T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Cường: Long và Thủy

Quãng Đường Nhìn Lại – Tranh: Thanh Châu    

                                               Say khướt sa trường anh chớ mỉa

                                                       Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?(1)

                                                                Vương Hàn (Lê Quang Đức dịch)

 

Chạy tới cuối đường Trương Minh Giảng, chỗ gần cổng Trại Phi Long,(2) Long thắng xe Honda, quay lại nói với người yêu: “Thôi, đến đây anh đi bộ một quãng vào phi trường được rồi…”
Xuống từ yên sau,Thủy đứng trên lề đường chờ cho Long dựng xe gắn máy, quay qua đỡ lấy ba-lô nàng đang cầm. Bấy giờ, rảnh hai tay, nàng sửa lại chiếc nón vải to vành mà khi xe chạy đã bị gió tốc lệch nghiêng sang một bên trông như một con bướm khổng lồ màu vàng đang đậu trên đầu nàng.

Trong một chốc lát, đôi trẻ đứng trơ vơ yên lặng nhìn nhau, có lẽ cả hai đều xúc động trước giây phút chia tay…Chợt Long để ý thấy trên trán Thủy lấm tấm mồ hôi nhỏ li-ti như những viên thủy tinh, hợp với đôi mắt nâu không to mà thường ngày trông lanh lợi và tươi tắn như mỉm cười nhưng bây giờ thì đượm vẻ buồn như sắp khóc… nhưng Long ngờ ngợ, có lẽ do chính mình buồn và tưởng ra như thế chứ Thủy thường rất tự chủ, ít để lộ tình cảm, nhìn bề ngoài khó biết được nàng lúc nào vui khi nào buồn. Càng quen lâu, Long càng nhận ra nàng khác hẳn các cô gái khác, họ thường làm ra vẻ  yểu điệu, hay cố tình ra vẻ yếu đuối để thu hút đám con trai vì biết thanh niên thời nay thích đóng vai người hùng. Ngược lại, tính Thủy hồn nhiên như con trai: thành thật và giản dị…Như sáng hôm nay, dù sắp phải từ giã người yêu nhưng nàng vẫn tỉnh bơ nói chuyện vui vẻ bình thường…

Thủy ngước mặt lên để nhìn người yêu: Long trên đầu đội nón lưỡi trai kéo xụp xuống như muốn che hết đôi kính cận dầy cộm, nổi bật khuôn mặt trắng trẻo, cái mũi nhọn nhưng không cao lắm nằm trên chiếc cầm vuông…Dù đang mặc bộ đồ trận nhưng nàng thấy người yêu trông ra vẻ thư sinh hơn là một anh lính sắp ra đơn vị…rồi chợt nghĩ sắp đến lúc phải xa nhau thật sự, đột nhiên lòng nàng bỗng trùng xuống, khó thở và ngột ngạt trong bầu không khí nóng bức. Thủy thắt ruột khi nghĩ đến hoàn cảnh lính tráng bấp bênh của Long: đang đi học ở Sài-Gòn bỗng bị động viên vào Thủ Đức, ra trường đã hơn ba năm nay mà vẫn đóng quân ở mãi tận Quy Nhơn xa xôi.

Gần đây, chiến sự leo thang, giao tranh suốt dọc từ vĩ tuyến 17 lan tràn xuống tới Vùng II, Thủy đã chứng kiến nhiều người lính trong vòng quen biết bị thương hay tử trận…Và bây giờ, lần đầu tiên trong đời, nàng bắt đầu biết sợ – không phải sợ cho mình, mà vì những bất trắc có thể xẩy ra cho người yêu – “Hay là Long nên bị thương nhẹ rồi được giải ngũ. Như vậy là hay nhất!…” Thóang nghĩ vậy, nàng biết ngay đó chỉ là ý nghĩ bất chợt hiện đến một cách ngây ngô hão huyền…

Đang trưa, mặt trời đúng Ngọ trên cao rọi nắng gay gắt xuống khiến cho không khí oi ả đến ngột ngạt. Ngoài đường ít xe qua lại, lâu lâu có vài cơn gió nhẹ thoảng qua như cố xua đi cơn nóng mùa Hè,  nhưng vẫn không đủ làm mát mặt đường đang bị hấp nóng như lò nướng…

Sau khi Long nhập ngũ, Thủy cảm thấy bóng đen của chiến tranh trực tiếp bao trùm lấy cuộc sống của mình: Long đang là học sinh, yên lành ở nhà, bỗng phải ra đi. Trước đó, ít quan tâm đến tin chiến sự về các trận đánh vì nàng cho đó là chuyện thời sự – chính trị mơ hồ, chả liên quan gì đến đời sống của nàng, một nữ sinh viên đi học rồi về nhà phụ mẹ nấu cơm, nàng coi đó chỉ là chuyện của bọn đàn ông con trai…nhưng bây giờ, mỗi khi dở tờ báo ra đọc,Thủy chú ý ngay đến tin tức ở Quy-Nhơn, nơi Long đang phục vụ. Đời sống và phong cảnh của những địa danh trước kia nghe xa lạ như Bồng Sơn, Tam Quan hay Phù Mỹ, nay đã trở thành quen thuộc với Thủy vì thường Long kể lại những lần đóng quân qua. Nàng mường tượng những nơi ấy là vùng quê nghèo khổ, một bên núi non khô cằn, nằm dọc những bãi cát trắng đẹp trải dài theo bờ biển, mà trong lòng nàng vẫn chỉ thấy thơ mộng như bài hát về quê nghèo miền Trung, và dường như… Long chỉ thổ lộ khía cạnh tốt đẹp về đời lính mà không đả động gì đến bộ mặt thực tế gian khổ và hiểm nguy của những quân nhân thời chiến: Những trận giao tranh, những cảnh chết chóc…rồi những người nông dân muôn đời túng thiếu, triền miên sống lầm than…Tuy nhiên nàng vẫn trực cảm đựợc ra sự phức tạp, tàn bạo của chiến tranh và cuộc đời…

Từ đó, Thủy không còn là một nữ sinh sống cô lập trong bốn bức tường của nhà trường – gia đình nữa, bắt đầu nàng biết suy nghĩ đến xã hội và người khác,và không ngờ các vấn đề xa vời như ý thức hệ hay quyền lực, trước kia chúng chỉ là mấy ý niệm mơ hồ, mà nay đã trở thành động lực có thật, tàn nhẫn, là nguồn gốc của bao cảnh đoạn trường.. chính nó đang có tính cách quyết định đến tính mạng của Long, đe dọa đến  hạnh phúc và tương lai của nàng…

Triền miên suy nghĩ mông lung, không tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho nỗi âu lo da diết về thế sự, Thủy cố quay lại với thực tế hiện tại: Qua rồi hai tháng hội ngộ gần gũi nhau, và sắp đến lúc chia tay,  giờ đây tiễn người yêu ra đơn vị, liên tưởng đến những bất trắc bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra, Thủy nhớ đến bài báo mà nàng mới đọc qua, diễn tả đoạn cuối trong cuốn phim Một Thời Để Yêu,Một Thời Để Chết; cảnh người lính Đức trẻ bị bắn gục ngã, trên tay còn nắm lá thư của người yêu gửi từ hậu phương báo tin nàng có thai…Thủy không thể hiểu nổi chiến tranh: Tại sao và do động lực nào mà cuộc sống đã trở nên khốc liệt, xô đẩy hàng trăm ngàn hàng triệu người vào cảnh bắn giết nhau một cách tự nhiên, tàn nhẫn đến độ thậm vô lý, gây ra bao đoạn trường? Chẳng lẽ chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy…hay do cái guồng máy vô hình nào đang nghiền nát sinh mạng con người một cách mong manh như con kiến nát bét dưới gót giầy…Hay do bàn tay định mệnh nào mà nhân loại phải lâm vào cảnh địa ngục, không ai thoát ra được: Chiến tranh phải chăng là tội ác? Buồn rầu, Thủy chợt nhớ đến hai câu Kiều học năm đệ nhị:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân

Mà xem con tạo xoay vần đến đâu!”

Long và Thủy vẫn đứng yên một chỗ, không biết nói gì với nhau. Cả hai đều xao xuyến, dường như chết lặng trong cảnh chia ly… và khoảng khắc, không gian như trùng xuống nặng nề. Thời gian như ngưng lại, cảm giác giống như cuốn phim bỗng dưng bị đứt quãng, chỉ còn là một hình ảnh duy nhất, bất động, chết đứng trên màn ảnh…Âm thanh cũng vụt tắt, im lặng, lạc lõng… đầy nỗi hồi hộp. Thủy nghe lùng bùng lỗ tai, cảm thấy tim mình đập mạnh và nhanh hơn…Rồi để trấn tĩnh lại (vì không muốn để lộ tình cảm buồn bã, làm buồn lây đến Long) nàng tránh nhìn người yêu. Làm như nếu nhìn vào đôi mắt kia, đôi mắt mơ màng như đang buồn một cách hiền lành quá, sẽ khiến nàng phải bật khóc…

Thủy chợt thấu hiểu lòng mình, rõ ràng như vừa tự nhiên mở khóa được một cánh cửa: Lý do nàng mang lòng thương Long là chỉ do tự trực cảm được sự trong sáng của chàng, một đức tính quý báu mà vào thời buổi nhiễu nhương này rất khó tìm thấy ở nơi một người thanh niên. Đứng bên cạnh người yêu, nàng cảm thấy yên tâm như đang bước vào thế giới riêng, nơi đó không còn bon chen, tranh chấp với ai hay với cả chính mình…Long lúc nào cũng đáng tin như một hướng đạo sinh: một khi đã tuyên lời hứa thì cả đời mang đức tính sẵn sàng giúp đỡ tha nhân.

Rồi như chợt tỉnh sau giấc ngủ trưa, cảm thấy bình tĩnh lại và sáng suốt hơn, thấy bên kia đường là một quán nước sinh tố đang vắng khách, có căng tấm bạt che nắng, như đang mời mọc, một uớc muốn vụt tới, Thủy lên tiếng:-Mình qua bên kia ngồi nghỉ một chút nói chuyện nhe anh … Anh đâu có sợ trễ, phải không?

Chần chừ, Long vẫn đứng yên. Không phải vì sợ lỡ chuyến bay, cũng như không thể biết là có xin được chỗ trên một phi vụ nào khác ra Quy Nhơn hay không, chàng chỉ ngại kéo dài cảnh chia ly mà chàng rất ghét…Đêm qua, trong bữa cơm ở nhà Thủy, Long nói là sẽ tự lấy xe lam ra phi trường một mình, khỏi bận lòng người yêu. Nhưng sau cuộc vui, khi tiễn ra về, Thủy tỏ ý nhất định sẽ  đưa Long bằng Honda, cho dù phải bỏ lớp học ở Văn Khoa, khiến chàng nể đành chịu nghe theo…

Tuy không muốn kéo dài thêm nữa, nhưng Long cũng yên lặng như mặc nhiên đồng ý, uể oải dắt xe qua đường: Hình như từ ngày quen nhau, gần gũi rồi hiểu tính người yêu, chàng thường nghe theo lời đề nghị của Thủy, vì biết nàng vốn tính toán nhanh, đúng đắn và hợp lý hơn mình. Long  cảm thấy yên ổn nhẹ nhàng ở bên như nàng là một người thân thiết, quý giá đã thuộc về mình rồi…

Hai người bước qua đường. Ngồi xuống ghế, Long nói ngay:-Em uống gì thì kêu, anh không khát …Hay mình uống chung một ly được rồi?

Thủy hiểu ý Long sợ tốn kém: Trong túi chàng còn ít tiền, chỉ còn đủ tiêu vặt cho đến khi ra tới đơn vị, và rồi phải chờ đến cuối tháng mới có lương…mà đồng lương thiếu úy thì cũng chẳng bao nhiêu, chỉ thường sau một tuần lễ là hết. Sự thiếu thốn, kham khổ lại tái diễn, kéo dài lê thê như cuộc chiến này, không biết đến bao giờ mới chấm dứt? Biết thế nào rồi Thủy cũng sẽ thanh tóan, nhưng chàng vẫn sợ hao tốn: Hai tháng qua ở Sài-Gòn, đi chơi đâu, ăn uống gì, nàng cũng giành trả, như một người chị bao bọc đứa em, dù cho hoàn cảnh gia đình nàng  tuy có khá giả hơn bên nhà Long nhưng cũng chẳng sung túc gì cho lắm…

Gia đình Long trước kia tương đối khá, ông cụ là một công chức Bưu Điện, nhưng sau đó chẳng may ông mất sớm khi Long mới mười tuổi. Từ đó, cụ bà xoay trở một mình nuôi Long và đứa em còn là học sinh: Bà ra ngồi bán thuốc lá và vé số trong chợ Bà Chiểu, cạnh rạp hát Cao Đồng Hưng, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Những người đàn bà Việt-Nam họ sống hy sinh tất cả cho gia đình, khi chồng chết thì dồn cả vào các con. Bà cụ hy vọng vào Long sẽ học thành tài đi làm, như con cái nhiều bạn đồng sự của chồng, nhưng dường như đời không bao giờ như ý muốn,và nay là lính,chàng lại trở thành mối lo nhất của bà. It khi thấy bà ở nhà, bạn bè Long đến nhà chơi vẫn thường ngạc nhiên hỏi: “Tại sao tụi tao không thấy mẹ mày bao giờ, bà cụ đi làm gì vậy?” và chàng thường né tránh nói thật…

Hai người ngồi xuống ghế nhựa kê sát tường của một cửa hiệu đang đóng cửa cho có bóng mát; và đáng lẽ Thủy gọi một ly sinh tố trái xoài mà nàng ưa thích và đang thèm, nhất là vào dịp đặc biệt như hôm nay, nhưng nghĩ sao lại thôi, mà chỉ kêu một ly cho cả hai:

– Uống rau má cho mát, anh à…

Nói xong, Thủy nhận biết ngay mình chỉ buột miệng thôi chứ thật ra không hiểu mát là gì, vì có lần nàng hỏi người chị đang học lớp tập sự Dược khoa thì Hà cười và trả lời, không thể có chuyện mát như thế được. Gỡ mũ quạt cho mát trong khi Long đang loay hoay với cái ba-lô, kiểm soát lại hành trang, nàng buột miệng hỏi Long một câu đã được hỏi nhiều lần:

– Vậy bao giờ anh lại được về nữa…

Long không biết trả lời thế nào: chính chàng cũng không biết tình trạng của mình ra sao: đang bị ông xếp đì, mới bị phạt mười “củ” vì trình diện đơn vị trễ trong khi Đại Đội đang hành quân, sau chầu nhậu nhẹt với bạn bè ở Quy Nhơn. Hơn nữa, ông Đại Đội trưởng này có vài lính kiểng, ăn hối lộ, cũng không ưa gì Long là người vốn tính thẳng thắn hay cãi lại ông ta.

Không thấy trả lời, Thủy tảng lờ hỏi qua chuyện khác:-Kỳ này anh về có gặp anh Châu không, sao không nghe anh kể gì?

-Có, Châu mới đổi về Giang Đoàn ở Bến Lức, không còn đi biển nữa mà lại được gần nhà… Số nó vậy mà hên. Nó nói,  lâu lâu cũng ghé nhà em nhưng ít khi gặp ai; chị Hà bận đi học luôn không có nhà thường. Hình như năm thứ hai của Dược là năm khó nhất thì phải …mà học văn khoa sau này em tính làm gì?

-Em sẽ đi dậy học… Và nếu có gia đình cũng có thể dậy giờ, rất tiện thời gian lo việc nhà cửa con cái…

Nhắc đến hai chữ gia đình, Thủy bỗng dưng thấy như đó chỉ là giấc mơ xa vời của mình trước hoàn cảnh bấp bênh của Long và mình. Nàng cảm thấy tủi thân vì bất lực trước hoàn cảnh như bị một guồng máy khồng lồ đang nghiền nát…Thoáng qua, trong chớp mắt, nàng tần ngần và mơ hồ thấy dường như mọi sự đều do ở mình khi yêu Long, thay vì ngả về mấy anh sinh viên dược do chị mình giới thiệu…

Trong thâm tâm, Long muốn Thủy học y-khoa vì nàng thông minh, thi gì đậu đó thì tại sao lại chọn ngành văn,vừa cực vừa khó kiếm ra nhiều tiền…nhưng chàng biết phận mình, vốn có mặc cảm là học kém hơn bạn bè, chưa lên được Đại Học thì có tư cách gì để góp ý.

Hiểu Long không muốn nhắc đến đời lính và về tương lai của hai đứa, Thủy lờ mờ biết là đáng lẽ tới ngày lên lon nhưng chàng bị phạt nên vẫn còn mang thiếu úy, việc đi phép cũng trở nên khó khăn; trong khi đó, Châu tình nguyện đi Hải Quân cùng một năm với Long mà nay đã là trung úy. Châu và Long là hai bạn thân từ thủa nhỏ, đi hướng đạo chung một Đạ. Nhưng khi lớn lên, hình như cuộc sống hai người như rẽ sang hai ngả đường riêng, họ không thân đến như khi còn trẻ, rồi từ từ âm thầm xa cách nhau: Có thể do hoàn cảnh hay tính tình khác nhau, mà cũng có thể là gia đình Châu khá giả hơn Long. Cùng quen với chị em Hà và Thủy, nhưng Long được cảm tình của Thủy trong khi Châu lại kém may mắn hơn với Hà? Tình bạn cũng như cuộc đời của họ, đầy phức tạp và mong manh bất định…như đám mây đang lơ lửng trên đầu Long và Thủy trưa nay không biết sẽ trôi về đâu .

Thủy muốn biết về đời lính sống thực của Long ở Quy Nhơn nhưng lại ít khi được nghe chàng nói đến…Có lẽ vì nó chứa đựng nhiều mặt bi hài của quân đội, của chiến tranh và của chính bản thân mà Long tránh đề cập tới? Gần đây mới biết là người yêu đâm ra rượu chè nhậu nhẹt với bạn bè, có đêm đi chơi về ói mửa lai láng, nàng không ngờ từ một tráng trưởng hướng đạo gương mẫu Long lại có sự đổi thay cả lối sinh hoạt như vậy…Trước hoàn cảnh éo le, nguy hiểm, phản ứng của mỗi người thật bất ngờ và khó đoán. Như Long, vốn tính hiền lành và chân chỉ con nhà lành, nhưng nay lại dễ nổi loạn vượt ra ngoài khuôn khổ hơn ai hết, trở nên ba-gai mỗi khi chạm trán với hòan cảnh bất công, thối nát, không như thời còn trong đoàn thể hướng đạo trước đây…

Chợt nhớ ra điều gì, nàng lên tiếng hỏi:-Em đang học cùng chứng chỉ dự bị ở Văn Khoa với một cô bạn là con Đại Tá Tiến làm lớn ở Tổng Cục, anh có biết không?

Nghe nói đến mấy ông lớn, Long có vẻ khó chịu:-Anh làm sao quen với mấy ông đó…

Thấy Long không thích nhắc đến hòan cảnh lính tráng, Thủy lờ luôn:-Ra ngoài đó, anh nhớ viết thư về cho em đều nhe…Em mong tin anh từng ngày… Chúa nhật anh cố đi xem lễ, nếu kẹt thì cũng chịu khó cầu nguyện…

Bà chủ quán mang ly rau má ra đưa cho Thủy, và hỏi Long:-Cậu uống gì?

-Thôi,tụi tôi uống chung được rồi, cám ơn chị.

Nắng trên đầu đang hừng hực gay gắt dội xuống mặt đường phố vắng vẻ, các cửa tiệm hai bên đều đóng cửa im lìm nghỉ trưa, lâu lâu mới có vài xe gắn máy, xe lam chạy vụt qua..Long chợt để ý chỗ này gần tiệm vàng của gia đình một đứa bạn học cũ, nay đang làm kỹ sư điện lực, họ có cuộc sống sung túc bình yên hơn hẳn cảnh lính tráng cơ cực, nghèo hèn của mình. Như cố xua đuổi ý nghĩ buồn tủi, Long nhìn Thủy: Khuôn mặt nhỏ nhưng nhờ cái cầm hơi vuông khiến nàng trông cương nghị, nổi bật là đôi mắt tuy nhỏ nhưng lanh lợi và sống động như lúc nào cũng tươi cười …
Biết đã đến lúc phải chia tay, không kéo dài thêm được nữa, Thủy ghé sát Long nói khẽ:

-Em có để dành ít tiền, anh cầm theo xài.

Nói xong, nàng liền dúi vào tay người yêu một xấp bạc cuộn tròn. Long từ từ cho vào túi quần trận, như một phản xạ…rồi nhìn Thủy, nở nụ cười gượng gạo :- Anh đâu có cần gì đâu, có nhiều thì lại tiêu nhiều thôi…Kỳ này đi chưa biết bao giờ lại có phép về nữa…Hy vọng đến Tết có lẽ được…nhưng cũng khó..ông Tiểu Đoàn Trưởng này hắc ám quá.

Thủy nắm lấy tay Long dịu dàng bóp nhẹ, như người mẹ vuốt ve âu yếm con. Lúc này nàng trực cảm thấy sắp sửa mất đi một phần gì quý giá của mình…,nhưng Thủy trấn tĩnh lại ngay và thấy hơi ngượng là đã để lộ tình cảm với người yêu ở ngoài đường. Đưa cho Long ly rau má nhưng chàng lắc đầu, nàng bèn uống một lèo hết…

Biết Long muốn sớm vô khu phi trường quân sự để kịp xin tháp tùng máy bay Không Quân ra Quy Nhơn, Thủy dứt khoát:-Thôi anh đi kẻo trễ, không lại phải ngủ đêm trong phi trường như kỳ trước. Bây giờ Mỹ đã rút về, không còn nhiều chuyến bay như trước nữa.

Bóp mạnh bàn tay của Thủy rồi từ từ kéo tay mình ra, Long đứng lên khóac ba-lô lên vai. Yên lặng chẳng nói một lời nào từ giã người yêu, chàng lững thững bước đi.  Thủy nhìn theo dáng cao gầy ngất nghểu, chàng lắc lư thân mình qua lại như phải chịu sức nặng của cái ba-lô trên vai…Chờ Long  khuất vào cổng trại dăng đầy kẽm gai, nàng trả tiền và uể oải lên xe Honda…

Thấy người mệt mỏi, không muốn tới trường nữa, Thủy tính chạy thẳng về nghỉ trưa ở nhà… Nhưng khi phóng xe được một quãng, gió mát mơn man thấy dễ chịu lại rồi chợt nhớ đến Thu, Thủy bèn  lái xe vòng lại trường Văn Khoa, cốt để gặp bạn là con gái của Đại Tá Tiến.

Tới sân trường mới biết là còn sớm, nàng đứng nhìn lên lầu hai, vẫn chưa lớp học nào tan. Kiếm chỗ đậu xe, đến dưới mấy gốc cây cao, Thủy ngồi trên ghế đá, lôi bài ra cố đọc…Lạ thay, khác hẳn ban nẫy, giờ đây nàng không thấy buồn nữa mà chỉ còn một cảm giác trống trải, nhạt nhẽo như một người không biết làm gì cho hết thời gian, như cây me cao vút này đang tỏa bóng mát nhưng yên lặng và vô tri, rung rinh nhờ những cơn gió nhẹ nhàng đưa đẩy…
Cứ ngồi bất động như thế, không biết bao lâu… Sau đó, như từ đâu đến: hình ảnh Long hiện ra, tươi cười, một nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ trên khuôn mặt gầy gò mà Thủy cho là đượm buồn:  Mặc dù nụ cười của chàng không bao giờ thoải mái trọn vẹn, và luôn luôn như thiếu thốn một điều gì đó, mơ hồ không thể xác định được… Nhưng cũng chính nụ cười giản dị trên khuôn mặt ngay thẳng của Long đã khiến Thủy cảm động và xao xuyến mà êm ái đến với nàng:

Vào một chiều chủ nhật năm năm trước, dưới bóng mát khuôn viên nhà thờ Vinh Sơn, nàng đã chứng kiến khung cảnh sinh hoạt của Long với đoàn Hướng Đạo và mang lòng yêu từ ấy… Hôm đó không phải là lần đầu hai người gặp nhau, nhưng lại là thời điểm nàng biết chắc chắn mình đã yêu, lần đầu tiên trong đời, rõ ràng như định mệnh đã an bài. Hình như người con gái lúc nào cũng hiểu thấu đáo lòng mình hơn hẳn phái nam. Nam giới dù bao giờ thân xác cũng to lớn lực lưỡng hơn,  nhưng bên trong tâm hồn họ vẫn chỉ là trẻ thơ…

Châu, bạn học với người anh họ của Thủy, quen biết hai chị em trước, sau đó mới đưa Long đến nhà chơi.Thủa ban đầu  khi mới gặp, không chú ý đến Long mấy, nàng coi chàng như một người bạn trai bình thường, như nhiều người quen biết của gia đình, không khác gì Châu. Họ đến với nhau tự nhiên như bạn quen biết dù trai cũng như bạn gái. Châu ban đầu đã để ý đếnThủy hơn là Hà. Và chỉ sau khi biết tình cảm nàng đã dành cho Long rồi Châu mới chuyển qua tìm hiểu Hà và đồng thời anh cũng thấy ngạc nhiên là từ đó tự anh thấy mình có cảm tình với người chị nhiều hơn mình tưởng. Thường nghe nói đến tiếng sét ái tình, Châu kín đáo không để lộ tình cảm và có lẽ Long cũng chẳng để ý đến chi tiết này, phần vì Châu bình thường vẫn luôn tỏ ra quý mến cả Hà lẫn Thủy: Hai chị em đều tươi tắn, tuy họ đều không đẹp sắc sảo nhưng dễ coi, thuộc con nhà lành và ngoan đạo. Hai cô tuy khác nhau cả tính tình lẫn hình dáng bề ngoài: Hà đầm tính, dịu dàng, ít nói và có nước da trắng, trong khi Thủy lại lanh lợi vui nhộn hơn và lúc nào cũng tung tăng như con chim non. Mồ côi cha từ nhỏ,nhà nghèo, nhưng cả hai đều ăn diện tươm tất dễ coi do tài khéo vun sới của bà mẹ sinh sống bằng nghề lái buôn nữ trang. Châu vẫn thường ví Hà và Thủy như  hai chị em Thúy Vân và Thúy Kiều: Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười

Thủy nhớ là vào chiều chủ nhật, sau buổi tập hát ca-đoàn, từ khu sinh hoạt nhà thờ ra, đi qua sân giáo đường để đón xe lam về nhà, tình cờ nàng thấy Long đang đứng trước một nhóm thiếu sinh; chàng không  mặc đồng phục hướng đạo mà chỉ có cái áo sơ-mi trắng và quần ka-ki xanh, trên cổ  choàng khăn hướng đạo. Dáng cao và gầy đang múa tay làm nhịp cho các em hát, trên môi mỉm cười như khuyến khích bầy trẻ, chàng như đang say mê nhiệt thành dồn cả tâm hồn vào công việc. Hình ảnh Long hôm đó trông bình thường  như một thanh niên không tên, xuất hiện vào một ngày như mọi ngày, chỉ có vậy thôi.. nhưng đặc biệt là tự nhiên thu hút Thủy, khiến nàng đứng lại lặng nhìn một hồi lâu, cho đến khi Long nhận ra, vẫy tay như chào hỏi nàng… rồi Thủy bỏ ra về…

Ngồi xe lam trên đường về, giữa khung cảnh ồn ào của đường phố, bị cuốn hút trong mơ màng nàng chỉ thấy có Long như cơn gió mát trưa hè thổi tới..Một cảm giác nhẹ nhàng và êm ả lan tỏa khiến Thủy ngây ngất …

Từ hôm đó, mỗi khi Long ghé nhà, nàng không ở trong buồng nữa mà ra phòng khách đằm thắm tiếp chuyện người con trai ấy. Thủy chủ động xem như số phận mình và Long tự nhiên đã gắn liền với nhau suốt đời. Đôi khi nàng vẫn thường tự hỏi:  Tại sao tình yêu của mình với Long lại đến vào buổi chiều định mệnh ấy, mà không như một tiếng sét ái tình của “Romeo và Juliette”? Đôi khi nàng tự hỏi: Phải chăng đó là duyên số mà các cụ vẫn thường nói đến? Còn về phần Long thì chàng cũng không ngờ rằng Thủy đã chịu thương mình, dù mình gia đình nghèo, lại thi rớt tú tài nhiều lần rồi đành nhập ngũ, tương lai mù mịt, đời lính khó khăn, bấp bênh…;trong khi có nhiều sinh viên học dược,bạn của chị Hà thường xuyên gắm ghé mà nàng sao không màng đến…

Tiếng chân chạy xuống cầu thang nghe “ình ình” của đám nam sinh viên vừa tan lớp, kéo Thủy về với hiện tại. Theo sau là nhóm nữ sinh, họ đi ra chậm rãi, khoan thai.Trong số này, nàng nhìn thấy Thu. Đến gần cầu thang, Thủy lên tiếng gọi bạn. Họ cùng đi đến chỗ để giữ xe gắn máy:-Thu à! Mình mới bỏ lớp đưa anh Long đi phi trường, bồ cho mình mượn “cours”nhe. Sao bồ hôm nay trông đẹp thế?

Nói xong, nàng  mới cảm thấy tự ngượng với chính mình: Phải chăng vì sẵn có ý nhờ Thu nói với ông cụ xin cho Long về Sài-Gòn mà nàng buột miệng nịnh bạn?.. Nhưng rồi lại tự tha thứ cho mình ngay vì quả Thu trông  xinh xắn thật: Tuy khổ người có hơi thấp nhưng làn da trắng trẻo với khuôn mặt tròn và đầy đặn, Thu có đựơc khen là đẹp chẳng hề sai.

Thủy tiếp :

-Bồ lại đây mình nói cái này…Thực ra  mình muốn nhờ vả Thu thì đúng hơn…

Hai người đến một ghế đá dưới bóng mát gốc me cao. Thu tính mở cặp ra để lấy bài nhưng Thủy cản lại:

– Lớp Anh Văn của cô Sương nổi tiếng là dễ, mình chỉ cần xem qua thôi…mình muốn nhờ bồ chuyện này quan trọng hơn nhiều: Bồ có thể nói với ông cụ lo giúp cho anh Long về một nhiệm sở Chiến Tranh Chính Trị được không? Mình lo ngại, anh ý cứ phải ở ngoài tác chiến hoài…

Nói đến đây, giọng Thủy tự nhiên xúc động nên lạc đi. Và nước mắt cứ ứa ra, chảy dài xuống đôi má. Hình như nước mắt khiến cho nàng lại càng lộ vẻ buồn tủi thêm ..Bất ngờ..và đâm ra ái ngại, Thu bèn chân tình nắm lấy tay Thủy…

Thu thổ lộ là việc chạy chọt cho Long khó khăn vì quá tầm tay của nàng. Chính Thu cảm thấy hoang mang không nói nên lời, bâng khuâng và lo lắng vì nhất thời không biết cách nào nói với ông cụ.. và hơn nữa, liệu ông có đủ quyền thế, lo toan, hay hơn nữa, ông có đồng ý làm một chuyện ra ngoài quyền hạn của ông như vậy chăng?… Có lần Thu tình cờ nghe ông từ chối việc xin xỏ cho con trai người bạn thân của mẹ nàng mới nhập ngũ, khiến vợ chồng đã tranh cãi và giận nhau…Mặt khác, Thu cũng nghe nói đầy rẫy những chuyện chạy chọt trong Quân Đội thì ít nhất là có thể làm được chỉ với những ai có tiền hay thế lực …Có lẽ, nếu chính ông cụ mà quen biết Long thì dễ dàng hơn; đằng này Long chỉ là một bạn thân quen với con gái mình, không đủ yếu tố để ông cụ phải mang tiếng là ở vị trí cao cấp của Quân Đội mà lại cúi mình chạy chọt cho Long. Nếu đang là một Đại Tá đơn vị trưởng tại một địa phương, vua một cõi, hét ra lửa, thì dễ dàng bao nhiêu trong việc chuyển đổi đơn vị một quân nhân trong phạm vi quyền hạn của mình. Đằng này ở Sài-Gòn, ba Thu cũng chỉ là một sĩ quan giữa bao nhiêu các ông cấp tá nào khác…

*

Từ Bến Lức, Châu lấy xe Honda về Sài-Gòn gặp gia đình, sao cho kịp trở lại đơn vị  trước giờ cấm trại tối nay. Khi chạy qua quận lỵ,dưới ánh nắng trưa gay gắt, chàng nhìn cảnh sinh hoạt bình thường như mọi ngày: đường phố vắng vẻ ít xe cộ qua lại, như không có gì xẩy ra.. “Đây chỉ  là sự yên tĩnh giả tạo như trước cơn bão sắp xẩy đến không báo trước, kiểu Mặt trận Miền Tây vẫn yên tĩnh!”Châu tự hỏi.

Nhưng khi vào tới Sài-Gòn, từ quãng đường Phan Thanh Giản, Châu bỗng cảm thấy như đang có gì lạ ở quanh mình..Dường như đâu đó, trong cảnh trí này của thành phố,  một vẻ khác thường: Đường xá nhộn nhịp hơn mọi khi, xe cộ đông đúc vội vã qua lại, ai nấy cũng lật đật như thể sợ trễ hẹn… Trong bầu không khí oi ả của tháng Tư, nét căng thẳng thể hiện rõ trên khuôn mặt mọi người, như họ muốn chạy trốn cái gì, đang kiếm cách đi đâu đó để kiếm chút yên bình? Đô Thành bây giờ hiện ra chỉ cách sống phập phòng, như con bệnh tới cơn hấp hối…Từ hai tháng vừa qua, từ những đợt dân di tản gấp từ cao nguyên và miền trung đổ vào, tình hình biến chuyển mỗi ngày một xấu đi, dồn dập đến quá nhanh,nhanh đến độ Châu như sống trong cơn ác mộng, không tin quanh cảnh trước mắt này là sự thật. Chàng vẫn không thể hiểu nổi- tại sao một “guồng máy to lớn của Quân Đội ”, trong đó mỗi người lính là một con ốc nhỏ, mà chỉ chợt trong chốc lát lại có thể rệu rạo lung lay muốn sắp xụp đổ, như căn nhà làm bằng giấy trước cơn gió lốc…
Chiều hôm qua, vị chỉ huy căn cứ Hải Quân Bến Lức tập họp các sĩ quan dưới quyền và cho biết là gấp rút sẽ có chương trình dùng chiến hạm di tản ra Hạm Đội7 đang chờ ở ngoài khơi: Khi có lệnh, quân nhân và gia đình phải sẵn sàng để ra đi. Ông cho các sĩ quan về phép chuẩn bị gấp. Do đó, Châu được về để bàn tính với gia đình lần chót dứt khoát việc đi hay ở…

Tạt qua Đại Lộ Thống Nhất, ngoài cổng Tòa Đại Sứ Mỹ, Châu thấy có đám rất đông người kín cả một khúc đường lộ. Họ đang ồn ào chen lấn kiếm cách vào trong, xin được bốc đi, làm như  chỉ cần được vào trong là đã cảm thấy an toàn dưới sự che chở to lớn của nước Mỹ?..Nhưng cổng vẫn đóng kín, mấy tay lính Mỹ đang cầm súng M-16 đứng gác vững chắc như mấy bức tượng yên lặng, dứt khoát  không cho ai tự ý vào… Chứng kiến cảnh tượng này, Châu nản lòng thấy một nỗi buồn tủi pha lẫn sợ hãi chợt xâm chiếm con người mình: Chàng lo lắng cho sinh mạng đám người này hay tự tủi hổ cho số phận của chính mình?

Nhớ lại lần về phép hai tuần trước, tình hình bức bách dần: Mọi người xôn xao bàn chuyện dự tính bỏ nước ra đi, ông bà và gia đình hai anh chị của Châu nhất định không chịu theo chàng xuống Bến Lức để được sẵn sàng đi bằng tàu Hải Quân. Họ lo ngại cho các cháu còn nhỏ, nếu đi bằng tàu thì không an toàn, như cảnh hỗn loạn di tản ở vùng I và II mới đây; còn ở lại thì ông bà đã già cả và người anh cho rằng mình chỉ là giáo sư Pháp văn thì xem ra cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy.nếu có thay đổi chế độ…

Ông bà cụ để Châu tự ý quyết định việc đi hay ở…Nhưng chính Châu thấy cũng rất khó dứt khóat bỏ đi một mình, để lại người thân, mặc dù biết là lính nếu kẹt sẽ có hậu quả tai hại khôn lường của kẻ bại trận.

Xem ra, trên cỗi đời này, chẳng có ai hoàn toàn được tự do quyết định đời mình, trước những sợi giây vô hình ràng buộc cuộc sống: Từ khi sinh ra và suốt cả đời, cho đến khi hấp hối, con người y hệt một con ruồi vừa sa vào mạng nhện, càng vùng vẫy càng thêm bị cột chặt dần đến chết… Tự nhiên, không biết từ đâu, khuôn mặt của Hà hiện ra như đang đứng trước mặt Châu: Đôi mắt nàng mở rộng đang nhìn chàng, mầu nâu, không to, không sắc sảo mà lại hiền lành và êm đềm, thân thiết như lúc thì đang trực thuộc vào chàng, lúc thì lại xa cách đi, mong manh mơ hồ như có đó mà không nắm lấy được…Châu vốn hiểu rằng nàng chỉ coi mình như người anh hay một bạn trai, và trong bao năm qua chàng đã yên lặng chấp phận như vậy, an phận với mối tình một chiều.. Thà thế, còn hơn là bị trực tiếp từ chối. Chàng thực rất sợ thất bại, thà chịu thua trước hay chạy trốn, để cảm thấy còn dễ chịu hơn.Trong thâm tâm, Châu vẫn nuôi chút hy vọng, mặc dù hết sức mong manh: Hà chưa hề bao giờ thổ lộ tình cảm rõ ràng..Có lẽ vì nàng vô tâm, hay bận rộn và luôn cắm đầu vào việc học mà không màng đến bạn trai, cũng như  tình yêu đôi lứa… Đối với Châu, tình cảm của Hà bí mật như một kho tàng nằm sâu dưới lòng đất, khó hiểu, lạ lùng và thăm thẳm như đời sống lẫn tình yêu!

Cách đây ba năm, khi mới quen,Hà đang học năm thứ hai trường Dược, có lần Châu mời đi chơi phố nhưng bị nàng từ chối, lấy lý do bận học. Và kể từ đó, chàng đâm e ngại nên không còn ghé lại thường nữa. Nhưng một lần khi Long về phép, Châu dò hỏi thì được biết Hà bận học để thi lại vì đã bị rớt khóa đầu. Thế là vào những dịp lễ Tết và Giáng Sinh, lại năng đến, mang theo ít quà cho Hà, Châu ngạc nhiên khi thấy nàng vui vẻ nhận và đón tiếp chàng như người bạn thân lâu ngày. Cách đây một năm, vào lần chót  về phép, Long lại kéo Châu đến chơi. Nhân dịp bạn bè xum họp nhau, Châu mời mọi người đi ăn kem rồi xem ciné. Cuộc vui chơi đơn giản và thường tình trong giới trẻ, nhưng đối với bọn họ là cả một kỷ niệm hiếm hoi: Hôm đó, Châu đãi bằng một món tiền chẳng bao nhiêu nhưng cũng gần hết lương tháng của một Thiếu Úy…Thực tế, trong số bạn hữu, Châu vẫn khá giả nhất, còn Long thì lúc nào cũng chật vật với cảnh nghèo… Hà cũng vậy, cảnh túng thiếu từ lâu đã ám ảnh cô sinh viên trường Dược này một cách mãnh liệt đến nỗi mỗi khi chán học, nàng lại tự nhắc nhở rằng mảnh bằng dược sĩ là cái phao duy nhất cứu vớt mình thoát khỏi cảnh nghèo khó gia đình nàng đang phải gánh chịu từ ngày ông cụ qua đời.  Sự khó nhọc chạy tiền của bà cụ là động lực khiến nàng luôn nhắc nhở mình phải cố gắng thêm, xoay sở nhờ bạn giúp bài vở để cố sau này thành một dược sĩ, mở một tiệm thuốc tây, có thật nhiều tiền, cho mình và gia đình, đền bù cho bà mẹ đã phải một đời tần tảo nuôi chị em nàng… Hà tâm niệm rằng bằng bất cứ giá nào để tương lại không bao giờ phải chịu cảnh đói khổ nữa…

Miên man nghĩ về tình hình đang rối ren, biến cố lớn sắp sửa ập đến, rồi ngã rẽ của đời mình, không biết trong đó sẽ có Hà hay không … liên tưởng đến người yêu, đúng hơn người Châu yêu, thay vì chạy thẳng về nhà ở Gia Định,chàng rẽ sang đường Hai Bà Trưng chỗ Tân Định, ghé gặp Hà trước, cốt hỏi ý xem thử cô ta có chịu di tản cùng mình không… Mường tượng đến tương lai bấp bênh sắp diễn ra, như đoạn cuối của một vở kịch, Châu hy vọng trong hoàn cảnh này, Hà sẽ đồng ý ra đi trên chiến hạm chàng đang phục vụ: Hiện chàng đã nhậm chức Sĩ Quan Đệ Tam, đứng thứ ba trong vai chỉ huy con tàu, ngay sau ông Hạm Phó, ông Đại Úy này đã nói là sẽ ở lại vì không muốn bỏ lại nhà căn nhà mới xây xong, gia sản cả một đời ông dầy công vun sới.Và như vậy, chàng chỉ còn dưới quyền Hạm Trưởng…và biết đâu ông này cũng sẽ ở lại? Châu chua chát nghĩ đến hoàn cảnh của mỗi cá nhân: Có người muốn đi bằng mọi giá, như cảnh chen lấn trước Tòa Đại Sứ Mỹ kia, thì lại không đi được; trong khi kẻ có cơ hội trước mắt thì lại không muốn đi. Nếu không có Hạm Trưởng, Châu sẽ chỉ huy con tàu.Và một khi ra khơi, có toàn quyền hành động, không nghe lệnh của ai, chỉ có lương tâm và Thượng Đế là cao hơn chàng! Bầy tỏ hết nỗi niềm này, biết đâu có thể Hà sẽ nhìn Châu dưới con mắt thiện cảm hơn, và khiến nàng xiêu lòng?

Chuyến đi có thể quyết định một đời của hai đứa? Hoàn cảnh,cái hoàn cảnh oái ăm nó xui khiến mọi chuyện: Con người như một cánh bèo trôi giạt theo giòng sông của định mệnh… Liên tưởng đến Thủy, rồi đến Long, mà cả hai tháng nay biệt tin họ, vì Tiểu Khu Long phục vụ đã mất liên lạc… Châu ước gì Long chạy được về Sài-Gòn, rồi sẽ cùng nhau di tản bằng tàu  Hải Quân… Chẳng lẽ đã sống sót sau bao năm chinh chiến, mà vào giờ thứ 25, Long lại…? Buồn rầu trong lòng, Châu  nghĩ vẩn vơ:Cớ sao người bạn thân thiết nhất của mình lại có thể là người lính cuối cùng gục ngã cho cuộc chiến …Sự hy sinh của Long như vậy có làm thay đổi được gì không, hay đó là cái giá quá đắt Thủy phải trả cho một đời người con gái gánh chịu nỗi oan khiên mất người chồng sắp cưới, giữa tuổi xuân phơi phới…Giờ phút đây, cũng như cả chục triệu sinh linh ở đất nước này, Châu dường như chỉ sống bằng một chút hy vọng mong manh nào đó…

Rẽ vào hẻm nhà Thủy, một con ngõ mới đầu còn rộng rãi nhưng càng sâu càng chật hẹp lại, đến nỗi xe hơi không chen nổi,Châu đã bao lần lui tới mà lần này bỗng cảm thấy hồi hộp bứt rứt. Tới trước cửa, chàng vội vã dựng chiếc xe gắn máy bên tường nhà, tay gõ khẽ, như chỉ mong chờ cửa sẵn mở ra… Nhìn thấy Châu, Hà reo lên: -Anh Châu …anh vào chơi.

Đang mặc chiếc áo dài màu trắng, như vừa đi học về, Hà nói xong thì đôi mắt bỗng đỏ hoe như muốn bật khóc…Ngạc nhiên và hoang mang, không hiểu chuyện gì xẩy ra, Châu sốt nóng:

– Gì vậy Hà ?

-Long…Long  mất tích rồi… Hôm qua người lính cùng đơn vị chạy thoát về Sài-Gòn tới cho biết, đơn vị bị tràn ngập, Long bị trúng đạn, khó lòng sống sót…Thủy nó buồn quá, chạy đến nhà con bạn để nhờ ông bố vô Bộ Tổng Tham Mưu dò xem tin tức. Nó đi từ trưa mà chưa thấy về…Em lo quá …

Dường như có mặt của người khác làm òa vỡ cơn xúc động.Nước mắt tuôn ra, Hà  nức nở…Bàng hoàng không nói nên lời, Châu  muốn đưa tay nắm lấy tay nàng như để an ủi nhưng lại ngại bị từ chối nên lúng túng, chỉ đứng yên… Giây lát sau, Châu định hồn, ngạc nhiên là mình không cảm thấy buồn khi nhìn Hà khóc. Trái lại, một cảm giác dễ chịu xâm chiếm lấy chàng:Thái độ bộc bạch tình cảm của Hà đã vuốt ve tự ái của mình: Có chàng nên Hà mới bật khóc. Đây là biểu lộ cảm tình đặc biệt nàng đã dành cho mình? Hay ít ra, Châu cũng là một người đáng kể trong số bạn bè thân thiết của Hà?…

Không biết phải làm gì, Châu đưa tay gỡ chiếc nón lính. Rồi tự nhiên, cả hai cùng ngồi xuống ghế mây kê hai bên bàn gỗ nhỏ thấp dùng để tiếp khách. Chàng lên tiếng an ủi Hà:

– Chưa có tin tức chính xác thì còn hy vọng…Để đợi xem Thủy có dò thêm gì không?

Nói xong hai người nhìn nhau. Hà ngồi yên lặng như đang suy nghĩ, và có vẻ đã trấn tĩnh.Trong giây lát, cả hai đều không biết nói gì…Bầu không khí oi ả trong căn phòng hẹp như trùng xuống, nặng nề khó thở…Qua khung cửa sổ có chấn song sắt đã rỉ, bên ngoài cành lá cây mận màu xanh đậm đang lung lay trước gió…

Có tiếng lạch cạch ở sau nhà, đoán có lẽ mẹ Hà đang nấu bếp, Châu chợt nghĩ thầm là nếu bà cụ ra ngoài nói chuyện rồi than khóc về Long, thì chàng sẽ phải lúng túng, không biết ứng xử thế và nói năng gì đây…Châu mang mặc cảm là kẻ sống sót trong khi người bạn bị nạn. Hơn nữa, không còn nhiều thời giờ, chàng vội hỏi :-Gia đình Hà có dự tính đi không?…Bên nhà anh, ông bà cụ và ông anh đã không chịu đi. Còn anh chẳng biết tính sao: Ở lại sống với tụi nó sao nổi, mà đi thì không nỡ bỏ lại ông bà cụ…Hay Hà và gia đình cùng đi với anh? Tất cả sẽ lên tàu anh,.dư chỗ và an toàn.

Hà ngưng khóc, đôi mắt như to ra vì ngạc nhiên…Sau vài giây suy nghĩ, nàng lên tiếng:-Phải chi có Long và Thủy nữa thì có thể…Còn giờ này gia đình đang lo buồn quá, em không thể bỏ đi được. Thủy nói sẽ kiếm cách ra Quy Nhơn khi tình hình yên ổn để kiếm Long…Khổ ghê, tụi nó dự tính làm đám cưới khi Long được phép. Còn em mới học xong, tưởng tương lai sẽ sáng sủa hơn, mà nay lại thế này…y hệt như trời sập!…Có ở lại cũng chẳng sao vì tụi em là dân xi-vin … Còn anh, nên đi chứ. Những vụ trả thù, tàn sát mới xảy ra ở bên Miên vừa rồi…

Như đã xong nhiệm vụ, Châu đứng dậy nói:-Anh muốn chào bác, đi về .

Hà bước vào nhà trong nói gì với bà mẹ, có tiếng nói qua lại rồi trở ra đứng nhìn Châu:-Cụ đang mệt và gửi lời hỏi thăm hai bác bên nhà. Cụ nói là để anh về cho kịp.

Nói xong nàng vẫn  đứng yên ở cửa. Châu lúng túng đứng lên..Rồi như một phản xạ, cả hai cùng đi ra ngoài cổng, bối rối mà không ai thốt nên lời chia tay.
Châu vội vã lên xe, rồ ga phóng như chạy trốn. Tới đầu ngõ, chàng ngoái cổ nhìn lại thì Hà đã đi khuất vào trong.

Ra tới ngoài lộ, Châu cảm thấy buồn bã và cô đơn. Trước mắt chàng, dòng xe cộ chạy ngang dọc trên đường phố Sài-Gòn ồn ào náo nhiệt… nhưng chàng chỉ thấy đôi mắt nâu của Hà vẫn hiện ra trong tâm khảm như in trên một màn ảnh…

Thời gian như giòng nước của một con sông từ nguồn ra biển, trôi không lúc nào ngừng, khi chảy xiết qua thác nước và cũng có khi phẳng lặng như mặt hồ. Thời gian lại qua thật chậm trong cảnh ngộ như cố tình bắt con người phải chịu đựng đoạn trường lâu hơn. Thế mà khi vui bên nhau- như lúc Thủy đang bên Long- thời gian lại vụt qua, khiến cả hai ngẩn ngơ trong tiếc nuối,  không thể nào níu lại được: Ngày vui bao giờ cũng qua mau!

Ba mươi năm sau cuộc chiến…Nơi cảnh thanh bình và phồn hoa của Bắc  Cali…trong một tiệc cưới, có mặt hai người lính cũ, bây giờ là dân HO, tình cờ ngồi gần nhau. Thời chinh chiến, họ là hai tay lính trẻ, đêm nay trở thành hai ông già chậm chạp, luôn bị ám ảnh bởi những năm tháng tù đầy. Họ chỉ còn vui thú với gia đình, con cháu và… tiếc nuối quá khứ. Như biết bao chàng trai thời loạn, cuộc đời họ đã chứng kiến nhiều nổi trôi: “…đoạn trường ai có qua cầu mới hay…”

Ở giữa căn phòng rộng lớn của nhà hàng, người MC đang đứng trên sân khấu, ăn mặc sang trọng, khuôn mặt đẹp trai toát ra vẻ tự tin, giọng oang oang phát ra từ mấy cái loa cộng thêm tiếng cười nói huyên náo của cả trăm thực khách ồn ào như một cái chợ…Dưới ành đèn đủ màu chói chang và lòe lọet, ở một góc bàn, hai người lính cũ kéo ghế ngồi gần nhau để tâm sự, trao đổi kỷ niệm đời lính…Trong phòng, tiếng động nhức tai lan tỏa khiến họ rất khó nghe lời nhau nói, trong khi quá nhiều chuyện cũ cần để thổ lộ…Hồi lâu kể lể từ chuyện tù cho đến định cư, gia đình…chợt ông này ghé mặt hỏi:

-Anh ở Sư Đoàn 22, vậy có biết Long…Long Cận thuộc Tiểu Khu Bình Định không?

-Long khóa 27 phải không…Tôi có gặp vài lần ở Quy Nhơn…Long chết rồi…bị bắn lủng bụng ở đèo An Khê thời kỳ Quân Đoàn triệt thoái …

Ở bàn bên cạnh, tiếng cười, tiếng hô to:”Dzô, dzô…một trăm phần trăm…Chúc mừng cô dâu và chú rể trăm năm hạnh phúc…Mời nâng ly…” Tiếp theo là tiếng la hét inh ỏi xâm chiếm tất cả không gian, như cắt đứt câu chuyện về một người chiến sĩ cũ….

Hay câu chuyện về Long và Thủy chỉ còn là chút kỷ niệm xa mờ, lạc lõng nơi đây?

Ngọc Cường

(Trích trong tập truyện: “Bâng Khuâng” sẽ phát hành tháng 12-2018)

Chú thích:
(1)
Trích bài thơ “Lương Châu từ” của Vương Hàn.

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

 

(Bồ đào rượu ngát chén lưu ly

Toan nhắp tỳ bà đã dục đi

Say khướt sa trường anh chớ mỉa

Xưa nay chinh chiến mấy ai về) Lê Quang Đức dịch.

(2) Cổng vào khu quân sự phi trường Tân Sơn Nhất.

Bài Mới Nhất
Search