T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (59)-NHẠC PHÁP – L’amour est bleu (Tình yêu màu xanh), Après toi (Vắng bóng người yêu)

paul-mauriat-et-son-grand-orchestre-love-is-blue-lamour-est-bleu-philips

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc Pháp được ưa chuộng và đặt lời Việt trước năm 1975, kỳ này chúng tôi viết về hai bản khá đặc biệt. Đặc biệt vì bản thứ nhất chỉ nổi tiếng quốc tế sau khi đứng No.1 tại Hoa Kỳ, còn bản thứ hai do hai tác giả ngoại quốc, một Hy-lạp một Đức, sáng tác. Cả hai bản đều do Vicky Leandros, một nữ danh ca gốc Hy-lạp thu đĩa, đại diện cho Lục-xâm-bảo – một quốc gia nói tiếng Pháp – tham dự cuộc thi Ca khúc Truyền hình Âu Châu (Eurovision Song Contest, thường được gọi tắt là Eurovision).

Bản thứ nhất là L’amour est bleu của André Popp & Pierre Cour, được Phạm Duy (?) đặt lời Việt với tựa Tình yêu màu xanh, bản thứ hai là Après toi  của Mario Panas & Klaus Monro, do Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Vắng bóng người yêu.

Trước hết viết về L’amour est bleu, được Vicky Leandros trình diễn tại cuộc thi Eurovision năm 1967.

Ca khúc này do André Popp soạn nhạc và Pierre Cour đặt lời hát.

André Popp (1924-2014) là một nhà soạn nhạc, soạn hòa âm nổi tiếng của Pháp; ngoài ra ông còn là một nhà viết kịch bản cho phim.

Pierre Cour (1924-1997) là một nhà viết ca khúc cho nhiều thế hệ danh ca, trong đó có Dalida, Petula Clark, Nana Mouskouri, Vicky Leandros, Claudine Longet, Enrico Macias…

Trong số những ca khúc do André Popp soạn nhạc, Pierre Cour đặt lời trong thập niên 1960, có ba bản được viết để tham dự cuộc thi Eurovision, gồm Tom Pillibi, đoạt giải nhất (Grand Prix) năm 1960, Le chant de Mallory hạng tư năm 1964, và L’amour est bleu hạng tư năm 1967 – ca khúc mà chúng tôi giới thiệu trong bài viết này.

Nội dung của L’amour est bleu nói về ngọt bùi, cay đắng trong tình yêu, thể hiện qua hai màu xanh, xám và nước với gió.

L’amour est bleu

 Doux, doux, l’amour est doux
Douce est ma vie, ma vie dans tes bras
Doux, doux, l’amour est doux
Douce est ma vie, ma vie près de toi

Bleu, bleu, l’amour est bleu
Berce mon cœur, mon cœur amoureux
Bleu, bleu, l’amour est bleu
Bleu comme le ciel qui joue dans tes yeux

Comme l’eau, comme l’eau qui court
Moi, mon cœur court après ton amour

Gris, gris, l’amour est gris
Pleure mon cœur lorsque tu t’en vas
Gris, gris, le ciel est gris
Tombe la pluie quand tu n’es plus là

Le vent, le vent gémit
Pleure le vent lorsque tu t’en vas.

Phụ lục 1: L’amour est bleu, Vicky Leandros

Cùng thời gian, Vicky Leandros đã thu đĩa phiên bản lời Anh với tựa Love Is Blue của tác giả Brian Blackburn; tuy nhiên cả đĩa lời Pháp lẫn đĩa lời Anh đều không đạt thành công quốc tế; ngoại trừ tại Gia-nã-đại và Nhật Bản, nơi đĩa lời Pháp L’amour est bleu rất được ưa chuộng.

Phải đợi tới cuối năm đó (1967), sau khi được dàn nhạc Paul Mauriat thu đĩa, L’amour est bleu / Love Is Blue mới thực sự nổi tiếng quốc tế.

Paul Mauriat (1925-2006) là nhạc trưởng của dàn nhạc Pháp “Le Grand Orchestre de Paul Mauriat”, thường được ghi trên đĩa nhạc là  “Paul Mauriat et son Orchestre”, hoặc “Paul Mauriat and his Orchestra”.

Tuy danh xưng là “dàn nhạc đại hòa tấu” nhưng dàn nhạc của Paul Mauriat lại chuyên về thể loại nhạc nhẹ (easy listening).

Tại Hoa Kỳ, dưới tựa tiếng Anh, bản Love Is Blue của dàn nhạc Paul Mauriat đã đứng No.1 liên tục trong 5 tuần lễ trong tháng 2 và tháng 3, 1968 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 (cho tất cả mọi thể loại), và 11 tuần lễ liên tiếp trên bảng xếp hạng nhạc nhẹ (easy listening), một kỷ lục mà đĩa nhạc này sẽ giữ trong suốt ¼ thế kỷ!

Tới cuối năm 1968, Love Is Blue được Billboard xếp hạng nhì cho cả năm, chỉ đứng sau ca khúc Hey Jude của “Tứ Quái” The Beatles.

paul-mauriat

Phụ lục 2: Love Is Blue, Paul Mauriat and his Orchestra

Sau khi đĩa Love Is Blue của dàn nhạc Paul Mauriat làm mưa gió tại Hoa Kỳ, nhiều danh ca Mỹ mới thu đĩa ca khúc lời Anh của tác giả Brian Blackburn, trong số này có Al Martino, Frank Sinatra, Andy Williams, Johnny Mathis…

Khác với nguyên bản lời Pháp L’amour est bleu nói về hạnh phúc và đau khổ trong tình yêu, phiên bản lời Anh mô tả một cuộc tình đã mất qua các màu xanh lam, xám, đỏ, xanh lục, và đen.

Love is Blue

Blue, blue, my world is blue
Blue is my world now I’m without you
Grey, grey, my life is grey
Cold is my heart since you went away

Red, red, my eyes are red
Cryin for you alone in my bed
Green, green, my jealous heart
I doubted you and now we’re apart

When we met how the bright sun shone
Then love died, now the rainbow is gone

Black, black, the nights I’ve known
Longing for you so lost and alone
Gone, gone, the love we knew
Blue is my world now I’m without you


Red, red, my eyes are red
Cryin for you alone in my bed
Green, green, my jealous heart
I doubted you and now we’re apart

 When we met how the bright sun shone
Then love died, now the rainbow is gone

Black, black, the nights I’ve known
Longing for you so lost and alone
Gone, gone, the love we knew
Blue is my world now I’m without you

Grey,grey, my life is grey
Clod is my heart since you went away
Blue, blue, my world is blue
Blue is my world now I’m, without you

 

VIDEO:

Love Is Blue – Al Martino – YouTube

 Cũng trong năm 1968, nhiều ca sĩ nổi tiếng quốc tế đã thu đĩa nguyên tác lời Pháp L’amour est bleu, trong đó có Claudine Longet, nữ diễn viên kiêm ca sĩ gốc Pháp, vợ của nam danh ca Mỹ Andy Williams.

Phụ lục 3: L’amour est bleu, Claudine Longet

Sau khi đứng No.1 tại Hoa Kỳ, L’amour est bleu / Love Is Blue mới quay trở lại để chinh phục… Âu Châu. Ngoài lời hát Pháp, Anh, Vicky Leandros đã thu đĩa thêm ba phiên bản khác, gồm tiếng Ý (L’amore è blu), Đức (Blau wie das Meer) và tiếng Hòa-lan (Liefde is zacht).

Từ đó cho tới nay, gần một nửa thế kỷ đã trôi qua, L’amour est bleu / Love Is Blue vẫn tiếp tục được thính giả khắp năm châu yêu thích – yêu thích hơn rất nhiều bản đã đoạt giải nhất (Grand Prix) của Eurovision.

Về phiên bản lời Việt, hiện nay có nhiều bản khác nhau, trong số này phổ biến nhất là bản có tựa đề Tình yêu màu xanh, lấy ý từ lời Pháp.

Trên bìa CD, DVD của Ngọc Lan và một số ca sĩ khác ghi tác giả Tình yêu màu xanh là Phạm Duy. Qua nhận xét ca từ của Tình yêu màu xanh, chúng tôi cũng tin như thế, nhưng vì trong danh sách 255 ca khúc, nhạc khúc ngoại quốc do Phạm Duy đặt lời Việt (trong hồi ký Ngàn lời ca của ông) không thấy nhắc tới bản này, cho nên chúng tôi cẩn thận kèm theo một dấu hỏi.

Tình yêu màu xanh (Phạm Duy?)

 Ngát xanh, xanh như khung trời
Tình yêu màu xanh lúc em đã yêu rồi
Ấm êm trong đôi tay người
Đời bao nồng say khi môi hồng tìm môi

Ngát xanh, khi em bên chàng
Tình yêu màu xanh vuốt ve trái tim buồn
Đã qua đi cơn mê chiều
Mùa xuân vừa sang trong lòng người mình yêu

Tưởng tình ta êm đềm giòng suối mơ
Như nắng lên tình mong manh như đại dương

Nhớ thương đôi vai rã rời
Tình đâu còn xanh ngát xanh mắt em cười
Tháng năm qua trông âm thầm
Đừng yêu đời em trong cơn sầu ngàn năm

Xám đen như đêm đông dài
Tình sao màu đen lúc anh đã đi rồi
Khóc lên cho vơi u hoài
Trời mưa ngoài kia hay giọt lệ sầu rơi

Gió ơi ru chi cơn buồn
Tình yêu dở dang gẫy đôi cánh thiên thần
Xót xa khi đôi tay rời
Tình mang màu tang trong chiều vào hồn em

Rồi một hôm khi người về lối xưa
Nghe ngỡ ngang, tình say xưa vui đại dương

Ngát xanh, xanh như trăng thề
Tình em lại xanh lúc anh đã quay về
Cánh tay yêu đương vỗ về
Nụ hôn nở hoa hay giọt lệ sầu ngả nghiêng

 Phụ lục 4: Tình yêu màu xanh, Ngọc Lan

Tiếp theo, chúng tôi viết về bản Après toi, ca khúc mà 5 năm sau đó cũng được Vicky Leandros đại diện cho Lục-xâm-bảo tham dự cuộc thi Eurovision, và lần này đã đoạt giải nhất.

apres-toi

Vicky Leandros là một nữ danh ca quốc tế gốc Hy-lạp, cho tới nay đã bán được trên 150 triệu đĩa hát thu đĩa bằng 8 ngôn ngữ khác nhau.

Cô tên thật là Vassiliki Papathanasiou, ra chào đời ngày 23/8/1949 tại Hy-lạp.

Cha cô, ông Leandros Papathanasiou, được biết tới dưới nghệ danh Leo Leandros và đôi khi Mario Panas, là một ca nhạc sĩ, nhà soạn nhạc kiêm nhà sản xuất đĩa nhạc.

Leo Leandros sinh năm 1926 tại Hy-lạp. Đầu thập niên 1950, ông sang Đức với mục đích tiến thân trong sự nghiệp ca hát và soạn nhạc. Trong lĩnh vực soạn nhạc, ông nổi tiếng qua việc phối hợp giai điệu truyền thống Hy-lạp với âm hưởng Tây Âu mà kết quả là những khúc nhạc độc đáo, đầy nghệ thuật.

Tuy nhiên, dù đạt thành công đáng kể, tới đầu thập niên 1960, ông đã bỏ hẳn nghề ca hát để chỉ còn sáng tác ca khúc và dành toàn bộ thì giờ còn lại để dìu dắt cô con gái 13 tuổi mà ông tin rồi đây sẽ thành công rực rỡ.

leo-leandros

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ngoài các ca khúc viết cho con gái, ông còn viết cho hai đồng hương nổi tiếng Demis Roussos, Nana Mouskouri, nam ca sĩ gốc Tây-ban-nha Julio Iglesias, nam ca sĩ gốc Colombia Jairo Varela…

Về phần Vicky Leandros, khi cha sang Đức lập nghiệp, cô bé mới 3 tuổi, ở lại Hy-lạp với mẹ, sống ở nhà ông bà nội. Năm 1958, gia đình đoàn tụ tại Đức nhưng chẳng bao lâu cha mẹ ly dị; từ đó Vicky sống với cha.

Ngay từ tuổi niên thiếu, Vicky Leandros đã tỏ ra có khiếu về âm nhạc, và được cha cho theo học nhạc lý, đàn ghi-ta, vũ ballet, vũ hiện đại, ca hát, và ngoại ngữ.

Năm 1965, vào tuổi 16, dưới nghệ danh “Vicky” (gọi tắt của Vassiliki), Vicky Leandros thu đĩa single (45 vòng) đầu tiên của mình bằng tiếng Đức, bản Messer, Gabel, Schere, Licht (Knives, Forks, Scissors, Fire), một ca khúc nhi đồng có mục đích răn dạy trẻ con về sự nguy hiểm của dao, nĩa, kéo và lửa.

Năm 18 tuổi, Vicky được mời đại diện Đại công quốc Lục-xâm-bảo tham dự cuộc thi Eurovision năm 1967 với ca khúc L’amour est bleu của André Popp và Pierre Cour.

Tuy ca khúc này chỉ đứng hạng tư tại giải Eurovision, ngay sau đó, Vicky đã trở thành một tên tuổi nổi tiếng trong làng ca nhạc và trên truyền hình Đức. Qua năm 1968, Vicky được trao tặng giải thưởng Goldene Europa, là giải thưởng truyền hình lâu đời nhất của Đức.

Năm 1971, Vicky được tổ chức Eurovision tặng giải Bronze Rose of Montreux cho vai trò trong show truyền hình “Ich bin” của Đức. Đây cũng là lần đầu tiên, Vicky sử dụng nghệ danh “Vicky Leandros”, là ghép tên tắt của cô và tên gọi của cha cô: Leandros Papathanasiou.

[Bronze Rose of Montreux là một trong những giải nhất tại Liên hoan Nghệ thuật Quốc tế Montreux, do Eurovision tổ chức. Liên hoan này được tổ chức lần đầu tiên tại Montreux, Thụy-sĩ, cho nên lấy tên thành phố này. Có tất cả 8 giải nhất (Bronze Rose) cho 8 bộ môn (5 cho TV, 3 cho radio). Trong 8 giải nhất này, Ban giám khảo sẽ lựa chọn một để trao giải Golden Rose (Rose d’Or), vì thế Liên hoan này thường được  gọi một cách ngắn gọn là “Golden Rose” hoặc “Rose d’Or”]

Cũng trong năm 1971, Vicky Leandros được trao tặng giải Bronze Lion (giải 3) của Radio Luxembourg.

Qua năm 1972, vào tuổi 22, Vicky Leandros được mời đại diện Lục-xâm-bảo lần thứ hai để tham dự cuộc thi Eurovision, và lần này đã đoạt giải Grand Prix với ca khúc Après toi.

Après toi do ông Leo Leandros, cha của Vicky, soạn nhạc dưới nghệ danh Mario Panas, nhạc sư Klaus Munro viết lời hát tiếng Đức và soạn hòa âm, tác giả Yves Dessca soạn lời hát tiếng Pháp.

Sau khi đoạt giải Grand Prix tại cuộc thi Eurovision 1972, Vicky Leandros đã trở thành một tên tuổi quốc tế đúng nghĩa.

Năm 1974, Vicky Leandros thu đĩa ca khúc tiếng Đức Theo, wir fahr’n nach Lodz, nghĩa là Theo, we’re going to Lodz (Lodz là một thành phố cổ kính, lớn thứ ba của Ba-lan). Sau khi lên No.1 tại Đức, ca khúc này đã được Vicky Leandros thu đĩa bằng bốn ngôn ngữ khác: Anh, Pháp, Hòa-lan, và Thổ-nhĩ-kỳ.

Tại Nhật Bản, nơi Vicky Leandros là một trong những nữ ca sĩ hát tiếng Pháp được ái mộ hàng đầu, cô đã thu đĩa một số ca khúc bằng tiếng Nhật, trong đó có bản Watashi No Suki Na Chocolate (The Chocolate That I Like) rất được ưa chuộng.

VIDEO:

WATASHI NO SUKI NA CHOCOLATE – Vicky Leandros – Βίκυ …

Năm 1975, Vicky Leandros sang Nashville, Tennessee, thủ đô dân ca Hoa Kỳ để thực hiện một album bằng tiếng Anh có tựa đề Across the Water, với những ca khúc phối hợp giữa nhạc đồng quê (country), soul và rock – hoàn toàn khác lạ với những thể loại Vicky thường thể hiện trước đó. Album này đã được các nhà phê bình đánh giá cao, đưa tới việc Vicky Leandros được hãng đĩa CBS Records ký hợp đồng, với mục đích thực hiện những album nhắm vào đông đảo quần chúng Mỹ. Tuy nhiên sau một thời gian sống tại kinh đô điện ảnh Hồ-ly-vọng, làm việc với nhà sản xuất đĩa nhạc nổi tiếng Tom Fowley, Vicky Leandros đã trở về Âu Châu.

Trở lại Âu châu, trong khi chỉ đạt được những thành công khiêm nhượng với các album hát bằng tiếng Đức và các ca khúc Giáng Sinh, vào năm 1979, Vicky Leandros đã thành công rực rỡ với album đầu tiên hát bằng tiếng Tây-ban-nha, nhắm vào thị trường châu Mỹ La-tinh.

Ca khúc có tựa đề Tu Me Has Hecho Sentir (You’ve made me feel) trong album này đã trở thành một trong những ca khúc cầu chứng của Vicky Leandros tại các quốc gia nói tiếng Tây-ban-nha.

VIDEO:

Vicky Leandros – Tu me has hecho sentir

Sau 18 tháng “nghỉ hộ sản” để sanh con trai đầu lòng, Vicky Leandros trở lại phòng thu âm, cùng với các danh ca Demis Roussos (Hy-lạp), Johnny Halliday (Pháp), David Soul (Hoa Kỳ) hát trong album Love is Alive cho quỹ từ thiện Liên Hiệp Quốc.

Năm 1982, ca khúc Verlorenes Paradies trong album tiếng Đức có cùng tựa đã đưa tên tuổi của Vicky Leandros trở lại danh sách Top 10.

Từ đó cho tới cuối thập niên 1980, hầu như lúc nào Vicky Leandros cũng có tên trong Top 10 ở Đức, Pháp, Hòa-lan, Gia-nã-đại, và lẽ dĩ nhiên, ở Hy-lạp.

Trong thập niên kế tiếp, Vicky Leandros hợp tác với nhà sản xuất đĩa nhạc Jack White (tên thật là Horst Nussbaum) nổi tiếng của Đức để thực hiện 3 album mới, tất cả đều nằm trong Top 10.

Năm 1998, Vicky Leandros thu đĩa phiên bản tiếng Đức Weil mein Herz dich nie mehr vergisst, tức bản My Heart Will Go On (Celine Dion hát trong phim Titanic), và đã lên No.1 tại Đức.

VIDEO:

Βίκυ Λέανδρος – Vicky Leandros – Weil mein Herz Dich nie mehr vergisst

Bước sang thiên niên kỷ mới, cùng với thành công trong việc hợp tác với Chris De Burgh (nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ Anh nổi tiếng với ca khúc Lady in Red), Vicky Leandros đã hát “live” với nam danh ca tenor Jose Carreras của Tây-ban-nha, và album này đã đứng trong Top 10 tại Đức, Áo, Hy-lạp, Thụy-sĩ và nhiều quốc gia Âu châu,  được vào danh sách 100 Album bán chạy nhất thế giới năm 2003.

Năm 2010, album Zeitlos của Vicky Leandros gồm những ca khúc nổi tiếng của Pháp được đặt lời hát bằng tiếng Đức cũng vào Top 10…

* * *

Trong sự nghiệp trài dài hơn nửa thế kỷ của mình, Vicky Leandros đã được trao tặng nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý, nhiều nhất là tại Đức, nơi cô và cha cô nhận làm quê hương thứ hai.

Riêng tại Hy-lạp, vào năm 2003, Vicky Leandros đã được chính phủ ân thưởng một huân chương cao quý do công sức phổ biến văn hóa và âm nhạc Hy-lạp trên trường quốc tế; đồng thời được Giáo hội Chính thống giáo Hy-lạp trao huân chương danh dự vì những công tác từ thiện dành cho trẻ em nghèo khổ ở Phi Châu. Đây là lần đầu tiên, một phụ nữ nhận được vinh dự này của Giáo hội Hy-lạp, và huân chương đã được trao cho Vicky Leandros trong một đêm hòa tấu nhạc cổ điển tại hí trường lộ thiên (amphitheatre) Herod Atticus trong khu phế tích Acropolis nổi tiếng gần thủ đô Athens.

Hai năm sau, 2005, Vicky Leandros nhận được vinh dự cao quý nhất: Phụ nữ Hy-lạp trong năm (Woman of the Year).

Từ năm 2006 tới 2008, Vicky Leandros được bầu vào Hội đồng Thành phố Piraeus, một thị trấn cảng cổ xưa nổi tiếng về du lịch, và giữ chức vụ Phó Thị trưởng.

* * *

Vicky Leandros kết hôn hai lần. Lần thứ nhất với doanh gia Hy-lạp Ivan Zissiadis từ năm 1982 tới 1986, có một con trai. Sau đó, Vicky Leandros kết hôn với Enno von Ruffin, con trai của Nam tước Franz von Ruffin, người cai quản lãnh địa Gut Basthorst ở gần Hamburg. Hai người có hai con gái và ly thân năm 2005 sau 19 năm chung sống.

Dù ly thân, Vicky Leandros vẫn giữ tước vị “Nữ nam tước” (Baroness) được mang từ ngày Enno von Ruffin thừa kế tước Nam tước của cha. Cho nên hiện nay, nếu ta sử dụng từ khóa “Vicky Leandros” để tìm trên trang mạng Wikipedia, sẽ đọc được như sau:

“Vassiliki, Baroness von Ruffin (born Vassiliki Papathanasiou), known by her stage name Vicky Leandros…”

(Vassiliki, Nữ nam tước von Ruffin (nhũ danh Vassiliki Papathanasiou), được biết tới qua nghệ danh Vicky Leandros…)

 * * *

Trở lại với năm 1972 và ca khúc Après toi.

Après toi nguyên là một ca khúc bằng tiếng Đức có tựa đề Dann kamst Du (dịch sang tiếng Anh là Then you came) do Leo Leandros, cha của Vicky, soạn nhạc dưới nghệ danh Mario Panas, nhạc sư Klaus Munro đặt lời hát và soạn hòa âm.

Klaus Munro (1927-2013) là một công dân Đức tài hoa nổi tiếng quốc tế. Tốt nghiệp Viện Âm nhạc và Kịch nghệ Hamburg về ba môn dương cầm, soạn nhạc đệm (phim, kịch) và điều khiển dàn nhạc (conductor) nhưng sau này ông còn làm thêm nhiều nghề khác – như nhà viết kịch bản, nhà soạn ca nhạc kịch, đạo diễn sân khấu, nhà soạn hòa âm, nhà soạn ca khúc, nhà đặt lời hát, và ca sĩ.

Riêng trong lĩnh vực soạn ca khúc, Klaus Munro thường hợp tác với Leo Leandros.

vicky-leandros_klaus-munro

Vicky LeandrosKlaus Munro

Năm 1972, khi Vicky Leandros được mời đại diện cho Lục-xâm-bảo (lần thứ hai) tham dự cuộc thi ca Eurovision, Klaus Munro đã đề nghị cô hát bản Dann kamst Du .

Phía Lục-xâm-bảo đồng ý ngay, dĩ nhiên với điều kiện Vicky Leandros sẽ hát bằng tiếng Pháp (vì Lục-xâm-bảo nói tiếng Pháp). Vì thế Klaus Munro đã phải hợp tác với Yves Dresca, một nhà viết lời hát tài ba của Pháp thuộc thế hệ trẻ (sinh năm 1949), tác giả lời hát của hàng trăm ca khúc của các ca sĩ nổi tiếng từ thập niên 1960 trở về sau, như Claude François, Sylvie Vartan, France Gall, Michel Sardou…, và cũng chính là tác giả lời hát của ca khúc Un banc, un arbre, une rue (A bench, a tree, a street), ca khúc vừa đoạt giải Eurovision vào năm trước (1971) cho Tiểu vương quốc Monaco.

Kết quả của sự hợp tác ấy là phiên bản lời Pháp có tựa đề Après toi (After you – Sau anh), một tình khúc bi lụy, lời hát diễn tả tâm sự của một cô gái về những gì sẽ đến với cô sau khi người yêu bỏ cô để theo một bóng hồng khác.

Après toi

 

Tu t’en vas
L’amour a pour toi
Le sourire d’une autre
Je voudrais mais ne peux t’en vouloir
Désormais
Tu vas m’oublier
Ce n’est pas de ta faute
Et pourtant tu dois savoir

Qu’après toi
Je ne pourrai plus vivre, non plus vivre
Qu’en souvenir de toi
Après toi
J’aurai les yeux humides
Les mains vides, le cœur sans joie
Avec toi
J’avais appris à rire
Et mes rires ne viennent que par toi
Après toi je ne serai que l’ombre
De ton ombre

Après toi

Même une jour si je fais ma vie
Si je tiens la promesse
Qui unit peut-être pour toujours
Après toi
Je pourrai peut-être
Donner de ma tendresse
Mais plus rien de mon amour
Après toi
Je ne pourrai plus vivre, non plus vivre
Qu’en souvenir de toi
Après toi
J’aurai les yeux humides
Les mains vides, le cœur sans joie

Avec toi
J’avais appris à rire
Et mes rires ne viennent que par toi
Après toi je ne serai que l’ombre
De ton ombre
Après toi.

Về âm hưởng, giai điệu, khi soạn ca khúc này Leo Leandros đã dựa vào bí quyết thành công của bản L’amour est bleu do Vicky Leandros trình diễn trước đó 5 năm cũng tại giải Eurovision để sử dụng chất liệu giao hưởng trong việc soạn nhạc.

Phần soạn hòa âm và điều khiển dàn nhạc được ông trao cho Klaus Munro, lúc đó đang giữ chức nhạc sư tại Nhạc viện Hamburg.

Trong buổi chung kết Eurovision diễn ra vào tối 25/3/1972 tại Edinburg, thủ đô Tô-cách-lan, trong số 18 quốc gia dự thi, Lục-xâm-bảo bốc trúng thăm số 17. Và sau khi Vicky Leandros trình diễn bản Après toi, tuyệt đại đa số khán giả hiện diện cũng như khán giả theo dõi qua màn ảnh truyền hình từ khắp năm châu, đã đoán trước Après toi sẽ đoạt giải nhất (Grand Prix).

Phụ lục 5: Après toi, Vicky Leandros

VIDEO:

 Apres Toi – Vicky Leandros – Eurovision 1972 

Sau khi đoạt giải Eurovision, Après toi đã được đặt lời hát bằng 5 ngôn ngữ khác (ngoài tiếng Pháp, tiếng Đức) để Vicky Leandros thu đĩa, trong số này có phiên bản lời Anh với tựa Come What May.

VIDEO:

Vicky Leandros-Come What May (with lyrics)

[“Come What May” nguyên là một cụm từ có nguồn gốc từ vở Macbeth của Shakespeare, nghĩa là “whatever happens”. Ngoài Come What May (Après toi), còn có ít nhất ba ca khúc hiện đại mang cùng tựa đề, một bản jazz do Lani Hall hát, một của ban Air Supply, một bản trong phim Moulin Rouge do cặp nam nữ diễn viên Ewan McGregor và Nicole Kidman song ca]

Kết quả, trong năm 1972, Après toi đã đứng No.1 tại Pháp, Bỉ (vùng nói tiếng Pháp), Thụy-sĩ, Hòa-lan, Nam Phi, đứng No.2 tại Anh quốc, Ái-nhĩ-lan, Na-uy, No.3 tại Bỉ (vùng nói tiếng Flemish), và Mã-lai.

Có điều đáng ngạc nhiên là tại Đức quốc, quê hương thứ hai của cha con Leandros, bản này (hát bằng tiếng Đức) đã chỉ lên tới hạng 11.

Tổng cộng, tính trên toàn thế giới, Apres toi (và các phiên bản khác) do Vicky Leandros thu đĩa đã bán được trên 6 triệu đĩa, và đem lại đĩa vàng đầu tiên cho cô.

Về sau, Apres toi cũng đem lại thành công cho nhiều ca sĩ khác ở khắp năm châu, trong số này có nữ danh ca kiêm diễn viên Phi-luật-tân Pilita Corrales (sinh năm 1939), hát phiên bản lời Anh Come What May trong album Live At The Riviera năm 1976, và nữ danh ca Tây-ban-nha Paloma san Basilio, người trước đây đã song ca bản Besame Mucho với đồng hương tenor nổi tiếng Placido Domingo, hát phiên bản Tây-ban-nha dưới tựa đề Si Te Va.

VIDEO:

 Paloma San Basilio – Si Te Vas (Versión “Apres Toi”)

Tại Việt Nam, trước năm 1975, Après toi đã được Phạm Duy dựa vào phiên bản lời Pháp để đặt lời Việt với tựa Vắng bóng người yêu, và được Thanh Lan thu vào băng Nhạc Trẻ 3.

Trong phần Nhạc Pháp của loạt bài này, chúng tôi đã hơn một lần ca tụng Phạm Duy và Thanh Lan của Sài Gòn năm xưa, ở đây chỉ xin được viết thêm: cùng với Oui devant Dieu (Ngày tân hôn) và Chèvrefeuille que tu es loin (Giàn thiên lý đã xa), Après toi (Vắng bóng người yêu) phải được xem là một trong những ca khúc Pháp lời Việt “đạt” nhất, được ưa chuộng nhất ngày ấy; và theo ghi nhận của chúng tôi, nếu chỉ xét ba bản này, cho tới nay vẫn chưa có nữ ca sĩ nào, trong nước cũng như ở hải ngoại, có thể thay thế “Nữ hoàng nhạc Pháp” của Hòn ngọc Viễn đông năm nào.

 Vắng bóng người yêu

 Cuộc tình tàn, cuộc tình vắng bóng anh
Vắng ánh sáng vắng tháng năm
Cuộc tình xanh nào ngờ mối tình mỏng manh
Cuộc tình rồi đành là khuất bóng thôi
Với dĩ vãng sẽ lãng đãng trôi
Người tình ơi vắng tênh cuộc đời

Đời hoang vắng, khi em xin đành mất anh,
Em đành sống quanh bao nhiêu kỷ niệm long lanh
Quạnh hiu sống… đôi tay trơ trọi trống không,
Mỏi mòn mắt trong, trái tim âm thầm…
Ngày tươi sáng khi đôi ta đầy luyến thương
Ta cười hát vang, ta ôm cuộc đời mênh mang…
Tình đã chết… nên em xin là bóng đêm
Đi tìm bóng anh… dưới trăng thanh…

Rồi cuộc đời, cuộc đời sẽ cuốn trôi
Với tiếng khóc với tiếng vui,
Cuộc đời ơi, cuộc đời đọa đày mà thôi…
Cuộc tình sầu, cuột tình mãi đớn đau
Cố níu kéo vẫn mất nhau,
Người tình đâu, tóc tang một màu…

Phụ lục 6: Apres toi/Vắng bóng người yêu, Thanh Lan (trước 1975)

 

Cũng theo ký ức của chúng tôi, trước năm 1975, hình như ngoài Thanh Lan đã không có nữ ca sĩ nào thu băng Apres toi / Vắng bóng người yêu. Nhưng sau năm 1975 thì trăm hoa đua nở, chỉ tính ở hải ngoại, đã có cả chục nữ ca sĩ thu CD, DVD lời Pháp & Việt hoặc lời Việt, như Ngọc Lan, Ngọc Huệ, Nhật Hạ, Kiều Nga, Thùy Dương…

Có một điều… thú vị (tạm gọi như thế) là cả nam ca sĩ E.P. cũng thu đĩa ca khúc này (lời Pháp & Việt), và theo sự hiểu biết của chúng tôi, anh là nam ca sĩ đầu tiên trên thế giới trình diễn Après toi – một ca khúc được viết chỉ để nữ giới hát!

Chỉ có điều E.P. đã đổi chữ anh/em trong lời hát thành em/anh; nghĩa là cô gái bị phụ tình trong ca khúc này đã được… đổi giống!

Chúng tôi còn nhớ có lần thi văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã lưu ý người hát về sự tự tiện đổi tính phái trong ca từ, nhưng cũng chẳng có mấy người chịu nghe!

Phụ lục 7: Vắng bóng người yêu, Ngọc Huệ

VIDEO:

Apres Toi (Vắng bóng người yêu) – Ngọc Lan

 

 Hoài Nam

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

 
 

 

Bài Mới Nhất
Search