T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Kim Thuý: sống sót – sống – yêu

(Nguồn: Văn Việt)

Josée Lapointe, http://www.lapresse.ca/arts/livres/entrevues/201304/05/01-4638023-kim-thuy-survivre-vivre-aimer.php

Nguyễn Quang Bình trích dịch

Kim Thúy... (Photo: Martin Chamberland, La Presse)

Kim Thúy

Ảnh: MARTIN CHAMBERLAND, LA PRESSE

Với Mãn, tập truyện thứ hai của chị, Kim Thuý chứng tỏ rằng chị không phải là một nữ văn sĩ chỉ viết độc một cuốn rồi thôi. Không những chị tồn tại trải qua bao nhiêu thành công nhờ tập truyện đầu tay Ru, tạo hứng cho chị suốt từ khi nó ra đời, mà còn biểu lộ rằng chị kể chuyện về người khác hết sức tài tình – đó là câu chuyện của những người di tản, gia đình của họ, khát vọng và kể cả những chối bỏ của họ.

Mình cảm nhận rằng Mãn có chuyện riêng tư hơn Ru, trong khi Ru hầu như là những tư liệu được ghi chép lại và ở đó cho phép mình được cái quyền quan sát. Còn trong Mãn, mình bộc bạch chuyện riêng tư nhiều hơn, vì mình nói về chuyện yêu đương và cái nhìn riêng của mình. Mình không muốn chọn cách lặn ngụp, tìm tòi, để hiểu điều các nhân vật cảm nhận.”

Trước khi Mãn được trình làng, đây cũng là cuốn sách được được công bố đình đám nhất trong năm văn học, thì đã từ lâu trước đó, Kim Thuý đứng ngồi không yên… âu cũng là bình thường. Nhưng ta phải lưu ý rằng thêm một lần nữa, có một sự tương phản lạ kỳ giữa cái vẻ đẹp ngồn ngộn và sống động với sự thinh lặng, kín đáo, những hàng chữ thuần khiết do chính chị viết ra. “Thật đó, khi mình viết, chính là thời gian duy nhất tịnh yên của đời mình,” chị bộc bạch thế. Giữa hai Kim Thuý, đâu là Kim  Thuý thật? “Nhưng mà mình thích cả hai! Ai cũng có quyền được nhiều, thì âu như vậy con người mới thấy thú vị. Chúng ta có nhiều mặt, và mặt nào cũng phải đánh bóng cho nó sáng lên chứ.”

Trong Mãn, chị mô tả các khía cạnh khác nhau của một người di tản xoay quanh nhân vật chính, một phụ nữ đến Québec vào lứa tuổi trưởng thành sau khi lấy chồng người Việt Nam đã định cư trước đó. “Trong Ru, cô bé trở thành dân Québec vì cô đến đó thời còn rất nhỏ. Trong Mãn, vì cô còn gốc gác Việt Nam, cô ta phải học và trau dồi văn hoá của Québec”.

Khi đào sâu phía sau nền văn hoá “khu biệt” của cộng đồng người Việt, Kim Thuý kể cho ta nghe nhiều cấp độ khác nhau của quá trình hội nhập, không phải ai trong cộng đồng cũng giống nhau, mỗi người một câu chuyện riêng về cách họ tới Québec, ở đó mỗi người một cảnh đời. Vì chưng sau hình ảnh trơn tru mà người phụ bàn trong quán phở có gốc từ xứ Bắc Kỳ Việt Nam cho ta thấy ẩn chứa một cuộc đời kỳ thú.

“Muốn phát hiện nó, phải kéo phăng các cây cầu ngăn cách. Đôi khi mới hỏi vài câu là đã thấy gai góc rồi.” Nhưng mình nghĩ là không được đặt họ vào tình huống như thử là những con thú trong rạp xiếc. “Tôi muốn vinh danh họ và cả nền văn hoá của họ bằng cách xóc lên hết các khác biệt vốn có. Nhưng mình hy vọng cuốn truyện này cũng nói được rằng khác biệt gì đi nữa cũng có cách ngồi gần với nhau”.

Và nhất là các khác biệt ấy sẽ biến mất khi có tình cảm với nhau chân thành sâu đậm. Với Kim Thuý, tình yêu, như là nỗi đau mất mát, không so sánh được – không có gì thật hơn, vĩ đại hơn và cao quý hơn. “Khi khai bút cho cuốn sách, mình cũng không biết liệu có câu trả lời cho vấn đề này không. Nhưng rồi nó đến theo cách nghĩ như thế này đây: tình yêu là tình yêu, dù nó có được nói ra hay phải chịu chắt chiu trong thầm lặng.”

Trong Mãn, tình mẫu tử, tình bằng hữu, tình huynh đệ, tình yêu dục vọng, tất cả đều là tình yêu theo cấp độ tăng dần nhằm giúp cho nhân vật chính khai hoa và phát tiết. Dù cho cả khi cô hy sinh tất cả đam mê của mình vì gia đình. “Điều rực rỡ nhất chính là cô học yêu, học cách làm sao để khiến chồng cô nựng nịu yêu chiều con cái, học làm sao cho nhu mì dịu dàng nhưng cởi mở.”

Kim Thuý, nói theo một cách nào đó, đã đi trên cùng đoạn đường với nhân vật trong truyện của chị: mỗi bước đi trước là cần thiết cho đoạn tiếp sau. “Ru, là sống sót. Gởi bạn [thư chị tâm tình với nhà văn Pháp-Thuỵ Sỹ Pascal Janovjak], là sống. Mãn, là yêu. Đến đây mình mới biết chút chút mình phải làm gì, dành thời gian đi sâu hơn vào trong các cảm xúc. Đó là một cách mạn phép để nói về cái đề tài xưa nhất của thế giới này. Từ này, ai diễn đạt sao cũng được, nói mấy cũng không cùng.”

Kim Thuý xử lý việc ấy một cách nhẹ nhàng tế nhị, có khi ngay cả trong ý tứ nằm dưới các hàng chữ. Mãn được dựng bằng những chương rất ngắn, đề mục của những chương ấy chỉ khắc độc một chữ, bằng tiếng Pháp và được dịch sang tiếng Việt. Kết quả nó như là một tấm vải phủ, còn bức tranh ấn tượng người thưởng lãm chỉ hiểu trọn khi đọc đến cuối.

“Phải dẫm chân trên đá, như bước đi trong một khu vườn Nhật Bản. Ta không biết đi đâu, đôi khi xoay quanh một thân cây nhưng chẳng biết để làm gì, rồi lượn qua lượn lại ba vòng vườn mới đến cuối đàng kia…”. Nhưng nếu có ai cho rằng viết theo cách ấy là theo cấu trúc giải toả chia chẻ ra, chị lại cười đùa. “Khi mình viết, mình để tâm hồn đi theo làn khói mỏng, bấy giờ tôi lại về tôi. Đấy là cái nhịp bên trong đưa mình đi kia mà.”.

Vậy bây giờ Kim Thuý muốn cuộc ngao du thế nào đối với Mãn? Đấy là chuyến ngao du giúp cho chị thăm hết mọi người đã từng yêu Ru và chị đã từng gặp – cuốn sách đã đến Pháp, đến nhiều vùng nói tiếng Anh của Canada, tới Đức và Thuỵ Điển. “Quá xá lạ, nhưng thấy cũng khoái chứ! Chính độc giả quyết định: chính họ mang Ru đi xa. Nhưng mình không mong nó như thế. Chắc không xảy ra lần thứ hai nữa đâu. Vả lại, có lẽ Ru đã có cuộc sống riêng, ngoài tưởng tượng của mình. Nếu không thế, mình đâu có thể tiếp tục được như thế này nữa”.

Bài Mới Nhất
Search