T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chuyến xe cuối cùng

clip_image001

Người da trắng, vàng, đen
Năm ngón tay, ngón dài ngón ngắn
Tro bụi chỉ một màu.

     (Thiền ca – Phạm Doanh)

1.

Một người thân của tôi đang ở vào giai đoạn cuối cùng của bệnh ung thư phổi. 3 năm trước, sau khi rời phòng chẩn đoán của bệnh viện với bản án tử hình như từ trời rơi xuống phán quyết rằng anh chỉ còn từ 6 tháng đến 1 năm để sống, anh đã cương quyết từ chối bản án, cương quyết từ chối cả những phương cách trị liệu mà các bác sĩ chẩn bệnh đề nghị. Ngay ngày hôm đó, anh dứt khoát bỏ hút thuốc lá, một thói quen của hơn 40 năm mà trước đó, anh không hề có ý định từ bỏ, và dù khi quyết định ném hết những gói thuốc chưa kịp hút vào thùng rác, anh không tin rằng bệnh ung thư phổi mà anh đang mắc phải có gốc rễ từ thói quen chết người ấy. Theo anh, đó là một thứ định mệnh mà anh, một con người trong số hàng tỉ con người, đã chẳng may phải gánh chịu. Nói theo ngôn ngữ của đời sống: Trời kêu ai nấy dạ.

Sống với nhau trong sự nghèo khổ, côi cút, thiếu thốn đủ thứ từ những cái vật chất nhỏ nhặt đến những nhu cầu tình cảm tối thiểu nhất, hơn ai hết, tôi hiểu sự thành thực trong những xác tín của anh về đời sống. Nhưng cái nghị lực mà anh tự một mình chống chỏi lấy số phận nghiệt ngã của mình cũng khiến tôi ngạc nhiên.

Đầu tiên là việc bỏ thuốc, không một chút do dự, khổ sở hay khoảnh khắc ngần ngại. Là một kẻ đã từng “dan díu” với người tình khói sương tròn trịa 30 năm, tôi ngưỡng mộ sức mạnh nghị lực ấy, dù công bằng mà xét, bản án ung thư phổi có góp phần đáng kể giúp anh một tay trong việc đó. Theo những nghiên cứu y khoa mới đây, thì ở người đã hút thuốc lá rồi bỏ, trong thời gian 12 năm sau khi bỏ thuốc, tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi vẫn cao hơn so với người chưa bao giờ hút thuốc. Do đó, việc bỏ hút thuốc ngay trong ngày mình bị chẩn đoán ung thư phổi, không có ý nghĩa nào khác hơn tính cách biểu trưng của nó. Như anh nói, cùi rồi thì đâu có sợ lở nữa, nhưng ít nhất, nếu  có thua  (mà phần thua anh đã nắm chắc trong tay), thì mình cũng đã không chịu bó tay dễ dàng.

Kế đến, tuy không chấp nhận những phương pháp điều trị thông thường mà hiện nay y khoa có thể cung cấp được như xạ trị, hóa trị, mà anh cho rằng chúng chỉ khiến anh kiệt sức mà chóng chết hơn thôi, nhưng anh vẫn nhờ các em của chúng tôi bên Việt Nam đi tìm mua những loại dược thảo theo sự mách bảo (qua Internet) của những người mắc bệnh như anh vẫn còn đủ sức cầm cự từ nhiều năm nay với niềm hy vọng sẽ kéo dài hơn nữa cuộc chiến không cân sức này. Mặt khác, anh bắt đầu tập thể dục hàng ngày, một việc mà anh chưa bao giờ làm trước đó. Mỗi ngày, sau khi đi làm về, anh đến một trung tâm thể dục, ở đó vài tiếng đồng hồ tập luyện theo sự hướng dẫn của các chuyên viên. Mùa đông, anh tập chịu đựng cái lạnh (mà anh cho rằng đó là kẻ thù độc ác nhất của người bị bệnh phổi)  bằng cách ở ngoài trời dưới cái lạnh cắt da trong một khoảng thời gian mà anh có thể chịu đựng được.

6 tháng đã qua đi, anh vẫn đi làm việc bình thường như người không bị bệnh. Rồi 1 năm, thời hạn tối đa của bản án tử hình đã đến. Anh vẫn sống, làm việc, ăn uống, vui chơi, dù đôi lúc vẫn cảm thấy được sự hiện diện của con vi trùng ung thư đang ẩn trốn trong cơ thể qua vài triệu chứng khó chịu trong người. Rồi 2 năm trôi qua trong sự an tâm (giả tạo) của mọi người trong gia đình. Đến năm thứ ba, những triệu chứng khó ở ngày càng nhiều. Anh vẫn cố gắng đi làm chờ đến ngày hoàn tất xong thủ tục xin hưu trí. Khi anh chính thức cầm tờ giấy hưu trí trong tay, cũng là lúc anh biết rằng, dù có một nghị lực lớn đến như thế nào chăng nữa, anh không thể làm hơn được những gì anh đã làm.

Sau hai lần vào bịnh viện, anh quyết định không trở vào đó một lần nào nữa trong những ngày còn lại ngắn ngủi của đời mình. Các con của anh đã thu xếp để bố nằm ở nhà mà khi cần, vẫn có y tá đến chăm sóc cho những việc mà người không có kiến thức y khoa không làm được.

Cuộc chiến đã đến hồi sắp kết thúc. Lượng được sức mình, anh đành giương cờ trắng xin đầu hàng.

2.

Ngồi bên giường người bệnh, nắm lấy bàn tay vốn thô ráp của anh, tôi nghĩ đến một đời làm lụng cực nhọc, một đời nghèo khổ thiếu thốn từ thuở còn cắp sách đi học cho đến khi trưởng thành, lập gia đình, rồi đến cuộc sinh ly tử biệt tháng 4 năm 1975, vợ con anh đã lỡ cuộc hẹn xuống tàu ngày cuối cùng của chiến tranh, để anh chỉ có một mình vất vưởng trên xứ người những ngày ấy oan nghiệt, ai biết được có một ngày cha lại gặp con, vợ lại gặp chồng. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Trong mấy trăm ngàn người may mắn ra đi những ngày hoang mang hỗn độn ấy, không ít người ở trong hoàn cảnh của  anh. Có nhiều người đã tìm mọi cách để quay về, tin tưởng rằng dù thế nào họ vẫn được ở bên cạnh vợ con. Nhưng họ đã lầm, như cả một nửa đất nước đã lầm. 5 ngàn người từ Mỹ trở về trên chiếc tàu Việt Nam Thương Tín cập bến cảng Sài Gòn một ngày tháng 9 năm 1975, chưa kịp nhìn lại mặt vợ con và những người thân thuộc, đã lần lượt theo nhau biến mất trong những nhà tù trên khắp miền đất nước. Riêng anh, một thứ linh tính không giải thích được đã khiến anh không có mặt trong số những người đó. Và cuộc sống xứ người cuốn anh theo nó với bao lo toan trước mặt. Thời gian sau này, anh đã làm tròn bổn phận người cha với những đứa con ở Việt Nam. Thế cũng đã xong cái nỗi ray rức khôn nguôi của thân phận một con người bị cuốn trong cơn lốc lịch sử, tất cả đều ngoài tầm tay lựa chọn của chính mình, để rồi mọi bước kế tiếp trong cuộc sống của mình đều bị ám ảnh bởi những mất mát về tình cảm, những băn khoăn về bổn phận lẽ ra phải chu toàn, và cả những chua xót khó lòng có thể chia sẻ cùng ai.

Giờ đây, anh nằm đó, bất lực. Ánh mắt vốn trước đây đầy tự tin, thứ hành trang duy nhất mà gia đình nghèo khổ của chúng tôi có thể cho anh khi anh bước vào đời, đã chỉ biểu lộ một sự cam chịu. Anh đã sẵn sàng để ra đi bất cứ lúc nào. Dù gần gủi anh khá thường, tôi vẫn không thể tưởng tượng ra được con người hiện nằm đó, thân thể đang từ từ khô kiệt, lại là con người mới chỉ vài tháng trước đây vẫn còn làm việc quần quật, nhanh nhẹn như một con sóc. Nhưng cái cứng cỏi của tâm hồn đã 60 năm nay hiện diện như cỏ hoang mọc dại trong cuộc đời này dường như không suy xuyển nhiều lắm. Những ngày này anh sống thật an bình. Không còn những lo toan đời thường. Không còn những ray rức ám ảnh phát xuất từ biến cố 30 tháng 4 năm 1975 định mệnh gây nên bước rẽ oan nghiệt cho gia đình anh. Không còn cả những nuối tiếc về đời sống ngắn ngủi của mình. 60 năm làm người, anh chưa một lần nghĩ đến sự hưởng thụ cho riêng mình. Với anh, sống là làm tròn bổn phận. Và theo anh, anh đã chu tất những nghĩa vụ đó với gia đình, với những người thân.

Thêm một lần nữa, tôi kinh ngạc trước sự thanh thản đến kỳ lạ ở anh, một người biết mình sắp sửa vĩnh biệt trần gian để ra đi vào một cõi mà không ai đã đặt chân đến có cơ hội quay lại kể cho người đời biết đôi điều về nơi chốn ấy. Khi nghe được ý nghĩ của tôi, anh mỉm cười nhắc lại sự kiện anh đặt chân lên tàu ra đi hơn 33 năm trước. Lúc ấy, cũng như bây giờ, anh đâu đã biết cái gì chờ đợi anh nơi mảnh đất xa lạ. Liệu có giúp ích gì thêm được cho kẻ ra đi không khi cứ chuốc lấy thêm những lo âu không cần thiết. Sớm muộn thì mọi người đều phải đối diện với giây phút này của đời mình. Ai xong trước thì đi trước. Ai xong sau sẽ đi sau. Chỉ mong thể xác không đau đớn. Và tâm hồn không vướng bận những hệ lụy.

Người chưa hề cầm một quyển sách nào trên tay ngoại trừ Thánh Kinh và vài quyển sách kỹ thuật, đã giúp tôi nhìn thấu đáo hơn một vấn đề đã từng được bàn cãi trong hàng ngàn pho sách từ hàng nhiều thế kỷ nay.

3.

Cơn gió tháng 10 đã mang theo với nó chút hơi lạnh. Trời lại sắp vào Thu. Khoảng thời gian cho vạn vật chuẩn bị thu mình giữ lại năng lượng của mùa hè vừa đi qua hầu đối phó với mùa đông sẽ đến. Chu kỳ đất trời lại sắp hoàn tất một vòng quay nữa. Trong cái chập choạng của hoàng hôn, cả hoàng hôn của đất trời lẫn hoàng hôn của đời mình, tôi đang đối diện với giai đoạn tạm gọi là hoàng hôn của định mệnh làm người: Bệnh trong chu trình Sinh, Lão, Bệnh, Tử tương hợp với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông của Trời Đất. Trải hàng ngàn năm, chu trình này đã quay không biết bao nhiêu vòng. Vì lẽ đó, thế giới ngày nay tồn tại trên hương hồn biết bao con người đã nối đuôi nhau bước lên chuyến xe cuối cùng của cuộc hành trình làm người. Đi về đâu trên chuyến xe đó? Câu hỏi được đặt ra từ khi có con người. Và đến nay, có nhiều câu trả lời khác nhau. Dù vậy, người ta vẫn tiếp tục hỏi.

Bên ngoài căn phòng im ắng đến tê người, những giọt nắng chiều đã biến mất tự bao giờ. Chỉ còn lại hai người, cách nhau chỉ có một tuổi, ngồi bó gối đăm chiêu như cách đây 40 năm họ đã ngồi với nhau đăm chiêu bên cạnh xác người cha vừa trút hơi thở cuối cùng.

40 năm sau, một trong hai người đã dọn mình xong để sẵn sàng ra đi. Trời tối dần. Đi về đâu trong bóng đêm thăm thẳm đang sắp sửa bủa vây? Tôi nhớ lại sự so sánh mà anh nhắc đến việc 33 năm trước đây anh xuống tàu ra đi.

Tôi chợt tỉnh ngộ. Trong hai kẻ ngồi bên nhau giây phút này đây, chính tôi mới là kẻ cần được an ủi. Tôi khẽ khàng đỡ cho anh nằm xuống. Căn phòng đã tràn ngập bóng tối. Đứng bên cạnh giường, nghe hơi thở yếu ớt của người bệnh, tôi hình dung ra giây phút mình sẽ vuốt đôi mắt anh lần cuối cùng, như ngày xưa anh đã vuốt mắt cho người cha tội nghiệp của chúng tôi. Tôi không biết lúc ấy mình còn nước mắt để khóc nữa hay không. Nhưng có nước mắt tiễn đưa hay không của đứa em lúc nào cũng tưởng mình khôn hơn anh mình thì mặc cho thân xác lạnh giá nằm đó, khi ấy linh hồn anh đã thảnh thơi lên chuyến xe cuối cùng về một nơi, mà khi còn sống, anh không bận tâm suy nghĩ đến.

Thôi vậy nhé! Khi anh đi, tôi sẽ đứng ở sân ga để vẫy tay chào anh lần cuối. Lần này thì chắc chắn là anh sẽ mãi mãi an bình. Amen!

Tháng 10-2008

© T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search