T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Biểu tình hay không biểu tình? (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 76)

(Nguồn: Văn Việt)

Tương Lai

Mấy người bạn đến thăm vì nghe nói tôi bị mệt. Quanh ấm trà nóng, câu chuyện cũng nóng lên xoay quanh chủ đề “biểu tình” hay “không thèm biểu tình nữa”. Lý lẽ của chuyện “không thèm biểu tình nữa” xem ra thắng thế. Nhấp từng ngụm trà đang nguội dần, tôi im lặng lắng nghe. Nghe để suy ngẫm về cái lý “không thèm biểu tình” nhằm tìm ra cái logic của lập luận: “Chúng nó hèn với giặc, ác với dân, đàn áp chúng ta, những người yêu nước chống xâm lược, rồi tung ra luận điệu đừng làm mất an ninh, mất ổn định, đã có đảng và nhà nước lo. Nay, mất đảo, mất biển, mất giếng dầu, lâm vào thế yếu ngoài biển phải tìm về đất liền, buộc phải hô hào biểu tình để làm áp lực và tranh thủ dư luận quốc tế. Tôi không thèm biểu tình, để chúng nó lo xem sao”.

Và rồi tôi kể cho các bạn tôi câu chuyện mới hôm rồi tôi đến thăm một người bạn vong niên, bà ấy đã 90 tuổi vừa cười vừa kể với tôi: “Tối hôm qua, cậu V… hào hứng nói với chị “Chị Ph.. ơi, những người bạn chống Trung Quốc của chị giờ thất nghiệp rồi vì cả nước bây giờ đều chống Trung Quốc, Đảng và Nhà nước đều chống Trung Quốc, chắc cậu ta nói đến em và những người như em đấy. Chị hỏi: “Thế cậu thì thế nào?”. “V... trả lời ngay: Em thì chống Trung Quốc ngay từ đầu”. Chị chỉ cười”. Người kể câu chuyện này là người thường đọc những bài viết của tôi và hay gọi điện thăm hỏi động viên. Có lần, bà tình cờ thấy trên mạng hình ảnh tôi trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày11.5 .2014. Bà đã nhờ người sao chụp lại và phóng to lên, cẩn thận cho lồng vào khung kính với những dòng chữ ngẫu hứng đề ở dưới hai bức ảnh, rồi cho người đem tặng tôi. Xúc động về tấm lòng của người chị kính mến, tôi đã trân trọng treo hai bức ảnh ấy trong phòng làm việc để tự nhắc nhở mình.

Tôi phì cười, hình dung ra cái nhân vật lè phè hay tự huyễn và rất kệch cỡm, buông tuồng trong những dịp tự PR cho chính hắn nhưng không muốn nói ra vì tế nhị với người bạn vong niên năm nay đã vào tuổi 90. Dù sao thì hắn cũng là chỗ quen biết với người tôi đang hầu chuyện, chứ cái bản mặt cơ hội đã từng leo lên được một cái ghế khá to ấy thì tôi biết quá rõ. Hài hước nhất là hiện nay hắn đang được xem như một “lão thành cách mạng” thường xuyên xuất hiện để buông ra những lời “cấp tiến” nửa vời mà giới truyền thông nhà nước dễ dàng tiếp cận thay vì vời đến những người có chút lòng tự trọng và chút liêm sỉ còn giữ được đã lảng ra. Thế là, hắn thành “động vật quý hiếm”, lại dễ tìm, đỡ mất công. Có lẽ hắn là một sản phẩm tiêu biểu của lớp cán bộ leo dần lên theo “quy trình”, quy hoạch và đề bạt cán bộ của chế độ toàn trị, vừa dốt nát lì lợm với đủ thói hư tật xấu, vừa cơ hội ăn theo nói leo để vừa giữ được ghế, vừa tỏ ra là người thức thời!

Những chuyện ấy, thật ra, chẳng đáng bàn. Chẳng đặng đừng phải dẫn ra, vì sau lời huênh hoang của hắn là một vấn đề nóng bỏng tính thời sự, nhưng lại rất điển hình cho sự mập mờ trong cách đưa tin của các kênh truyền thông nhà nước. Sự mập mờ ấy là hệ luỵ của đường lối “đu giây” ngày càng bộc lộ sự bất cập và đang phải trả giá rất đắt. Phải mập mờ chứ làm sao mà công khai và minh bạch được cái nghịch lý hèn với giặc ác với dân trong “định hướng chiến lược” nhằm gắn kết với người “đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”, xem kẻ xâm lược là “lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan”. Phải mập mờ, vì cần bàn kế sách trong bóng tối, để thỏa hiệp nhượng bộ và đầu hàng từ những cuộc mặc cả dưới gậm bàn.

Khi cái nhân vật được xem là “lão thành cách mạng” kia dại dột tuyên bố rằng “những người từng chống Trung Quốc và bị đảng và nhà nước của hắn đàn áp thì nay thất nghiệp, vì nay đảng và nhà nước của hắn cũng đang chống Trung Quốc rồi” thì cái não trạng lú lẫn của hắn đã không hiểu được rằng, chính hắn đã tự phơi bày sự phá sản của một đường lối sai lầm trong đối nội và đối ngoại, khiến thế nước chông chênh, lòng dân ly tán. Đặc biệt là với hai nhiệm kỳ của Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng, sự lệ thuộc vào Trung Quốc ngày càng nặng nề, thân phận chư hầu càng lộ rõ trong đường lối chính sách. Dân càng quay lưng với nhà cầm quyền.

Nếu để xảy ra đụng độ thì liệu chúng ta có thể ngồi yên để chuẩn bị Đại hội Đảng được không?”, câu nói của Trọng tại Vĩnh Phú dạo nào đã tự phơi bày não trạng đặt ý thức hệ của cái đảng mà Trọng đang thao túng lên trên vận mệnh Tổ quốctruyền thống quật cường của Dân tộc. Lú lẫn với cái não trạng ấy, Trọng tất nhiên phải bám vào chỗ dựa của người đồng chí cùng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa chung “lý tưởng” và ràng buộc vận mệnh của “tổng chủ” đang không còn chỗ dựa vào dân. Đó là hệ quả tất yếu của đường lối “hèn với giặc, ác với dân” cho dù Trọng vẫn dẻo mồm rao giảng “mất dân là mất tất cả”. Chính vì vậy mà thực chất của giải pháp “đu giây” Trọng đeo đuổi bấy lâu là chỉ nhằm che đậy sự lệ thuộc vào kẻ xâm lược truyền kiếp mà không một người Việt Nam có lương tri, với sự hiểu biết tối thiểu, cũng đều căm ghét. Còn trong hành động thực tế của Trọng thì “nhất biên đảo”, ngả về “thiên triều” để giữ bằng được cái ghế quyền lực của hắn ta và phe nhóm. Trọng biết rất rõ tình thế hiểm nghèo của mình. Nếu rời sự hà hơi tiếp sức của quan thầy thì cái chế độ toàn trị phản dân chủ mà hắn đang thao túng sẽ tắt thở ngay.

Nhưng dù có lú lẫn cỡ nào thì Trọng cũng thấy đây là con dao hai lưỡi. Chỉ cần biết được con bài đang sử dụng không còn đáp ứng được những nước cờ trong cuộc chơi mới thì lưỡi dao kia sẽ thọc ngay vào cổ vị “chính khách” cần loại bỏ. Thay ngựa giữa dòng vốn là chiêu cổ truyền không chỉ của Tàu. Người ta bảo sau cú đột quỵ ở Kiên Giang dạo tháng 7.2019 mà nghe đâu trong các nguyên nhân quật ngã một thân già đã quá tuổi “cổ lai hy” đã có từ trước một cú đột quỵ nhẹ, với một tham vọng quyền uy quá cay cú và ngạo mạn đã “xô cửa xông vào liều mình như chẳng có” (Nguyễn Đình Chiểu) để phải gánh thêm cú đột quỵ thứ hai, thì còn một nghi vấn về thứ “virút lạ” cùng loại với thứ đã hạ gục Trần Đại Quang. Là “nghe nói thế”, cũng u u minh minh kiểu “tau khoẻ, có chi mô” của một thể chế quen quy hoạch cán bộ với “quy trình trong bóng tối”.

Dân chúng muốn biết sự thật thì phải hóng tin vỉa hè, hoặc những hình ảnh chộp được từ sự sơ ý, hoặc có khi là cố ý, của giới truyền thông cho lộ ra. Như chuyện Trọng đang bấm “kim cang quyền ấn” khi đi bên cạnh quan tài của vị Chủ tịch Nước xấu số, để cấp tập trao ghế cho người “buộc phải có giải pháp tình thế” mà ôm luôn cái ghế của vị Chủ tịch Nước vừa nằm xuống theo đúng quy trình! Liệu có phải vì cái “nghe nói thế” mập mờ nhưng không kém phần mang tính uy hiếp của cái chiêu độc cổ truyền trong bí kiếp của môn võ Tàu thâm hiểm ám ảnh não trạng của một kẻ độc tài đang lâm vào thế tình thế éo le “tứ bề thọ địch”. Đó là lý do khiến cho Trọng, từ chỗ là kẻ ngáng đường của những ai muốn tìm một lối đi mới để thoát dần ra khỏi thực trạng hội thuộc quá hiểm nghèo hiện nay, buộc phải chấp nhận một vài bước thăm dò mới.

Học quan thầy thuật “dò đá qua sông”, nhưng lại không có được cái thế và lực của thầy để cưỡng lại thầy, nên Trọng lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đi thì cũng dở, ở không xong. Điều này thể hiện rõ trong những mệnh lệnh và giải pháp nửa vời trước sự kiện Bãi Tư Chính đang gây phẫn nộ trong mọi tầng lớp nhân dân và dư luận quốc tế. Mặc cho mọi chê bai chửi rủa, Trọng vẫn không hé nửa lời về sự kiện nóng bỏng này. Phải chăng Trọng muốn lặp lại vai trò “Câu Tiễn thế kỷ XXI” để lo “đại cục” như đã làm trước Đại hội XII “tránh đụng độ để được yên mà chuẩn bị Đại hội XIII”?

Nhưng trước làn sóng phẫn nộ của dân lên án lũ xâm lược, để giữ được chút ít tính chính danh thì không thể không lên án người đồng chí cùng chung ý thức hệ đang trăm mưu nghìn kế thực hiện cuồng vọng siêu cường xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải thuộc chủ quyền thiêng liêng của đất nước mình. Dù biết rằng chỉ cần có biểu hiện thiếu trung thành với mười sáu chữ oan nghiệt kia thì số phận của chính mình khó bề toàn vẹn. Để “tính cuộc vuông tròn, phải dò cho hết ngọn nguồn lạch sông”, nhưng sức mấy mà dò cho hết dã tâm của thiên triều? Đã thế rồi, còn sức mấy mà “dò cho hết” toan tính của lũ cận thần quanh mình? Thiếu gì những trò thay thầy đổi chủ, “nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay” khi gió đổi chiều. Mà sau những cơn dông bão thanh toán đối thủ, thì gió đổi nhiều chiều lắm, nhưng đều hướng vào một kẻ “đốt lò” đang dồn mọi củi khô củi tươi không thuộc cánh mình vào để thiêu rụi! Thì vừa nảy nòi ra đấy thôi ,“rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai”, ngu gì mà Trọng không biết được điều ấy khi con đường tiến thân của chính mình cũng đã từng “đà đao sắp sẵn chước dùng” mới có được như hôm nay! Bởi vậy mà thời cuộc cứ rối như mớ bòng bong, biết gỡ từ đâu?

Nơi thâm cung bí sử thì khó đoán, nhưng những gì phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật thì báo đài nhà nước là minh chứng sống động cho mớ bòng bong ấy. Thì chẳng phải là báo chí và hệ thống truyền thông nhà nước cũng đang “dò đá qua sông” đó sao! Phải “dò” thế nào để trong nội dung và ngôn từ lên án bọn xâm lược khi chúng vẫn đang là đồng chí của ngài “Tổng Chủ” đây? Cái nghịch lý “khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” này lại được hệ thống tuyên giáo chú mục săm soi, khi chính hệ thống này cũng đang lúng túng như gà mắc tóc. Cho nên, có bài vừa được trang trọng đưa lên, thu hút sự chú ý của người đọc vì dám nói lên một sự thật vốn bị che giấu và thái độ với người “đồng chí ăn cướp” kia khá mạnh mẽ, tung hê cái “đại cục” mà Trọng ra sức giữ gìn, nên đột nhiên bị mất dạng như bài “Chúng ta không thể mất biển, mất đảo được” của Nguyễn Trường Giang trên “Tuần Việt Nam”. Một nhà báo, từng là một Tổng Biên tập đã ngao ngán viết: “Báo chí trong nước không thể làm gì khác hơn là thụ động tiếp nhận nguồn tin từ báo chí nước ngoài và thông tin của các cơ quan nhà nước. Tất cả đều như trong một kịch bản, cùng một trạng thái chấp hành cái được cho là đại cuộc”. Những ngao ngán này động vào cái “đại cuộc” cũng lại chạm nọc Trọng đây!

Và rồi câu chuyện “biểu tình” nói ở trên cũng bị chi phối với cái “cục lớn” thối hoắc kia lâu nay choán hết não trạng của “tổng chủ”. Chính đó là nguyên cớ dẫn đến chuyện “không thèm biểu tình nữa” của mấy bạn tôi và nhiều người khác nữa. Thái độ “giận cá chém thớt” này cũng dễ hiểu, nhưng tôi không đồng tình. Vì một lý do thật đơn giản: Chúng ta biểu tình đâu phải để cho Trọng và vây cánh của Trọng có thêm chỗ dựa mà lựa thế “đu giây” trong bối cảnh mới, để liệu bề mà sắp xếp lại nhân sự thuộc phe cánh của Trọng nhằm củng cố lợi ích của phe nhóm. Cái phe nhóm đã gắn bó với Bắc Kinh vì lợi ích trần trụi và nhơ bẩn được khoác chiếc áo “yêu nước gắn với kiên trì chủ nghĩa xã hội cùng chung ý thức hệ” với lũ xâm lược! Bối cảnh mới đó là những động thái của Mỹ và EU, Nhật Bản, Ấn Độ… đối với Trung Quốc, đặc biệt là sự hung hăng trắng trợn của Tập Cận Bình trên Biển Đông, nơi mà tuyến hàng hải quốc tế và tiềm năng dầu khí gắn liền mật thiết với lợi ích của nhiều nước.

Bởi thế mà Chuẩn đô đốc Karl Thomas chỉ huy lực lượng 70 thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tuyên bố khá rõ ràng: “Chúng tôi chỉ nghĩ rằng mọi người nên tuân theo luật pháp quốc tế và sự hiện diện của chúng tôi cho phép chúng tôi cung cấp sự an toàn, ổn định mang tính nền tảng cho những cuộc thảo luận này diễn ra”. Một bài báo trên mạng vừa đưa ra một lập luận khá rành mạch: “Quan điểm này của ông Thomas cực kỳ phù hợp với đối sách của Hà Nội, trong đó tìm kiếm sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế nhằm thúc đẩy cuộc chiến pháp lý về chủ quyền biển đảo vẫn đang diễn ra (đặc biệt là Bộ ứng xử quy tắc vẫn đang trong tiến trình đàm phán). Đảm bảo một bối cảnh an ninh và ổn định cần thiết trong tiến hành đàm phán, và hạn chế thấp nhất các cuộc xung đột quân sự diễn ra giữa Hà Nội với Bắc Kinh. Đây cũng là cơ sở, để Hà Nội tiếp tục sử dụng các tàu dân sự và bán quân sự để loại bỏ tàu khảo sát của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế tại Bãi Tư Chính. Khi Bắc Kinh càng tỏ ra ngược ngạo và hung hăng, thậm chí biểu hiện hiếu chiến như cách mà Chuẩn đô đốc Trung Quốc Luo Yuan thể hiện, với tuyên bố “cho thấy Mỹ sợ hãi như thế nào”, bằng việc đánh chìm các tàu sân bay Mỹ để thống trị Biển Đông càng đẩy Mỹ trở thành “đồng minh quyền lực” của Việt Nam, và gia tăng quyết tâm phản ứng cứng rắn với Trung Quốc trong nội bộ ĐCSVN.

Bản thân Mỹ cũng ứng xử một cách khéo léo, để tạo một sự an tâm nhất định cho phía Hà Nội, thay vì lo ngại bị cuốn vào “trò chơi của các nước lớn”. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây nói rằng, Washington sẽ không yêu cầu bất kỳ quốc gia châu Á nào đứng về phía họ khi họ tham gia vào khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng và tích cực mở rộng yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Chỉ cần “lợi ích hội tụ một cách tự nhiên”, trong đó chặn đứng các tham vọng mở rộng của Bắc Kinh, thì quan hệ Việt – Mỹ sẽ đi dần đến “đồng minh” cần thiết”.

Phải chăng cũng vì thế mà có động thái mới của Trung Quốc rút tàu Hải Dương địa chất 8 ra khỏi Bãi Tư chính “vì đã hoàn thành nhiệm vụ khảo sát”?! Một thủ đoạn mới nhằm đối phó với sức ép của quốc tế. Nhưng có gì đảm bảo là kẻ cướp sẽ không quay trở lại nếu áp lực ấy không đủ mạnh, và Việt Nam lại bị dẫn dắt bởi não trạng hèn nhát và đầy toan tính thâm hiểm của Trọng, lại án binh bất động không dám đẩy tới cuộc đấu tranh trên các mặt trận ngoại giao, quốc phòng chống Trung Quốc xâm lược. Thì chẳng phải những người yêu nước, trước hết là những thanh niên đang bị những công cụ bạo lực của hệ thống quyền lực của Trọng đàn áp khi họ biểu tỏ ý chí chống Trung Quốc xâm lược đòi chúng phải rút tàu ra khỏi Bãi Tư Chính đó sao? Chúng sợ dân hơn sợ giặc vì chúng hoảng loạn trước sự phẫn nộ của dân sẽ “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” như Hồ Chí Minh đã cảnh báo!

Giận cá chém thớt là tâm lý phổ biến, nhất là khi cái thớt kia lại dùng chính cái dao mổ cá ấy để chém vào đầu người yêu nước, những người mang trong mình dòng máu quật cường của Trần Quốc Tuấn “ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chỉ căm tức rằng chưa được sả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa thì cũng cam lòng” (Hịch tướng sĩ), không lùi bước trước kẻ thù dù chúng thiên binh vạn mã nằm sát biên giới tổ quốc mình. Một cái thớt nhày nhụa với lũ tham quan “ăn của dân không chừa một thứ gì”. Và để ăn được, cái thể chế toàn trị phản dân chủ này đã tự phơi bày sự ruỗng nát mà những người dân bình thường phải cam chịu trong sự uất hận. Vì thế tôi không trách những người bạn tôi trong cơn phẫn nộ đã “trăm dâu đổ đầu tằm” vì căm ghét những kẻ cầm quyền hại nước mà quên mất kẻ thù cướp nước đang nhe nanh múa vuốt ngoài Biển Đông. Không trách nhưng không làm theo. Tôi nghĩ rằng, phải làm cho “làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn” kia lớn mạnh hơn nữa thì mới có thể “nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Để làm được điều đó thì lại phải học cái bản lĩnh và phẩm cách của Trần Hưng Đạo, đặt lợi ích của đất nước lên trên mọi hận thù và lợi ích riêng tư nhỏ hẹp.

Đại Việt Sử ký toàn thư có chép chuyện Hưng Đạo vương rút gươm định chém con trai thứ của mình là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng vì đã nghĩ về mối hận của gia tộc, (ông nội mình là Trần Liễu hiềm khích với nhà vua Trần Thái Tông muốn con trai mình phải cướp ngôi giành lại “thiên hạ” nay Tảng muốn khuyên cha thực hiện lời giối giăng của ông nội). Hưng Đạo Vương định chém vì “Loạn thần là từ đứa con bất hiếu này mà ra”. Hưng Vũ Vương – con trai cả, lạy xin cha tha cho em, Hưng Đạo Vương vẫn không nguôi giận, dặn lại rằng “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”. (Đại Việt Sử Ký toàn thư. Bản kỷ. Quyển VI. Kỷ Nhà Trần). Hưng Đạo Vuơng Trần Quốc Tuấn được dân phong Thánh, Đức Thánh Trần còn là vì bản lĩnh và phẩm cách cao cả ấy của Ngài. Trước tượng Đức Thánh Trần bên bến Bạch Đằng chúng nó đã trục bỏ lư hương nhằm nhân dân thắp hương tưởng niệm Ngài để biểu tỏ tâm nguyện noi theo lời dạy bảo của Ngài quyết giữ gìn từng thước núi, tấc sông, từng hòn đảo vụng biển của đất nước, quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trục bỏ lư hương trước tượng Đức Thánh Trần, một chủ trương táng tận lương tâm, xúc phạm đến anh linh của tổ tiên, giẫm đạp lên truyền thống dân tộc mà chúng làm được thì còn điều gì chúng không dám làm? Nhưng dù có ngu xuẩn và tàn ác đến mấy, chúng cũng không thể trục bỏ được ý chí quật cường và tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Mặt khác, chủ trương táng tận lương tâm đó sẽ thức tỉnh một bộ phận không nhỏ những người đang phải nhẫn nhục chịu đựng và nhẫn nại chờ cơ hội để hành động. Cơ hội đó đang mở ra trước mắt. Những cuộc biểu tình ôn hoà nhằm bày tỏ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm và ý chí bất khuất quật cường không chịu cúi đầu, quyết không lùi bước trước mọi hiểm nguy sẽ đẩy nhanh sự xuất hiện thời cơ mới. “Nguyễn Trãi nói: “Thời! Thời! Thực không nên lỡ”, đấy là lời nhắc nhở của Võ Nguyên Giáp trong Diễn văn kỷ niệm Nguyễn Trãi. Chính chữ “thời” ấy cần phải do chúng ta hôm nay tạo nên bằng nội lực của chính mình.

Vì vậy, con đường dấn thân vì nghĩa lớn của chúng ta đòi hỏi chúng ta phải thật tỉnh táo để không rơi vào cạm bẫy của lũ hại nướclũ cướp nước đang toa rập với nhau để giăng ra khắp nơi. Đồng thời phải cố nhận cho rõ những hung hăng trắng trợn ngoài biển cũng là nhằm tác động đến những gầm ghè tranh đoạt ghế trong đất liền vào buổi mạt triều. Vào lúc mà những thế lực thối nát nhất trong hệ thống quyền lực cố tranh thủ “ngoạm một miếng rồi chuồn” trước thềm một canh bạc mới mà bàn tay “thiên triều” đang thao túng từng quân cờ, cũ có mới có cũng chính là lúc bật ra những nhân tố mới tạo ra bước đột phá. Thời cơ và thách thức đang ở trước mặt.

Chuyện “biểu tình” hay “không biểu tình” phải chăng cần đặt vào trong những thời cơ và thách thức đó.

Ngày 9.8.2019

T. L.

Bài Mới Nhất
Search