỹ và trên đường Catinat cũ. Lần này cũng trên đường Đồng Khởi, tôi choáng ngợp vì không gian vừa sang vừa ấm cúng và phong cách của người xem tranh cũng như ban tổ chức vừa chuyên nghiệp vừa lịch lãm. Cái lạ đa phần là khách ngoại quốc, người lớn tuổi và các thiếu nữ ở tuổi sinh viên. Tuyệt nhiên không thấy một cái nón cối, điều này không có nghĩa là những người cộng sản không yêu tranh vì trong số họ cũng có nhiều họa sĩ bậc thầy, mà tôi đồ rằng có thể còn có sự hạn chế về lằn ranh ‘cũ,mới’. Cái lạ hơn là mỗi người chỉ trưng bày hơn chục bức nhưng được chắt lọc như những tác phẩm đầu tư công phu nhất, giá bán in trên các sticker tính bằng…mỹ kim. Tôi chọn lúc gần tàn triển lãm mới vào xem vì biết thân phận mình đến những nơi tụ điểm có chuyện gì dễ bị ‘tóm’ trước. Ngạc nhiên thích thú là nhiều tranh của Sơn có thêm chữ ‘sold’, có thể khách yêu tranh đa phần là người Nhật, Pháp, Singapore…vào làm ăn và đã biết tiếng Sơn, nhưng dưới con mắt của tôi hơi tiếc là bảng giá dù có bức năm, mười ngàn đô nhưng nhìn chung là quá thấp. Tôi không gặp được cả ba vị nhưng mừng thầm là cuộc triển lãm thành công cả hai mặt nghệ thuật và tài chánh, trong thâm tâm cũng có niềm hãnh diện ‘miền Nam một thời cũng có những tài năng như thế đấy’. Nếu tinh ý ta thấy Đình Cường và Trịnh Cung chủ yếu muốn PR cho Sơn để công chúng và những fan của anh biết đến tài năng tay trái của anh và những năm sau giá trị kinh tế của những tác phẩm bằng tranh của Sơn lại nuôi anh hào phóng hơn các ca khúc để đời của bên tay phải.

Trở lại bài thơ hay chùm thơ đăng trên Sáng Tạo nhân ngày giỗ Sơn, Đinh Cường đã khéo đưa vào những hình ảnh gợi thương gợi nhớ, hai người con gái để lại những dấu ấn khó phai trong dòng nhạc huyền thoại của Sơn, hai người đàn bà một là mẹ của Sơn anh cũng coi như mẹ mình và cô em gái út, người gìn giữ di sản nghệ thuật của TCS và hai người đàn ông những người em trai kế của Sơn anh vẫn thường xuyên liên lạc từ khi Sơn mất. Đây là chùm thơ tràn đầy cảm xúc viết dưới dạng nửa tân hình thức nửa theo qui luật đời thường, mỗi bài thơ chưa đầy bẩy khổ nhưng đầy ắp ký ức, với đủ ba thứ thiêng liêng, tình yêu, tình mẹ, tình anh em, được sáng tác ngẫu hứng nhân nhớ ra riết một người đi xa nhưng lại là nguồn an ủi ấm lòng cho người ở lại. Tôi đã đọc nhiều lần chùm thơ này, mà không muốn dấu diếm ấn tượng nhất là bài dành cho Dao Ánh. Có thể vì tôi có nhiều kỷ niệm với ca khúc Diễm xưa từ khi nó ra đời được nhiều nữ sinh yêu thích, chính vì một phần vẫn chưa ai biết dấu tích khuôn mặt của người tình có khoé mắt xanh xao.

Cùng với những bài thơ của Hoàng xuân Sơn, hình ảnh các bạn văn trong ngày giỗ Sơn, chùm thơ của Đinh Cường đem lại cho những người một thời ái mộ Sơn cảm xúc bình yên nhân 13 năm ngày anh mất. Đáng mừng là không gây không khí ồn ào như cách đây 5 năm có người khơi dậy ‘tham vọng chính trị’ (?) của một người chuyên viết tình ca mà cuối đời ca khúc mang tên ‘Tiến thoái lưỡng nan’ của người ấy như khép lại công trình nghệ thuật của một thiên tài ‘bất đắc chí’ khi anh ra đi mà vẫn để lại cho quê hương tôi một ‘nước Việt buồn’.

Đỗ Xuân Tê
Cali, tháng tư nhìn lại

 

Phụ Lục :

Ngày giỗ Sơn nhớ Má, nhớ Me vô cùng | Và có khi nào Sơn trở lại | Sáng chủ nhật mưa gió, rồi tuyết xuống

Đinh Cường

Ngày giỗ Sơn nhớ Má, nhớ Me vô cùng [1]

dinh_cuong_gia_dinh_tcs
Thân mẫu Trịnh Công Sơn – Đinh Cường – Trịnh Vĩnh Thuý ( em gái đầu TCS )
Montreal – Canada 1991

Với tôi ai yêu mẹ là anh hùng
Sơn yêu mẹ là anh hùng thôi
sáng nay 1 tháng 4 bên này
tôi dậy sớm phone về Sàigòn

trưa gặp Thuý. chiều gặp Tịnh
em gái đầu. em trai thứ hai của Sơn
Thuý rất giống mẹ. Tịnh bên Sơn
lo in bao nhiêu tập nhạc thời trước
tôi nhiều kỷ niệm với Sơn và Tịnh
những tháng năm trên Blao – Đàlạt
những đêm sương giữa phố khuya
nhiều đêm thấy ta là thác đổ

hồi đêm chừng như không ngủ
nhớ ngày giỗ bạn. không về thăm
vòng hoa thay. với bao ngày cũ
Sơn ơi Sơn ơi mười ba năm …

Sơn ơi Sơn đã về bên Má
chúng ta yêu Má yêu Me vô cùng .

Virginia, April 1, 2014

[1] Mẹ: ngoài đời Sơn gọi Má, tôi gọi Me
trong các ca khúc Sơn đều dùng Mẹ
Mẹ bỏ tôi đi
Đường xa vạn dặm
Me bỏ con đi
Đường xa mịt mùng …

( TCS – Đường xa vạn dặm – 1992 )

em_trai_tcs-ban_huu
Ngày giỗ Trịnh Công Sơn, Sàigòn 1- 4 – 2014
Trịnh Quang Hà ( em trai kế TCS ) – La Quang Thanh
– Lữ Quỳnh ( hai bạn thân ) – Trịnh Xuân Tịnh ( em trai thứ hai TCS )

Và có khi nào Sơn trở lại

gởi Dao Ánh, ngày giỗ Sơn 1- 4
Auras-tu jamais le temps de revenir ? (*)

starbucks-dinh_cuong
Starbucks, sáng thứ hai, March 31, 2014
vẽ trên bao đựng miếng bánh croissant

Và dòng sông cũng mang tên người
về mộ phần
. như câu bạn tự hỏi về
đời mình. có bao giờ còn thời gian trở lại
thư cho Dao Ánh năm mươi năm còn đó

nửa thế kỷ rồi sao. cô bé đẹp như Anne Frank
đẹp thánh thiện. đôi mắt tròn xoe ra mở cổng
trước sân nhà. có cây dạ lý hương lâu năm
từng chùm bông trắng nở. ẩn trong cành lá

một buổi sáng hôm nào rất lạ. mở cửa sổ ra
thấy cành bông ai cắm. người nhạc sĩ cảm động
từ đó ra mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
dài tay em mấy thuở mắt xanh xao …

nhưng cũng từ khi đó mặt trời lại mọc
hoa mặt trời hướng đến mặt trời kia
khi mặt trời tắt trên vùng núi lạ
là Đơn Dương. từng đêm bao lá thư về

bao lá thư đã ố vàng. một thời mộng mị
bạn có về không. ánh nến chập chùng đây …

Virginia, March, 31, 2014
Đinh Cường

(*) Trong bản nhạc J’ENTENDS SIFFLER LE TRAIN
của Hedy West và Jacques Plante.

tcs_tu_hoa-trinh_cong_son
Trịnh Công Sơn tự họa
( Coll. Đặng Tiến )

dao_anh
Dao Ánh, thời TCS viết thư từ Dran, 1964

chieu_qua_nha-tho_dran-dinh_cuong
Chiều qua nhà thờ Dran
sơn dầu trên giấy 12 x 14 in
dinhcuong

Sáng chủ nhật mưa gió, rồi tuyết xuống

gởi Mai Ninh, để nhớ :
” Tôi là ai mà còn trần gian thế…”
( TCS )

mai_ninh-dinh-cuong
Mai Ninh
phác thảo than
dinhcuong 2004

Một ngày đầy sương mù
một ngày mưa gió lớn
tôi như là khách trọ
giữa trần gian này thôi

sáng che dù đi mưa
dù bị cơn gió quặp
xếp lại dù không thôi
gió lôi dù té ngã

ngã tư. ngã tư nữa
vào kêu double espresso
sáng chủ nhật chờ lâu
hết chỗ ngồi quen cũ

ngồi mép bờ tường vôi
mưa mù ngoài cửa kính
sắp qua đầu tháng tư
mười ba năm giỗ bạn

khi sáng Mai Ninh nhắc
qua đôi dòng e- mail
tôi nhớ lại thời Hợp Âm
Trong Vùng Sân Khuất [1]

những truyện viết thật đẹp
chứa chan bao tình yêu
nghe cả tiếng huýt sáo
come back to Sorrento

nhớ những nụ hoa mận
chị vẽ giờ xong chưa
tôi luôn mê Chagall
càng thích thêm chị dịch [2]

sáng nay trời mưa suốt
ẩm ướt những cơn mưa…[3]

Virginia, March. 30. 2014

[1] Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất
Mai Ninh – Tập truyện, Nxb Thời Mới – Canada, 2000

[2] Đời tôi ( Ma vie ) của Marc Chagall
Mai Ninh dịch , Nxb Đà Nẵng – 1989

[3] Tựa một truyện trong Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất

tieng_sao-dinh_cuong
Tiếng sáo
sơn dầu trên canvas 30 x 40 in
dinhcuong

Đinh Cường

Bài Mới Nhất
Search