T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Cám ơn Chiến tranh Việt Nam

Âm Vang – Tranh: Thanh Châu

(Nguồn: Văn Việt)

Vũ Thành Sơn

Lch sthường lp li, đầu tiên như mt bi

kch sau đó là mt tn trò h.

(Karl Marx)

Trong một bài viết tưởng niệm nhà thơ Tô Thùy Yên tôi nói cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến trớ trêu. Tôi muốn nói rõ hơn, một cuộc chiến đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ: đã chấm dứt, trong ý nghĩa là chiến tranh không còn trực tiếp gây ra chết chóc, đổ máu nhưng nó vẫn chưa thực sự kết thúc. Hay nói cho chính xác, nó chưa thể kết thúc. Chấm dứt nhưng chưa kết thúc, đó là điều đặc biệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Máu không đổ nữa nhưng nạn nhân vẫn còn đó. Cái chết không còn tức khắc, một lần và vĩnh viễn nữa, nhưng sự hấp hối tiếp tục kéo dài. Một cái chết chậm. Một cái chết liu riu. Nhưng chết chậm không phải là chết, mà nó chỉ giúp cho người ta nuốt trôi cái cay đắng, khốc liệt của cái chết bằng một lớp vỏ bọc đường của viên thuốc giảm đau; đó là hình thức thực tập để sống trong cái chết, cùng với cái chết. Người Việt Nam vẫn tiếp tục đang sống trong và cùng với cái chết cho dù chiến tranh đã chấm dứt.

Hãy nhìn lại cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chết chóc, đổ vỡ sau khi đã làm cho cả thế giới hoang tàn chưa kịp hồi phục hoàn toàn, nhân loại chưa hết cơn choáng váng, lại đã phải bước vào một thời kỳ gây chia rẽ hơn cả cuộc chiến khốc liệt vừa chấm dứt. Tuy vậy, chiến tranh lạnh giúp cho nhân loại nhìn rõ được kẻ thù, kẻ thù hữu hình ở bên kia chiến tuyến và kẻ thù vô hình trong nội bộ cũng như trong lòng mình. Người ta tỉnh ngộ và nhận ra một điều giản dị là chân lý, văn minh, ánh sáng không phải lúc nào cũng giành được chiến thắng dễ dàng như người ta vẫn ảo tưởng, và những giá trị cao cả đó mà nhân loại phải đổ máu mới giành giật được trong lịch sử của mình có sự sống rất mong manh cần phải không ngừng tích cực bảo vệ. Đồng thời chiến tranh lạnh cũng mở mắt ra cho nhân loại để nhận diện rõ ràng hơn kẻ thù của mình, đó là cái phi nhân, áp bức, bóng tối và tội ác. Chúng đã bị chỉ mặt điểm tên, đã bị chặn lại. Lằn ranh đỏ đã được vạch, biển báo cấm STOP đã được dựng. Kẻ thủ ác đã bị khoanh vùng. Vấn đề còn lại là chiến đấu chống lại sự hoành hành, phát triển của cái khối u ác tính đó để cơ thể tiếp tục sống trong khoẻ mạnh.

Chiến tranh Việt Nam có gì giống và khác với cuộc chiến tranh nói trên?

Đó là một câu hỏi cần phải được mổ xẻ. Người ta không thể vin vào quy mô của hai cuộc chiến để thoái thác. Một cuộc chiến tranh, như chiến tranh Việt Nam, với sự tham dự của nhiều quốc gia và sự tổn thất về sinh mạng, vật chất, có thể không sánh được với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng về tính chất quyết liệt, không khoan nhượng; tính đối đầu, đối kháng thì hơn hẳn. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, những quốc gia bại trận như Đức, Ý, Nhật không thù hận thề “phanh thây uống máu quân thù” các quốc gia thuộc phe đồng minh, mặc dù tổn thất của họ không hề nhỏ.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhân loại bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh. Sau chiến tranh, Việt Nam có bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh không? Đó lại là một câu hỏi khác trong rất nhiều những câu hỏi cần phải được giải đáp về cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua.

Nhưng tại sao lại đặt vấn đề đó vào lúc này? Những câu hỏi như vậy có thực sự cần thiết hay không?

Những người thắng trận, gọi tắt là bên thắng trận (gọi như vậy để đối trọng với sự hàm hồ, che giấu sự thật cố ý của cách gọi “bên thắng cuộc” hiện đang được ưa chuộng), sẽ bài bác thẳng thừng. Với họ, chiến tranh đã chấm dứt, thắng lợi đã rõ ràng, chính với tà đã phân định, còn nghi ngờ gì nữa; chiến tranh đã chấm dứt hơn bốn mươi năm, hòa bình gần nửa thế kỷ, giang sơn đã thống nhất về một mối, lịch sử đã sang trang. Giờ là lúc dọn dẹp sạch sẽ, tabula rasa, chơi một ván mạt chược, hút xì gà, uống digestif và bàn chuyện khác.

Nhưng có thật vậy không? Thắng trận về mặt quân sự, đúng. Nhưng một chiến thắng về quân sự đâu có nghĩa là thắng cuộc, nếu không muốn nói là nó rất mong manh, không phải là một bảo đảm vững chắc cho chiến thắng cuối cùng, trọn vẹn, một chiến thắng chung cục. Tôi tin là những người chiến thắng rất hiểu điều đó, nhất là một chính quyền được xây dựng từ và bằng chiến tranh, một khi đã trực tiếp chiến đấu, giành giật bằng mọi phương tiện, mọi giá từng thắng lợi trong sự đối đầu. Biết nhưng tại sao họ lại quyết liệt bài bác khi đặt lại lịch sử? Câu hỏi này rất cần được mổ xẻ.

Bởi vì, sao coi là thắng cuộc cho được khi sau nửa thế kỷ, đất nước đã “sạch bóng quân thù”, mà lúc nào cũng vẫn canh cánh đề phòng thế lực thù địch, thậm chí đề phòng cả thế lực thù địch trong chính hàng ngũ của mình? Lúc nào cũng kêu gọi bảo vệ đảng, bảo vệ thành quả cách mạng; bộ máy an ninh ngày càng phình to, đến mức vượt cả thời kỳ chiến tranh đối đầu trực diện? Lúc nào cũng kêu gọi khép lại quá khứ, hướng về tương lai? Lúc nào cũng kêu gọi hòa hợp, hòa giải, xóa bỏ hận thù?

Không dễ dàng gì những người thắng trận nhìn nhận công khai hay âm thầm những điều trên. Họ tự bịt mắt mình trong lý lẽ của người chiến thắng, của kẻ mạnh và cái lý lẽ đó có cái logic của riêng nó. Người chiến thắng đã bị chính chiến thắng của mình giam giữ như một con tin và thoát ra khỏi tình trạng con tin cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận chiến thắng, phủ nhận lý do tồn tại của chính cuộc chiến tranh họ tiến hành. Lịch sử cuộc chiến đã được viết lại theo cái logic đó và lần này, họ không còn hy vọng có thể thoát ra khỏi huyền thoại của chính mình nữa. Nghịch lý đó mang tính bi kịch, bi kịch của con người. Ở đây người ta nhớ đến huyền thoại hang đá của Plato; chỉ trong cái hang người ta mới coi là sự thật cái bóng phản chiếu trên bức vách, bởi vì dù có đưa ra trước ánh sáng mặt trời chỉ cho họ thấy đâu mới là sự thật, họ cũng chỉ thấy một sự chói lòa. Sự thật không bao giờ chỉ có một và tuyệt đối, bởi vì nếu vậy, thì lịch sử đã kết thúc. Nhưng lịch sử không kết thúc, sự thật vẫn còn ở phía trước cuộc hành trình, vì thế, công cuộc truy tìm chân lý vẫn tiếp tục và những nghi vấn mới cần được đặt ra, không phải một lần mà nhiều lần, không phải một thế hệ mà nhiều thế hệ; tiến trình lịch sử của phép biện chứng tiếp tục cùng với những bi kịch chưa hạ màn của nó.

Người chiến thắng như vậy, còn người bại trận thì sao?

Đối với những người thua trận, không có mấy người muốn nhắc nhớ lại quá khứ đen tối, đau buồn đó làm gì. Nếu có người viết hồi ký kể lại giai đoạn đã qua, như Tạ Chí Đại Trường với tư cách một người chép sử chẳng hạn, thì cũng không che giấu nỗi cay đắng, đến mức ông gọi hồi ký của mình là một thứ Mémoires d’outre-tombe theo Chateaubriand. Đó là một vết thương quá lớn, vết thương chí mạng, chỉ muốn để cho thời gian chữa lành. Họ đã uống ly rượu đắng cay đến giọt cuối cùng, đã trải qua tất cả những bi thương của địa ngục trần gian. Khơi lại vết thương chưa kịp lên da non là làm sống lại nỗi chán chường, tiếc nuối, uất hận và phẫn nộ. Như Beaudelaire, khi thời vàng son đã chấm dứt thì chỉ còn chỗ dành cho sự suy tàn. Những người có cơ hội thì bỏ chạy ra nước ngoài, những người còn lại trong nước phải chịu cảnh truy bức đến tận cùng. Nhưng từ những người phải chịu kiếp lưu vong cho đến những người còn ở lại trong nước sống chung với kẻ thống trị mới, những tháng ngày còn lại chỉ là sống trong khắc khoải và chẳng còn mấy nhiệt thành; họ sống với cái bóng quá khứ đè nặng lên đôi vai và cái chết trong tâm hồn. Lịch sử, trong con mắt họ, là một kẻ phản bội, đã đánh cắp lý tưởng, ý nghĩa, tương lai và cả đời sống của họ, đẩy họ xuống vực sâu. Sự thất bại trong quá khứ có thể giải thích nhưng không thể sửa chữa. Statu quo ante bellum. Không thể quay gót trở lui mà chỉ có tiến tới với cái vực thẳm trước mặt. Đó cái bi kịch mà người ta phải sống cùng.

Tuy phải sống cùng nhưng những người thua trận có lòng kiêu hãnh ngấm ngầm về giá trị của họ mà kẻ chiến thắng không thể có. Kiêu hãnh về thành tựu tri thức, giáo dục, văn hóa, tự do, nhân phẩm. Họ nhìn tầng lớp thống trị mới hãnh tiến, nghênh ngang đi lại với tất cả miệt thị ở trong lòng. Điều đó chẳng khác gì một hình thức khổ dâm tinh thần.

Mãi sau này khi nhng va chm thông thường trong cuc sng xy ra để nhng người bộ đội lhn ském ci và trình độ sinh hot quê mùa ca h– trong khi hcvin vào mt lý tưởng cao cvà thành tích chiến thng mà khăng khăng vi giá trca mình(TChí Đại Trường – Mt khonh Vit Nam Cng Hòa ni dài)

Cũng Tạ Chí Đại Trường trong hồi ký trên:

Ttôn không có căn bn kiến thc chcó trùm lp bng ba hoa thì làm bng cthêm cho li truyn tng Bc Kì nói dóc!Nhng câu chuyn đại loi: Ngoài Bc frigidaire chy đầy đường, kem ăn không hết phi phơi khô để dành…” đã làm trò cười cho không ít đám qun chúng chiến bi cng đầu không chu nhn cùng phe vi người yêu nước chvì lòng yêu chân lí tnhiên còn cao hơn. Cái lbch dt nói chữ” còn xâm nhp đến ctng lp intelligentia mi do giáo dc đưa li, cứ đinh ninh mù quáng vsự ưu vit ca chế độ mình phc v. Mt anh bàn giao công ti đin lc xong, vào tù kchuyn. Chcái máy đin nào cũng bchê là nh. –Ngoài Bc ta vĩ đại lm!Ln đến nhà đèn ChQuán, anh ta reo lên “Ừ, có thế ch! Thế này, này!Tri đất! Cái nhà máy cũ xì ca Tây chy rdc để làm còi h!Mt anh khác bàn giao mt cơ quan đin toán, tiếp xúc vi mt người xưng là đã hc Matxcơva v. Mi vào thang máy, ca sp vào, anh ta đã rút súng dí vào lưng, sbị ám sát! Vào phòng máy, anh gt phăng li-mào-đầu-cho-phi-phép ca người kĩ sư ngy ri tmình mày mò máy móc ra vẻ “biết hết, biết hết” “Bcú trong thang máy, người kĩ sư k, tôi bc mình khn làm gì thì làm. Nhưng khi thy hn thc tay vào ổ đin thì tôi squá đâm hết s, ôm hn git ra mà mng: Anh không biết thì để tôi chcho chthc by bạ đin git chết ở đây vcon tôi làm sao sng được?

Từ những chứng kiến thực tế họ nhận ra một chân lý thật giản dị: “À thì ra anh hơn chng qua là đã dám làm nhng điu mà chính đối phương cũng phi chùn tay!

Những người thua trận chỉ thất bại ở phương diện quân sự thôi, vì “chùn tay”, chứ không thua cuộc. Tất cả những giá trị của họ không hề mất đi, mà ngược lại đang chứng tỏ sức sống mạnh mẽ, bền vững hơn lúc nào hết và chính ánh sáng tỏa ra từ những giá trị đó đang chinh phục, đang thức tỉnh những bộ óc và con tim của không ít người bên thắng trận.

Vì vậy cho dù có sử dụng tất cả các hình thức giam cầm, đày đọa, nhục hình, bên thắng trận không thể bẻ gẫy được lòng kiêu hãnh của họ. Làm sao những người chỉ sống bằng lừa lọc và cơ hội có thể hiểu được cái tiết tháo của những con người tự trọng khi chiến bại? Chính vì không hiểu được cho nên mới có màn hài kịch hòa hợp, hòa giải vụng về, ngớ ngẩn. Màn hài kịch không gây nổi tiếng cười mà chỉ làm cho sự miệt thị vốn có sẵn trong lòng người miền Nam càng thêm sâu đậm.

Nếu bên chiến thắng biết tôn trọng đối phương của mình ngay cả khi đã đánh bại họ thì lẽ đương nhiên, cũng sẽ biết cách đối thoại với họ.

Làm sao có thể có hòa hợp hay hòa giải được khi mà chính quyền hiện thời vẫn tiếp tục gây ra những cái chết chậm cho chính con em, thân tộc, bằng hữu của những người thua trận bằng hành động cướp đất, cướp nhà, bỏ tù, đày ải, bức tử, thậm chí giết chết. Cho nên nếu nói đến hòa hợp hay hòa giải thì không chỉ nói với người Việt Nam sống ở hải ngoại, mà trước hết và chủ yếu, là với người dân trong nước, không những với người sống mà cả với người đã chết.

Nhưng lịch sử không có chữ nếu. Thất bại trong lịch sử có tính tuyệt đối, hoàn toàn và không thể hiểu, không thể bào chữa. Người ta có thể biết lý do vì sao triều đại Tây Sơn ngắn ngủi và thua cuộc trước nhà Nguyễn, có thể rút ra từ đó những bài học kinh nghiệm nhưng không thể áp dụng y hệt những kinh nghiệm đó trong tương lai, chỉ trừ phi lịch sử bất biến. Những người hậu thế chỉ biết nhưng không thể hiểu vì khoảng cách của thời gian; chỉ có những người cùng thời, cùng chia sẻ điều kiện lịch sử, xã hội và cùng một tâm tình thời đại mới có thể hiểu, hiểu nhưng họ không thể giải thích được lý do.

Vì sao?

Bởi vì con người không thể nhìn trực diện mặt-đối-mặt với lịch sử được như nhìn cái bàn, bức tranh trước mặt, mà vị trí của con người là đứng ở trong lòng của lịch sử, chịu sự chi phối của lịch sử. Con người không thể thoát ra khỏi sự bủa vây của lịch sử. Lịch sử làm ra con người và cũng thông qua con người mà cái tất yếu của lịch sử mới được thực hiện. Ở điểm này tôi đồng ý một phần quan điểm duy vật lịch sử của Marx: con người chịu sự quy định của điều kiện lịch sử, xã hội. Chỉ có con người cụ thể, bằng xương bằng thịt, cá biệt, duy nhất, chứ không có con người chung chung. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, xuất thân từ hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, tin vào Thượng Đế nhưng vô thần. Đó là hành trang của tôi, nó chi phối ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm, hành động của tôi và tôi lại làm ra lịch sử từ cái khuôn mẫu đó. Điều đó cũng xảy ra tương tự cho một đồng nghiệp nào đó của tôi ở miền Bắc. Người cộng sản hiểu điều này hơn ai hết. Việc họ truy vấn gốc gác tận ba đời, truy vấn đến thành phần xuất thân… là cũng nhằm mục đích đó.

Nhưng tôi không đồng ý với Marx khi duy vật lịch sử trở thành cái duy nhất và tuyệt đối, lịch sử vì vậy trở thành cái tất định. Không, lịch sử không phải là định mệnh, lịch sử chỉ là những cái tình cờ. Việc tôi sinh ra ở miền Nam là ngẫu nhiên, việc một đồng nghiệp nào đó của tôi sinh ra ở miền Bắc cũng là một sự ngẫu nhiên. Không có một bàn tay nào sắp xếp chuyện đó. Đấu tranh giai cấp có thể dẫn đến cách mạng nhưng cũng có thể chỉ dẫn đến hỗn loạn. Đó là cái tình cờ chứ không phải cái tất yếu.

Chia rẽ Bắc Nam là một sự tình cờ, không phải là định mệnh như người ta thường lấy cái huyền thoại hàm hồ Âu Cơ với Lạc Long Quân ra giải thích.

Nhưng những cái tình cờ đó muốn trở thành cái tất yếu phải thông qua con người. Lịch sử chỉ vận động thông qua con người. Chính con người đã làm cho những cái tình cờ, cái có thể có mà cũng có thể không đó, trở thành tất yếu thông qua hành động của mình. Cuộc chiến tranh Việt Nam không phải do tiền định, không phải là một tất yếu của lịch sử, mà nó có thể xảy ra và cũng có thể không xảy ra, nhưng cuối cùng nó đã xảy ra chính là do người Việt Nam lựa chọn và hành động. Tuy vậy, con người không phải được hoàn toàn tự do trong sự lựa chọn, mà phải chịu sự quy định của điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể của bản thân mình trong sự lựa chọn đó. Sự lựa chọn đã bị điều kiện hóa ngay từ đầu.

Nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua, tôi tin không một con dân Việt Nam chân chính nào mà không thấy đau xót. Giá nó đừng xảy ra. Giá sau chiến tranh người ta không có những hành động trả thù man rợ đó. Giá… Giá…

Dù sao cuộc chiến tranh Việt Nam giúp cho chúng ta, cả hai phía, nhìn về mình và về nhau rõ ràng hơn. Cuộc chiến đó đã bộc lộ cho người Việt Nam thấy hết căn tính của mình. Ít có dân tộc nào mà suốt chiều dài lịch sử, chiến tranh, chết chóc quá nhiều như dân tộc Việt Nam. Đó không phải là tiền định và càng không phải vì vị trí địa chính trị đặc biệt của đất nước Việt Nam. Lấy hai lý do đó ra để giải thích thì chẳng giải thích được gì cả, đúng hơn là đã xóa bỏ con người và vai trò của nó. Đó là một lối giải thích theo thuyết hư vô (nihilism).

Thi sĩ Tô Thùy Yên từng mong muốn “giải oan cho cuộc biển dâu này”. Đó là một mong muốn cao cả và đáng trân trọng, nhưng làm sao có thể giải oan được một khi cuộc chiến đó còn quá nhiều những uẩn khúc.

Bên thắng trận nếu thực tâm muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc thì việc làm trước hết, trong số những việc làm khác, là cần phải bạch hóa cuộc chiến tranh này, những huyền thoại lừa dối của nó phải bị bóc trần và sự thật về nó phải được nhìn nhận công khai. Còn nếu không, hòa hợp hay hòa giải dân tộc cũng chỉ lại là một chiêu bài chính trị không hơn không kém. Sau khi gây ra một cái chết oan khiên, người ta đâu có thể đắp chiếu bỏ đó trong căn nhà của mình, quay lưng làm ngơ để khui sâm banh, mở hội. Cái xác ấy phải được tắm rửa sạch sẽ, thay cho bộ quần áo mới và tẩm liệm tử tế, có mộ phần và bia khắc tên tuổi.

Cuộc chiến tranh Việt Nam là đầu mối gây ra chia rẽ dân tộc, vì vậy, hơn lúc nào hết nó cần phải được mổ xẻ. Mổ xẻ cuộc chiến là mổ xẻ vào quá khứ, vào bản thân, vào chính da thịt của mình. Không sòng phẳng với chính mình, với quá khứ và với đối phương thì không thể nào có một sự hòa hợp hay hòa giải. Chỉ có như vậy, người ta mới có thể biến cuộc chiến tranh Việt Nam bi thảm vừa qua từ một thảm họa trở thành một cơ hội cho một sự chuyển mình to lớn của dân tộc.

Bài viết này chỉ mong muốn góp phần khơi dậy một lần nữa sự quan tâm đến lợi ích của công việc khảo sát cuộc chiến tranh Việt Nam không chỉ trên phương diện lịch sử mà còn trên phương diện bản thể luận (ontology), có nghĩa là công việc nhằm trả lời cho câu hỏi chiến tranh Việt Nam là gì, hay bản chất cuộc chiến tranh Việt Nam là gì. Hiện nay nó như một đứa con vô thừa nhận với quá nhiều tên gọi: chiến tranh giải phóng, chiến tranh nhân dân, chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh đánh thuê cho Liên Xô và Trung Quốc,… Không xác định được bản chất cuộc chiến qua tên gọi của nó thì làm sao kết thúc nó cho được.

Đây không phải là công việc của một người và trong ngắn hạn, mà là công việc của nhiều người và dài lâu.

Bài Mới Nhất
Search