T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ xuân Tê : Tiến sĩ họ Cù – người tù đặc biệt

clip_image001

Cù Huy Hà Vũ vẽ chân dung Hữu Loan

Tôi vốn là người yêu thơ và thơ của Huy Cận, dù sau này ông là một công thần của chế độ cộng sản, vẫn để lại trong chúng tôi những ký ức khó quên khi chép tay thơ ông ở lứa tuổi học trò. Bài thơ Ngậm Ngùi sau này được Phạm Duy phổ nhạc được kể là một trong những ca khúc-thơ huyền thoại ưa chuộng nhất của những người yêu nhạc và thơ.

Có điều khác với những nhà thơ có tên tuổi lớn, Huy Cận không có những cuộc tình sôi nổi nhưng lại chí thú gia đình và sản sinh ra một người con mà tôi nghĩ ông rất tự hào có cái tên khá lạ, Cù Huy Hà Vũ. Được nuôi dạy bài bản, Hà Vũ không theo con đường nghệ thuật của cha, nhưng lại trở thành tiến sĩ ngành Luật tốt nghiệp tại Pháp.

Con ông cũng có khiếu về hội hoạ, tình cờ lại là người vẽ chân dung tài hoa mà hồi sinh thời ông tướng họ Võ đặc biệt ưu ái, chịu ngồi hàng giờ cho người con đồng chí cùng thời với mình ghi lại khuôn mặt và thần thái để đời, trở thành bức chân dung thân quí trong phòng khách.

Hà Vũ cũng là một khuôn mặt trí thức trẻ của Hà nội nhờ mối liên kết nhân thân của cha đã có nhiều dịp được tiếp xúc với nhiều khuôn mặt lãnh đạo của chế độ và qua hình ảnh minh họa cho những bài viết, ông không dấu niềm tự hào và trước mắt công chúng ông được kể là ‘con cưng của chế độ’ chỉ lên chứ không thể xuống so với thế hệ thanh niên trí thức cùng thời. Cũng được kể là may mắn khi tiến sĩ trẻ họ Cù (người lúc sanh ra ‘đã có muỗng vàng trên miệng’) khi kết hôn với một nữ luật sư vừa giỏi vừa hiền mà sau này chính người nữ này đã góp phần cứu giúp đời ông.

Thế nhưng cuộc đời có những bước ngoặt khó lường, cũng có thể do số phận sắp đặt nhưng cũng có khi bản thân tự chọn. Khác với tính cách của cha, một người đằm thắm luôn đồng tình với cơ chế cốt để tiến thân và yên thân, thì Hà Vũ có vẻ mạnh bạo hơn, sôi nổi hơn, đôi lúc vừa ‘ngạo mạn’ lại vừa khinh xuất khi làm những chuyện khác đời. Cũng có thể ông dựa vào kiến thức và học vị của bản thân, phần khác ỷ vào nhân thân và lý lịch gia đình, phần nào có ảnh hưởng với lối tư duy độc lập khi được đào tạo ở một nước có truyền thống nói và làm theo luật.

Tôi theo dấu bước chân ông từ đây vì hiếm có một công dân trong chế độ CS, dù có là tiến sĩ hay là gì đi nữa, lại đâm đơn đi ‘kiện’ thủ tướng đương quyền về nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến nhiều lãnh vực từ chính trị cho đến môi trường, từ nhân sinh cho đến đại cuộc, nội dung toàn những ý kiến ‘kỳ đà cản mũi’ thì bảo sao mà nhà cầm quyền không cho ông vào ‘hộp’. Lối đấu tranh bằng lý bằng luật của ông đã đưa ông từ văn phòng luật đến chốn cửa tòa và bản án tù 7 năm là hệ lụy cho một người muốn dấn thân vào mhững việc lớn. Người đau đương nhiên là người thân, người buồn và thất vọng là những người còn có lòng với tiền đồ đất nước, bất kể trong ngoài nước. Có người nói nếu cụ Võ còn uy tín chắc họ Cù không vướng vòng lao lý, chuyện này cũng khó, nhưng khi Hà Vũ bị giam thì thần tượng của ông đã đi vào đời sống thực vật (bức ký họa cuối cùng được gửi ra từ nhà tù nhân VNG trăm năm tuổi).

Án phạt họ Cù tất nhiên cũng khá ồn ào và Hà Vũ trở thành người tù đặc biệt. Chuyện đã rồi, người ta quay sang an ủi thăm viếng ông và tất nhiên không quên nhắc nhở các giới chức, thế lực quan tâm sớm trả lại tư do cho ông. Tôi không dùng cụm từ ‘lương tâm’ nhưng quả thật ông là ‘người tù đặc biệt’ từ lúc bắt giam, nghị án, kết tội cho đến trại giam, phòng giam, sinh hoạt, thăm nuôi, tuyệt thực, bệnh tình, rồi chuyện can thiệp trả tự do sớm, chuyện điều kiện được thả, chuyện đi Mỹ… luôn là những thông tin nóng hổi vừa là những lời đồn thổi vu vơ thường xuyên xuất hiện trên báo in báo mạng, phải nói tổng hợp lại tiến sĩ họ Cù được nhắc đến nhiều hơn các tù nhân đấu tranh khác cộng lại.

Cũng chuyện trong nhà tù, dù ông có vài thuận lợi khi cho thăm nuôi theo định kỳ với số lượng đồ ăn thuốc men không hạn chế, lại còn có cả giấy tranh và cọ để vẽ, dù người ta một mặt cũng sợ ông chết gây tiếng vang không tốt, mặt khác ông vẫn bị đưa đến một trại giam khá khắc nghiệt (Thanh Hóa) để dễ cách ly với những bạn bè tập thể muốn đi thăm ông. Phòng giam đã chật chội mà người ta sắp xếp (qua kinh nghiệm bản thân một người tù hơn 12 năm của tôi) chỗ nằm ngay cửa được kể là ‘cửa tử’ vì gần cầu tiêu, luôn bị khuấy động lúc về đêm do tù nhân hút thuốc lào và tiêu tiểu, rất dễ trúng gió nhất là người bị chứng cao máu như ông sớm muộn rồi cũng mất ngủ, đột tử, chết do nguyên nhân ‘tự nhiên’ theo báo cáo của trại tù. Cũng là điều dễ hiểu khi ông phải dùng chiêu tuyệt thực để tự cứu, dù có là ván bài sấp ngửa cho sinh mạng ông, nếu không cũng chết trước hạn tù.

Cho nên bệnh tình của ông là có thật, hình ảnh phù phì mấy lúc sau này là những dấu chỉ của bệnh trạng nếu không ra tù sớm để chữa trị thì đành phải lên xe trâu như nhiều bạn tù hồi xưa của chúng tôi. Cũng đáng ‘biểu dương’ người bạn đời của ông, bà Dương Hà đã chăm sóc và có lời khuyên đúng lúc khi ông tuyệt thực lần thứ hai, bà sợ ông chết đã ép và đút cho ông miếng cháo lúc thăm nuôi, tôi nhớ câu nói của ông khi nể tình vợ ông đã húp vài muỗng kèm theo câu ‘thế là em giết anh!’. Cù Huy Hà Vũ cũng có lúc rất đáng nể nếu xét theo tư thế một con người và tôi phục ông điều này.

Nay thì ông đã qua cơn nguy khốn, nhưng lại đối mặt với những dư luận cả trong lẫn ngoài, đặc biệt đối với những người muốn ông phải là ‘anh hùng’ từ đầu đến chân. Cứ để thời gian làm nhân chứng, tôi nghĩ người cựu tù nhân đặc biệt này không dễ để bị mờ nhạt, cũng một phần vì tính cách của ông vốn năng động lại hay làm chuyện khác người, vừa là một luật gia, có ngoại ngữ, ông có chỗ đứng, ông có tổ chức nghề nghiệp và đồng sự hậu thuẫn, chữa bệnh xong ông sẽ hoạt động lại, tất nhiên lần này phải khôn ngoan hơn, hiệu quả hơn.

Cũng cần nói thêm, việc trả tự do cho CHHV và ông lại được đi Mỹ cùng vợ qua ngả Nội Bài đã gây nhiều lời bàn xôn xao cả trong lẫn ngoài nước. Nhưng nhìn chung thủ tục này cũng không hẳn là một biệt lệ, có khác lệ thường là ở chỗ Tòa đạì sứ Mỹ ở Hà nội đã ra thông cáo riêng hoan nghênh việc thả nhà bất đồng chính kiến họ Cù và coi đây là một bước tiến tích cực của nhà cầm quyền Hà nội. Đặc biệt hơn hiếm thấy một nhân vật có thế lực ở quốc hội Mỹ, đương kim chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ viện và cũng là dân biểu đơn vị tôi đang ở đã lên tiếng chào mừng CHHV tới Mỹ và coi đây là một tín hiệu đáng mừng cho phong trào cải thiện nhân quyền và vận động sớm trả tự do cho những người đấu tranh còn đang bị giam giữ.

Tôi chúc CHHV sớm phục hồi sức khỏe và bình an trên đất mới. Còn chuyện đi hay ở thì ông đã chọn…đi, chuyện về hay ở lại thì hạ hồi phân giải. Nhưng cũng xin nhắc TS họ Cù, bên cạnh cộng đồng bên ngoài đã hỗ trợ ông, ông vẫn còn nhiều mối nợ với những người yêu thương ông từ trong nước, những nhân sĩ trí thức, những nhà văn nhà báo, bloggers, những thanh niên học sinh, những người dân Hà nội, những phong trào này tổ chức nọ…chính nhờ họ mà ông trở thành ‘người tù đặc biệt’ được nhiều giới quan tâm. Trước mắt tôi cũng thông cảm với một đàn anh của ông qua mấy vần thơ đăng trên báo mạng, gợi hứng cho tôi vài cảm nghĩ ghi nhanh viết vội cho tạp bút này,

Thôi chú hãy yên tâm mà chữa bệnh

Khỏi thì về mà ở lại cũng chẳng sao

Kìa bóng chú đang bước đi lệnh khệnh

Sớm về nhà rồi cũng lại vào lao.

Đỗ Xuân Tê

Cali, một ngày Tháng tư

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search