T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ngọctự: Có lão vừa dối già . . .

IMG_1593

( Ngộ Không và ngọctự tại Trúc Gia Trang –Houston)

( Gửi Ngộ Không Phí Ngọc Hùng và Tập văn ”Một chút dối già”)

Hành trình của con người ta nơi cuộc sống, bắt đầu khởi đi từ lúc nằm nôi, qua những quãng đời rồi sẽ đến tuổi già, như là chặng cuối , thời gian sửa soạn và chờ đợi, chưa biết lâu mau thế nào, trước khi lên xe và được tiễn đưa để đi về một nơi xa lắm mà vé thì chỉ có một chiều,không khứ hồi. Thành thử ra chính vào lúc này, người ta thường phải làm một cái gì đó cho thật ngon lành thống khoái mới bõ bèn, như thể là lần cuối trong đời rồi thôi luôn,gọi là dối già. Mà phải là già thật, và nhận rõ ra mình già thì mới đúng là dối già.

Báo chí vừa đăng tin về việc một lão ông người Iraq ở tuổi 92, sau khi đoạn tang lão bà, và cho dù con cháu đã đàn đống đầy nhà,vẫn hiên ngang anh dũng để làm thêm một đám cưới linh đình với cô vợ mới, xinh đẹp duyên dáng mà chỉ có 22 xuân xanh thôi. Trong ngày hôn lễ người bèn lấy làm hân hoan sung sướng mà phát biểu hùng hồn một cách phấn khởi rằng người có cảm tưởng như vừa mới 20 tuổi. Tâm phục khẩu phục quá xá, thiệt tình hết biết luôn. Trời đất ơi, rồi ra không hiểu mồm miệng có đỡ cho chân tay và những thứ khác được chút ít nào chăng, nhưng thôi thì cứ xin kính cẩn chào thua người cho khỏi ảnh hưởng đến hoà bình thế giới. Vậy đã là dối già chưa nhỉ,thưa lão niên, một người trẻ lớn tuổi, hay vẫn cứ còn chờ một màn ngoạn mục nào khác nữa mới chịu coi là dối già. Mà nếu dối già kiểu này thì coi bộ làm khó nhau rồi,theo sao nổi đây,dù có ham biết mấy. Phải không quý lão niên còn lại của thế giới…

Và có lão huynh kia, cũng là một sự ái tình đam mê cháy bỏng không kém, nhưng chỉ là thứ tình yêu tuyệt vời dành cho câu văn, con chữ và cũng đã vừa có cái cách dối già khác đời lắm : in một quyển sách chơi, như có niềm vui nào bất chợt ùa đến và nhân thể định để mà dối già, nhưng mới chỉ là “Một chút dối già”thôi đấy. Thật cũng là quái chứ chẳng phải vừa, nhưng dễ thương làm sao.

*

Tập văn “ Một chút dối già “ của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng vẫn đang trước mặt tôi đây, hành hạ vật vã nhau hai ba đêm ngày rồi mà vẫn chưa hiểu đâu ra đó cho hết được mọi chuyện về cái sự dối già của lão hữu mình.

Quyển sách bao gồm 2 tập liền nhau với bốn mươi bài văn ở 630 trang khổ 23.5 cm x 16.5 cm dầy 3.5 cm , cân nặng 2,2 lbs, in trên nền giấy trắng trang nhã ken kín những chữ .Và ngay từ cái ảnh nơi trang bìa đến vài dòng bộc bạch thưa trình, rồi đi vào nội dung từng trang bài, đã mở ra nhiều điều thú vị, có lúc mỉm cười đấy nhưng lắm khi phải dừng lại suy nghĩ về cái điều vừa đọc qua.

Ngay khi cầm sách lên, nhìn ảnh trang bìa, tôi nhận ra ngay khối đá có hình thù hơi lạ thường đó và cái góc vườn quen thuộc, nơi chỗ tôi đã vẫn ngồi ở đấy trong cái ghế dựa cũ kỹ, qua những năm tháng và hút những điếu thuốc, uống cạn những chai rượu, những bình trà với lão Ngộ Không, trang chủ Thạch Trúc gia trang, bạn tôi. Khu vườn luôn yên tĩnh với đá và hoa lá cỏ cây, bụi trúc… giữa các lối đi nhỏ, hằn lên một khung cảnh đã nhuốm mầu thời gian. Dễ hiểu, chủ nhà qua gần trọn tháng năm một đời nghề nghiệp trong ngành kiến trúc, lại say sưa vui thú với câu văn dòng chữ đã lâu, nên sự bầy biện và sắp đặt từ trong nhà ra đến khu vườn đều mang nét thật riêng, so với nhiều căn nhà cũng như các khu vườn khác mà tôi đã có dịp đến chơi.

Rất nhiều lần, tôi đã ngồi lặng thinh nhìn khối đá và cười một mình. Tôi còn nhớ trong một dịp gặp gỡ trường xưa bạn cũ mấy năm trước đây, khối đá này đã được mang đến bầy chung trong một buổi triển lãm với tên đặt là “Tương mộng”. Nơi góc phòng, vị trí đặt “Tương mộng” là chỗ nhiều người đã phải dừng chân để cười vui với cách diễn bàn đảo chữ cái tên gọi. Đến nay, có nhẽ cũng cùng nhớ lại, Lão quái hữu bê đặt pho tượng một vị Đại sư gần bên với cái thế ngồi mà cánh tay chỉ thẳng vào khối đá đó như thể muốn nói rằng, đá vô tri vô giác vô ngôn, sao lại lấy văn chữ là thứ tao nhã mà tán phịa lung tung đến thế. Những cái đầu nhiều bùn quá sức,tương mộng với lại mông tượng hay còn thứ mông tưởng,tưởng mông nào nữa cũng đều là sự thiếu đi tư vô tà rồi.

Hiền nội của lão, một tay máy tài tử đã chụp bức ảnh này theo bố cục mà chắc lão đã nghiền ngẫm dữ lắm để làm trang bìa. Không hiểu lão già hóm hỉnh và đáo để muốn nói điều gì đây. Riêng tôi, chừng như tôi đọc được nụ cười thầm của lão qua cái ánh mắt hấp háy đằng sau cặp kính cận thị dầy cộp.

Thật lòng, tôi đã lúng túng khi dùng chữ Tập văn để gọi tên “Một chút dối già”. Người thực hiện, như tính cách quen thuộc rất riêng của mình,vẫn luôn khiêm hạ và kín nhẽ, nên nơi Tập văn này, không thể tìm thấy các điều thường có như nơi những quyển sách khác. Không lời đề tựa, không giới thiệu thể loại, không mang danh nhà xuất bản nào,cho dù chỉ là có để mà có. Không cả những con số về “phí ấn loát” nơi góc trang cuối cùng, chữ dùng tế nhị thay cho giá bán, hay một chi tiết gì đó cho biết việc liên lạc với người thực hiện ra sao. Một tập văn hình thành với tất cả sự chăm chút say mê và háo hức trẻ thơ, nhưng lại là điều khó hiểu cho người đọc chưa quen nào đó nơi lần đầu có thể tình cờ bắt gặp.

Đơn giản, đây chỉ là” Một chút dối già”, một tập văn với số luợng in có giới hạn mà chi phí cấu véo từ khoản tiền hưu hàng tháng, làm món quà chữ nghĩa và mang theo trọn vẹn tâm nguyện của thân tình quý mến để gửi đến bằng hữu cùng bạn chữ nghĩa đây đó như chút kỷ niệm trong những dịp tha hương ngộ đồng môn hay khi vui chén hạnh ngộ lại say thêm cả câu văn con chữ. Xin đừng nghĩ rằng tập văn này như thể là một thứ thông hành để người làm ra nó đi vào chiếu chữ, văn trường. Tôi đoan chắc bạn mình chẳng bao giờ bận tâm về điều này và sẽ được người yêu mến hiểu hơn qua những dòng bộc bạch nơi mỗi đầu tập. Vả lại, với những bài viết đã đăng tải hay xuất hiện đây đó từ những tháng năm qua,và đã nhận được sự đón nhận mến mộ của ít nhiều ngưòi đọc, phải chăng vô hình trung Ngộ Không Phí Ngọc Hùng cũng đã có một chỗ ngồi ở đâu đấy rồi, dù thật lặng lẽ khiêm tốn.

Giữa thời buổi mà cái gì cũng lên mạng, nhanh gọn đó nhưng rồi sẽ chìm hút đi đâu mất tiêu vào quên lãng. Bây giờ được cầm quyển sách của bạn mình trên tay, nhìn ngắm và thấy rằng chừng như bạn luôn đang bên cạnh mình đây,gần gũi quá. Một niềm vui chia sẻ nhè nhẹ ,lâng lâng làm sao.Trong số 40 bài nơi tập văn này,trước đây tôi đã có được đọc qua gần đủ, hay còn nhiều bài khác Ngộ Không đã cho tôi đọc rồi nhưng không thấy trong mục lục “Một chút dối già”, tôi hiểu được sự chắt lọc chọn lựa của bạn tôi giữa cả trăm bài đã viết, chỉ trong thời khoảng từ 2003 đến nay,tròm trèm 10 năm, giai đoạn mà câu chữ của lão chàng mỗi ngày một sung mãn hơn lên. Chừng như sau tháng năm dài bị dồn nén bởi câu thúc bắt buộc của những đồ hình, từng bờ vạch đường kẻ khô cứng trong khuôn khổ các bản vẽ kiến trúc, đã được lão bạn tôi giải toả cho bằng hết, cho bằng sạch sẽ mọi thứ ẩn ức tích tụ qua cuộc trường chinh trập trùng vào nơi những con chữ, những bài viết. Cho nên có phải vì thế mà cái kiểu viết phá cách của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng thoáng đọc qua thì thấy lúc nào cũng như tưng tửng, tưởng rằng cà rỡn mọi thứ mọi điều chuyện. Nhưng thật ra không hẳn là vậy, bên cạnh cái điều đó lại một sự đàng hoàng đúng mực khác chiếm phần nhiều hơn nếu so đo về tỉ lệ câu chữ. Có lẽ chủ đích là để cho các câu chuyện, các chi tiết vấn đề được nêu ra sẽ nhẹ nhàng đi và bớt sự khô khan nặng nề chăng, đồng thời cũng là cách để nhấn mạnh,lưu ý tới vấn đề đang nói đến mà thôi. Mạch văn, ý chữ và câu đoạn trải dài ra sự đa dạng và thật phong phú làm sao. Có thể gặp nét ngúng nguẩy dí dỏm đấy, đằm thắm đấy,rồi cũng không thiếu sự ngoa ngắt, ỡm ờ dấm dẳn ngang phè phát ghét. Bảng lảng đâu đấy đôi chút man mác bóng chiều quê năm xưa hay còn thấy cả những sinh hoạt xô bồ ồn ào nơi phố thị. Rải rác ẩn khuất chìm nổi một vùng quê nghèo, chiêm khê mùa trũng hay đồng chua nước mặn nghiệt ngã muôn bề mà chỉ vài dòng chữ là cả một khơi nhắc khôn cùng.

Về đề tài và các loại câu chuyện trong nội dung thì thật cứ như gặp phải biển chữ, bơi lội có giỏi đến đâu chắc cũng ngộp đừ khi gặp vùng biển thế này. Thôi thì đủ cả, từ chữ nghĩa văn chương thơ phú, văn học sử, danh nhân, sử sách, đồ cổ đồ xưa, rượu chè ăn chơi, trà đàm trà đạo, cà phê cà pháo,triết lý,lý luận tu đạo,thiền môn cửa Phật, kỷ niệm yêu đương mộng mơ, hò hẹn ái tình, bạn hữu,anh em họ hàng…Tôi có ý nghĩ rằng đây cứ như là một khu chợ trời không bằng, theo cái nghĩa là đã bầy biện ra thật nhiều thứ và không phải hoàn toàn cao sang quý trọng ghê gớm gì.Tuy vậy rất nhiều thứ món mà lắm khi không thể tìm thấy ở một nơi chỗ nào khác cả thì bỗng bất ngờ thú vị vì lại có ở đây. Như thế mới sướng khoái làm sao.

Người ta thường nói sự ví von hay so sánh nào cũng khập khiễng. Nhưng có khi lại cần thiết vì dễ hơn một chút cho sự bầy tỏ hay diễn tả. Vậy thì trước sự ngồn ngộn của tập văn “Một chút dối già”mà cái mục lục như thực đơn tràn ngập các thức món, hãy khoan khoái chọn thử vài món nào đó để nhấm nháp xem sao. Hợp khẩu vị hay cảm nhận được sự khác lạ nào đó, xin mời lại tiếp tục. Hoặc giả, cứ bắt đầu từ trang thứ nhất coi nào.

Tôi không phải là người được phép hay có đủ sức lực để làm công việc giới thiệu và nói đến tập văn “Một chút dối già” theo những góc cạnh chuyên biệt của văn chuơng hay văn học . Điều đó không cần thiết và tự thân của tập văn sẽ nói lên tất cả.Tôi cũng biết rõ rằng bạn tôi, Ngộ Không Phí Ngọc Hùng cũng chẳng muốn nhận lấy điều gì từ bất cứ góc cạnh nào. Duy nhất, chừng như lão bạn già của tôi chờ đợi là được nhận đón lại những gì yêu mến chân tình như những thật thà quý mến khi trao gửi đi món quà chữ nghĩa của mình . Tôi đang làm điều này thì phải. Bạn tôi rất yêu bạn, quý bạn như yêu chữ, quý chữ là những thứ mà bạn hay nói rằng đâu dễ dàng gì mà có được nơi cuộc sống hôm nay.

Dẫu vậy, dù là bằng hữu thân thiết, vẫn thường ăn cùng nồi ngồi cùng chiếu với nhau nhưng thật lòng tôi phải tự nhắc mình rằng thế nào đi nữa thì “Một chút dối già” nói riêng hay tất cả văn chữ của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng nói chung, với tôi vẫn còn là một khu vườn chưa được khám phá trọn vẹn. Có cái bờ rào bao quanh, dù thấp thôi nhưng vẫn làm giới hạn tầm mắt của người đứng ở bên ngoài nhìn vào. Làm sao dám xác quyết rõ ràng về từng thứ cỏ cây hoa lá trong đó. Cánh cổng của khu vườn thì luôn mở rộng đón mời nhưng những hiểu biết vẫn còn hạn hẹp về hoa lá cỏ cây của mình làm tôi phải ngập ngừng qua những điều muốn nói là điều đương nhiên, dù đã từng ra vào nơi đây hoài. Hoa vẫn mãi nở và thêm hương sắc mới, cây lá trong vườn sẽ đều đặn thay mầu mỗi khi mùa sang,và như thế khu vườn luôn tươi vui sắc diện theo năm tháng. Bạn tôi thì vẫn luôn còn miệt mài với văn chữ trong nỗi tương tư ngày ngày nên đắm đuối vô cùng cái chân dung và nhan sắc của chữ nghĩa mà khổ nhọc ra sức trau chuốt tỉ mẩn biết mấy cho vừa.

Theo với chiều dài buổi đầu sơ giao đã lâu lắm, rồi thân thiết với nhau từ bao giờ, tôi đã quen dần và yêu mến khu vườn chữ nghĩa của bạn tôi như một thân quen gần gũi tự nhiên cũng như với khu vườn trong Thạch Trúc gia trang vậy. Chúng tôi vẫn hay ngồi nơi cái góc vuờn quen thuộc này vào những buổi chiều và cùng uống với nhau chút rượu, lan man chuyện mưa nắng hai mùa loanh quanh đâu đó một lát rồi cũng quay về dăm ba điều của chữ nghĩa, nỗi ám ảnh và niềm say mê không cùng của bạn tôi.

Như buổi chiều mới rồi đây, tôi đến để nhận “Một chút dối già”, một trong những ấn bản đầu tiên mà nhà in vừa giao xong và thấy được sự háo hức cùng nỗi sướng vui của bạn mình thật là hồn nhiên quá. Lão bạn tôi bỗng như trẻ hẳn lại, tinh nhanh lạ thường, cái vẻ lừ đừ khòm khọm mọi ngày đi đâu mất tiêu, và như vậy chưa thể nào dối già được đâu nghe chưa, này lão hữu Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.

Chúng tôi lại ra vườn như thường lệ và chuyện trò chữ nghĩa về tập văn vừa có mặt. Bạn tôi rót rượu vào ly, hơi nhiều hơn những lần trước thì phải. Chút nắng chiều cuối ngày tan vào ly rượu làm thành cái sắc mầu hổ phách dịu dàng làm sao và hoàng hôn ở chung quanh cũng thật quá đỗi dịu dàng.

ngọctự.

Houston. Tháng 7/2013

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search