T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đào Dân: Thơ Đỗ Quảng

                          Vũng Tàu – Ảnh: Lưu Na

 

Trong số anh em Hải quân, nhiều người biết Đỗ Quảng là một nhà thơ. Tuy thơ Đỗ Quảng làm không nhiều, chỉ dăm ba chục bài, đặc biệt những bài thơ anh làm khi còn ở quân trường. Thơ Đỗ Quảng không phổ biến rộng trên toàn quốc, vì ngoài một số bài đăng trên báo văn học ở Sài Gòn, phần lớn chỉ đăng trên báo chí Hải quân. Và tôi tuy rất yêu những bài thơ của Quảng, nhưng nếu không có một tình cờ may mắn, tôi đã không còn nhớ được thơ Quảng mấy câu. Số là tôi và Quảng, sau khi cùng đi thực tập trên một chiến hạm Mỹ về, cùng được bổ nhiệm làm đại đội trưởng cho các sinh viên sĩ quan Hải quân đang học Anh ngữ chuẩn bị qua huấn luyện tại Hoa Kỳ. Họ được tạm trú tại Tạm trú Hạm ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn. Khi Quảng qua Mỹ làm sĩ quan liên lạc tại trường OCS cho các sinh viên này, tôi chuyển qua phòng ngủ của Quảng và phát hiện các bài thơ của Quảng đã được đánh máy thành từng tờ rời nằm trong hộc tủ. Những đêm làm Sĩ quan trực, nằm một mình trong căn phòng vắng lặng, tôi đem những bài thơ của Quảng ra đọc, đọc nhiều quá rồi yêu thơ Quảng hồi nào không hay, và khi thuyên chuyển qua đơn vị khác, tôi mang những bài thơ đã được đóng thành tập giấy mỏng đó theo như sách gối đầu giường. Không may là tập thơ đã theo chân những người mua bán ve chai cùng chung số phận của mấy chục cuốn sách khác của tôi khi tôi còn ở miền bắc Việt nam.

Trong những ngày làm quen với ruộng vườn, với con trâu và cái cày trên mảnh đất khô cằn yêu dấu của tỉnh Quảng Trị, tôi đã vận dụng trí nhớ để ghi lại được khoảng chục bài của Quảng. Nói là hơn chục bài nhưng không có mấy bài trọn vẹn. Có bài chỉ còn khúc đầu, có bài mất một vài đoạn, có bài chỉ còn khúc cuối, và có bài chỉ có một số đoạn ngắt quảng. Và bây giờ, nhân dịp xuân về, tôi xin sơ lược lại một vài nét trong thơ Quảng để hy vọng có thể tìm lại một chút nào đó của tuổi vào đời, mà những bước chập chững là hai năm quân trường tại Nha trang.

Thời gian làm thơ của Quảng là ở tuổi thanh niên, khi mà đất nước đang đi vào giai đoạn tàn khốc nhất của chiến tranh. Cũng như bất cứ thanh niên nào khác, Quảng cũng nhìn cuộc đời và cuộc sống bản thân qua lăng kính của tuổi trẻ và nét đẹp của nó. Tuổi thanh niên cũng là tuổi của lý tưởng, của hy vọng, của mộng mơ hoa bướm và cũng là tuổi của tình yêu. Và tình yêu của tuổi thanh niên thời đó không phải là thứ tình yêu trần tục, điên cuồng, say đắm hay tràn đầy dục vọng như tình yêu của hôm nay. Đó là một thứ tình yêu êm đềm, e ấp một cách dễ thương. Một chút nhớ nhung, một chút giận hờn, một chút kín đáo. Quảng không bày tỏ tình yêu mà trong thơ Quảng, tình yêu như đến tự bao giờ, bày sẵn ra đấy và đang là thời gian đằm thắm nhất của một tình yêu đang nảy nở. Thành ra ta không thấy Quảng tỏ tình, không thấy Quảng thao thức hay thất vọng vì tình. Quảng và người yêu chỉ buồn, cái buồn bàng bạc, man mác khi phải chia xa trong những tháng ngày vắng bóng nhau để trở về với cuộc sống bồng bềnh của người thủy thủ:

Ngày chủ nhật anh dành cho Hạnh đó

Mai thứ hai tàu xa bến mịt mờ

Hạnh sẽ khóc cho lòng thêm nức nở

Anh sẽ buồn rừng núi đến hoang vu

(Ngày của Hạnh)

Trong thơ Quảng không có gặp gỡ, cũng có ít hẹn hò. Không có môi hôn, cũng không có liếc mắt. Những tình cảm đằm thắm nhất chỉ thể hiện qua tâm tưởng. Có lẽ cái sỗ sàng nhất của Quảng là một cái nắm tay, thật dịu dàng, nâng niu như sợ tan vỡ:

Mắt xanh lệ đọng hồn người

Tay thu ngón nhỏ tay vời nâng niu

Thơm em hương ủ tình chìu

Đêm xô trăm mộng ngày xiêu bóng vàng

(Tình người)

Người yêu đối với Quảng là một cái gì trân trọng. Và hình như không chắc gì Quảng trân trọng người yêu, mà thực ra Quảng trân trọng tình yêu, đặt tình yêu trong tình trạng cao cả, thánh hóa. Tình yêu phải thăng hoa trên mọi ước muốn tầm thường, trên mọi ràng buộc thể xác. Chỉ còn hai linh hồn nương tựa, quấn quýt vào nhau để cùng bay vào vùng trời miên viễn.

Lời yêu thắp sáng môi hồng

Dấu yêu vẫn giữ trong lòng đó em

(Mưa)

Hay

Mang trong lòng chút tình Đông Á

Nên núi mòn sông cạn cũng chờ nhau

(Tình đất)

Và cái tình yêu thánh hóa đó của Quảng cũng là tình yêu dâng hiến. Không phải dâng hiến cả cuộc đời vì với kiếp sống hải hồ của Quảng thì có gì vững chắc bảo đảm cho tương lai. Nhưng chính sự mong manh đó mà Quảng lúc nào cũng dành cho người yêu một tình cảm nồng nàn, một nhớ nhung mãnh liệt, một ước ao diệu vợi:

Cây buồn lá cũng xanh xao

Người thương nhớ đến mòn hao tuổi đời

Sông chia nước cũng ngậm ngùi

Một mai nhớ đắp thương bồi cho nhau

Tình chia đất cũng nổi sầu

Đã không quên được làm sao nhớ hoài

Mưa mùa hôm sớm hôm mai

Đêm nâng niu mộng ngày dài đợi mong

(Mưa)

Sau những lần con tàu tách bến cho một chuyến hải hành dài, Quảng lúc nào cũng mong ước mang về cho người yêu những món quà kỷ niệm, những món quà mà không ai ngoài Quảng có thể tưởng tượng ra, vì nó không hiện hữu:

Hứa với em

Một chiều thứ bảy

Anh sẽ về, kể chuyện biển xa

Và hứa mang cho em thật nhiều quà

Những châu bảo của Thủy cung Hoàng đế.

(Trùng dương sóng vỗ)

Thế đó, quà của Quảng là một cái gì trừu tượng, xa vời. Quà của Quảng không có trong thực tế đời thường, mà chỉ trong ước mơ, hay nói đúng hơn, chỉ là một tấm lòng. Thậm chí Quảng còn đem cả ước mơ của một đời lính chiến để trao tặng cho người yêu mà rồi anh cũng biết đó chỉ là một thứ hoa biển, biến mất trong thoáng chốc rồi hiện ra mà thôi:

Thôi nhé cho anh một lần hẹn khác

Hẹn em sau ngày hành quân Bắc phạt

Sẽ trả lại cho em ba sáu phố phường

Để gọi là quà của người lính trùng dương.

(Trùng dương sóng vỗ)

Đó là tình yêu trong thơ Quảng, hay cũng chính là tình yêu của Quảng. Nhưng thơ Quảng không chỉ có tình yêu trai gái, không chỉ có “nhớ nhung, mong đợi, giận hờn“; không chỉ có hẹn hò rồi trễ hẹn như câu “Thứ bảy đến mà anh không đến, Để em giận hờn, phiền trách khôn nguôi. Bởi tàu anh vẫn còn mãi xa khơi, Còn lênh đênh vùng biển trời thăm thẳm…” Vì tình yêu đó được đặt trong hoàn cảnh chiến tranh mà Quảng là một thành viên tham dự (Bởi chinh chiến nên anh còn xa lắm, Còn lênh đênh ngoài biển rộng sông dài). Quảng đã tham dự cuộc chiến bằng mối tình của mình với cuộc đời hải nghiệp. Dầu trong thơ Quảng không có mấy đề tài nói về Hải quân nhưng cuộc sống giang hồ của người lính biển lúc nào cũng bàng bạc đâu đó, chợt hiện ra nhẹ nhàng rồi lùi dần nhường chỗ cho tình yêu. Nhưng sự hiện hữu của tình yêu cũng chính là sự hiện hữu của cuộc đời hải nghiệp. Do đó nói rằng Đỗ Quảng là nhà thơ Hải quân cũng không có gì quá đáng vì lúc nào Quảng cũng lồng tình yêu Hải quân trong tình yêu trai gái.

Hạnh ở đó những chiều đông thác lũ

Nha trang buồn rừng núi đến hoang vu

Tàu anh đi vẫn mơ về bến cũ

Dù xa khơi biển lộng gió mưa gào

(Ngày của Hạnh)

Tình yêu của Quảng với cuộc đời hải hồ có lẽ đã thể hiện ngay trong lần thực tập đi biển đầu tiên khi còn ở quân trường vì trong khi một số đông bạn bè khổ sở vì phải ôm xô nôn thốc nôn tháo thì Quảng chỉ thấy cuộc hành trình nhẹ nhàng như một nét đẹp hoang dã:

Ra khơi mới biết biết biển sầu

Gió lên sóng vỗ con tàu lao đao

Người ơi Bắc đẩu phương nào

Bóng đêm tỏa xuống ngàn sao mịt mờ.

(Biển)

Đã nói rằng tuổi thanh niên ai không có lý tưởng, nhất là khi nhìn quê hương đang ngút ngàn trong lửa đạn. Cái lý tưởng của Quảng thể hiện rõ nét trong những ước mơ cao đẹp: Một ngày nào đó, được đặt chân lên miền Bắc quê hương yêu dấu theo bước chân của đoàn quân Bắc tiến. Quảng đã vẽ lên nét đẹp oai hùng của một Hải quân tương lai:

Biển chiều chắp cánh tung bay

Ta đi Bắc phạt quên ngày lao đao

Cờ thiêng chắp cánh tay chào

Súng uy nghiêm dựng núi cao hồn người.

(Chiều qua Cửa Việt)

Đi lính là chiến đấu, là chấp nhận gian khổ, thậm chí chết chóc. Nhưng để làm gì đối với lớp người như Quảng. Tuy không nói ra, cũng không nêu thắc mắc về ý nghĩa của cuộc chiến, nhưng trong thơ Quảng, có lẽ rõ rệt nhất là tình yêu dành cho quê hương đất nước. Bởi chẳng cần phân bua giải bày khi Quảng đã thổ lộ tình cảm thiết tha của mình với mảnh đất Việt nam; với con kênh, ruộng lúa; với núi rộng sông dài. Thì đó là lý do thực sự cho một lý tưởng, một mục đích mà dấn thân và lao mình vào cuộc chiến không cần đắn đo trăn trở.

Ta hãy nghe Quảng tâm sự về quê hương gần gũi nhất của mình, nơi Quảng sinh ra, lớn lên và được nuôi dưỡng bằng tình yêu, bằng tiếng hát của mẹ; nơi Quảng được dạy dỗ làm người, làm người Việt nam với tâm hồn bất khuất:

Tôi lớn lên bên dòng kênh nước đục

Rộng lúa nuôi tôi bóng mát cây vườn

Ánh sáng đầu đời thắp lửa yêu thương

Ánh sáng ngời tôi ngày thơ ấu

Từ dạo xa kênh ngày khôn lớn

Vẫn mang trong lòng tiếng hát mênh mông

(Tiếng hát bên dòng kênh)

Nơi chôn nhau cắt rốn luôn bám sát trong tâm tư của Quảng. Dầu cuộc sống có nổi trôi, phiêu bạt. Dầu cuộc đời có vùi dập, ê chề thì một chút hoài niệm về mảnh đất thân thương vẫn là chiếc phao cứu rổi. Dầu cuộc đời có ưu đãi, cuộc sống có cao sang, Quảng vẫn không quên về cội nguồn, về vùng đất mẹ. Thế cho nên với Quảng ở đâu cũng không bằng quê hương vì ở đó là tình yêu mẹ già với bà con xóm giềng thân thuộc.

Hai bốn năm trời xuôi ngược bềnh bồng

Vẫn nhớ vẫn thương giòng kênh nước đục

(Tiếng hát bên dòng kênh)

Quê hương là bến đợi cho ghe tàu cặp bến sau những chuyến hải hành dài. Bến đợi tuy không phải là lầu son gác tía, không phải là ánh sáng muôn màu của thành đô hoa lệ. Nó nhỏ bé, hiền lành. Nó đầm ấm thiết tha. Nó luôn luôn réo gọi sự trở về. Nó luôn luôn mở rộng vòng tay bao dung chờ đón:

Nước vẫn trôi, dòng xưa vẫn đợi

Máu chaỷ phù sa, nguồn vẫn dạt dào

Tiếng hát êm đềm thần thoại xanh xao

Tiếng hát đưa tôi về miền thơ ấu

(Tiếng hát bên dòng kênh)

Còn nữa. Ta hãy nghe Quảng nói về quê hương Việt nam dấu yêu của mình khi có may mắn được đi xa để nhìn về tổ quốc và hoài niệm về một thời thanh bình của quá khứ:

Ngày thanh bình của thuở xa xưa

Của thuở trăm con về nguồn đi tìm dấu mẹ

Trên đỉnh Trường sơn nhìn về châu thổ

Em sẽ thấy đồng lúa xanh xanh rừng núi điệp trùng

Em sẽ nghe lời ca sông Hồng tiếng hát Cửu long

Tiếng hát ru em bốn ngàn năm cũ

Đêm Thái bình dương trăng thanh sóng vỗ

Em đẹp thiên thu tóc xỏa hoa cài

(Trùng dương sóng vỗ)

Quê hương bao giờ cũng đẹp. Đẹp từ những ngày ấu thơ, vô tư cởi trần chạy đi tìm dế. Hay những buổi chiều vàng nhởn nhơ trên cánh đồng với những cánh diều lộng gió. Hay những đêm nghe tiếng mưa rơi tí tách bên hiên nhà, trên đọt chuối ngọn tre. Hay những lúc dắt trâu theo chúng bạn ra đồng cùng bác nông phu cày ruộng, cấy lúa. Những cái tầm thường mà có sức lôi cuốn vô cùng. Càng thu hút hơn nữa khi bước chân giang hồ nay đây mai đó bỗng một hôm gặp phải mưa gió phong ba của cuộc đời thì quê hương trở thành nơi trú ẩn.

Người lính Hải quân ra đi khi tàu tách bến, để lại sau lưng những bến bờ, những căn nhà, cảnh vật; những con người với mảnh đất thân thương. Để lại sau lưng những dấu tích của một thời yêu dấu. Hòa mình vào thiên nhiên với biển cả trong xanh, với tiếng sóng vỗ rì rào thì cũng là lúc Quảng nhớ về nơi quê cha đất tổ, ước mong mảnh đất đó vẫn còn mang nặng tình người, an ủi chở che cho bước chân của đứa con đi theo tiếng gọi của kiếp phong trần:

Xin đất giữ tình người còn lại

Xin mưa nguồn về tưới mát đồng xanh

Xin nước chảy qua trăm miền sông sâu bến lạ

Cho người bình yên trên nghìn dặm hải hành

(Tình đất)

Thế đó. Chỉ mấy chục bài thơ ngắn ngủi, Quảng đã trang trải lòng mình, trong đó, tình yêu trai gái, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu với hải nghiệp, như một lời nguyện cầu. Nguyện cầu quê hương thanh bình, nguyện cầu cho tình yêu mãi vẫn đẹp vẫn trường tồn và cũng nguyện cầu cho đời lính được chân cứng đá mềm. Và cũng cầu mong người con gái nơi phương xa luôn có một giấc ngủ bình yên:

Thôi ngủ đi em.

Tôi ru em ngủ

Qua cơn bão hồng

Ngày đã xa rồi

Đêm còn mùa đông

Em chưa thức dậy

Nghe lòng mênh mông

Em chưa thức dậy

Làm sao em thấy

Dấu hoang ngựa hồng

Làm sao em biết

Nỗi đời long đong

Ngày tóc còn xanh

Trên cành lá đổ

Không ai thắp lửa

Trên cánh đồng hoang

Không ai thắp lửa

Bên ngoài nhân gian

Ngủ đi em

Thôi ngủ đi em

(Lời vỗ về viết trên sóng)

 

Đào Dân

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search