T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Ký giả Lô-Răng – người viết Tạp Ghi hay nhất

 clip_image002clip_image004

Tiền Tuyến, đúng như cái tên là một tờ báo do quân đội chủ trương, không hẳn là tiếng nói chính thức của Tổng cục CTCT, được in và phát hành như một tờ báo thương mại có bán trên thị trường, dành cho độc giả cả trong lẫn ngoài quân độì. Về sau vì nhu cầu chiến trường nhất là các tiền đồn, đơn vị hành quân bốn vùng chiến thuật, xã ấp xa xôi hẻo lánh, Tiền Tuyến trở thành món ăn tinh thần miễn phí cho các người lính ít có dịp về phố thị đọc sách mua báo.

Một tờ báo mà lượng phát hành đa phần cho không biếu không, không nhận quảng cáo bảo trợ, số trang đầy đủ in ấn như một tờ báo thường, nhưng thành phần viết báo, điều hành tòa soạn đều là gốc lính, giàu thâm niên nghiệp vụ và nhiều người trong số họ đã có bề dày văn bút trước khi vào quân ngũ.

Đặc biệt có hai ông Chủ nhiệm và Chủ bút đều là nhân vật uy tín kỳ cựu trong ngành, từng là trưởng các cơ quan thông tin, báo chí, phát thanh, phát hành quân đội. Một ông là nhà thơ, trung tá Phạm Xuân Ninh, bút danh Hà Thượng Nhân, chủ mục ‘ĐànNgangCung’ một thời báo giấy và gần như về vai vế được nể trọng như người ‘chưởng môn’ của thi ca miền Nam. Một ông là nhà báo, trung tá Phan Lạc Phúc, tức ký giả Lô-Răng, viết 365 ngày một năm ‘độc quyền’ cho mục Tạp Ghi do chính ông gầy dựng, chẳng khác gì viết feuilleton như kiểu Văn Quang,Thảo Trường cho các truyện dài đăng trên tờ báo cùng tên. Chưa kể nhà thơ Viên Linh ở tuổi động viên tuy nhỏ cấp cũng được điều về làm Thư ký tòa soạn, trở thành bộ ba ‘dream team’ cho công tác điều hành tờ báo.

Có nhiều giai thoại tôi còn nhớ khi làm công tác biên tập điểm báo quốc phòng, xếp lớn của tôi nhắc nhở để ý cả tờ Tiền Tuyến nếu viết cái gì ‘nhạy cảm’, trình cho ông biết ngay. Điều này có hàm ý không phải cứ như CS cái gì của quân đội, của chính quyền là tô hồng, đánh bóng, mà là tờ báo nửa lính nửa dân này khi phát hành cũng phải tôn trọng người đọc, để có người bán kẻ mua. Đành rằng quan điểm là phải giữ vững, lập trường không thể ngả nghiêng, nhưng vì có thương hiệu nên Ban Biên Tập dù không chạy theo thị hiếu độc giả thì bài vở tin tức cũng phải đủ sức cạnh tranh trên thị trường cả trăm tờ báo tư nhân. Chính vậy mà có lúc tờ Tiền Tuyến bán rất chạy khi ngầm cổ súy cho phong trào chống tham nhũng nhất là đặt tầm ngắm vào mấy ‘ông tướng bẩn’. Điều này cũng gây cái khó cho hai ngưòi quản nhiệm, dù có mối quan hệ thân thiết với ông tướng đầu ngành (vì cả ba đã làm việc chung (giám đốc, phụ tá) thời Nha chiến tranh tâm lý đệ nhất cộng hòa), nhưng không hiếm khi đích danh (thường là) chủ bút nhận được những cú phôn của xếp lớn than thở ‘các cậu viết cũng phải nương tay để đỡ phiền tới moa’ (nguyên văn tôi được nghe) mỗi khi có sự trách cứ từ Phủ đầu rồng!

Vì là đàn em có dịp gần gũi cả hai ông, tôi đã có dịp viết về ông Chủ nhiệm nhân ngày ông từ giã trần gian ở tuổi 90 trên San Jose thung lũng hoa vàng (Nhớ Hà Thượng Nhân – Chưởng môn thi ca miền Nam), nay lại có ít dòng về người Chủ bút khi nghe tin ông đột quỵ qui tiên ở Úc cũng vòng tuổi thọ chỉ kém vài năm so với người đồng nghiệp vai anh.

Dông dài một chút về tờ báo quân đội như là cách để tiếc nhớ hai vị đầu tầu, nhưng chủ ý người viết muốn mở lời cho đoạn đời làm báo của ký giả Lô-Răng, một cái tên nghe rất Tây, nhưng lại viết những điều rất Ta, ngoài việc chủ bút quán xuyến nội dung tờ báo, ông đã sáng tạo ra mục “Tạp Ghi” nằm trong trang 2 của báo. Cái hay là bài viết in nghiêng đóng khung trong hai cột báo, không dài không ngắn, thôi thì đủ chuyện phiếm luận đời thường, chuyện đời chuyện người, chuyện văn chương chữ nghĩa, chuyện xưa chuyện nay, nơi phố thị chốn chân quê, chuyện chiến trường, chuyện hậu phương, chuyện trong nhà ngoài ngõ, đề tài nào sự việc gì ông cũng viết được. Tạp ghi một tuần một bài đã khó, viết hay lại càng khó hơn, đằng này ông chuyên trách hàng ngày, ít khi để ai viết thế. Riết rồi Tạp Ghi trở thành món ăn không thể thiếu, nhiều độc giả đâm nghiền, trong đó có tôi cứ cầm tờ báo là tìm đọc tạp ghi trước đã.

Nói vậy chứ cái tên ký giả cũng làm nhiều người dị ứng. Có lần tôi hỏi sao anh không lấy tên ký giả bằng tiếng Việt cho tiện. Ông chỉ cười và không trả lời thẳng. Hình như Lô-Răng là danh xưng đọc theo tiếng Pháp ‘Laurent’, có gốc La-tinh mang nghĩa “người đội vòng nguyệt quế” (kẻ chiến thắng). Ông sính tiếng tây một phần cũng vì giỏi tiếng Pháp, gần như trong buổi giao thời giữa Hán văn và Pháp ngữ trong bối cảnh của một xã hội thuộc địa, nhiều người thế hệ ông được học tiếng Pháp rất sớm, riêng ông biết cả chữ Hán và có một căn bản khá vững về văn Nôm. Chính vậy mà nhà báo Phan Lạc Phúc có vốn văn chương khá sâu, kiến thức cổ kim khá rộng, làm tiền đề cho các bài tạp ghi ông viết ra không còn là tạp văn cho nhu cầu làm báo, mà tự nó nâng tầm trở thành những tản văn nặng tính văn học và thể lọai này ngày càng phổ cập, khiến nhiều nhà văn sau này ra hải ngoại đã thiên về xu hướng sáng tác tạp ghi, vừa sâu sắc dí dỏm vừa phù hợp với yêu cầu của các chủ bìên dành cho mỗi entry trên internet.

Văn học cũng có dòng. Tìm về vùng quê miền Sơn Tây, Thạch Thất, nhiều văn nhân nghệ sĩ gốc gác nơi đây. Riêng nhánh Phan Lạc, ít nhất có 4 nhà văn/nhà thơ quân đội đều khá nổi tiếng (Phan Lạc Tuyên, Phan Lạc Phúc, Phan Lạc Tiếp, Phan Lạc Giang Đông). Trong giới cầm bút, PLP không nhận mình là nhà văn, thích được gọi nhà báo, tuy là nhà binh vẫn không thích xưng hô cấp bậc mà chỉ đơn thuần ‘moa toa, anh em’ tùy vai vế.

Dù là ‘nhà’ gì thì ông vẫn được giới văn bút trong ngoài quân đội kính nể không chỉ vì tính uyên bác, trí tuệ trong văn chương (thể hiện rất rõ trong các tùy bút văn học viết ở hải ngoại), mà nhìn lại quá trình làm báo thập niên cuối trào của báo chí thủ đô, Phan Lạc Phúc, tức ký giả Lô-Răng được kể là ‘người viết tạp ghi hay nhất’. Kẻ viết bài này là đàn em và cũng là kẻ hâm mộ ông, có thời viết văn chính luận cho cơ quan, nhưng từ hai chục năm nay cũng học đòi theo ‘thầy’ ở thể loại tạp ghi.

Nói về binh nghiệp, Phan Lạc Phúc ít mặc áo lính trừ khi gặp ‘xếp’, đi họp và ngày lãnh lương, nhất là 7 năm làm báo Tiền Tuyến, nơi nhân viên tòa soạn được mặc thường phục đễ dễ thi hành nghiệp vụ. Ông đam mê viết lách, ít để ý đến chức vụ quân đội, chỗ ông làm thường không có bảng cấp số (ngoài biên chế). Ít ai biết người cựu sinh viên khóa 2 Võ khoa Thủ Đức ngay những năm đầu khi có hiệp đình đình chiến 54, ông đã làm tiểu đoàn trưởng một tiểu đòan khinh chiến, hành quân và tiếp thu vùng Bình Định khu 5, tiếp đến chuyển về làm công tác chiến tranh tâm lý tại Bộ Tổng tham mưu và giữ những chức vụ then chốt trong ngành cho đến khi được điều về làm chủ bút Tiền Tuyến. Hết làm báo thấy ông thâm niên quá lâu, xếp lớn muốn nâng đỡ để ông lên cấp, điều ông về làm Tham Mưu phó CTCT một quân đòan (cấp số đại tá), nhưng chỉ hơn năm sau cũng do cái nghiệp, trường Cao đẳng quốc phòng lại mời ông về làm chủ biên Tập san Nghiên Cứu của trường cho đến ngày mất nước.

Dù có người em là hạm trưởng hải quân, ông không theo dòng người di tản, bị kẹt lại đi tù cải tạo gần 10 năm. Định cư tại Úc, ông tiếp tục viết lách. Nhiều kỷ niệm đáng nhớ của một thời cảnh tù u ám, nhưng trong các ký sự, hồi ức ông vẫn viết bằng một giọng văn nhân hậu nhưng thâm thúy vừa vạch ra cái ác của những kẻ lãnh đạo chủ trương trả thù người ngã ngựa, nhưng hiếm thấy có cả trường hợp ông không ngần ngại ghi nhận cái tử tế của tình người qua một nhân vật trại trưởng nơi trại tù Sơn La mà chính ông trải nghiệm. Viên cai tù trọng tuổi đã gọi ‘các ông’ khi xưng hô với các cựu sĩ quan và vì nể trọng tuổi tác của một người có nhân cách, chính ông và các bạn đã gọi lại bằng ‘cụ’.Ta hãy nghe một đoạn trong ký sự, ‘Qua cơn mê, nhớ lại đêm văn nghệ trong tù’, của nhà văn Phan Lạc Phúc mà một lần tôi được nghe trên Đài Á châu tự do RFA,

Tôi có một điều ước, tôi ước mong cho ngày nào trời đất phong quang, chúng ta được trở về đất nước Việt nam yêu dấu, muốn đi đâu thì đi. Tôi sẽ đi tới những trại tù năm cũ, thăm lại người xưa, thăm lại các bạn tù chúng ta còn nằm lại. Tôi sẽ tới Trại Yên Hạ, tới quận Phù Yên hỏi xem ông cụ Việt trại trưởng năm xưa còn sống hay không? Nếu gặp được ông cụ tôi sẽ nắm lấy tay mà nói “Tôi là cựu tù nhân Yên Hạ đây, cụ còn nhớ tôi không, thưa cụ?…”

Đã 40 năm kể từ đêm văn nghệ năm ấy (Tết 76), cả hai cụ Phúc cụ Việt đều ra người thiên cổ. Cụ Việt chết trong cảnh an phận của một người nghỉ hưu sống nhờ tem phiếu, không được nhìn thấy cái ngày bổng lộc tràn trề của thế hệ đàn em thời ‘còn Đảng còn mình’. Cụ Phúc may còn sống sót sau những ngày tù đầy lao khổ, tuy sống tha hương nhưng an ủi còn để lại cho đời chút di sản văn bút, chỉ tiếc là vẫn chưa thực hiện lời ước ‘một mai qua cơn mê ta lại về thăm quê’.

Đỗ Xuân Tê

Cali, những ngày tháng tư phượng tím *2016

*lấy chữ của Lưu Na nhớ PLP

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search