T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Khi quả bóng lăn trên sân cỏ

1.

Buổi sáng ngày 11 tháng 6 năm 2010, khác với thường lệ, tôi dậy sớm, pha ly cà phê đầu ngày, mắt không rời màn ảnh truyền hình trước mặt. Hôm đó là lễ khai mạc giải vô địch túc cầu thế giới (World Cup) lần thứ 19 tổ chức tại Nam Phi, một quốc gia thuộc lục địa châu Phi. Đây cũng là lần đầu tiên lục địa Đen được vinh dự giao trọng trách tổ chức ngày hội thể thao lớn nhất thế giới, ngày lễ hội của hành tinh mà tầm vóc của nó vuợt xa các Thế Vận Hội mùa Hè, mùa Đông, dù rằng đây cũng là những dịp tranh tài của vận động viên tòan thế giới.

Vì rằng, môn bóng tròn hay bóng đá, hoặc trước đây ở miền Nam chúng tôi gọi là môn Túc cầu (người Anh gọi là Football, trong khi đó Mỹ lại đặt tên là Soccer) vốn được mệnh danh là môn thể thao Vua, có số lượng hàng tỉ người hâm mộ, gồm cả già trẻ, lớn bé, đàn ông và phụ nữ. Ở hầu hết những quốc gia trên thế giới, môn bóng tròn luôn luôn đứng đầu bảng những môn thể thao được nhiều người ưa chuộng (ngọai trừ nước Mỹ, nơi mà người ta chỉ biết đến bóng bầu dục (Football), bóng rổ, bóng chầy . . . ).

Như hầu hết người Việt Nam, tôi chỉ thích xem đá bóng. Nhất là những trận đấu bóng tầm cỡ thượng thặng của giải vô địch thế giới. Giữa không khí “lạnh nhạt” của nước Mỹ với sự kiện thể thao hàng đầu thế giới này, tôi – và rất nhiều những người bạn cùng sở thích của mình – vẫn không vì thế mà “lạnh nhạt” theo, dù giờ giấc trận đấu đôi khi rất trái khóay. Có khi thì trận đấu diễn ra vào giờ sáng sớm (ở mùa giải này là những trận đấu hàng ngày vào lúc 6:30 sáng, Central Time Zone). Có khi vào lúc nửa đêm. Còn lại chỉ vào những giờ làm việc trong ngày (9:00 sáng và 1:30 chiều).

Điều thú vị của việc ngồi xem những trận đấu tranh giải, ngòai màn trình diễn tuyệt hảo trên sân cỏ, còn là cảm giác liên đới với những người đồng điệu, tuy không biết mặt, biết tên, biết quốc tịch. Vào giờ phút tôi ngồi nhấm nháp ly cà phê ngon nhất trong ngày, cùng với tôi, có hàng tỉ tỉ người hâm mộ cũng ngồi trước màn ảnh truyền hình, ở trong phòng khách riêng của nhà mình (như tôi) hay ở những nơi công cộng với màn ảnh truyền hình khổng lồ cho hàng chục ngàn người xem một lúc. Trên tay của những người hâm mộ ây, có thể là ly cà phê đầu ngày (sau một đêm ngon giấc), hoặc chai bia ướp nước đá mát lạnh (sau một ngày làm việc mệt nhọc), hoặc bất cứ thứ nước giải khát hay kích thích nào, nhưng đôi mắt – hàng tỉ tỉ đôi mắt – chắc chắn phải dán chặt vào màn ảnh truyền hình. Điểm chấm trên bản đồ thế giới của những con người đồng điệu ưa thích môn thể thao Vua ấy có thể được định vị ở bất cứ nơi nào có sự sinh sống của con người mà không sợ . . . chấm hụt. Một góc làng hẻo lánh của châu Phi nghèo đói, của châu Á chậm phát triển. Một thành phố lộng lẫy của châu Âu trù phú. Một khu trung tâm của châu Úc mênh mông. Khi những tiếng reo hò cổ võ vang lên ở góc này, thì ở một góc kia cách xa hàng trăm ngàn dặm đường, lại vang lên những âm thanh bực tức, thất vọng, thậm chí cả văng tục, chửi thề. Ở một góc nọ, người ta cười vang thích chí, thì cũng ở một góc kia, có kẻ khóc sụt sùi (như cha chết). Cùng một màn trình diễn trên sân cỏ của 22 cầu thủ ở miền đất xa lạ với tất cả mọi người (ngồi xem), mà bao nhiều tâm trạng hỉ nộ ái ố của hàng tỉ con người cứ tình nguyện bày tỏ, khác hẳn với thói quen khép kín hàng ngày.

Những ngày này, chỉ xẩy ra cứ mỗi 4 năm, cả thế giới với 6 tỉ con người hầu như có chung một nhịp sinh họat hàng ngày. Ngòai những bổn phận thường nhật phải chu tòan, những công việc không thể trì hõan, tạm gác qua một bên được, thì giờ còn lại là để dành cho việc ngồi trước màn ảnh truyền hình xem trực tiếp những trận đấu tranh giải. Xem những trận thi đấu chưa đủ, người ta còn tìm đọc, nghe những lời bình luận về trận đấu vừa được xem, về một pha ghi bàn tuyệt hảo, về một đường xuống bóng xuất sắc. Đọc, nghe, và kế tiếp phải là chính mình được có cơ hội lên tiếng phẩm bình với người khác – dù chỉ một người khác – về những điều thú vị mà mình vừa được tận hưởng (1). Đây có lẽ là những ngày hòa bình nhất của thế giới. Tính cách thiêng liêng của mỗi trận tranh tài đã khiến những con người bạo động nhất, hay gây hấn nhất cũng phải tạm dừng tay chờ đợi. Những ngày này, hình như cả hành tinh đến gần với nhau qua một mẫu số chung: tình yêu bóng tròn. Trong thế giới của môn thể thao vua này, những kẻ yêu nó đều là đồng đạo của nhau, nên không có chỗ cho hận thù.

2.

Màu cờ sắc áo là một khía cạnh tuyệt diệu khác của các cuộc tranh tài quốc tế, mà nổi bật nhất phải kể đến giải vô địch Túc cầu thế giới. Tôi mang tâm trạng “ghét bỏ” đội tuyển Bắc Triều Tiên, chẳng phải vì họ đá không được có trình độ lắm (đứng hạng thứ 105 trong bảng xếp hạng của FIFA), mà có lẽ vì họ đến từ một quốc gia Cộng sản với viên lãnh tụ “nửa điên nửa khùng” Kim Chính Nhật. Dầu vậy, tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến khuôn mặt đầm đìa nước mắt của một cầu thủ đội Bắc Triều Tiên khi trên sân cử hành nghi thức chào cờ và cử quốc thiều Bắc Triều Tiên (trong trận đấu với đội tuyển Brasil ngày 15-06-2010). Có lẽ đây là lần hiếm hoi thứ hai (lần thứ nhất là vào năm 1966 ở Anh, đội tuyển Bắc Hàn đã vào được vòng Tứ kết ) các cầu thủ Bắc Triều Tiên được mang lá cờ của đất nước họ đến với ngày hội lớn nhất hành tinh như thế này, nên sự xúc động ấy là điều dễ hiểu. Và đáng yêu nữa. Đột nhiên, tôi cảm thấy mình “bớt ghét” đội Bắc Triều Tiên.

Như một điều mặc nhiên, người cầu thủ tranh tài trên sân mang trọng trách đem vinh dự về cho xứ sở, giương cao màu cờ tổ quốc trên diễn đài quốc tế. Không ở đâu người ta có thể chứng kiến tính cách rất đỗi thiêng liêng này bằng những cuộc tranh tài thể thao quốc tế. Trong không khí ấy, người ta sẵn sàng xả thân cho lá quốc kỳ mà người ta có nhiệm vụ vinh danh, từ cầu thủ trên sân đến những cổ động viên ngồi trên khán đài. Màu cờ không chỉ trên những sắc áo, mà còn trên mặt, trên trán, trên tấm thân trần, trên cánh tay phô trương, trên bất cứ vật dụng gì trong tay họ, trong cả những lời hò hét khản cổ suốt trận đấu với tên nước được lập đi lập lại vô tận.

Tâm thức “màu cờ sắc áo” cũng luôn luôn ngự trị ở mỗi phòng khách riêng từng gia đình, dù nơi ấy không phải chỗ để phô trương. 32 đội tuyển có mặt để tranh giải vô địch là 32 quốc gia khác nhau cương quyết ủng hộ cho đội nhà, một sự ủng hộ tuyệt đối, vô điều kiện. Niềm vui và nỗi buồn của các cầu thủ trên sân cũng là niềm vui và nỗi buồn của cả quốc gia mà họ đại diện. Sau mỗi trận đấu, thường sẽ có một quốc gia vỡ òa niềm vui chiến thắng và một quốc gia chìm trong sự âu sầu, ủ rũ vì đội nhà vừa bị đánh bại trên sân. Và nếu là đội mang chiếp Cup vàng vô địch về nước, thì những ngày hội bóng tròn trên đất nước ấy sẽ kéo dài vô tận (2).

Còn những người thuộc về những quốc gia không có đội tuyển tham dự gỉai vô địch thì sao? Họ cũng đã chọn cho mình một đội bóng ưa thích. Phần lớn dựa trên đẳng cấp và nghệ thuật trình diễn thượng thặng của đội bóng ấy. Khi người ta ưa thích, và nếu không có sự xung đột của “màu cờ sắc áo” (tức tranh tài với đội tuyển của nước mình), thì đương nhiên đội ấy sẽ nhận được sự cổ võ, ủng hộ của những fans của mình (3). Với dân say mê bóng tròn Việt Nam sinh sống trên đất Mỹ, thì đội tuyển Mỹ được xem như đội nhà (tuy không thực sự say sưa lắm. Có lẽ một phần là do sự thờ ơ của đa số dân Mỹ với môn thể thao Vua này).

Dù đội nhà hay đội bóng ưa thích, những tình cảm của người xem với diễn tiến trận đấu trên sân đều có cùng một cường độ kích thích với mọi hình thái hỉ nộ ái ố. Khi trái bóng trên sân cỏ lăn, là lúc mọi người ở thế giới này trở nên bình đẳng thực sự. Khi ấy, sự khác biệt duy nhất giữa họ với nhau chỉ là: Phe ta hay phe địch.

3.

Trên màn ảnh truyền hình, trái bóng Jabulani mang logo của kỳ tranh giải vô địch thứ 19 đã lăn sau tiếng còi của trọng tài. Trái bóng lăn, mở ra một chuỗi những sự bất ngờ mà không một ai có thể tiên đóan được. Những màn cá cược, những lời “tiên tri” về đội bóng nào sẽ thắng chỉ có tính cách tượng trưng và ước lệ. Cuộc sống trên sân cỏ, cùng với những sự kiện sẽ đi vào lịch sử, hòan tòan ở ngòai vòng kiềm tỏa của con người, của ban tổ chức, của các huấn luyện viên, của các cầu thủ.

Người ta chỉ có thể biết được những điều huyền bí về đường lăn của quả bóng vào giây phút bế mạc của những cuộc tranh tài. Và cũng kỳ lạ thay, vào giây phút đã ngã ngũ kẻ thắng người bại, thì ý nghĩa của sự thắng thua với hàng tỉ tỉ người hâm mộ trên tòan thế giới không còn là điều quan trọng nữa. Nó đã đi theo quả bóng vừa được trọng tài đem ra khỏi sân một lần cuối cùng. Nó đã tạm chết đi để sẽ được sống lại theo chu kỳ 4 năm của lần tranh giải kế tiếp. Vào giây phút này đây, điều ngự trị sẽ là cảm giác ngậm ngùi của một cuộc chia tay. Cuộc chia tay không chỉ ở những cầu thủ trực tiếp tranh giải, của những khán giả ở khắp nơi trên thế giới vượt đường xa vạn dặm có mặt ở sân vận động trong mỗi trận đấu, mà còn là cuộc chia tay của hàng tỉ con người trong suốt một tháng trời chăm chỉ ngồi trước màn ảnh truyền hình. Cuộc chia tay của những kẻ chưa bao giờ gặp mặt, nhưng đã được gắn bó với nhau bởi một niềm đam mê tuyệt diệu.

Cuộc chia tay với lời ước hẹn chắc như đinh đóng cột: Bốn năm nữa chúng ta sẽ “đến hẹn lại lên”, sẽ lại được vui buồn theo đường lăn của quả bóng.

T.Vấn

(Mùa World Cup 2010)

T.Vấn © 2010

(1)Dạo tôi còn ở Sài Gòn, cứ mỗi lần xem xong một trận đấu, cái nhu cầu thôi thúc kế tiếp là phải đi ra ngòai phố, hòa mình vào trong dòng người vẫn còn đầy những xúc động về kết quả thắng thua của đội bóng mà mình ưa thích. Chúng tôi –tuy không hề quen biết nhau- vẫn có thể say sưa bàn tán với nhau về chi tiết trận đấu, phẩm bình về khả năng thi đấu của từng đội, đôi khi với tâm trạng hả hê, đôi khi lại là bực tức (vì sự thiên vị của trọng tài, chẳng hạn). Rồi, ngày hôm sau, đón mua những tờ phụ trang báo thể thao đặc biệt về World Cup, đọc ngấu nghiến ngay tại sạp báo, bên lề đường, hoặc những quán cóc vỉa hè. Điều tuyệt với nhất của những ngày ấy là chúng tôi quên khuấy hòan tòan cái thực tại khốn khổ của cuộc mưu sinh trước mặt. Ở một nghĩa nào đó, nếu ví cơn lốc xóay World Cup như liều thuốc phiện ru ngủ con người cũng chẳng sai.

(2)

Thủ quân Phạm Hùynh Tam Lang cùng với đồng đội giơ cao chíêc Cup vàng Merdeka.

Tháng 8 năm 1966, đội tuyển Miền Nam Việt Nam tham dự giải Merdeka, đã vinh dự đọat chiếp Cup vô địch. Giải Merdeka là cuộc tranh tài nhân dịp lễ Quốc Khánh của Mã Lai Á (Malaysia), vốn được coi là giải châu Á thu nhỏ, hồi đó, là giải có uy tín nhất châu Á. Năm 1966, giải Merdeka có 12 nước tham dự , trong đó có những đội lừng danh từ đó cho đến bây giờ như Nam Hàn (đã từng vào đến Tứ kết World Cup 2002 và vừa đánh bại đội vô địch Châu Âu 1994 Hy lạp với tỉ số 2-0 ở World Cup 2010), Nhật Bản (vừa đánh bại đội châu Phi sừng sỏ Cameroon với tỉ số 1-0 ở World Cup 2010), Miến Điện (vào lúc ấy, là đội mạnh nhất), Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông (với Cầu Vương Lý Huệ Đường lừng danh tòan cõi châu Á). Trận chung kết, Việt Nam thắng Miến Điện với tỉ số 1-0 (bàn thắng ghi ở phút 62 do công của trung phong Phụng Chiêu sút từ khỏang cách 25 m tung lưới thủ môn Miến Điện. Ngòai ra, ở phút 82, tiền đạo Ngôn 1 đã sút tung lưới Miến Điện một lần nữa, nhưng bàn thắng không được công nhận vì Trọng tài cho rằng Ngôn 1 ở tư thế việt vị – Offside). Những ngày ấy, cả miền Nam như lên cơn sốt vì chiến thắng của đội nhà, tuy không được xem trực tiếp truyền hình như bây giờ. Tất cả tin tức được biết đều nghe qua đài phát thanh hoặc đọc báo với những bài tường thuật hấp dẫn của ký gỉa tham dự. Chiếc Cup vô địch Merdeka hiện nay đã thất lạc, không ai biết nó hiện ở đâu, ai giữ. Theo lời kể của Trung vệ Nguyễn văn Mộng (19 tuổi khi tham dự giải Merdeka 1966), thì lần cuối cùng ông nhìn thấy chiếc cúp này là vào khoảng năm 1976. Ông kể một lần đi qua ngã tư Phú Nhuận, ông tình cờ bắt gặp chiếc cúp lăn lóc trong một hàng lạc xoong ở lề đường. “Tôi dừng xe hỏi mua. Người bán ra giá 500 đồng. Một số tiền quá lớn với tôi hồi ấy… Và thế là đành đau lòng chia tay chiếc cúp mà cả đội đã nỗ lực hết mình mới giành được. Chiếc cúp đã tuyệt tích từ đó! Nhưng tôi tin nó vẫn còn được một người nào đó lưu giữ, bởi với số tiền lớn như đã nói ở trên, người nào mua nó từ hàng lạc xoong trên vệ đường ngày ấy chắc chắn phải có tình yêu sâu nặng với bóng đá…”. ( Theo báo Tuổi Trẻ 10/11/2005 ). Theo Trung vệ Phạm văn Lắm, một nhà vô địch Merdeka trẻ khác, thì, chiếc cúp vô địch Merdeka 1966 có hình một cầu thủ đang co chân sút bóng rất đẹp. Ông Lắm cho biết chiếc cúp có đế bằng gỗ và nặng khoảng 5kg. Sau khi đội trở về Sài Gòn, chiếc cúp được đặt ở trụ sở Tổng cuộc Túc cầu trong sân vận động Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Theo các cựu tuyển thủ thì chiếc Cup bị thất lạc trong những ngày của biến cố tháng 4 năm 1975. Biến cố tháng 4 năm 1975 không chỉ làm mất chiếc Cup vô địch duy nhất của đội bóng Việt Nam mà còn triệt tiêu cả cơ hội cho nền bóng đá Việt Nam vươn lên ở tầm cỡ thế giới, như Nam Hàn, như Nhật Bản ngày nay.

Đội Bóng bàn Việt Nam 1958: Trần Cảnh Được, Trần văn Liễu, Mai văn Hòa và Lê văn Tiết

Trước đó, năm 1958, đội bóng bàn Miền Nam với 4 danh thủ Lê văn Tiết, Trần Cảnh Được , Trần văn Liễu và Mai văn Hòa đã đọat Huy Chương Vàng Đồng Đội Nam ASiad 1958. Theo lời kể lại:” Hôm ấy là ngày 27-5-1958, kim đồng hồ vừa chỉ 22g40, tay vợt đương kim vô địch bóng bàn đơn nam thế giới Tanaka (Nhật) đã quăng vợt, chạy đến quì xuống ôm chân mẹ khóc ròng. 10.000 khán giả chủ nhà ngồi lặng ngắt như tờ. Hoàng thái tử Nhật Bản lẳng lặng ra về và nguyên một ngày hôm sau không tiếp khách vì đau buồn. Làng bóng bàn thế giới đã rúng động với sự kiện ngay tại Tokyo: các tay vợt VN đã hạ một đội Nhật không có đối thủ trong suốt thập niên 1950 để đoạt HCV đồng đội nam Asiad 1958…” ( theo tài liệu của báo Tuổi Trẻ 01/11/2005 ). Tin tức chiến thắng do Bình luận gia thể thao Huyền Vũ từ Tokyo đánh điện về (giới hâm mộ thể thao Sài Gòn thời ấy không ai là không biết tiếng viên ký gỉa thể thao lừng lẫy Huyền Vũ) và Sài Gòn cũng đã xôn xao như chưa từng được xôn xao.

(3) Con gái của tôi, khi ngồi xem trận đấu nào có đội bóng Brasil, đã ăn mặc như một fan của Brasil: áo màu vàng, nón màu vàng có kẻ chữ Brasil, ngực đeo xâu chuỗi màu xanh lá cây, và cũng hò hét, vui buồn, phấn khích, tuyệt vọng như một người Brasil chính cống theo những đường lăn của quả bóng trên sân. Nó đặc biệt ngưỡng mộ những ngôi sao Brasil như: Ronadinho, Robinho, Kaka v..v.. chỉ vì những siêu sao này trẻ tuổi, đẹp trai và đá bóng giỏi.

© T.Vấn 2010

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search