T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Văn chương Võ Phiến với Góc nhìn nghịch tử

clip_image002

Sáu mươi năm sau người ta lại nhắc đến cái hồn ma của chính sách Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc, một vết nhơ không rửa nổi của nhà cầm quyền cộng sản trở thành vết hằn trong tâm trí tuổi thơ của chúng tôi. Cái đáng nhớ là cái vô văn hóa, phản đạo đức, nghịch tuyền thống qua cảnh con tố cha vợ tố chồng, mà tác giả của chính sách này lại là một đồng hương quê tôi, có tên Trường Chinh, người đất Hành Thiện nổi tiếng vì sản sinh nhiều khoa bảng kiệt xuất qua nhiều thời kỳ từ tây sang ta, mà chính ông cũng là một lý luận gia xuất sắc.

Tôi nhớ có mấy câu đồng dao được phổ biến chui khắp vùng châu thổ mạn hạ lưu sông Hồng,

Hành Thiện có bác Trường Chinh

Dạy con dạy cháu đồng tình tố cha

Về sau hai chữ tố cha như vận vào người ông trở thành ‘đồng chí TCha’ (như những người cựu tù cải tạo hay gọi) và để tránh cho cái tên quê ông khỏi bị người đời căm ghét Đảng ủy Nam Hà phải đổi lại thành xã Xuân Hồng như tên gọi ngày nay.

Có điều lạ là qua mấy người quê tôi kể lại, ông dạy người ta tố cha tố mẹ, nhưng những người con trai của ông sau này lại không trở thành nghịch tử, mà rất có hiếu với cha. Chính tôi cũng có lần đọc một bài báo khi gợi lại ký ức với cha mình, người con trưởng cũng là một trí thức cộng sản đã hết lời khen ngợi tình của ông đối với gia đình và các con.

Nhắc lại mấy giai thoại này để mào đầu cho một câu chuyện mới đây về một trường hợp cũng hao hao cảnh tố cha nhưng lại xảy ra trong văn học, lạ là chẳng phải xảy ra ở miền Bắc hay ở một cá nhân được nuôi dậy dưới chế độ XHCN. Mà trớ trêu lại là một ông trí thức hải ngoại có ông bố một thời là viên chức chế độ cũ nuôi cho ăn học, gửi đi du học, ở lại nước ngoài sau quay lại…tố cha vì cho cha mình đã có sai lầm trong vấn đề lập trường quan điểm khi chủ trương chống Cộng và dùng văn chương để chuyển tải tư tưởng này, khiến ông con phải ‘bất đắc dĩ’ lên tiếng cảnh báo và cảnh giác dư luận trong nước đừng bị nhiễm độc khi đọc những tác phẩm gốc của cha ông, một cây bút hàng đầu của miền Nam bút danh Võ Phiến.

Ông đã viết và cho đăng tải ‘Trường hợp Võ Phiến’ trên trang web của ông và tệ hơn còn cho phát tán trên dìễn đàn văn học của nhà nước, cụ thể tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc làm này gây nhiều ngạc nhiên, bức bối vừa trong nước lẫn hải ngoại, vì ngoài chuyện tố cha, Thu Tứ tức nghịch tử của nhà văn Võ Phiến lại ‘lôi’ cả cái tổ chức văn đoàn Độc lập, một tập hợp của những người chủ trương ‘vì một nền văn học đích thực’ tuy không chỉ đích danh nhưng lại ám chỉ theo kiểu ‘văn hóa chỉ điểm’ áp đặt cho nhóm người này có dụng ý muốn phát tán các tác phẩm của Võ Phiến như một lối quảng bá cho quan điểm chống Cộng thể hiện trong văn chương của cha mình.

Tôi đã được đoc một ít bài vừa có tính phản biện vừa tỏ sự bất bình của mấy cây viết uy tín trên diễn đàn văn học hải ngoại, cụ thể như Lê Tất Điều, Phùng Nguyễn, Bắc Phong, T. Vấn…, những người ít nhiều vừa thân, vừa hiểu, vừa đánh giá cao công trình nghệ thuật của Võ Phiến từ nhiều thập niên trước và sau 75.

Riêng tôi trong tư cách một độc giả luôn đọc văn Võ Phiến và coi ông như cây viết bậc thầy về Tùy bút, môt thể lọại tôi đọc và học hỏi từ ông. Nay xin có vài cảm nghĩ nhân có ‘trường hợp nghịch tử’ một hiện tượng hiếm thấy trong sinh hoạt văn học, hay muốn nói là chưa có tiền lệ nào tương tự trong sinh hoạt văn nghệ của cả hai miền từ bắc vào nam.

Thú thật bút danh Thu Tứ hoàn toàn lạ lẫm với tôi và từ nay nếu tên ông có được nhiều người biết đến thì chính nhờ cái bài ‘Trường hợp Võ Phiến’ viết về cha ông mà do tò mò tôi đã tìm đọc ngay trên Góc nhìn, tên gọi website của cá nhân ông.

Phần bình phẩm nội dung THVP xin dành cho các nhà phê bình và độc giả quan tâm trong ngoài nước, chuyện này chắc còn gây nhiều tranh cãi và phản hồi thích ứng. Ở đây khi bàn về ‘Góc nhìn nghịch t ta thấy người con của Võ Phiến đã có một việc làm hết sức tùy tiện là tự cắt xén những gì mà người cha đã viết từ bản gốc, nhưng không hợp với quan điểm và góc nhìn của người con cụ thể về khía cạnh chính trị khi Thu Tứ cho cha ông là người có tư tưởng chống Cộng. Ít nhất có hai tác phẩm Thu Tứ lấy tư cách là người biên tập (?) đã tự ý ‘chặt đẹp’ những ý tưởng của cha mà không có sự đồng ý của tác giả, dù tác giả vẫn còn tại thế. Hành động này trong văn học được kể là một loại đao phủ chữ nghĩa không thể chấp nhận trong môi trường sáng tác và thói quen biên tập ở những nơi chối bỏ chế độ toàn trị.

Cũng may là nhờ bài viết của Thu Tứ, những người có trách nhiệm bảo toàn và lưu giữ các tác phẩm gốc của Võ Phiến sẽ không để hiện tượng này tái diễn và càng không để ông con nghịch tử dùng Góc nhìn méo mó và dùng cái chiêu bài ‘sợ văn chương Võ Phiến sẽ làm mất đoàn kết và có hại cho nước (!)’ để rồi lấy quyền thừa kế máu huyết tự tung tự tác phát hành phổ biến các sản phẩm thui chột, què quặt xa rời bản gốc cho những độc giả yêu văn học và các tác giả của miền Nam trước 75 (trong đó Võ Phiến nằm trong những cây viết hàng đầu), nhưng không đủ phương tiện tiếp cận trên các mạng truyền thông đại chúng.

Cũng cần ghi nhận qua văn phong và từ vựng xử dụng trong bài viết, độc giả sẽ nhận ra ông con không thừa kế được cái sắc sảo tinh tế trong văn chương của cha, nên khả năng biên tập nặng về cắt, dán sẽ trở thành những quái thai văn học làm ô nhiễm sự nghiệp của Võ Phiến.

Còn về lập trường chống Cộng thì nhờ Thu Tứ tôi mới biết cha ông có định kiến này. Tất nhiên điều này là Thu Tứ nói chứ không phải cha ông phát biểu hoặc để lại bút tích. Sự thực từ lâu chúng tôi yêu văn chương Võ Phiến đơn thuần chỉ vì ông là cây viết có tài, dù có thời ông làm ở bộ Thông tin, với ngạch công chức hàng Chánh sở, nhưng không ai nhờ ông đảm trách việc chống Cộng, ông viết là viết cho ông, cho độc giả yêu ông, cũng có thể thêm phần thu nhập từ nhuận bút (góp tiền cho con du học), nhưng dứt khoát khía cạnh văn chương vẫn là chủ thể xuyên suốt trong sáng tác và đam mê của nhà văn.

Có một thực tế là chẳng phải chỉ có nhà văn nhà thơ mà những ai sống ở miền Nam ngày ấy trừ những người ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản còn nói chung thì ít nhiều cũng có tinh thần chống Cộng, một nhu cầu và cũng là một thói quen, tùy mức độ, nhưng bảo Võ Phiến dùng văn chương để làm chuyện này thì hoàn toàn thiếu cơ sở, mà giả dụ nếu có thì sự nghiệp văn chương của ông chỉ hạn chế mang tính cách giai đoạn, chứ không thể vượt xa và tồn tại như một cây bút đáng nể trong văn đàn miền Nam hậu bán thế kỷ 20. Rất tiếc cho trường hợp Thu Tứ là những độc giả như chúng tôi còn hiểu được cha ông về điểm này thì con ông – một người tự hào “hiểu cha mình hơn bất cứ ai”- lại săm soi đi tố khổ cha về một giả định mà chính người trong cuộc chưa một lần biểu lộ công khai.

Cũng bàn về ‘Góc nhìn nghịch tử’, có một giai thoại ông con nhớ lại là qua vài lần tâm sự riêng tư, lần đầu khoảng cuối thập niên 1990 (thời điểm mười năm chủ nghĩa cộng sản đi vào bóng tối), lần sau khoảng 2004, 2005 gì đó (thời điểm mười năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ) Thu Tứ có nghe cha trầm trồ,

(1) Ông trầm trồ về những người cộng sản đã đánh bại hai giặc thật lớn.

(2) Cũng trong lúc trò chuyện lan man, ông bỗng thốt lên rằng may quá vào đúng lúc cần thì dân tộc có một người lãnh đạo hết sức giỏi là Hồ Chí Minh.

Không hiểu độc giả nghĩ thế nào, (bỏ qua một bên cái ngôn ngữ không phải của VP, một người rất cẩn trọng trong ăn nói trong lối viết), riêng tôi thì tỏ lòng ngờ vực những trầm trồ ca ngợi được ‘thốt’ lên khó phát ra từ miệng một người cả đời ăn cơm quốc gia, rồi vượt ra hải ngoại thoát thân sau ngày mất nước, chưa kể Võ Phiến là một nhà văn với lập trường rõ rệt như đa số dân miền Nam là không ưa cộng sản phải tìm đường di tản rồi vào làm công bộc cho một Sở xã hội của một quận hạt thuộc lãnh thổ của một trong hai ‘giặc thật lớn’ vùng Bắc Mỹ.

Còn nhiều điều phải bàn về Góc nhìn của Thu Tứ, nhưng sẽ đi vào độc thoại khi người trong cuộc của trường hợp Võ Phiến không có cơ hội lên tiếng, nên bài viết xin khép lại và đường ta ta cứ đi bằng cách phát tán trung thực những tác phẩm gốc của Võ Phiến, để độc giả bốn phương thưởng thức trọn vẹn một dòng văn học nhân bản và nếu chống là chống cái Ác.

Đỗ Xuân Tê

Tháng 10/2014

Chú Thích Thêm:

1.Ngày 7 tháng 10 năm 2014, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN, đã cho đăng tài bài ” Trường hợp Võ phiến ” của Thu Tứ với lời giới thiệu như sau :

“Võ Phiến hoặc Tràng Thiên là bút danh của Ðoàn Thế Nhơn (1925) – nhà văn ở miền nam trước năm 1975, hiện định cư ở Mỹ. Văn nghiệp của Võ Phiến khá phức tạp mà nổi lên là xu hướng “chống cộng” cho nên được chính quyền Sài Gòn trước đây và một số người ca ngợi (!). Vừa qua, vì “được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm”, nên từ Mỹ, tác giả Thu Tứ (bút danh của Ðoàn Thế Phúc – một người con của Võ Phiến) đã viết bài Trường hợp Võ Phiến nhằm phản bác kế hoạch nêu trên.

Dù viết về quan điểm chính trị – xã hội trong tác phẩm của cha mình, nhưng tác giả Thu Tứ đã có cách tiếp cận khách quan, để đưa ra một số lý giải, kết luận. Ðược sự đồng ý của tác giả, trong hai số báo ra ngày 7-10 và 10-10, Báo Nhân Dân trích đăng bài viết để bạn đọc tham khảo, qua đó nhận diện một người viết văn với nội dung chính trị sai lầm trong văn nghiệp của mình, đã đi ngược lại sự nghiệp chân chính của dân tộc như thế nào (Có thể đọc các tác phẩm của tác giả Thu Tứ tại website cá nhân gocnhin.net)…” ( Nhân Dân – Trường hợp Võ Phiến )

2. Trên mục ý kiến của trang mạng damau.org, nhà văn Nam Dao, đã cho biết tin :

về việc thừa kế gia tài văn chương của Võ Phiến. Việc này đã được chị Võ Phiến giải quyết cách đây một tuần, là đến văn phòng luật sư yêu cầu hủy hồ sơ trao quyền quản lý văn sản của anh Võ Phiến cho Thu Tứ đã làm trước đây. Người con lớn của anh chị Võ Phiến (một bác sĩ tại Mỹ) được trao vai trò này, thay Thu Tứ.

Như vậy từ nay Thu Tứ không còn quyền hành gì về tác phẩm của Võ Phiến nữa.”

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search