T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Từ đặc khu kinh tế đến luật an ninh mạng

amnesty-international_inter

Ảnh (Internet)

Đất nước đang bị nhà cầm quyền CS đẩy đến bờ vực thẳm của nô lệ giặc Bắc phương, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0,  qua các dự án về đặc khu kinh tế và bức màn sắt của ngục tù của đêm đen của ngu dốt bởi luật an ninh mạng đã được cái gọi là Quốc hội bấm nút thông qua, với đa số ủng hộ.

Vậy là đã rõ, bức màn sắt đã chính thức dựng lên trên mảnh đất hình chữ S này một lần nữa. Điều này thì người dân không còn lạ lẫm gì, không còn ai ngạc nhiên. Bởi cái cơ cấu “quyền lực cao nhất của đất nước” này, cũng đều là những tay đảng viên được cơ cấu hóa, nên họ phải cúi đầu thôi. Bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thì  nói: Bộ chính trị đã quyết rồi thì quốc hội phải làm luật. Như vậy, bà mặc nhiên công nhận cái tổ chức “quyền lực cao nhất nước” trong chế độ này chính là Bộ Chính Trị! Mấy trăm ông bà “đại biểu” chỉ là những con robot.Còn phó chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu nói: “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Phải rồi, từ hơn nửa thế kỷ nay, người dân Việt đã quá khổ đau vì những cái “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, từ mảnh đất của ông cha, từ nền tảng văn hóa truyền thống bị tước đoạt, bị hủy diệt. Con người từ nếp sống nhân nghĩa đến “súc vật hóa”, từ thời đại nhân văn đến “thời đại đểu cáng lên ngôi”.

Tôi tình cờ đọc được một bài thơ có tựa đề: “Coi như một tham luận về nhân dân” trên tờ Văn Nghệ Hội Nhà Văn Việt Nam, tháng 2-1990, tác giả là Nguyễn Hiếu.

Bài này có 4 đoạn, tôi trích dẫn đoạn I và III:

Nhân dân là ai?

là tất cả chúng ta

là anh là em

là người ăn mày lang thang ngoài ngõ

là kẻ đi xe cúp phóng ào ào trên đường phố

là tất cả trăm quả trứng trong bọc Mẹ Âu Cơ

là Thạch Sanh

là Hoàng Trừu

là con Tấm là Già Đa

là hai triệu rưỡi người chết đói năm Bốn Lăm

cũng là đoàn người năm Ất Dậu hớn hở đi biểu tình

là kẻ xếp hàng chen lấn khi đong gạo

cũng là ngườ hoan hô đón các vị nguyên thủ

là bác đạp xích lô áo rách

là anh lính đứng nghiêm trang trước Lăng Bác

là kẻ nằm la liệt trước nhà ga

cũng là người đào hầm giấu cán bộ

là người vác cả cỗ hậu sự

đem lát đường cho xe qua

cũng là người đào đá trên đường tàu về xây nền nhà

là kẻ bỏ chiếc nhẫn cuối cùng cho tuần lễ vàng

và mong ngóng nhỏ nhoi hai con số đề mỗi khi chiều về

là kẻ to mồm nhất khi xem bóng đá

và lặng im như thóc khi ngồi giữa hội trường

là anh lính cởi trần giữ đảo Trường Sa

anh bộ đội ăn đói ém mình trên chốt 412

Nhân dân khom lưng cấy lúa

ăn vội vàng miếng cơm quá nhỏ

để kịp vào ca

và ở trong những căn nhà bé nhất

trong chiến tranh là kẻ đi đầu

ngày hòa bình thì hưởng cuối

trong chiến tranh mở hết lòng mình để đón mọi người

hòa bình về chỉ xin một việc làm phải đi đủ trăm cửa

Nhân dân làm nên mọi việc tầy trời

nhưng bị bắt bẻ trong từng chữ ký…

 

III

 

Hôm nay nhân dân vẫn bị tấn công

trên tàu trên xe

trong cửa hàng bách hóa

bằng giá cả mỗi ngày một tăng

bằng vi-đê-ô nhảm nhí nhố nhăng

bằng sách trinh thám và vụ án

bằng ước vọng xa xôi, đỏ đen

trong tiếng nhạc xập xình xổ số

bằng sự đập vỡ đền chùa và những tấm bia

bằng sự lãng quên dần những làn quan họ

quên dần những ngày hội, buổi vào mùa

cây đa giếng nước mất dần

bằng sự dối lừa và ngon ngọt

che đậy lòng tham của các “quan đồng chí”

vơ vét và đục khoét

miệng vẫn lầm bầm “nhân dân”

Hôm nay,

Ngay cả những em học sinh phổ thông, lúc biết luật an ninh đã được thông qua, các em đã liên lạc ngay với nhau, chỉ với ba từ: ĐÃ BẤM NÚT! Có em nói, con phải cố học để có học bổng ra ngoài học, sau đó sẽ đưa cha mẹ ra nước ngoài sống, tránh cái xã hội này.

Tôi rất ngạc nhiên điều này, vì trong đời tôi, đây là lần đầu, tôi nghe những lời phản đối về một điều luật liên quan trực tiếp đến những sinh hoạt tinh thần, có thể nói của một thế hệ còn trong tuổi đến lớp.

Rồi các em chuyển cho nhau xem một bài văn ngắn đọc được trên mạng, nói về việc Trung Quốc tẩy não người dân bằng an ninh mạng.

Sau đây là nguyên văn:

“Với kiến thức hạn hẹp của mình, tui chỉ viết lại qua trải nghiệm thực tế của hai lần sang Trung quốc với mục đích du lịch, nên có thể không hiểu hết, hoặc không biết hết, chỉ share lại để có thể mập mờ đoán về một tương lai an ninh mạng ở VN.

Lần đầu sang TQ tui đi Thượng Hải, Bắc Kinh, Hàn Châu, Tô Châu. Lần sang TQ gần nhất, tui đi qua Đại Lý, Côn Minh, Lệ Giang, Lugu, Shangri-La. Vì chưa tìm hiểu trước, nên khi vừa bay đến Côn Minh đã vô cùng hoảng hốt vì không thể truy cập được facebook, google, instagram, google play, google map, Apple Store, Viber, youtube…… Chỉ duy nhất một thứ vào được trong điện thoại là Zalo.

May trong nhóm 3 đứa tui có một đứa gốc Hoa, tụi tui đi hỏi vòng quanh sân bay, những người làm dịch vụ, là những người tiếp xúc thường xuyên với du khách quốc tế nhất, nhưng tụi tui hoảng hốt hơn là tất cả đều hỏi: “facebook, google là cái gì vậy?”
Đường phố hay tất cả các hàng quán đều sử dụng duy nhất chữ viết tiếng Hoa và không có chữ cái Latinh, mặc dù lúc book phòng khách sạn ở VN thì tui vẫn thấy ghi tên KS bằng chữ Latinh, hay trước đây vẫn dò đường bằng google map…. thì qua đây tui như người câm, điếc, và mù.
Ở đây họ xài Baidu thay google, Wechat thay Facebook,…. không chỗ nào chấp nhận thẻ visa thanh toán tiền, tóm lại tất cả những ứng dụng cả thế giới đều sử dụng, thì người TQ không phải không xài mà là KHÔNG BIẾT TỚI.

Nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè qua Zalo, sau gần 2 ngày trời sống tách biệt với nhân loại, cuối cùng chỉ duy nhất một cái  Iphone của bạn tui đã có thể tải được ứng dụng bẻ khóa VPN để vào facebook. Khi mở app facebook, sau vài chục giây như hàng chục thế kỷ chờ đợi, một tiếng ” ting ” thông báo quen thuộc vang lên, 3 đứa tui ôm nhau gào khóc ngoài sân bay như 3 con điên. (Đang chuẩn bị bay sang Lệ Giang). Sau đó 3 đứa tui phải thay nhau sử dụng bằng một chiếc điện thoại đó suốt chục ngày trời.

Tất cả những thông tin trong nước và quốc tế đều phải qua bàn tay nhào nặn từ chính phủ.

Search một số sự kiện thì ra thế này:
-Thảm sát Thiên An Môn 10.000 người chết: thì bên này chỉ có hình ảnh người dân đang đi dạo
– Các từ khóa : Lục Tứ, chiến tranh biên giới Liên Xô-TQ, sự kiện 709 (là sự kiện chính quyền Trung Quốc bắt và sách nhiễu ít nhất 319 người đấu tranh nhân quyền vào tháng 7/2015), hay những từ khóa cơ bản như: dân chủ, nhân quyền, lưu vong, ĐCSTQ, Độc lập Tân Cương, độc lập Tây Tạng, Đạt lai Lạt ma, Đàn áp ở Tây Tạng… tất cả đều 0 kết quả.

-Và những sự tẩy não khủng khiếp như truyền thông Trung Quốc đã liên tục đưa ra các tin tức giả mạo để phỉ báng môn tu luyện Pháp Luân Công, khiến người dân ác cảm và thậm chí cả thù hận. Người dân chỉ biết tin và nghe theo những gì được tuyên truyền mà không hề hay biết rằng đằng sau đó những người tập Pháp Luân Công đã bị bắt giam, tra tấn, khiến hàng triệu người mất tích hoặc chết một cách bí ẩn vì bị mổ nội tạng.
Khi tui đến Shangri-La nhận phòng hotel, một đám thanh niên chủ hotel ngồi ăn nhậu, một người ra check in, xem passport xong thì hỏi:
-Mày người Thái Lan à?
– Không, passport ghi Việt Nam mà.
-Vậy hả, nhưng có phải mày là người Thái Lan không?
-Không, Việt Nam, là Việt Nam.
-À, mày là người Việt Thái à?
Sau một hồi giải thích nó mới chịu là người VN, nhưng vấn đề, không phải nó không biết, mà NÓ BIẾT. Ngay sau đó nó kêu cho xem một tờ tiền VN, bạn tui móc ra tờ 100k. Nó nhìn xong nói: “Tiền nước mày hình như có in hẳn mấy tờ mệnh giá 1 triệu, 5 triệu, 10 triệu luôn hả, hay mỗi lần mua đồ mày phải xách theo một bao tiền?”. Xong cả đám đó lăn ra cười hô hố.
Lúc đó tui không hiểu sao chúng nó cười, lúc lên phòng, bạn tui dịch lại tui mới cảm thấy điên máu, kêu con nhỏ bạn tui cùng đi xuống đó chửi vào mặt nó một trận, nhưng bạn tui không chịu.
Chứng tỏ rằng, nó hoàn toàn biết, và ý của nó là tờ tiền VN không có giá trị.
Tui nhớ đến năm 2015, ở TQ có cho ra một bộ phim hoạt hình gọi dân VN là một lũ khỉ. Nên thông tin ở TQ nói về VN như thế nào, về thế giới như thế nào, bẻ cong sự thật, tẩy não người dân thế nào? Thì chỉ họ mới biết. Nhưng qua cái đám người cười hô hố vào đồng tiền VN đó, tui có thể hiểu họ bị gieo rắc vào đầu những thứ chẳng mấy tốt đẹp.
Ngày cuối cùng bay về VN, cả cái sân bay bự chà bá với hàng ngàn người xí xa xí xồ chen lấn xô đẩy, tất cả đều là người TQ, tuyệt nhiên cả cái sân bay, 3 đứa tui là 3 khách ngoại quốc duy nhất, cả chuyến bay của tui cũng vậy.
Đứng xếp hàng ngay ngắn ở cửa ra máy bay để nhân viên soát vé, thì một đám hàng chục bô lão TQ kéo tới chen lấn đẩy tụi tui tuốt ra phía dưới, đẩy tui té ngã, sau đó một tốp TQ khác kéo tới chen lấn hỗn loạn như cái chợ. Nhân viên soát vé bình thản như chuyện thường ngày ở huyện. Tụi tui thầm nghĩ ” What the fuck !”
Ngay lúc đó, tui đã post lên FB một câu “Tui thề không bao giờ trở lại TQ nữa, vì hệ thống nhà vệ sinh đầy cứt đái vương vãi, không nước không cửa không bàn cầu, chỉ là một cái rãnh, họ có thể vừa ỉa vừa nhìn nhau cười nói huyên thuyên với đủ thứ bài tiết hầm bà lằng xung quanh, không chỉ nhà vệ sinh công cộng, mà ngay cả nhà hàng cũng tương tự, và vì tui quá sợ hãi bởi sự bưng bít thông tin, bẻ cong sự thật của chính phủ, và vì người dân TQ họ chả biết con mẹ gì ở thế giới ngoài kia, họ tin mình là bá chủ thiên hạ, họ tin TQ là đất nước hùng mạnh nhất thế giới??? Họ chả cần học tiếng nước ngoài, họ tin vào những điều truyền thông TQ tuyên truyền, vì thực ra họ chả có cái gì để so sánh, họ cứ ngang nhiên chen lấn, khạc nhổ, mỉa mai người khác như cái cách mà cả thế giới đang nhìn về họ. Nhưng, họ không biết, không ý thức, họ ngồi trong cái giếng quá lâu mà họ vẫn hãnh diện với điều đó.
Tui chỉ cảm thấy rợn gai óc về sự khủng khiếp của việc tẩy não thông qua an ninh mạng. Rồi tương lai con cháu của chúng ta sau này, sẽ như thế…

(Nguồn: Facebook)

Vậy là:

Ba quyền của công dân là:

-Quyền riêng tư  và bí mật thư tín

-Quyền tự do ngôn luận

-Quyền sử dụng Internet bị tước đoạt.

DỰ ÁN BA ĐẶC KHU KINH TẾ

Rõ ràng là trong tính toán của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam về dự án lập ba đặc khu kinh tế tại ba địa điểm trọng yếu về mặt an ninh của đất nước là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, sẽ gặp chống đối của nhân dân, cho nên, để bịt mắt, bịt miệng của nhân dân, họ đã tung ra luật an ninh mạng, để dự án này diễn tiến theo con đường mà Tập Cận Bình đã vạch ra cho nhóm ở Ba Đình.

Vấn đề trên đây nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng tôi, nhưng để mở rộng dư luận và đóng góp vào những nỗ lực chung của mọi thành phần trong và ngoài nước nhằm mục đích tối hậu là bảo vệ từng mảnh đất thiêng của Tổ quốc, không để lọt vào tay kẻ thù Bắc phương, nên chúng tôi ghi lại đây một vài ý kiến của những tập thể và chuyên gia kinh tế về dự án nêu trên.

Trước hết là ý kiến của Hội đồng Giám mục Việt Nam, gửi Quốc hội ngày 8 tháng 6 năm 2018.

Bản văn viết, sau khi tham khảo ý kiến đóng góp tâm huyết và khoa học của các nhà chuyên môn, và thấu hiểu nỗi lo lắng của đa số người dân, Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nêu lên 5 lý do sau đây để yêu cầu Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu:

1.Mô hình đặc khu hành chính-kinh tế đã lỗi thời và không còn phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện đại trên thế giới ngày nay, nhất là trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, mà Chính phủ Việt Nam đã xác định là định hướng ưu tiên của nền kinh tế Việt Nam;

2. Những quy định ưu đãi quá lớn về thuế quan, thời gian thuê đất, ngành nghề kinh doanh, như được nêu trong Luật Đặc Khu, dường như chưa được nghiên cứu, phân tích và phản biện về chuyên môn một cách cẩn thận và rộng rãi, hầu có thể đánh giá đầy đủ hiệu quả kinh tế mang lại cho nền kinh tế quốc gia, trong khi chắc chắn chỉ mang lại lợi nhuận vượt trội cho giới đầu cơ nước ngoài và các nhóm lợi ích trong nước;

3. Về lâu dài, yếu tố quan trọng nhất của một môi trường đầu tư tốt và hấp dẫn giới đầu tư ngoại quốc trong phạm vi quốc gia chính là những chính sách kinh tế đúng đắn, nền tảng luật pháp chuẩn mực, bộ máy hành chính hiệu quả, và hệ thống tư pháp công minh, chứ không phải là các ưu đãi nhất thời tại một khu vực riêng biệt nào đó;

4. Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là các vùng đất và vùng biển quan yếu về quân sự và quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên tiến hành chính sách gây hấn trên Biển Đông, chiếm giữ hải đảo và ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự áp sát bờ biển Việt Nam;

5. Nhiều năm gần đây sự thao túng và thâu tóm của các thương nhân, nhà thầu và nhà đầu tư Trung Quốc về thương mại, đấu thầu, đầu cơ, mua chui đất đai hàng loạt với diện tích lớn trên cả nước, cùng với sự tràn ngập công nhân Trung Quốc tại các khu công nghiệp, đã tạo nên nhiều vấn nạn kinh tế và xã hội nan giải cho các chính quyền địa phương ở khắp nơi, và chắc chắn sẽ lại tái diễn tại các đặc khu trong tương lai.

Chúng tôi thiết nghĩ để thông qua một dự luật quan trọng với ý định mang lại cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân, song lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia như Luật Đặc Khu, cần thiết phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của toàn dân. Do đó, dự luật nên được đưa ra thảo luận rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt cần được các nhà chuyên môn góp ý phản biện khoa học, và cuối cùng phải được thông qua bằng một cuộc trưng cầu ý dân theo luật định.

Một vài ý kiến của Hội đồng Giám mục Việt Nam trên đây, cũng thấy trong một số bài báo khác về cùng vấn đề. Tuy nhiên ngôn từ trong các bài báo đó mạnh mẽ hơn và có vẻ thất vọng về dự án ba đặc khu, vì lẽ họ như  không tin sự phản kháng của dân chúng có thể khiến nhà cầm quyền CSVN hủy dự án này. Bởi đó là một vấn đề chính trị chứ không phải chỉ thuần kinh tế. Thí dụ, trên trang mạng VietCatholic News, ngày 10-6-2018, có bài của Phạm Trần qua cái tựa đề: “Đặc khu kinh tế hay mồ chôn tập thể”? Còn trên trang Dân Làm Báo ngày 4-6-2018 thì có bài “Đặc khu” hay “Nhượng địa”-Âm mưu đánh tráo khái niệm”.

Những ý kiến tiếp theo về các đặc khu là của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, trả lời phỏng vấn của nhà báo Đoàn Bảo Châu. Báo Tiếng Dân đã gỡ băng video clip của cuộc phỏng vấn và tải đăng lên báo này ngày 5-6-2018. Những trích dẫn dưới đây, chúng tôi sử dụng từ Báo Tiếng Dân. (Các dòng chữ nghiêng là do chúng tôi, KT)

Các đặc khu có cần thiết nữa không?

Bà Phạm Chi Lan cho biết:

Chúng tôi cũng thấy trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa hiện nay, trong bối cảnh VN đã tham gia FTA, Hiệp định Thương mại Tự do với các nước khác nhau trên thế giới, với những cam kết rất cao về mở cửa thị trường ở VN về tạo thuận lợi cho nhà đầu tư từ các nước đến làm ăn kinh doanh với VN, thì những mô hình như đặc khu kinh tế thực sự không cần thiết nữa.

Thứ hai nữa là, những đặc khu đó được đưa ra trong dự thảo luật cùng với các văn bản, phụ lục kèm theo, đưa ra những lợi ích vô cùng to lớn cho các nhà đầu tư vào đó, thì điều đó trái với những cam kết FTA của VN để tạo môi trường bình đẳng cho các nhà đầu tư khác nhau trên mảnh đất VN. Và đặc biệt nó gây hiệu ứng chèn lấn đối với doanh nghiệp VN, đối với công dân VN, về rất nhiều việc mà vốn dĩ luật pháp chưa cho người VN làm trên đất nước mình, thì lại mở ra cho người nước ngoài làm.

 Mối lo Trung Quốc:

Tôi nghĩ là đối với VN, là nước kề cận TQ mà như tôi đã nói từ đầu về tham vọng của TQ đối với VN không phải che giấu, thì đương nhiên nó gây nên mối lo lắng trong bất kỳ người dân VN nào có tinh thần dân tộc hoặc biết lo lắng đến vận mệnh của đất nước, đến tương lai của con em, mối lo là TQ có thể là những nhà đầu tư chính trong các đặc khu này. Cũng có thể là ban đầu họ chưa vào nhiều đâu, bởi vì họ có thể mang danh là nhà đầu tư VN, mang danh là nhà đầu tư đâu đó, trong thế giới hiện nay, với việc chuyển tịch rất nhanh của dòng vốn đầu tư của những người chủ, từ ông chủ A sang ông chủ B rất dễ dàng nhanh chóng, với những hình thức như mua lại, sáp nhập, rồi mua bán với nhau. Và quyền tự do đặc khu dành cho các nhà đầu tư về mua bán doanh nghiệp đó, rất có thể chỉ là một số năm ít ỏi thôi. Chưa chắc đã cần chờ đến 50 năm, 70 năm hay 99 năm đâu, thì các đặc khu này có thể rơi vào tay người TQ ở mức độ rất cao, đến mức họ khống chế hoàn toàn. Đấy là điều thật sự tôi lo lắng.

Mối lo về vai trò của Trung Quốc thì không chỉ ở VN, nhưng gần đây ở các nước như Sri Lanca chẳng hạn, tiếp nhận đầu tư từ TQ vào một cảng biển, cuối cùng không có tiền trả cho TQ và phải bán toàn bộ quyền sử dụng, khai thác cảng biển đó cho TQ, là bài học đau đớn mà nhiều nơi đã nhận thấy. Châu Phi chẳng hạn, cũng tiếp nhận rất nhiều dự án đầu tư của TQ, để trở thành con nợ của TQ, đó là điều mà ai cũng lo sợ.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như thế này, thì không có những ngành nghề, những lĩnh vực gì nó kéo dài quá lâu. Nếu VN cứ mong muốn là dùng những chính sách ưu đãi thật nhiều, kéo dài thật lâu về thuế, về tiền thuê đất, về thời hạn sử dụng đất…thì những cái đó cũng vô nghĩa. Trong thời đại hiện nay, nó không có tác dụng thực sự với những người đầu tư sử dụng công nghệ mà tuổi thọ hay vòng đời của các sản phẩm nó ngắn lại rất đáng kể và nó phải thay đổi liên tục để cạnh tranh, trong khi đó nó lại chỉ tạo cơ hội cho những người đầu cơ, đặc biệt là đầu cơ trục lợi trên đất đai.

Việt Nam đi về đâu?

Về các cuộc biểu tình trong ngày 10-6-2018, Ông Phạm Chí Dũng viết:

“Hành động tháo chạy của lực lượng  “còn đảng còn mình” trước đoàn biểu tình phẫn nộ của dân cho thấy không chỉ là sự bất xứng về tương quan số đông, mà còn là xuất phát từ tâm trạng công an sợ bị người dân trả thù.

Với số lượng người biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người tại Sài Gòn và diễn ra trên hơn 50% tỉnh thành ở Việt Nam, cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Rất nhiều công an từ cao xuống thấp đang cảm nhận ngày càng rõ về hồi chuông báo tử đối với chế độ đang vang rền những tiếng quyết định. Chẳng còn bao lâu nữa…

(Nguồn: Bauxite Việt Nam ngày 12-6-2018)

Khải Triều

 

 

©T.Vấn 2018

Top of Form

Bottom of Form

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search