T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: HÀNH HƯƠNG BA TÔN GIÁO TẠI CAMPUCHIA (2)

 clip_image002_thumb.jpg

 Nhà thờ cổ trên núi Bokor, Campuchia (*)

 (Tiếp theo và hết)

 Trở lại với ngôi nhà thờ cổ trên núi Bokor

 Tôi lui ra ngoài, rảo mấy bước ngoài sân. Phía chính giữa cuối nhà thờ thay vì cửa ra vào như các nhà thờ khác, thì ở đây là tường, giữa tường là cây thánh giá bằng gạch phủ một lớp vữa. Tôi lên đứng bên cạnh, đặt tay phải lên thanh dọc của thánh giá, biểu tượng của cuộc đời mỗi Kitô hữu là sự tương quan giữa họ và Thiên Chúa, như thể giữa thân cây nho và cành nho, không thể tách rời.

Lối tôi vào nhà thờ vừa rồi ở bên hông, không có cánh cửa vì tất cả là những khối gạch rất kiên cố. Mái nhà thờ vòng cung cũng là một khối liền nhau bằng bê tông, phủ rêu phong.

Đứng ở đây mà nhìn chung quanh, cảnh trí thiên nhiên thật đẹp. Rừng và núi, mây trôi và sương mù, tôi có cảm tưởng như mình đang ở trên cung đâu suất (chữ của Hàn Mặc Tử) chẳng muốn bước xuống đường trở lại cảnh đời.

Ở một gốc cây cuối sân nhà thờ, có cặp tình nhân trẻ đang ngồi với nhau. Họ chọn nơi này, qua bao nhiêu chặng đường, như chúng tôi vừa đi, để tỏ bày tình yêu với nhau. Thật diệu vợi nhưng cũng thật lý tưởng và chắc chắn là họ hạnh phúc.

Thật sự là tôi yêu mến nơi đây, không phải là một cảm xúc nhất thời, vì tôi không có ý tưởng nào về việc mong được ở lại. Điều này là không thể. Tuy nhiên, ngay hồi còn trẻ, tâm tư tôi thì vẫn hướng về những nơi thanh tịnh như thế này. Mặc dù thế, khi biết phải rời xa nơi này, tôi có dòng quyến luyến trong từng bước chân lúc lui xuống để trở về. Tôi bịn rịn, bước xuống thật chậm.

Chúng tôi về tới Trung tâm Rêbêca Á châu Kampot khoảng 11 giờ trưa, ngồi vào bàn tròn ăn bữa cơm thanh đạm rồi ai nấy về lều tranh, là một nhà sàn dành cho mình, trong mấy ngày đến đây.

Buổi chiều tôi thức dậy trễ, có lẽ do cảnh trí trung tâm này mát mẻ và thanh vắng, mặt khác là cả buổi sáng đi đường và lên núi Bokor gần 100km. Tôi xuống nhà ăn pha một ly cà phê sữa rồi đi một vòng nữa trong Trung tâm. Theo chương trình, ngày hôm sau chúng tôi lên PhnômPênh để đi viếng Đức Mẹ Mêkông.

LÊN PHNÔM PÊNH – VIẾNG ĐỨC MẸ MÊKÔNG

Từ Trung tâm RêbêcaÁ châu Kampot lên Phnôm Pênh khoảng 150km, chúng tôi đi trên chiếc xe hơn mười chỗ ngồi, rời Trung tâm từ sáng sớm, lúc 5g30’, tới nơi hơn 9 giờ. Chúng tôi về căn nhà của vợ chồng người anh em, đã ở từ khi sang Campuchia trên 10 năm nay. Chúng tôi chỉ còn ít giờ ở tại đây. Hơn nữa, chúng tôi còn đi viếng Đức Mẹ Mêkông trước khi lên xe đò về Sài Gòn qua ngả Mộc Bài, Tây Ninh, theo chương trình xe khởi hành từ Phnôm Pênh vào lúc 11g30’. Vì thế, gần tới nhà, vợ của người anh em đã gọi về bảo các con chuẩn bị mấy đĩa cơm để lúc chúng tôi về là có cơm ăn ngay.

Ăn xong dĩa cơm, chúng tôi ra đường lên xe Tuk Tuk, một loại xe đặc trưng tại Phnôm Pênh, chở 4 người là tối đa. Xe đi qua quảng trường lớn, có tượng đài Quốc vương Sihanouk, được đặt trong một tòa tháp nằm cạnh Đài Độc Lập, giữa giao lộ hai đường là đường Norodom và Sihanouk. Xe chạy một quãng nữa, tới bến phà. Tại đây phà qua lại liền liền hai bên bờ  sông Mêkông. Chúng tôi xuống phà. Nhà thờ nơi đặt Đức Mẹ Mêkông gần bờ bên kia, chúng tôi đi mấy phút là tới nơi.

Được gọi là Đức Mẹ Mêkông vì được vớt lên từ dưới lòng sông Mêkông. Có hai bức tượng được vớt lên ở hai thời điểm khác nhau, mỗi lần đều được báo mộng cho người ngoài Công giáo. Vì nhà thờ nhỏ, nên cả hai tượng Đức Mẹ được để bên ngoài nhà thờ. Bên cạnh hai tượng Đức Mẹ, có tấm bảng ghi bằng hai thứ tiếng, một tiếng Anh và một là tiếng Việt, nói về lịch sử hai tượng này. Chúng tôi ghi lại đây từ hai tấm bảng.

Ở tượng thứ nhất, vớt Đức Mẹ lên ngày16 tháng 4 năm 2008, ghi: “Lịch sử sơ lược về việc vớt Đức Maria Mêkông”:

“Một ngày kia có ghe đánh cá của dân tộc người Chăm, họ đánh chà rà cách xa bến đò Arey khsath khoảng 250m. Khi ấy lưới của họ đã mắc vào một khối sắt ở đáy sông.

Họ lặn xuống tháo gỡ chà rà, họ lấy dây buộc miếng sắt để kéo lên ghe nhưng không thể được. Họ liền đi báo cho anh em Việt Nam nuôi cá bè ở gần. Người nào cho họ 30.000 ria, họ sẽ trao khúc sông có khối sắt ấy cho mà lặn lấy sắt”.

Ngày 15 tháng 4 năm 2008, một nhóm gồm 8 người Việt Nam theo đạo Phật gồm: anh Thiệt, anh Liền, anh Độ, anh Hoa, anh Thu, anh Gấm, anh Phệt, anh Đề đồng ý cho người Chăm 30.000 ria để lặn tìm kiếm khối sắt bán lấy tiền nuôi gia đình.

Ngày đầu tiên lặn xuống họ chỉ tìm được một miếng sắt nhỏ dài khoảng 2,5-3m, phần còn lại vẫn còn chìm trong bùn dưới đáy sông.

Ngày hôm sau là thứ tư, ngày 16 tháng 4 năm 2008, họ gồm 8 người không thất vọng, họ tiếp tục bàn luận và góp ý kiến với nhau, rồi lấy máy bơm bắn xuống đáy khoảng 1,50-2m, lúc đó họ phát hiện được một khối sắt lớn, họ lấy dây cột lại và trục kéo lên ghe. Khi họ nhìn thấy cục sắt thì họ phát hiện ra tượng của một người phụ nữ. Họ đem về để trên bè cá của họ.

Lúc ấy, có người hàng xóm của 8 thợ lặn, tên là Lý, ông đã nhận ra bức tượng đó là của người Công giáo, ông liền báo cho ông Khui Chanh Đa là Kitô hữu thuộc họ đạo Arey khsath. Ông Khui Chanh Đa đến coi xem là tượng gì? Ông nhận ra đó là tượng Đức Maria. Ông liền nói với 8 người thợ lặn: “Đừng đạp bể, đừng đem đi đâu, để cho Ban hành giáo Arey khsath đến thỏa thuận rồi chuộc lại. Tượng này là tượng Đức Mẹ bên đạo công giáo chúng tôi. Hai bên đã đồng ý thỏa thuận rằng: Ban hành giáo bồi dưỡng cho tám người thợ lặn 2.000.000 ria. Vào khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, tượng Đức Mẹ được rước về đặt ở cuối nhà thờ của họ đạo Bãi Cải.

Đêm 16 tháng 4 năm 2008 một người trong tám thợ lặn tên là Thiệt thấy một hiện tượng lạ xảy ra, anh nhìn thấy tượng Đức Mẹ bay 3 đến 4 vòng trên bè cá của họ. Đêm hôm đó, anh không thể ngủ vì sợ có vấn đề xảy ra với gia đình. Sáng thức dậy, anh kể cho mọi người biết chuyện đã xảy ra đêm qua.

Sáng ngày 17 tháng 4 năm 2008, khoảng 7 giờ, tám người thợ lặn đến nhà thờ quỳ trước tượng Đức Mẹ Maria vừa vái lạy vừa van xin cho được bình an, xin Mẹ đừng chấp nhất đến sự thiếu tôn kính, những xúc phạm và thiếu hiểu biết của họ.

Khi đó Ban hành giáo đem số tiền 2.000.000 ria (hai triệu ria) trao cho họ, nhưng họ không nhận, họ xin dâng số tiền này cho nhà thờ. Chiều tối hôm đó Ban hành giáo đã làm một bữa tiệc đãi họ, và thời gian sau đó, Ban hành giáo đã mua gạo, mua mì gói và phân chia dần dần cho họ, cho tới khi hết số tiền ấy, vì họ là những người rất nghèo.

Ngày nay, tượng Đức Mẹ Maria Mêkông cao 1,50m, nặng 130 kg được đặt trên núi cao 1,80m, được giữ gìn và tôn kính tại nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình (thuộc họ đạo Arey khsath).

Bảng để bên cạnh tượng thứ hai, vớt lên ngày 19 tháng 11 năm 2012, ghi:

“Ông Phan Văn Hú sinh năm 1953, sinh sống tại xóm Arey-khsath, xã Arey-khsath, huyện Lvi-em, tỉnh Condai. Ông là người đạo Phật, từng làm nghề thợ lặn.

Đêm 18 tháng 11 năm 2012, ông chiêm bao thấy một tượng bằng đồng, giang tay, hình thù một người thanh niên to lớn. Người đó nói với ông: “Hãy vớt tôi lên, tôi đang nằm dưới đáy sông Mê kông, tôi ở gần nơi mà các người đã vớt Đức Mẹ lần trước”. Ông vội vàng đi vớt, nhưng tượng quá nặng, ông phải thuê máy cẩu để cẩu lên, hết ba trăm đô la Mỹ mà vẫn không vớt được lên. Nhưng chỉ là chiêm bao.

Sáng sớm hôm sau, ông ngồi quán cà phê của người hàng xóm là người Kitô hữu. Ông nói: “Hôm nay, tôi phải đi lặn vớt Chúa Giêsu vì đêm hôm qua tôi mơ thấy Chúa”. Mọi người nghe ông nói, nhưng chưa mấy ai đủ lòng tin. Ông gọi hai người con trai là anh Phan Văn Ì và anh Phan Văn Mận cùng ra khơi với ông. Đến nơi, ông chỉ chỗ cho hai con xuống sông mò tìm. Chỉ một lát sau anh Mận đã chạm vào tượng.

Ba cha con dùng máy bắn bùn ra khỏi tượng rồi lấy dây cột và dùng cẩu lắc cẩu tượng lên. Khi đưa tượng gần lên mặt nước, ông gọi điện cho ông Nguyễn Hoàng Anh là người hàng xóm cũng là cựu ban hành giáo họ đạo Arey-khsath (Bãi Cải) đến giúp ba cha con ông.

Vào lúc 12 giờ 38 phút ngày 19 tháng 11 năm 2012, tượng Đức Mẹ bồng Đức Chúa Con (Mẹ Thiên Chúa) cao 2,3m đã được đưa vào bờ sông Arey-khsath.

Tất cả người dân lương giáo trong xóm đổ xô đến ngắm nhìn sự kiện này. Khoảng 50 thanh niên hết sức đưa tượng Đức Mẹ lên bờ, đưa về nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình (Arey-khsath) để tôn kính.

Vào lúc 13 giờ chiều ngày 19 tháng 11 năm 2012, tất cả tín hữu trong họ đạo Bãi Cải hết sức vui mừng vì đây là lần thứ hai giáo xứ được đón tượng Đức Mẹ từ đáy sông Mêkông.

Ông Phan Văn Hú nói: “Khi vớt được Đức Mẹ lên ghe, tôi có cảm giác Mẹ không phải là bức tượng nhưng là một thân thể của một người đang sống như chúng ta, tôi vừa mừng vừa run. Lúc đó tôi thầm thĩ cầu xin Mẹ ban cho vợ tôi được khỏi bệnh.

Tôi xin dâng tượng Đức Mẹ cho nhà thờ, không tính toán hơn thiệt.”

Sau những phút chiêm bái hai tượng Đức Mẹ ở bên ngoài nhà thờ, tôi vào bên trong nhà thờ, đi thẳng lên Nhà Tạm, lặng lẽ cầu nguyện vắn tắt, hướng về quê với hai nữ tu trong nhà đang chuẩn bị khấn Trọn.

Kết

Việc Đức Maria linh ứng ở một địa điểm tại sông Mêkông bên Campuchia trên đây là sự kiện mới nhất chúng tôi được biết. Nhìn ra thế giới Kitô giáo, người Kitô hữu có những Trung tâm hành hương chẳng những để người tín hữu Kitô mà cả những người ngoài Kitô giáo, đến kính viếng Đức Mẹ. Ở đâu cũng đều có một lịch sử huyền nhiệm về việc Đức Maria hiển lộ.

Như ở Quebec (Canada), có đền thánh Đức Mẹ Cape. Hằng năm, vào mùa xuân và mùa hạ, cả triệu người tuôn về ốc đảo không gian xanh mát, khu vườn yên tĩnh này với ngôi nguyện đường có từ năm 1714 cùng bức tượng Đức Mẹ linh thiêng. Tại Mêxicô, năm 1531, Đức Maria hiện đến với một thổ dân tân tòng da đỏ, tên là Juan Diego, đang trên đường đi học giáo lý do các thừa sai Âu châu phụ trách. Diego đi trình bày sự việc với đức giám mục Juan de Zumarraga, nhưng lúc đầu ngài không tin. Vì thế khi Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai với người tân tòng da đỏ, Juan Diego xin Đức Mẹ cho một dấu chỉ, để có thể minh chứng cho Đức giám mục. Đức Trinh nữ Maria dạy Diego hái một ít hoa hồng tại chỗ. Đây là điều ngoại thường vì lúc đó là tháng chạp và nơi đó toàn đá. Diego hái được một ít hoa hồng và cho vào áo choàng đem về. Khi ông mở áo để trình hoa cho Đức giám mục thì thấy một hình Đức Mẹ đã được in trên tấm áo. Từ đó, hình ảnh này được các tín hữu Mêxicô tôn kính tại Guadalupe (Theo Từ điển Đức Mẹ của An-phong-sô Bốt-sa, S.M.M. Dịchgiả: Matthia M. Ngọc Đính, C.M.C). Người tín hữu Kitô còn thấy Đức Mẹ xuất hiện ở nhiều nơi khác, như Knock (Kơ-nốc), Ái Nhĩ Lan (1879); La Salette, Pháp (1846) v.v…Nổi danh là Lộ Đức (Pháp), là Fatima (Bồ Đào Nha). Tại Lộ Đức năm 1858, thụ nhân là trẻ nữ Bernadette. Đức Mẹ hiện ra xưng mình là Vô Nhiễm. Còn Fatima, năm 1917 Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ. Trong đó có Lucia 12 tuổi, là thụ nhân sống mãi đến ngày 14-2-2005 mới về trời, ở tuổi 97. Ngoài những lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima năm 1917, năm 1925 và 1929, Lucia lại được Đức Mẹ hiện ra với mình.

Còn tại Việt Nam, có các Trung tâm hành hương kính viếng và cầu nguyện với Mẹ Maria, như La Vang, (Quảng Trị); Trà Kiệu, (Qui Nhơn). Hai địa danh này ghi dấu thời cấm cách dưới triều nhà Nguyễn. Về miền Tây, có La Mã, một họ đạo thuộc Bến Tre. Năm 1950, quân Pháp bố ráp vùng Bầu Dơi (tên cũ của La Mã), bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại nhà một giáo dân là Nguyễn Văn Thành bị mất, vì nhà anh bị phá nát. Ba tháng sau, một đạo hữu Cao Đài là Võ Thị Liền, đi xúc cá, tình cờ gặp được bức ảnh dưới một con rạch. Bức ảnh còn đủ kính nhưng đã phai mờ hết mầu, không còn hình dáng gì hết, chỉ toàn mầu bùn lấm lem. Bà lão tri hô lên và nhiều người xúm lại, nhận ra là bức ảnh để tại nhà anh Thành. Anh nhận lại bức ảnh, nhưng vì lem luốc nên dùng che mưa nắng nơi vách nhà bị thủng. Ông biện tên là Hạt thấy bất kính nên đem về nhà mình đặt trên tủ bàn thờ.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi ngày 7-10.1950, Bầu Đơi lại một lần nữa chìm trong khói lửa, dân làng chạy trốn hết. Nhà ông biện Hạt cũng bị bắn phá tan nát. Ông Hạt và người con út 14 tuổi không kịp chạy, nấp phía sau một tấm liếp trong nhà. Hai cha con ông Hạt luôn miệng kêu cầu Đức Mẹ. Sau cơn bố ráp, hai cha con chạy ra, thấy nhà cửa tan hoang, cột kèo xiêu vẹo, duy có bàn thờ là không sao. Hai cha con thoát chết, chạy đến trước bàn thờ cám ơn Đức Mẹ. Ôi lạ quá! Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ở dưới bùn hơn ba tháng đã phai nhạt hết, nay phút chốc lộ hình ra tốt đẹp và xinh tươi lạ lùng, ngoại trừ hai mũ triều thiên thì đến ngày 15 tháng 8 năm 1951, lễ Đức Mẹ Mông Triệu mới lộ rõ (Sđd). Từ đó nơi đây trở thành trung tâm hành hương, giáo hữu rủ nhau đến với Đức Mẹ. Còn Đức Mẹ Tà Pao, Phan Thiết, Đức Mẹ Núi Cúi, giáo phận Xuân Lộc cũng là hai trung tâm hành hương lôi cuốn nhiều tín hữu đến kính viếng và cầu nguyện.

Khải Triều

(Tháng 5-2018)

 

——————

Ghi chú hình: Hai lữ khách. Người đi sau là tác giả

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search