T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vụ Đồng Tâm ở Việt Nam: Hạ màn

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Asia Sentinel

Tác giả: David Brown

Song Phan, chuyển ngữ

Và không theo cách tốt đẹp

Bản án đã được đưa ra trong vụ Đồng Tâm, cuộc xung đột ngắn ngủi nhưng đẫm máu giữa cảnh sát và một nhóm nông dân kiên trì chống đối. Sau một tuần xét xử, ngày 14 tháng 9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên cả 29 bị cáo có tội, theo các mức độ khác nhau, trong việc chống lại quyền lực nhà nước. Hai người bị kết án tử hình, một người khác bị án tù chung thân và những người còn lại nhận án tù ngắn hơn.

Lời tuyên án có tội không có gì đáng ngạc nhiên. Đây là một phiên tòa trình diễn theo chỉ đạo và sự dàn dựng của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Hết bị cáo này này đến bị cáo khác đã có lời thú nhận gần như giống hệt nhau, “gửi lời xin lỗi đến gia đình của ba cảnh sát hy sinh; nhận đã có lỗi nên xin hưởng mức án khoan hồng; gửi lời cảm ơn giám thị trại tạm giam đã giúp nhận ra lỗi lầm; và đề nghị luật sư không tiếp tục bào chữa cho họ”.

Chế độ Hà Nội có cái nhìn tiêu cực về các cuộc phản kháng của nông dân. Theo học thuyết của Đảng và luật pháp Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước thay mặt dân để quản lý đất. Nếu nông dân kiên trì trong việc khẳng định quyền canh tác đất khi nhà nước độc đảng ra quyết định sự dụng nó vào mục đích khác, ngay cả khi họ chỉ đòi được đền bù xứng đáng, họ có nguy cơ bị gán là “bọn nổi loạn và khủng bố”, bị ép buộc phải rời đi, và trong những trường hợp điển hình, bị truy tố.

Theo The 88 Project (Dự án 88), một blog chuyên về các vấn đề tự do ngôn luận ở Việt Nam, Bộ Thông tin đã chỉ đạo các phương tiện truyền thông của nhà nước tô vẽ các bị cáo thành “những kẻ tấn công trước”, mô tả lãnh đạo của họ là “một đảng viên thoái hóa”, nhấn mạnh rằng “đa số mọi người đồng ý rằng, cảnh sát phải hành động để bảo vệ sự yên bình”, và không đưa tin “các lập luận biện hộ gây bất lợi cho phía chính quyền”.

Một phim “tài liệu” do Bộ Công an sản xuất đã được chiếu vào đầu phiên tòa thể hiện phiên bản của chính quyền về vụ việc, gồm có cảnh các bị cáo nhận tội. Khi các luật sư bào chữa phản đối và khẳng định rằng, thân chủ của họ nhận tội trong tình trạng bị bức cung, thì được yêu cầu “cứ xem phim”. Các luật sư bào chữa cũng bị từ chối cơ hội tiếp xúc với các bị cáo trong giờ giải lao.

Những chuyên đã xảy ra tại Đồng Tâm, một ngôi làng cổ ở rìa phía tây của Đồng bằng sông Hồng, mở ra như một vở bi kịch không thể tránh khỏi của Shakespeare.

Màn I: Bốn mươi năm trước, nhà nước ra quyết định tịch thu 208 ha đất để cho không quân sử dụng, nhưng hóa ra, và vì những lý do chưa giải thích được, khoảng 47 ha trong số đó đã không nhập vào Căn cứ Không quân Miếu Môn mới. Đó là đất nông nghiệp màu mỡ, và như nhiều thế kỷ trước, những người dân của làng Đồng Tâm vẫn tiếp tục canh tác.

Màn II: Khoảng 35 năm sau, Bộ Quốc phòng giao 47 ha đất đó cho Viettel, một tập đoàn thuộc sở hữu của Bộ. Một số gia đình nông dân dựng lên những bảng hiệu tuyên bố quyền không chấp nhận bị trục xuất và cắm trại trên cánh đồng. Rồi hết việc này dẫn đến việc khác, vào ngày 15/4/2017, ông Lê Đình Kình, một cựu trưởng thôn, và ba nhân sĩ khác bị bắt. Nhóm nông dân phản ứng bằng cách bắt 38 người, gồm các cảnh sát cơ động và quan chức địa phương, nhốt vào Nhà Văn hóa xã làm con tin, một đòn mạnh bạo làm cho cả nước chú ý đến họ trên các mạng xã hội.

Màn III: Một sự kiện bất ngờ đã giải tỏa tình hình căng thẳng tột độ này vài ngày sau đó. Với lời hứa là yêu sách của dân làng đối với khu đất tranh chấp sẽ được xem xét toàn diện và không ai bị trừng phạt, chủ tịch Hà Nội, từng là thiếu tướng công an, đã đổi lấy được việc thả hết những người bị bắt giữ.

Màn IV: Tuy nhiên, kết thúc không có hậu: Vào tháng 4 năm 2019, thanh tra chính phủ trung ương công bố kết luận: Yêu sách của dân làng về đất đai hoặc đền bù là không hợp lệ. Không lâu sau đó, các nhà thầu của Bộ Quốc phòng bắt đầu xây dựng một bức tường xung quanh khu đất tranh chấp và, có vẻ như, đại gia đình và bạn bè của ông Kình đã bắt đầu thu thập một số lượng nhỏ vũ khí, bao gồm giáo mác, lựu đạn tự chế và bom xăng.

Màn V: Rạng sáng ngày 9 tháng Giêng, tin tức về một vụ tấn công chết người đã gây xôn xao trên mạng xã hội Việt Nam. Bốn người chết, trong đó ba cảnh sát được cho là đã bị chết cháy sau khi rơi (hoặc bị đẩy) xuống một giếng trời, và ông Kình 84 tuổi bị giết, được cho là đang cầm lựu đạn trong tay khi chống lại việc bắt giữ. 26 người khác – thành viên đại gia đình của ông Kình và những người đi theo ông – đã bị bắt. Trên đài truyền hình quốc gia, con trai và cháu trai của ông Kình tự thú, đã giết các sĩ quan công an.

Vài ngày sau đó, ba sĩ quan cảnh sát đã được tuyên bố là anh hùng liệt sĩ và được tổ chức tang lễ chu đáo. Mặc dù phiên bản chính thức về sự kiện chết người đã nhiều lần bị chỉnh sửa khi bị các nhà phân tích chỉ ra các chi tiết vô lý của nó, nhưng nó vẫn còn sống sót để trở thành tường thuật chính thức của nhà nước về một cuộc tấn công của nông dân vào các cán bộ thực thi pháp luật.

Có ý kiến ​​cho rằng, vụ Đồng Tâm có thể khiến cấp trên giám sát các quan chức địa phương và các chiến thuật của công an chặt chẽ hơn. Điều đó ít có khả năng xảy ra. Ít nhất là từ thời điểm xảy ra vụ khủng hoảng bắt giữ con tin, việc quyết định những gì xảy ra tiếp theo ở Đồng Tâm không thể để cho cấp dưới quyết định. Các đề xuất của Bộ Công an nhằm đáp trả sự thách thức khó uốn nắn bằng lực lượng áp đảo và có khả năng gây chết người, gần như chắc chắn đã được cấp cao nhất của đảng cầm quyền phê chuẩn. Và sau đó, khi hoạt động bị thực hiện chệch choạc khiến ba sĩ quan công an chết, chính quyền cấp chóp bu đồng tình trong việc bao che cho sai lầm của cảnh sát, tuy nhiên thêu dệt câu chuyện, khi tiến hành một phiên tòa trình diễn.

Màn cuối

Hầu như chừng nào còn có nông dân, còn có những cuộc nổi dậy của nông dân (Wikipedia có một danh sách dài các cuộc nổi dậy này) và hầu như lúc nào họ cũng bị đàn áp dã man.

Ở Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (1769-88) đã thành công trong khoảng một thời gian. Cùng với các cuộc nổi dậy ngắn ngủi khác nhau của nông dân chống lại chế độ thuộc địa của Pháp trong nửa đầu thế kỷ 20, khởi nghĩa Tây Sơn được ca tụng trong sách lịch sử trung học của cả nước.

Ở Việt Nam ngày nay, những cuộc phản kháng bất công của nông dân là một câu chuyện quen thuộc. Lê Đình Kình dường như đã thuyết phục chính mình, các con, bạn bè và những người hàng xóm rằng, công lý, nếu không phải là văn bản của pháp luật, luôn đứng về phía họ, với hậu quả bi thảm.

Một ngày nào đó, ông Kình và những người như ông có thể sẽ được tưởng nhớ.

Tác giả: David Brown là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam. Ông thường xuyên đóng góp bài cho Asia Sentinel.

 

Thủ tiêu người cha – tử hình hai con!

BĐLB VOA

Hoàng Hoành Sơn

André Menras, nhà làm phim người Pháp từng về Đồng Tâm dự cuộc họp bàn giữ đất của người dân, nhận định: “Các bị can đã bị bắt giữ một cách phi pháp. Vụ án rõ ràng sẽ diễn ra theo kiểu các vụ án thời Stalin. Ám muội và tàn độc hơn cả vụ xử Hồ Duy Hải. Đồng Tâm sẽ là hình ảnh tiêu biểu cho một chế độ cùng đường, coi nhân dân là kẻ thù” (1).

Quả đúng như lời nhận định trên, súng đã nổi, người thủ lĩnh tinh thần đã bị giết chết và nay Đồng Tâm vẫn còn sôi sục với bản án tử hình hai người con cụ Lê Đình Kình.

Trước khoảnh khắc họng súng lóe sáng trước ngực người cha, vạn vật, xóm làng đang bình yên chìm trong giấc ngủ. Khi màn tối bao trùm đất trời, một bản án tử hình trong vòng bí mật được tuyên ra, ngay cả nạn nhân chịu thảm án vẫn an tư không hề hay biết! Thế rồi họng súng khạc lửa đạn ngay tại phòng ngủ gia tư thiêng liêng, nơi một công dân Việt Nam lẽ ra thời khắc đó đang ngon giấc. Nay nó lại biến thành chỗ xử bắn cụ Lê Đình Kình. Ném cụ vào giấc ngủ ngàn thu cách lặng lẽ y hệt như bản án kẻ nào đó chụp lên cho cụ (2). Cụ Kình lớn lên là người lính chinh chiến, quen với súng đạn… Nay cụ đã ra đi theo tiếng súng vang lên sau khi viên đạn xuyên qua trái tim cụ. Và còn những họng súng khác sẽ tiếp tục khạc lửa lên hai người con chứ chưa chịu dừng ở cái chết của người cha.

Hình ảnh hai người con cụ Kình, anh Lê Đình Công, Lê Đình Chức trước tòa chịu một bản án tử hình công khai oan ức (3). Thế giới, cả nước ai cũng biết, hai anh sẽ biết ngày giờ mình ra đi, về với vòng tay người cha đang chờ đón? Cái chết của hai anh không còn bị giấu kín như cái chết người cha. Hai án tử được các cơ quan tuyên truyền, báo chí của đảng cộng sản Việt Nam (đcsVN), các luật sư đỏ… đồng loạt lên tiếng hoan hô, đồng tình.

Đang khi cả nước, người dân xầm xì nhớ lại vụ án Lệ Chi Viên mà gia đình Nguyễn Trãi gánh chịu: “Tru di tam tộc”. Thủ tiêu người cha, tử hình hai con. Lúc thủ tiêu cụ Kình, chả thấy bóng dáng phóng viên, nhà báo nào có mặt tại hiện trường đưa tin. Nay đầy đủ mâm bát reo hùa theo ban tuyên giáo đưa tin nóng sốt, bình luận các kiểu. Quả là cái giao điểm của thời khắc tuyên án tử hình cho hai người con lại rầm rộ, công khai khác hẳn giao điểm lúc người cha ra đi. Những đan chéo chằng chịt trong các mối xung đột trước đây chấm dứt âm thầm trong màn đêm với cái chết cụ Kình. Nay bản án của hai anh Công – Chức lại được tuyên cáo ồn ào công khai hết cỡ.

Vâng, trong bài viết này tôi muốn tập trung nhiều vào khoảnh khắc họng súng lóe sáng của kẻ thủ ác bóp cò bắn thẳng vào tim cụ Lê Đình Kình. Thoáng chớp lóe lên hẳn là đỉnh điểm trong cuộc đời ông cụ; đó là khoảnh khắc giữa sống và chết; giữa người đang thở và sẽ trút hơi thở cuối cùng. Lẽ ra, nếu chưa có ánh lóe sáng ấy hẳn cụ còn sống thọ thêm nhiều năm nữa. Tuy nhiên, con tạo trêu ngươi, trong hàng triệu cái chết mỗi ngày và không cái chết nào giống cái chết nào, chỉ có cái chết cụ Kình là tiêu điểm cho biết bao sự giao thoa: tình người – tính đảng, công an – xóm làng, đất nông nghiệp – nhóm lợi ích, thù hận – nghĩa tình, chính quyền và con dân, kẻ mạnh và người yếu, sức trẻ và tuổi già, họng súng ác liệt và cây gậy chống đỡ giúp bước đi bệnh nhân bớt nhọc nhằn… Tất cả tập trung vào đầu súng tóe lửa chấm dứt cuộc đời dương thế của cụ già đôn hậu.

Lẽ ra cụ được ra đi thanh thản trong vòng tay con cái cháu chắt. Lẽ ra cụ đã có cuộc tử quy đầm ấm với nước mắt người thân vây quanh. Lẽ ra cụ trút hơi thở cuối ở thời khắc mà thiên định… Biết bao nhiêu cái lẽ ra như thế đã bị phát đạn oan nghiệt tạo nên một giao điểm thổi bay tất cả vào lồng lộng hư vô.

Cái lẽ vô thường trong cõi người ta ấy đã bị những kẻ vô thần bất tường và bất thường tự cho mình quyền lực chấm dứt một sinh mạng. Mà theo lý phải ở trong tay người ra đi khi dầu sinh khí đã cạn và khi cõi sau lên tiếng gọi về. Chấm dứt bất cứ sinh mạng vô tội nào đều là tội ác. Và kẻ ký lệnh, kẻ âm mưu lên kế hoạch, kẻ thủ ác trực tiếp, chúng có thể tránh được án phạt tòa đời. Nhưng không bao giờ tránh được án phạt của tòa án lương tâm và quy luật nhân – quả đời sau.

Và chưa dừng lại ở cái chết cụ Kình, không lâu trước ngày tuyên án tử hình hai con cụ Kình, tướng Tô Ân Xô, trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN, đã tuyên bố cụ Kình là một “loại cường hào địa chủ mới” (4). Nó tựa như tuyên bố “giết vua” để dẫn đến bản án tru di tam tộc của nhà Nguyễn Trãi. Không phải tự nhiên mà tướng Xô, phát ngôn viên bộ công an, lại có những lời nói hàm ý đấu tố địa chủ như thế.

Người dân đều nhận ra sự đồng nhất trong ngôn hành của bộ công an từ đầu đến cuối rất chi ư là giàu tính kịch bản, dàn dựng công phu: Lên kế hoạch, vạch chuyên án giết chết cụ Kình là do bộ công an; điều binh khiển tướng túc trực ở làng Hoành vẫn là bộ công an; trực tiếp tấn công làng Hoành đêm 09/01/2020 cũng là bộ công an; giết chết cụ kình, bắn nhầm 3 công an viên, bắn trọng thương ông Hiểu, bắt bớ 29 người dân tiếp tục là bộ công an; điều tra bức cung, đánh phạm nhân 10 ngày như 1 (5) lại là bộ công an; cáo trạng viện kiểm sát trưng ra dựa trên điều tra cũng – vẫn – tiếp tục – lại là của bộ công an.

Như thế, vừa đánh trống vừa thổi kèn đưa ma; vừa ăn cướp vừa la làng; kẻ chủ mưu, kẻ thủ ác, kẻ điều tra, xét xử, tuyên án đều đến từ điều tra của một ngành duy nhất, đó là ngành công an… Vậy còn gì là khách quan, là công bằng. Biết bao án oan Hàn Đức Long, Thanh Chấn, Hồ Duy Hải, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm… (6) là những minh chứng cho “uy tín” của ngành công an và tư pháp.

Hơn nữa, Tòa xử vụ Đồng Tâm với nhiều tình tiết bất minh mà người dân cả nước đã nêu lên đầy dẫy trên mạng thông tin xã hội; nó cho thấy chỉ vì 59 ha đất nông nghiệp mà đcsVN, trực tiếp là bộ công an, đã tàn sát không thương tiếc những ai cản đường, hầu dành cho bằng được. Cánh đồng Sênh chỉ lớn hơn chút xíu nửa cái đền Chung Sơn, thờ gia tiên Hồ Chí Minh ở Nam Đàn, Nghệ An (7). Cánh đồng Sênh chỉ sản sinh những hạt ngọc trắng có giá trị thường nhật nuôi sống dân làng Hoành, đang khi đền Chung Sơn tốn gần 100 ha đất, xây nguy nga lộng lẫy bằng thuế khóa nặng nề chất trên cổ người dân, chẳng nuôi sống được ai, ngoài tiền thu dịch vụ rơi vào túi nhà cầm quyền; nó được dựng lên với mục đích thờ cúng gia tiên ông Hồ.

Bản án tử hình tuyên ra cho thấy phải có sự ra đi đối xứng giữa ta và địch. Phe ta ra đi 3 thì địch cũng phải đi 3 cho đồng bộ. Chiến thắng Đồng Tâm quả là một chiến công đáng ghi vào trang sử hào hùng của bộ công an VN; trong tương lai, mỗi khi tấn công nhà dân nào đó, đcsVN và bộ công an lại đưa gương 3 liệt sĩ này lên giây cót tinh thần cho lực lượng vũ trang nhân dân.

Đêm ngày 08/01, rạng sáng ngày 09/01, 3000 cảnh sát cơ động, công an “đặc biệt tinh nhuệ” nổ súng mở màn đột kích dữ dội vào làng Hoành, quyết thực hiện cho được bản án tử hình cụ Lê Đình Kình. Bộ công an đã không ngờ chính họ lại làm lộ cho cả nước và thế giới thấy rõ lực lượng ăn hại đái nát, ngốn biết bao ngân sách nhà nước, ôm súng ôm mìn, trang bị tận răng lại tự hại chết 3 đồng đội. Đưa lực lượng hùng hậu tưởng đâu lên biên giới phía Bắc đánh giặc Tàu, không ngờ “bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” đi đánh nhân dân Đồng Tâm.

Vụ án Đồng Tâm nói chung và phiên tòa xét xử 29 người liên hệ nói riêng phơi bày trước bàn dân thiên hạ một đất nước không hề có nhân quyền, tự do, dân chủ như đcsVN thường quảng cáo. Bộ luật hình sự năm 2015, điều 40 quy định: không thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên (8). Quy định luật pháp là thế, nhưng sự thật là bộ công an giết đã một ông già ngồi xe lăn, 84 tuổi và nay âm mưu giết luôn cả hai người con của cụ.

Dân chúng, công luận đều mong ngừng phiên tòa để dựng lại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, nhà nước pháp quyền VN thể hiện uy quyền trong tòa án, trắng trợn bác bỏ tình tiết quan trọng đó và vẫn tuyên án như kịch bản đã soạn. Ngay cả những lá đơn cụ bà Dư Thị Thành gởi đảng, nhà nước, cứ như gió vào nhà trống. Chẳng ai quan tâm, không lời hồi đáp. Mạng sống người dân rẻ như vậy đấy, chỉ như con kiến chả xứng cho đảng đoái hoài. Đảng lo dành đất của dân hơn là giữ đất biên giới. Dành đất của dân có nhiều lợi ích hơn là xung phong đưa đầu đối địch với bành trướng Trung Quốc. Người dân hiền lành dễ đàn áp, dễ chụp mũ, dễ xử hơn hẳn Tàu lạ.

Một facebooker đã cảm thán viết mấy lời như sau: Bản án Đồng Tâm gợi nhớ lại lời viết trong Kinh Thánh: “Hỡi con gái Giêrusalem, chớ khóc thương Ta làm chi, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi.” (Lc 23,28). Vâng, người dân Việt trên dải đất hình chữ S nên khóc thương cho thân phận mình. Vì chắc rồi cũng sẽ có cái ngày người sống ganh tị với người chết.

Tư liệu tham khảo:

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54113726

(2) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dien-bien-vu-gay-roi-trat-tu-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-o-dong-tam-1507780.tpo

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54143268

(4) http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Thieu-tuong-To-An-Xo-noi-ve-vu-an-Dong-Tam/406964.vgp

(5)https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dong-tam-trial-19-out-of-29-defendants-admits-to-be-tortured-during-investigation-09092020081012.html

(6) https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/diem-lai-nhung-vu-an-oan-sai-trong-vai-nam-gan-day-d108623.html

(7) http://nghean24h.vn/den-chung-son-the-tua-nui-linh-thieng-uy-nghiem-sung-sung-a606757.html

(8) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx

Bài Mới Nhất
Search