T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Viên trại trưởng và người tù cải tạo

 

Tranh : Trần Thanh Châu

Chuyện tù cải tạo tưởng như mới đây, nay nhìn lại đã ba mươi năm. Mùa hè năm ấy (76), chúng tôi là số sĩ quan cấp tá được ‘tuyển chọn’ đem ra Bắc chuyến đầu tiên. Lênh đênh trên chuyến tàu sông Hương ăn ngủ tiêu tiểu tại chỗ dưới hầm tàu, đám tù chúng tôi đoán già đoán non tưởng Đảng ta cho ra Phú Quốc hoặc Côn Đảo. Rốt cuộc tầu cập bến Vinh, một thành phố cảng gần quê ‘Bác’!

Chưa kịp hoàn hồn sau chuyến hải trình kinh hoàng, xe lửa đưa chúng tôi tiếp con đường từ Vinh ra Yên Bái. Tổn thất đầu tiên trên đất Bắc: hai ông trung tá (mới xuất viện thì có tên đi bắc) đã bị chết ngộp vì không đủ không khí để thở do toa tàu dùng để chở súc vật bị bít bùng, chỉ chừa một lỗ thông hơi phía trên. Nhiều ông cao tuổi đang ngất ngư suýt vào thăm Lăng Bác nhưng may là tàu đã vào ga cuối.

Trại của chúng tôi là những dãy lán xây dựng bằng tre nứa và lợp bằng cỏ tranh, nằm rải rác trong một lòng chảo hẹp bên sườn phía đông của rặng Hoàng Liên Sơn, cách ga Yên Bái chừng 20 cây số. Cán bộ quản lý thuộc đoàn 776 đã từng chiến đấu tại miền Nam. Những tháng đầu họ thả chúng tôi đi từng đội, rồi tẻ ra từng cá nhân, mỗi người một con rựa cán dài, chui vào các khu rừng vầu, bương, mây, nứa tự chặt rồi quẩy về trại theo tiêu chuẩn đã giao để làm vật liệu xây dựng các trại mới cho các đợt tù kế tiếp từ miền Nam ra.

Cũng vì được đi tự giác như vậy, nên có một lần tạm nghỉ bên suối, tình cờ chúng tôi gặp một toán ăn mặc rằn ri đang tải thực phẩm qua suối. Hỏi ra mới biết là anh em ta thuộc đơn vị Dù của đại tá Thọ bị bắt từ chiến dịch Hạ Lào (1971). Vì có cán bộ áp tải nên chuyện liên hệ là điều cấm kỵ, anh em chia tay. Nhưng một chú nhỏ tuổi nhất đám có lẽ là hạ sĩ quan, nói với lại một câu,”các ông Thầy cứ nhớ kỹ lời Tông Tông”. Tôi vốn tinh ý nên hiểu ngay câu nói của Tổng thống Thiệu, “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm”. Sau này ngẫm lại mới thấy đây là lời khuyên thấm thía đánh tan mối hoài nghi canh cánh bên lòng vì đa phần chúng tôi vẫn cứ to đầu mà dại tin vào cái chính sách khoan hồng gông cổ của cộng sản.

Trở lại cuộc sống lưu đầy, bản thân tôi sau mấy tháng lao động trên rừng, được điều về đội nhà bếp chuyên lo khâu củi. Tình cờ nằm cạnh anh trung tá T., một đàn anh vui tính rất được trọng nể vì cách cư xử với đồng đội bạn bè. Anh làm ở kho dụng cụ, kèm thêm khâu làm đậu hũ bồi dưỡng cho cán bộ Trại một tuần hai lần. Vừa lao động cần mẫn, vừa có lối kể chuyện có duyên, anh có mối quan hệ khá thoải mái với đám bộ đội. Thậm chí, viên trại trưởng vốn xuất thân nông dân, đã từng chiến đấu đối mặt với anh tại chiến trường Pleiku, có vẻ cũng mến anh. Ông ta hay ngồi hút thuốc lào cùng trò chuyện với anh ngay tại kho dụng cụ trong lúc tù cải tạo chúng tôi đi lao động trên non.

Do nằm cạnh, thỉnh thoảng tôi cũng được anh lén cho lon nước đậu nành mà anh nói tụi nó bồi dưỡng cho tao. Rồi cũng có đêm, tôi dở ra định tu một hơi cho khỏe, bỗng khựng lại vì mãi gần đáy lon có chất gì đặc quánh, hóa ra là mật mía.

Vài tháng sau, đội nhà bếp được lệnh cử một toán bốn người để cáng một tù cải tạo đi nằm viện. Chúng tôi tưởng có anh em mình bị tai nạn lao động hoặc đau ruột thừa, nhưng sang tới nơi mới biết người được cáng lại là anh T. Theo kể lại, anh mới tự tử trong kho, nhưng được cứu kịp và bệnh tình không đến nỗi trầm trọng. Cả trại khá xôn xao về vụ này, chính bản thân tôi cũng không hiểu vì sao anh tính chuyện từ giã cõi đời sớm vậy.

Hai tuần sau, anh xuất viện và lại được điều về đội cũ, nhưng tạm thời chưa lao động vì mất sức. Anh yếu nhiều, đôi mắt buồn, đăm chiêu và ít nói, tôi có cảm tưởng anh không phải là anh. Tôn trọng thái độ u ẩn của anh, tôi không dám hỏi cớ sự mà chỉ khuyên anh cố ăn ít cháo và nghỉ ngơi.

Cho đến một hôm, lựa lúc vắng người, anh gọi tôi lại và tâm sự với tôi rất chân tình như một người bạn vong niên tri kỷ. Anh nói, ‘chuyện này tao cũng chẳng giấu mày làm gì, nhưng nghe rồi để bụng nghe em.’

***

Chuyện xảy ra vào một buổi sáng sau giờ phát dụng cụ lao động. Cả trại im vắng. Anh đóng cửa kho và sửa dụng cụ như thường lệ. Đột nhiên một ý nghĩ thoáng qua, xuất phát từ mùi mật mới nhập kho hai bữa. Kho mật và thực phẩm của cán bộ chỉ cách kho dụng cụ của anh có một hàng liếp chắn cao hơn đầu người. Nhìn trước ngó sau, anh bắc một tấm ván nhỏ rồi lấy đà nhảy qua bên kia tấm liếp. Tay thủ một lon ‘gô’, anh tới thẳng chiếc lu đựng mật, múc đầy một gô. Xong việc, leo trở lại, anh tiếp tục sửa chữa dụng cụ coi như không có chuyện gì xảy ra. (Tới đây tôi chợt hiểu việc anh chia sẻ loại mật này cho người đàn em, một món quí hiếm đối với tù cải tạo khi mới ra Bắc)

Chuyện lấy trộm mật được tái diễn đôi ba lần, anh cảm thấy an tâm vì không bị ai bắt gặp. Có một điều anh vốn cận thị, tầm nhìn rất hạn chế, lại có phần thiếu cảnh giác.

Bẵng đi ít lâu, vào khoảng giờ ăn trưa, viên trại trưởng lại ghé chỗ anh. Sau khi rít xong điếu thuốc lào bằng cái điếu cầy do anh T. tự chế, viên trại trưởng với nét mặt không bình thường đã thẳng thắn cho anh biết là ông ta tình cờ đã nhìn thấy việc anh lén qua kho mật rồi khuyên anh nên tự kiểm điểm để tránh tái diễn. Anh chưng hửng, mặt đỏ bừng, không chối mà cũng không nhận, nhưng một cảm giác xấu hổ thoáng qua anh, vì không ngờ nhân chứng bắt gặp lại là viên trại trưởng, người mà anh thường trò chuyện trong tư thế Anh và Tôi với niềm kiêu hãnh về nhân cách của riêng anh. Như đọc được suy nghĩ và thái độ sượng sùng của anh T.,viên trại trưởng rời khỏi kho không quên nhắc anh đưa bản kiểm điểm cho cán bộ quản giáo.

Đêm hôm ấy anh băn khoăn suy nghĩ. Quá nửa đêm anh quyết định không viết kiểm điểm và có sẵn kế hoạch cho ngày mai. Hôm sau, một ngày như mọi ngày. Phát dụng cụ xong anh đóng cửa kho, nhưng lại làm một việc không giống như mọi ngày. Lấy một sợi dây thừng anh cột lên xà ngang như một cái thòng lọng, phía dưới đặt một chiếc ghế đẩu bằng tre. Rồi bằng một động tác hết sức nhanh, anh tự treo cổ, chỉ kịp đá chiếc ghế qua một bên rồi…không còn nhớ gì hết.

Oái oăm thay đoạn kết của bi kịch lại được tiếp nối bằng lần viên trại trưởng xuống thăm anh ngày xuất viện. Ông kể lại là sáng hôm ấy ông linh cảm như có chuyện gì không hay xảy ra. Chợt nhớ thái độ của anh T. ngày hôm trước , ông vội đảo qua kho dụng cụ, nhìn qua kẽ liếp tận mắt chứng kiến cảnh tượng và vội tri hô lên. Ông không ngờ chuyện này xẩy đến, ông tỏ vẻ ân hận nhưng cũng không quên trách anh T, ‘cần gì phải làm như vậy’.

Kể đến đây, anh ngồi thừ ra có phần mệt mỏi. Phần tôi nghe xong cũng ngồi yên, chẳng dám có ý kiến hay đóan xét gì về lối hành xử của anh, laị còn vụng về chẳng biết làm gì an ủi anh cho không khí bớt nặng nề, nhưng thâm tâm có phần đồng tình với lời trách khéo của viên trại trưởng .

***

Đúng một năm sau, mùa hè 77, đám tù chúng tôi lại được thanh lọc để chuyển đi trại khác. Tôi được xếp loại ‘ác ôn’ (thuộc cụm tâm lý chiến, an ninh, tình báo, tuyên úy…) được giao ngay cho Công an Vĩnh Phú đợt đầu. Anh tuy hơn cấp nhưng thuộc diện tác chiến ở lại đi đợt sau. Anh em xa nhau từ đấy.

Trên đường chuyển trại tôi bị còng chung một cặp với anh bạn cùng diện. Biết tôi thân với anh T., anh bạn tâm sự là có chịu hàm ơn với anh T. khi anh lén cho mật mía để bồi dưỡng sau khi bị kiết lỵ thập tử nhất sinh. Tôi không biết anh có còn chia sẻ hay lén chia cho ai nữa không, nhưng thầm nghĩ nếu chỉ lo bồi dưỡng cho riêng anh, thì chưa chắc có chuyện viên trại trưởng bắt gặp để dẫn đến thái độ tự xử quá vội vàng cao trọng của anh.

Câu chuyện được giữ kín, ba mươi năm sau viết lại. Nếu anh còn sống ở phương trời nào thì cũng mong tha lỗi cho thằng em vì thất hứa.

Đỗ Xuân Tê

 

(trích sách viết, Chuyện Người Tù Cải Tạo, trang 441-445)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search