T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tranh đấu của sinh viên Huế là trong sáng? Im lặng của Thầy Trí Quang là theo Chánh pháp? Các vấn đề còn lại của người trong cuộc

March 1966, Da Nang, South Vietnam — Buddhist Bonze and leader of the Buddhist revolt, Thich Tri Quang. — Image by © Christian Simonpietri/Sygma/CORBIS

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Gellert Nguyễn

Trong cuộc thảo luận do Ban Việt Ngữ của đài BBC tổ chức về sự im lặng của Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quang vừa viên tịch, Tiến sĩ Thái Kim Lan và Giáo sư Võ Văn Ái, hai nhân vật quan trọng am tường về phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 đã lên tiếng.

Ngoài việc tán dương công đức của người quá cố trong việc đóng góp cho Phật giáo, cả hai đã giải thích về tinh thần tranh đấu sinh viên Huế và thầy Trí Quang, đặc biệt nhất là biện minh cho sự im lặng sau năm 1975 của thầy Trí Quang. Qua sự trình bày này, thay vì làm sáng tỏ nội dung, nguợc lại, cả hai tạo thêm nhiều vấn đề mới cho người trong cuộc và các thế hệ hậu sinh đang muốn tìm hiểu sự thật lịch sừ.

Tranh đấu của sinh viên Huế là trong sáng?

Tiến sĩ Thái Kim Lan nói: „Chúng tôi thực sự lúc đó là sinh viên, rất là trong sáng, ngây thơ, không có một chút gì là chúng tôi nghĩ chúng tôi theo Cộng sản cả. Chúng tôi chỉ thấy nhà Chùa và người dân bị đánh đập và tuyệt thực, chúng tôi can thiệp, chúng tôi muốn đứng ra…“

Ngược lại, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Đại học Sư phạm, Phó Chủ tịch Hội đồng Sinh viên Liên khoa Đại học Huế, trong bài viết “Lãnh tụ tối cao“ trình bày khác với tinh thần trong sáng của bà Lan nêu.

“Huế hình thành nhiều tổ chức, bao trùm là Lực lượng Nhân dân Tranh thủ Cách mạng, bên dưới có nhiều tổ chức tập hợp quần chúng theo ngành nghề như Lực lượng Giáo chức, Lực lượng Tiểu thương, Lực lượng Xích lô…, tất cả đều chịu sư chi phối của Phật giáo… Hội đồng Sinh viên ra một tuyên cáo đọc trên Đài phát thanh, yêu cầu các lính Mỹ này trong vòng 24 giờ phải đến công khai xin lỗi, nếu không Hội đồng Sinh viên sẽ không bảo đảm tính mạng cho người Mỹ…“

Tiến sĩ Thái Kim Lan nói: „Mục tiêu của Phật giáo lúc ấy rất là hòa hoãn, chỉ muốn chính quyền ông Diệm chấp nhận sự bình đẳng tôn giáo. Vấn đề lật đổ ông Ngô Đình Diệm không có ở trong chương trình của cuộc vận động 1963“ …

Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự kể lại, khi gặp Thích Trí Quang: “Tôi (TTQ) nói để các anh hiểu rõ hơn. Ngay từ khi phát khởi cuộc tranh đấu, tôi đã liên kết với Tướng X để sửa soạn một cuộc đảo chánh bằng quân sự. Gần đây, tôi nhận thấy rằng uy tín và thế lực của Tướng X chưa đủ để đảo chánh. Ông ta chỉ có một số sĩ quan thân cận ủng hộ nhưng không có sự ủng hộ rộng lớn của toàn thể binh sĩ và nhất là không lôi kéo được các tướng lãnh khác. Đó là điều khá nguy hiểm nếu không sớm nhận ra. Do đó tôi định biến cuộc đảo chánh bằng quân sự thành một áp lực chính trị rộng lớn và lâu dài để làm cho Chính quyền Trung ương nao núng. Lúc đó, ta có thể giải quyết vấn đề một cách ôn hòa hơn. . .“

Cả hai người là sinh viên cùng thời tranh đấu chung với nhau mà nhận định khác nhau, làm sao hậu thế hiểu được vấn đề? Xin đề nghị cả hai tranh luận công khai.

Im lặng của Thầy Trí Quang là đúng theo chính pháp?

Giáo sư Võ Văn Ái bình luận: “Tôi nghĩ rằng trong trường hợp của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang, thì trong thuật ngữ Phật giáo có một câu nói rằng: Nói năng như Chánh pháp, im lặng như Chánh pháp. Nghĩa là ngài có nói năng, có phê bình, có xuống đường, có biểu tình, hay là không có tất cả những việc đó, tất cả những điều đó đều là Chánh pháp, chân lý của Đạo Phật“.

Ông Ái đã trích dẫn câu nói này đúng về nội dung nhưng áp dụng với mục đích là để bào chữa cho sự im lặng của Thượng Toạ Thích Trí Quang. Hai trường hợp nói năng trước và im lặng sau năm 1975 khác biệt nhau, không thể so sánh với trường  hợp của Đức Phật.

Giáo lý Phật giáo kể đến trường hợp Đức Phật im lặng trước các câu hỏi siêu hình như vũ trụ, không gian và thời gian. Đức Phật  không muốn gây rắc rối, hoang mang cho Phật tử mà Phật tử phải nên lo tìm cách tu tập trong thực tế. Đức Phật chỉ có giảng thuyết các chuyện siêu hình và phô diễn phép thuật thần thông trước một số đệ tử tin cẩn.

Trường hợp Hòa thượng Thích Trí Quang là dấn thân vào trong chính trị, nếu nói theo ngôn ngữ Phật giáo, tức tạo nghiệp trong thế gian, không phải là chuyện siêu hình. Vấn đề im lặng lả khác hẳn theo mục tiêu của Đức Phật. Im lặng của Hòa thượng Thích Trí Quang là né tránh trách nhiệm trước lương tâm và lịch sử trước các biến động do mình gây ra. Những thế hệ hậu sinh cần tìm hiểu diễn biến mà không kết án hay ca ngợi bất cứ ai. Lập luận của ông Ái không thể thuyết phục.

Ông Ái nói: “Sau năm 1975, cố Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang ở Bình Định và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn tiếp tục con đường đòi hỏi công lý và hòa bình cho dân tộc… Tất nhiên, không có một sự im lặng, không có một sự thối lui, không có một sự khuất phục nào cả“.

Việc tranh đấu của hai Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ không liên hệ gì đến việc im lặng sau này của Hòa thượng Thích Trí Quang. Phật tử cũng có thể suy đoán là không có sự ủy nhiệm tranh đấu nào của Hòa thượng Thích Trí Quang cho Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ cho sự phục hoạt của Viện Hoá Đạo Ấn Quang. Nếu có, xin ông Ái hãy chứng minh.

Hơn bất kỳ ai hết, ông Ái phải tự hỏi là tại sao Hoà thượng Thích Trí Quang không lên tiếng sau khi chân bị bại liệt và phải ngồi xe lăn, đã được Cộng Sản phóng thích ra khỏi tù năm 1977. Các pháp nạn sau năm 1975 còn trầm trọng hơn trong năm 1963 và 1966. 12 Tăng Ni tự thiêu tập thể ngày 2/11/1975 tại Thiền viện Dược Sư, tỉnh Cần Thơ là một trong muôn ngàn thí dụ cần làm sáng tỏ.

Tinh thần vô uý của Hoà thương Thích Trí Quang trong năm 1963 và 1966 và vô ưu sau 1975 có những lý do chiến lược mang tính thời cơ. Đó chính là khôn ngoan trong gọng kìm lịch sử, không phải là nói năng và im lặng theo chánh pháp, một vấn đề còn lại cho ông Ái cần phân biệt.

***

Giáo sư Võ văn Ái và Tiến sĩ Thái Kim Lan là hai bậc tôn giả có nhiều đóng góp đáng trân trọng cho Phật giáo ở trong nước và hải ngoại, cả hai tán thán công đức cho người quá cố là một chuyện phải đạo. Nhưng vấn đề là cả hai làm sao thuyết phục hơn cho những người ngoại cuộc và hậu thế là chuyện quan trọng cần được thảo luận sâu rộng. Trong tinh thần khách quan và tương kính, dư luận sẽ phán xét các nỗ lực này.

Trân trọng.

Bài Mới Nhất
Search