T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(37)- You Don’t Have to Say You Love Me (Không Cần Nói Anh Yêu) – Nhạc Ý lời Anh

clip_image002

Trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” (British Invasion) vào nền nhạc phổ thông Hoa Kỳ, tên tuổi lớn nhất sau ban The Beatles phải là Dusty Springfield, nữ ca sĩ gốc Anh nổi tiếng nhất, nhiều huyền thoại nhất, nhiều xì-căng-đan nhất, và được ái mộ nhất trong thập niên 1960 – vốn được đánh giá là thập niên “lớn nhất” (greatest) trong nền ca nhạc hiện đại, thường được gọi là “the Swinging Sixties”.

Dusty Springfield không chỉ độc đáo với mái tóc vàng chải phồng (bouffant), hai mắt đánh mascara thật đậm, luôn luôn mặc áo dạ hội, mà còn nổi bật với giọng hát, cách hát truyền cảm thiết tha, được xem là một trong những ca sĩ da trắng đầu tiên hát nhạc “soul” (blue-eyed soul singer) và đạt thành công rực rỡ.

Và một khi nhắc tới tên tuổi của Dusty Springfield, người ta sẽ nhớ ngay tới ca khúc “cầu chứng” của bông hồng Anh quốc này: You Don’t Have to Say You Love Me, nguyên là một ca khúc của Ý được đặt lời hát bằng tiếng Anh; về sau được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Không Cần Nói Anh Yêu.

Trước khi viết về bài hát, xin có đôi dòng về người hát.

Dusty Springfield tên thật là Mary Isobel Catherine Bernadette O’Brien, ra chào đời tại thủ đô Anh quốc năm 1939 trong một gia đình trung lưu có truyền thống yêu ca nhạc. Mary tự học hát từ nhỏ bằng cách bắt chước hai nữ ca sĩ Mỹ chuyên hát nhạc jazz và nhạc pop nổi tiếng đương thời là Jo Stafford (1917-2008) và Peggy Lee (1920-2002).

Năm 19 tuổi (1958), cô gia nhập ban tam ca nữ The Lana Sisters, rồi hai năm sau (1960) rời ban này và thành lập tam ca The Springfields chuyên hát dân ca và nhạc pop, gồm cô, người anh trai Tom và một giọng nam khác, được biết tới qua các nghệ danh Dusty Springfield, Tom Springfield, và Tim Springfield.

[Tên “Springfield” là sáng kiến của ba người trong một buổi trình diễn tại một đồng cỏ trong công viên quốc gia ở Somerset vào mùa xuân. Còn “Dusty” là hỗn danh của Mary thời còn đi học, vì cô thường đá banh với bọn con trai ngoài đường phố]

clip_image003

The Springfields : Tom, Dusty và Tim

Năm 1962, The Springfields tới Nashville, Tennessee, thủ đô dân ca Hoa Kỳ để thu album Folk Songs from the Hills . Các ca khúc thịnh hành Dusty Springfield nghe được trong thời gian ở Hoa Kỳ đã giúp cô chuyển đổi cách hát từ dân ca & country sang pop và rythm and blues (R&B), tiếp theo là soul.

Tháng 11 năm 1963, cùng với việc The Springfields được bầu là “Ban hợp ca nhạc pop hay nhất Anh quốc” (Top British Vocal Group), Dusty Springfield bắt đầu sự nghiệp hát solo, thu đĩa ca khúc I Only Want to Be with You, và từ đó cái tên “The Springfields” chỉ còn trong quá khứ (riêng Tom Springfield sau này trở thành nhà viết ca khúc và sản xuất đĩa nhạc nổi tiếng).

I Only Want to Be with You, một sáng tác của hai nhà viết ca khúc Anh Mike Hawker (1936-2014) Ivor Raymonde (1926–1990), do Dusty Springfield thu đĩa, đã lên tới No.4 trên bảng xếp hạng tại Anh quốc, hạng 6 ở Úc, hạng 21 ở Gia-nã-đại. Riêng tại Hoa Kỳ, I Only Want to Be with You lên tới hạng 12 trong danh sách Billboard 100 Hot, được ghi nhận là ca khúc thứ ba trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” lọt vào bảng xếp hạng này. Hai ca khúc trước đó là của ban The Beatles: She Loves You (hạng 69) và I Want to Hold Your Hand (hạng 3).

I Only Want to Be with You được xem là ca khúc pop/rock thịnh hành bậc nhất trong thập niên 1960, được nhiều ca sĩ hát lại và đều lọt vào các bảng xếp hạng.

Video:

“I Only Want to Be with You” Dusty Springfield

Năm 1966, Dusty Springfield thu đĩa bản You Don’t Have to Say You Love Me, đứng No.1 ở Anh và No.4 tại Hoa Kỳ, và tới cuối năm được xếp hạng 35 trong danh sách Billboard 100 Hot của cả năm 1966.

Yếu tố chính trong sức thu hút của Dusty Springfield là nghệ thuật trình bày.

Chịu ảnh hưởng của nền nhạc pop Hoa Kỳ, Dusty Springfield đã sáng tạo một lối hát độc đáo mà các nhà phê bình gọi là “blue-eyed soul” sound. Nhà phê bình Jason Ankeny của trang mạng âm nhạc uy tín Allmusic của Mỹ đã xưng tụng Dusty Springfield là “ca sĩ da trắng hát nhạc soul hay nhất đương thời, một nghệ sĩ trình diễn mang lại những rung động khác thường, trải dài suốt mấy thập niên…, giọng hát trữ tình như xoáy vào tim người nghe, từ những ca khúc phổ thông với dàn nhạc đệm quy mô, cho tới những bản R&B ray rứt, những bản disco sôi động…, tất cả đều được diễn tả với sự tinh xảo và chiều sâu không một ai có thể sánh.”

“Soul music” là một thể loại (music genre) trong nền nhạc phổ thông (popular music) của Hoa Kỳ mà chúng tôi đã đề cập tới trong một bài trước đây. “Soul music” là sự phối hợp giữa nhạc nhà thờ của người Mỹ gốc Phi châu (African-American gospel music), rhythm and blues (R&B) và đôi khi cả jazz; khởi đầu từ thập niên 1950 và trở nên thịnh hành trong thập niên 1960 cùng với phong trào tranh đấu cho nhân quyền của người da đen.

Vì thế, có thể nói, soul là độc quyền của các ca sĩ Mỹ gốc Phi châu, trong đó có “nữ hoàng nhạc soul” Aretha Franklin, thần tượng của Dusty Springfield khi cô chuyển sang hát nhạc soul.

Video:

Aretha Franklin – I say a little prayer (Official song) – YouTube

Mặc dù tôn Aretha Franklin làm thần tượng, Dusty Springfield không hề bắt chước cách hát của Aretha. Tính cách độc đáo nơi nghệ thuật trình bày của Dusty Springfield đã được nhà viết ca khúc lừng danh Burt Bacharach mô tả: “Chỉ cần nghe ba nốt đầu, bạn đã nhận ra đó chính là Dusty!”

[Burt Bacharach là tác giả của nhiều ca khúc bất hủ, trong đó có bản I say a little prayer do Aretha Franklin trình bày và The Look of Love do Dusty Springfield hát trong cuốn phim 007 James Bond “Casino Royale” năm 1967]

Chính vì soul được xem là độc quyền của các ca sĩ Mỹ gốc Phi châu, ngày ấy không ít thính giả các đài phát thanh ở Hoa Kỳ đã lầm tưởng Dusty Springfield là một ca sĩ da đen.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu ca khúc bất hủ Ne Me Quitte Pas/If You Go Away qua sự trình bày của Dusty Springfield, được giới thưởng ngoạn đánh giá là một trong những ca sĩ hát bản này đạt nhất.

Dusty Springfield (1939-1999)

Phụ lục (1): If You Go Away – Dusty Springfield

Video:

Dusty Springfield – If You go Way – YouTube

Điều đáng nói là trong khi góp công đầu vào cuộc “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” vào nền nhạc phổ thông Hoa Kỳ, Dusty Springfield lại là nghệ sĩ đầu tiên trình diễn và quảng bá thể loại “soul” của Hoa Kỳ tới người yêu nhạc ở Anh quốc nói riêng, Âu châu nói chung, và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Vì thế, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Dusty Springfield đã được nhiều tạp chí ca nhạc bình bầu là nữ ca sĩ hát hay nhất, được ái mộ nhất thế giới trong ba năm 1965, 1966, 1967.

Trong năm 1967, tên tuổi của Dusty Springfield đã gắn liền với ca khúc The Look of Love do Burt Bacharach viết riêng cho cuốn phim 007 James Bond “Casino Royale”; ca khúc này được xướng danh giải Oscar ca khúc viết cho phim năm 1968, và cho tới nay vẫn nằm trong danh sách 500 ca khúc bất hủ của nhân loại (tạp chí ca nhạc Rolling Stone).

Video:

Dusty Springfield – The Look of Love – YouTube

Sau đó, để thu phục thính giả ở Hoa Kỳ, Dusty Springfield đã sang tận Memphis, Tennessee, quê hương của nhạc soul, thu album Dusty in Memphis, phát hành năm 1969, mà cho tới nay vẫn được các tạp chí ca nhạc Rolling Stone, New Musical Express, các đài truyền hình ca nhạc VH1 (Hoa Kỳ), Channel 4 (BBC), Grammy Hall of Fame (Danh dự sảnh âm nhạc Hoa Kỳ) ghi nhận là một trong những album hay nhất xưa nay.

Chỉ có điều đáng tiếc, thật đáng tiếc là Dusty Springfield – người được bình bầu là một trong 25 nữ ca sĩ hay nhất của mọi thời đại – lại có một cuộc sống cá nhân không mấy “ổn định” và “lành mạnh”, dẫn đưa tới một sự xuống dốc về sự nghiệp cũng như tinh thần trong hai thập niên cuối đời.

Được biết, từ đầu thập niên 1970, tức là thời gian đang ở trên đỉnh danh vọng, Dusty Springfield đã nghiện rượu và ma túy. Người ái mộ ở Anh thì quy trách cho “lối sống nghệ sĩ” ở Mỹ đã làm hư “bông hồng Anh quốc”, nhưng cũng có nhiều người tin rằng những bế tắc và buông thả trong cuộc sống tình cảm cá nhân đã khiến Dusty Springfield tìm quên, và tìm vui trong men ruợu và ma túy.

Dusty Springfield chưa bao giờ công khai nhìn nhận mình là một cô gái lesbian, nhưng mọi người đều biết một điều chắc chắn: từ ngày nổi tiếng, Dusty Springfield chỉ cặp với đàn bà con gái.

Từ năm 1972 tới 1978, Dusty Springfield chung sống rồi chia tay, chia tay rồi lại chung sống mấy lần với nữ nhiếp ảnh gia Mỹ Faye Harris. Năm 1981, Dusty Springfield trải qua một mối tình ngắn với nữ ca nhạc sĩ kiêm diễn viên Carole Pope của Gia-nã-đại.

Năm 1982, Dusty Springfield gặp gỡ nữ diễn viên Mỹ Teda Bracci trong một buổi họp mặt của AA (tức Alcoholics Anonymous, nơi những người đã bỏ được rượu tự nguyện giúp đỡ những người muốn cai rượu). Tháng 4/1983, hai người bắt đầu chung sống, và tới cuối năm đó, tổ chức kết hôn.

Vẫn biết hầu như cuộc tình đồng phái nào của Dusty Springfield cũng đầy “thương tích” (nghĩa đen), do bạo hành và tự tử hụt (cắt mạch máu), nhưng trầm trọng nhất phải là cuộc “hôn nhân” với Teda Bracci. Chỉ mấy tháng sau “ngày cưới”, đã xảy ra một “trận chiến đẫm máu” (cũng nghĩa đen) với kết quả cả hai cùng được đưa vào bệnh viện; riêng Dusty bị thương nặng hơn do bị Teda lấy một cái nồi đập trúng miệng, gẫy mất mấy cái răng và phải giải phẫu chỉnh hình! Hai người chia tay vào năm 1984.

Đầu năm 1994, trong thời gian thu album cuối cùng của mình, A Very Fine Love, ở Nashville, Tennessee, Dusty Springfield bị phát hiện ung thư vú và phải về Anh quốc điều trị. Sau mấy tháng xạ trị, ung thư tạm thời bị chế ngự, và qua năm 1995, sức khỏe ra vẻ hồi phục, Dusty Springfield lên đường quảng bá album mới của mình. Tuy nhiên, giữa năm 1996, ung thư tái phát, và mặc dù các bác sĩ đã tận lực chữa trị, hơn 2 năm sau, Dusty Springfield qua đời tại thị trấn Henley-on-Thames, tỉnh Oxfordshire ở đông nam Anh quốc vào ngày 2 tháng 3 năm 1999, ngày mà lẽ ra người nữ danh ca sẽ vào Điện Buckingham để Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị trao gắn huân chương cao quý OBE (Order of the British Empire) của Hoàng gia Anh.

[Trước đó, vào tháng 1 năm 1999, do bệnh tình nguy kịch của Dusty Springfield, Nữ hoàng Anh đã đặc cách trao huân chương nói trên cho cô bạn thân Vicki Wickham của Dusty, đem tới bệnh viện gắn trước mặt một số bạn bè và người thân]

Cũng theo lịch trình, Dusty Springfield sẽ được ghi tên vào Danh dự sảnh Rock and Roll của Hoa Kỳ (Rock and Roll Hall of Fame) ở Cleveland, Ohio, vào giữa tháng 3/1999. Sau khi Dusty Springfield qua đời, nam ca sĩ Anh Elton John đã thay mặt người quá cố sang Hoa Kỳ nhận vinh dự này.

Tang lễ của Dusty Springfield được tổ chức với hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng tham dự tại thánh đường St. Mary the Virgin ở Henley-on-Thames, nơi người nữ danh ca đã sống những năm cuối đời. Theo di chúc, một phần tro cốt của Dusty Springfield được chôn tại Henley-on-Thames, phần còn lại được người anh trai Tom Springfield đem về rải trên mỏm đá Cliffs of Moher nổi tiếng ở Ái-nhĩ-lan, quê ngoại của Mary O’Brien (tên thật của Dusty Springfield).

clip_image005

Cliffs of Moher

Sau khi Dusty Springfield mất, hàng chục cuốn phim và vở ca nhạc kịch dựa trên cuộc đời và sự nghiệp của Dusty đã được thực hiện, đầu tiên là vở Dusty – The Original Pop Diva của Úc, trình diễn ra mắt tại Melbourne năm 2006; gần đây nhất là vở Forever Dusty của Mỹ, ra mắt tại New York City năm 2012.

Nới tới Dusty Springfield, hầu hết các nhà viết tiểu sử cũng như các ký giả đều đồng ý về một câu hỏi: phải chăng nơi “bông hồng Anh quốc” này có hai con người hoàn toàn tương phản: một Mary O’Brien e lệ, trầm lặng và một Dusty Springfield với những gì tự khoác lên trước mặt người đời?!

* * *

Sau khi viết về người hát, xin viết về bài hát: You Don’t Have to Say You Love Me, ca khúc “cầu chứng” của Dusty Springfield.

Nguyên vào tuần lễ cuối tháng 1/1965, Dusty Springfield đi tham dự hội thi ca khúc Ý ở San Remo (San Remo Italian Song Festival) với ca khúc Tu che ne sai? (tiếng Anh có nghĩa là What Do you Know?) nhưng chỉ vào được tới bán kết.

Tại nhạc hội này, Dusty Springfield được nghe nam ca sĩ Ý Pino Donaggio trình bày bản Io Che Non Vivo Senza Te (I, who can’t live without you) trong phần chung kết, một ca khúc tuy chỉ được xếp hạng 7 tại San Remo, sau đó đã lên No.1 trên bảng xếp hạng toàn quốc Ý. Riêng Dusty Springfield, ngay lúc nghe Pino Donaggio hát bản Io Che Non Vivo Senza Te tại San Remo, mặc dù không hiểu ý nghĩa lời hát, cô đã khóc.

clip_image006

Video:

Pino Donaggio – Io Che Non Vivo Senza Te

Trở về Anh, vì bận rộn, phải đợi một năm sau, khi hãng đĩa Philips thu đĩa hòa tấu bản Io Che Non Vivo Senza Te, Dusty Springfield mới nhớ tới việc đặt lời hát bằng tiếng Anh cho ca khúc này, và giao cho cô bạn thân Vicki Wickham, một người làm nghề đại diện cho các nghệ sĩ (agent), chưa từng cầm bút đặt lời hát bao giờ.

Trong bữa ăn tối với bạn trai kiêm đồng nghiệp Simon Napier-Bell, Vicki kể cho Simon nghe việc này, và Simon, vốn cũng không có một chút kinh nghiệm, đã tỏ ra rất hào hứng.

Simon Napier-Bell, người sau này trở thành ông bầu của Dusty Springfield, thuật lại:

“Chúng tôi trở về căn flat của Vicki và bắt tay vào việc. Vì trước đó đã dự tính tham dự một buổi disco, chúng tôi chỉ có một giờ đồng hồ để viết. Cho nên chúng tôi chỉ viết xong phần điệp khúc, còn phần phiên khúc chúng tôi viết trên xe taxi.”

Điều đáng nói là cả Vicki Wickham lẫn Simon Napier-Bell đều không hiểu lời hát bằng tiếng Ý. Theo lời kể lại của Vicki, hai người quyết định đặt lời hát mới bằng tiếng Anh với nội dung “chống tình yêu” (anti-love) mang tựa đề I Don’t Love You; sau đó thấy coi bộ không có sức thu hút, họ sửa lại thành You Don’t Love Me, rồi You Don’t Have to Love Me, và cuối cùng là You Don’t Have to Say You Love Me.

You Don’t Have to Say You Love Me

When I said I needed you
You said you would always stay
It wasn’t me who changed but you
And now you’ve gone away

Don’t you see
That now you’ve gone
And I’m left here on my own
That I have to follow you
And beg you to come home?

You don’t have to say you love me
Just be close at hand
You don’t have to stay forever
I will understand
Believe me, believe me
I can’t help but love you
But believe me
I’ll never tie you down

Left alone with just a memory
Life seems dead and so unreal
All that’s left is loneliness
There’s nothing left to feel


You don’t have to say you love me
Just be close at hand
You don’t have to stay forever
I will understand
Believe me, believe me


You don’t have to say you love me
Just be close at hand
You don’t have to stay forever
I will understand
Believe me, believe me, believe me…

Qua ngày hôm sau, You Don’t Have to Say You Love Me được Dusty Springfield thu đĩa. Thu đi thu lại, người nữ danh ca vốn được mô tả là “đòi hỏi một sự hoàn hảo” (a perfectionist) vẫn không hài lòng với độ vang âm (acoustics) của phòng thu âm (recording booth), và cuối cùng đã quyết định đứng hát ở cầu thang (stairwell).

clip_image008

Năm 2003, trong một bài báo trên tờ The Observer, Simon Napier-Bell hồi tưởng:

“Đứng trên một bậc thang trong studio của hãng Philips, Dusty đã cống hiến người đời màn trình diễn tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của mình. Tuyệt vời từ làn hơi đầu tiên cho tới khi chấm dứt, chỉ có thể sánh với những Aretha Franklin, Frank Sinatra, hoặc Luciano Pavarotti. Những ca sĩ thượng thặng có khả năng làm phong phú những lời hát tầm thường. Lời hát do Vicki và tôi đặt chỉ có ý nghĩa một lời khuyên nên tránh những thề hứa do rung động nhất thời. Nhưng qua cách diễn tả của mình, Dusty đã biến thành những lời thở than tuyệt vọng của một người con gái yêu trong cô đơn”.

Phụ lục (2): You Don’t Have to Say You Love Me – Dusty Springfield

Video:

Dusty Springfield You Don’t Have To Say You Love

Được tung ra vào cuối tháng 3 năm 1966, tới tháng 5, You Don’t Have to Say You Love Me đã lên tới hạng nhất ở Anh quốc và hạng tư ở Hoa Kỳ; tới cuối năm, được xếp hạng 35 trong danh sách 100 ca khúc hay nhất trong năm 1966 (Billboard Hot 100).

clip_image010

Sau khi Dusty Springfield qua đời vào đầu năm 1999, You Don’t Have to Say You Love Me đã được thính giả của BBC Radio 2 liệt vào danh sách 100 ca khúc hay nhất xưa nay, và đưa vào album Now 42. (“Now”, viết tắt của Now That’s What I Call Music!, là tuyển tập những ca khúc hay nhất của Anh quốc từng đứng No.1. Now 42 là album thứ 42)

Tới năm 2004, You Don’t Have to Say You Love Me đã được tạp chí ca nhạc Rolling Stone đưa vào danh sách 500 Greatest Songs of All Time, đứng hạng 491.

Mặc dù không lên tới No.1 tại Hoa Kỳ, sau khi được Dusty Springfield thu đĩa, You Don’t Have to Say You Love Me đã trở thành một trong những ca khúc lời Anh được nhiều ca sĩ thu đĩa nhất, qua đủ mọi thể loại, từ pop tới country, từ R&B tới jazz, trong số này có Cher (cặp song ca Sonny and Cher), Elvis Presley, Connie Francis, Lynn Anderson, Vikky Carr, Brenda Lee, Patricia Kass, v.v…

Phụ lục (3): You Don’t Have to Say You Love Me – Brenda Lee

You Don’t Have to Say You Love Me cũng là một trong những ca khúc phổ biến nhất, đem lại thành công nhiều nhất cho các nữ thí sinh tham dự các cuộc tuyển lựa tài năng trên truyền hình trong những năm gần đây, như American Idol, The X Factor…

Phụ lục (4): You Don’t Have to Say You Love Me – Mary Byrne (The X-Factor)

Video (American Idol):

Nadia Turner – You Don’t Have to Say You Love Me

Trong số hàng trăm ca sĩ ngoại quốc từ đông sang tây thu đĩa You Don’t Have to Say You Love Me lời Anh, có ít nhất ba nữ ca sĩ gốc Hoa, trong số này được ưa chuộng nhất có là đĩa của Đặng lệ Quân (Teresa Deng). Miki Ando, cựu nữ vô địch múa trên băng (figure skater) của Nhật, người hai lần đoạt giải vô địch thế giới (2007, 2011), thường sử dụng bản You Don’t Have to Say You Love Me do Đặng Lệ Quân hát làm nhạc đệm cho phần biểu diễn của mình.

Video:

Teresa Teng & Miki Ando – YOU DON’T HAVE TO SAY YOU LOVE ME

Các phiên bản tiếng ngoại quốc của Don’t Have to Say You Love Me cũng đạt nhiều thành công rực rỡ, đứng trong Top 10 tại nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Phần-lan, Đan-mạch, Hương Cảng, Tân-gia-ba…

Trong số này, đặc biệt phiên bản lời Pháp đã được Michel Jourdan dịch từ lời hát trong nguyên bản tiếng Ý với tựa Jamais je ne vivrai sans toi, và được Richard Anthony thu đĩa vào tháng 10 năm 1965, tức là trước khi Dusty Springfield thu You Don’t Have to Say You Love Me. Richard Anthony là nam ca sĩ nổi tiếng của Pháp mà trước đây chúng tôi đã giới thiệu qua hai ca khúc Dis-lui que je l’aime (Tell Laura I Love Her) và J’entends Siffler le Train (Five Hundred Miles).

JAMAIS JE NE VIVRAI SANS TOI

Tu es là tout près de moi
Et tu ne me parles pas
Mais j’ai bien compris
Crois-moi ce qui se passe en toi

Tu n’as plus confiance
Sans raison tu penses
Dans tes longs silences
Que tu n’es rien pour moi

Moi qui ne peut vivre plus d’une heure loin de toi
Comment puis-je vivre dans un monde où tu n’es pas
Je t’aime, je t’aime bien plus que tu crois
Et jamais je ne vivrai sans toi
Viens plus près écoute-moi
Tu le sais c’est malgré moi
Si je te fais mal parfois
Je t’en prie ne pleure pas

Moi qui ne peux vivre plus d’une heure loin de toi
Comment puis-je vivre dans un monde où tu n’es pas
Je t’aime, je t’aime

Moi qui ne peux vivre plus d’une heure loin de toi
Comment puis-je vivre dans un monde où tu n’es pas
Je t’aime, je t’aime, je t’aime

Video:

richard anthony jamais je ne vivrai sans toi

Cùng khoảng thời gian này, Jamais je ne vivrai sans toi đã được nữ danh ca kiêm diễn viên Margot Lefebvre của Gia-nã-đại thu đĩa, và điều thú vị là đĩa hát này và đĩa của Richard Anthony đã đứng đồng hạng 38 trong danh sách 100 ca khúc hay nhất năm 1966 ở Québec, tỉnh nói tiếng Pháp của Gia-nã-đại.

* * *

Trước năm 1975, Don’t Have to Say You Love Me đã được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Không Cần Nói Anh Yêu. Có thể nói đây là một trong những ca khúc ngoại quốc hiện đại được đặt lời Việt đạt nhất của nhà nhạc sĩ họ Phạm.

Không Cần Nói Anh Yêu

Ngày xa xưa, em nói yêu anh
Và anh nói sẽ mãi bên em
Giờ thì duyên ta đã vỡ tan
Em vẫn yêu anh, nhớ anh

Người tình ơi, anh biết chăng anh ?
Đời lẻ loi, em sống chênh vênh
Chỉ cầu mong theo bước chân anh
Theo bước chân anh, thương mến

Và anh không cần nói yêu em chỉ xin có anh lúc này
Và anh không cần nói yêu em chỉ xin hãy tin, hãy tin
Vì yêu người, vì yêu người, thì suốt đời
Em xin là người tình lẻ loi, xa xôi, có thế thôi!

Chỉ một mình bơ vơ ôm mối yêu xưa
Cuộc đi qua như chết nơi xa
Còn chi nữa em ước em mơ ?
Em nhớ, em mong, em chờ

Và anh không cần nói yêu em chỉ xin có anh lúc này
Và anh không cần nói yêu em chỉ xin cứ tin,
Vì yêu anh, vì yêu anh …

Sẽ không cần nói yêu em
Chỉ xin có anh lúc này
Và anh không cần nói yêu em chỉ xin cứ tin,
Chỉ yêu anh, chỉ yêu anh, chỉ có mình anh …..

Ngày ấy, có thể nói nữ ca sĩ nào trong phong trào nhạc trẻ ở Sài Gòn cũng đều thích hát bản Không Cần Nói Anh Yêu, và hầu như ngươi nào cũng hát cả lời Việt lẫn lời Anh, chẳng hạn Vi Vân mà chúng tôi giới thiệu sau đây.

Còn trong số các nữ ca sĩ thuộc thế hệ đàn em, chúng tôi chọn tiếng hát của Hoài Hương để gửi tới độc giả.

Phụ lục (5): Không Cần Nói Anh Yêu – Vi Vân

Phụ lục (6): Không Cần Nói Anh YêuHoài Hương

Phụ lục (7): You Don’t Have to Say You Love Me (guitar) – The Shadows

Hòai Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search