T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

KHẢI TRIỀU: NĂM CÙNG THÁNG TẬN

Cõi Người Ta (Tranh: Thanh Châu)

 

(Tùy Bút)

Trước năm 1975, cứ mỗi năm Tết về, tôi lại viết một bài đóng góp cho tờ báo mình công tác. Thường thì người ta viết về con vật biểu tượng của năm mới, hay viết về những gì đã qua trong năm cũ và những gì của những ngày sắp đến v.v…Riêng tôi, không hiểu sao, tôi lại cứ nghĩ đến một đề tài mà mình viết trong dịp cuối năm. Đó là “Năm cùng tháng tận”, không nghĩ gì đến những việc khác nữa. Nhà thơ Kiêm Thêm, họ Trần, người Huế, sinh năm 1940, hiện sống tại Hoa Kỳ, cùng khóa thi BTV, hạ sĩ quan đồng hóa, do BTL/KQ tổ chức vào khoảng năm 1966, (đầu năm 1967, tháng 2, chúng tôi nhập ngũ), và cùng đơn vị. Có lần nói với tôi, vẻ ngạc nhiên: “Tại sao ông cứ thích viết về cái đề tài này nhỉ?”. Tôi không nhớ đề tài này viết vào năm nào trên tờ báo Lý Tưởng Xuân, nhưng cái năm xảy ra biến cố lịch sử đưa đến ngày ngậm ngùi, uất hận 30 tháng 4 năm 1975, thì một sự kiện xảy ra tại Khối CTCT/BTL/KQ trong dịp chúng tôi chuẩn bị Tết. Đó là việc một Thiếu tá, dạy võ tại Võ đường Thần Phong, Tân Sơn Nhất, dựng cây nêu trước Văn phòng Khối. Vừa dựng lên thì cây nêu đổ, gẫy ở phần cuối. Ngay lúc đó, anh em trong đơn vị đã xì xào với nhau là điềm chẳng lành đây.

Chẳng còn bao lâu nữa, chúng ta lại bước sang năm thứ 44, đánh dấu sự tận cùng thương đau bao phủ lên toàn thể đất nước và đồng bào, sống ở trong lòng dân tộc cũng như bên ngoài lãnh thổ của Tổ quốc, tôi chưa một lần viết về đề tài này, gửi ra ngoài. Nhưng từ năm 2014 đến nay, tôi đã viết một tập Nhật ký đặt cho nó cái tên Năm Cùng Tháng Tận.

Sáng hôm vừa qua, tôi đi bộ qua Vườn rau Lộc Hưng để vào Công viên Lê Thị Riêng gần đó. Đã gần một tháng, kể từ đêm ngày 03-01-2019 đến nay, nhà cầm quyền thành Hồ, trước mắt, đã hoàn thành việc cướp đoạt khu đất Vườn rau Lộc Hưng này, bất chấp đạo lý truyền thống của dân tộc về ngày Tết cổ truyền đang đến gần, bất chấp lẽ phải, pháp lý về chủ quyền khu đất từ năm 1945, do Hội Thừa Sai Paris giao, tổng cộng 60.000m2, đài phát tín xây trên diện tích 12.000m2. Phần đất còn lại là 48.000m2 (4,8ha), giao cho dân di cư làm vườn rau, tới nay cũng đã 65 năm! Theo chỗ riêng tư, việc cướp đoạt này sẽ có 3 đợt, xong trước tết âm lịch. Nhưng không tới đợt 3 mà việc đã xong, ấy là vì lực lượng tung vào “cuộc cướp đoạt” quá hùng hậu với những hành động ngông cuồng, ngạo mạn. Ngay ngày đầu, 04-01-2019, những tên chỉ huy vụ cưỡng chiếm, đã bắt đem đi những người dân có đất, nhà ở vườn rau này bị phá sập tan hoang, vì đã lên án mạnh mẽ nhất những kẻ gây bao đau thương cho họ và người dân lành đã sống tại đây hơn nửa thế kỷ. Trong những người bị đem đi, có người là giáo viên, người là công nhân, người là nhân viên…Từng thành phần bị đe dọa riêng biệt, như: Suy nghĩ đi, có làm được gì thì làm, không thì về làm đơn xin nghỉ dạy…  Trước mắt mọi người ở vùng này và những ai qua lại vườn rau ngày xưa, nay không còn. Chỉ còn là một khoảng đất trống bằng phẳng. Đây là cách “chào hàng”, của những kẻ nắm trong tay quyền lực chính trị, để dụ những “nhóm lợi ích nhào dzô” với những núi tiền, vàng, khiến những con mắt của đám quan quyền từ Hà Nội đến địa phương hau háu nhìn một cách thèm thuồng.

Bước đầu mặc dù đã xong, nhưng vẫn còn đó những thành phần mặc áo xanh, áo vàng, đứng ngồi sát hai bên, một là đường Hưng Hóa, có nhà thờ Lộc Hưng, đang xây mới nhà thờ, trước mặt khu vườn rau Lộc Hưng, và một nữa là đường Chấn Hưng, từ góc đường Hưng Hóa có đền thánh Phêrô Thi chạy thẳng ra đường CMT8. Một cái bàn đặt trên nền đất phía ngoài, có mấy người ngồi làm việc, có lẽ là những kẻ chỉ huy hiện nay ở khu vườn rau Lộc Hưng này, một là cách bày trò hai là để canh chừng khu vực có “biến chứng”.

Từ nhà tôi ra đến công viên Lê Thị Riêng, đi bộ chậm chỉ mất 10 phút, qua vườn rau Lộc Hưng mất nửa thời gian này, tới đường CMT8 rẽ phải qua đường Bắc Hải là đến Công viên. Bước vào bên trong công viên, tôi thấy cảnh trí khác hẳn thường ngày. Người ra vào vắng, không gian như rộng ra, mát mẻ và yên tịnh hơn. Nghĩ rằng có lẽ những người thường tới đây mỗi ngày để tập dưỡng sinh, nay đang bận rộn sửa soạn quà cáp, mua sắm để về quê sum họp với gia đình, vì chỉ còn hơn tuần lễ nữa là Tết rồi.Tôi bước đi thật chậm. Bất chợt nảy ra ý định viết một tùy bút, đặt cho cái tên Năm Cùng Tháng Tận.Vừa lúc đó, tôi đã đi qua một cái cầu, bắc ngang một con sông đào có thả cá, ngồi ở cái quán quen, gọi một món ăn sáng và tách cà phê, xem người ta câu cá.

Cá ở đây thường là cá quả, những con câu được chỉ to bằng cổ tay. Cũng có lúc một con cá rô phi mắc mồi, nhưng người câu tháo lưỡi câu ra rồi thả nó xuống nước. Người câu cá hôm nay chỉ câu mười con, và hình như để giải trí, anh ta tiếp tục thả mồi xuống nước, lát sau một con cá quả mắc câu, giật mạnh dây câu, đưa cá lên bờ, con cá dẫy đành đạch liên hồi, người câu lấy tay trái đè mạnh nó xuống đất, tay phải móc lưỡi câu ra, rồi lấy chân hất mạnh con cá xuống nước, con cá lại được trở về nguồn sống của nó..

Mặc dù nó chỉ là một con vật nhỏ bé, nhưng cách người đàn ông kia thả con cá về môi trường sống tự nhiên của nó, tôi thấy mình không có tình cảm với ông ta. Tôi nghĩ đến việc người ta đối xử với nhau trong xã hội hiện tại rất cứng cỏi, vì con người ngày nay thiếu cái tâm.

Trong những lần về thăm nhà, có mấy lần tôi cũng ra đồng câu cá. Một đứa cháu thấy tôi không cầm giỏ đựng cá theo, liền nói: “Để con lấy cái giỏ cho cậu nhé.” Tôi bảo nó: “Cậu đi câu không cầu có cá”. Nó nói: “Chẳng có ai như cậu.” Rồi cả hai cậu cháu chúng tôi đều cười.

Hai hoàn cảnh, những người câu cá ở cái sông đào tại công viên này, trước kia nó là nghĩa địa Đô thành và tôi, hoàn toàn khác nhau. Tôi từ trong Sài Gòn về quê đất Bắc mục đích là thăm nhà, thăm người thân trong gia đình mà khi tôi bước chân ra đi, có người còn chưa ra đời, hoặc có người đã sinh ra nhưng còn nhỏ. Anh chị tôi lúc đó cũng còn trẻ, chưa sinh con đẻ cái nhiều cả chục đứa như khi tôi về mới biết. Tôi còn nhớ nhiều thứ ở quê lắm, vì lúc ra đi, tôi đã 18 tuổi rồi. Trong những thứ tôi nhớ khó mà quên được, là đi câu cá ở ao, đi úp cá bằng nơm ở ngoài ruộng cùng với thanh niên làng, có lúc mười mấy người, cùng “quần”, cùng đuổi một con cá mà người khác đã để vuột khỏi nơm của mình. Những lúc như thế, mảnh ruộng  đục ngầu. Khi một ai đó vớ được con cá ấy, họ cho tay vào nơm, cầm chắc con cá, đưa lên cao, nói lớn: “Nó đây rồi!”, lúc đó cảnh đuổi bắt mới lắng xuống. Còn đi câu ở trong ao nhà xứ thì chỉ 1, 2 anh em chúng tôi thôi, thường là mình tôi. Bây giờ già rồi, thật khó mà mô tả hết được cái trạng thái tình cảm của tôi ngày ấy, nó êm dịu và mênh mông làm sao mỗi khi một con cá quả từ trong đám cây cỏ mọc tà tà trên mặt nước, thấy con mồi, là một con cá mại được móc vào lưỡi câu, bơi lởn vởn trước mắt, bèn phóng nhanh ra đớp con mồi, rồi kéo xuống thật sâu, cái phao cũng bị kéo chìm sâu theo. Lúc đó, tôi mới giật dây câu lên, con cá không thể nào thoát được. Tôi cũng không quên khi mấy anh em chúng tôi trèo lên tháp chuông cao của nhà thờ bắt chim sẻ, hoặc đi bắt chuột ở bụi tre, bằng cách nhét rơm vào một miệng hang chuột, còn miệng bên kia thì đút rọ vào. Sau đó châm lửa đốt rơm, chuột ta chịu khói không nổi mới từ trong hang phóng ra, chui tuột vào rọ.

Dẫy bàn để trên bờ con sông đào này, đoạn tôi ngồi uống cà phê, chỉ dành cho một người khách. Tôi đọc hết một tờ báo ngày 20 trang, mà thực ra chỉ đọc qua cái tựa đề, vài cái tiểu đề nhỏ trong bài hoặc những lời của đầu bài, những tin tức quốc tế tôi theo dõi kỹ hơn là những lời nói rỗng của nhóm cầm quyền Hà Nội cũng như tại các Tỉnh, Thành. Tôi không ưa được một bộ mặt nào cả. Vì đằng sau họ và bên trong họ là một kho bùn phế thải, một gia sản dối trá, lừa gạt, láu cá, lưu manh, và táng tận lương tâm. Trước mặt nhân dân, họ là một bầy sâu bọ, một lũ chuột chù hôi hám, rúc tỉa, đục khoét tài sản của quốc gia, của nhân dân, không chừa ra bất cứ một cái gì.

Nhận thấy ngồi đã lâu, tôi mở chiếc điện thoại di dộng xem giờ. Lúc đó là 11 giờ. Như vậy là tôi ngồi uống cà phê, xem báo, coi người khác câu cá cũng mất cả một buổi sáng. Thật ra, hôm nay là Chúa nhật, vợ chồng con gái tôi làm tổng vệ sinh cửa nhà, như hút bụi, lau chùi v.v…chuẩn bị Tết, đón ông bà về ở với con cháu mấy ngày. Cho nên, chúng rất chú tâm trong việc dọn dẹp đồ đạc, làm sạch sẽ trong ngoài, trên dưới… vừa mát mẻ, vừa gọn gàng, cho đến giường chiếu, gối chăn đều thay mới. Tôi được coi là người thừa đối với những việc này, nên tôi tìm vào nơi vắng vẻ, hưởng gió mát của cây cỏ và đất trời. Nhưng khi đi qua vườn rau Lộc Hưng, tôi nghĩ rằng không biết sự việc sẽ đi theo hướng nào: 48.000m2 đất đã trống trải kia thuộc về nhóm lợi ích nào. Hiện tại, chỗ này dự tính xây khu trường học cấp quốc gia. Nhưng đây là cái lối lách sự chống đối của dư luận, nhóm cầm quyền cũng có trăm mưu ngàn kế sau khi sử dụng luật rừng thất bại. Về lý, nghĩa là về tính cách hợp pháp, là 48.000m2 đất Vườn rau Lộc Hưng, thuộc về những người dân sống tại đây từ năm 1954. Về vấn đề này, nhóm Luật sư đứng bảo vệ tính cách hợp pháp của vườn rau Lộc Hưng, đã có trong tay những văn bản gốc, chứng minh sự thật thuộc về bà con Lộc Hưng. Họ đã “hạ gục” nhóm Luật sư của tờ báo Pháp Luật Thành phố HCM, khi những người này không có những văn bản khác thuyết phục dư luận. Có một điều chắc chắn là: 48.000m2 đất, không hề nhỏ, mà cho có là nhỏ như 0,50m lơ lửng trên không gian thôi, mà một người dân nào xây nhà có lố ra, thì lập tức nhân viên quản lý đô thị cũng bắt phải dỡ bỏ ngay. Chỉ có những ông quan to xây nhà vượt bản vẽ ngay trung tâm thủ đô Hà Nội, hay những biệt phủ ở nơi này nơi khác, ảnh hưởng cả đến việc an ninh quốc phòng mới làm như vậy thôi. Cho nên, người ta chờ kết cuộc của khu đất vườn rau Lộc Hưng.

Tết đến rồi, các gia đình nạn nhân ở vườn rau Lộc Hưng, chắc chắn sẽ rước ông bà trong nhà mình về, các ngài sẽ chứng kiến con cháu của mình ngày Tết này sum họp với nhau, đoàn tụ với nhau, sống với nhau, gặp gỡ ông bà, tổ tiên trong tình cảnh như thế nào! Là những Kitô hữu, xin hiệp thông trong kinh nguyện. Xin Chúa và Đức Maria phù hộ mọi nhà, mọi gia đình.

Khu đất thuộc Tòa khâm sứ ở Hà Nội, từ chủ trương kinh doanh giải trí, ăn chơi đã bị thất bại rất nhục nhã, trở thành công viên. Nay, khu đất vườn rau Lộc Hưng cũng thất bại trong mưu đồ chia chác phân lô từ hơn 20 năm nay, nó lại thay tên bằng cái mẽ bề ngoài Trường học cấp quốc gia! Nghe ra nó hiền từ hơn, nhưng đấy chỉ là cái tên gọi, chẳng dính dáng gì đến thực chất, đến thực tiễn của những kẻ cầm quyền. Ai bảo khu trường học cấp quốc gia này, (nếu kết cuộc là như vậy) không phải là một nơi “chém” nặng vào túi tiền của người nào muốn con mình được vào học, như một ân huệ, một vinh dự thật lớn của gia đình! Cái thói sĩ diện hão huyền ấy, không ít người Việt Nam cho tới nay, vẫn bị mắc lừa, vẫn “tự tình nguyện” bước chân vào.

Tôi đứng lên, rời bàn cà phê, tạm biệt bờ con sông đào có người câu cá, họ mang về nhà những con cá câu được mà cũng nhờ họ mà những người vô tích sự như tôi lúc này, ngồi thưởng thức cà phê, có gió mát từ hơi nước của con sông mà cũng từ những hàng cây cao chung quanh, cả những ngọn cỏ cũng mang hơi mát đến tận bàn tôi ngồi, giúp cho tôi giảm căng thẳng, cho dù chỉ trong những giờ phút chóng qua.

Tôi bước vào phía trong quán gọi chủ ra nhận tiền. Một bà giúp việc đi ra, nhận ra tôi thỉnh thoảng đến đây. Bà cười tự nhiên gặp được khách hàng quen, ngoảnh đầu vào trong gọi người cháu ra tính tiền. Bà hỏi ngay: “ Anh vẫn khỏe à? Tôi nhớ năm ngoái cũng vào dịp này anh đến uống cà phê cuối năm. Lần đó anh ngồi chỗ kia kìa…”, rồi đưa tay chỉ đúng nơi tôi ngồi từ năm trước. Thấy bà vui vẻ, tôi hỏi: “ Bà chưa về quê ăn tết à?” –“Chưa, mấy bữa nữa.”

Tôi nhớ năm ngoái, cũng vào lúc tôi gọi chủ quán tính tiền, bà từ trong bước ra, đứng cách xa tôi vài bước, mở lời nói chuyện trước với tôi. Bà bảo: “Thấy anh ngồi uống cà phê một mình, đọc báo, tôi biết anh là người thời cũ…” Rồi nhìn tôi cười, hỏi rất tự nhiên: “Có đúng không? Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi?” Tôi nói tuổi tôi, bà bảo: “Tôi cũng đoán vậy.” Như sành tâm lý người già trong xã hội này, bà nói: “Mình già rồi, thôi có chuyện gì buồn trong gia đình, hãy bỏ qua đi cho nhẹ cái lòng.” Rồi bà kể: “Tụi nhỏ ở đây là cháu tôi, cha mẹ chúng ngày trước khá giả, có nhà hàng nổi tiếng…Ở quê, tôi không có việc gì làm, cũng già rồi, lên đây giúp chúng bán hàng…

Sau khi cô cháu gái tính tiền ăn và cà phê của tôi sáng nay, tôi chào bà, ra về, bà chào lại tôi và chúc tôi: “Anh ăn tết mạnh khỏe nhá” – “Dạ! Tôi cũng chúc bà như vậy.”

Ngày 29-01-2019

(Nhằm 24 tháng chạp Mậu Tuất)

 

KHẢI TRIỀU

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search