T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Sứ Mạng Của Giáo Hội Qua Đại Dịch Vũ Hán 2019

Cơn đại dịch Vũ Hán Corona virus, chính thức bùng phát từ cuối năm 2019, có nguồn gốc như tên gọi của nó, đến nay đã nửa năm. Sự lây nhiễm và những cái chết của hàng triệu, hàng trăm ngàn người, trên hơn 200 quốc gia và các vùng lãnh thổ, những cách phòng ngừa và tình hình kinh tế trên toàn thế giới kéo theo sự sụp đổ của một số lớn doanh nghiệp cùng những công nhân và nhân viên thất nghiệp, đưa đến những con số báo hiệu về nghèo đói và không loại trừ sự chết đói cả trăm triệu người, nhất là những thành phần vốn đã thiếu thốn, những người sống nhờ vào gánh gàng rong, bán vé số hay thu lượm ve chai v.v… Quả thật đáng lo ngại. Đây không phải là trận dịch đầu tiên xảy ra trên toàn thế giới. Đúng 100 năm trước đây, năm 1918-1919, trận dịch  Tây Ban Nha đã làm 50 triệu người chết, hơn 500 triệu người bị lây nhiễm, nhưng sự thiệt hại về kinh tế thì không bằng đại dịch corona virus hiện nay, dù nó chưa dừng lại.

Đại dịch Corona virus chưa dừng lại, cho dù tình hình lây nhiễm mới đã có nhiều dấu hiệu tích cực, nghĩa là con số lây nhiễm đã giảm xuống.Nhưng theo Vatican News ngày 11/5/2020, tại Giáo phận San Paolo của Brazil, số người bị lây nhiễm virus corona và chết vì virus này đã gia tăng đến mức báo động. Cho đến nay, chưa quốc gia nào tuyên bố dịch bệnh đã dừngở trên lãnh thổ của mình. Việt Nam cũng chưa dám công bố, mặc dù mọi hoạt động trong xã hội đã trở lại, xe cộ lưu thông đã nhộn nhịp, thánh lễ có đông người tham dự đã trở lại bình thường, kể từ này 9/5, nhưng vẫn phải mang khẩu trang vì trên thực tế, bệnh dịch chưa chấm dứt.

Bài viết này chỉ xin được trình bày sơ lược về một khía cạnh của Giáo hội hoàn vũ, xem giáo hội đã ứng xử như thế nào trong trách nhiệm và phạm vi của mình, trước thảm họa trên toàn thế giới, bao gồm cả các giáo hội địa phương.

Mặt khác, điều này thì với chính người viết, cũng đã là một dấu tích lịch sử của một cuộc đời đang ở ngưỡng cửa 100 năm. Khi tác giả đọc bài phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô của một nhà báo người Anh, qua Vatican News Tiếng Việt (xem nguyên văn dưới đây), chúng tôi đã cảm động khi ngài nhắc đến ký ức, ngài ngỏ ý lấy làm buồn khi người ta đã “không còn nhớ những thảm họa nơi này nơi khác”. Ngài nói: “Tôi đã rất ấn tượng bởi lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ Normandia (Pháp). Đã có những nhân vật hàng đầu về chính trị và văn hóa quốc tế. Và họ đã ăn mừng. Tất nhiên, đó đúng là sự khởi đầu của một kết thúc cho một chế độ độc tài, nhưng không có bất kỳ ai nhớ đến 10.000 chàng trai đã ngã xuống trên bãi biển đó.” Và…trên tất cả, ĐGH Phanxicô đã “gọi tên Con Người”, đặt con người trước lương tâm nhân loại. Đó chính là sứ mạng của Giáo Hội. Xin hãy đồng hành với ngài.

Bây giờ cũng thế, cơn đại dịch corona virus Vũ Hán, đã là một thảm họa lớn lao và hãi hùng cho toàn nhân loại. Cho nên, đối với chúng tôi, cơn đại dịch này không sao quên được, như chúng tôi không quên đời mình đã đi qua trận chiến tranh thế giới lần thứ hai của thế kỷ XX (1939-1945), cuộc chiến chống Pháp (1945-1954), cuộc chiến từ 1955-1975 của những người Việt Cộng sản đánh người Việt Quốc gia. Họ thú nhận công khai là họ đánh cho Liên Xô và Trung cộng. Lời thú nhận này được ghi lại trước phần mộ của Lê Duẩn, Tổng bí thư Đảng CSVN sau Hồ Chí Minh. Cuối cùng là cuộc sống dưới chế độ Cộng sản, từ ngày 30/4/1975, đến nay là năm 2020, 45 năm đã qua. Tôi đã và sẽ còn phải sống và “chiến đấu” với nội tâm tôi liên đới với xã hội, một xã hội đang thui chột mỗi ngày về lương tâm và phẩm giá con người. Đây là một cuộc chiến cân não, vô hình, dai dẳng, ray rứt, cắn xé tâm can. Đã có những người tự sát, có người tự thiêu!

Bài viết này gọi là đề cập đến những cách ứng xử trong phạm vi và bổn phận của giáo hội đối với đại dịch, nhưng chúng tôi không ghi nhận những hoạt động có tính cách truyền thống và đã được toàn thế giới công nhận về cách làm của giáo hội ở khắp nơi là rất hiệu quả. Đó là những hoạt động từ thiện, bác ái, cứu trợ xã hội, qua Tổ chức Caritas của Giáo hội, Giáo hội địa phương nào cũng có tổ chức này. Tuy thế, trong đại  dịch này, giáo hội Việt Nam cũng như các giáo hội khác, vẫn có những sáng kiến riêng lẻ, nghĩa là không do Caritas điều động, mà do các linh mục chính xứ khởi xướng những việc làm thiết thực, như giúp người khốn khó ít cân gạo, những gói mì hay bữa cơm, giúp những người nghèo sống qua ngày!

 

Những mất mát về nhân sự của Giáo hội

Quốc gia thành Vatican nhỏ bé, chỉ có 0,44km2 với một số dân 839 người, vào năm 2013. Nhưng con viruscorona cũng đã làm 11 người lây nhiễm, theo Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 30/4/2020. Đến ngày 06/5, lại có thêm một nhân viên nhiễm virus. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, nhân viên này đã bị nhiễm virus hồi đầu tháng 3 và đã cách ly tại nhà. Trước khi trở lại làm việc, nhân viên này lại chịu một cuộc xét nghiệm khác do sở y tế Vatican thực hiện và kết quả là dương tính, nên đương sự lại tiếp tục ở nhà để qua thời kỳ khảo sát (RVA 08/5/2020). Tuy quốc gia Vatican không có mất mát nào về nhân sự, nhưng cũng đã gặp phải  cảnh hơn mười nhân viên của mình nhiễm virus corona, xét về tỉ lệ, đó là một con số nhiều. Mặt khác, tình trạng tài chính của Tòa Thánh và quốc gia thành Vatican cũng bị suy giảm nặng nề và dự kiến mức thiếu hụt sẽ lên tới 175% (RVA 12/5/2020).

Còn những tin tức về sự mất mát của giáo hội trong đại dịch Corona virus, chúng tôi chỉ ghi nhận được ở Ý và Tây Ban Nha. Bản tin của Vatican News ngày 24/4/2020 ghi nhận: Rất nhiều nữ tu Ý qua đời vì đại dịch Covid-19. Theo báo Avenire của Hội đồng Giám mục Ý, Covid-19 không chỉ tấn công các linh mục và nam tu sĩ, nhưng cả nữ tu ở Ý cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 5 nữ tu y tá Dòng Đức Bà Sầu Bi ở Como và 7 nữ tu Đa Minh Chân phước Imelda ở Bologna là những trường hợp mới nhất trong một loạt những người tử vong do nhiễm virus tại các cơ sở đã trở thành ổ dịch.

Tại Tu viện các nữ tu Dòng Felicia ở Livonia, Michigan (Hoa Kỳ), đã phải gánh chịu một mất mát đặc biệt khó khăn: 22 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được xác nhận tại tu viện này, với 11 người chết.

Vào ngày 20/4, Bề trên tỉnh dòng Felicia Bắc Mỹ, nói rằng: “hơn 35 thành viên của cộng  đồng, là các nữ tu hoặc nhân viên, đã thử nghiệm dương tính với Covid-19 trong ba tu viện lớn của chúng tôi” (TTCG 06/5/2020).

Ngày 20/4 Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha công bố có khoảng 70 linh mục ở quốc gia này đã qua đời do covid-19 kể từ khi đại dịch bùng nổ. Trong khi đó, số linh mục triều tại Ý qua đời vì Covid-19 lên đến 115 vị (Theo Hồng Thủy – Vatican)

Nếu nhìn vào tỷ lệ dân số tại mấy quốc gia trên đây với tỷ lệ của thành phần nữ tu và linh mục thì rõ ràng, giáo hội tại những nơi này đã chịu nhiều thiệt hại do con virus corona.

 

Hãy đồng hành và cầu nguyện với ĐGH Phanxicô

Trước đây người viết cũng đã đề cập tới việc ĐGH đương kim đã ra khỏi căn phòng nghỉ của ngài để đến cầu nguyện với Đức Bà Cả, hoặc tới nhà thờ San Marcello Al Corso ở Roma để cầu nguyện trước một Thánh Giá, được coi là biểu tượng kỳ diệu của thành Roma từ nhiều thế kỷ trước. Cây thánh giá này sau đó đã được tháo rời để dựng lên tại Quảng trường Thánh Phêrô. Tại đây Đức Thánh Cha đã cầu nguyện, xin chấm dứt đại dịch, lúc 18 giờ ngày 27/3/2020.

Ngoài ra, hàng ngày Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện, mỗi ngày một ý lễ riêng cho từng thành phần trong xã hội: như thánh lễ  ngày 26/4/2020, ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm viruscorona, các nhân viên y tế và những người đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này. Trong bài giảng, ngài xin mọi người hãy cầu nguyện cho tất cả những người phải chịu đựng nỗi buồn, vì cô đơn, vì lo lắng cho tương lai, không biết những gì đang chờ đợi họ, hoặc vì không thể lo cho gia đình, vì họ không có tiền, vì họ không có việc làm. Quá nhiều người đau khổ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. (TTCG 26/4/2020).

Trong một thánh lễ khác tại nhà nguyện Santa Marta, ĐTC Phanxicô đã đề cập đến một thứ “đại dịch” khác mà những gia đình gặp khó khăn vì coronavirus bị lợi dụng, đó là những nhóm cho vay ăn lãi cao lợi dụng tình thế này.

Còn tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội là ông Nguyễn Văn Giàu, đại biểu ứng cử tại An Giang, phát biểu tại kỳ họp thứ 9, sáng 08/5/2020 về việc phòng chống dịch bệnh, có cán bộ lợi dụng mua sắm thiết bị chống dịch để trục lợi. Ông Giàu phát biểu: “Trời ơi, cả nước lo chống dịch mà mấy ông làm nghề đó đi nâng giá thiết bị lên để lấy ăn. Nghe mà đau thế nào. Chính người trong cuộc mà đi làm kiểu gì vậy?” (Theo Nguyễn Lê, báo Đầu tư Việt Nam)

Chúng ta hãy cùng ĐTC Phanxicô nhìn sang những khía cạnh khác do cơn đại dịch gây nên. Đó là trong cuộc phỏng vấn dài với nhà báo Austen Ivereigh của tờ báo The Tablet của Anh, ĐTC Phanxicô đã trả lời những câu hỏi liên quan đến đại dịch Covid-19.

Vatican News Tiếng Việt trích đăng một câu trả lời của Đức Thánh Cha liên quan đến câu hỏi “liệu trong cuộc khủng hoảng và tác động kinh tế của nó, ta có thể nhìn thấy cơ hội trong việc hoán cải sinh thái không, để xem xét những ưu tiên và cách sống của chúng ta?”

Có một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha nói rằng: “Thiên Chúa thì luôn luôn tha thứ, con người thì thỉnh thoảng tha thứ, và thiên nhiên thì không bao giờ tha thứ”. Chúng ta đã không lắng nghe những thảm họa nơi này nơi khác. Ngày nay có ai nhắc về vụ cháy rừng ở Úc? Và thực tế là một năm rưỡi trước, có một con tàu đã vượt qua được Bắc Cực, bởi vì ở đó băng đã tan chảy và tàu có thể đi lại được. Vậy ai đã nói về những trận lũ lụt? Tôi không biết đó có phải là sự trả thù của thiên nhiên không, nhưng đó chắc chắn là câu trả lời của thiên nhiên.

Cần nhớ về ký ức

Chúng ta có một bộ nhớ chọn lọc. Tôi muốn nhấn mạnh về điều này. Tôi đã rất ấn tượng bởi lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ Normandia (Pháp). Đã có những nhân vật hàng đầu về chính trị và văn hóa quốc tế. Và họ đã ăn mừng. Tất nhiên, đó đúng là sự khởi đầu của một kết thúc cho một chế độ độc tài, nhưng không có bất kỳ ai nhớ đến 10.000 chàng trai đã ngã xuống trên bãi biển đó.

Khi tôi ở Redipuglia, trong dịp một trăm năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người ta chỉ thấy có một tượng đài thật đẹp với những cái tên khắc trên bia đá, và chẳng có gì hơn. Tôi đã khóc khi nghĩ về ĐTC Biển Đức XV (về “cuộc tàn sát vô ích”). Tương tự như thế ở Anzio, vào ngày lễ cầu cho những người đã qua đời, tôi nhớ đến những người lính Bắc Mỹ đã được chôn cất ở đó. Mỗi người họ đều có một gia đình, và tôi có thể ở vị trí của một trong số họ…”.

(Xin mở dấu ngoặc: Người viết bài này cũng đã khóc khi đọc đến những dòng ký ức của Đức Phanxicô trên đây, tôi nhớ đến những ngày 30 tháng 4 trong suốt 45 năm đã qua, khi nhà nước CSVN tổ chức trọng thể, tiệc tùng mở ra linh đình để “Ăn mừng ngày Đại thắng”, trong lúc, hàng trăm, hàng ngàn nhân viên chính phủ, sĩ quan của VNCH đã chết trong các trại tù ở khắp nước; hàng ngàn dân thường phải bỏ nhà ở thành phố lên rừng, gọi là Kinh tế mới gặp đói khát, bệnh tật và hàng trăm ngàn người vượt biên chết trên biển, chết vì hải tặc v.v…và còn bao nhiêu điều sợ hãi khác đã bao trùm lên toàn xã hội, nào mấy lần đổi tiền, đánh tư sản, đốt sách, nào là ngăn sông cấm chợ, ngày nay một số vấn đề làm cho người ta còn sợ hãi, vẫn còn đó, điển hình là vụ xã Đồng Tâm (9/01/2020), cả một trung đoàn hơn 3.000 lính tráng võ khí đầy người, đêm tối tấn công hung bạo chỉ để sát hại cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình và vụ án tử tù Hồ Duy Hải (trong các ngày xử Phúc thẩm, 7,8,9/5/2020), Hội đồng Thẩm phán tòa án tối cao gồm 17 ông bà, đã bác kháng nghị, y án tử hình Hồ Duy Hải. Tòa đưa ra những tình tiết hết sức phi lý, ngạo mạn, bất lương; bất chấp quy trình điều tra lủng củng, chứng cứ không có hoặc khập khiễng, mâu thuẫn, lấy không làm có, lấy giả làm thật. Đây đích thực là một phán quyết về chính trị của một nhà nước cai trị hơn 90 triệu dân vào thập niên 20 của thế kỷ 21! Xin đóng ngoặc.)

Trở lại bài phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Theo ngài, cơn đại dịch hiện nay, không phải là một thảm họa lần đầu tiên xảy đến cho toàn nhân loại, nhưng theo ngài, đây là lúc để phục hồi lại ký ức.  Những bệnh dịch trước đó giờ đây đã được biến thành những giai thoại. Chúng ta cần phải phục hồi lại những ký ức về nguồn cội, về truyền thống, vì chúng là những điều đáng nhớ. Trong Linh Thao của Thánh Inhaxio, toàn bộ tuần thứ nhất của linh thao và sau đó là phần chiêm niệm để đạt được tình yêu trong tuần thứ tư đều hoàn toàn lần theo dấu chỉ của ký ức. Đó là một cuộc hoán cải ngang qua ký ức.

Cần hoán cải khỏi sự không nhất quán

Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta: dù giàu hay nghèo. Đây là một lời kêu gọi sự chú ý chống lại thói đạo đức giả. Tôi lo ngại về sự giả hình của một số nhân vật chính trị khi họ nói rằng họ muốn đối mặt với khủng hoảng, khi họ nói về sự nghèo đói trên thế giới, và trong khi nói về những điều đó, họ cũng đồng thời sản xuất vũ khí hàng loạt. Đã đến lúc phải hoán cải những giả hình này thành những hành động. Đây là thời gian cho sự nhất quán, hoặc là chúng ta nhất quán hoặc chúng ta mất tất cả.

Anh hỏi tôi về việc hoán cải. Thực ra, mỗi cuộc khủng hoảng là một mối nguy hiểm, nhưng đồng thời nó cũng là một cơ hội. Và đó là cơ hội để thoát khỏi nguy hiểm. Hôm nay tôi tin rằng chúng ta phải làm chậm lại một nhịp nhất định về việc tiêu dùng và việc sản xuất (Laudato si ‘, số 191). Ta phải học cách hiểu và chiêm ngắm thiên nhiên để kết nối lại với môi trường thực tế của chúng ta. Đây là một cơ hội hoán cải.

Vâng, tôi có thấy những dấu hiệu bắt đầu của một nền kinh tế ít thanh khoản và thêm nhân văn. Nhưng chúng ta không được phép quên nó một khi tình huống hiện tại qua đi, chúng ta không được đem nó bỏ vào kho lưu trữ và quay trở lại như trước kia. Đây là lúc để tiến bước, để chuyển từ việc sử dụng và lạm dụng thiên nhiên sang việc chiêm ngắm nó, suy ngẫm về nó. Con người chúng ta đã đánh mất đi chiều kích chiêm niệm, và đây là lúc để chúng ta tìm lại và phục hồi nó.

Nhìn nhận về người nghèo

Và nhắc đến việc suy ngẫm, tôi muốn dừng lại ở một điểm, đó là: đã đến lúc nhìn nhận về người nghèo. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng “những người nghèo, anh em luôn có ở bên mình”. Và thật sự là như thế. Đó là một thực tế mà chúng ta không thể chối bỏ. Họ bị che giấu đi, vì nghèo đói là xấu hổ. Ở Roma, trong lúc đi kiểm dịch, một anh cảnh sát nói với một người đàn ông rằng: “Anh không được ở trên đường phố, hãy về nhà của anh”. Và câu trả lời là: “Tôi không có nhà. Tôi sống trên hè phố”. Khám phá biết bao nhiêu người bị gạt sang bên lề… và bởi lẽ sự nghèo đói khiến ta xấu hổ nên ta không nhìn vào nó. Họ ở đó, chúng ta lướt qua họ, nhưng ta không nhìn họ. Họ chỉ như một phần của cảnh quan, như những vật thể. Thánh Têrêsa Calcutta đã nhìn thấy họ và đã quyết định dấn thân vào hành trình biến đổi.

Nhìn thấy những người nghèo có nghĩa là trao trả lại cho họ nhân phẩm. Họ không phải những vật phẩm, không phải những phế thải, họ là những nhân vị. Chúng ta không thể xây dựng một chính sách hỗ trợ như dành cho các động vật bị bỏ rơi. Ngược lại, rất nhiều lần chúng ta đối xử với người nghèo như với những con vật bị bỏ rơi. Chúng ta không thể xây dựng một chính sách mang tính hỗ trợ và cục bộ.

Cho phép tôi được đưa ra một lời khuyên: đã đến lúc đi sâu vào lòng đất. Đó là một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của nhà văn người Nga Dostoevslij, Ký ức về lòng đất. Và có một cuốn khác ngắn hơn, đó là Hồi ức về một ngôi nhà chết chóc, nó kể về những người quản thúc của một bệnh viện nhà tù, họ đối xử với những tù nhân nghèo như những đồ vật. Khi nhìn thấy họ đối xử như vậy đối với một tù nhân vừa mới chết, một tù nhân khác đã hét lên: “Đủ rồi! Anh ta cũng có một người mẹ!”. Chúng ta phải nhắc lại điều này rất nhiều lần rằng: người nghèo nào cũng có một người mẹ, người đã dưỡng dục anh ta bằng tình yêu. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc sống. Nhưng nó giúp ta suy nghĩ về tình thương mà anh ta nhận được, về những kỳ vọng của một người mẹ.

Chúng ta làm suy yếu những người nghèo, chúng ta tước đi cái quyền mơ về mẹ của họ. Họ chẳng được biết thế nào là tình thương, rất nhiều trong số họ nghiện ngập. Nhìn thấy họ như thế sẽ giúp chúng ta khám phá ra lòng trắc ẩn, chính lòng trắc ẩn này là chiều kích kết nối chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.

Đi sâu vào lòng đất và chuyển từ một xã hội sống ảo hóa, sống hời hợt sang nhập thể vào những xác thịt đau khổ của những người nghèo. Đây là một sự hoán cải cần phải có, vì nếu chúng ta không bắt đầu từ đấy thì sẽ chẳng có bất kỳ sự hoán cải nào xảy ra trong tương lai.

Những anh hùng hiện nay

Tôi nghĩ đến những vị thánh kề cận trong thời điểm khó khăn này. Họ là những anh hùng! Các bác sĩ, những tình nguyện viên, những nữ tu, linh mục, những nhân viên họ thực hiện những trách vụ của họ để cho xã hội này hoạt động. Có biết bao nhiêu bác sĩ và y tá đã ra đi! Bao nhiêu linh mục, bao nhiêu nữ tu đã chết! Vì phục vụ, trong phục vụ.

Tôi nhớ đến một câu của người thợ may trong cuốn “I promessi sposi”, theo tôi thì đây là một trong những nhân vật đơn sơ và kiên định nhất. Anh ta nói: “Tôi chẳng bao giờ thấy Chúa bắt đầu làm một phép lạ mà không hoàn thành nó”. Nếu chúng ta nhận biết rằng ngang qua những vị thánh kề cận bên mình, những nam nữ anh hùng này, nếu chúng ta biết theo gương họ, phép lạ này sẽ hoàn thành, một kết thúc có hậu cho tất cả. Thiên Chúa không bao giờ bỏ dở dang những gì Người làm. Chỉ có chúng ta, chúng ta để dở những việc mình làm và bỏ đi.

Những gì chúng ta đang trải qua là một cơ hội để chúng ta hoán cải và biến đổi. Chúng ta có cơ hội để làm điều đó. Vì thế, chúng ta hãy nhận lấy trách nhiệm và tiến về phía trước.(02 tháng năm 2020)

Khải Triều

(Ngày 14/5/2020)

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search