T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Uyên Nguyên: “Chống Trung Quốc,” nói cho ngay và nói cho luôn…

clip_image001

nghĩ quanh chuyện ”chống Trung Quốc”
qua khía cạnh Ngôn Ngữ và Quyền Lực

(Nguồn: http://nguoivietblog.com)

Khi những tiêu chí ngôn ngữ bị thao túng bởi những quyền lực duy ý chí thì hậu quả sẽ là những biến dị méo mó và nhiễu loạn. – trích Nguyễn Hoàng Văn, Ngôn Ngữ và Quyền Lực

Chưa nổ súng thật, chúng ta đã “nổ” vào nhau trên các diễn đàn truyền thông xã hội. Nổ như thế xét ra chả tốn kém gì, ngoài thời gian ngồi gõ bàn phím và, nhất là, chẳng làm ai thiệt mạng. Nhưng có thật là không có người đau!?

Ðiều mà tôi rút ra được trong mấy ngày qua, dân giả khó biết đường nào mà chạy. Muốn chạy nạn, trước tiên phải chạy thoát qua những luồng thông tin nhiễu nhương, là cái nạn khốn nạn hiện nay trong một thể chế độc tài, biến truyền thông như một cái máy nói cho suông những chuyện đã rồi, hơn là làm nhiệm vụ dự báo.

Lâu nay, tiền bạc của dân đã phải chi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm nuôi hơn 700 cơ quan báo chí để chỉ nói một giọng như nhau, giọng của cơ quan tuyên huấn. – Facebook Huy Ðức Osin

Theo dõi bình và luận của nhiều người, tôi thấy hầu như ai cũng có lý, nhưng trên nền tảng thật phi lý từ đầu. Phi lý vì giàn khoan khổng lồ như thế lại nghiễm nhiên nằm trên sân nhà mình mà trước đó tuyệt nhiên không ai biết. Có thật là không ai biết?

Phi lý vì biểu tình ôn hòa yêu nước bỗng trở thành bạo động do một nhóm người đâu đâu kéo vào, nghiễm nhiên trở thành kẻ chỉ huy, xách động một cách thành công.

Dân chúng hoàn toàn bị động và luôn luôn bị động.

Giờ này, mọi người đang tham gia thảo luận, thậm chí tranh cãi với nhau những điều vô cùng bức thiết, nhưng có vẻ chỉ sau khi mọi chuyện đã rồi. Vận mệnh quốc gia như truyện cổ tích Một Ngàn Lẻ Một Ðêm, thay vì phải chết sau cái đêm đầu tiên, nàng Scheherazade tài tình kéo dài thời gian ra để làm vừa lòng bạo chúa, mua lại mạng sống của mình. Cho đến hồi kết thúc, bạo chúa càng quyết tâm ở lại bên nàng.

Qua hai sự việc đã rồi. Một, giàn khoan Trung Quốc bất thần cắm ụ trên lãnh hải Việt Nam. Hai, biểu tình ôn hòa thình lình trở thành bạo động do một nhóm người ở đâu kéo vào làm chủ tình hình. Tôi rút ra một điều nữa, lâu nay nhà cầm quyền, xuyên qua các ban ngành tuyên huấn, tuyên giáo, trong đó một phần phải nhắc tới vai trò trách nhiệm báo chí, khi vận động mọi tầng lớp quần chúng xã hội tích cực chống lại âm mưu bành trướng vốn là Trung Cộng, nhưng hay nói suông và nói một cách chung chung: “Chống Trung Quốc.”

Cái này hẳn phải có nguyên cớ, trong một đất nước cộng sản, người ta ngại nói đến chữ “chống cộng” Và vì vậy, phải chăng những cuộc bạo loạn xảy ra, kẻ ủ mưu bày ra một bát trận đồ để hai khối dân tộc, chính là Việt Nam và Trung Hoa đối đầu nhau, khi đó hai đảng cầm quyền Cộng sản vẫn nghiễm nhiên tiếp tục ngồi trên địa vị lãnh đạo toàn dân xông pha.

“Ðộc như thịt vịt!”

Ngôn Ngữ vốn cũng là Quyền Lực.

Một lần ở tòa soạn, tôi hỏi đồng nghiệp, báo chí trong một nước cộng sản đã đành, ở ngoài này tại sao dùng cụm từ “Chống Trung Quốc,” mà không minh định là “chống Trung Cộng.” Anh trả lời qua loa, và tôi cũng không nói gì thêm. Chuyện chữ nghĩa, mông mênh vì, lắm khi mông lung!

Trong giới cầm bút, tôi kính trọng một bậc thầy trong làng báo, đó là nhà bình luận Ngô Nhân Dụng, ông suy nghĩ và viết, luôn thận trọng với chữ nghĩa. Trong nhiều trường hợp điển hình nhất, nhắc đến vấn đề thời sự là âm mưu bành trướng của Bắc triều, ông luôn nói rất rõ về đối tượng, đó là “Cộng Sản Trung Quốc,” hay là “Trung Cộng,” không nói kiểu chung chung “Trung Quốc.” Nếu có, cũng trong một ngữ cảnh hết sức mạch lạc, rõ ràng. Như cách mà người Việt hải ngoại chống Cộng Sản Việt Nam, đời nào hô hào: “Chống Việt Nam.”

Bấy giờ, “Chống Trung Quốc,” nói cho chính xác và cho luôn, là chống Cộng Sản.

17 tháng Năm, 2014
UYÊN NGUYÊN

Bài Mới Nhất
Search