T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: Tuyển tập Dân ca – Bài 11: Mùa Đông Chiến Sĩ

Mùa Đông Chiến Sĩ – Dân ca do Phạm Duy sưu tập

Video:

Mùa Đông Chiến Sĩ – Ca sĩ: Thái Thanh

ĐỌC THÊM:

Đôi điều về trăng trong nhạc Phạm Duy

(Nguồn: vanhocsaigon.com)

Nghe nhạc Phạm Duy, tôi bắt gặp hình ảnh trăng. Trăng trong nhạc Phạm Duy gắn với biết bao ấn tượng trong tôi.     

Trước tiên, trong một bài hát thời kháng chiến chống Pháp, trăng là đối tượng, là cái cớ để người hậu phương gọi tên khi ngồi may những cái áo ấm, như là tấm lòng gửi cho người lính nơi chiến trường chút tình nước non:

          “Trăng ơi! Mắc ngọn cành tre

          Em ngồi may áo mà se se tấm lòng

          Ư ư ư ừ ừ vì ước mong

          Qua mùa rét mướt ước mong

          Người đi người sẽ trả xong thù nhà”.

(“Mùa Đông Chiến Sĩ”, Thái Nguyên, 1947)

Còn gì đẹp bằng lúc hoàng hôn, vào ngày mùa, khi khói bếp vừa vấn vương trên những nhà sàn, ánh trăng non vừa in trên khoảng trời yên bình của núi rừng. Ánh trăng non hòa vào tiếng gọi ơi chiều. Tiếng gọi chiều trong ánh trăng tơ sao mà da diết đến vậy!

          “Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ

          Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều”.

(“Nương Chiều”, Lạng Sơn, 1947)

Khi xưa, ngày mùa là lúc nông dân bận rộn. Nào là đập lúa, rồi gánh lúa về, nào là phơi lúa, đổ lúa vào bồ… Biết bao công đoạn khó nhọc để có hạt gạo ngon lành cho con người. Trong không khí bận rộn ấy, ánh trăng xuất hiện làm đẹp thêm khung cảnh yên bình nơi thôn dã. Trăng như làm đẹp sợi tóc mai cùng những giọt mồ hôi và cả nụ cười duyên của những chàng trai, cô gái hiền lành:

          “Đêm qua trăng mơ sáng khắp thôn quê

          Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi

          Có nàng xay lúa quyến tròn thương nhớ

          Thương chàng mà dãi nắng dầm mưa

          Đêm qua trăng mơ thức suốt canh khuya

          Hỡi chàng mà chàng ơi, chàng ơi

          Sớm ngày mai tới, thóc vàng cơm mới

          Đi nuôi dân gánh một thành hai”.

(“Gánh Lúa”, Thanh Hóa, 1949)

Trăng còn gắn với Chú Cuội, Hằng Nga – những nhân vật trong truyện cổ tích. Cuội đã có vợ là cô gái con nhà giàu. Còn Hằng Nga có chồng là Hậu Nghệ. Ai cũng có vợ, có chồng, có hoàn cảnh, số phận riêng trước khi lên cung trăng. Thế nhưng, với Phạm Duy, trăng lại là nhà, là lâu đài tình yêu của chú Cuội cùng Hằng Nga:

          “Ánh trăng vàng bên người đẹp yêu chồng

          Khúc nghê thường quên đường về dương gian

          Ánh trăng vàng kìa là ánh trăng vàng

          Đời dương thế có người trong đêm tối

          Chờ sao chiếu mối tình của Hằng Nga

          Đời đời mọc trăng tơ sáng loáng”.

(“Chú Cuội”, Chợ Neo, 1948)

Trăng cũng gắn với tuổi thơ. Tuổi thơ nào không qua những cái Tết Trung Thu? Còn gì vui bằng đêm Trung Thu rộn ràng tiếng trống múa lân trong ánh đèn, đuốc soi sáng dấu chân tuổi thơ đi khắp ngõ xóm, đường quê, phố thị. Tiếng trống, đuốc đèn làm nên cuộc vui đâu chỉ cho trẻ thơ:

          “Kìa trăng sáng ngời

          Đêm rằm Trung, Trung (ứ ư ư) Thu.

          Đời vui trống ròn

          Tiếng ca lẫy (ý y y) lừng

          Từ ngõ ngách làng

          Đèn đuốc rước triền miên

          Bao người đóng góp

          Vui chung một (ư ừ ư) miền”.

(“Em Bé Quê”, Sài Gòn, 1954)

Bên cạnh đó, trăng gắn với kỷ niệm. Trăng là hình ảnh dấu yêu gắn với tuổi thơ ngày nào có mẹ, có cha, có cuộc sống thanh bình:

          “Cho tôi lại ngày nào

          Trăng lên bằng ngọn cau

          Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao

          Cha tôi ngồi xem báo; phố xá vắng hiu hiu

          Trong đêm mùa khô ráo tôi nghe tiếng còi tàu”.

(“Kỷ Niệm”, Sài Gòn , 1966)

Trăng gắn liền với cuộc sống thanh bình bao đời nay. Trăng hiền hòa theo nhịp sống lứa đôi. Trăng yên bình theo cuộc sống an vui khi hòa bình về trên quê hương, trên ruộng đồng:

          “Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ

          Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về

          Có anh thương binh sống đời hòa bình”.

(“Ngày Trở Về”, Ấn Độ Dương, 1954)

Khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi thấy vầng trăng làm chứng cho cuộc tình mới bắt đầu với lời thề nguyền của Kim Trọng và Thúy Kiều: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song”. Còn trong nhạc Phạm Duy, trăng lại làm chứng cho cuộc tình lỡ, cuộc tình đã qua. Trăng nhìn những giọt nước mắt đớn đau khóc người tình trên bãi vắng:

          “Đêm xưa biển này, người yêu trong cánh tay

          Đêm nay còn cát trắng, đêm nay còn tiếng sóng

          Đêm nay còn trăng soi, nhưng rồi chỉ còn tôi

          Trên bãi đêm khóc người tình”.

(“Nha Trang Ngày Về”, Nha Trang, 1969)

Cuộc tình lỡ, cuộc tình đã qua, rồi cũng chết giữa dòng đời lạnh lùng. Nước mắt chẳng là gì dẫu đầy nỗi xót thương. Và ánh trăng kia có còn lại những gì khi cuộc tình đã chết?

          “Đời lạnh lùng trôi theo giòng nước mắt

          Với bao tiếng tơ xót thương đời

          Vì cuộc tình đã chết một đêm nao

          Lúc trăng hãy còn thơ ấu!”

(“Tiếng Đàn Tôi”, Chợ Đại Cống Thần, 1947)

Trăng gắn với tình yêu của anh, của em, của đôi ta. Khi tình yêu đến, hạnh phúc, trăng vào đời cùng tình yêu. Khi em ra khỏi cõi đời, trăng cũng chẳng còn trong anh nữa:

          “Ngày đó có em đi nhẹ vào đời

          Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối

          ………………………………………………

          Ngày đó có em ra khỏi đời rồi

          Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối”…

(“Ngày Đó Chúng Mình”, Sài Gòn, 1959)

Trong một bài ca khác, tôi bắt gặp trăng hòa vào tuổi cùng em, hòa yêu thương, giận hờn, mơ mộng, ngây ngô cùng em khi em hai mươi tuổi. Tuổi thơ thoáng qua. Và rồi ánh trăng thẩn thơ như lòng em thơ thẩn giấc mộng đời:

          “Ôi! Đã thoáng qua tuổi thơ

          Khi suốt đêm hồn ngơ

          Khi trái tim ngủ mơ.

          Ôi! Khi ánh trăng thẩn thơ

          Ru giấc mơ hiền khô

          Môi tiết trinh nở hoa”

(“Ngày Em Hai Mươi Tuổi”, Sài Gòn, 1961)

Ánh trăng có trong ký ức của những nụ hôn tình ái, của những mùi hương quyến rũ thuở yêu nhau. Trăng treo tình theo mùa Thu đã qua:

          “Ngỡ hương là tình duyên trong cõi bao la

          Có trăng treo tình gió

          Mây quên đường xưa”.

(“Tình Ca Mùa Thu”, Sài Gòn, 1956)

Trăng trong nhạc Phạm Duy như đối diện với bao nỗi lòng của cô gái vừa lớn mang ước vọng, khát khao. Ước vọng khát khao của em chỉ là con suối nhỏ hiền hòa để trăng mãi được soi tình trên ấy:

          “Sao em sao em không là suối nhỏ

          Cho trăng bơ vơ soi mặt ngàn thu”.

(“Tuổi Bâng Khuâng”, Sài Gòn, 1973)

Trăng muôn đời nay gắn với quê hương. Một thời, Lý Bạch nhìn trăng, nỗi nhớ quê hương trào dâng trong lòng làm ông cúi đầu rưng rức trong “Tĩnh Dạ Tư”: “Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương” (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương – Tương Như dịch). Còn Phạm Duy thương nhớ quê lại có cách khác. Đó là được trần truồng nhào xuống tắm trong dòng sông quê vào một đêm trăng thanh, gột hết u sầu, cho thỏa lòng mộng mơ thương nhớ:

          “Lột áo ngang đầu, buông quần chùng xuống đất

          Nhào xuống dòng sông, ý y a sông sâu.

          Ngâm mình trong nước gột hết, hết u sầu

          Dang hai chân rộng bơi vào, vào mộng mơ.

          Trời xuống thật gần, mây êm trôi lặng lẽ

          Ngân hà tung tóe long lánh, ới long lanh

          Mặt trăng đâu đó về tắm mát cùng anh

          Vô vàn sao sáng múa hát trong trời thanh”.

(“Tắm Truồng Sông Trăng” – Hương Ca 3)

Nhìn trăng quê hương, lúc tròn lúc khuyết, Phạm Duy lại nghĩ đến phận người khi bỉ khi thái, khi mất khi còn trong vòng quay vô thường của tạo hóa. Cũng chẳng nên buồn làm chi, bởi đó là lẽ thường tình:

          “Trăng to tròn rồi khi không còn trăng nữa

          Trăng già nua rồi trăng tái hồi trăng non

          Có gì đâu mà em tủi em buồn

          Xin lặng chờ cho trăng ngàn sẽ tới”.

(“Quê Hương Vô Thường” – Hương Ca 2)

Trong “Bài Ca Trăng” (1961), Phạm Duy viết về trăng bằng tiếng lòng mến yêu. Trăng không thể thiếu trong ông. Bằng những từ “trăng ơi, trăng ới” được lặp đi lặp lai trong từng đoạn của bài hát cho người nghe thấy cả một trời trăng như ôm trọn cảnh vật, con người trong nỗi mến thương ngập tràn không thể không lên tiếng nói yêu thương. Để rồi, sau một đêm trăng giã từ giấc mộng bình yên:

          “Trăng ơi, trăng ới kìa là trăng đêm

          Trăng đến khuya thăm người quen (láy)

          Gối chăn đã lạnh mềm, lạnh mềm

          Người về trong cõi duyên (láy)

          Trăng ơi, trăng ới tình già bình yên

          Trăng khuất mau sau màn đêm (láy)”

Cuối cùng, theo tôi, nhìn trăng, viết về trăng, chính là Phạm Duy nhìn mình, nhìn con người, nhìn đời trong cõi nhân sinh. Trên trời cao, trăng vẫn vậy, thế mà người đời gọi trăng già, có khác chi con người đâu còn trẻ mãi. Trăng một mình có khác chi người cô quạnh ở trần gian. Trăng lặng im, nhưng Phạm Duy thì khác. Phạm Duy không thể lặng im mà ông suốt đời lăn quanh, lang thang cất lên tiếng hát ca của người hát rong dù phải lênh đênh số kiếp, dẫu trăng kia sống mãi muôn đời, bởi đời người trăm năm hữu hạn:

          “Trăng ơi, im lặng à a ới a suốt đời

          Mà sao ta cứ ý a ới a đứng ngồi, đứng ngồi không yên

          Suốt đời lăn quanh, suốt đời lang thang

          Hát ca êm đềm hay hát vang vang

          Trăng ơi, sống cả a a sống cả muôn đời

          Còn ta sống chết y a ới a không ngoài

          Chẳng ngoài trăm năm”.

(“Trăng Già” – Rong Ca 8, California, 1988)

Trăng trong nhạc Phạm Duy có biết bao điều cần nói. Trăng mãi là trăng đẹp của trần gian. Và, theo tôi, trăng mãi là hình ảnh đẹp trong nhạc Phạm Duy.

Tháng 9.2020

PHAN TRANG HY

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search